Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 52/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 21 tháng 02 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

CHUYỂN ĐỔI SỐ TỈNH ĐỒNG THÁP NĂM 2024

Phần I

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN NĂM 2023

I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN MỤC TIÊU NĂM 2023

Thực hiện Kế hoạch số 99/KH-UBND ngày 16/3/2023 của Ủy ban nhân dân Tỉnh về Chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp năm 2023, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Tỉnh đã phấn đấu đạt và vượt 43/51 chỉ tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch đề ra, trong đó có 17 chỉ tiêu vượt và 26 chỉ tiêu đạt Kế hoạch (Chi tiết Phụ lục I kèm theo).

II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ NĂM 2023

1. Nhận thức số

1.1. Ngày Chuyển đổi số

Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch số 08/KH-UBND ngày 18/09/2023 về việc hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp và Ngày Chuyển đổi số Quốc gia năm 2023 với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng nhằm tăng cường sự hợp tác giữa chính quyền và các doanh nghiệp cung cấp giải pháp chuyển đổi số; đồng thời, lan tỏa, thu hút sự hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đối với các nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về chuyển đổi số. Tuyên truyền bộ quy tắc ứng xử trên môi trường số, các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin khi tham gia các hoạt động trên môi trường số; đẩy mạnh việc cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến, mua sắm trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt; thực hiện chi trả trợ cấp xã hội, hỗ trợ an sinh xã hội không dùng tiền mặt; hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng VneID và e-Dongthap,… góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

a) Kết quả đạt được

- Chỉ đạo Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp, Báo, Cổng thông tin điện tử Tỉnh, hệ thống thông tin cơ sở, Trang thông tin điện tử các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp tổ chức tuyên truyền các hoạt động chuyển đổi số nhân Ngày chuyển đổi số (ngày 10 tháng 10)([1]).

- Chỉ đạo các địa phương, đơn vị hiển thị bộ nhận diện Ngày Chuyển đổi số quốc gia trên Trang/Cổng Thông tin điện tử của cơ quan, trên các màn hình công cộng([2]). Đồng thời, phát động cán bộ, công chức, viên chức, người dân trên địa bàn Tỉnh hưởng ứng các hoạt động nhân ngày chuyển đổi số như: thay đổi ảnh đại diện trên Facebook có khung chứa thông tin tuyên truyền Ngày chuyển đổi số; hướng dẫn, vận động cài đặt sử dụng các ứng dụng: VNeID, VssID, e- DongThap, Y tế Đồng Tháp, sổ sức khoẻ điện tử, chữ ký số cá nhân, các ứng dụng thanh toán trực tuyến…([3]).

- Tổ chức Hội thảo “An toàn thông tin cho dữ liệu số”, với hơn 100 đại biểu đến từ các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh tham gia; cử 01 cá nhân tiêu biểu tiêu biểu có những đóng góp tích cực tham gia hoạt động của Tổ Công nghệ số cộng đồng tham dự Chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tại Hà Nội.

b) Tồn tại, hạn chế: Một số ngành, địa phương chủ yếu triển khai thực hiện công tác truyền thông, chưa tổ chức được các hoạt động thiết thực về chuyển đổi số.

1.2. Chia sẻ bài toán, sáng kiến, cách làm về chuyển đổi số

a) Kết quả đạt được: Tiếp tục phổ biến cho các sở, ngành Tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện truy cập, học tập kinh nghiệm từ các câu chuyện chuyển đổi số trên trang thông tin điện tử https://t63.mic.gov.vn và https://c63.mic.gov.vn. Tổ chức đánh giá, khen thưởng mô hình hay về chuyển đổi số, tiêu biểu như: Mô hình “Làng thông minh” tại xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh; ứng dụng công nghệ AI Voice (Artificial Intelligence Voice - Trí thông minh nhân tạo) vào sản xuất chương trình phát thanh của Đài Truyền thanh huyện Tam Nông; giải pháp tự động thông tin về tình trạng Giấy phép tiến hành công việc bức xạ (sử dụng thiết bị X - quang chẩn đoán trong y tế) thông qua ứng dụng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu an toàn bức xạ đến các Cơ sở X - quang chẩn đoán y tế của Sở Khoa học và Công nghệ; máy nhận - trả hồ sơ dịch vụ công tự động - gọi tắt là “Máy APS” (Auto Public Services) của phường An Hoà, thành phố Sa Đéc; mô hình truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Châu Thành; mô hình ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa của xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười…

b) Tồn tại, hạn chế: Không có nhiều mô hình, sáng kiến mới; các địa phương, đơn vị đề xuất mô hình, sáng kiến chủ yếu xoay quanh việc hỗ trợ người dân nộp hồ sơ trực tuyến, tạo nhóm Zalo để xử lý công việc. Chưa đi sâu vào đề xuất việc chuẩn hoá và cung cấp dữ liệu mở cho người dân, doanh nghiệp.

1.3. Truyền thông về Chuyển đổi số

a) Kết quả đạt được: Chỉ đạo các ngành, địa phương thiết lập Zalo OA với vai trò là một trong những kênh thông tin quan trọng để giao tiếp với người dân, doanh nghiệp. Riêng Zalo OA “Chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp” đã tích hợp dịch vụ tra cứu kết quả giải quyết thủ tục hành chính và liên kết với Zalo OA “Chuyển đổi số quốc gia”, Cổng Thông tin điện tử Tỉnh, ứng dụng e-Dongthap để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc trao đổi thông tin, nắm bắt kịp thời các chủ trương, chính sách của các cơ quan nhà nước.

b) Tồn tại, hạn chế: Số lượt giao tiếp của người dân, doanh nghiệp qua kênh Zalo OA của các cơ quan nhà nước còn ít.

2. Thể chế số

2.1. Ban hành Nghị quyết của cấp ủy và kế hoạch 05 năm của cấp chính quyền về chuyển đổi số

a) Kết quả đạt được

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp khoá XI đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU([4]), Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện([5]), 12/12 huyện, thành phố ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện; các sở, ban, ngành Tỉnh ban hành Kế hoạch, văn bản chuyên đề về chuyển đổi số.

Ban hành Đề án chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp([6]), với 3 trụ cột gồm: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; ban hành 03 Đề án ngành Nông nghiệp, Giáo dục, Y tế để thực hiện các nhiệm vụ chính trong Đề án chuyển đổi số của tỉnh, với mục tiêu đến năm 2025, Đồng Tháp nằm trong top 25 và đến năm 2030, nằm trong tốp 20 tỉnh, thành phố có chỉ số chuyển đổi số tốt nhất của cả nước. Ngoài ra, ban hành các Kế hoạch riêng để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể Nghị quyết và Đề án([7]).

Bên cạnh việc ban hành Nghị quyết, Đề án chuyển đổi số, năm 2023, tỉnh Đồng Tháp cũng đã ban hành một số văn bản quan trọng tạo hành lang pháp lý để thúc đẩy chuyển đổi số như:

Nghị quyết số 39/NQ-HĐND ngày 18/7/2023 của Hội đồng nhân dân Tỉnh Quy định mức thu phí, lệ phí đối với hoạt động cung cấp DVC bằng hình thức trực tuyến trên địa bàn Tỉnh, trong đó giảm 50% phí, lệ phí khi thực hiện thủ tục hành chính bằng hình thức dịch vụ công trực tuyến.

Kế hoạch số 308/KH-UBND ngày 18/9/2023 hưởng ứng ngày Chuyển đổi số quốc gia và ngày Chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp; Quyết định số 970/QĐ-UBND-HC ngày 21/9/2023 ban hành Quy chế bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho các Hệ thống thông tin tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh Đồng Tháp; Quyết định số 1019/QĐ-UBND-HC ngày 30/9/2023 phê duyệt Báo cáo chỉ số đánh giá, xếp hạng chuyển đổi số năm 2022; Quyết định số 1024/QĐ-UBND- HC ngày 03/10/2023 ban hành danh mục Cơ sở dữ liệu dùng chung; Quyết định số 1025/QĐ-UBND-HC ngày 03/10/2023 ban hành danh mục dữ liệu mở tỉnh Đồng Tháp…

b) Tồn tại, hạn chế: Chưa ban hành Nghị quyết về mức chi tối thiểu cho chuyển đổi số và định mức thuê chuyên gia chuyển đổi số do chưa có đủ cơ sở pháp lý.

2.2. Hoạt động của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số năm 2023

a) Kết quả đạt được: Ngay từ đầu năm 2023, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Tỉnh đã xây dựng chương trình công tác, trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên để triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả; tổ chức 04 kỳ họp để đánh giá tình hình thực hiện chương trình công tác của Ban Chỉ đạo và cho ý kiến thực hiện các nhiệm vụ phát sinh do cơ quan thường trực trình, đồng thời triển khai nhiều nhiệm vụ phát sinh theo yêu cầu thực tế.

b) Tồn tại, hạn chế: Một số thành viên mới tham gia, chưa nắm bắt kịp thời nhiệm vụ đã được phân công trong Ban Chỉ đạo.

3. Hạ tầng số

3.1. Kết quả đạt được

Mạng viễn thông tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông, internet, đồng thời bảo đảm duy trì tiêu chí số 8 về xây dựng nông thôn mới của tỉnh (67/115 xã trong tỉnh đã đạt tiêu chí số 8 xây dựng nông thôn mới, 10/115 xã đạt tiêu chí số 8 xây dựng nông thôn mới nâng cao). Toàn tỉnh có 08 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông; 100% khóm, ấp trên địa bàn tỉnh đã phủ sóng thông tin di động 3G, 4G (hơn 4.350 trạm), không lõm sóng và có đường truyền Internet cáp quang FTTx.

Chất lượng dịch vụ viễn thông bảo đảm phục vụ quốc phòng - an ninh, công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân; bảo đảm hạ tầng phục vụ triển khai Đề án chuyển đổi số của tỉnh, phục vụ các sự kiện chính trị quan trọng và các lễ hội lớn của tỉnh. Công tác cải tạo, chỉnh trang, làm gọn mạng cáp ngoại vi viễn thông tiếp tục được quan tâm, chấn chỉnh; xử lý tình trạng cáp viễn thông không bảo đảm an toàn và mất mỹ quan đô thị. Hiện, Tỉnh đang hoàn thiện Đề án ngầm hóa mạng cáp ngoại vi viễn thông, cáp điện lực đồng bộ với các hạ tầng khác trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Hạ tầng công nghệ thông tin được đầu tư, nâng cấp phục vụ chính quyền số. Hệ thống mạng diện rộng WAN, mạng LAN, mạng truyền số liệu chuyên dùng đã được kết nối đến 100% cơ quan hành chính đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước. Trung tâm Điều hành thông minh của tỉnh (thuộc Trung tâm Chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp) vận hành ổn định, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển, vận hành các nền tảng chuyển đổi số, đô thị thông minh, phục vụ công tác chỉ huy, điều hành các hoạt động kinh tế - xã hội của Lãnh đạo tỉnh. Ngoài ra, thí điểm thành lập 03 Trung tâm Điều hành thông minh tại thành phố Cao Lãnh, thành phố Hồng Ngự và thành phố Sa Đéc.

Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh triển khai theo mô hình điện toán đám mây dùng riêng, bảo đảm năng lực phục vụ các ứng dụng dùng chung toàn tỉnh. Mạng truyền số liệu chuyên dùng kết nối liên thông, xuyên suốt 3 cấp trong tỉnh với Cục Bưu điện Trung ương, sẵn sàng cho việc triển khai kết nối các hệ thống thông tin, liên thông, chia sẻ dữ liệu.

Triển khai Kế hoạch chuyển đổi IPv6 cho các cơ quan nhà nước theo lộ trình; phối hợp với Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) tổ chức tập huấn IPv6 cơ bản và nâng cao cho công chức chuyên trách công nghệ thông tin các Sở Thông tin và Truyền thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

3.2. Tồn tại, hạn chế: Việc mua sắm bản quyền tường lửa cơ sở dữ liệu gặp khó khăn do không có nhiều hãng cung cấp; chưa có nhiều doanh nghiệp công bố giá sản phẩm nên khó bảo đảm tính cạnh tranh, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

4. Dữ liệu số

4.1. Kết quả đạt được: Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh Đồng Tháp tiếp tục được các địa phương, đơn vị duy trì thường xuyên được tổng hợp và hiển thị trên Trung tâm Điều hành thông minh của tỉnh, phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo; ban hành danh mục Cơ sở dữ liệu dùng chung và danh mục dữ liệu mở theo quy định của Nghị định số 47/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước và Quy chế bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho các Hệ thống thông tin tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh Đồng Tháp. Hiện, đang thu thập dữ liệu mở của các sở, ngành và địa phương để tổng hợp, chuẩn hóa và đưa lên cổng dữ liệu mở của Tỉnh.

4.2. Tồn tại, hạn chế: Dữ liệu một số ngành, lĩnh vực còn tồn tại dưới dạng bảng tính (văn bản Excel) hoặc dạng file PDF, do đó, cần phải biên tập lại mới có thể bảo đảm cho máy đọc.

5. Nền tảng số

5.1. Kết quả đạt được: Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP) hiện kết nối với 19/23 cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin quốc gia (Đồng Tháp thuộc nhóm các tỉnh, thành phố thực hiện tốt nhiệm vụ này). Bên cạnh đó, triển khai các nền tảng riêng như: Nền tảng dữ liệu số nông nghiệp; nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung; nền tảng số quản trị tổng thể, thống nhất toàn Tỉnh, thành phố phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan nhà nước; nền tảng họp trực tuyến Cisco Meeting; nền tảng giám sát trực tuyến phục vụ công tác quản lý nhà nước (IOC); nền tảng trợ lý ảo phục vụ người dân, doanh nghiệp (chatbot 1900.865699); nền tảng AI phân tích dữ liệu camera (TriS)

5.2. Tồn tại, hạn chế: Chưa triển khai nền tảng trợ lý ảo phục vụ công chức, viên chức do các sản phẩm trên thị trường hiện nay vẫn chưa hoàn thiện, chi phí triển khai khá cao.

6. Nhân lực số

6.1. Kết quả đạt được: Xác định nguồn nhân lực là yếu tố quyết định sự thành công của chuyển đổi số. Năm 2023, tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng và các hoạt động về chuyển đổi số như:

- Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức tập huấn cập nhật kiến thức an toàn thông tin cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp sở, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện; tập huấn khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (thông qua hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Tỉnh) cho gần 500 cán bộ, công chức tiếp nhận, xử lý và trả kết quả. Bồi dưỡng cập nhật kiến thức về chuyển đổi số cho 150 cán bộ, công chức cấp huyện; 1.202 cán bộ công chức, viên chức chuyên trách, bán chuyên trách cho các cán bộ cấp xã và hơn 3.450 người dân trên địa bàn Tỉnh.

- Trường Chính trị Tỉnh mở 08 lớp đào tạo kỹ năng ứng dụng công nghệ số cho 320 cán bộ, công chức cấp xã. Ngoài ra, đưa vào giảng dạy chuyên đề “Kỹ năng làm việc trên môi trường số” cho các lớp bồi dưỡng quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, “Thực hiện chuyển đổi số quốc gia và thực tiễn địa phương” cho các lớp lãnh đạo cấp phòng và đối tượng 4, “Hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” cho các lớp Trung cấp lý luận chính trị với tổng số trên 700 lượt học viên.

- Một số cơ sở giáo dục đào tạo trong Tỉnh đưa chuyên đề về chuyển đổi số vào chương trình đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn, dài hạn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

- Hội Liên hiệp Phụ nữ Tỉnh quan tâm chỉ đạo, phát huy vai trò của Tổ Phụ nữ chuyển đổi số/Tổ Phụ nữ công nghệ số cộng đồng ở cơ sở trong hướng dẫn thực hiện dịch vụ công, tuyên truyền về tài khoản định danh điện tử, ứng dụng VneID; thành lập và duy trì 91 Tổ Phụ nữ chuyển đổi số/Tổ Phụ nữ công nghệ số cộng đồng với 797 thành viên. Ngoài ra, có 852 cán bộ Hội cơ sở tham gia Tổ hỗ trợ chuyển đổi số cộng đồng/Tổ Công nghệ số cộng đồng do Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thành lập. Các tổ đã phối hợp cùng lực lượng Công an cơ sở đến tận nhà, cộng đồng dân cư, khu vực chợ, siêu thị, công viên, các sự kiện tập trung đông người… thực hiện tuyên truyền, vận động cài đặt, hỗ trợ kích hoạt tài khoản định danh điện tử, các tiện ích của ứng dụng VNeID và sử dụng tài khoản định danh điện tử tham gia vào các Cổng dịch vụ công trực tuyến…

- Lực lượng đoàn viên, thanh niên toàn Tỉnh thành lập 143 Tổ Thanh niên chuyển đổi số cộng đồng cấp xã cùng đoàn viên, thanh niên tình nguyện phối hợp cùng lực lượng chức năng ngày đêm thực hiện đăng ký định danh điện tử… Đến nay, lực lượng đoàn viên thanh niên trong tỉnh đã tổ chức hơn 3.300 hoạt động hỗ chuyển đổi số, tiếp cận gần 232.000 lượt người dân, hộ gia đình để hỗ trợ các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, cài đặt và sử dụng VneID, ứng dụng e-Dongthap và khai thác nhiều tiện ích khác.

6.2. Tồn tại, hạn chế: Nguồn nhân lực số chất lượng cao của Tỉnh ngày càng ít do bị thu hút bởi các địa phương có thế mạnh về công nghiệp công nghệ số. Tỉnh chưa ban hành được cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực số chất lượng cao do chưa có chủ trương chung của Chính phủ.

7. An toàn thông tin mạng

7.1. Kết quả đạt được

Trên địa bàn tỉnh có 4.755 thiết bị được giám sát mã độc tập trung (các sở, ban, ngành có số lượt nhiễm trung bình: 859 lượt/đơn vị; địa phương cấp huyện, thành phố có số lượt nhiễm trung bình: 1.801 lượt/địa phương). Hầu hết các cảnh báo lỗ hổng bảo mật đều được các đơn vị, địa phương triển khai các biện pháp vá lỗi đầy đủ, các mạng LAN bị nhiễm mã độc botnet đều được xử lý triệt để, góp phần làm sạch không gian mạng của tỉnh Đồng Tháp.

Hoàn tất thẩm định và phê duyệt cấp độ an toàn thông tin hệ thống mạng LAN cho tất cả các cơ quan, địa phương trên địa bàn tỉnh (20 đơn vị cấp tỉnh, 12 đơn vị cấp huyện và 143 đơn vị cấp xã). Tiếp tục duy trì 4/4 lớp bảo đảm an toàn thông tin theo Nghị định số 85/NĐ-CP, gồm: lực lượng tại chỗ; thuê doanh nghiệp giám sát, bảo vệ chuyên nghiệp; kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống giám sát quốc gia; kiểm tra, đánh giá định kỳ. Hầu hết các máy tính của các cơ quan nhà nước đều cài đặt phần mềm phòng chống mã độc; kết nối chia sẻ thông tin, dữ liệu tình hình lây nhiễm mã độc với hệ thống kỹ thuật của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia; thuê đơn vị độc lập giám sát 100% thiết bị, hệ thống thông tin tại Trung tâm tích hợp dữ liệu Tỉnh.

7.2. Tồn tại, hạn chế: Một số đơn vị, địa phương cài đặt phần mềm phòng chống mã độc tập trung chưa đầy đủ theo chỉ tiêu được giao. Nguyên nhân do máy tính tại một số phòng, ban và các xã, thị trấn có cấu hình thấp, thường xuyên bị lỗi; kinh phí được bố trí còn hạn chế nên chưa thể trang bị máy tính mới.

8. Xây dựng Chính quyền số

8.1. Kết quả đạt được

Công bố danh mục Thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu triển khai, cung cấp Dịch vụ công trực tuyến toàn trình và Dịch vụ công trực tuyến một phần trong tiếp nhận, giải quyết Thủ tục hành chính trên Hệ thống thông tin giải quyết Thủ tục hành chính tỉnh Đồng Tháp (gồm, 841 Dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 561 Dịch vụ công trực tuyến một phần). Hệ thống thông tin giải quyết Thủ tục hành chính cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện trên tổng số 1.784 thủ tục hành chính; kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu về Cổng Dịch vụ công Quốc gia, với1.385 dịch vụ công trực tuyến; tỷ lệ phát sinh hồ sơ dưới hình thức trực tuyến là 59,23%. Hồ sơ và kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã được số hoá và lưu trữ trên kho dữ liệu cá nhân người dân, doanh nghiệp trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính để tái sử dụng cho những lần thực hiện tiếp theo; được tích hợp vào Kho dữ liệu cá nhân của người dân, tổ chức trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Hoàn thành cấp chữ ký số cho Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm hành chính công, cấp huyện và cấp xã; tích hợp chữ ký số công cộng lên Hệ thống thông thông tin giải quyết Thủ tục hành chính tỉnh Đồng Tháp, đẩy mạnh triển khai cài đặt chữ ký số công cộng cho người dân (vận động, hỗ trợ người dân cài đặt 02 chữ ký số công cộng: Mysign của Viettel và VNPT SmartCA của VNPT).

Hoàn thành dự án Nâng cấp hệ thống hạ tầng phục vụ Chính quyền số và an toàn thông tin mạng tỉnh Đồng Tháp để bổ sung hạ tầng cho Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh gồm máy chủ và thiết bị lưu trữ. Triển khai mua sắm thiết bị phần cứng phục vụ Đề án 06 gồm: trang bị dịch vụ phòng chống DDOS cho Trung tâm tích hợp dữ liệu, mua sắm máy đọc mã vạch QR-code, thiết bị đọc thẻ gắn chip và máy scan A4… cho Trung tâm Hành chính công của tỉnh; xây dựng trang thông tin cho các xã Nông thôn mới thực hiện công khai minh bạch quá trình giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh.

Triển khai thực hiện Kế hoạch số 332/KH-UBND ngày 17/3/2023 của Ủy ban nhân dân Tỉnh về thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp; cùng với các đơn vị liên quan triển khai 46 mô hình điểm của Đề án.

Hoàn thành việc kết nối Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh với phần mềm dịch vụ công liên thông để tổ chức triển khai thực hiện liên thông điện tử đối với 02 nhóm thủ tục hành chính: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng tại địa phương theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tổng đài 1022 của tỉnh Đồng Tháp đã tiếp nhận 4.057 ý kiến phản ánh của người dân, doanh nghiệp; đã trả lời 4.043 ý kiến (chiếm tỷ lệ 99,65%), còn 10 ý kiến đang trong thời gian xử lý (chiếm tỷ lệ 0,35%).

8.2. Tồn tại, hạn chế: Hầu hết các ngành, địa phương chưa chủ động chuyển đổi số, một số ít có chủ động nhưng lại không nắm rõ nhu cầu và cách triển khai thực hiện mà chủ yếu thực hiện hoàn toàn theo sự tư vấn của các doanh nghiệp nên hiệu quả không cao, chi phí lớn.

9. Kinh tế số

9.1. Kết quả đạt được

Theo số liệu công bố của Tổng Cục Thống kê, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP của năm 2023 có tăng nhẹ so với năm trước với khoảng 4,96%([8]). Tuy nhiên, vẫn còn rất thấp so với các tỉnh, thành phố trên cả nước (xếp thứ 62/63 tỉnh, thành phố).

Các hoạt động thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp được quan tâm triển khai; ban hành Kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số, triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trải nghiệm các nền tảng công nghệ số, tập huấn kỹ năng chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, xây dựng trang tin điện tử (website) cho các hợp tác xã để tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Duy trì thường xuyên hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân, hộ sản xuất nông nghiệp trên sàn thương mại điện tử nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Tổ chức Hội nghị tập huấn hướng dẫn cho gần 100 doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp tiếp cận các chính sách hỗ trợ công nghệ số theo Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ và giới thiệu một số sản phẩm công nghệ số phù hợp cho quy mô doanh nghiệp.

Việc bán hàng và mua sắm trên môi trường điện tử đã trở thành thói quen của đa số người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Đến nay, có hơn 438 sản phẩm của 102 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã được kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử lớn như Tiki, Lazada, Shopee, Sendo... Riêng 2 sàn Voso và Postmart thời gian gần đây lượng truy cập ít, đôi khi không truy cập được nên tạm thời các sản phẩm mới không niêm yết trên các sàn giao dịch này.

Tổ chức các lớp tập huấn như: “Xây dựng và phát triển thương hiệu OCOP”, lớp tập huấn kết nối cung cầu, tiêu thụ nông sản tỉnh Đồng Tháp với các kênh phân phối ngoài Tỉnh; tổ chức Tọa đàm “Phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông nghiệp, làng nghề”; thảo luận cách kết hợp sản phẩm OCOP với du lịch thông qua sự giao thoa với công nghệ số, thu hút 140 đại biểu trong và ngoài tỉnh tham gia, qua đó, tăng cường sự hiểu biết về lợi ích của việc chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch và sản xuất; tổ chức đào tạo kỹ năng Marketing xuất khẩu: tập trung vào việc học cách sử dụng công nghệ để tiếp cận thị trường RCEP. Kết quả: hỗ trợ hơn 50 doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, cơ sở sản xuất sử dụng kỹ năng Marketing trực tuyến để mở rộng quy mô xuất khẩu.

Phối hợp với bộ, ngành Trung ương thực hiện chuỗi hoạt động xúc tiến trực tuyến; phối hợp với Công ty TNHH Công nghệ TikTok Việt Nam, Công ty có giải pháp công nghệ số để tạo ra các sự kiện xúc tiến trên nền tảng số; thực hiện các chiến dịch quảng bá trên nền tảng số như: lễ phát động chiến dịch quảng bá sản phẩm OCOP, nông sản và du lịch trên TikTok, tận dụng sức ảnh hưởng của mạng xã hội; thực hiện chiến dịch với chủ đề “Đồng Tháp - Xứ sở Sen Hồng”.

9.2. Tồn tại, hạn chế: Trên địa bàn Tỉnh hầu như chưa có doanh nghiệp cung cấp nền tảng số mà chủ yếu là cung cấp hạ tầng số và một ít dịch vụ dữ liệu số nên tỷ trọng đóng góp của kinh tế số vào GRDP của tỉnh thấp hơn mặt bằng chung của cả nước. Kinh tế số ngành, lĩnh vực chưa có tiêu chí thống kê rõ ràng, cũng chưa có các cuộc điều tra thống kê nên việc xác định tỷ trọng đóng góp kinh tế số ngành, lĩnh vực trên địa bàn Tỉnh là hết sức khó khăn.

10. Xã hội số

10.1. Kết quả đạt được

Toàn tỉnh Đồng Tháp có 83,66% hộ gia đình có kết nối Internet băng rộng cố định; tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại thông minh đạt 90,76%; hơn 1.900.000 thuê bao điện thoại cố định và di động; hơn 1.450.000 thuê bao Internet; 100% khóm, ấp có đường truyền Internet cáp quang FTTx; 88/143 đài truyền thanh (đạt tỷ lệ 62%) chuyển đổi sang đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông.

Bên cạnh các Tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập theo Đề án thí điểm của Ủy ban nhân dân Tỉnh, đến nay, có 320 khóm, ấp thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng (chiếm tỷ lệ 45,8%); các cấp bộ đoàn thành lập Tổ Thanh niên chuyển đổi số cộng đồng ở cả 12/12 huyện, thành phố; 143/143 xã, phường, thị trấn với số lượng hơn 950 đoàn viên, hình thành nên một lực lượng mạnh mẽ, rộng khắp trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ người dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất và đời sống. Đến nay, các lực lượng này đã tổ chức hơn 3.300 hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số, tiếp cận gần 232.000 lượt người dân, hộ gia đình để hỗ trợ các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, cài đặt và sử dụng VneID, ứng dụng e-Dongthap và khai thác nhiều tiện ích khác.

10.2. Tồn tại, hạn chế: Hiện, chưa có văn bản hướng dẫn quy định kinh phí hoạt động của các Tổ Công nghệ số cộng đồng nên chưa có cơ sở tham mưu Hội đồng nhân dân Tỉnh ban hành Nghị quyết hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước; việc triển khai hình thức thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là khi người dân thực hiện nạp tiền vào tài khoản hoặc ví điện tử.

11. Kinh phí thực hiện

11.1. Tổng kinh phí: 171,17 tỷ đồng. Trong đó:

- Vốn đầu tư công: 84,027 tỷ đồng (Chi tiết Phụ lục II kèm theo)

- Vốn chi thường xuyên: 87,143 tỷ đồng (Chi tiết Phụ lục III kèm theo)

11.2. Tỷ lệ chi cho chuyển đổi số của tỉnh so với tổng chi ngân sách nhà nước([9]): 1,09%

Phần II

NỘI DUNG KẾ HOẠCH NĂM 2024

I. CĂN CỨ LẬP KẾ HOẠCH: (Chi tiết Phụ lục IV kèm theo)

II. MỤC TIÊU

Thúc đẩy việc số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính để tái sử dụng. Hoàn thiện kho dữ liệu dùng chung và nền tảng dữ liệu mở để tích hợp dữ liệu của các địa phương, đơn vị và phân loại, chia sẻ lại cho các tổ chức, cá nhân cùng khai thác qua đó tạo nền tảng phát triển Chính quyền số, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền. Thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số nhằm phát triển doanh nghiệp và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn Tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững. Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số, góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh. Phấn đấu năm 2024, Đồng Tháp xếp vị trí thứ 29 trở lên về chỉ số chuyển đổi số (DTI) cấp tỉnh.

1. Xây dựng dữ liệu số

- Tỉnh có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, có ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động.

- 100% cơ quan nhà nước cập nhật đầy đủ dữ liệu trên hệ thống thông tin báo cáo.

- Kết nối, khai thác 100% cơ sở dữ liệu quốc gia theo hướng dẫn của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương.

- 100% cơ quan nhà nước cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện tham gia cung cấp dữ liệu mở dưới định dạng máy có thể đọc phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội.

- 100% hệ thống thông tin dùng chung, hệ thống thông tin chuyên ngành của các cơ quan nhà nước thuộc tỉnh cung cấp dịch vụ chia sẻ dữ liệu trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu LGSP.

- Trên 90% thiết bị giám sát IoT của các ngành, địa phương chia sẻ dữ liệu cho Trung tâm điều hành thông minh (IOC) Tỉnh.

- Đưa nền tảng dữ liệu số nông nghiệp vào sử dụng chính thức.

2. Xây dựng Chính quyền số

- Duy trì cung cấp 100% thủ tục hành chính có đủ điều kiện dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình.

- 100% thủ tục hành chính được số hoá hồ sơ và kết quả giải quyết để có thể tái sử dụng.

- Ít nhất 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến, người dân chỉ phải nhập dữ liệu một lần.

- Ít nhất 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính.

- Thực hiện 40 mô hình điểm của Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

- 100% văn bản được trao đổi qua môi trường mạng dưới dạng văn bản điện tử, được ký số bởi chữ ký số chuyên dùng, trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật.

- 100% cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ 24/7, sẵn sàng phục vụ trực tuyến bất cứ khi nào người dân và doanh nghiệp cần.

- 100% công chức được gắn định danh số trong xử lý công việc.

- 100% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan nhà nước được thực hiện trên nền tảng quản trị tổng thể, thống nhất.

- 90% hồ sơ được tạo, lưu giữ, chia sẻ dữ liệu điện tử theo quy định.

- Ít nhất 50% nội dung chương trình thi tuyển, thi nâng ngạch quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, chuyên viên chính hoặc tương đương được thực hiện trực tuyến.

- 100% lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng số để sử dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản cho yêu cầu công việc.

- 50% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu và công nghệ số.

- Ít nhất 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.

- Trên 80% cuộc họp giữa cấp tỉnh với cấp huyện, cấp huyện với cấp xã được tổ chức theo hình thức Hội nghị trực tuyến.

- Trên 80% thiết bị trong điều tra, khảo sát, quan trắc, đo đạc đạc (trong lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường) sử dụng công nghệ số, bảo đảm thu nhận trực tiếp dữ liệu số, trong đó 70% tích hợp giải pháp thông minh sử dụng công nghệ Internet kết nối vạn vật (IoT).

- 100% tuyến quốc lộ, trên 50% tuyến tỉnh lộ được lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông.

3. Phát triển kinh tế số

- 58% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.

- Hỗ trợ ít nhất 70 doanh nghiệp vừa và nhỏ trải nghiệm các nền tảng chuyển đổi số.

- 60% dân số trở lên tham gia mua sắm trực tuyến.

- 100% sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) có mặt trên các sàn thương mại điện tử.

- Trên 40% nông dân biết ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT) vào quy trình sản xuất, khai thác thông tin cung - cầu thông qua mạng Internet, mua bán trực tuyến.

- 50% số xã và các đơn vị hành chính tương đương trên địa bàn tỉnh có thương nhân thực hiện hoạt động bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trực tuyến.

- 100% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông, truyền hình trả tiền triển khai thu cước, phí theo hình thức không dùng tiền mặt.

- Kinh tế số chiếm 6,5% GRDP.

- Năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 7%.

4. Phát triển xã hội số

- Trên 80% hộ gia đình có kết nối Internet băng rộng cố định.

- Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 80%.

- Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt 80%.

- 70% dân số có kiến thức số, kỹ năng số cơ bản.

- Mỗi năm đào tạo tối thiểu 600 nhân lực chuyên ngành công nghệ thông tin - truyền thông có trình độ từ Trung cấp trở lên, trong đó các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh chiếm tỷ lệ ít nhất 30%.

- 100% dân số trưởng thành có danh tính số kèm theo QR code.

- 70% các cơ sở giáo dục từ tiểu học đến trung học phổ thông hoàn thiện được mô hình quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số mở.

- 87% dân số có hồ sơ sức khoẻ điện tử.

- 90% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh triển khai tư vấn khám, chữa bệnh từ xa.

5. Bảo đảm an toàn, an ninh mạng

- 100% hệ thống thông tin của tỉnh và mạng LAN của các sở, ngành, UBND cấp huyện được kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin.

- Tỷ lệ máy tính trong cơ quan hành chính nhà nước có cài đặt phần mềm phòng chống mã độc theo Chỉ thị 14/CT-TTg đạt 95% trở lên.

III. NHIỆM VỤ

1. Nhận thức số: Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan truyền thông trên địa bàn Tỉnh tăng cường tuyên truyền các hoạt động chuyển đổi số. Tổ chức các hoạt động thiết thực nhân ngày chuyển đổi số 10/10/2024 theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông và nhu cầu thực tiễn của địa phương; phổ biến mô hình hay, cách làm mới về chuyển đổi số trên trang thông tin điện tử về chuyển đổi số của tỉnh https://chuyendoiso.dongthap.gov.vn, trên chuyên mục chuyển đổi số của các cơ quan truyền thông và các trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước; phổ biến cho người dân, doanh nghiệp tham khảo, áp dụng mô hình chuyển đổi số trên trang https://t63.mic.gov.vn và https://c63.mic.gov.vn

2. Thể chế số

Rà soát, sửa đổi chính sách thuộc thẩm quyền của địa phương, đồng bộ với Luật Giao dịch điện tử và Luật Viễn thông; nâng cấp Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Đồng Tháp 2.0 lên phiên bản 3.0.

Tiếp tục nghiên cứu, ban hành chính sách ưu đãi về thời gian, lệ phí đối với các thủ tục hành chính được thực hiện theo hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình; nghiên cứu ban hành “Chính sách tỷ lệ chi tối thiểu và hướng dẫn định mức chi cho ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số” “Chính sách thuê chuyên gia chuyển đổi số” khi có đầy đủ cơ sở pháp lý; xây dựng Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số năm 2024.

3. Hạ tầng số

Rà soát, xóa các vùng lõm sóng trên địa bàn, yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông bảo đảm tốc độ mạng viễn thông di động đạt tối thiểu 40 Mbps; phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet phát triển mạng viễn thông tại các khu vực khó khăn nhằm bảo đảm mục tiêu mỗi hộ gia đình có khả năng tiếp cận một đường Internet cáp quang băng rộng.

Xây dựng lộ trình bảo đảm mỗi người dân trưởng thành có một điện thoại thông minh (trước tiên, mỗi hộ gia đình có một thiết bị thông minh, sau đó, mỗi người dân trưởng thành có một điện thoại thông minh). Thống kê danh sách các gia đình thuộc đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có điện thoại thông minh để đề xuất sử dụng Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam hỗ trợ. Trường hợp số hộ nghèo, hộ cận nghèo vượt quá số lượng mà Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam có thể hỗ trợ, tỉnh sẽ kết hợp các nguồn lực khác của địa phương, kết hợp với doanh nghiệp viễn thông hoặc huy động các nguồn lực xã hội hoá để triển khai.

- Tổ chức vận hành, khai thác hiệu quả Trung tâm dữ liệu tập trung của tỉnh; bổ sung các giải pháp an toàn, bảo mật để đạt tiêu chuẩn quốc gia, phục vụ nhu cầu chuyển đổi số của địa phương. Từng bước chuyển dịch các hệ thống thông tin sử dụng giải pháp On-Premise sang sử dụng nền tảng điện toán đám mây dùng riêng, tiến tới sử dụng dịch vụ đám mây lai và đám mây công cộng đáp ứng tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật theo Công văn số 1145/BTTTT-CATTT ngày 03/4/2020 và Công văn số 2612/BTTTT-CATTT ngày 17/7/2021([10]).

4. Dữ liệu số

- Duy trì kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ quan nhà nước với tổ chức, doanh nghiệp và người dân, từng bước tạo thành Kho dữ liệu lớn của tỉnh để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành; tiếp tục mở rộng phạm vi cung cấp dữ liệu trên Cổng dữ liệu mở của tỉnh để các cơ quan, đơn vị, người dân, doanh nghiệp khai thác và sử dụng.

- Xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch hành động phát triển dữ liệu và phát triển nhân lực để duy trì, quản lý dữ liệu trong các lĩnh vực trọng điểm: nông nghiệp, y tế, giáo dục và đào tạo, tài nguyên và môi trường, tài chính, lao động, công nghiệp và thương mại, giao thông vận tải, du lịch... bảo đảm dữ liệu được tạo lập tuân thủ theo định dạng máy đọc được, sẵn sàng khả năng chia sẻ, khai thác, sử dụng dễ dàng.

- Bổ sung danh mục dữ liệu dùng chung trong cơ quan nhà nước và dữ liệu mở phục vụ người dân, doanh nghiệp.

- Triển khai Kho dữ liệu điện tử trực tuyến của người dân, tổ chức là một thành phần của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh để lưu trữ dữ liệu giải quyết thủ tục hành chính. Tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức thực hiện tiếp nhận, xử lý, giải quyết thủ tục hành chính không yêu cầu người dân cung cấp lại thông tin đã có trong Kho dữ liệu điện tử trực tuyến của người dân, tổ chức. Kết quả giải quyết thủ tục hành chính có ký số hợp lệ được chấp nhận như giấy tờ chính thức theo quy định của pháp luật.

5. Nền tảng số

- Nâng cấp nền tảng quản trị, điều hành tổng thể theo hướng tích hợp đầy đủ các dịch vụ: Quản lý văn bản và điều hành; thư điện tử công vụ; giao và theo dõi kết quả thực hiện nhiệm vụ…

- Thực hiện kết nối, chia sẻ hiệu quả dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP) và Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP); khai thác triệt để thông tin, dữ liệu đã có từ các cơ sở dữ liệu quốc gia; bảo đảm việc kết nối, chia sẻ dữ liệu tuân thủ theo Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử quốc gia.

- Liên hệ chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông để sớm ra mắt nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp.

- Thuê các nền tảng số do doanh nghiệp phát triển để triển khai các mô hình thực hiện Đề án 06 theo Kế hoạch chung của Tỉnh.

- Nghiên cứu triển khai thí điểm ứng dụng nền tảng Trợ lý ảo thuộc 3 nhóm: Trợ lý ảo hỗ trợ công chức, viên chức; Trợ lý ảo hỗ trợ rà soát văn bản quy phạm pháp luật; Trợ lý ảo phục vụ người dân.

- Giới thiệu các nền tảng số để các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lựa chọn và hỗ trợ một phần kinh phí để doanh nghiệp sử dụng theo Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số.

6. Nhân lực số

- Củng cố và phát huy hiệu quả các Tổ công nghệ số cộng đồng; đồng thời, tổ chức tập huấn, trang bị kỹ năng, thông tin cần thiết cho các Tổ công nghệ số cộng đồng.

- Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức; người dân thuộc đơn vị và địa bàn quản lý về chuyển đổi số để thực hiện các nhiệm vụ được giao, trong đó chú trọng bồi dưỡng, tập huấn kiến thức cơ bản về chuyển đổi số, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin và an toàn thông tin.

- Hình thành đội ngũ chuyên trách làm công tác chuyển đổi số và an toàn thông tin mạng ở các địa phương, đơn vị trên địa bàn Tỉnh kết hợp thuê chuyên gia tư vấn độc lập để tư vấn giải pháp, đào tạo nguồn nhân lực thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số của địa phương, đơn vị.

7. An toàn thông tin mạng

7.1. Bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ

Sử dụng hiệu quả Nền tảng hỗ trợ quản lý bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ tại địa chỉ tại địa chỉ https://capdo.ais.gov.vn và các nền tảng khác để đẩy nhanh quá trình xây dựng, phê duyệt hồ sơ cấp độ và triển khai phương án bảo vệ an toàn thông tin theo cấp độ.

Kiểm tra việc triển khai và duy trì công tác bảo đảm an toàn thông tin đối với các hệ thống thông tin đã được phê duyệt cấp độ và phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ đã được phê duyệt.

7.2. Nguyên tắc bảo đảm an toàn thông tin mạng: Tổ chức phổ biến, quán triệt hai nguyên tắc bảo đảm an toàn thông tin mạng, gồm: hệ thống chưa được đánh giá bảo đảm an toàn thông tin mạng thì chưa đưa vào sử dụng; hệ thống thử nghiệm, có dữ liệu thật thì phải tuân thủ đầy đủ quy định như hệ thống chính thức.

7.3. Trang thiết bị, giải pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng

- Đầu tư, mua sắm, thuê dịch vụ về trang thiết bị, giải pháp kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực an toàn thông tin theo hướng dẫn tại Thông tư số 03/2017/TT-BTTTT([11]). Trong đó, ưu tiên triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin theo yêu cầu của Đề án 06.

- Tổ chức triển khai đầy đủ các nhiệm vụ bảo đảm an toàn thông tin mạng, gồm: phần mềm nội bộ do đơn vị chuyên nghiệp phát triển, tuân thủ theo quy trình Khung phát triển phần mềm an toàn; hệ thống thông tin triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ; hệ thống thông tin được kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin mạng trước khi đưa vào sử dụng, khi nâng cấp, thay đổi, định kỳ theo quy định; hệ thống thông tin được quản lý, vận hành theo mô hình 4 lớp.

7.4. Kế hoạch nâng cao năng lực bảo đảm an toàn thông tin

- Tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân.

- Tổ chức đào tạo hoặc cử nhân sự chuyên trách/phụ trách về an toàn thông tin/công nghệ thông tin tham gia các khóa đào tạo về quản lý, kỹ thuật về an toàn thông tin do các bộ, ngành Trung ương (nhất là Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an) tổ chức.

- Rà soát, bổ sung nhân lực an toàn thông tin, phấn đấu tối thiểu mỗi sở, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện có tối thiểu 01 nhân lực về an toàn thông tin.

- Xây dựng và triển khai các quy định, kế hoạch về ứng phó sự cố; các hoạt động của đội ứng cứu sự cố, việc tham gia hoạt động của mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia. Tổ chức tối thiểu 01 cuộc diễn tập thực chiến bảo đảm an toàn thông tin mạng trong năm 2024 và tham giá ít nhất 01 cuộc diễn tập cấp khu vực do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.

- Giám sát, phát hiện và công bố hành vi vi phạm quy định pháp luật của Việt Nam trên các nền tảng số thuộc phạm vi quản lý; giám sát, phát hiện và xử lý hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý tin giả, thông tin vi phạm pháp luật trên không gian mạng thuộc phạm vi quản lý.

- Tổ chức kiểm tra an toàn, an ninh mạng ở một số sở, ngành, địa phương.

8. Chính quyền số

- Tiếp tục duy trì các ứng dụng đã triển khai một cách có hiệu quả: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, hệ thống thư điện tử công vụ, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, hệ thống thông tin báo cáo, hệ thống thông tin y tế, nền tảng dữ liệu số nông nghiệp, phần mềm quản lý tiến độ dự án đầu tư, quản lý cán bộ công chức, quản lý giá…

- Nâng cấp ứng dụng công dân số ứng dụng e-DongThap theo hướng tích hợp một số dịch vụ y tế, giáo dục, an sinh xã hội cho người dân.

- Triển khai thực hiện các mô hình điểm của Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp theo Kế hoạch số 332/KH-TCTĐA06 của Tổ Công tác triển khai Đề án 06([12]).

- Tiếp tục số hoá hồ sơ, kết quả thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; triển khai cung cấp thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo hướng toàn trình trong phạm vi quản lý của mình theo quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ.

- Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số mới như: Big Data, IoT, AI trong xây dựng, triển khai các ứng dụng, dịch vụ Chính quyền số để tiết kiệm thời gian, chi phí xây dựng, vận hành các hệ thống thông tin và tự động hoá, thông minh hoá, tối ưu hoá các quy trình xử lý công việc.

- Mở rộng các dịch vụ công trực tuyến dựa trên nhu cầu người dân; tận dụng sức mạnh của công nghệ để phát triển các dịch vụ số mới, đồng thời tinh giản một số dịch vụ không cần thiết. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trí tuệ nhân tạo trong cung cấp dịch vụ như trợ lý ảo, trả lời tự động. Triển khai các nội dung khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến để giảm chi phí và thời gian khi thực hiện thủ tục hành chính.

- Tiếp tục duy trì có hiệu quả Tổng đài 1022 và xây dựng thêm các kênh tương tác trực tuyến để người dân tham gia, giám sát hoạt động xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật, ra quyết định của cơ quan nhà nước.

- Xây dựng kênh giao tiếp số trên các nền tảng số phổ biến hiện nay như Zalo Mini App, giúp người dân, doanh nghiệp giao tiếp với chính quyền ngay trên ứng dụng Zalo mà không cần cài đặt thêm ứng dụng khác.

9. Kinh tế số

- Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số.

- Duy trì 100% sản phẩm OCOP trên các sàn thương mại điện tử, mở rộng thêm đối với các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp nông thôn tiêu biểu, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn Tỉnh.

- Thiết lập không gian khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, có giải pháp hỗ trợ thu hút các đơn vị, tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, các doanh nghiệp công nghệ số đặt văn phòng làm việc ở không gian này.

- Tiếp tục hỗ trợ người nông dân tiếp cận với công nghệ IoT và các công nghệ tiên tiến khác để phục vụ sản xuất nông nghiệp.

10. Xã hội số

- Tuyên truyền phổ biến về chuyển đổi số, khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng các ứng dụng chuyển đổi số trên các kênh truyền thông. Xây dựng chương trình đào tạo, phổ cập kỹ năng số và an toàn thông tin cho người dân.

- Triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng công dân số. Hoàn thiện mô hình làng thông minh, thương mại điện tử, hợp tác xã, hội quán; Nghiên cứu áp dụng tuyến đường thông minh, tuyến đường không dùng tiền mặt. Đồng thời, phối hợp đẩy mạnh cải cách hành chính, phát huy vai trò của Tổ công nghệ số cộng đồng; nghiên cứu đưa Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh vào cơ sở dữ liệu Trung tâm điều hành thông minh tỉnh và 3 thành phố thuộc Tỉnh.

- Vận động Trường Đại học Đồng Tháp thành lập Khoa Công nghệ số; tăng cường tuyển sinh đào tạo cử nhân, kỹ sư nhóm ngành công nghệ thông tin (công nghệ thông tin, khoa học máy tính, toán - tin học, điện tử, viễn thông...) để tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho chuyển đổi số.

- Áp dụng mô hình giáo dục tích hợp khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán học (giáo dục STEM), đào tạo tiếng Anh và kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, bảo đảm an toàn thông tin tại các cấp học. Thực hiện đào tạo, tập huấn hướng nghiệp để học sinh có các kỹ năng sẵn sàng cho môi trường số.

- Phổ biến các khóa học đại trà trực tuyến mở (MOOCS) cho tất cả người dân nâng cao khả năng tiếp cận giáo dục nhờ công nghệ số, đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng số.

IV. GIẢI PHÁP

1. Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp

- Kết hợp nhiều hình thức thông tin tuyên truyền về chuyển đổi số như: xây dựng chuyên trang, chuyên mục, phóng sự, tọa đàm, hội thảo, các chương trình truyền hình, các giải pháp truyền thông hiện đại để nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen hành vi, tạo sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp về chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

- Từng bước hình thành văn hóa số cho người dân, tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ Chính phủ số; đưa nội dung đào tạo kỹ năng số vào chương trình giảng dạy phù hợp với học sinh ở từng cấp học; xây dựng hoặc ứng dụng các nền tảng đào tạo kỹ năng số cho người dân; xây dựng hoặc ứng dụng các nền tảng, kênh tương tác trực tuyến giữa cơ quan nhà nước và người dân, doanh nghiệp; triển khai chương trình phổ cập điện thoại thông minh, kỹ năng ứng dụng công nghệ số đến mọi người dân.

- Tập trung phát triển một số mô hình, dự án trọng điểm hỗ trợ cho “số đông” để đạt hiệu quả nhanh nhất như: dữ liệu số trong nông nghiệp, dữ liệu số trong giáo dục và kho học liệu số cho giáo viên, học sinh.

2. Phát triển các mô hình kết hợp giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp

- Kết hợp chặt chẽ giữa cải cách hành chính với phát triển Chính quyền số; rà soát các thủ tục hành chính, quy trình nghiệp vụ trong các cơ quan nhà nước theo hướng đơn giản hóa hoặc thay đổi phù hợp để có thể ứng dụng hiệu quả công nghệ số; rà soát loại bỏ một số thủ tục hành chính, quy trình nghiệp vụ khi ứng dụng công nghệ số.

- Chuẩn hóa kiến thức cho cán bộ chuyên trách, cán bộ kiêm nhiệm về chuyển đổi số các cơ quan nhà nước theo khung chương trình bồi dưỡng về ứng dụng công nghệ thông tin và an toàn thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông.

- Tăng cường phối hợp với các viện, trường, doanh nghiệp công nghệ số trong công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nâng cao, chuyên sâu về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh.

- Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp bưu chính công ích cung cấp dịch vụ công (thông qua mạng bưu chính công cộng, mạng xã hội, ứng dụng của doanh nghiệp); tiếp tục giao ngành Bưu điện nhiệm vụ hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp theo Quyết định số 1148/QĐ-UBND-HC ngày 20/10/2022 của Ủy ban nhân dân Tỉnh và VNPT vận hành hệ thống giải đáp thắc mắc, kiến nghị của người dân qua Tổng đài 1022.

3. Nghiên cứu, hợp tác để làm chủ, ứng dụng hiệu quả các công nghệ

Tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với một số tỉnh, thành phố về cơ chế, chính sách phát triển chính quyền số. Chủ động triển khai các nội dung thoả thuận hợp tác với VNPT, Viettel, FPT, Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Khoa học tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh… để triển khai hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng và phát triển công nghệ hiện đại, đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số trên địa bàn Tỉnh.

4. Thu hút nguồn lực công nghệ thông tin

- Nghiên cứu thành lập đội ngũ chuyên gia về chuyển đổi số và xây dựng chính sách ưu đãi để giữ chân, thu hút nguồn lực công nghệ thông tin làm việc cho các cơ quan nhà nước trên địa bàn Tỉnh.

- Đẩy nhanh tiến độ xây dựng không gian khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, xây dựng chính sách thu hút các doanh nghiệp công nghệ số làm việc trong không gian này.

- Ưu tiên sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác nhằm đa dạng hóa nguồn lực để phát triển chính quyền số; tăng cường thực hiện giải pháp thuê dịch vụ công nghệ thông tin.

- Chuẩn bị các điều kiện cần thiết thành lập Khoa Công nghệ số thuộc Trường Đại học Đồng Tháp, tạo điều kiện cho sinh viên công nghệ thông tin được trải nghiệm và thực tập tại các cơ quan, doanh nghiệp chuyển đổi số của tỉnh để nắm bắt xu hướng công nghệ, nhu cầu chuyển đổi số của địa phương để áp dụng hiệu quả kiến thức được học ở trường vào thực tiễn, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn Tỉnh.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Tổng kinh phí: 202,663 tỷ đồng. Trong đó:

- Vốn đầu tư công: 138,459 tỷ đồng (Chi tiết Phụ lục V kèm theo)

- Vốn chi thường xuyên: 64,204 tỷ đồng (Chi tiết Phụ lục VI kèm theo)

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được giao trong Kế hoạch này, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể; phân công lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện; chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao; đề xuất Ủy ban nhân dân Tỉnh (thông qua Sở Thông tin và Truyền thông) điều chỉnh những nội dung, nhiệm vụ do thực tế phát sinh cho phù hợp với các mục tiêu, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp.

2. Các thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Tỉnh tăng cường kiểm tra, đôn đốc và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh, Trưởng ban Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Tỉnh kết quả thực hiện chuyển đổi số đối với các lĩnh vực được phân công thực hiện tại Quyết định số 455/QĐ-BCĐCĐS ngày 18 tháng 4 năm 2023 của Trưởng ban Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số Tỉnh về ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp.

3. Đề nghị các Doanh nghiệp Bưu chính, Viễn thông, Công nghệ thông tin trên địa bàn Tỉnh chủ động ưu tiên các nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công nghệ thông tin, truyền thông; xác định việc thực hiện Kế hoạch này là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần đưa tỉnh Đồng Tháp đứng trong nhóm 30 tỉnh, thành phố cả nước về chuyển đổi số.

4. Giao Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan đầu mối tổng hợp, đôn đốc các sở, ban, ngành Tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện trong quá trình tổ chức, thực hiện các công việc, bảo đảm chất lượng và thời gian theo quy định; định kỳ tổng hợp báo cáo và đề xuất Ủy ban nhân dân Tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh các biện pháp cần thiết, bảo đảm Kế hoạch thực hiện đồng bộ, hiệu quả.

VII. DANH MỤC GIAO CÁC SỞ, BAN, NGÀNH TỈNH VÀ UỶ BAN NHÂN DÂN CẤP HUYỆN THỰC HIỆN NHIỆM VỤ, DỰ ÁN (Chi tiết Phụ lục V, VI, VII kèm theo)

Trên đây là Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp năm 2024, yêu cầu các sở, ban, ngành Tỉnh và Ủy ban nhân dân huyện, thành phố khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được nêu trong Kế hoạch; báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân Tỉnh (qua Sở Thông tin và Truyền thông) trước ngày 30 tháng 11 năm 2024./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Thường trực Tỉnh uỷ;
- Thường trực HĐND Tỉnh;
- BCSĐ/UBND Tỉnh;
- CT và các PCT/UBND Tỉnh;
- Thành viên BCĐ CĐS Tỉnh;
- Các sở, ban, ngành Tỉnh;
- UBND huyện, thành phố;
- Báo Đồng Tháp, Đài PTTH Đồng Tháp;
- Cổng TTĐT Tỉnh;
- Lưu: VT, VX. Thg.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Phạm Thiện Nghĩa

 

PHỤ LỤC I

KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC CHỈ TIÊU, NHIỆM VỤ NĂM 2023
(Kèm theo Kế hoạch số 52/KH-UBND ngày 21 tháng 02 năm 2024 của Ủy ban nhân dân Tỉnh)

Stt

Tên chỉ tiêu

Kết quả thực hiện

Đánh giá

Ghi chú

I

XÂY DỰNG DỮ LIỆU SỐ

1

100% các trang, cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử thành phần của cơ quan nhà nước thuộc tỉnh được đánh giá an toàn thông tin và gán nhãn tín nhiệm mạng.

100%

Đạt

 

2

100% hệ thống thông tin dùng chung, hệ thống thông tin chuyên ngành của các cơ quan nhà nước thuộc tỉnh cung cấp dịch vụ chia sẻ dữ liệu trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu LGSP

100%

Đạt

 

3

100% cơ quan nhà nước thực hiện nhập đầy đủ dữ liệu trên hệ thống thông tin báo cáo

100%

Đạt

 

4

Trên 60% cơ quan nhà nước cấp tỉnh tham gia cung cấp dữ liệu mở phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội

100%

Vượt

 

5

90% thiết bị giám sát IoT của các ngành, địa phương chia sẻ dữ liệu cho IOC Tỉnh

Gần 100%

Vượt

 

6

Công bố chính thức nền tảng dữ liệu số nông nghiệp

Đã vận hành

Đạt

Đã vận hành trong phạm vi Tỉnh

7

Ban hành danh mục dữ liệu dùng chung trong cơ quan nhà nước và dữ liệu mở phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Đã ban hành

Đạt

 

II

XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN SỐ

8

100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình

100%

Đạt

Vượt so với số lượng dự kiến ban đầu (890/841)

9

90% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính

Trên 90%

Vượt

Kết quả sơ bộ, chưa công bố chính thức

10

100% dịch vụ công trực tuyến có chức năng định danh, xác thực một lần, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương, thanh toán trực tuyến, cho phép thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng (ngoại trừ những dịch vụ yêu cầu sự hiện diện bắt buộc theo quy định của pháp luật); được cung cấp qua nhiều kênh truy cập; tự động điền dữ liệu sẵn có của người dùng.

100%

Đạt

 

11

100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính được số hóa

44,41%

Chưa đạt

 

12

Trên 60% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến

74,51%

Đạt

 

13

100% văn bản được trao đổi qua môi trường mạng dưới dạng văn bản điện tử, được ký số bởi chữ ký số chuyên dùng, trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật.

100%

Đạt

 

14

Trên 90% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).

100%

Vượt

 

15

80% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan nhà nước được thực hiện trên nền tảng quản trị tổng thể, thống nhất

100%

Đạt

 

16

Trên 80% cuộc họp định kỳ giữa cấp tỉnh với cấp huyện, cấp huyện với cấp xã được tổ chức theo hình thức Hội nghị trực tuyến

87%

Vượt

 

17

Kết nối, khai thác 100% cơ sở dữ liệu quốc gia như: Dân cư, Đất đai, Đăng ký doanh nghiệp, Tài chính, Bảo hiểm... để chia sẻ cho các hệ thống thông tin, phần mềm dùng chung trên địa bàn Tỉnh

100% ([13])

Đạt

100% CSDL khi được chia sẻ 

18

60% lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng số để sử dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản cho yêu cầu công việc

60,2%

Đạt

 

 

19

100% tuyến quốc lộ được lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông

75%

Chưa đạt

 

 

III

PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ

20

Trên 55% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử

57%

Vượt

 

 

21

Hỗ trợ ít nhất 50 doanh nghiệp vừa và nhỏ trải nghiệm các nền tảng chuyển đổi số

70

Đạt

 

 

22

100% sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) có mặt trên các sàn thương mại điện tử

100%

Đạt

 

 

23

100% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông, truyền hình trả tiền triển khai thu cước, phí theo hình thức không dùng tiền mặt

100%

Đạt

 

 

24

Trên 50% dịch vụ vận tải triển khai hình thức thu phí không dùng tiền mặt

Chưa đạt

Chưa đạt

 

 

25

Kinh tế số chiếm trên 4% GRDP

6,42%

Vượt

 

 

26

Hỗ trợ DN nhỏ và vừa chuyển đổi số

Đã triển khai

Đạt

  

27

Thiết lập không gian khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, có chính sách ưu tiên thu hút các doanh nghiệp công nghệ số đặt văn phòng làm việc ở không gian này

Chưa thực hiện

Chưa đạt

 

IV

PHÁT TRIỂN XÃ HỘI SỐ

 

 

  

28

Trên 80% thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh.

75,35%

Chưa đạt

 

29

80% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt

72,2%

Chưa đạt

 

30

Trên 80% hộ gia đình có kết nối Internet băng rộng cố định

83,66%

Vượt

 

31

Trên 75% dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác

106,8%

Vượt

Nhiều người có hơn 1 TK

32

40% dân số có kiến thức số, kỹ năng số cơ bản

54,71

Vượt

  

33

30% dân số trưởng thành có tài khoản định danh điện tử

99,44%

Vượt

 

 

34

Trên 5% dân số trưởng thành trở lên có chữ ký số cá nhân

4,57%

Chưa đạt

 

 

35

60% dân số trưởng thành có tài khoản dịch vụ công trực tuyến

94,35%

Vượt

 

36

70% các cơ sở giáo dục từ tiểu học đến trung học phổ thông hoàn thiện được mô hình quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số mở

>80%

Vượt

 

37

83% dân số có hồ sơ sức khoẻ điện tử

82%

Chưa đạt

 

V

BẢO ĐẢM AN TOÀN, AN NINH MẠNG

38

Tỷ lệ hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước hoàn thành phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin trên 80%

100%

Vượt

 

39

Tỷ lệ hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước đáp ứng yêu cầu bảo vệ an toàn thông tin mạng theo cấp độ trên 50%

100%

Vượt

 

40

Tỷ lệ máy tính trong cơ quan hành chính nhà nước có cài đặt phần mềm phòng chống mã độc theo Chỉ thị 14/CT-TTg đạt 90% trở lên

93%

Vượt

 

41

Kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin cho 1/3 số sở và 1/3 UBND cấp huyện

19 sở, ngành tỉnh; 6 huyện, thành phố

Vượt

 

42

Tổ chức diễn tập thực chiến ATTT

Đạt

 

VI

TUYÊN TRUYỀN CHUYỂN ĐỔI SỐ

43

Hưởng ứng ngày chuyển đổi số 10/10

Đạt

 

44

Duy trì chuyên mục chuyển đổi số trên các phương tiện truyền thông; Chia sẻ mô hình chuyển đổi số lên các trang thông tin điện tử https://t63.mic.gov.vn và https://c63.mic.gov.vn

Đạt

 

45

Tổ chức Hội thảo chuyển đổi số ngành y tế

Đạt

 

46

Tổ chức Hội thảo an toàn, an ninh mạng

Đạt

 

47

Đánh giá, công bố chỉ số chuyển đổi số của các sở, ngành Tỉnh; UBND cấp huyện năm 2022

Đạt

 

VII

ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC CHUYỂN ĐỔI SỐ

48

Tập huấn nâng cao nhận thức an toàn, an ninh thông tin cho lãnh đạo cấp sở và tương đương

Đạt

 

49

Tập huấn kỹ năng ứng dụng công nghệ số cho CBCC

Đạt

 

50

Tập huấn ATTT chuyên sâu cho đội ngũ chuyên trách ATTT

Đạt

 

51

Chuẩn bị thành lập lại Khoa Công nghệ thông tin thuộc Trường Đại học Đồng Tháp

Đạt

 

 

PHỤ LỤC II

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN CHUYỂN ĐỔI SỐ SỬ DỤNG NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG NĂM 2023
(Kèm theo Kế hoạch số 52/KH-UBND ngày 21 tháng 02 năm 2024 của Ủy ban nhân dân Tỉnh)

ĐVT: Triệu đồng

Stt

Tên dự án

Tổng mức đầu tư

Thực hiện năm 2023

1

Xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu Gis phục vụ quản lý cơ sở hạ tầng giai đoạn 1, trên địa bàn huyện Cao Lãnh

15.809

3.200

2

Xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu Gis phục vụ quản lý cơ sở hạ tầng giai đoạn 1, trên địa bàn huyện Lấp Vò

13.529

3.300

3

Xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu Gis phục vụ quản lý cơ sở hạ tầng giai đoạn 1, trên địa bàn huyện Lai Vung

10.135

533

4

Xây dựng hệ thống quản lý quy hoạch hạ tầng đô thị

29.150

304

5

Mua sắm thiết bị dạy học Tin học

32.420

11.780

6

Hỗ trợ việc làm bền vững thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025

16.550

5.341

7

Xây dựng kho dữ liệu dùng chung và nền tảng dữ liệu mở tỉnh Đồng Tháp

43.037

5.000

8

Cổng dịch vụ công và điều hành tác nghiệp nội bộ tỉnh Đồng Tháp

20.080

4.000

9

Triển khai Trung tâm điều hành thông minh (IOC)

24.119

1.600

10

Nâng cấp Hệ thống hạ tầng phục vụ Chính quyền số và an toàn thông tin mạng tỉnh Đồng Tháp

55.534

28.000

11

Thiết bị truyền hình kỹ thuật số chuẩn HD

57.112

18.500

12

Xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin (giai đoạn 7) trên địa bàn thành phố Cao Lãnh

2.450

2.450

TỔNG CỘNG

319.944

84.027

 

PHỤ LỤC III

DANH MỤC CÁC NHIỆM VỤ CHUYỂN ĐỔI SỐ SỬ DỤNG NGUỒN VỐN CHI THƯỜNG XUYÊN NĂM 2023
(Kèm theo Kế hoạch số 52/KH-UBND ngày 21 tháng 02 năm 2024 của Ủy ban nhân dân Tỉnh)

ĐVT: Triệu đồng

Stt

Danh mục

Đơn vị thực hiện

Tổng cộng

Ghi chú

1

Duy trì hoạt động của Trung tâm tích hợp dữ liệu

Sở TTTT

1.770

SNKT

2

Duy trì hoạt động của Cổng, trang Thông tin điện tử

Sở TTTT

50

SNKT

3

Duy trì hoạt động Trung tâm điều hành thông minh (IOC)

Sở TTTT

1.995

SNKT

4

Trang bị phần mềm phòng, chống mã độc đáp ứng yêu cầu Chỉ thị số 14/CT-TTg

Sở TTTT

2.500

QLNN

5

Thuê dịch vụ SMS brandname, duy trì đầu số tổng đài Chatbot cho hệ thống Một cửa điện tử và Dịch vụ công, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, hệ thống thông tin nghành y tế; cước phí tổng đài 1022

Sở TTTT

350

QLNN

6

Cước đường truyền Trung tâm điều hành thông minh

Sở TTTT

440

QLNN

7

Trang bị hệ thống Wifi phục vụ các chương trình sự kiện, lễ hội của tỉnh (thiết bị, đường truyền, nguồn điện, thiết bị phụ trợ…)

Sở TTTT

50

QLNN

8

Hoạt động Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Tỉnh

Sở TTTT

350

QLNN

9

Đào tạo nguồn nhân lực An toàn thông tin, đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức

Sở TTTT

160

SN GDĐT

10

Đào tạo nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về chuyển đổi số, tư vấn về kế hoạch chuyển đổi số cho các doanh nghiệp; đào tạo chuyên sau quy mô, giai đoạn, lĩnh vực chuyển đổi số cho doanh nghiệp SMS

Sở TTTT

500

SN GDĐT

11

Hoạt động tổ công nghệ số cộng đồng

Sở TTTT

147

SN GDĐT

12

Diễn tập thực chiến bảo đảm ATTT mạng

Sở TTTT

287

SNKT

13

Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử

Sở TTTT

150

SNKT

14

Thuê Dịch vụ đánh giá, giám sát đánh giá ATTT cho Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh và hệ thống mạng của sở, ban và huyện, thành phố.

Sở TTTT

2.000

SNKT

15

Thuê dịch vụ CNTT vận hành, sử dụng hệ thống báo cáo tỉnh Đồng Tháp

Sở TTTT

600

SNKT

16

Tuyên truyền chuyển đổi số: tài liệu, tư liệu, xây dựng chương trình truyền hình…; tổ chức hội thảo chuyển đổi số

Sở TTTT

100

SNKT

17

Chi phí chuyển đổi IPv6 năm 2023 cho các sở, ban, ngành tỉnh

Sở TTTT

330

SNKT

18

Xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử giai đoạn 2023 - 2024

Sở Tư pháp

6.682

SNKT

19

Mua sắm máy tính phục vụ công tác([14])

Sở Tư pháp

386

 

20

Số hóa và Tạo lập cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ tỉnh Đồng Tháp

Sở Nội vụ

8.232

SNKT

21

Mua sắm thiết bị và phần mềm phục vụ triển khai Đề án 06

Các SBN tỉnh, UBND cấp huyện

15.608

Quỹ PTSN, phân cấp ngân sách

22

Lắp camera bắt biển số, xử phạt giao thông tại các điểm trên tuyến đường trọng điểm trên địa bàn huyện năm 2023

UBND huyện Lai Vung

1.107

 

23

Mua sắm hệ thống máy chủ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp

Sở Y tế

478

 

24

XD phần mềm chấm điểm chỉ số chuyển đổi số

Sở TTTT

288

 

25

Xây dựng trang thông tin điện tử xã cho các xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới

Sở TTTT

1957

 

26

Xây dựng trang tin điện tử (Website) cho hợp tác xã

Sở TTTT

500

 

27

Mua sắm thiết bị phục vụ triển khai Đề án 06

Sở KH&CN

110

 

28

Mua sắm thiết bị phục vụ triển khai Đề án 06

Sở Y tế

110

 

29

Số hóa tài liệu bảo quản lưu trữ hồ sơ và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ người có công

Sở LĐ-TB&XH

1.420

 

30

Tập huấn triển khai giáo dục STEM/STEAM cho giáo viên từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông

Sở GD&ĐT

200

Công văn số 2026/SGDĐT ngày 29/12/2023 của Sở GD&ĐT

31

Tập huấn kỹ năng sử dụng các hệ thống phần mềm hỗ trợ dạy học; Tập huấn công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng

Sở GD&ĐT

100

 

32

Nâng cấp, mở rộng hệ thống hội nghị truyền hình Công an tỉnh Đồng Tháp

Công an Tỉnh

10.542

 

33

Tập huấn các Tổ công ghệ số cộng đồng

TP. Cao Lãnh

26

NS địa phương BC số 539/BC-UBND ngày 27/12/2023

34

Bản đồ số du lịch

TP. Cao Lãnh

180

 

35

Mua license Hệ điều hành windows và Office 365

TP. Cao Lãnh

815

 

36

Mua sắm thiết bị tập trung năm 2023

Sở TC đấu thầu tập trung

28.043

QĐ số 345/QĐ-UBND-HC ngày 27/3/2023 của UBND Tỉnh

TỔNG CỘNG

87.143

 

 

PHỤ LỤC IV

CĂN CỨ LẬP KẾ HOẠCH CHUYỂN ĐỔI SỐ NĂM 2024
(Kèm theo Kế hoạch số 52/KH-UBND ngày 21 tháng 02 năm 2024 của Ủy ban nhân dân Tỉnh)

I. VĂN BẢN TRUNG ƯƠNG

1. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

2. Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW.

3. Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng năm 2030.

4. Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15 tháng 6 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

5. Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

6. Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31 tháng 3 tháng 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

7. Quyết định số 505/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Chuyển đổi số quốc gia.

8. Quyết định số 27/QĐ-UBQGCĐS ngày 15 tháng 6 năm 2022 của Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số ban hành Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022.

9. Quyết định số 964/QĐ-TTg ngày 10 tháng 8 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030.

10. Quyết định số 2323/BTTTT-THH ngày 31 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 2.0; Kiến trúc Chính phủ điện tử/Kiến trúc Chính quyền điện tử của bộ/tỉnh.

11. Công văn số 6074/BTTTT-CĐSQG ngày 06 tháng 12 năm 2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông về Hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện Chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh.

II. VĂN BẢN TỈNH ĐỒNG THÁP

1. Nghị quyết 04/NQ-TU ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh Đồng Tháp Khoá XI về chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp.

2. Nghị quyết số 39/NQ-HĐND ngày 18 tháng 7 năm 2023 của Hội đồng nhân dân Tỉnh Quy định mức thu phí, lệ phí đối với hoạt động cung cấp dịch vụ công bằng hình thức trực tuyến trên địa bàn Tỉnh

3. Quyết định số 861/QĐ-UBND-HC ngày 05 tháng 8 năm 2022 của Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành Đề án chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp.

4. Kế hoạch số 59/KH-UBND 25 tháng 02 năm 2022 của Ủy ban nhân dân Tỉnh thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh khóa XI về chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp.

5. Kế hoạch số 152/KH-UBND ngày 05 tháng 5 năm 2022 của Ủy ban nhân dân Tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025.

6. Kế hoạch số 154/KH-UBND ngày 05 tháng 5 năm 2022 của Ủy ban nhân dân Tỉnh thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

7. Kế hoạch số 335/KH-UBND ngày 25 tháng 10 năm 2022 của Ủy ban nhân dân Tỉnh triển khai thực hiện Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn Tỉnh.

 

PHỤ LỤC V

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN CHUYỂN ĐỔI SỐ SỬ DỤNG NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG NĂM 2024
(Kèm theo Kế hoạch số 52/KH-UBND ngày 21 tháng 02 năm 2024 của Ủy ban nhân dân Tỉnh)

ĐVT: Triệu đồng

Stt

Tên dự án

Chủ đầu tư

Tổng mức đầu tư

Thời gian thực hiện

Vốn năm 2024

Ghi chú

1

Xây dựng kho dữ liệu dùng chung và nền tảng dữ liệu mở tỉnh Đồng Tháp

Sở TT&TT

43.036

2022 - 2024

34.000

QĐ số 1153/QĐ-UBND.HC ngày 21/10/2022 của UBND Tỉnh

2

Xây dựng Hệ thống quản lý quy hoạch hạ tầng đô thị

Sở XD

29.150

2022 - 2024

16.000

QĐ số 1121/QĐ-UBND-HC ngày 14/10/2022 của UBND Tỉnh

3

Hệ thống nền tảng nông nghiệp số

Sở NN&PTNT

20.249

2024 - 2025

8.000

 

4

Hỗ trợ việc làm bền vững thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025

Sở LĐTB&XH

16.429

2022 - 2024

5.659

QĐ số 1448/QĐ-UBND.HC ngày 30/12/2022 của UBND Tỉnh

5

Triển khai xây dựng mô hình bệnh viện thông minh

Sở Y tế

20.505

2024 - 2025

8.200

 

6

Triển khai bệnh án điện tử cho bệnh các bệnh viện Đa khoa khu vực

Sở Y tế

9.500

2024 - 2025

4.000

 

7

Xây dựng hệ thống thông tin điều hành y tế thông minh ngành y tế

Sở Y tế

28.080

2024 - 2025

11.000

 

8

Thiết bị phòng chức năng phục vụ dạy học STEM/STEAM

Sở GD&ĐT

18.000

2024 - 2025

5.400

 

9

Hệ thống thông tin ngành Giáo dục

Sở GD&ĐT

10.000

2024 - 2025

3.000

 

10

Hệ thống quản lý hạ tầng giao thông

Sở GTVT

20.700

2024 - 2025

700

 

11

Hệ thống camera giám sát giao thông đường bộ

Công an Tỉnh

29.900

2024 - 2025

12.000

 

12

Hệ thống thông tin ngành Công Thương

Sở Công Thương

9.000

2024 - 2025

200

 

13

Hệ thống thông tin ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch

Sở VHTT&DL

4.000

2024 - 2025

100

 

14

Hệ thống thông tin ngành Lao động - Thương binh và xã hội

Sở LĐTB&XH

20.000

2024 - 2025

200

 

15

Hoàn thiện CSDL đất đai TPHN, Thanh Bình, Châu Thành mở rộng bản đồ nền GIS để áp dụng cho các dữ liệu không gian của các chuyên ngành([15])

Sở TN&MT

50.000

2024 - 2025

30.000

 

TỔNG CỘNG

328.549

 

138.459

 

 

PHỤ LỤC VI

DANH MỤC CÁC NHIỆM VỤ CHUYỂN ĐỔI SỐ SỬ DỤNG NGUỒN VỐN CHI THƯỜNG XUYÊN NĂM 2024
(Kèm theo Kế hoạch số 52/KH-UBND ngày 21 tháng 02 năm 2024 của Ủy ban nhân dân Tỉnh)

ĐVT: Triệu đồng

Stt

Danh mục

Đơn vị thực hiện

Tổng cộng

Ghi chú

1

Duy trì hoạt động của Trung tâm tích hợp dữ liệu; Cổng, trang Thông tin điện tử; Hoạt động chuyên môn của Trung tâm điều hành thông minh (IOC)

Sở TTTT

4.216

 

2

Trang bị phần mềm phòng, chống mã độc đáp ứng yêu cầu Chỉ thị số 14/CT-TTg

Sở TTTT

3.000

 

3

Thuê dịch vụ SMS brandname, duy trì đầu số tổng đài Chatbot cho hệ thống Một cửa điện tử và Dịch vụ công, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, hệ thống thông tin nghành y tế; cước phí tổng đài 1022

Sở TTTT

350

 

4

Cước đường truyền Trung tâm điều hành thông minh

Sở TTTT

440

 

5

Trang bị hệ thống Wifi phục vụ các chương trình sự kiện, lễ hội của tỉnh (thiết bị, đường truyền, nguồn điện, thiết bị phụ trợ…)

Sở TTTT

50

 

6

Hoạt động Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Tỉnh

Sở TTTT

350

 

7

Đào tạo nguồn nhân lực An toàn thông tin, đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức

Sở TTTT

160

 

8

Đào tạo nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về chuyển đổi số, tư vấn về kế hoạch chuyển đổi số cho các doanh nghiệp; đào tạo chuyên sau quy mô, giai đoạn, lĩnh vực chuyển đổi số cho doanh nghiệp SMS (Kế hoạch số 152/KH-UBND ngày 05/5/2022)

Sở TTTT

500

 

9

Diễn tập thực chiến bảo đảm an toàn thông tin mạng (Chỉ thị 60/CT-BTTTT)

Sở TTTT

287

 

10

Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử (Kế hoạch số 152/KH-UBND ngày 05/5/2022 )

Sở TTTT

150

 

12

Thuê Dịch vụ đánh giá, giám sát đánh giá an toàn thông tin cho Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh và hệ thống mạng của sở, ban và huyện, thành phố.

Sở TTTT

2.500

 

13

Thuê dịch vụ công nghệ thông tin vận hành, sử dụng hệ thống báo cáo tỉnh Đồng Tháp

Sở TTTT

600

 

14

Tuyên truyền chuyển đổi số: tài liệu, tư liệu, xây dựng chương trình truyền hình…; tổ chức hội thảo chuyển đổi số (Kế hoạch số 80/KH-UBND ngày 17/3/2021)

Sở TTTT

100

 

15

Chi phí chuyển đổi IPv6 năm 2022 cho Trung tâm tích hợp dữ liệu (Kế hoạch số 140/KH-UBND ngày 28/4/2021)

Sở TTTT

330

 

16

Thuê dịch vụ tổng hợp thông tin trên internet và mạng xã hội

Sở TTTT

940

 

17

Hệ thống thông tin nguồn

Sở TTTT

4.200

SNKT

18

Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số

Sở TTTT

950

 

19

Trang bị nền tảng quản trị điện tử tập trung (thư điện tử, tích hợp phần quản lý giao nhiệm vụ, phần mềm lịch công tác); gia hạn chứng thư số (SSL) cho các ứng dụng dùng chung; thuê dịch vụ chống DDOS đường truyền (VNPT và Viettel); bản quyền tưởng lửa web (FortiWeb 400D)

Sở TT&TT

4.062

 

20

Thuê dịch vụ công nghệ thông tin vận hành, sử dụng Tổng đài Thông tin dịch vụ công 1022 tỉnh Đồng Tháp

VP. UBND Tỉnh

1.818

 

21

Xây dựng phần mềm khai thác và quản lý hồ sơ giải quyết khiếu nại trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

VP. UBND Tỉnh

244

 

22

Xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử giai đoạn 2023 - 2024

Sở Tư pháp

17.012

 

23

Số hóa và Tạo lập cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ tỉnh Đồng Tháp

Sở Nội vụ

8.600

 

24

Thuê phần mềm quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức

Sở Nội vụ

430

 

25

Thuê phần mềm chấm điểm cải cách hành chính, dân vận chính quyền

Sở Nội vụ

270

 

26

Thuê Hệ thống thông tin quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp

Sở Công Thương

320

 

27

Hệ thống quản lý dữ liệu về xuất khẩu lao động

Sở LĐTB&XH

850

 

28

Thuê phần mềm quản lý tiến độ dự án đầu tư công

Sở KH&ĐT

360

 

29

Triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số ngành Y tế

Sở Y tế

3.000

 

30

Triển khai Đề án 06 theo Kế hoạch số 97/KH-UBND

Công an Tỉnh

2.235

 

31

Thiết bị phòng họp trực tuyến các trường học

Sở GD&ĐT và UBND cấp huyện

4.230

Sự nghiệp GD&ĐT

32

Hệ thống camera giám sát các trường học

Sở GD&ĐT và UBND cấp huyện

1.650

Sự nghiệp GD&ĐT

TỔNG CỘNG

64.204

 

 

PHỤ LỤC VII

PHÂN CÔNG THEO DÕI, ĐÔN ĐỐC THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ, CHỈ TIÊU KẾ HOẠCH NĂM 2024
(Kèm theo Kế hoạch số 52/KH-UBND ngày 21 tháng 02 năm 2024 của Ủy ban nhân dân Tỉnh)

Stt

Tên nhiệm vụ

Đơn vị chủ trì

Đơn vị phối hợp

Thời điểm đánh giá

I

TUYÊN TRUYỀN NÂNG CAO NHẬN THỨC SỐ

1

Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan truyền thông trên địa bàn Tỉnh tăng cường tuyên truyền các hoạt động chuyển đổi số

Sở TT&TT

Báo, Đài, Cổng TTĐT Tỉnh

Cuối năm 2024

 

II

XÂY DỰNG THỂ CHẾ

 

2

Rà soát, sửa đổi chính sách thuộc thẩm quyền của địa phương, đồng bộ với Luật Giao dịch điện tử và Luật Viễn thông.

Sở TT&TT

Sở Tư pháp

Cuối năm 2024

 

3

Nâng cấp Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Đồng Tháp 2.0 lên phiên bản 3.0

Sở TT&TT

 

Tháng 07/2024

 

4

Tiếp tục nghiên cứu, ban hành chính sách ưu đãi về thời gian, lệ phí đối với các thủ tục hành chính được thực hiện theo hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình.

Sở Tài chính

VP UBND Tỉnh; Sở TT&TT; Sở Nội vụ

Cuối năm 2024

5

Xây dựng Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số năm 2024.

Sở TT&TT

UBND cấp huyện

Tháng 04/2024

6

Nghiên cứu ban hành “Chính sách tỷ lệ chi tối thiểu và hướng dẫn định mức chi cho ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số” “Chính sách thuê chuyên gia chuyển đổi số” khi có đầy đủ cơ sở pháp lý.

Sở TT&TT

Sở Tài chính

Khi có VB hướng dẫn của TW

III

PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG SỐ

7

Rà soát, xóa các vùng lõm sóng trên địa bàn, bảo đảm tốc độ mạng viễn thông di động đạt tối thiểu 40 Mbps

Sở TT&TT

Các DN viễn thông

Cuối năm 2024

8

Xây dựng lộ trình bảo đảm mỗi người dân trưởng thành có một điện thoại thông minh.

Sở TT&TT

UBND cấp huyện; các DN viễn thông

Cuối năm 2024

9

Bảo đảm mục tiêu mỗi hộ gia đình có khả năng tiếp cận một đường Internet cáp quang băng rộng.

Sở TT&TT

Các DN viễn thông

Cuối năm 2024

10

Từng bước chuyển dịch các hệ thống thông tin sử dụng giải pháp On-Premise sang sử dụng nền tảng điện toán đám mây

Sở TT&TT

 

Cuối năm 2024

IV

PHÁT TRIỂN DỮ LIỆU SỐ

11

Tiếp tục mở rộng phạm vi cung cấp dữ liệu trên Cổng dữ liệu mở của tỉnh để các cơ quan, đơn vị, người dân, doanh nghiệp khai thác và sử dụng.

Sở TT&TT

 

Tháng 09/2024

12

Quản lý dữ liệu trong các lĩnh vực trọng điểm: nông nghiệp, y tế, giáo dục và đào tạo, tài nguyên và môi trường, tài chính, lao động, công nghiệp và thương mại, giao thông vận tải, du lịch... bảo đảm dữ liệu được tạo lập tuân thủ theo định dạng máy đọc được, sẵn sàng khả năng chia sẻ, khai thác, sử dụng một cách dễ dàng.

Các sở, ngành chủ quản dữ liệu

Sở TT&TT

Thường xuyên

13

Bổ sung danh mục dữ liệu dùng chung trong cơ quan nhà nước và dữ liệu mở phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Sở TT&TT

Các sở, ngành chủ quản dữ liệu

Thường xuyên

14

Triển khai Kho dữ liệu điện tử trực tuyến của người dân, tổ chức là một thành phần của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính.

Sở TT&TT

Các đơn vị có tham gia tiếp nhận, xử lý TTHC

Tháng 03/2024

V

XÂY DỰNG NỀN TẢNG SỐ

15

Nâng cấp nền tảng quản trị, điều hành tổng thể

Sở TT&TT

Các sở, ngành Tỉnh; UBND cấp huyện

Cuối năm 2024

16

Thực hiện kết nối, chia sẻ hiệu quả dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước; Bảo đảm việc kết nối, chia sẻ dữ liệu tuân thủ theo Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử quốc gia.

Sở TT&TT

Các sở, ngành Tỉnh

Thường xuyên

17

Liên hệ chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông để sớm ra mắt nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp.

Sở NN&PTNT

Sở TT&TT

Tháng 06/2024

18

Thuê các nền tảng số do doanh nghiệp phát triển để triển khai các mô hình thực hiện Đề án 06 theo Kế hoạch chung của Tỉnh.

Các sở, ngành được giao nhiệm vụ triển khai mô hình

VP UBND Tỉnh; Công an Tỉnh; Sở TT&TT; UBND cấp huyện

Cuối năm 2024

19

Nghiên cứu triển khai thí điểm ứng dụng nền tảng Trợ lý ảo thuộc 3 nhóm: Trợ lý ảo hỗ trợ công chức, viên chức; Trợ lý ảo hỗ trợ rà soát văn bản quy phạm pháp luật; Trợ lý ảo phục vụ người dân.

Sở TT&TT

Các sở, ngành; UBND cấp huyện

Cuối năm 2024

20

Giới thiệu các nền tảng số để các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lựa chọn và hỗ trợ một phần kinh phí để doanh nghiệp sử dụng theo Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số.

Sở TT&TT

Các sở, ngành; UBND cấp huyện

Cuối năm 2024

VI

PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC SỐ

21

Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức về chuyển đổi số, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin và an toàn thông tin.

Sở TT&TT

Sở Nội vụ

Cuối năm 2024

22

Hình thành đội ngũ chuyên trách làm công tác chuyển đổi số và an toàn thông tin mạng ở các địa phương, đơn vị

Sở TT&TT

Sở Nội vụ

Tháng 6/2024

VII

BẢO ĐẢM AN TOÀN THÔNG TIN

23

Tỷ lệ hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước hoàn thành phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin

Các sở, ngành

Tỉnh; UBND cấp huyện

Sở TT&TT

Tháng 9/2024

24

Tỷ lệ hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước đáp ứng yêu cầu bảo vệ an toàn thông tin mạng theo cấp độ trên 95%

Các sở, ngành

Tỉnh; UBND cấp huyện

Sở TT&TT

Tháng 9/2024

25

Tỷ lệ máy tính trong cơ quan hành chính nhà nước có cài đặt phần mềm phòng chống mã độc theo Chỉ thị 14/CT-TTg đạt 90% trở lên

Các sở, ngành

Tỉnh; UBND cấp huyện

Sở TT&TT

Cuối mỗi Quý

26

Đánh giá an toàn thông tin cho 1/3 số sở và 1/3 UBND cấp huyện

Sở TT&TT

Đơn vị tư vấn độc lập

Quý IV năm 2024

27

Kiểm tra an toàn, an ninh mạng các cơ quan nhà nước trên địa bàn Tỉnh

Công an Tỉnh

Sở TT&TT

Quý II, III năm 2024

28

Tổ chức diễn tập thực chiến an toàn thông tin

Sở TT&TT

Đội ứng cứu sự cố máy tính Tỉnh

Quý IV năm 2024

VIII

XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN SỐ

29

Nâng cấp ứng dụng công dân số ứng dụng e-DongThap theo hướng tích hợp một số dịch vụ y tế, giáo dục, an sinh xã hội cho người dân.

Sở TT&TT

 

Cuối năm 2024

30

Triển khai thực hiện các mô hình điểm của Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp theo Kế hoạch số 332/KH-TCTĐA06 của Tổ Công tác triển khai Đề án 06.

Các ngành được giao nhiệm vụ triển khai mô hình

 

Cuối năm 2024

31

Triển khai hiệu quả công tác số hoá hồ sơ, kết quả thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; triển khai cung cấp thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo hướng toàn trình trong phạm vi quản lý của mình theo quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ.

Các sở, ngành tỉnh; UBND cấp huyện, xã

Sở TT&TT; Văn phòng UBND Tỉnh

Tháng 06/2024

32

Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số mới như: Big Data, IoT, AI trong xây dựng, triển khai các ứng dụng, dịch vụ Chính quyền số để tiết kiệm thời gian, chi phí xây dựng, vận hành các hệ thống thông tin và tự động hoá, thông minh hoá, tối ưu hoá các quy trình xử lý công việc.

Sở TT&TT

Các sở, ngành tỉnh; UBND cấp huyện

Thường xuyên

IX

PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ

33

Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số.

Sở TT&TT

Sở KH&ĐT; Sở Công Thương; UBND cấp huyện

Cuối năm 2024

34

Duy trì 100% sản phẩm OCOP trên các sàn thương mại điện tử, mở rộng thêm đối với các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp nông thôn tiêu biểu, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn Tỉnh.

Sở Công Thương

UBND cấp huyện

Thường xuyên

35

Thiết lập không gian khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, có giải pháp hỗ trợ thu hút các đơn vị, tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, các doanh nghiệp công nghệ số đặt văn phòng làm việc ở không gian này.

Sở KH&ĐT

Sở TT&TT; Sở

KH&CN

Cuối năm 2024

36

Tiếp tục hỗ trợ người nông dân tiếp cận với công nghệ IoT và các công nghệ tiên tiến khác để phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Sở NN&PTNT

Sở TT&TT

Cuối năm 2024

X

PHÁT TRIỂN XÃ HỘI SỐ

37

Tuyên truyền phổ biến về chuyển đổi số, khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng các ứng dụng chuyển đổi số trên các kênh truyền thông. Xây dựng chương trình đào tạo, phổ cập kỹ năng số và an toàn thông tin cho người dân.

Sở TT&TT

 

Cuối năm 2024

38

Thành lập Khoa Công nghệ số; tăng cường tuyển sinh đào tạo cử nhân, kỹ sư nhóm ngành công nghệ thông tin (công nghệ thông tin, khoa học máy tính, toán - tin học, điện tử, viễn thông...) để tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho chuyển đổi số.

Trường ĐH Đồng Tháp

Sở GD&ĐT; Sở TT&TT

Hằng năm

39

Áp dụng mô hình giáo dục tích hợp khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán học (giáo dục STEM), đào tạo tiếng Anh và kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, bảo đảm an toàn thông tin tại các cấp học. Thực hiện đào tạo, tập huấn hướng nghiệp để học sinh có các kỹ năng sẵn sàng cho môi trường số.

Sở GD&ĐT

Sở TT&TT

Thường xuyên

40

Phổ biến các khóa học đại trà trực tuyến mở (MOOCS) cho tất cả người dân nâng cao khả năng tiếp cận giáo dục nhờ công nghệ số, đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng số.

Sở TT&TT

Công an Tỉnh; Sở Nội vụ; Sở GD&ĐT

Thường xuyên

 



([1]). Công văn số 1332/STTTT-TTBCXB - 05/10/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông V/v tuyên truyền ngày Chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp và hưởng ứng ngày Chuyển đổi số quốc gia (Ngày 10 tháng 10)

([2]). Công văn số 1243/STTTT-CĐS&ATTT ngày 21/09/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông V/v tuyên truyền phổ cập bộ nhận diện Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023

([3]). Công văn số 334/STTTT-CĐS&ATTT ngày 06/10/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông Về việc phát động công chức, viên chức, người dân hưởng ứng các hoạt động nhân ngày chuyển đổi số.

([4]). Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31/12/2021 về chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp

([5]). Kế hoạch số 59/KH-UBND ngày 25/02/2022 thực hiện Nghị quyết số 04- NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh khóa XI về chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp.

([6]). Quyết định số 861/QĐ-UBND-HC ngày 05/8/2022.

([7]) . Kế hoạch số 144/KH-UBND ngày 25/4/2022 về phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng năm 2022; Kế hoạch số 241/KH-UBND ngày 06/7/2022 về phát triển kinh tế số và xã hội số tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 152/KH-UBND ngày 05/5/2022 về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025; Kế hoạch số 153/KH-UBND ngày 05/5/2022 thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp năm 2022; Kế hoạch số 207/KH-UBND ngày 07/6/2022 tổ chức Phong trào thi đua chuyên đề “Đồng Tháp đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số” giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch số 194/KH-UBND ngày 26/5/2022 về hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn và đẩy mạnh phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc trưng theo Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp năm 2022…

([8]). Theo Thông cáo báo chí ngày 29/12/2023 của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ kinh tế số đóng góp cho GRDP của tỉnh từ năm 2020 đến 2023 lần lượt là: 4,39%; 4,49%; 4,57%; 4,96%.

([9]) Dự toán chi ngân sách tỉnh Đồng Tháp năm 2023: 15.687.824 triệu đồng (số liệu công khai trên Trang thông tin điện tử Sở Tài chính tỉnh Đồng Tháp https://stc.dongthap.gov.vn, mục “Công khai ngân sách”)

([10]) . Công văn số 1145/BTTTT-CATTT ngày 03/4/2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn bộ tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật để đánh giá và lựa chọn giải pháp nền tảng điện toán đám mây phục vụ Chính phủ điện tử/Chính quyền điện tử; Công văn số 2612/BTTTT-CATTT ngày 17/7/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc bổ sung bộ tiêu chí, chỉ tiêu để đánh giá và lựa chọn giải pháp nền tảng điện toán đám mây phục vụ Chính phủ điện tử/Chính quyền điện tử.

([11]) . Thông tư số 03/2017/TT-BTTTT ngày 24/4/2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc Quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Nghị định số 85/2016/NĐ-CP và hướng dẫn chi tiết tại Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11930:2017 về Công nghệ thông tin - Các kỹ thuật an toàn - Yêu cầu cơ bản về an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.

([12]) . Kế hoạch số 332/KH-TCTĐA06 ngày 17/10/2023 về việc triển khai thực hiện các mô hình điểm của Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp với 40 mô hình được chia thành 05 nhóm: (1) Nhóm tiện ích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến (04 mô hình); (2) Nhóm tiện ích phát triển kinh tế xã hội (15 mô hình); (3) Nhóm tiện ích phục vụ công dân số (11 mô hình); (4) Nhóm số hóa, tạo lập dữ liệu dùng chung trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ cải cách thủ tục hành chính (03 mô hình); (5) Nhóm Phục vụ chỉ đạo điều hành của lãnh đạo các cấp (07 mô hình).

([13]) Hiện có 19/23 CSDL, HTTT quốc gia được chia sẻ cho các địa phương. Đồng Tháp đã kết nối 19/19

([14]) Báo cáo số 2330/BC-STP ngày 25/12/2023 của Sở Tư pháp

([15]) Dự kiến sử dụng từ nguồn vốn điều tiết 10% về ngân sách cấp Tỉnh số thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trên địa bàn huyện, thành phố quản lý khai thác.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 52/KH-UBND chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp năm 2024

  • Số hiệu: 52/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 21/02/2024
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Tháp
  • Người ký: Phạm Thiện Nghĩa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/02/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản