Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 50/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 11 tháng 4 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

BỒI DƯỠNG GIÁO VIÊN THỰC HIỆN CÔNG TÁC TƯ VẤN TÂM LÝ, HỖ TRỢ CHO HỌC SINH TRONG CÁC TRƯỜNG PHỔ THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH

I. CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

Căn cứ Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường;

Căn cứ Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông;

Căn cứ Quyết định số 1876/QĐ-BGDĐT ngày 21/5/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành chương trình bồi dưỡng năng lực tư vấn cho giáo viên phổ thông làm công tác tư vấn cho học sinh;

Căn cứ Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập,

Để trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản và các điều kiện thực hiện nhiệm vụ tham gia công tác tư vấn, hỗ trợ về tâm lý, giáo dục, hướng nghiệp, công tác xã hội học đường cho học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, UBND tỉnh Ninh Bình xây dựng kế hoạch bồi dưỡng giáo viên thực hiện công tác tư vấn, hỗ trợ cho học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh như sau:

II. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung

- Tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông làm công tác tư vấn cho học sinh nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản và các điều kiện thực hiện nhiệm vụ tham gia công tác tư vấn, hỗ trợ về tâm lý, giáo dục, hướng nghiệp, công tác xã hội học đường cho học sinh phổ thông.

- Sau bồi dưỡng, giáo viên có được kiến thức và kỹ năng giúp phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp (khi cần thiết) đối với học sinh gặp phải khó khăn về tâm lý trong học tập và cuộc sống để tìm hướng giải quyết phù hợp, giảm thiểu tác động tiêu cực có thể xảy ra; góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường. Hỗ trợ học sinh rèn luyện kỹ năng sống; tăng cường ý chí, niềm tin, bản lĩnh, thái độ ứng xử phù hợp trong các mối quan hệ xã hội; rèn luyện sức khỏe thể chất và tinh thần, góp phần xây dựng và hoàn thiện nhân cách.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Trong năm 2019, 100% các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trong toàn tỉnh thành lập Tổ tư vấn tâm lý, hỗ trợ cho học sinh và đi vào hoạt động.

- 100% các trường trung học phổ thông, tiểu học và trung học cơ sở trong tỉnh có giáo viên tham gia bồi dưỡng kiến thức, năng lực tư vấn tâm lý cho học sinh và được cấp chứng chỉ nghiệp vụ về tư vấn tâm lý học đường để thực hiện công tác tư vấn, hỗ trợ học sinh tại cơ sở giáo dục;

- Phấn đấu 100% cán bộ quản lý và giáo viên trong đối tượng bồi dưỡng các trường phổ thông được bồi dưỡng kiến thức, năng lực tư vấn tâm lý cho học sinh và được cấp chứng chỉ nghiệp vụ về tư vấn tâm lý học đường để thực hiện công tác tư vấn, hỗ trợ học tại cơ sở giáo dục.

2. Yêu cầu

Đây là nhiệm vụ mới, cần được các cấp quản lý giáo dục và các nhà trường quan tâm thực hiện. Việc chọn, cử cán bộ quản lý, giáo viên tham gia lớp bồi dưỡng theo quy định của nhà nước và của tỉnh. Học viên tham gia lớp bồi dưỡng thực hiện nghiêm túc, đúng quy định về chế độ đào tạo, bồi dưỡng. Sau khi hoàn thành khóa bồi dưỡng, các học viên có đủ kiến thức, kỹ năng; được cấp chứng chỉ và thực hiện hiệu quả công tác tư vấn tâm lý, hỗ trợ cho học sinh tại cơ sở giáo dục theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

III. ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG VÀ HÌNH THỨC BỒI DƯỠNG

1. Đối tượng tham gia bồi dưỡng

Là cán bộ quản lý, giáo viên của các trường phổ thông (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm GDTX Tin học và Ngoại ngữ, trung tâm GDNN-GDTX các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, gồm:

- Cán bộ quản lý (Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và tương đương)

- Giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn và giáo viên phụ trách công tác Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh của các trường phổ thông, các trung tâm trong tỉnh.

2. Nội dung bồi dưỡng

Chương trình bồi dưỡng gồm 08 mô đun với 240 tiết (tương đương với 16 tín chỉ), bao gồm:

- Chuyên đề: Một số vấn đề chung về tư vấn cho học sinh và nhu cầu tư vấn của học sinh;

- Chuyên đề: Một số kỹ năng cơ bản trong tư vấn cho học sinh;

- Chuyên đề: Tìm hiểu, đánh giá khó khăn tâm lý của học sinh;

- Chuyên đề: Tư vấn học sinh gặp khó khăn tâm lí;

- Chuyên đề: Tư vấn học sinh có hành vi lệch chuẩn;

- Chuyên đề: Tư vấn kỹ năng, phương pháp học tập hiệu quả và định hướng nghề nghiệp;

- Chuyên đề: Tư vấn giới tính và sức khỏe sinh sản;

- Chuyên đề: Thực hành và kiểm tra cuối khóa.

3. Hình thức và phương pháp bồi dưỡng

- Tổ chức lớp bồi dưỡng theo hình thức không tập trung hoặc tập trung (trong dịp nghỉ hè), đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế và hoạt động bình thường của cơ sở giáo dục.

- Sử dụng các phương pháp sư phạm tích cực, hiện đại, gắn liền lý thuyết với thực hành, đa dạng các hình thức dạy học nhằm trang bị các kiến thức cần thiết giúp học viên thực hành hoạt động tư vấn hiệu quả.

4. Cơ sở bồi dưỡng

Là các trường đại học hoặc các cơ sở giáo dục được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ tổ chức bồi dưỡng và cấp chứng chỉ bồi dưỡng cho giáo viên phổ thông làm công tác tư vấn cho học sinh.

IV. LỘ TRÌNH THỰC HIỆN

1. Năm 2019

Tổ chức 04 lớp cho dành cho giáo viên cấp THPT, THCS và Tiểu học bao gồm:

- 01 lớp cho giáo viên cấp THPT gồm: các 26 trường THPT, Trung tâm GDTX, Tin học và Ngoại ngữ tỉnh, 07 trung tâm GDNN-GDTX huyện, thành phố. Mỗi đơn vị cử từ 03 giáo viên tham gia, dự kiến khoảng 100 học viên.

- 01 lớp cho giáo viên các trường THCS thuộc các huyện Kim Sơn, Yên Khánh, Yên Mô, thành phố Tam Điệp, mỗi trường THCS cử 02 giáo viên tham gia, tổng cộng 142 học viên.

- 01 lớp cho giáo viên các trường THCS tại thành phố Ninh Bình, huyện Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan, mỗi trường THCS cử 02 giáo viên tham gia, tổng cộng 142 học viên.

- 01 lớp cho giáo viên các trường tiểu học của các huyện, thành phố trong tỉnh, mỗi trường tiểu học cử 01 giáo viên tham gia, tổng cộng 152 học viên.

2. Năm 2020

Tổ chức 03 lớp, dành cho giáo viên cấp THPT, THCS và Tiểu học.

- 01 lớp cho giáo viên cấp THPT gồm: các 26 trường THPT, Trung tâm GDTX, Tin học và Ngoại ngữ tỉnh, 07 trung tâm GDNN-GDTX huyện, thành phố; mỗi đơn vị cử từ 03 giáo viên tham gia, dự kiến khoảng 100 học viên.

- 01 lớp cho giáo viên các trường THCS của các huyện, thành phố trong tỉnh, mỗi trường THCS cử 01 giáo viên tham gia, tổng cộng 142 học viên.

- 01 lớp cho giáo viên các trường tiểu học của các huyện, thành phố trong tỉnh, mỗi trường tiểu học cử 01 giáo viên tham gia, tổng cộng 152 học viên.

3. Năm 2021

Tổ chức 03 lớp dành cho giáo viên cấp Trung học cơ sở và Tiểu học, gồm:

- 01 lớp cho giáo viên các trường THCS của các huyện, thành phố trong tỉnh, mỗi trường THCS cử 01 giáo viên tham gia, tổng cộng 142 học viên.

- 01 lớp cho giáo viên các trường tiểu học của các huyện Kim Sơn, Yên Khánh, Yên Mô, thành phố Tam Điệp, mỗi cơ sở giáo dục cử 02 giáo viên tham gia, tổng cộng 156 học viên.

- 01 lớp cho giáo viên các trường tiểu học tại thành phố Ninh Bình, huyện Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan, mỗi cơ sở giáo dục cử 02 giáo viên tham gia, tổng cộng 148 học viên.

4. Năm 2022

Tổ chức 03 lớp, dành cho giáo viên cấp THPT, THCS và Tiểu học.

- 01 lớp cho giáo viên cấp THPT gồm: các 26 trường THPT, Trung tâm GDTX, Tin học và Ngoại ngữ tỉnh, 07 trung tâm GDNN-GDTX huyện, thành phố; mỗi trường cử từ 02 giáo viên tham gia, dự kiến khoảng 68 học viên.

- 01 lớp cho giáo viên các trường THCS của các huyện, thành phố trong tỉnh, mỗi trường THCS cử 01 giáo viên tham gia, tổng cộng 142 học viên.

- 01 lớp cho giáo viên các trường tiểu học của các huyện, thành phố trong tỉnh, mỗi trường tiểu học cử 01 giáo viên tham gia, tổng cộng 152 học viên.

5. Từ năm 2022

Tổ chức các lớp cho các đối tượng còn lại chưa được bồi dưỡng.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

- Kinh phí thực hiện cho các hoạt động bồi dưỡng tại Kế hoạch này được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước, kinh phí của cơ quan quản lý về giáo dục, kinh phí của các cơ sở giáo dục cử cán bộ, giáo viên tham gia lớp bồi dưỡng theo quy định hiện hành của nhà nước về đào tạo, bồi dưỡng.

- Hàng năm, cùng thời điểm xây dựng dự toán chi ngân sách nhà nước, Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thành phố lập dự toán kinh phí thực hiện Kế hoạch này theo quy định gửi Sở Tài chính thẩm định, báo cáo UBND tỉnh xem xét quyết định theo quy định.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Là cơ quan chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch bồi dưỡng giáo viên thực hiện công tác tư vấn tâm lý, hỗ trợ cho học sinh trong các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

- Chỉ đạo các phòng chuyên môn, các đơn vị trực thuộc Sở, các phòng GD&ĐT căn cứ vào tình hình thực tế, tổng hợp nhu cầu của đơn vị, chọn cử và sắp xếp thời gian, tạo điều kiện cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tham gia lớp bồi dưỡng đạt hiệu quả.

- Lựa chọn cơ sở giáo dục đủ uy tín và năng lực theo quy định để tổ chức bồi dưỡng và cấp chứng chỉ bồi dưỡng cho giáo viên phổ thông làm công tác tư vấn cho học sinh.

- Lập dự toán kinh phí hằng năm gửi Sở tài chính thẩm định báo cáo UBND tỉnh theo quy định.

- Theo dõi, kiểm tra, đánh giá chất lượng công tác bồi dưỡng theo đúng quy định, tổng hợp kết quả thực hiện Kế hoạch này hàng năm và định kỳ báo cáo về UBND tỉnh và Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định.

2. Sở Tài chính

Hằng năm căn cứ khả năng cân đối nguồn ngân sách của tỉnh, thẩm định, tham mưu kinh phí để triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này theo quy định hiện hành.

3. Sở Nội vụ

Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này.

4. Trường Đại học Hoa Lư

- Có kế hoạch chuẩn bị các điều kiện và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giảng viên của trường làm công tác tổ chức bồi dưỡng giáo viên tư vấn cho học sinh.

- Tham gia công tác tổ chức bồi dưỡng và cấp chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên phổ thông làm công tác tư vấn cho học sinh khi có đủ điều kiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

5. UBND các huyện, thành phố

- Căn cứ Kế hoạch này, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch này theo phân cấp quản lý; xây dựng kinh phí để triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này theo quy định hiện hành.

- Chỉ đạo phòng Giáo dục và Đào tạo, trung tâm GDNN-GDTX, căn cứ vào tình hình thực tế, tổng hợp nhu cầu của đơn vị, chọn cử và sắp xếp thời gian, tạo điều kiện cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tham gia lớp bồi dưỡng đạt hiệu quả.

- Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch này hằng năm về UBND tỉnh (qua Sở Giáo dục và Đào tạo) theo quy định.

Trên đây là Kế hoạch bồi dưỡng giáo viên thực hiện công tác tư vấn tâm lý, hỗ trợ cho học sinh trong các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện Kế hoạch có hiệu quả./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Lãnh đạo UBND tỉnh;
- Các Sở, ban ngành có liên quan;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu: VT, VP2, VP7, VP6.
Tr04/GD

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Tống Quang Thìn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 50/KH-UBND năm 2019 về bồi dưỡng giáo viên thực hiện công tác tư vấn tâm lý, hỗ trợ cho học sinh trong trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

  • Số hiệu: 50/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 11/04/2019
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Bình
  • Người ký: Tống Quang Thìn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản