Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3800/KH-UBND

Bình Thuận, ngày 10 tháng 9 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NHIỆM VỤ NĂM 208 VÀ NĂM 2019 ĐỀ ÁN "DẠY VÀ HỌC NGOẠI NGỮ TRONG HỆ THỐNG GIÁO DỤC QUỐC DÂN GIAI ĐOẠN 2017 - 2025".

Thực hiện Công văn số 3258/BGDĐT-ĐANN ngày 02/8/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hoàn thiện Kế hoạch giai đoạn 2017 - 2025 và hướng dẫn nhiệm vụ trọng tâm năm 2018 và năm 2019 của Đề án Ngoại ngữ quốc gia;

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận xây dựng Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2018 và năm 2019 Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017 - 2025" như sau:

1. Mục tiêu

- Nâng cao năng lực chuyên môn, chuẩn hóa năng lực ngoại ngữ của tất cả giáo viên tiếng Anh theo quy định;

- Đổi mới việc dạy và học ngoại ngữ tại các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh;

- Đổi mới kiểm tra, đánh giá hoạt động dạy và học ngoại ngữ;

- Nâng cao năng lực chuyên môn, chuẩn hóa năng lực ngoại ngữ của tất cả giáo viên tiếng Anh theo yêu cầu của Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân”, chuẩn bị triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới; triển khai Chương trình tiếng Anh tăng cường ở cấp học Tiểu học và Trung học cơ sở;

- Tăng cường điều kiện dạy và học ngoại ngữ, ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy và học ngoại ngữ;

- Đẩy mạnh công tác truyền thông, hợp tác quốc tế, xây dựng môi trường dạy và học ngoại ngữ.

2. Các nhiệm vụ trọng tâm

2.1. Triển khai chương trình, sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu dạy và học ngoại ngữ cho các cấp học và trình độ đào tạo theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế, phù hợp với đặc thù của Việt Nam

- Mục tiêu: Triển khai có hiệu quả Chương trình tiếng Anh 10 năm và tiếng Anh tăng cường nhằm nâng cao năng lực ngoại ngữ, đáp ứng chuẩn đầu ra đối với học sinh các cấp học; tiếp tục triển khai dạy Toán và các môn Khoa học tự nhiên (KHTN) bằng tiếng Anh ở một số cơ sở có nhu cầu và đủ điều kiện.

- Nội dung:

+ Tiếp tục triển khai và mở rộng Chương trình tiếng Anh 10 năm tại các cơ sở giáo dục đủ điều kiện.

+ Tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực ngoại ngữ (NLNN) để chọn học sinh đủ điều kiện học Chương trình tiếng Anh 10 năm (lớp 6 và lớp 10).

+ Liên kết với tổ chức giáo dục uy tín triển khai Chương trình tiếng Anh tăng cường cho cấp THCS và THPT, sử dụng nguồn kinh phí tự nguyện từ phía phụ huynh, các nhà tài trợ.

+ Tổ chức các lớp tập huấn giáo viên giảng dạy Chương trình tiếng Anh tăng cường.

+ Tổ chức thí điểm cho trẻ làm quen với tiếng Anh trong các cơ sở GDMN; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ quản lý tại các đơn vị.

- Sản phẩm dự kiến:

+ Mở rộng quy mô triển khai Chương trình tiếng Anh 10 năm ở các cấp: 28/28 trường THPT, 60/130 trường THCS và 150/278 trường TH trên địa bàn tỉnh.

+ 02 trường THPT và ít nhất 10 trường THCS sử dụng Chương trình tiếng Anh tăng cường.

+ 30 giáo viên được tập huấn giảng dạy Chương trình tiếng Anh tăng cường.

+ 20 giáo viên dạy Toán và các môn KHTN (Lý, Hóa và Sinh) bằng tiếng Anh được bồi dưỡng, tập huấn.

+ Mỗi huyện có ít nhất 02 trường mầm non, mẫu giáo dạy thí điểm, riêng thành phố Phan Thiết và thị xã La Gi có ít nhất 04 trường dạy thí điểm làm quen tiếng Anh cho trẻ.

+ 30 cán bộ quản lý tại 10 đơn vị tham gia thực hiện thí điểm về dạy tiếng Anh ở bậc Mầm non được bồi dưỡng, tập huấn về tổ chức thực hiện chương trình tiếng Anh cho bậc Mầm non.

- Thời gian thực hiện: Từ tháng 8/2018 - 12/2019

- Đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp:

+ Đơn vị chủ trì: Sở Giáo dục và Đào tạo.

+ Đơn vị phối hợp: Sở Tài chính.

- Kinh phí thực hiện: 800.000.000đ (Tám trăm triệu đồng). Cụ thể:

+ Tập huấn giáo viên giảng dạy tiếng Anh tăng cường:

30 người x 10.000.000đ = 300.000.000đ (Sáu trăm triệu đồng)

+ Bồi dưỡng giáo viên dạy Toán và các môn KHTN bằng tiếng Anh:

20 người x 10.000.000đ = 200.000.000đ (Ba trăm triệu đồng)

+ Bồi dưỡng cán bộ quản lý bậc Mầm non:

30 người x 10.000.000đ = 300.000.000đ (Ba trăm triệu đồng)

2.2. Đổi mới kiểm tra, đánh giá trong dạy và học ngoại ngữ theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế

- Mục tiêu:

+ Đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ của học sinh.

+ Triển khai thí điểm đánh giá NLNN học sinh theo chuẩn đầu ra, ứng với Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc Khung NLNN châu Âu.

- Nội dung:

+ Kiểm tra thường xuyên chủ yếu dành cho kĩ năng nói, khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh của học sinh.

+ Bài kiểm tra định kì tích hợp gồm các kĩ năng: nghe, đọc, viết và kiến thức ngôn ngữ. Tỉ lệ thành phần trong bài kiểm tra, bài thi đảm bảo chênh lệch không quá 5% giữa các kĩ năng.

+ Kết hợp với Trung tâm khảo thí của Đại học Cambridge (Cambridge ESOL) để hỗ trợ, hợp tác trong việc đánh giá năng lực cho học sinh cấp Tiểu học, THCS và THPT.

- Sản phẩm dự kiến:

+ 108 học sinh Tiểu học đạt chuẩn NLNN tương đương A1;

+ 100 học sinh THCS đạt chuẩn NLNN tương đương A2;

+ 225 học sinh THPT đạt chuẩn NLNN tương đương B1.

- Thời gian thực hiện: Năm học 2018 - 2019

- Đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp:

+ Đơn vị chủ trì: Sở Giáo dục và Đào tạo.

+ Đơn vị phối hợp: Sở Tài chính.

- Kinh phí thực hiện: 438.500.000 đồng (Bốn trăm ba mươi tám triệu, năm trăm nghìn đồng).

Cụ thể:

+ Tiểu học: 108 học sinh x 750.000đ = 81.000.000 đồng (Tám mươi mốt triệu đồng).

+ THCS, THPT: 325 học sinh x 1.100.000đ = 357.500.000 đồng (Ba trăm năm mươi bảy triệu năm trăm nghìn đồng).

2.3. Tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ và nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên tiếng Anh ở các cấp học phổ thông

- Mục tiêu: Bồi dưỡng nâng cao năng lực sư phạm cho giáo viên ngoại ngữ các cấp học; chuẩn hóa năng lực ngoại ngữ của tất cả giáo viên tiếng Anh theo yêu cầu của Đề án.

- Nội dung: Tiếp tục phối hợp với các cơ sở đào tạo trong nước được Đề án giao nhiệm vụ để tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao NLNN, NLSP cho giáo viên tiếng Anh.

* Thông tin về giáo viên ngoại ngữ:

Tổng số giáo viên ngoại ngữ hiện có: 1152 giáo viên. Trong đó, tổng số giáo viên ngoại ngữ hiện đạt chuẩn: 979/1152, đạt tỉ lệ 84.98% (Tiểu học: 281/329 đạt tỉ lệ: 85.41%, THCS: 521/569 đạt tỉ lệ 91.56%, THPT: 177/254 đạt tỉ lệ 69.69%).

- Sản phẩm dự kiến:

+ 173 giáo viên tiếng Anh các cấp được Trường ĐH Sư phạm Tp.Hồ Chí Minh bồi dưỡng nâng cao NLNN.

+ 150 giáo viên tiếng Anh các cấp được Trường ĐH Sư phạm Tp.Hồ Chí Minh bồi dưỡng nâng cao năng lực sư phạm.

- Thời gian thực hiện: 8/2018 - 12/2019

- Đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp:

+ Đơn vị chủ trì: Đề án NNQG.

+ Đơn vị phối hợp: Sở Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh.

- Kinh phí thực hiện: Kinh phí tổ chức bồi dưỡng do Đề án ngoại ngữ 2020 chi trả.

3.4. Tổ chức bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ công chức, viên chức (không bao gồm đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ)

- Mục tiêu: công chức, viên chức đạt chuẩn quy định về ngoại ngữ đối với từng vị trí, việc làm.

- Nội dung: bồi dưỡng tiếng Anh bậc 2 cho công chức, viên chức không chuyên ngữ.

- Sản phẩm dự kiến: 252 công chức, viên chức đạt năng lực tiếng Anh bậc 2 trở lên hoặc tương đương.

- Thời gian thực hiện: tháng 6/2019.

- Đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp:

+ Đơn vị chủ trì: Sở Giáo dục và Đào tạo.

+ Đơn vị phối hợp: Sở Tài chính, Sở Nội vụ và các sở, ban ngành liên quan.

- Kinh phí thực hiện: 252 người x 10.000.000 đồng = 2.520.000.000 đồng (Hai tỉ năm trăm hai mươi triệu đồng)

3.5. Tăng cường điều kiện dạy và học ngoại ngữ theo hướng ứng dụng CNTT trong dạy và học ngoại ngữ

- Mục tiêu: Hỗ trợ trang thiết bị thiết yếu phục vụ dạy và học ngoại ngữ tại các cơ sở giáo dục và đào tạo theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học ngoại ngữ, ưu tiên các cơ sở giáo dục triển khai Chương trình tiếng Anh 10 năm, tiếng Anh tăng cường và các khu vực đặc biệt khó khăn.

- Nội dung:

+ Mua sắm các trang thiết bị tối thiểu phục vụ cho việc dạy và học ngoại ngữ các cấp học.

+ Từng bước đầu tư, trang bị các phòng nghe nhìn và đa phương tiện cho các cơ sở giảng dạy Chương trình tiếng Anh 10 năm, tiếng Anh tăng cường.

- Sản phẩm dự kiến: 100% các trường học đảm bảo các yêu cầu tối thiểu phục vụ giảng dạy ngoại ngữ: mỗi trường học được cung cấp 02 máy cát-sét.

- Thời gian thực hiện: 6/2019.

- Đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp:

+ Đơn vị chủ trì: Sở Giáo dục và Đào tạo.

+ Đơn vị phối hợp: Sở Tài chính.

- Kinh phí thực hiện:

434 trường x 02 cái máy x 2.500.000đ/cái = 2.170.000.000 đồng (Hai tỉ một trăm bảy mươi triệu đồng)

3.6. Đẩy mạnh công tác truyền thông, hợp tác quốc tế, xây dựng môi trường dạy và học ngoại ngữ

- Mục tiêu:

+ Tiếp tục phát triển, nhân rộng các mô hình xây dựng môi trường sử dụng ngoại ngữ tại các cơ sở giáo dục.

+ Xây dựng và phát triển môi trường học tập ngoại ngữ.

- Nội dung:

+ Phát huy và nhân rộng các mô hình như: Câu lạc bộ tiếng Anh, Hội thi hùng biện tiếng Anh tại các trường.

+ Tạo điều kiện để thu hút, đãi ngộ giáo viên, tình nguyện viên ở nước ngoài về làm việc tại tỉnh Bình Thuận.

+ Phối hợp, tạo điều kiện để các đơn vị, trường làm việc với tổ chức Lattitude Global Volunteering (LATTITUDE), Đại sứ quán Hoa Kỳ,… để tiếp tục mời giáo viên tình nguyện người nước ngoài về giảng dạy tại các trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo, THPT Phan Thiết và một số trường THPT khác.

- Đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp:

+ Đơn vị chủ trì: Sở Giáo dục và Đào tạo.

+ Đơn vị phối hợp: Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Công an tỉnh.

- Thời gian thực hiện: Trong năm học 2018 - 2019.

- Sản phẩm dự kiến:

+ Trong năm học 2018 - 2019, hầu hết các cơ sở giáo dục đều tổ chức ít nhất 01 buổi sinh hoạt ngoại khóa về tiếng Anh.

- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, trong năm học 2018 - 2019, đặt mục tiêu có khoảng 04 giáo viên người nước ngoài giảng dạy và làm công tác tình nguyện tại các trường, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

- Thời gian thực hiện: Trong năm học 2018 - 2019

- Đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp:

+ Đơn vị chủ trì: Sở Giáo dục và Đào tạo.

+ Đơn vị phối hợp: Sở Tài chính.

- Kinh phí thực hiện: 1.188.000.000đ (Một tỷ một trăm tám mươi tám nghìn đồng).

Tổ chức cuộc thi hùng biện tiếng Anh ở các trường TH, THCS và THPT :

+ Cấp TH: 139 trường x 4.000.000 đồng = 556.000.000 đồng (Năm trăm năm mươi sáu triệu đồng)

+ Cấp THCS: 130 trường x 4.000.000 đồng = 520.000.000 đồng (Năm trăm hai mươi triệu đồng)

+ Cấp THPT: 28 trường x 4.000.000 đồng = 112.000.000 đồng (Một trăm mười hai triệu đồng).

3.7. Đẩy mạnh xã hội hóa trong dạy và học ngoại ngữ

- Mục tiêu:

+ Đẩy mạnh công tác xã hội hóa khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ, hợp tác, đầu tư, cung cấp các dịch vụ dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là các Chương trình dạy và học ngoại ngữ theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin.

+ Kiểm soát chất lượng và phát huy vai trò của các trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh.

- Nội dung:

+ Huy động các nguồn tài trợ, đóng góp hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện Chương trình tiếng Anh tăng cường đạt hiệu quả.

+ Khuyến khích các tổ chức, cá nhân có uy tín thành lập các trung tâm ngoại ngữ chất lượng cao có giáo viên bản ngữ giảng dạy.

+ Triển khai các hoạt động nâng cao chất lượng, phát huy vai trò của các trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh.

+ Phối hợp với các Trung tâm ngoại ngữ có uy tín trong và ngoài tỉnh, giáo viên bản ngữ có trình độ chuyên môn giảng dạy tại các trường.

- Thời gian thực hiện: Trong năm học 2018 - 2019

- Sản phẩm dự kiến:

+ 03 giáo viên người bản xứ ở các Trung tâm ngoại ngữ giảng dạy tại một số trường TH, THCS và THPT.

+ Số Trung tâm ngoại ngữ có uy tín, chất lượng được thành lập mới: 04.

- Đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp:

+ Đơn vị chủ trì: Sở Giáo dục và Đào tạo.

+ Đơn vị phối hợp: Sở Tài chính, Công an tỉnh, các Trung tâm ngoại ngữ.

- Kinh phí thực hiện: Mời giảng viên người bản xứ ở các Trung tâm ngoại ngữ giảng dạy tại một số trường điển hình trên địa bàn Thành phố Phan Thiết:

05 trường x 70 tiết x 500.000 đồng = 175.000.000 đồng (Một trăm bảy mươi lăm triệu đồng)

3.8. Nâng cao hiệu quả quản lý, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Đề án.

- Mục tiêu:

+ Tổ chức kiểm tra, giám sát các cơ sở giáo dục, đặc biệt công tác đổi mới về cách kiểm tra, đánh giá theo hướng kiểm tra kỹ năng học sinh;

+ Giám sát việc sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị, tài liệu, học liệu được cấp phát phục vụ cho công tác dạy học ngoại ngữ.

- Nội dung:

+ Kiện toàn đội ngũ nhân sự triển khai Đề án cấp tỉnh.

+ Xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát thường xuyên, định kỳ việc thực hiện Đề án tại các đơn vị.

+ Tổ chức sơ kết, tổng kết, báo cáo theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Thời gian thực hiện: Trong năm học 2018 - 2019

- Sản phẩm dự kiến:

+ Ban Chỉ đạo Đề án NNQG cấp tỉnh (đã được kiện toàn);

+ Kiểm tra 10 đơn vị về thực hiện Đề án.

- Đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp:

+ Đơn vị chủ trì: Sở Giáo dục và Đào tạo.

+ Đơn vị phối hợp: Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Thông tin và Truyền thông.

- Kinh phí thực hiện: 60.000.000đ (Sáu mươi triệu đồng)

3. Nhu cầu kinh phí

3.1. Tổng kinh phí: 7.351.500.000 (Bảy tỉ ba trăm năm mươi mốt triệu trăm nghìn đồng). (xem bảng phụ lục đính kèm)

3.2. Nguồn kinh phí:

- Kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách địa phương, được bố trí trọng dự toán ngân sách hàng năm của ngành Giáo dục.

- Các nguồn huy động, tài trợ và các nguồn vốn hợp pháp khác (nếu có).

- Đối với hoạt động phối hợp tổ chức các khóa bồi dưỡng cho giáo viên ngoại ngữ các cấp học phổ thông:

+ Kinh phí tổ chức khóa bồi dưỡng do đơn vị bồi dưỡng (10 đơn vị được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ) chi trả từ nguồn kinh phí của Đề án NNQG cấp cho đơn vị.

+ Kinh phí hỗ trợ cho giáo viên ngoại ngữ tham gia lớp bồi dưỡng (nếu có) do đơn vị cử đi chi trả theo quy định hiện hành.

4. Tổ chức thực hiện

4.1. Sở Giáo dục và Đào tạo:

- Là cơ quan Thường trực, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện toàn diện các nhiệm vụ trong Kế hoạch.

- Phối hợp với các Sở, ngành liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ đã đề ra; báo cáo kết quả thực hiện cho Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Chỉ đạo các cơ sở giáo dục quán triệt đầy đủ kế hoạch thực hiện và lộ trình Đề án ngoại ngữ quốc gia cho toàn thể giáo viên, cán bộ, nhân viên.

4.2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo lồng ghép các chương trình, dự án để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các trường phổ thông thuộc tỉnh đủ điều kiện để triển khai dạy và học ngoại ngữ theo nội dung Kế hoạch này.

4.3. Sở Tài chính

Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện Đề án, lồng ghép vào nguồn kinh phí sự nghiệp giáo dục của ngành hàng năm trong khả năng ngân sách địa phương để thực hiện; đồng thời hướng dẫn, kiểm tra, giám sát sử dụng kinh phí thực hiện Kế hoạch theo quy định.

4.4. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Bình Thuận, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng nội dung đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức toàn xã hội về chương trình đổi mới công tác giáo dục, đào tạo ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

4.5. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

- Tiếp tục xây dựng nội dung cụ thể để chỉ đạo triển khai thực hiện Kế hoạch tại địa phương mình; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch.

- Định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch cho Sở Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp chung./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Đề án NNQG 2020;
- Chủ tịch, PCT UBND tỉnh (Đ/c Hòa);
- Mặt trận và các Đoàn thể tỉnh;
- Các cơ quan thuộc UBND tỉnh;
- Báo Bình Thuận;
- Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh;
- Lưu: VT, KGVX. Bích.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Nguyễn Đức Hòa

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 3800/KH-UBND thực hiện nhiệm vụ năm 2018 và năm 2019 Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025" do tỉnh Bình Thuận ban hành

  • Số hiệu: 3800/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 10/09/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
  • Người ký: Nguyễn Đức Hòa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/09/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản