Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 37/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 25 tháng 3 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 03/CT-TTG NGÀY 16/01/2020 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN LUẬT PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA RƯỢU, BIA VÀ NGHỊ ĐỊNH SỐ 100/NĐ-CP CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ, ĐƯỜNG SẮT

Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 16/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt (sau đây viết tắt là Chỉ thị số 03/CT-TTg), Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện với những nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung trong Chỉ thị số 03/CT-TTg, qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao ý thức của người dân trong việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và giảm các hành vi vi phạm TTATGT được quy định tại Nghị định số 100/NĐ-CP, góp phần bảo đảm ANTT, TTATGT trên địa bàn tỉnh.

2. Huy động sự vào cuộc tích cực và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các ban, ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền các cấp, các đoàn thể chính trị, xã hội trong triển khai thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg, nhất là trong công tác tuyên truyền và kiểm tra, xử lý vi phạm, qua đó từng bước thay đổi thói quen và hình thành văn hóa sử dụng rượu, bia lành mạnh trong nhân dân, đặc biệt là giảm tai nạn giao thông do vi phạm quy định về nồng độ cồn gây ra.

3. Chú trọng đào tạo nâng cao trình độ, năng lực công tác và phẩm chất đạo đức cho lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm TTATGT; trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác, đáp ứng kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; tăng cường kiểm tra, giám sát, phòng ngừa sai phạm và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực. Nghiêm cấm cán bộ, đảng viên, công nhân viên can thiệp vào việc xử phạt vi phạm về TTATGT.

II. NỘI DUNG, BIỆN PHÁP VÀ PHÂN CÔNG THỰC HIỆN

1. Các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/NĐ-CP với các hình thức đa dạng, phong phú đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa nhân văn của các quy định trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và tính phòng ngừa, cảnh báo giúp người dân nâng cao nhận thức và giảm các hành vi vi phạm quy định pháp luật về TTATGT tại Nghị định số 100/NĐ-CP; đồng thời tổ chức Cuộc vận động thực hiện quy định “Đã uống rượu, bia - không lái xe” trong cơ quan, đơn vị, đoàn thể, doanh nghiệp và cộng đồng, trong đó cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải nêu gương hành động.

- Thường xuyên củng cố, kiện toàn, tăng cường cơ sở vật chất, biên chế và đào tạo các lực lượng làm công tác tham mưu, quản lý nhà nước về TTATGT, giao thông vận tải, báo cáo viên, tuyên truyền viên có đủ năng lực, phẩm chất, tinh thần trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phòng ngừa và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm, tiêu cực trong hoạt động quản lý vận tải và TTATGT. Gắn trách nhiệm của cơ quan và Thủ trưởng cơ quan đối với lĩnh vực được giao quản lý nếu để xảy ra vụ việc đặc biệt nghiêm trọng.

2. Công an tỉnh

- Phối hợp với các ngành chức năng và các cấp chính quyền làm tốt công tác tuyên truyền; đồng thời huy động lực lượng, phương tiện tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm về TTATGT theo quy định tại Nghị định số 100/NĐ-CP (duy trì thực hiện nghiêm trong suốt năm 2020, đặc biệt là trong các Lễ hội). Trong đó, tập trung xử lý vi phạm về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông và các hành vi có nguy cơ cao gây tai nạn và ùn tắc giao thông; kiên quyết xử lý nghiêm minh, không nể nang (không có vùng cấm) đối với các hành vi vi phạm.

- Phối hợp chặt chẽ công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm với tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; kịp thời biểu dương, khen thưởng các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc; phê bình, kỷ luật các tập thể, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm quy định; tuyệt đối không can thiệp hoặc để xảy ra can thiệp làm sai lệch kết quả xử lý vi phạm, dẫn đến tiêu cực trong thực thi công vụ.

3. Sở Giao thông vận tải

- Tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hiện Nghị định số 100/NĐ-CP và các quy định liên quan đến ATGT trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia cho lực lượng Thanh tra giao thông để tổ chức triển khai nghiêm túc, hiệu quả; đồng thời thường xuyên nắm bắt, tổng hợp những vấn đề mới phát sinh trong quá trình thực hiện để báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

- Làm tốt công tác quản lý vận tải, phương tiện, người lái, nhất là hoạt động vận tải hàng hóa, hành khách bằng xe ô tô; yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh vận tải tăng cường công tác quản lý và tuyên truyền cho đội ngũ lái xe chấp hành nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, không vi phạm các quy định về TTATGT tại Nghị định số 100/NĐ-CP; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

4. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí, hệ thống truyền thanh cơ sở (huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn) tăng cường đưa tin về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/NĐ-CP; phối hợp với ngành Công an, Giao thông vận tải tuyên truyền về tính nghiêm minh của pháp luật cũng như kết quả xử lý vi phạm về TTATGT, từ đó tạo niềm tin, sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân đối với lực lượng chức năng trong quá trình thực thi công vụ; đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi đưa tin, tuyên truyền về các hoạt động sai trái, đi ngược lại quy định của pháp luật.

5. Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện công tác tuyên truyền về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/NĐ-CP với nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng, phù hợp với từng lứa tuổi, thành phần tham gia giao thông. Trong đó, chú trọng các biện pháp tuyên truyền trực quan như căng treo băng rôn, khẩu hiệu, pa nô, áp phích... và tuyên truyền lồng ghép trong các hoạt động văn hóa, thể thao của ngành.

6. Ban An toàn giao thông tỉnh

- Làm tốt chức năng là cơ quan thường trực, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo; đồng thời thường xuyên đôn đốc các cơ quan chức năng và địa phương thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các mặt công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác tuyên truyền về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/NĐ-CP. Chú trọng xây dựng, in, cấp phát các ấn phẩm truyền thông (thông điệp, băng rôn, áp phích, tờ rơi...), xây dựng nội dung, hình ảnh tuyên truyền để căng treo, lắp đặt tại các nút giao thông trọng điểm, khu vực bến xe, nơi đông dân cư, khu, điểm du lịch và các trường học; thường xuyên theo dõi, kiểm tra thông tin phản ánh của các cơ quan truyền thông về tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh để có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý theo quy định.

7. UBND các huyện, thành phố

- Chỉ đạo các lực lượng chức năng thực hiện nghiêm túc, quyết liệt Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/NĐ-CP; tiếp tục phát huy vai trò của các đồng chí bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố, trưởng thôn, xóm, người có uy tín và các chức sắc tôn giáo trong công tác tuyên truyền, qua đó từng bước thay đổi thói quen sử dụng rượu, bia trong nhân dân, nhất là trong các ngày Lễ, Tết, Lễ hội, đám cưới, đám tang...

- Chỉ đạo lồng ghép nội dung tuyên truyền về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/NĐ-CP vào sinh hoạt định kỳ của các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, nhất là tại cấp cơ sở; đồng thời xác định rõ việc chấp hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và quy định về TTATGT là một tiêu chí để bình xét thi đua của các tổ chức, đoàn thể và xét công nhận khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”.

- Củng cố, kiện toàn và phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của Ban an toàn giao thông các cấp trong công tác tham mưu, chỉ đạo triển khai các giải pháp bảo đảm TTATGT; tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện, kịp thời phê bình, kỷ luật những tập thể, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Căn cứ nội dung Kế hoạch này và chức năng, nhiệm vụ được phân công, các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố và các tổ chức, đoàn thể xây dựng Kế hoạch cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả; định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về Ban ATGT tỉnh, Công an tỉnh trước ngày 15 tháng 12 để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

2. Giao Ban An toàn giao thông tỉnh chủ trì theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch này và tổng hợp tình hình, kết quả báo cáo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- Lãnh đạo UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh;
- Các cơ quan Trung ương trên địa bàn tỉnh;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu: VT, VP4,2,6,7.
TT_VP4_02KH

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Thạch

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 37/KH-UBND năm 2020 thực hiện Chỉ thị 03/CT-TTg về tăng cường thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt do tỉnh Ninh Bình ban hành

  • Số hiệu: 37/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 25/03/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Bình
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Thạch
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/03/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản