Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 242/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 20 tháng 12 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH GIA SÚC, GIA CẦM VÀ THỦY SẢN NUÔI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN NĂM 2022

PHẦN I

TÌNH HÌNH CHĂN NUÔI, DỊCH BỆNH GIA SÚC, GIA CẦM VÀ THỦY SẢN NUÔI NĂM 2021

I. TÌNH HÌNH CHĂN NUÔI, NUÔI TRỒNG THỦY SẢN

1. Tình hình chăn nuôi

Tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2021 có xu hướng giảm về số lượng tổng đàn trâu, tăng tổng đàn bò, đàn gia cầm, đàn lợn tăng so với cùng kỳ do duy trì, đẩy mạnh công tác tái đàn (số liệu đến tháng 10/2021).

Đàn trâu giảm do hiệu quả kinh tế không cao, môi trường chăn thả bị thu hẹp, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp thay sức kéo, một số hộ xuất bán trâu để lấy vốn đầu tư vào trồng rừng. Ước tính số lượng trâu hiện có 74.010 con; số trâu xuất chuồng ước đạt 2.068 con, tăng 0,34% so với cùng kỳ; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 498,39 tấn.

Đàn bò tăng do có thị trường tiêu thụ tốt, giá bán thịt bò hơi ở mức cao, người chăn nuôi có lãi ổn định. Ước tính số lượng bò hiện có 33.590 con, tăng 0,03% so với cùng kỳ; số bò xuất chuồng đạt 750 con, tăng 1,35%; sản lượng thịt hơi xuất chuồng 145,58 tấn, tăng 1,35% so với cùng kỳ năm trước.

Đàn lợn tăng do người dân tái đàn để chuẩn bị tết Nguyên đán năm 2022, số lợn hiện có khoảng 118.241 con, tăng 7,18% so với cùng kỳ năm trước. Tình hình bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vẫn xảy ra lẻ tẻ, nhưng cơ bản được khống chế, kiểm soát; số lợn xuất chuồng ước tính 17.865 con, tương đương sản lượng hơi xuất chuồng đạt 1.484,58 tấn, tăng 5,31% so với cùng kỳ năm trước.

Đàn gia cầm phát triển tốt, không có dịch bệnh lớn xảy ra, giá cả và thị trường tiêu thụ ổn định. Ước tổng đàn gia cầm hiện có 5.516 nghìn con, tăng 3,61% so với cùng kỳ. Chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh có xu hướng phát triển mang lại hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm chi phí, đầu ra ổn định, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân; sản lượng thịt hơi xuất chuồng của gia cầm đạt 1.225,42 tấn. Sản lượng trứng gia cầm đạt 5.764,63 nghìn quả.

2. Nuôi trồng thủy sản

Diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 1.286,43 ha, tăng 0,17% so với cùng kỳ; sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 1.111,80 tấn, tăng 0,53% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều hợp tác xã nuôi trồng thủy sản phát triển, vùng nuôi tập chung như: Hợp tác xã cá lồng Tân Minh huyện Văn Quan, Hợp tác xã thủy sản Hồng Phong, Tam Hoa huyện Bắc Sơn… Số lượng lồng cá đạt 570 lồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ. Cung ứng giống thủy sản năm 2021 đảm bảo tự chủ, tự chịu trách nhiệm và đảm bảo đời sống cho người lao động; thực hiện thả 2.862.000 con cá bột, cá hương, cá giống ương nuôi các loại (chép, trắm, vược, rô phi), đạt 95% kế hoạch năm; cung ứng khoảng 989.797 con cá giống các loại (trắm, chép, mè, trôi, chim, trê, vược...).

II. TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH, NGUYÊN NHÂN PHÁT SINH

1. Tình hình dịch bệnh

Từ đầu năm 2021 đến nay trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn xảy ra một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP), bệnh Viêm da nổi cục (VDNC) trên đàn trâu bò, bệnh Dại trên đàn chó, bệnh Cúm gia cầm (A/H5N6 và A/H5N8), Lở mồm long móng gia súc (LMLM) và một số bệnh địa phương xảy ra lẻ tẻ, rải rác nhưng không phát thành dịch như Tụ huyết trùng, Tiên mao trùng…;

- Bệnh DTLCP: từ đầu năm 2021 đến ngày 30/11/2021 bệnh xảy ra tại 2.879 hộ/666 thôn/161 xã /11 huyện, thành phố làm chết, buộc phải tiêu hủy 11.366 con, tổng trọng lượng 615.615 kg (lợn thịt, lợn con 9.371 con, trọng lượng 358.199 kg; lợn nái, lợn đực đang khai thác 1.995 con, trọng lượng 257.416 kg). Đến nay còn 41 xã trên địa bàn tỉnh có dịch chưa qua 21 ngày.

- Tình hình bệnh dại chó: mẫu giám sát tại 25 hộ/24 thôn/17 xã/7 huyện, thành phố (thành phố Lạng Sơn, Cao Lộc, Hữu Lũng, Văn Lãng, Tràng Định, Chi Lăng, Lộc Bình) cho kết quả ( ) 25/28 mẫu. Sau khi có kết quả dương tính với vi rút Dại tất cả các ổ dịch đã được xử lý theo quy định.

- Bệnh VDNC trâu, bò: từ đầu năm đến nay dịch xảy ra tại 624 hộ/275 thôn/108 xã/11 huyện, thành phố, tổng số gia súc mắc bệnh 1.419 con (13 trâu, 1.406 bò) chết, tiêu hủy 110 con/20.107 kg (01 trâu, 73 bò, 36 nghé). Đến nay tất cả các xã qua 21 ngày không phát sinh dịch bệnh (từ đầu tháng 8/2021 đến nay không phát sinh gia súc mắc bệnh).

- Bệnh LMLM gia súc: bệnh xảy ra tại 10 hộ/04 thôn/03 xã/ 02 huyện (Văn Lãng, Bình Gia). Tổng số gia súc mắc bệnh là 50 con (41 trâu, 09 lợn) chết, tiêu hủy 09 lợn trọng lượng 150 kg. Số gia súc mắc bệnh đã khỏi triệu chứng và tiêu hủy theo quy định (hiện nay các ổ dịch đã được khống chế).

- Bệnh Cúm Gia Cầm A/H5N6: từ đầu năm đến nay bệnh xảy ra tại 04 hộ/04 thôn/03 xã (xã Đồng Tiến huyện Hữu Lũng, xã Đại Đồng, xã Chi Lăng huyện Tràng Định) làm chết và buộc phải tiêu hủy 1.751 con gia cầm với tổng trọng lượng 4.214 kg (hiện nay tất cả các ổ dịch đã qua 21 ngày và không phát sinh ổ dịch mới).

- Bệnh Cúm Gia Cầm A/H5N8: xuất hiện đầu tiên trên địa bàn tỉnh tại hộ chăn nuôi gia cầm của xã Yên Bình huyện Hữu Lũng. Đến nay bệnh xảy ra tại 07 hộ/06 thôn/05 xã/04 huyện (Hữu Lũng, Tràng Định, Cao Lộc, Văn Lãng), làm chết và buộc phải tiêu hủy 1.719 con gia cầm với tổng trọng lượng 2.115 kg. Hiện nay tất cả các ổ dịch đã qua 21 ngày và không phát sinh ổ dịch mới.

- Tình hình dịch bệnh thủy sản: không có dịch bệnh nguy hiểm xảy ra trên địa bàn tỉnh.

2. Nguyên nhân phát sinh

- Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi: từ năm 2019 bệnh xảy ra trên địa bàn 225/226 xã, phường, thị trấn do đó mầm bệnh vẫn còn tồn tại trong môi trường, gặp điều kiện thuận lợi, thời tiết thay đổi nắng ẩm, mưa nhiều, sức đề kháng của vật nuôi giảm làm phát sinh dịch bệnh; bên cạnh đó công tác xử lý các ổ dịch còn chưa được triệt để, do hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn con giống, lợn thịt từ các tỉnh khác đưa vào địa bàn không được kiểm soát triệt để đã làm phát sinh và lây lan dịch.

- Bệnh Dại trên đàn chó, mèo: do người nuôi chó, mèo (đặc biệt tại các thôn vùng sâu, vùng xa) không chấp hành khuyến cáo của cơ quan chuyên môn về công tác tiêm phòng vắc xin dại (tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp, khoảng 30% tổng đàn), bên cạnh đó do biến đổi khí hậu thời tiết nóng kéo dài là nguyên nhân phát sinh bệnh dại trên đàn chó, mèo.

- Bệnh VDNC trên đàn trâu, bò: là một bệnh mới xuất hiện ở Việt Nam (xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 7/2020), bệnh phát sinh do vận chuyển, phương tiện đi lại mang theo mầm bệnh, không được khử khuẩn khi vào địa bàn;

- Bệnh Cúm gia cầm: kết quả giám sát lưu hành vi rút cho thấy, vi rút cúm gia cầm vẫn lưu hành trên đàn gia cầm tại một số chợ trên địa bàn tỉnh. Đàn gia cầm hầu hết chưa được tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm gặp thời tiết bất lợi suy giảm sức đề kháng sẽ phát bệnh; bên cạnh đó các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật tại các địa phương chưa được kiểm soát chặt chẽ; ý thức của người dân về công tác phòng, chống dịch bệnh chưa cao, do vậy luôn tiềm ẩn nguy c ơ tái bùng phát các dịch bệnh trên đàn vật nuôi, đặc biệt là bệnh Cúm gia cầm.

3. Nhận định: năm 2022, dự báo tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản vẫn có nhiều diễn biến khó lường; chăn nuôi, giết mổ nhỏ lẻ, tự phát vẫn chiếm tỷ lệ cao, tình hình thời tiết biến động thất thường do biến đổi khí hậu, làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, tỷ lệ tiêm phòng một số nơi còn thấp nên nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh bùng phát trên địa bàn tỉnh là rất cao.

4. Hạn chế, yếu kém, bất cập trong công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản nuôi năm 2021

- Chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản của tỉnh chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn sinh học, ý thức phòng chống dịch bệnh của một số hộ chăn nuôi chưa cao, mua con giống về tái đàn không rõ nguồn gốc xuất xứ; công tác chống dịch chưa được triển khai triệt để, còn có nhiều ổ dịch tái bùng phát sau khi qua 21 ngày (do mầm bệnh chưa được tiêu diệt triệt để thông qua công tác tiêu hủy, phun tiêu độc khử trùng…);

- Công tác tiêm vắc xin phòng dịch cho đàn gia súc, gia cầm đợt tập trung còn kéo dài, tỷ lệ tiêm phòng chưa đồng đều ở các địa phương, cá biệt có địa phương còn thấp;

- Năng lực của một số nhân viên Thú y cơ sở còn hạn chế, chế độ hỗ trợ cho nhân viên Thú y không đảm bảo cuộc sống do đó một số xã, phường, thị trấn không có hoặc thiếu nhân viên Thú y; một số xã, phường, thị trấn nhân viên Thú y xin nghỉ để làm công việc khác do đó đã ảnh hưởng đến công tác theo dõi, phòng chống bệnh dịch trên địa bàn.

PHẦN II

KẾ HOẠCH CHỦ ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH GIA SÚC, GIA CẦM VÀ THỦY SẢN NUÔI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NĂM 2022

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

- Căn cứ Luật Thú y ngày 19/6/2015;

- Căn cứ luật Chăn nuôi ngày 19/11/2018;

- Căn cứ Luật Thủy sản ngày 21/11/2017;

- Căn cứ Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 13/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại giai đoạn 2017 - 2021”;

- Căn cứ Quyết định số 172/QĐ-TTg ngày 13/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Cúm gia cầm, giai đoạn 2019 - 2025”;

- Căn cứ Quyết định số 972/QĐ-TTg ngày 07/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, giai đoạn 2020 - 2025”;

- Căn cứ Quyết định số 1632/QĐ-TTg ngày 22/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Lở mồm long móng, giai đoạn 2021 - 2025”;

- Căn cứ Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp giai đoạn 2021 - 2030”;

- Căn cứ Quyết định số 343/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên thủy sản nuôi giai đoạn 2021 - 2030;

- Căn cứ Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch; Thông tư số 09/2021/TT-BNN&PTNT ngày 12/8/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 07/2016/TT-BNN&PTNT ngày 31/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn;

- Căn cứ Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng chống dịch bệnh động vật thủy sản;

- Căn cứ Kế hoạch số 109/KH-UBND ngày 06/6/2019 của UBND tỉnh về phòng, chống Cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2019 - 2025;

- Căn cứ Kế hoạch số 138/KH-UBND ngày 19/8/2020 của UBND tỉnh về việc Phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, giai đoạn 2020 - 2025 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn;

- Căn cứ Kế hoạch số 13/KH-UBND ngày 14/01/2021 của UBND tỉnh về việc Phòng, chống bệnh Lở mồm long móng gia súc trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2020 - 2025;

- Căn cứ Kế hoạch số 146/KH-UBND ngày 26/6/2021 của UBND tỉnh về việc Thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021 - 2030” trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn;

- Căn cứ Kế hoạch số 233 /KH-UBND ngày 03/12/2021 của UBND tỉnh về phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục ở trâu, bò trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2022 - 2030.

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Chủ động phòng, chống hiệu quả dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản nuôi với phương châm “phòng bệnh là chính”, thực hiện đồng bộ biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ dịch bệnh đến các thôn, bản, hộ gia đình; phát hiện sớm, bao vây, khống chế, xử lý kịp thời, triệt để các dịch bệnh nguy hiểm phát sinh ở gia súc, gia cầm và thủy sản nuôi, bảo đảm sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định, bền vững, bảo vệ sức khỏe con người, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội;

Cụ thể hóa các nội dung, biện pháp chuyên môn trong phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản nuôi theo quy định của Luật Thú y, Luật Chăn nuôi, Luật Thủy sản. Xây dựng các phương án, nguồn lực, vật tư, kinh phí để chủ động xử lý, khi phát sinh dịch bệnh nguy hiểm ở gia súc, gia cầm và thủy sản nuôi, hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra, chủ động ứng phó, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm đối với các bệnh mới xuất hiện như bệnh VDNC, bệnh Cúm gia cầm A/H5N8,...

2. Yêu cầu

- Thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Thú y, Luật Chăn nuôi, Luật Thủy sản, các văn bản hướng dẫn thi hành luật, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về công tác phòng, chống dịch bệnh động vật. Trong quá trình thực hiện phải có sự chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở và huy động được toàn dân tham gia thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh;

- Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị cần thiết cho công tác phòng, chống dịch bệnh; tổ chức giám sát, phát hiện sớm, chính xác, kịp thời tình hình dịch bệnh, sẵn sàng ứng phó khi dịch bệnh xẩy ra. Thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh tối thiểu trên 80% tổng gia súc, gia cầm thuộc diện tiêm phòng theo quy định đáp ứng hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh;

- Quản lý chặt chẽ các hoạt động, vận chuyển, giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm trên địa bàn bảo đảm yêu cầu công tác phòng chống dịch và an toàn thực phẩm;

- Huy động các nguồn lực thực hiện lồng ghép từ các chương trình, kế hoạch, dự án, đề tài có liên quan; từ nguồn lực của địa phương và đóng góp của người chăn nuôi; tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm sử dụng hiệu quả các nguồn lực phòng, chống dịch bệnh.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH GIA SÚC, GIA CẦM VÀ THỦY SẢN NUÔI TRÊN ĐỊA BÀN NĂM 2022

1. Khi chưa có dịch xảy ra

1.1. Tuyên truyền, tập huấn:

a) Tuyên truyền

- Nội dung tuyên truyền:

Tuyên truyền về công tác phòng chống dịch: tuyên truyền, phổ biến Luật Chăn nuôi, Luật Thú y, Luật Thủy sản và các văn bản quy phạm pháp luật về chăn nuôi, thú y và thủy sản; cơ chế, chính sách hỗ trợ người chăn nuôi về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; thông tin kịp thời chính xác về tình hình, tính chất nguy hiểm của dịch bệnh động vật, thủy sản; những ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, sức khỏe, tính mạng của con người;

Tuyên truyền về công tác tiêm phòng vắc xin, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm dịch bệnh từ động vật sang người.

- Hình thức tuyên truyền: tuyên truyền rộng rãi, dưới nhiều hình thức như pa nô, áp phích, phát tờ rơi tại các buổi họp thôn, khối, sinh hoạt chi bộ, tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh của thôn, khối. Đặc biệt tổ chức các đợt tuyên truyền sâu rộng, trọng điểm về công tác tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho động vật trước mỗi đợt tiêm phòng trong năm và công tác phòng, chống dịch khi có dịch xảy ra.

b) Tập huấn:

- Nội dung tập huấn:

Tập huấn bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho hệ thống thú y của tỉnh, huyện, thành phố và lực lượng ở xã, phường, thị trấn về công tác giám sát, xác minh dịch bệnh, xây dựng và triển khai kế hoạch tiêm phòng, tiêu độc khử trùng, lập bản đồ dịch tễ và theo dõi dịch bệnh; tập huấn cho hộ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và chăn nuôi an toàn sinh học;

Tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở, trang trại chăn nuôi thực hiện sản xuất chăn nuôi an toàn, không sử dụng chất cấm, hoá chất, kháng sinh cấm; không lạm dụng thuốc thú y và thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Tập huấn cho các hộ chăn nuôi xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh động vật.

- Hình thức tập huấn: tập huấn, đào tạo cho lực lượng thú y các cấp tại các buổi tập huấn chuyên môn, tập huấn cho người chăn nuôi tại các buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, lồng ghép vào các buổi họp thôn, khối.

1.2. Giám sát dịch bệnh trên động vật:

a) Giám sát lâm sàng (giám sát bị động):

- Mục đích phát hiện sớm các ca bệnh để khoanh vùng, dập dịch kịp thời, giảm thiệt hại về kinh tế do dịch bệnh gây ra và hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

- Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức, hướng dẫn lực lượng thú y và người chăn nuôi thường xuyên theo dõi, giám sát đàn gia súc, gia cầm, thủy sản trong suốt quá trình nuôi; nếu thấy gia súc, gia cầm, thủy sản có biểu hiện của bệnh truyền nhiễm phải báo cáo ngay cho chính quyền cơ sở và Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thành phố, Chi cục Chăn nuôi và Thú y để tổ chức điều tra, xác minh và kịp thời tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

- Tổ chức điều tra ổ dịch, lấy mẫu của gia súc, gia cầm, thủy sản nghi mắc bệnh để chẩn đoán xác định tác nhân gây bệnh và phục vụ cho công tác phòng, chống dịch.

b) Giám sát lưu hành mầm bệnh (giám sát chủ động):

- Chi cục Chăn nuôi và Thú y xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch lấy mẫu giám sát lưu hành vi rút gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên động vật theo kế hoạch, dự án của Cục Thú y, kế hoạch của UBND tỉnh để đưa ra những cảnh báo nguy cơ, tỷ lệ lưu hành vi rút để có những khuyến cáo và biện pháp phòng chống dịch bệnh phù hợp, có hiệu quả.

- Thực hiện lấy mẫu giám sát định kỳ, giám sát sau tiêm phòng, giám sát bệnh tại các cơ sở đăng ký an toàn dịch bệnh động vật trên địa bàn.

c) Giám sát sau tiêm phòng:

Chi cục Chăn nuôi và Thú y xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch lấy mẫu giám sát sau tiêm phòng vắc xin gia súc, gia cầm theo chương trình của Cục Thú y, kế hoạch của tỉnh đặc biệt là các bệnh LMLM, Dại chó, Cúm gia cầm,... sau mỗi đợt tiêm phòng để đánh giá được tỷ lệ bảo hộ sau tiêm phòng của đàn gia súc, gia cầm và có những biện pháp khắc phục đối với các đợt tiêm phòng tiếp theo.

Thực hiện lấy mẫu giám sát sau tiêm phòng theo quy định đối với các cơ sở đăng ký an toàn dịch bệnh.

Thời điểm lấy mẫu: sau 21 ngày kể từ thời điểm tiêm phòng gần nhất.

1.3. Phòng bệnh bằng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm:

- Tổ chức tiêm phòng các loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh theo Luật Thú y, Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy định phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn; hướng dẫn của Cục Thú y và các quy định hiện hành.

- Ngoài các loại vắc xin bắt buộc phải tiêm phòng theo quy định, tuyên truyền, hướng dẫn và khuyến cáo người chăn nuôi chủ động phòng bệnh bằng vắc xin cho đàn vật nuôi ngoài các loại vắc xin, đối tượng hỗ trợ của tỉnh.

a) Phạm vi, đối tượng, thời gian tiêm phòng:

- Phạm vi tiêm phòng: tại 200/200 xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thành phố.

- Đối tượng vật nuôi phải tiêm phòng: trâu, bò, lợn, chó, mèo, gia cầm trong diện tiêm phòng.

- Rà soát, tiêm phòng mới, tiêm nhắc lại, tiêm bổ sung cho đàn vật nuôi, bảo đảm tối thiểu trên 80% tổng đàn thuộc diện tiêm phòng được tiêm vắc xin. Loại vắc xin tiêm phòng sử dụng phải có trong danh mục theo quy định và cập nhật tình hình lưu hành mầm bệnh truyền nhiễm tại địa phương để đưa ra những khuyến cáo sử dụng vắc xin phù hợp với công tác phòng, chống dịch. Riêng đối với vắc xin Cúm gia cầm, Lạng Sơn là tỉnh thuộc diện không bắt buộc phải tiêm phòng do phương thức chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, phân tán, hiệu quả tiêm phòng không cao. Vì vậy gia cầm không thuộc đối tượng bắt buộc phải tiêm phòng vắc xin Cúm gia cầm trong kế hoạch năm 2022; trong trường hợp dịch bệnh xảy ra sẽ thực hiện tiêm phòng bao vây ổ dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và hướng dẫn của Cục Thú y.

- Tổng số vật nuôi dự kiến tiêm phòng vắc xin trên địa bàn tỉnh năm 2022: trâu, bò: 205.000 lượt con; lợn: 80.000 lượt con; chó, mèo: 45.000 con; gia cầm: 1.200.000 con.

c) Thời gian tiêm phòng (các loại vắc xin được hỗ trợ của tỉnh):

- Tiêm phòng Vắc xin Lở mồm long móng trâu, bò: tiêm phòng định kỳ 2 đợt/năm 2022:

Đợt 1: tiêm từ tháng 3 đến tháng 5.

Đợt 2: tiêm từ tháng 9 đến tháng 11.

Vắc xin sử dụng: Vắc xin LMLM đơn giá type O.

Số lượng vắc xin cần dùng: khoảng 110.000 liều;

- Tiêm phòng Vắc xin Viêm da nổi cục cho đàn bò:

Tổ chức tiêm phòng vắc xin Viêm da nổi cục cho đàn bò trên địa bàn tỉnh vào tháng 3 năm 2022 (năm 2021 tổng số gia súc mắc bệnh Viêm da nổi cục là 1.419 con (13 trâu, 1.406 bò), bệnh chủ yếu xảy ra trên bò vì vậy để tiết kiệm chi phí và hiệu quả khi triển khai tiêm phòng sẽ thực hiện tiêm phòng vắc xin Viêm da nổi cục cho đàn bò vào năm 2022.

Số lượng vắc xin cần dùng: khoảng 26.000 liều

- Tiêm phòng Vắc xin Dại chó, mèo:

Tiêm phòng 01 đợt chính vào tháng 5, tháng 6 năm 2022. Ngoài tiêm phòng trong đợt chính, thực hiện tiêm phòng bổ sung cho số chó mới phát sinh đến tuổi tiêm phòng hoặc chưa được tiêm phòng.

Loại vắc xin, đối tượng tiêm phòng, liều lượng và cách sử dụng, bảo quản vắc xin theo hướng dẫn của cơ quan thú y và nhà sản xuất.

Số lượng vắc xin là: 40.000 liều (loại 01 lọ/liều).

d) Cơ chế, chính sách

- Thực hiện hỗ trợ vắc xin tiêm phòng đối với một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như vắc xin phòng bệnh LMLM, Dại chó, Viêm da nổi cục, vắc xin Cúm gia cầm khi thực hiện tiêm phòng bao vây ổ dịch.

- Kinh phí triển khai hội nghị tiêm phòng, công tiêm phòng đối với bệnh LMLM và Viêm da nổi cục.

- Huy động, bố trí sử dụng nguồn kinh phí của địa phương hỗ trợ công tác tiêm phòng, kinh phí mua các loại vắc xin không được tỉnh hỗ trợ và trả tiền công tiêm phòng để nâng cao kết quả tiêm phòng, đáp ứng yêu cầu phòng dịch.

1.4. Công tác tiêu độc, khử trùng môi trường:

- Phát động trên địa bàn toàn tỉnh các đợt tổng vệ sinh khử trùng, tiêu độc theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và khử trùng, tiêu độc khi có ổ dịch phát sinh theo quy định. Khử trùng tiêu độc thường xuyên đối với những vùng có nguy cơ cao như: tại các ổ dịch cũ; nơi có mật độ chăn nuôi lớn; chợ buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm; các điểm giết mổ gia súc, gia cầm và các điểm thu gom, tập kết gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm; riêng tại các chợ bán gia cầm sống phải được vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng hóa chất hàng ngày sau mỗi phiên chợ.

- Chuẩn bị đầy đủ vật tư hóa chất, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, cấp phát thành 02 đợt chính và cấp phát khẩn cấp khi có dịch xảy ra, để các địa phương thực hiện và giám sát sử dụng đảm bảo hiệu quả cao.

- Địa bàn vệ sinh khử trùng tiêu độc định kỳ là 200 xã, phường, thị trấn; chú trọng thực hiện ở khu vực chăn nuôi tập trung, mật độ cao, ổ dịch cũ, khu vực thu gom, chợ mua bán động vật, sản phẩm động vật tươi sống, cơ sở giết mổ động vật…(theo Phụ lục số 08, Thông tư số 07/2016/TT -BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

1.5. Kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y:

a) Kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y gia súc, gia cầm:

- Thực hiện kiểm dịch tận gốc đối với động vật và sản phẩm động vật; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật và sản phẩm động vật ra, vào địa bàn tỉnh theo Thông tư số 25/2016/TT-BNN ngày 30/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm dịch động vật trên cạn.

- Tăng cường hiệu quả hoạt động công tác kiểm soát giết mổ và vệ sinh thú y để ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh từ bên ngoài vào địa bàn tỉnh; tịch thu, tiêu huỷ không bồi thường động vật, sản phẩm động vật nhập lậu; buôn bán động vật có biểu hiện bị bệnh hoặc chết do bệnh.

- Xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán, giết mổ độ ng vật chưa qua kiểm dịch thú y.

- Tăng cường kiểm tra vệ sinh thú y đối với động vật, sản phẩm động vật tại các chợ và tụ điểm buôn bán.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, kêu gọi các nhà đầu tư, các chủ cơ sở giết mổ trên địa bàn tập trung giết mổ, xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo cơ chế chính sách khuyến khích của tỉnh.

b) Kiểm dịch con giống, kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y động vật thủy sản:

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với chính quyền huyện, thành phố tăng cường công tác kiểm dịch động vật thủy sản giống, không để động vật thủy sản giống chưa qua kiểm dịch lưu thông, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ trên địa bàn tỉnh. Đảm bảo kiểm soát toàn bộ động vật thủy sản giống lưu thông ra, vào địa bàn tỉnh theo Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản. Các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn tỉnh phải thực hiện khai báo kiểm dịch giống thủy sản bố, mẹ với cơ quan Thú y không quá 02 ngày sau khi vận chuyển về cơ sở sản xuất giống và phải thực hiện việc kiểm dịch con giống trước khi xuất bán.

- Kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y trong quá trình nuôi trồng thủy sản, vận chuyển, sơ chế, chế biến, bảo quản, kinh doanh động vật thủy sản đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản, vùng nuôi trồng thủy sản, các cơ sở kinh doanh thức ăn, thuốc thú y, chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản.

1.6. Quản lý hoạt động kinh doanh thuốc thú y:

- Tổ chức kiểm tra các điều kiện kinh doanh, việc thực hiện các quy định pháp luật về kinh doanh và chất lượng thuốc thú y của các cơ sở lưu hành trên thị trường, đánh giá, phân loại cơ sở theo Thông tư số 13/2016/TT-BNNPTNT ngày 02/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; kiểm tra công tác quản lý sử dụng vật tư, đánh giá các cơ sở giết mổ sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ trên địa bàn tỉnh để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.

- Tổ chức hội nghị tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về thú y cho các hộ kinh doanh thuốc thú y, hành nghề thú y, qua đó yêu cầu người hành nghề thú y thực hiện tốt các quy định về phòng, chống dịch bệnh.

1.7. Xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh:

- Tuyên truyền, hướng dẫn các trang trại, gia trại, cơ sở chăn nuôi xây dựng và đề nghị công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh gia súc, gia cầm. Năm 2022 xây dựng 05 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật và xây dựng 01 xã, phường, thị trấn đạt cơ sở an toàn đối với bệnh Dại ở chó, mèo.

- Cơ sở an toàn dịch bệnh được công bố rộng rãi trên toàn quốc; được ưu tiên khi xuất bán động vật, sản phẩm động vật chăn nuôi: nếu xuất ra ngoài tỉnh trong vòng 01 ngày làm việc sẽ được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch.

- Cơ sở an toàn dịch bệnh được Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, tiêm phòng…; hằng năm tổ chức đánh giá, giám sát, xét nghiệm lại (định kỳ hoặc đột xuất), nếu phát hiện lỗi ảnh hưởng đến việc kiểm soát an toàn dịch bệnh thì yêu cầu có biện pháp và thời hạn khắc phục; nếu không khắc phục lỗi đúng hạn, Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh động vật hết hiệu lực theo quy định tại Thông tư số 14/2016/TT-BNN ngày 02/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì Chi cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện ra Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận và công bố danh sách cơ sở có Giấy chứng nhận hết hiệu lực.

1.8. Quy định về báo cáo phòng, chống dịch:

Hằng tháng UBND cấp xã báo cáo kết quả thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật về UBND cấp huyện (qua Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp); UBND cấp huyện báo cáo kết quả thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh động vật về UBND cấp tỉnh (qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Trong các đợt tiêm phòng hằng tuần UBND cấp xã báo cáo tiến độ kết quả tiêm phòng về UBND cấp huyện (qua Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp); UBND cấp huyện báo cáo kết quả tiêm phòng về UBND cấp tỉnh (qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Sau mỗi đợt tiêm phòng báo cáo kết quả về Chi cục Chăn nuôi và Thú y - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để báo cáo UBND tỉnh theo quy định.

2. Khi xảy ra dịch

2.1. Đối với dịch bệnh gia súc, gia cầm:

- Khi phát hiện dịch bệnh xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm trưởng thôn, xóm, khu phố, UBND cấp xã báo cáo khẩn cấp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm của huyện, thành phố, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm Y tế huyện (đối với dịch bệnh lây chung theo Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNNPTNT về hướng dẫn phối hợp phòng, chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người) để nhanh chóng chỉ đạo, xác minh dịch bệnh và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm;

- Khi có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh truyền nhiễm nguy hiểm Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo cơ quan chuyên môn (Chi cục Chăn nuôi và Thú y) phối hợp với UBND huyện, thành phố thực hiện đồng bộ các biện pháp khoanh vùng bao vây, khống chế ổ dịch theo quy định của Luật Thú y và Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các hướng dẫn của Cục Thú y;

- Quản lý ổ dịch: quản lý, cách ly gia súc khỏe mạnh; đánh dấu nhận diện và tích cực điều trị gia súc, gia cầm ốm theo hướng dẫn của ngành chuyên môn, xử lý động vật ốm, chết theo quy định đối với từng loại bệnh;

- Lấy mẫu xét nghiệm xác định nhanh, chính xác mầm bệnh và có giải pháp khống chế phù hợp;

- Vệ sinh tiêu độc khử trùng: khử trùng tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi của nông hộ có gia súc, gia cầm mắc bệnh và khu vực xung quanh (thôn, xã, huyện) đảm bảo đúng yêu cầu theo hướng dẫn của cơ quan Thú y;

- Điều tra mở rộng, tăng cường giám sát phát hiện dịch bệnh trên địa bàn. Trong trường hợp cần thiết tiến hành lấy mẫu giám sát chủ động;

- Quản lý vùng dịch: xác định ranh giới vùng có dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm theo quy định của ngành chuyên môn; thống kê đánh giá động vật mắc bệnh, động vật cảm nhiễm với bệnh dịch đã công bố để tổ chức việc thực hiện cách ly động vật và thực hiện các biện pháp thú y khác;

- Thành lập chốt trạm kiểm dịch tạm thời: đối với trường hợp bệnh mới, bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có chiều hướng lây lan rộng khó kiểm soát,... tùy vào tình hình thực tế địa phương thành lập các chốt kiểm soát tạm thời để kiểm soát, ngăn chặn việc vận chuyển động vật và sản phẩm động vật mẫn cảm tại các đầu mối giao thông, ra vào ổ dịch;

- Tổ chức tiêm phòng bao vây vùng đệm, vùng khống chế và tiêm thẳng vắc xin vào ổ dịch theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn;

- Xử lý gia súc, gia cầm bị bệnh dịch theo quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

- Công bố dịch và công bố hết dịch theo quy định tại Luật Thú y;

- Báo cáo diễn biến và kết quả xử lý ổ dịch vào 16 giờ hằng ngày về cơ quan quản lý Thú y cấp tỉnh (Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh).

2.2. Đối với dịch bệnh thủy sản:

- Tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm xác định bệnh. Khi có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh truyền nhiễm nguy hiểm Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo cơ quan chuyên môn (Chi cục Chăn nuôi và Thú y) phối hợp với UBND huyện, thành phố thực hiện đồng bộ các biện pháp khoanh vùng bao vây, khống chế ổ dịch theo quy định của Luật Thủy sản và Thông tư số 04/2016/TT- BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các hướng dẫn của Cục Thú y;

- Tổ chức phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản kịp thời, phù hợp và hiệu quả, không để lãng phí các nguồn kinh phí đầu tư, hỗ trợ, sử dụng các biện pháp phòng là chính; khi có dịch xảy ra phải dập tắt kịp thời, hạn chế lây lan, thiệt hại cho người chăn nuôi.

- Thực hiện tốt công tác phòng bệnh, chẩn đoán, chữa bệnh; quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi; giám sát, dự báo, cảnh báo dịch bệnh; điều tra dịch bệnh; phân tích nguy cơ; khống chế dịch bệnh. Duy trì vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường nuôi trồng thủy sản.

- Công bố dịch và công bố hết dịch theo quy định tại Luật Thú y, Luật Thủy sản.

III. DỰ KIẾN NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Nguồn kinh phí

a) Ngân sách Trung ương:

- Hỗ trợ hóa chất tiêu độc khử trùng môi trường, vắc xin từ nguồn dự trữ quốc gia khi dịch bệnh xảy ra trên diện rộng;

- Giám sát chủ động lưu hành mầm bệnh theo chỉ đạo của Cục Thú y.

b) Ngân sách tỉnh:

- Hỗ trợ 100% vắc xin LMLM tiêm phòng cho đàn trâu, bò trên địa bàn tỉnh; 26.000 liều vắc xin Viêm da nổi cục; 40.000 liều (loại 1 liều/lọ) vắc xin tiêm phòng Dại cho chó, mèo; công tiêm phòng vắc xin LMLM, vắc xin Viêm da nổi cục;

- Vật tư, hóa chất phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh;

- Kinh phí kiểm tra giám sát dịch bệnh, giám sát định kỳ cơ sở chăn nuôi gia súc giống, gia cầm giống; xét nghiệm các ổ dịch nguy hiểm; xét nghiệm lưu hành mầm bệnh; xét nghiệm sau tiêm phòng đối với bệnh LMLM gia súc;

- Kinh phí tổ chức triển khai, kiểm tra, chỉ đạo công tác tiêm phòng, vệ sinh tiêu độc khử trùng, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh động vật, kiểm tra liên ngành;

- Kinh phí tuyên truyền, đào tạo, tập huấn về lĩnh vực chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh;

- Khi xảy ra dịch bệnh Tai xanh ở lợn, Cúm gia cầm, ngân sách tỉnh cấp kinh phí mua vắc xin Tai xanh, Cúm gia cầm chống dịch (từ nguồn dự phòng).

c) Ngân sách huyện, thành phố:

- Hỗ trợ kinh phí mua vắc xin, công phun tiêu độc, trang thiết bị bảo hộ lao động, vật tư, máy móc phục vụ cho công tác tiêm phòng, tiêu độc khử trùng, cô ng phun hoá chất trong đợt thực hiện tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng theo kế hoạch của UBND tỉnh; bố trí kinh phí từ nguồn dự phòng ngân sách địa phương để tổ chức chống dịch, khi có ổ dịch xảy ra nhưng chưa đủ điều kiện để công bố dịch;

- UBND các huyện, thành phố bố trí kinh phí hỗ trợ mua vắc xin để thực hiện tiêm phòng cho đàn vật nuôi đạt tỷ lệ cao (đối với một số bệnh như: bệnh Tụ huyết trùng trâu, bò; bệnh Lép tô ở lợn...).

d) Người chăn nuôi: thực hiện xã hội hóa các loại vắc xin phòng bệnh thông thường như: vắc xin Tụ huyết trùng, Phó thương hàn, Đóng dấu lợn, Dịch tả lợn cổ điển, Newcastle, Tụ huyết trùng gia cầm, Carre, 5-7 bệnh ở chó...

2. Tổng dự toán kinh phí thực hiện: 8.420.000 đồng, trong đó:

- Kinh phí phòng, chống dịch bệnh: 7.311.200.000 đồng;

- Kinh phí dự phòng chống dịch DTLCP theo Kế hoạch số 138/KH-UBND ngày 19/8/2020 của UBND tỉnh Lạng Sơn là 1.108.800 đồng.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật của tỉnh; tổ chức triển khai thực hiện, kiểm tra các nội dung trong công tác phòng, chống dịch bệnh ở động vật nuôi;

- Phối hợp với Sở Y tế hướng dẫn các địa phương giám sát và phòng chống các bệnh động vật lây sang người (Bệnh dại, Cúm gia cầm thể độc lực cao, Liên cầu khuẩn…) theo Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNT ngày 27/5/2013 về hướng dẫn phối hợp phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Đài P hát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Lạng Sơn, Cổng Thông tin điện tử tỉnh... tổ chức phổ biến, tuyên truyền về tác hại của dịch bệnh cũng như các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật để người dân hiểu và tự giác phòng, chống dịch.

- Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y:

Tham mưu kịp thời các văn bản về phòng, chống dịch bệnh động vật; cơ chế, chính sách về phòng, chống dịch bệnh động vật; phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định;

Chủ động lấy mẫu giám sát dịch bệnh; kịp thời chẩn đoán, xác minh ổ dịch và xử lý triệt để các ổ dịch, không để dịch lây lan ra diện rộng, đặc biệt đối với các bệnh truyền lây sang người; tham mưu tổ chức kiểm soát chặt chẽ hoạt động giết mổ, kinh doanh, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh;

Căn cứ thực tế tình hình diễn biến dịch bệnh, lưu hành vi rút trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch, lựa chọn sử dụng chủng loại vắc xin phù hợp, hiệu quả theo đúng quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Xây dựng phương án cung ứng kịp thời các loại vắc xin theo nhu cầu của UBND các huyện, thành phố và người chăn nuôi; chuẩn bị vật tư, hóa chất, trang thiết bị phòng dịch phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh; làm chủ đầu tư mua sắm các loại vật tư, hóa chất phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh;

Ứng dụng công nghệ thông tin và nâng cấp hệ thống thu thập thông tin, quản lý, phân tích dữ liệu và cảnh báo dịch bệnh. Triển khai có hiệu quả việc xây dựng bản đồ dịch tễ và ứng dụng để kiểm soát các loại dịch bệnh nguy hiểm thường xuyên xảy ra và dịch bệnh mới để các địa phương, người chăn nuôi chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh;

Xây dựng và hướng dẫn triển khai vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh theo Thông tư số 14/2016/TT-BNNPTNT ngày 02/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Phối hợp với các tỉnh kiểm soát động vật và sản phẩm động vật xuất, nhập vào tỉnh; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; duy trì trực đường dây nóng phòng, chống dịch bệnh động vật của tỉnh để tiếp nhận, giải quyết các thông tin về tình hình dịch bệnh.

2. Sở Tài chính: căn cứ các văn bản chỉ đạo của trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh, phối hợp các sở, ngành liên quan tham mưu, cân đối bố trí ngân sách hằng năm để thực hiện cơ chế hỗ trợ; hướng dẫn về trình tự thủ tục thực hiện cấp phát, thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ theo quy định; chủ trì thẩm định, thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ theo cơ chế chính sách và quy định hiện hành của Nhà nước;

3. Sở Công Thương: phối hợp các ngành, các cấp giám sát, quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh động vật, sản phẩm động vật; thường xuyên theo dõi nắm chắc tình hình, diễn biến thị trường để có giải pháp vừa bảo đảm lưu thông, vừa đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch, tránh gây bất ổn về thị trường. Phối hợp Cục Quản lý thị trường và các cơ quan liên quan xử lý nghiêm trường hợp kinh doanh không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đúng quy định của các cơ sở kinh doanh.

4. Sở Y tế phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tuyên truyền, giám sát, phát hiện sớm, chia sẻ thông tin về bệnh lây truyền từ động vật sang người theo Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNT ngày 27/5/2013 về hướng dẫn phối hợp phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

5. Công an tỉnh: chỉ đạo Công an các cấp phối hợp tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn; cử cán bộ tham gia các chốt kiểm dịch, đoàn kiểm tra liên ngành… khi có dịch bệnh xảy ra; triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tổ chức đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả với các hành vi vi phạm trong việc vận chuyển buôn bán động vật và các sản phẩm động vật ra vào vùng dịch, không rõ nguồn gốc, xuất xứ theo quy định của pháp luật;

6. Cục Quản lý thị trường: tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán động vật và các sản phẩm động vật trái phép. Chủ trì, tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trái phép; cử cán bộ tham gia các chốt kiểm dịch tạm thời ngăn chặn vận chuyển, lưu thông động vật khi có dịch bệnh động vật xảy ra;

7. Sở Tài nguyên và Môi trường: phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương giám sát và xử lý môi trường tại các khu vực có ổ dịch nguy hiểm trên động vật và khu vực tiêu hủy động vật bệnh theo quy định.

8. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan kịp thời định hướng nội dung tuyên truyền, cung cấp thông tin liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn theo kế hoạch để cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho Nhân dân về nguy cơ, tác hại và diễn biến dịch bệnh động vật. Đôn đốc, định hướng các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh, chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở đăng tải các tin, bài tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú và đa dạng trên các phương tiện thông tin, truyền thông về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn các nguy cơ, tác hại và diễn biến dịch bệnh động vật.

9. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Lạng Sơn phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Chăn nuôi và Thú y) xây dựng, chuyên mục cho chương trình truyền thông đại chúng về các biện pháp phòng, chống dịch.

10. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: chỉ đạo Đồn Biên phòng đóng trên địa bàn các huyện tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kiên quyết ngăn chặn các hành vi vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, nhập lậu trái phép, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và thông báo cho chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng trên địa bàn.

11. Các sở, ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao c hủ động chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp để triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

12. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Đoàn Thanh niên CSHCM tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh chỉ đạo trong hệ thống từ tỉnh đến cơ sở, vận động hội viên, đoàn viên thực hiện công tác phòng, chống dịch trong gia đình và cộng đồng.

13. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, vật thủy sản nuôi trên địa bàn quản lý; xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản nuôi và tiêm phòng theo quy định; cân đối bố trí nguồn kinh phí, chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, vắc xin dự phòng để phục vụ kịp thời cho công tác phòng, chống dịch và tiêm phòng; phân công lực lượng phụ trách địa bàn chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn.

- Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, Phòng Kinh tế thành phố, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tổ chức rà soát, tổng hợp nhu cầu vắc xin trên địa bàn đăng ký với Chi cục Chăn nuôi và Thú y trước các đợt tiêm phòng để cung ứng đầy đủ số lượng, đúng chủng loại, kịp thời các loại vắc xin phục vụ công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn đảm bảo đúng quy định, hiệu quả, đạt kế hoạch và chỉ tiêu được giao.

- Thông tin, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của địa phương để nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; đưa tin đầy đủ, kịp thời, phù hợp, chính xác về diễn biến, nguy cơ dịch bệnh và biện pháp phòng, chống; các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, dấu hiệu để phát hiện dịch bệnh, biện pháp an toàn khi tiếp xúc với động vật bị bệnh để người dân tự bảo vệ bản thân, bảo vệ cộng đồng và chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh;

- Chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện công tác tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi phòng, chống dịch bệnh theo quy định;

- Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, Phòng Kinh tế thành phố, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn, quản lý đàn vật nuôi; tổ chức giám sát tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm các ổ dịch nhằm kịp thời bao vây, khống chế không để dịch lây lan; tổ chức tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi; điều tra, thống kê số lượng vật nuôi, đăng ký số lượng vắc xin tiêm phòng; triển khai tổ chức tiêm phòng đại trà và tiêm bổ sung hằng tháng; thanh tra, kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh, tiêm phòng, vận chuyển, kinh doanh, giết mổ động vật và sản phẩm động vật, …xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.

14. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn:

- Chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về công tác tổ chức thực hiện phòng, chống dịch trên địa bàn quản lý; xây dựng kế hoạch, biện pháp huy động lực lượng thực hiện hoặc phối hợp thực hiện theo hướng dẫn của Ủy ban nhân dân cấp huyện; tổ chức thực hiện công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn đảm bảo đúng quy định, đạt kế hoạch.

- Thành lập các tổ giám sát và giao cho các trưởng thôn, xóm, khu phố, nhân viên Thú y cơ sở theo dõi, giám sát dịch bệnh đến tận thôn, xóm, khu phố, hộ chăn nuôi, tiếp nhận và báo cáo thông tin về dịch bệnh động vật. Phát hiện sớm các ổ dịch nhằm kịp thời bao vây, khống chế không để dịch lây lan.

- Thống kê đàn vật nuôi của địa phương chính xác, lập kế hoạch tiêm phòng theo kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật của tỉnh, huyện; thông b áo cho người chăn nuôi kế hoạch tiêm phòng để hộ chăn nuôi chủ động phối hợp, thực hiện và tham gia bắt giữ vật nuôi trong quá trình tiêm phòng.

- Thành lập các đội phun tiêu độc khử trùng trực tiếp thực hiện tiêu độc khử trùng nơi công cộng, nơi nguy cơ cao như khu vực chợ, nơi tập trung thu gom gia súc, gia cầm... theo quy định; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện tiêu độc khử trùng của các trại, hộ chăn nuôi; huy động mọi nguồn nhân, vật lực thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng.

- Thành lập các đội kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật, với lực lượng nòng cốt là Công an xã, phường, thị trấn, nhân viên thú y; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

- Bố trí diện tích đất đai dự phòng ở các khu vực thôn, xóm để phục vụ tiêu hủy động vật khi xảy ra dịch.

- Báo cáo định kỳ và đột xuất tình hình dịch bệnh động vật, công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn với UBND cấp huyện và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện theo quy định.

- Đài Truyền thanh xã, phường, thị trấn tăng cường tiếp sóng, đưa tin tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn xã, phường, thị trấn về các biện pháp phòng, chống dịch từ đó tự giác chấp hành các quy định phòng, chống dịch.

- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân chăn nuôi phải kê khai hoạt động chăn nuôi về loại, số lượng vật nuôi theo quy định tại Điều 4, thông tư số 23/2019/TT-BNN&PTNT quy định về kê khai hoạt động chăn nuôi.

- Huy động các tổ chức đoàn thể ở các địa phương, vận động Nhân dân đồng thuận và tham gia hưởng ứng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo kế hoạch; tăng cường tuyên truyền trên loa truyền thanh về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho động vật.

- Chịu trách nhiệm quản lý chặt chẽ vắc xin, vật tư, hóa chất và kinh phí được hỗ trợ, bảo đảm chi đúng đối tượng theo quy định; kiên quyết xử lý c ác trường hợp không chấp hành quy định về phòng, chống dịch bệnh tại địa bàn quản lý.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện các nội dung kế hoạch. Trong quá trình triển khai, thực hiện, trường hợp có khó khăn, vướng mắc báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh xử lý, chỉ đạo./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp & PTNT (b/c);
- Cục Thú y, Cơ quan Thú y Vùng II - Hải Phòng;
- Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQVN tỉnh và các đoàn thể;
- Các Sở, ban, ngành;
- UBND các huyện, thành phố;
- Báo Lạng Sơn, Đài PT-TH Lạng Sơn;
- Chi cục Chăn nuôi và Thú y;
- C, PVP UBND tỉnh, các phòng CM, TH-CB;
- Lưu: VT, KT(PVĐ).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lương Trọng Quỳnh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 242/KH-UBND năm 2021 về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản nuôi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2022

  • Số hiệu: 242/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 20/12/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lạng Sơn
  • Người ký: Lương Trọng Quỳnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/12/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản