Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 22/KH-UBND

Hà Nội, ngày 13 tháng 01 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN THÔNG TƯ SỐ 06/2022/TT-BGDĐT NGÀY 11/5/2022 CỦA BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN TRANG BỊ KIẾN THỨC, KỸ NĂNG VỀ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ CHO HỌC SINH TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Thực hiện Thông tư số 06/2022/TT-BGDĐT ngày 11/5/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Thông tư số 06/2022/TT-BGDĐT với những nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tổ chức triển khai có hiệu quả, đúng tiến độ các nhiệm vụ được giao tại Thông tư số 06/2022/TT-BGDĐT ngày 11/5/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC); phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy, no xảy ra, đặc biệt quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn tính mạng con người;

- Triển khai mọi mặt trong công tác PCCC&CNCH; tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ, hướng dẫn công tác đảm bảo an toàn về PCCC tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Hà Nội.

2. Yêu cầu

- Các Sở, ban, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã xác định cụ thể các nhiệm vụ, nội dung thực hiện để phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả công tác PCCC và CNCH tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Hà Nội.

- Phân công trách nhiệm thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao của các cơ sở giáo dục; đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, kịp thời giữa các cơ quan, đơn vị trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.

- Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức PCCC&CNCH được tổ chức với nhiều hình thức, phù hợp với nội dung và đối tượng đảm bảo yêu cầu thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm.

II. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

- Áp dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên (sau đây gọi tắt là cơ sở giáo dục);

- Lãnh đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền các cơ sở giáo dục;

- Cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên, học sinh và học viên.

- Các đơn vị trên địa bàn theo phân cấp quản lý.

III. NỘI DUNG, PHƯƠNG PHÁP, HÌNH THỨC TRIỂN KHAI

1. Nội dung

1.1. Nội dung tuyên truyền, giáo dục pháp luật về PCCC&CNCH

- Các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về PCCC&CNCH theo quy định của Luật Phòng cháy, chữa cháy và các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

- Trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, cơ sở, cán bộ công nhân viên, người lao động, cá nhân và gia đình trong công tác PCCC&CNCH;

- Tính chất nguy hiểm, tác hại, hậu quả của cháy, nổ đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội;

- Biện pháp, quy trình PCCC&CNCH tại gia đình, trường học và cộng đồng; trách nhiệm báo tin khi có sự cố cháy, nổ, tai nạn xảy ra.

1.2. Nội dung, kiến thức, kỹ năng cơ bản về PCCC&CNCH được lồng ghép vào các môn học chính khóa quy định cụ thể trong chương trình giáo dục mầm non, chương trình giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hoặc trong chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học.

1.3. Kiến thức, kỹ năng bổ trợ về PCCC&CNCH được các cơ sở giáo dục cung cấp cho người học để đạt được các yêu cầu quy định bảo đảm phù hợp với điều kiện của nhà trường.

1.4. Nội dung diễn tập về PCCC&CNCH bao gồm: diễn tập sử dụng các phương tiện chữa cháy, phương tiện CNCH (bằng thiết bị thực tế hoặc thiết bị mô hình), diễn tập các phương án di chuyển khi xảy ra các sự cố cháy, nổ.

1.5. Thời lượng tổ chức các hoạt động bổ trợ, diễn tập về phòng cháy chữa cháy: Đối với trẻ em mầm non bảo đảm tối thiểu 01 buổi/năm học. Đối với học sinh phổ thông, học viên các trung tâm giáo dục thường xuyên, sinh viên bảo đảm tối thiểu 02 buổi/năm học.

2. Phương pháp, hình thức

- Tuyên truyền trên các kênh thông tin truyền thông, phương tiện thông tin đại chúng, mạng viễn thông, mạng xã hội;

- Tổ chức treo băng rôn, hình ảnh, panô, áp phích, tranh cổ động, tờ rơi tại các cơ sở giáo dục... các hình ảnh liên quan về công tác PCCC&CNCH;

- Tuyên truyền qua các Hội nghị, hội thảo, tập huấn, trao đổi, nói chuyện, bồi dưỡng các chuyên đề PCCC&CNCH phù hợp với từng đối tượng cụ thể;

- Tổ chức các buổi diễn tập phương án PCCC&CNCH với nhiều lực lượng tham gia;

- Tuyên truyền công tác PCCC&CNCH thông qua hình thức sân khấu hóa, xây dựng các video, clip đăng tải trên trang mạng xã hội.

- Giảng viên huấn luyện kỹ năng PCCC và CNCH phải do ngành Công an trực tiếp hướng dẫn và huấn luyện.

2.1. Đối với giáo dục mầm non

- Lồng ghép thông qua các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.

- Sử dụng phương pháp giáo dục trực quan, minh họa thông qua hoạt động giáo dục phát triển thể chất.

2.2. Đối với giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên

- Lồng ghép trong nội dung các bài học của môn học trong chương trình giáo dục chính khóa.

- Thông qua các hoạt động trải nghiệm, hoạt động trải nghiệm - Hướng nghiệp, hoạt động giáo dục kỹ năng sống và trong các hoạt động sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt hè.

3. Yêu cầu đạt được

3.1. Đối với trẻ em mầm non

- Nhận biết được về nguồn lửa, nguồn nhiệt và một số vật dụng có thể gây cháy, nổ.

- Biết cách phòng tránh nguồn lửa, nguồn nhiệt và một số sự cố có thể gây cháy, nổ.

- Nhận biết các tín hiệu, phương tiện báo động cháy và có hành động phù hợp khi nghe các tín hiệu báo động cháy.

3.2. Đối với học sinh tiểu học

- Nhận biết các dấu hiệu của đám cháy, nguy cơ gây tai nạn. Nhận biết các tín hiệu báo động cháy và có kỹ năng báo động khi xảy ra cháy.

- Biết kỹ năng thoát nạn trong đám cháy, cách chọn lối thoát, cách sử dụng thiết bị bảo vệ cơ quan hô hấp, bảo vệ cơ thể khi xảy ra cháy, nổ.

- Sử dụng và thực hành dập tắt đám cháy với thiết bị chữa cháy mô hình, thực hành kỹ năng thoát nạn trong môi trường khói, khí độc.

- Biết cách phòng tránh, sơ cấp cứu các tai nạn, sự cố thường gặp.

3.3. Đối với học sinh trung học cơ sở

- Nhận biết được nguyên nhân và các biện pháp PCCC và CNCH phòng ngừa sự cố, tai nạn thông thường.

- Biết các kỹ năng thoát nạn khi xảy ra cháy, nổ.

- Thực hành và sử dụng thành thạo các kỹ năng PCCC và CNCH với thiết bị mô hình.

3.4. Đối với học sinh trung học phổ thông, học sinh, học viên trong các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên

- Nắm vững một số biện pháp, nguyên tắc để kiểm soát an toàn khi chữa cháy; biết được một số kỹ năng thoát nạn từ các phương tiện giao thông, trong thang máy, thang cuốn khi có các sự cố cháy, nổ.

- Biết một số kỹ năng cơ bản để tìm kiếm nạn nhân, cứu người bị nạn, sơ cấp cứu người bị nạn khi xảy ra cháy, nổ và các sự cố, tai nạn.

- Sử dụng thành thạo bình chữa cháy xách tay và các thiết bị chữa cháy thông thường với các nguồn cháy khác nhau (với thiết bị mô hình hoặc thực tế).

IV. ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM THỰC HIỆN CÔNG TÁC GIÁO DỤC KIẾN THỨC, KỸ NĂNG PCCC&CNCH TRONG CÁC SỞ GIÁO DỤC

1. Công tác quản lý, tổ chức các hoạt động

1.1. Thành lập Ban Chỉ đạo PCCC&CNCH của cơ sở giáo dục do lãnh đạo nhà trường làm Trưởng ban; thành phần là các cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.

1.2. Các thành viên Ban Chỉ đạo PCCC&CNCH trong các cơ sở giáo dục phải được tập huấn nghiệp vụ PCCC&CNCH theo quy định của pháp luật; có khả năng giảng dạy, phổ biến kiến thức, thực hành kỹ năng về PCCC&CNCH.

1.3. Ban Chỉ đạo PCCC&CNCH trong các cơ sở giáo dục có nhiệm vụ:

- Xây dựng kế hoạch hằng năm để triển khai thực hiện các quy định về bồi dưỡng, thực hành giáo dục kiến thức, kỹ năng về PCCC&CNCH cho người học trong các đơn vị.

- Chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn về PCCC&CNCH tại địa phương để hỗ trợ cơ sở giáo dục tổ chức các hoạt động quy định.

- Tổ chức phổ biến, tuyên truyền và triển khai công tác giáo dục kiến thức, kỹ năng, thực hành về PCCC&CNCH cho người học.

- Chủ động thực hiện công tác PCCC&CNCH tại cơ sở giáo dục khi có sự cố; rà soát các điều kiện bảo đảm an toàn cho người học trong quá trình học tập.

- Rà soát thống kê; đề xuất bổ sung tài liệu học tập, trang thiết bị học tập, thực hành cho người học.

- Bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người học trong quá trình học tập, thực hành kiến thức, kỹ năng về PCCC&CNCH.

- Triển khai công tác khen thưởng đối với các cá nhân, tập thể có thành tích và xử lý kỷ luật đối với các cá nhân, tập thể vi phạm trong thực hiện công tác PCCC&CNCH trong cơ sở giáo dục theo quy định.

2. Cơ sở vật chất

2.1. Các cơ sở giáo dục bố trí đủ tài liệu cung cấp kiến thức, kỹ năng và có đủ trang thiết bị giảng dạy và thực hành về PCCC&CNCH được cơ quan có thẩm quyền ban hành.

2.2. Giáo viên, báo cáo viên, huấn luyện viên

- Có đủ điều kiện về sức khoẻ.

- Có phẩm chất đạo đức tốt; không trong thời gian bị kỷ luật từ cảnh cáo trở lên, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm; am hiểu các lĩnh vực PCCC và CNCH hoặc hoạt động giáo dục có liên quan.

2.3. Giáo trình, tài liệu

Có đủ giáo trình, tài liệu do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hoặc phê duyệt. Nếu giáo trình, tài liệu tự lựa chọn hoặc tự xây dựng thì phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận; đảm bảo yêu cầu, nội dung phù hợp với cán bộ giáo viên và từng lứa tuổi học sinh, không trái với các quy định của pháp luật.

2.4 Các cơ sở giáo dục chủ động kiểm tra hệ thống điện, nguồn khí gas tại nhà bếp; bảo đảm nguồn hóa chất thực hành, thí nghiệm rõ nguồn gốc, triển khai thực hiện công tác bảo quản và thu gom các hóa chất sau khi thực hành tại các phòng thí nghiệm đúng quy định pháp luật về an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy, nổ, sự cố, tai nạn.

2.5. Trang thiết bị giảng dạy và thực hành cho người học phù hợp đối với từng cấp học, trình độ đào tạo

- Đối với cơ sở giáo dục mầm non: Có đủ đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học (video clip, tranh, ảnh, hình vẽ, biển báo, biển cấm, biển chỉ dẫn...) minh họa về các nguồn cháy, nổ, nguồn nhiệt, một số sự cố, tai nạn thông thường để tổ chức các hoạt động giáo dục kiến thức, kỹ năng về PCCC&CNCH.

- Đối với cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên: Bố trí khu vực huấn luyện tại nhà thể chất (Nhà đa năng) hoặc ngoài trời. Có thiết bị mô hình, phương tiện thực hành chữa cháy (Bình chữa cháy xách tay, lăng, vòi, chăn chiến, cát và các phương tiện, thiết bị tương tự, khay xăng, bình gas, xăng, dầu, mũ, găng tay bảo hộ). Có thiết bị mô hình, phương tiện thực hành cứu nạn, cứu hộ cơ bản (Mặt nạ phòng độc, khăn, vải ướt băng, gạc, nẹp, cáng và các phương tiện, thiết bị tương tự).

- Ưu tiên sử dụng công nghệ thực tế ảo phục vụ huấn luyện, bồi dưỡng xử lý các tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn; sử dụng các sản phẩm thí nghiệm công nghệ mới để phục vụ thực hành, thí nghiệm có liên quan đến các hóa chất dễ gây cháy, nổ.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

- Kinh phí để thực hiện Kế hoạch từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật; các nguồn kinh phí hợp pháp khác; nguồn tài chính hợp pháp của các cơ sở giáo dục ngoài công lập và các cơ quan, tổ chức cá nhân khác có liên quan;

- Căn cứ nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch các Sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND quận, huyện, thị xã chủ động xây dựng dự toán ngân sách hằng năm, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và theo phân cấp hiện hành làm cơ sở triển khai thực hiện và thanh quyết toán theo chế độ quy định.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Là cơ quan thường trực, giúp việc Ủy ban nhân dân Thành phố trong công tác chỉ đạo triển khai Kế hoạch; chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan; Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và các tổ chức, đoàn thể triển khai các nội dung tại Kế hoạch này.

- Tham mưu, xây dựng Kế hoạch hàng năm, phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện, thị xã, tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức PCCC&CNCH; hàng năm dự trù kinh phí công tác tuyên truyền PCCC&CNCH;

- Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị có liên quan xây dựng và triển khai các tài liệu cung cấp kiến thức, kỹ năng bổ trợ về PCCC&CNCH cho người học;

- Phối hợp với Công an Thành phố triển khai bộ tài liệu tập huấn cho giáo viên, học sinh các bậc học trên địa bàn Thành phố theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, lồng ghép tuyên truyền qua các hoạt động ngoại khóa, giáo dục kỹ năng; Tổ chức thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có nhiều lực lượng tham gia.

- Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông đăng tải thông tin, tuyên truyền phổ biến pháp luật, kiến thức PCCC&CNCH trên các kênh truyền thông, các mạng xã hội;

- Phối hợp với các cơ quan báo đài Thành phố: Báo điện tử, Báo Kinh tế và Đô thị, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội,... xây dựng dựng phóng sự, tin bài, chuyên mục định kỳ;

- Chủ trì sơ kết, tổng kết và đề xuất với UBND Thành phố khen thưởng trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức PCCC&CNCH.

2. Công an Thành phố

- Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc:

Tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC&CNCH cho công chức, viên chức, lao động hợp đồng, giáo viên, học sinh;

Phối hợp chỉ đạo tổ chức thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ với nhiều lực lượng của Thành phố tham gia tại các nhà trường, trung tâm và cơ sở giáo dục;

- Tuyên truyền đảm bảo an toàn PCCC đối với các cơ sở giáo dục;

- Giao Công an Thành phố chuẩn bị nội dung tài liệu huấn luyện kỹ năng PCCC và CNCH cho cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh trong các nhà trường bảo đảm phù hợp với từng đối tượng và chịu trách nhiệm về nội dung tài liệu, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tài liệu tập huấn, hướng dẫn căn cứ thực tế Công an Thành phố và Sở Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu cho phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn Thủ đô.

- Công an Thành phố bố trí tổ giúp việc phối hợp cùng ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai Kế hoạch đạt hiệu quả cao.

3. Sở Tư pháp

- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tuyên truyền, phổ biến pháp luật về kiến thức PCCC&CNCH trong các trường học.

- Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCCC&CNCH trên trang thông tin điện tử tuyên truyền, phổ biến pháp luật và phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Thành phố tại địa chỉ: pbgdpl.hanoi.gov.vn và các hình thức khác phù hợp.

4. Sở Tài chính

Trên cơ sở đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo và các Sở, ban, ngành Thành phố, Sở Tài chính tổng hợp báo cáo UBND Thành phố trình HĐND Thành phố xem xét bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách cấp Thành phố để triển khai thực hiện Kế hoạch theo quy định.

5. Sở Thông tin và Truyền thông

Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo cung cấp thông tin, đề nghị các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội, hệ thống thông tin cơ sở tăng cường số lượng các tin, bài, phóng sự; tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức về PCCC&CNCH; cảnh báo các nguy cơ gây cháy, nổ, sự cố, tai nạn, hướng dẫn các biện pháp chữa cháy, thoát nạn và cứu người trong đám cháy;

6. Sở, Ban, Ngành khác của Thành phố

Chủ động phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức về PCCC&CNCH; đặc biệt trong các dịp lễ, hội, các sự kiện diễn ra trên địa bàn Thành phố; mùa hanh khô, nắng nóng, Tết Nguyên đán, hưởng ứng “Ngày toàn dân PCCC 4/10”; tổ chức tuyên truyền sâu rộng kiến thức về PCCC&CNCH đến các đơn vị, cơ sở và toàn thể người dân biết và thực hiện.

7. UBND quận, huyện, thị xã

- Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn và cụ thể hóa vào chương trình nhiệm vụ công tác hàng năm; chủ động bố trí kinh phí triển khai Kế hoạch;

- Lựa chọn các nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCCC&CNCH phù hợp đặc điểm và điều kiện cụ thể của địa phương để công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCCC&CNCH đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả cao;

- Phát huy sức mạnh tổng hợp trong phong trào toàn dân tham gia PCCC&CNCH, thực hiện tốt theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ);

- Thực hiện quy định của Luật PCCC, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ và Thông tư 149/2020/TT-BCA ngày 31/12/2020 của Bộ Công an xây dựng, củng cố lực lượng dân phòng vững mạnh làm nòng cốt trong phong trào toàn dân tham gia PCCC&CNCH; chủ động tổ chức lực lượng, phương tiện chữa cháy và CNCH thường trực tại chỗ nhằm chữa cháy kịp thời, có hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại do cháy, nổ gây ra;

- Tăng cường tập huấn kiến thức PCCC&CNCH cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, người dân tại địa bàn;

- Chỉ đạo các đơn vị, cơ sở giáo dục có nguy cơ về cháy, nổ trên địa bàn quận, huyện, thị xã phối hợp với Cảnh sát PCCC&CNCH và các cơ quan chức năng của Thành phố thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCCC&CNCH.

- Khen thưởng đối với các đơn vị, cơ sở giáo dục, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức, kỹ năng về PCCC&CNCH trong các cơ sở giáo dục và kỷ luật đối với các tập thể, cá nhân vi phạm theo quy định.

Căn cứ Kế hoạch này, yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện định kỳ 06 tháng trước ngày 15/6, hằng năm trước ngày 15/12 báo cáo kết quả thực hiện gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp báo cáo UBND Thành phố theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Bộ GDĐT;
- Bộ Công an;
- TT Thành ủy, HĐND TP;
- Đ/c Chủ tịch UBND Thành phố;
- Đ/c PCTTTUBNDTP Lê Hồng Sơn;
- UBMTTQVN Thành phố;
- Các Sở, ban, ngành TP;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- Các Báo, Đài: Đài PT&TH Hà Nội, Báo Hà Nội Mới, Kinh tế và Đô thị, Lao động Thủ đô, An ninh Thủ đô;
- CVP, NC, KGVX, ĐT;
- Lưu: VT, NC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Hồng Sơn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 22/KH-UBND năm 2023 thực hiện Thông tư 06/2022/TT-BGDĐT hướng dẫn trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Hà Nội

  • Số hiệu: 22/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 13/01/2023
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Lê Hồng Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản