Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 43/KH-UBND

Quảng Ninh, ngày 20 tháng 02 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “ĐỔI MỚI, NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT VÀ KIẾN THỨC, KỸ NĂNG VỀ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU TÌNH HÌNH MỚI”

Thực hiện Quyết định số 382/QĐ-BCA ngày 18/01/2021 của Bộ Công an về việc phê duyệt Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đáp ứng yêu cầu tình hình mới”; Nghị quyết số 110/2022/NQ-HĐND ngày 09/7/2022 của HĐND tỉnh về một số biện pháp nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025; theo đề nghị của Công an tỉnh tại Tờ trình số 387/TTr-CAT ngày 31/01/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đáp ứng yêu cầu tình hình mới”, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất số vụ và thiệt hại do cháy, nổ, gây ra, coi đây là biện pháp phòng ngừa xã hội quan trọng trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

- Chú trọng đổi mới nội dung, đa dạng hoá hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tại cơ sở bảo đảm linh hoạt, sáng tạo thích ứng với các tình huống phát sinh trong thực tế, phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực cụ thể; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng, các mạng xã hội trên Internet; phối hợp chặt chẽ, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị ở cơ sở.

- Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với vận động quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật trên tinh thần đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp thực hiện, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật và kỹ năng thực hành các biện pháp phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của các tầng lớp Nhân dân.

2. Yêu cầu

- Xác định rõ trách nhiệm, lộ trình thực hiện, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp thực tiễn, bảo đảm tính khả thi; thu hút, huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

- Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành; kịp thời hướng dẫn và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, phát sinh, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả trong quá trình thực hiện.

II. THỜI GIAN, ĐỐI TƯỢNG, MỤC TIÊU

1. Thời gian

Thời gian kế hoạch được triển khai thực hiện trong giai đoạn từ năm 2023 đến hết năm 2025.

2. Đối tượng

Đối tượng được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ gồm:

a) Nhóm 1: Người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội;

b) Nhóm 2: Người đứng đầu, cán bộ, công nhân viên, người lao động trong các đơn vị cơ sở thuộc diện quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy theo quy định tại Phụ lục 1 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;

c) Nhóm 3: Chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh nhỏ lẻ, tiểu thương và quần chúng nhân dân;

d) Nhóm 4: Sinh viên, học sinh các cấp, bậc học.

3. Mục tiêu

3.1. Mục tiêu tổng quát

Đổi mới sâu sắc về nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; bảo đảm công tác này được tổ chức thường xuyên, sâu rộng, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, người lao động, người dân đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật và kỹ năng thực hành các biện pháp phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của các tầng lớp Nhân dân, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất số vụ và thiệt hại do cháy, nổ, tai nạn, sự cố gây ra.

3.2. Mục tiêu cụ thể

a) Tổ chức tuyên truyền, trang bị kiến thức pháp luật và kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cần thiết cho các đối tượng.

- Phấn đấu 100% người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội được phổ biến và nắm được các quy định liên quan đến trách nhiệm tham gia thực hiện quản lý nhà nước và trách nhiệm lãnh đạo, tổ chức thực hiện quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong phạm vi quản lý; kiến thức, kỹ năng phòng ngừa cháy, nổ, tai nạn, sự cố, thoát nạn tại nơi ở, nơi làm việc.

- Phấn đấu 100% người đứng đầu cơ sở, cán bộ, công nhân viên, người lao động trong các đơn vị, cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy được phổ biến, tập huấn và nắm được các quy định cơ bản về trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; các hành vi bị nghiêm cấm trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; kiến thức, kỹ năng phòng ngừa cháy, nổ, tai nạn, sự cố, thoát nạn tại nơi ở, nơi làm việc và phương pháp tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy và chữa cháy.

- Phấn đấu ít nhất 90% chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh nhỏ lẻ, tiểu thương và quần chúng Nhân dân được phổ biến, tập huấn và nắm được các quy định cơ bản của pháp luật về trách nhiệm, nghĩa vụ đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; kiến thức phổ thông về phòng ngừa cháy, nổ, tai nạn, sự cố; cách xử lý và thoát nạn khi có cháy, nổ, tai nạn, sự cố xảy ra tại nơi ở, nơi làm việc.

- Phấn đấu 100% giáo viên, học sinh, sinh viên các cấp, bậc học được phổ biến và nắm được những quy định pháp luật cơ bản về trách nhiệm, nghĩa vụ đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; kiến thức, kỹ năng phòng ngừa cháy, nổ, tai nạn, sự cố, thoát nạn tại nơi ở, nơi học tập.

b) Xây dựng, nâng cao năng lực, trách nhiệm của chủ thể làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nhằm bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhiệm vụ, yêu cầu của tình hình mới.

- Phấn đấu 100% cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức và kỹ năng tuyên truyền, phổ biến cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

- 100% các cơ quan thông tin, báo chí trên địa bàn tỉnh thường xuyên, tích cực, chủ động xây dựng, đăng phát các tin, bài, phóng sự, chuyên đề về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên các phương tiện thông tin đại chúng.

c) Tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc phạm vi Đề án đạt hiệu quả tốt.

d) Tích cực, chủ động nâng cao chất lượng nội dung và đổi mới hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho các nhóm đối tượng

1.1. Nhóm 1: Người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội

- Nội dung tuyên truyền: cần được tập trung tuyên truyền nhằm đổi mới tư duy, đề cao vai trò, trách nhiệm đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Chú trọng tuyên truyền, phổ biến các văn bản chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các văn bản pháp luật khác về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; vai trò, tầm quan trọng, lợi ích của công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong việc bảo vệ phát triển sản xuất bền vững, phục vụ đắc lực các chính sách lớn của Đảng, Nhà nước về an sinh và trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế; thực trạng và những vấn đề cần tập trung giải quyết nhằm bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy ở các đơn vị, cơ sở, khu dân cư trên địa bàn...

- Hình thức tuyên truyền: tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn; tuyên truyền thông qua các đợt kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; in và phát hành tài liệu, sách, sách điện tử; tổ chức tuyên truyền với nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội và trên nền tảng số...

1.2. Nhóm 2: Người đứng đầu, cán bộ, công nhân viên, người lao động trong các đơn vị cơ sở thuộc diện quản lý Nhà nước về PCCC theo quy định tại Phụ lục 1 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 Quy định chi tiết thi hành một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC

- Nội dung tuyên truyền: về trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, cơ sở, của cán bộ, công nhân viên, người lao động đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với cơ sở; những nguy cơ và các biện pháp, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa tai nạn, sự cố...

- Hình thức tuyên truyền: thông qua hội nghị, hội thảo, tập huấn, tuyên truyền miệng; tuyên truyền trực quan tại cơ sở (pano, áp phích, banner, poster, standee, backdrop...); tổ chức các cuộc thi, sân khấu hóa, triển lãm về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; phát hành các ấn phẩm như tờ rơi, tài liệu, sách, sách điện tử; niêm yết các quy định, nội quy; tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh nội bộ và trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.

1.3. Nhóm 3: Chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh nhỏ lẻ, tiểu thương và quần chúng Nhân dân

Nội dung tuyên truyền: cần tập trung tuyên truyền về quyền lợi hợp pháp, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh và cá nhân đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; kiến thức, kỹ năng cơ bản về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; biện pháp an toàn trong sử dụng lửa, điện, xăng dầu và chất dễ cháy trong kinh doanh, buôn bán và sinh hoạt; kỹ năng xử lý và thoát nạn khi có cháy, nổ, tai nạn, sự cố...

Hình thức tuyên truyền: thông qua các đợt kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội; tuyên truyền trực quan; tuyên truyền lưu động; tuyên truyền miệng; tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở; xây dựng clip, in và phát hành tờ rơi, sách, báo, tài liệu.. hướng dẫn kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

1.4. Nhóm 4: Sinh viên, học sinh các cấp, bậc học

Căn cứ Thông tư số 06/2022/TT-BGDĐT ngày 11/5/2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện việc lồng ghép kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ vào chương trình giảng dạy chính khóa, ngoại khóa.

- Nội dung tuyên truyền:

(1) Đối với bậc mầm non, tiểu học cần tuyên truyền để các em nhận biết về lửa, lợi ích và mối nguy hiểm, đe dọa từ lửa để các em không nghịch lửa, biết tránh những nguy hiểm do lửa gây ra; nhận biết và đề phòng tai nạn, sự cố xảy ra từ những đồ vật, hoạt động có thể dẫn đến cháy, bỏng…;

(2) Đối với bậc trung học cơ sở, nội dung tuyên truyền tập trung vào một số nguyên nhân gây ra cháy, nổ; những tác hại do cháy, nổ, tai nạn, sự cố gây ra; cảnh báo những nguy hiểm cháy, nổ và cách phòng ngừa, thoát nạn; cách nhận biết và sử dụng một số trang thiết bị chữa cháy ban đầu…;

(3) Đối với bậc trung học phổ thông, nội dung tuyên truyền tập trung vào một số quy định của pháp luật như trách nhiệm, nghĩa vụ tham gia hoạt động phòng cháy, chữa cháy; các hành vi bị cấm; kiến thức cơ bản về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; kỹ năng xử lý, thoát nạn khi có cháy, nổ, tai nạn, sự cố xảy ra...;

(4) Đối với bậc đại học, cao đẳng, trung cấp nghề, nội dung tuyên truyền tập trung vào các quy định của pháp luật đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân; kiến thức, kỹ năng và các chuyên đề phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phù hợp với từng ngành, nghề, lĩnh vực được đào tạo.

- Hình thức tuyên truyền: thông qua tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn; tranh vẽ; clip hướng dẫn kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn, sơ, cấp cứu ban đầu; tham quan đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; tổ chức các buổi tuyên truyền miệng, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; xây dựng clip, phóng sự tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; hướng dẫn tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ và cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với cán bộ quản lý, giáo viên thực hiện giảng dạy nội dung này trong nhà trường.

2. Đổi mới phương pháp, nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó đặc biệt chú trọng việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng

- Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, trang bị kiến thức pháp luật và kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực, tình hình kinh tế - xã hội cụ thể của địa phương để đạt được hiệu quả truyền đạt cao nhất.

- Sản xuất, nâng cao chất lượng các chương trình chuyên trang, chuyên mục về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên các phương tiện thông tin đại chúng với hình thức phong phú; tăng cường lồng ghép nội dung về phòng cháy, chữa cháy trong các chương trình giải trí trên sóng phát thanh, truyền hình; chú trọng hoạt động tư vấn giải đáp, hướng dẫn kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn và bố trí phát sóng vào các khung giờ thu hút đông đảo khán, thính giả; tổ chức các đợt cao điểm phổ biến, truyền thông về lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, được xã hội quan tâm. Chú ý thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn bằng tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài phù hợp với đối tượng tuyên truyền.

- Phát huy hiệu quả hoạt động của Cổng thông tin điện tử tỉnh, Trang thông tin điện tử Công an tỉnh, mạng xã hội và các ứng dụng trên thiết bị di động tổ chức thi tìm hiểu pháp luật, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và thoát nạn trực tuyến; tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong thực hiện kế hoạch.

- Quan tâm, tranh thủ sự tham gia của những người có uy tín trong cộng đồng trong hoạt động tuyên truyền, trang bị kiến thức pháp luật và kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để nâng cao hiệu quả lan tỏa, tuân thủ rộng rãi trong cộng đồng dân cư ở cơ sở.

3. Xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm, hướng hoạt động tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về cơ sở

- Lựa chọn các khu vực, địa bàn, đơn vị, cơ sở, doanh nghiệp, khu dân cư có nguy hiểm cao về cháy, nổ, tai nạn, sự cố để xây dựng các mô hình điểm trong năm 2023, nhân rộng trong các năm tiếp theo. Duy trì các lớp tuyên truyền, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành, lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố và các cá nhân có khả năng, kinh nghiệm, uy tín làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ lồng ghép với công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở. Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc thực hiện trách nhiệm phổ biến, tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật; đưa công tác tự tổ chức tuyên truyền, huấn luyện về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ở địa bàn cơ sở vào nề nếp, phát huy hiệu quả trong thực tiễn.

- Các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố phát động các mô hình phong trào tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và Nhân dân tại địa bàn cơ sở thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, bảo đảm an ninh, trật tự, tích cực tham gia, hưởng ứng các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; “Dân vận khéo”; “Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”...; huy động sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc tham gia phong trào toàn dân phòng cháy và chữa cháy; tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng cháy và chữa cháy”; tổ chức đăng ký thi đua xây dựng khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp an toàn điển hình tiên tiến về phòng cháy và chữa cháy.

- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua, như “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”“Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc”; các hội nghị, diễn đàn “Lắng nghe ý kiến Nhân dân”; “Nhân dân tố giác tội phạm”; “Mặt trận lắng nghe dân nói”; “Nói cho dân nghe và nghe dân nói”... để lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại địa bàn cơ sở; kịp thời nắm bắt dư luận xã hội, tiếp thu ý kiến và định hướng tư tưởng trong quần chúng nhân dân.

4. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Tập trung lựa chọn, bố trí đội ngũ cán bộ, chiến sĩ có năng lực, tâm huyết để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền và xây dựng phong trào toàn dân phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, truyền thông cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ chuyên trách, kiêm nhiệm làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

5. Thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ công tác giám sát, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch

- Định kỳ hằng năm tổ chức giám sát, đánh giá kết quả thực hiện bằng các hình thức phù hợp; tổ chức sơ kết, tổng kết; chú trọng công tác hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện. Qua đó, xác định những tồn tại, khó khăn, vướng mắc còn gặp phải trong quá trình thực hiện để có phương hướng tháo gỡ, đồng thời, đánh giá, xác định địa bàn trọng điểm cần ưu tiên để tập trung triển khai nội dung của kế hoạch nhằm tạo bước đột phá trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; đánh giá tác động đến nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của quần chúng nhân dân, từ đó có sự điều chỉnh phù hợp về nội dung, hình thức.

- Có chính sách khen thưởng, động viên, khuyến khích kịp thời các cơ quan tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện.

IV. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Công an tỉnh

- Tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm công tác tuyên truyền; lựa chọn, bố trí cán bộ, chiến sĩ có năng lực, tâm huyết chuyên trách thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền và xây dựng phong trào toàn dân phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Tăng cường việc tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, truyền thông cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ chuyên trách, kiêm nhiệm làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

- Mở các lớp tuyên truyền, bồi dưỡng, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức kỹ năng cho cán bộ, công chức, viên chức các sở, ban, ngành của tỉnh, người đứng đầu, cán bộ, công nhân viên, người lao động trong các đơn vị cơ sở thuộc diện quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy; trong đó, chú trọng đến các nội dung: việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước có liên quan đến lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, trách nhiệm thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại nơi làm việc, kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ... đảm bảo mục tiêu trong kế hoạch này.

- Tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành, lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố và các cá nhân có khả năng, kinh nghiệm, uy tín làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

- Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc thực hiện trách nhiệm phổ biến, tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật.

- Hằng năm, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức tuyên truyền về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hưởng ứng Ngày Toàn dân phòng cháy và chữa cháy, đảm bảo phù hợp với thực tế tại địa phương và theo chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền. Biên soạn tài liệu tuyên truyền pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho cán bộ, công chức, viên chức; phát tờ rơi tuyên truyền đến các hộ gia đình, hộ kinh doanh.

- Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện kế hoạch; đánh giá, kiểm tra hiệu quả, chất lượng công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ gắn với vận động quần chúng nhân dân bảo vệ an ninh, trật tự của đơn vị, địa phương; kịp thời khen thưởng, đề xuất cấp có thẩm quyền khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc và có biện pháp chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế trong công tác này.

2. Sở Tư pháp

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh chỉ đạo, định hướng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hằng năm.

- Phối hợp với Công an tỉnh và các cơ quan, tổ chức, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

3. Sở Tài chính

Hằng năm, căn cứ khả năng cân đối của ngân sách và trên cơ sở đề xuất của các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các địa phương tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch.

45 Sở Thông tin và Truyền thông

- Hướng dẫn, đôn đốc Trung tâm Truyền thông tỉnh, các cơ quan báo chí và hệ thống thông tin cơ sở đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về các nội dung của kế hoạch; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, nhất là tuyên truyền các biện pháp phòng ngừa cháy, nổ; gương “người tốt, việc tốt”,…

- Chủ trì, phối hợp Trung tâm truyền thông tỉnh tổ chức tập huấn cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cán bộ quản lý thông tin, báo chí trên địa bàn tỉnh về kiến thức, kỹ năng truyền thông, xử lý thông tin khi thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức, kỹ năng về phổ biến, giáo dục pháp luật.

4. Trung tâm Truyền thông tỉnh

- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; biểu dương các mô hình, tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến trong công tác phòng cháy, chữa cháy, trên các hạ tầng báo chí của Trung tâm Truyền thông tỉnh.

- Kịp thời cung cấp thông tin, định hướng dư luận, không để xảy ra khủng hoảng truyền thông về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh.

6. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Chỉ đạo các cơ sở giáo dục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; chủ động, tích hợp đưa các nội dung tuyên truyền vào các bài dạy chính khoá một cách phù hợp, thiết thực; phối hợp với các ngành chức năng tăng cường tổ chức tuyên truyền vào chương trình hoạt động ngoại khoá, sinh hoạt chuyên đề, các hoạt động ngoài giờ lên lớp phù hợp với cán bộ, giáo viên, học sinh nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; nêu cao tinh thần cảnh giác phòng chống cháy, nổ, cứu nạn, cứu hộ; tích cực tham gia các hoạt động, phong trào toàn dân phòng cháy và chữa cháy.

- Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với lịch công tác và lịch học tập tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ và cấp Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên phụ trách công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong nhà trường.

7. Ban Dân tộc tỉnh

Huy động đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật là người dân tộc thiểu số, người biết tiếng dân tộc thiểu số, hiểu biết về văn hóa, tập quán của người dân tộc thiểu số; phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng dân cư, chức sắc trong các tôn giáo tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

8. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Mở các lớp tuyên truyền, bồi dưỡng, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức kỹ năng cho cán bộ, công nhân viên chức và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, lực lượng dân phòng, Công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố... bảo đảm mục tiêu trong kế hoạch này.

- Đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền nhân ngày Toàn dân phòng cháy và chữa cháy như treo băng rôn, khẩu hiệu, phát tờ rơi, xác định các địa điểm tập trung đông người để treo các pano, áp phích phòng cháy, chữa cháy, tuyên truyền lưu động thu hút sự quan tâm của đông đảo quần chúng nhân dân tham gia.

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thường xuyên thông qua hệ thống loa truyền thanh ở địa phương, trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội; tổ chức đăng ký thi đua xây dựng khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp an toàn, điển hình tiên tiến về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

- Tổ chức tập huấn cho báo cáo viên pháp luật cùng cấp và tuyên truyền pháp luật cấp xã thuộc phạm vi quản lý về giáo dục pháp luật và kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để chủ động, linh hoạt triển khai hiệu quả tại cơ sở.

9. Đề nghị Ủy ban mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội

Tổ chức quán triệt nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ bằng các hình thức phù hợp; phối hợp với lực lượng Công an toàn tỉnh thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Kinh phí thực hiện Kế hoạch được bố trí trong dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm theo phân cấp ngân sách; lồng ghép với nguồn kinh phí thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo Nghị quyết số 110/2022/NQ-HĐND ngày 09/7/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh và các nguồn kinh phí huy động hợp pháp khác.

2. Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các địa phương căn cứ nhiệm vụ, giải pháp thực hiện tại Kế hoạch này; hằng năm xây dựng dự toán, bố trí kinh phí và tổ chức thực hiện.

3. Công an tỉnh có trách nhiệm tổng hợp dự toán của các sở, ngành, địa phương và phối hợp với Sở Tài chính thẩm định, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí hằng năm để triển khai thực hiện.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị căn cứ tình hình thực tiễn, chức năng nhiệm vụ xây dựng kế hoạch triển khai bảo đảm nghiêm túc, hiệu quả; trong đó, cần đề ra các nhiệm vụ cụ thể của đơn vị mình.

2. Giao Công an tỉnh chủ trì theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch này của các đơn vị, địa phương và tổng hợp kết quả báo cáo theo quy định.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vấn đề vướng mắc, phát sinh các cơ quan, đơn vị kịp thời tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Công an tỉnh) để tổng hợp, hướng dẫn thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- C07-Bộ Công an (b/cáo);
- TT. Tỉnh ủy, TT. HĐND (b/cáo);
- CT, P2 UBND tỉnh;
- UB MTTQ và các tổ chức CT-XH tỉnh;
- Các sở, ban ngành;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- V0, V1, V3; NC, TH4;
- Lưu: VT, PC.
CA-KH02

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Bùi Văn Khắng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 43/KH-UBND năm 2023 thực hiện Đề án "Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đáp ứng yêu cầu tình hình mới" do tỉnh Quảng Ninh ban hành

  • Số hiệu: 43/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 20/02/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh
  • Người ký: Bùi Văn Khắng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/02/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản