Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CAO BẰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2080/KH-UBND

Cao Bằng, ngày 11 tháng 8 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH “QUẢN LÝ DỊCH HẠI TỔNG HỢP (IPM) TRÊN CÂY TRỒNG CHỦ LỰC GIAI ĐOẠN 2021-2025 TẠI TỈNH CAO BẰNG”

Thực hiện Chỉ thị số 8141/CT-BNN-BVTV ngày 24/11/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tiếp tục triển khai Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên các cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao và có tiềm năng xuất khẩu, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện với các nội dung sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung:

- Giảm nguy hại do sử dụng hóa chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp đối với sức khỏe cộng đồng, môi trường, an toàn thực phẩm, hướng đến cân bằng sinh thái, bảo vệ thiên địch, thông qua việc thực hiện tái cơ cấu ngành trồng trọt, áp dụng hài hòa các biện pháp canh tác, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), phân bón hóa học, tăng sử dụng phân hữu cơ, tăng khả năng chống chịu của cây trồng, hiệu quả sản xuất và phát triển nông nghiệp bền vững.

- Nâng cao vai trò của nông dân trong quản lý đồng ruộng và trở thành các chuyên gia trên đồng ruộng nhờ chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật thông qua hình thức đào tạo, tập huấn.

2. Mục tiêu cụ thể đến 2025:

- Với cây ăn quả: Cây cam quýt (các huyện Hòa An, Trùng Khánh), cây lê (các huyện Nguyên Bình, Thạch An, Bảo Lạc, Hòa An), cây mận máu (huyện Bảo Lạc) có 30% diện tích được ứng dụng IPM đầy đủ; trên 50% số hộ nông dân được học tập hiểu biết và áp dụng IPM vào sản suất; tăng sử dụng phân bón hữu cơ trên 20%, giảm phân bón vô cơ 20%, sử dụng thuốc BVTV sinh học tăng 20%, thuốc hóa học giảm trên 15%, tăng hiệu quả sản xuất trên 15%.

- Với cây thạch đen: Tại huyện Thạch An có 60% diện tích ứng dụng IPM đầy đủ; trên 70% số hộ nông dân được học tập hiểu biết và áp dụng IPM vào sản xuất; lượng phân hóa học giảm trên 10%, sử dụng thuốc BVTV sinh học tăng 15%, thuốc hóa học giảm trên 15%, tăng hiệu quả sản xuất trên 20%.

- Với cây rau: Tại các vùng sản xuất rau tập trung (các huyện: Hòa An, Nguyên Bình, Quảng Hòa và Thành phố Cao Bằng) có trên 30% diện tích ứng dụng IPM đầy đủ; trên 50% số hộ nông dân được học tập hiểu biết và áp dụng IPM vào sản xuất; lượng phân vô cơ giảm trên 15%, thuốc hóa học giảm trên 30%, sử dụng phân bón hữu cơ tăng trên 20%, sử dụng thuốc BVTV sinh học tăng 20%, tăng hiệu quả sản xuất trên 20%.

- Với cây lúa: có 50% diện tích trồng lúa được ứng dụng IPM đầy đủ; trên 80% số hộ nông dân được học tập hiểu biết và áp dụng IPM vào sản suất; tăng sử dụng phân bón hữu cơ 20%, giảm phân bón vô cơ từ 10%, sử dụng thuốc BVTV sinh học tăng 10%, lượng thuốc hóa học giảm trên 15%, lượng giống giảm trên 15%, lượng nước tưới giảm trên 20%, tăng hiệu quả sản xuất trên 10%.

- Với cây ngô:

Vùng đất dốc: Có 20% diện tích ứng dụng IPM đầy đủ; trên 50% số hộ nông dân sản xuất hiểu biết và áp dụng IPM; lượng giống giảm trên 20%, tăng hiệu quả sản xuất trên 20%.

Vùng khác (đất ven sông, bãi soi,...): Có 50% diện tích ứng dụng IPM đầy đủ; trên 70% số hộ nông dân sản xuất hiểu biết và áp dụng IPM; lượng giống giảm trên 20%, tăng hiệu quả sản xuất trên 20%.

- Với cây dong riềng: Tại các huyện Nguyên Bình, Hòa An có 40% diện tích được ứng dụng IPM đầy đủ, trên 70% số hộ nông dân được học tập, hiểu biết và áp dụng IPM vào sản xuất; lượng thuốc hóa học giảm trên 15%, sử dụng thuốc BVTV sinh học tăng 15%, tăng hiệu quả sản xuất trên 20%.

- Với cây đậu tương: Có 30% diện tích được ứng dụng IPM đầy đủ, trên 70% số hộ nông dân được học tập, hiểu biết và áp dụng IPM vào sản xuất; giảm lượng thuốc hóa học trên 15%, sử dụng thuốc BVTV sinh học tăng 15%, tăng hiệu quả sản xuất trên 20%.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Đào tạo nguồn nhân lực:

- Tổ chức các khóa đào tạo đội ngũ giảng viên (TOT) cấp tỉnh, huyện, xã là "giảng viên chính” để đội ngũ này trực tiếp tập huấn, huấn luyện nông dân áp dụng IPM trong sản xuất đại trà.

- Tập huấn nâng cao kỹ năng, kỹ thuật cho khuyến nông viên cơ sở và nông dân nòng cốt về IPM thông qua các lớp học hiện trường, nghiên cứu đồng ruộng, tạo điều kiện để lực lượng này phát huy vai trò hướng dẫn, giám sát, giúp đỡ cộng đồng thực hiện các hoạt động IPM.

2. Tuyên truyền nâng cao nhận thức người sản xuất và cộng đồng:

- Tuyên truyền thông qua các lớp IPM tập huấn tại cộng đồng: Tuyên truyền vận động nông dân áp dụng các nguyên tắc, quy trình kỹ thuật IPM; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người sản xuất và cộng đồng về Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng: "Đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách" nhằm giảm thiểu mối nguy hại do lạm dụng hóa chất đối với sức khỏe cộng đồng, môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa, tăng hiệu quả sản xuất.

- Tuyên truyền qua hệ thống thông tin đại chúng:

Thực hiện đồng bộ các hình thức tuyên truyền, bao gồm: In ấn tờ rơi, pano, áp phích, bản tin, băng đĩa hình; sổ tay hướng dẫn quy trình IPM trên cây ăn quả, cây thạch đen, cây rau, lúa, ngô, đậu tương, dong riềng.

Tuyên truyền trên Báo Cao Bằng, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh và cấp huyện về các biện pháp kỹ thuật IPM, thực hành nông nghiệp tốt (GAP), thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, các quy định của pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

3. Xây dựng mô hình:

Các mô hình được xây dựng và đánh giá dựa trên hiệu quả kỹ thuật, hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội như: nâng cao nhận thức của nông dân về kỹ thuật canh tác, quản lý tốt dịch hại trên cây trồng thông qua các biện pháp canh tác theo hướng bền vững, năng suất tăng cao và ổn định nhưng chi phí đầu tư thấp do giảm sử dụng thuốc hóa học và bón phân cân đối, đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm trên nông sản sau thu hoạch, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Cụ thể:

- Đối với cây ăn quả: Thực hiện 17 lớp IPM trên cây Cam, Quýt, Lê và cây Mận máu bằng các biện pháp thâm canh bền vững thông qua các mô hình cây ăn quả, nhằm giảm sử dụng thuốc BVTV, phân vô cơ, tăng khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng chế phẩm sinh học kiểm soát dịch hại, bảo vệ thiên địch, thúc đẩy phát triển hệ vi sinh vật có ích trong đất, trồng xen canh cây xua đuổi sinh vật gây hại, các biện pháp chống sương muối…

- Đối với cây thạch đen: Thực hiện 20 lớp IPM, xây dựng mô hình áp dụng quy trình quản lý dịch hại bằng các biện pháp sinh thái để thúc đẩy phát triển hệ sinh vật có ích trong đất, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh, sử dụng chế phẩm sinh học kiểm soát dịch hại, giảm sử dụng thuốc hóa học.

- Đối với cây rau: Thực hiện 11 lớp IPM, khuyến cáo nông dân giảm sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, ưu tiên sử dụng chế phẩm sinh học, phân chuồng, phân xanh ủ hoại, phân vi sinh, thuốc sinh học, thảo mộc, bẫy, bả... diệt sâu hại, hướng đến sản xuất rau an toàn, rau hữu cơ, đáp ứng nhu cầu thị trường.

- Đối với cây lúa: Thực hiện 50 lớp IPM, áp dụng các biện pháp thâm canh bền vững nhằm giảm sử dụng hóa chất, luân canh cây trồng, sử dụng chế phẩm sinh học kiểm soát dịch hại, xử lý nguồn rơm rạ để cải tạo đất, sử dụng các loại giống chịu hạn, chống chịu sâu, bệnh hại.

- Đối với cây ngô: Thực hiện 30 lớp IPM, áp dụng quản lý dịch hại có nguồn gốc trong đất bằng biện pháp sinh thái để thúc đẩy phát triển hệ vi sinh vật có ích trong đất, giảm các giống địa phương đã bị thoái hóa, sử dụng giống chống chịu, giống mới có năng suất, chất lượng cao; tăng cường sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh.

- Đối với cây dong riềng: Thực hiện 10 lớp IPM, xây dựng mô hình áp dụng quy trình quản lý dịch hại bằng các biện pháp sinh thái để thúc đẩy phát triển hệ sinh vật có ích trong đất, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh, sử dụng chế phẩm sinh học kiểm soát dịch hại, giảm sử dụng thuốc hóa học.

- Đối với cây đậu tương: Thực hiện 10 lớp IPM, áp dụng các biện pháp thâm canh bền vững nhằm giảm sử dụng hóa chất, luân canh cây trồng, sử dụng chế phẩm sinh học, tận dụng thân, rễ cây đậu tương sau thu hoạch xử lý làm phân bón để cải tạo đất, sử dụng giống chống chịu.

4. Nhân rộng IPM trong sản xuất đại trà:

- Mở rộng áp dụng phương pháp “Nông dân huấn luyện nông dân” về IPM, thâm canh cây trồng bền vững, giảm thiểu nguy cơ do sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật...

- Tuyên truyền kết quả mô hình IPM tới cộng đồng thông qua việc tổ chức các hội nghị đầu bờ, hệ thống truyền thanh cơ sở và lồng ghép trong nội dung sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể, câu lạc bộ... tại địa phương.

- Mở rộng ứng dụng IPM trên cây ăn quả, cây thạch đen, cây rau, cây lúa, cây ngô, cây dong riềng, cây đậu tương… Phát huy tối đa nguồn lực của người sản xuất, ngân sách nhà nước hỗ trợ, lồng ghép các chương trình, dự án tại địa phương.

5. Xây dựng quy trình áp dụng IPM, cải tiến nội dung huấn luyện cho nông dân:

Xây dựng quy trình áp dụng IPM cho từng cây trồng; bao gồm các biện pháp từ khâu chọn giống, làm đất, thời vụ, chăm sóc, phòng trừ dịch hại, luân canh cây trồng, thu hoạch, bảo quản, sử dụng chế phẩm sinh học, phân hữu cơ, thuốc sinh học…Từ các mô hình thí điểm IPM thành công, linh hoạt ứng dụng IPM trên các cây trồng khác ở những điều kiện sinh thái và địa lý khác nhau.

Các nông dân được huấn luyện sẽ chủ động xây dựng, thực hiện các lớp huấn luyện cho nông dân khác cùng tham gia học tập về IPM trên các cây trồng ngay tại đồng ruộng…; tổ chức các chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm thực tế cho nông dân nhằm chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhân rộng mô hình IPM.

III. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Về đào tạo nguồn nhân lực: Tổ chức khóa đào tạo giảng viên (TOT).

- Đào tạo đội ngũ giảng viên chính tại địa bàn tỉnh có trình độ, năng lực về IPM để triển khai thực hiện các lớp huấn luyện cho cộng tác viên cấp xã, nông dân nòng cốt nâng cao kỹ năng, năng lực để giám sát mùa màng, truyền đạt kinh nghiệm cho những người nông dân khác; tuyên truyền thông qua hệ thống truyền thanh, truyền hình và qua các hoạt động hội đoàn thể tại địa phương.

Khuyến khích những người nông dân trực tiếp sản xuất, các chủ trang trại, Hợp tác xã áp dụng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái..., tạo điều kiện cho lực lượng này phát triển nông nghiệp bền vững, phát huy vai trò hướng dẫn, giúp đỡ cộng đồng trong hoạt động IPM.

2. Về khoa học công nghệ:

- Đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong quản lý dịch hại cây trồng. Ứng dụng các chế phẩm sinh học, các vi sinh vật đối kháng, phân bón vi sinh ... nhằm giảm sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật.

- Ứng dụng các giống cây trồng có chất lượng cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh hại, phù hợp với điều kiện tự nhiên, canh tác ở địa phương nhằm bảo vệ năng suất và giảm thiệt hại do sâu bệnh hại gây ra.

- Củng cố hệ thống điều tra phát hiện, dự tính dự báo dịch hại trên cơ sở hiểu biết về IPM của cán bộ và nông dân nhằm đáp ứng kịp thời, chính xác thông tin phục vụ công tác quản lý dịch hại. Bổ sung, nâng cao hệ thống điều tra phát hiện, dự tính dự báo nhằm đáp ứng kịp thời, chính xác thông tin phục vụ công tác quản lý sinh vật hại cây trồng.

3. Về thông tin tuyên truyền: Xây dựng chương trình cụ thể tuyên truyền trên Báo Cao Bằng, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và các huyện, thành phố về các biện pháp kỹ thuật IPM, quy định của pháp luật về quản lý sử dụng thuốc BVTV; in ấn tờ rơi, pano, áp phích, sổ tay hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn quy trình IPM trên cây trồng chủ lực của tỉnh.

5. Về thực hiện mô hình ứng dụng các biện pháp kỹ thuật, thành lập các câu lạc bộ IPM:

- Mô hình IPM: Hằng năm xây dựng kế hoạch thực hiện các mô hình điểm áp dụng IPM tại các vùng cây trồng trọng điểm trên địa bàn các huyện, thành phố; thông qua mô hình, người dân học tập kỹ thuật sản xuất an toàn, áp dụng các nguyên tắc IPM, giảm thiểu sử dụng thuốc BVTV, đảm bảo năng suất, chất lượng cây trồng.

- Thành lập các câu lạc bộ IPM: Thành lập các câu lạc bộ IPM tại các xã, xóm, với sự tham gia tự nguyện của các hộ nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh, buôn bán vật tư nông nghiệp.

IV. THỜI GIAN, LỘ TRÌNH VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN (Như Phụ lục 01kèm theo)

1. Thời gian thực hiện: Từ năm 2021 đến năm 2025.

2. Lộ trình thực hiện: Tổng số 150 lớp, trong đó: Năm 2021: 31 lớp; Năm 2022: 31 lớp; Năm 2023: 30 lớp; Năm 2024: 29 lớp; Năm 2025: 29 lớp.

3. Kinh phí thực hiện: Tổng kinh phí giai đoạn 2021-2025 là 9.331.183.000 đồng. (Bằng chữ: Chín tỷ ba trăm ba mươi mốt triệu một trăm tám mươi ba nghìn đồng)

Nguồn kinh phí hằng năm từ các Chương trình, dự án như: Đào tạo nghề lao động nông thôn, khuyến nông - khuyến ngư, sự nghiệp khoa học - công nghệ… Ngoài ra, các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố huy động từ các nguồn hỗ trợ, tài trợ hợp pháp khác để triển khai thực hiện Kế hoạch.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch; chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung tại Kế hoạch; tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết các vướng mắc và đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung liên quan trong quá trình triển khai, thực hiện Kế hoạch.

- Tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá định kỳ việc triển khai, thực hiện và báo cáo tiến độ thực hiện Kế hoạch về UBND tỉnh theo quy định.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu đề xuất UBND tỉnh bố trí nguồn vốn để triển khai, thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Kế hoạch.

3. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng hợp nguồn kinh phí từ các Chương trình, dự án, tham mưu trình cấp có thẩm quyền thực hiện Kế hoạch theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.

4. Sở Khoa học và Công nghệ: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành đề xuất điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách liên quan tới hỗ trợ tăng cường năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ và tiến bộ kỹ thuật trong quản lý dịch hại tổng hợp; xã hội hóa nguồn lực cho phát triển khoa học, công nghệ; ưu tiên các nhiệm vụ khoa học nhằm thực hiện mục tiêu của Kế hoạch.

5. Sở Công Thương: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan ưu tiên các hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm nông nghiệp có ứng dụng IPM. Khuyến khích đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản gắn với chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm.

6. Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo Báo Cao Bằng, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng nội dung, chuyên mục cho chương trình truyền thông rộng rãi về IPM trên cây trồng chủ lực tại tỉnh với thời lượng, tần suất phù hợp đến mọi người dân, để người dân hiểu về mục đích, ý nghĩa của chương trình IPM trong đời sống, sản xuất. Tăng cường phát sóng, đăng tải các tin bài về công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành, các bài học kinh nghiệm, những mô hình IPM hiệu quả, các quy định pháp luật về bảo vệ, kiểm dịch thực vật, an toàn vệ sinh thực phẩm và những điển hình tiên tiến trong việc ứng dụng IPM…trên địa bàn tỉnh.

7. Ban Dân tộc tỉnh: Chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh lồng ghép kinh phí triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, đặc biệt nội dung liên quan đến Dự án 3- Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, ứng dụng IPM.

8. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành liên quan triển khai công tác đào tạo nghề trồng trọt ứng dụng IPM cho lao động nông thôn từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia hằng năm trên địa bàn tỉnh.

9. UBND các huyện, thành phố:

- Triển khai và tổ chức thực hiện các nội dung Kế hoạch trên địa bàn cấp huyện; chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác chỉ đạo, phát triển sản xuất; hỗ trợ từ ngân sách địa phương thông qua các chương trình, dự án nhằm khuyến khích phát triển sản xuất, thực hiện IPM trong nông nghiệp.

- Quản lý hiệu quả các hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp, đặc biệt là quản lý nghiêm việc buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ thuốc BVTV trên địa bàn nhằm hướng đến sản xuất an toàn cho người và môi trường sinh thái.

- Chỉ đạo UBND cấp xã và các Hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn:

Tiếp nhận và khuyến cáo nông dân ứng dụng Chương trình IPM.

Tổ chức nhân rộng các mô hình IPM.

Đưa IPM vào Chương trình hành động của cấp huyện, cấp xã.

- Hằng năm, tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch trên địa bàn; báo cáo UBND tỉnh (qua cơ quan thường trực Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) theo quy định.

10. Đề nghị Ủy ban mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức đoàn thể tỉnh:

- Chủ động phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tăng cường vận động hội viên, đoàn viên, Nhân dân nhận thức sâu sắc về mục đích, ý nghĩa của việc ứng dụng IPM trên các cây trồng chủ lực của tỉnh; hỗ trợ hội viên thực hiện hợp tác, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp, Hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực có ứng dụng IPM trong sản xuất; bảo vệ lợi ích của hội viên trong quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng liên kết.

Trên đây là Kế hoạch đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng chủ lực giai đoạn 2021-2025 tại địa bàn tỉnh. Trong quá trình thực hiện Kế hoạch, nếu có vướng mắc, các sở, ngành, đơn vị báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh để xem xét bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- TT.Tỉnh ủy;
- TT. HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ngành, đoàn thể tỉnh tại mục V;
- UBND các huyện, thành phố;
- Đài PT-TH tỉnh; Báo Cao Bằng;
- CVP, các PCVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KT (pvT).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Trung Thảo

 

PHỤ LỤC 01

TỔNG KINH PHÍ CHO CHƯƠNG TRÌNH IPM GIAI ĐOẠN 2021-2025
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 2080/KH-UBND ngày 11 tháng 8 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng)

STT

Tên lớp

Giai đoạn 2021-2025

Năm 2021

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

Năm 2025

Số lớp

Kinh phí (đồng)

Tổng kinh phí (đồng)

Số lớp

Kinh phí (đồng)

Số lớp

Kinh phí (đồng)

Số lớp

Kinh phí (đồng)

Số lớp

Kinh phí (đồng)

Số lớp

Kinh phí (đồng)

 

Tổng

150

 

9.331.183.000

31

2.146.493.000

31

1.874.092.000

30

1.813.952.000

29

1.748.323.000

29

1.748.323.000

I

Lớp TOT- IPM đào tạo giảng viên nguồn

2

 

398.170.000

2

398.170.000

 

 

 

 

 

 

 

 

1

TOT-IPM lúa

1

 

198.875.000

1

198.875.000

 

 

 

 

 

 

 

 

2

TOT-IPM rau

1

 

199.295.000

1

199.295.000

 

 

 

 

 

 

 

 

II

Lớp IPM huấn luyện nông dân

148

424.411.000

8.933.013.000

29

1.748.323.000

31

1.874.092.000

30

1.813.952.000

29

1.748.323.000

29

1.748.323.000

1

IPM cây ăn quả

17

65.629.000

1.115.693.000

3

196.887.000

4

262.516.000

4

262.516.000

3

196.887.000

3

196.887.000

2

IPM thạch đen

20

61.506.000

1.230.120.000

4

246.024.000

4

246.024.000

4

246.024.000

4

246.024.000

4

246.024.000

3

IPM rau

11

60.140.000

661.540.000

2

120.280.000

3

180.420.000

2

120.280.000

2

120.280.000

2

120.280.000

4

IPM lúa

50

59.220.000

2.961.000.000

10

592.200.000

10

592.200.000

10

592.200.000

10

592.200.000

10

592.200.000

5

IPM cây ngô

30

59.275.000

1.778.250.000

6

355.650.000

6

355.650.000

6

355.650.000

6

355.650.000

6

355.650.000

6

IPM dong riềng

10

59.415.000

594.150.000

2

118.830.000

2

118.830.000

2

118.830.000

2

118.830.000

2

118.830.000

7

IPM đậu tương

10

59.226.000

592.260.000

2

118.452.000

2

118.452.000

2

118.452.000

2

118.452.000

2

118.452.000

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 2080/KH-UBND năm 2021 triển khai thực hiện Chương trình "Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng chủ lực giai đoạn 2021-2025 tại tỉnh Cao Bằng"

  • Số hiệu: 2080/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 11/08/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Cao Bằng
  • Người ký: Nguyễn Trung Thảo
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản