Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 200/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 05 tháng 10 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC CỦA CỘNG ĐỒNG, TRANH THỦ SỰ HỖ TRỢ, TÀI TRỢ CỦA CÁC TỔ CHỨC QUỐC TẾ TRONG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU GIAI ĐOẠN 2017 - 2022

Ngày nay, các vấn đề về ô nhiễm môi trường, cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên, biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày một ảnh hưởng rõ rệt đối với cuộc sống của chúng ta, đe dọa trực tiếp sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, sự tồn tại, phát triển của các thế hệ hiện tại và tương lai.

Điều 4 Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2014 đã nêu rõ: “BVMT là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân”, do đó việc huy động nguồn lực của cộng đồng, tranh thủ sự hỗ trợ, tài trợ của các tổ chức quốc tế trong BVMT và ứng phó với BĐKH là việc làm rất cần thiết và đáng được quan tâm.

Để triển khai thực hiện nhiệm vụ Huy động nguồn lực của cộng đồng, tranh thủ sự hỗ trợ, tài trợ của các tổ chức quốc tế trong BVMT và ứng phó với BĐKH giai đoạn 2017-2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- BVMT, chủ động thích ứng với BĐKH góp phần phát triển bền vững, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nâng cao năng lực và ý thức trách nhiệm của cộng đồng tham gia BVMT, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học, sống thân thiện với môi trường; sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sản xuất và tiêu dùng bền vững. Đẩy mạnh và nâng cao vai trò của cộng đồng dân cư trong BVMT và ứng phó với BĐKH.

- Phát triển sức mạnh của cộng đồng trong xây dựng mô hình BVMT thông qua việc các cơ quan quản lý khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và trao quyền lực chủ động cho cộng đồng trong những lĩnh vực cụ thể; tăng cường sự kiểm soát, sự tiếp cận của cộng đồng trong việc giải quyết một số vấn đề môi trường nhằm tạo ra cơ hội tốt hơn cho lợi ích kinh tế của địa phương.

- Tranh thủ sự hỗ trợ, tài trợ của các tổ chức quốc tế trong BVMT và ứng phó với BĐKH, tập trung triển khai chương trình số 22/CTr-TU ngày 19/4/2017 của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế liên quan đến vấn đề môi trường.

2. Yêu cầu

- Tạo sự phối hợp chặt chẽ thường xuyên, liên tục giữa sở, ban, ngành, địa phương và các bộ, ban, ngành Trung ương; giữa các sở, ban, ngành, địa phương; giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp...

- Tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động đối với mọi tầng lớp nhân dân nhằm đáp ứng yêu cầu của phát triển kinh tế xã hội đi đôi với BVMT ứng phó với BĐKH trong giai đoạn mới.

II. NHỮNG NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực của cộng đồng về ứng phó với BĐKH và BVMT

- Tiếp tục tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng thông qua đối thoại cộng đồng, chương trình phát thanh xã, các tư liệu, tranh ảnh, phương tiện truyền thông (báo chí, phát thanh, truyền hình), chiến dịch truyền thông đại chúng, các cuộc thi sáng tác, viết, vẽ, tìm hiểu pháp luật về môi trường và BĐKH, các cuộc vận động quần chúng tham gia BVMT... Xây dựng văn hóa ứng xử thân thiện với môi trường trên cơ sở đổi mới tư duy, cách làm, hành vi ứng xử, ý thức trách nhiệm với thiên nhiên, môi trường. Đưa nội dung giáo dục ý thức BVMT và ứng phó BĐKH vào chương trình giảng dạy tại trường học.

- Đào tạo, tập huấn về các nội dung liên quan đến BVMT và ứng phó với BĐKH phù hợp với từng địa bàn cho các nhóm nòng cốt và hỗ trợ nhóm nòng cốt chủ động phổ biến kiến thức cho người khác, tạo nền tảng kiến thức có khả năng lan tỏa trong chính cộng đồng.

- Các cơ quan truyền thông đại chúng phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước về môi trường và các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng chuyên mục, chuyên đề, phóng sự về môi trường; đa dạng hóa hình thức và nội dung truyền thông môi trường; đưa tin chính xác, thường xuyên và kịp thời; phát hiện và kiên quyết đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật về BVMT.

2. Đẩy mạnh ứng dụng nghiên cứu khoa học, công nghệ mới, công nghệ sạch trong hoạt động sản xuất, ứng phó BĐKH

- Khuyến khích các cơ sở sản xuất áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn để giảm lượng phát thải và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Khuyến khích và có chính sách ưu đãi đối với các nghiên cứu sản xuất các loại nguyên, nhiên vật liệu mới có thể thay thế các loại khoáng sản, vật liệu truyền thống.

- Khuyến khích ứng dụng các công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp, các biện pháp quản lý cây trồng thích ứng với BĐKH đông thời nghiên cứu xây dựng các mô hình phát triển phù hợp cho từng vùng cụ thể để thích nghi với các hiện tượng cực đoan trong bối cảnh BĐKH.

- Tăng cường nguồn lực hỗ trợ cho hoạt động ứng dụng nghiên cứu khoa học công nghệ trong lĩnh vực môi trường; Tăng cường sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý với các Viện, trung tâm nghiên cứu, trường đại học và với các địa phương, các cơ sở sản xuất trong việc triển khai thực hiện các đề tài, dự án nhằm đạt hiệu quả tối đa trong nghiên cứu, và triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu; Tiếp tục tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực BVMT.

- Khuyến khích các cơ quan, tổ chức và cá nhân chủ động đáp ứng yêu cầu về môi trường để nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ trên thị trường khu vực và quốc tế.

3. Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho hoạt động quản lý tài nguyên thiên nhiên, BVMT và ứng phó với BĐKH

- Hằng năm, ưu tiên bố trí nguồn ngân sách cho sự nghiệp môi trường, phù hợp với từng địa phương cụ thể; kết hợp đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước nhất là các nguồn vốn ưu đãi cho quản lý tài nguyên thiên nhiên, BVMT và ứng phó với BĐKH.

- Huy động ở mức cao nhất sự tham gia của xã hội, cộng đồng vào công tác BVMT; đề cao vai trò các đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội trong công tác BVMT, giám sát việc BVMT, đưa BVMT vào nội dung hoạt động của các khu dân cư, phát huy vai trò các tổ chức ngành. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia các dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải và các dịch vụ khác.

- Hình thành các loại hình tổ chức đánh giá, tư vấn, giám định, công nhận, chứng nhận về BVMT.

4. Xây dựng, nhân rộng các mô hình quản lý tài nguyên, phát triển sinh kế, thích ứng BĐKH

- Nghiên cứu tổng kết đánh giá các mô hình cộng đồng tham gia BVMT và phát triển bền vững, thích ứng với BĐKH, trên cơ sở đó nhân rộng các mô hình, điển hình có hiệu quả áp dụng phù hợp với từng địa phương.

- Xây dựng mới một số mô hình trên các vùng sinh thái khác nhau.

- Nghiên cứu các giải pháp duy trì và nhân rộng mô hình tiên tiến của cộng đồng tham gia BVMT và phát triển bền vững.

5. Xây dựng các quy định về BVMT, quản lý tài nguyên thiên nhiên ở các cộng đồng dân cư

- Phát động các phong trào tự quản, vận động nhân dân xây dựng quy ước, hương ước trong từng cộng đồng thôn, bản và lồng ghép các quy định vệ sinh, BVMT, giữ gìn cảnh quan bản, làng, xóm; tạo ra một số cơ chế quản lý thích hợp để thực hiện hương ước.

- Tăng cường sự giám sát của nhân dân để giải quyết kịp thời các tranh chấp, mâu thuẫn lợi ích trong sử dụng tài nguyên; tăng cường sự đồng thuận xã hội đối với công tác quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và BVMT, ứng phó BĐKH.

- Lồng ghép cách tiếp cận “sinh kế và dịch vụ hệ sinh thái” vào các hoạt động của cộng đồng nhằm tăng sức đề kháng và phục hồi trước BĐKH; duy trì khả năng cung cấp các giá trị dịch vụ hệ sinh thái rừng, biển và nguồn lợi cho người dân, hướng cộng đồng thay đổi việc sử dụng và quản lý tài nguyên một cách bền vững.

6. Xây dựng tiêu chí đánh giá cộng đồng tham gia BVMT, quản lý tài nguyên thiên nhiên và phát triển bền vững và ứng phó BĐKH

Trên cơ sở các tiêu chí này để kiểm tra, đánh giá và xếp loại thi đua - khen thưởng cộng đồng tham gia BVMT, ứng phó với BĐKH hàng năm.

7. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về BVMT và ứng phó với BĐKH

- Tranh thủ các nguồn lực về vốn và công nghệ của nước ngoài để thực hiện các chương trình, dự án BVMT, tiết kiệm năng lượng, ứng phó với BĐKH, quan tâm nhiều hơn các lĩnh vực mới như: sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch...

- Mở rộng hợp tác quốc tế, củng cố, duy trì các mô hình cộng đồng tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH do các tổ chức phi chính phủ tài trợ.

- Chủ động lập các dự án cụ thể kêu gọi hợp tác trong lĩnh vực BVMT và ứng phó với BĐKH để thu hút được sự quan tâm của các tổ chức quốc tế, tranh thủ được nguồn lực tài chính, kiến thức và kinh nghiệm của các quốc gia tiên tiến.

- Tăng cường sự hợp tác với các tổ chức phi chính phủ trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về BVMT, xây dựng năng lực ứng phó BĐKH; hướng dẫn triển khai các chính sách, mô hình cụ thể về BĐKH cho cộng đồng.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Kinh phí thực hiện Kế hoạch được huy động từ các nguồn: ngân sách trung ương hỗ trợ; ngân sách địa phương; vốn viện trợ quốc tế; vốn huy động xã hội, cộng đồng và các nguồn vốn hợp pháp khác.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Phân công thực hiện

a) Sở Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, UBND các huyện, thị xã và thành phố tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng tiêu chí đánh giá cộng đồng tham gia BVMT, quản lý tài nguyên thiên nhiên và phát triển bền vững và ứng phó BĐKH.

b) Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh danh mục các chương trình, dự án BVMT và ứng phó với BĐKH trong kế hoạch đầu tư công cần kêu gọi vốn ODA hay tài trợ chính thức từ các tổ chức quốc tế.

- Tham mưu bố trí đủ vốn đối ứng để triển khai các dự án ODA nhằm đảm bảo tiến độ yêu cầu.

- Tham mưu việc lồng ghép các chương trình, dự án để tránh trùng lặp và tập trung nguồn lực để phát huy hiệu quả của từng chương trình, dự án.

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh.

c) Sở Tài chính

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp hỗ trợ cho hoạt động ứng phó BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên, BVMT trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu bố trí các nguồn kinh phí bảo đảm cho việc thực hiện kế hoạch này.

d) Các sở, ban, ngành

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của các sở, ban, ngành xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch chi tiết.

e) Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố

Căn cứ tình hình thực tế của địa phương xây dựng các chương trình, đề án để tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch này.

g) Các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp

- Nâng cao vai trò của các tổ chức về tư vấn, phản biện về BVMT và giám sát các chính sách liên quan tới BĐKH, đồng thời tham gia triển khai các biện pháp phòng tránh thiên tai, ứng phó với BĐKH cho cộng đồng BVMT.

- Tổ chức đánh giá các mô hình cộng đồng tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH đề xuất các giải pháp về tổ chức thực hiện các mô hình.

- Căn cứ chức năng nhiệm vụ, các quy chế phối hợp giữa các đơn vị và nội dung Kế hoạch thực hiện tuyên truyền, vận động cộng đồng tích cực tham gia BVMT, quản lý tài nguyên, thích ứng với BĐKH.

2. Chế độ báo cáo

a) UBND các huyện, thị xã và thành phố, các sở, ban, ngành, đoàn thể căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động triển khai thực hiện Kế hoạch; định kỳ hàng năm (trước ngày 30/11) báo cáo UBND tỉnh tình hình thực hiện thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp chung.

b) Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, báo cáo thường xuyên với Chủ tịch UBND tỉnh về tình hình thực hiện Kế hoạch này.

c) Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, UBND các huyện, thị xã và thành phố, các sở, ban, ngành, đoàn thể báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- TV Tỉnh ủy;
- TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- Các tổ chức chính trị-xã hội cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã và thành phố;
- VP: CVP, các PCVP và các CV;
- Lưu: VT, TN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Ngọc Thọ

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 200/KH-UBND năm 2017 về Huy động nguồn lực của cộng đồng, tranh thủ sự hỗ trợ, tài trợ của tổ chức quốc tế trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2017-2022 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

  • Số hiệu: 200/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 05/10/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Phan Ngọc Thọ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản