Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 185/KH-UBND

Hậu Giang, ngày 20 tháng 10 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 546/QĐ-TTG NGÀY 29 THÁNG 4 NĂM 2022 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC GIAO CHỈ TIÊU THỰC HIỆN BAO PHỦ BẢO HIỂM Y TẾ GIAI ĐOẠN 2022 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU GIANG

Thực hiện Quyết định số 546/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao chỉ tiêu thực hiện bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2022 - 2025; Công văn số 2657/BHXH-TST ngày 21 tháng 9 năm 2022 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc tăng cường công tác chỉ đạo phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), BHYT.

Để nâng cao ý thức, trách nhiệm và hành động của các cấp, các ngành và người dân, góp phần tăng tỷ lệ bao phủ BHYT, tiến tới BHYT toàn dân, UBND tỉnh Hậu Giang ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 546/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao chỉ tiêu thực hiện bao phủ BHYT giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, cụ thể:

I. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU

1. Mục tiêu chung

Mở rộng phạm vi bao phủ của BHYT về tỷ lệ dân số tham gia BHYT và phạm vi dịch vụ y tế được thụ hưởng; bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT; tiến tới BHYT toàn dân, góp phần tạo nguồn tài chính ổn định cho công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân theo hướng công bằng, hiệu quả, chất lượng và phát triển bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể

- Tăng tỷ lệ dân số tham gia BHYT: Tiếp tục duy trì các nhóm đang tham gia BHYT đạt tỷ lệ 100%; đẩy nhanh tỷ lệ tham gia của các nhóm còn lại để năm 2022 đạt trên 92,81% dân số tham gia BHYT, đến năm 2025 có trên 95% dân số tham gia BHYT.

- Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) BHYT, bảo đảm quyền lợi của người tham gia và thụ hưởng chính sách BHYT theo quy định của pháp luật, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu KCB của người tham gia BHYT; cải cách thủ tục hành chính trong KCB, thanh toán chi phí KCB, nâng cao chất lượng phục vụ tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh khi đi KCB.

3. Chỉ tiêu

Tỷ lệ bao phủ dân số tham gia BHYT theo lộ trình hàng năm:

Năm

2022

2023

2024

2025

Tỷ lệ bao phủ

92,81%

93,81%

94,81%

95,00%

(Kèm theo Bảng chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ dân số tham gia BHYT theo địa bàn)

II. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp trong triển khai thực hiện nghiêm chính sách, pháp luật, các chương trình, mục tiêu, kế hoạch về BHYT giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh

- Các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đoàn thể phải xác định thực hiện lộ trình bao phủ BHYT toàn dân là một trong những nhiệm vụ chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện pháp luật về BHYT.

- Hàng năm, Hội đồng nhân dân các cấp xây dựng Nghị quyết về thực hiện chính sách BHYT tại địa phương, coi đây là chỉ tiêu về kinh tế - xã hội của địa phương; tăng cường giám sát việc thực hiện các chính sách về BHYT và việc thực hiện BHYT toàn dân của các cấp, các ngành trong địa phương.

- UBND huyện, thị xã, thành phố đưa mục tiêu, kế hoạch thực hiện lộ trình bao phủ BHYT toàn dân vào các Chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; thực hiện hiệu quả tiêu chí phát triển BHYT trong chương trình phát triển nông thôn mới; chỉ đạo các phòng, ban, UBND cấp xã trong phạm vi quyền hạn nhiệm vụ của mình, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của Luật BHYT.

- Các đoàn thể, các tổ chức xã hội theo chức năng, nhiệm vụ tuyên truyền, vận động các đoàn viên, hội viên tham gia BHYT; đồng thời, tăng cường huy động các nguồn nhân lực của xã hội, của mỗi cá nhân để hỗ trợ cộng đồng tham gia BHYT.

2. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHYT

- Tăng cường thông tin, tuyên truyền, vận động để nâng cao hiểu biết và trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể và Nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của BHYT và nghĩa vụ của mỗi người dân tham gia BHYT và thực hiện chính sách BHYT; làm rõ lợi ích của BHYT đối với mỗi người dân và với toàn xã hội, cách thức tham gia BHYT thông qua các nhân viên thu bảo hiểm xã hội (BHXH), BHYT hoặc tổ chức đại diện hoặc tại cơ quan BHXH; sử dụng thẻ BHYT hợp lý.

- Công tác thông tin, tuyên truyền cần được tiến hành với tất cả các nhóm và thực hiện thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức phù hợp, bảo đảm các đối tượng tiếp cận đầy đủ với thông tin về chính sách BHYT và cách thức tham gia; đặc biệt, chú ý tới các nhóm có tỷ lệ tham gia BHYT còn thấp như: Người thuộc hộ nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình; hộ gia đình;…

3. Tăng tỷ lệ bao phủ BHYT theo các nhóm

- Đối với các nhóm đã đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 100% thì tiếp tục duy trì tỷ lệ bao phủ và các giải pháp nâng cao chất lượng KCB, tăng cường tiếp cận các dịch vụ y tế; đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHYT.

- Đối với một số nhóm có tỷ lệ tham gia BHYT thấp, cùng với giải pháp chung như tăng cường công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHYT, mở rộng Tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT bảo đảm người có nhu cầu được tiếp cận với thông tin về BHYT và thuận lợi cho việc tham gia BHYT với những giải pháp phù hợp với từng nhóm, cụ thể:

a) Người lao động trong các đơn vị

- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHYT để đơn vị sử dụng lao động nắm rõ và tham gia BHYT cho người lao động đầy đủ, theo đúng quy định của pháp luật.

- Tiếp tục thực hiện thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT ở các đơn vị sử dụng lao động; xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm.

- Tham gia nghiên cứu, đề xuất cơ chế sử dụng quỹ KCB BHYT, củng cố cơ sở y tế trong các cơ quan, doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người lao động tại nơi làm việc.

b) Học sinh, sinh viên (HSSV)

- Xác định trách nhiệm của nhà trường trong phối hợp thực hiện pháp luật về BHYT, quyền lợi về KCB và công tác chăm sóc sức khỏe học đường.

- Phát triển và nâng cao chất lượng y tế trường học: Xây dựng, bổ sung tiêu chuẩn và nội dung công tác y tế trường học, sử dụng quỹ KCB BHYT được trích lại cho nhà trường để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV tại các trường học, đảm bảo nguồn nhân lực cho y tế học đường.

- Xây dựng kế hoạch phát triển BHYT đối với HSSV của nhà trường, đưa tiêu chí về tỷ lệ tham gia BHYT là một trong các tiêu chí đánh giá thi đua của các trường học.

c) Hộ nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình

- Tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHYT, quyền được cấp thẻ BHYT, mức đóng và trách nhiệm đóng BHYT, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, trách nhiệm của UBND các cấp và cơ quan liên quan trong tổ chức, hướng dẫn vận động tham gia BHYT.

- UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn phối hợp với Ban giảm nghèo xã, phường, thị trấn tổ chức xác định người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn, thẩm định đúng quy trình và thực hiện các thủ tục theo hướng dẫn của Thông tư số 07/2021/TT-BLĐTBXH ngày 18 tháng 7 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động

- Thương binh và Xã hội hướng dẫn phương pháp rà soát, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo; xác định thu nhập của hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022 - 2025 và mẫu biểu báo cáo.

d) Người tham gia BHYT hộ gia đình

Tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHYT, quyền và trách nhiệm tham gia BHYT, mức đóng và trách nhiệm đóng BHYT, quyền lợi về KCB; vận động tham gia BHYT theo hộ gia đình, hướng dẫn đăng ký tham gia BHYT.

đ) Hỗ trợ người dân tham gia BHYT

Tiếp tục thực hiện hỗ trợ các đối tượng tham gia BHYT theo Nghị quyết số 10/2022/NQ-HĐND ngày 06 tháng 7 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc quy định chính sách hỗ trợ an sinh xã hội và hỗ trợ mức đóng BHYT cho một số đối tượng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2022 - 2025.

4. Nâng cao chất lượng công tác KCB

a) Nâng cao chất lượng KCB

- Việc triển khai chính sách BHYT phải thực hiện từng bước và đồng bộ với việc nâng cao chất lượng công tác KCB nói chung và KCB BHYT nói riêng; nâng cao tinh thần, thái độ, đạo đức nghề nghiệp để bảo đảm chất lượng phục vụ và sự hài lòng của người bệnh BHYT ở cả cơ sở KCB nhà nước và tư nhân.

- Chỉ đạo việc tổ chức KCB, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc bảo đảm đầy đủ quyền lợi của người tham gia BHYT theo quy định của pháp luật.

- Tăng cường quản lý chất lượng cơ sở KCB, xây dựng và triển khai bộ tiêu chí chất lượng cơ sở KCB làm cơ sở kiểm tra, đánh giá chất lượng dịch vụ KCB; tăng cường chăm sóc toàn diện người bệnh; nâng cao chất lượng điều trị, giảm số ngày điều trị một cách hợp lý.

- Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong KCB, trong thanh toán chi phí KCB, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh khi đến KCB; đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện, quản lý KCB BHYT.

- Đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT cho người bệnh BHYT đáp ứng nhu cầu KCB, sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, phù hợp với khả năng chi trả của quỹ BHYT.

b) Nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ y tế tuyến dưới

Thực hiện các quy định về phân tuyến và chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật, bảo đảm nguyên tắc phù hợp với năng lực chuyên môn của cơ sở KCB, thuận lợi trong thanh toán chi phí KCB BHYT; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, đầu tư trang thiết bị, tạo điều kiện để phát triển kỹ thuật ở tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng KCB ở tuyến cơ sở; nâng cao năng lực của Trạm Y tế xã, phường, thị trấn, cụ thể:

- Xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên môn và cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu KCB ban đầu của người tham gia BHYT.

- Đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, bổ sung chức năng nhiệm vụ cho Trạm Y tế xã, phường, thị trấn về quản lý và điều trị một số bệnh không lây nhiễm; có cơ chế khuyến khích người tham gia BHYT đăng ký KCB BHYT ban đầu tại các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn.

- Xây dựng cơ chế phù hợp để các cơ sở y tế tư nhân, bao gồm cả các Phòng khám Đa khoa tư nhân có đủ điều kiện KCB BHYT.

c) Đảm bảo nguồn nhân lực

- Xây dựng chính sách thu hút nguồn nhân lực cho y tế tuyến cơ sở, ưu tiên cho Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố, Trạm Y tế xã, phường, thị trấn.

- Xây dựng chính sách quy định trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ xã hội của người hành nghề KCB.

5. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra

- Sở Y tế chỉ đạo thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về BHYT; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo về BHYT.

- UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo về BHYT.

6. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về thực hiện BHYT

a) Công tác quản lý nhà nước về BHYT

- Hoàn thiện mô hình quản lý, tổ chức thực hiện BHYT đảm bảo hiệu lực, hiệu quả và chất lượng phù hợp với điều kiện của địa phương.

- Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về BHYT; củng cố, nâng cao năng lực bộ máy thực hiện BHYT từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện; tăng cường đào tạo nâng cao năng lực, chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác BHYT.

b) Tổ chức thực hiện chính sách BHYT

- Tổ chức mở rộng Tổ chức dịch vụ thu nhằm phát triển người tham gia BHYT.

- Tăng cường trách nhiệm của cơ quan BHXH với việc bảo vệ quyền lợi của người tham gia BHYT; đề xuất các giải pháp tăng khả năng tiếp cận của người dân với chính sách BHYT.

7. Cân đối quỹ BHYT và đảm bảo chi KCB BHYT trong dự toán Thủ tướng Chính phủ giao

- Thực hiện tốt các quy định về quản lý và sử dụng quỹ BHYT, nâng cao chất lượng KCB và tăng cường trách nhiệm của cơ sở y tế trong quản lý, sử dụng có hiệu quả kinh phí KCB BHYT.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện KCB BHYT nhằm kịp thời phát hiện và xử lý những sai sót; thực hiện tạm ứng, thanh quyết toán chi phí KCB BHYT theo quy định.

- Định kỳ, BHXH tỉnh phối hợp với Sở Y tế tổ chức đánh giá, dự báo tình hình sử dụng dự toán chi KCB BHYT; báo cáo và kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền các giải pháp quản lý và sử dụng có hiệu quả dự toán chi KCB BHYT được Thủ tướng Chính phủ giao hàng năm, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT, cân đối quỹ KCB BHYT.

8. Công tác sơ kết, tổng kết và thi đua khen thưởng

- Định kỳ hàng năm, tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện chỉ tiêu bao phủ BHYT tại địa phương, báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch này về Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN tỉnh Hậu Giang để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

- Hàng năm tổng kết xét khen thưởng nhân rộng những mô hình làm tốt có hiệu quả và những đơn vị thực hiện đạt chỉ tiêu và đạt tiến độ về thời gian.

III. KINH PHÍ

Kinh phí thực hiện Kế hoạch từ nguồn chi hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị và nguồn kinh phí hỗ trợ của các tổ chức, nguồn huy động hợp pháp khác (nếu có).

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

- Chỉ đạo các cơ sở KCB BHYT trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng KCB, tinh thần, thái độ phục vụ người tham gia BHYT; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến quy trình thanh toán KCB BHYT, đảm bảo thuận lợi khi người tham gia BHYT tăng.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển tỷ lệ dân số tham gia BHYT.

- Phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch về đầu tư trang thiết bị, nhân lực cho các cơ sở KCB. Tham mưu tổ chức thực hiện giá dịch vụ y tế, đấu thầu thuốc theo đúng quy định, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh khi KCB BHYT.

- Tăng cường quản lý công tác chuyên môn, công khai, minh bạch các hoạt động liên quan đến công tác KCB, giá thuốc và giá dịch vụ KCB BHYT, chỉ định sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, sử dụng thuốc hiệu quả, an toàn, tiết kiệm.

- Phối hợp với BHXH tỉnh, các cơ quan chức năng có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách BHYT, thực hiện hợp đồng KCB BHYT; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về BHYT.

- Định kỳ 6 tháng, một năm tổng hợp và báo cáo UBND tỉnh về kết quả thực hiện kế hoạch, những khó khăn, vướng mắc để gửi Bộ Y tế tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ; đồng thời tham mưu, đề xuất các giải pháp để tháo gỡ, giải quyết kịp thời.

- Chủ trì, phối hợp với BHXH tỉnh định kỳ hàng năm tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá việc thực hiện Kế hoạch này.

2. Bảo hiểm xã hội tỉnh

- Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về việc mở rộng tỷ lệ bao phủ BHYT; chủ động tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh về những giải pháp phát triển người tham gia BHYT và tổ chức triển khai thực hiện.

- Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền dưới nhiều hình thức để cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể và tất cả người dân nắm vững ý nghĩa, tầm quan trọng của BHYT và nghĩa vụ của mỗi người trong việc tham gia BHYT.

- Triển khai hệ thống mạng lưới tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT phù hợp với quy định của Luật BHYT, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân tham gia BHYT.

- Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHYT tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức sử dụng lao động, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

- Chỉ đạo, giám sát, kiểm tra, đôn đốc BHXH huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp phát triển người tham gia BHYT; mở rộng tỷ lệ bao phủ BHYT.

- Định kỳ 6 tháng sơ kết, đánh giá và kịp thời thông tin, báo cáo UBND tỉnh kết quả triển khai thực hiện BHYT toàn dân; định kỳ ngày 15/12 hàng năm gửi báo cáo UBND tỉnh kết quả triển khai Kế hoạch này.

3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn UBND huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện việc xác định, lập danh sách đầy đủ, kịp thời các nhóm đối tượng tham gia BHYT thuộc thẩm quyền được giao quản lý tham gia BHYT.

- Phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp về việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT; xử lý kịp thời các doanh nghiệp vi phạm.

4. Sở Tài chính

Phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cấp thẩm quyền xây dựng cơ chế hỗ trợ từ ngân sách tỉnh; tham mưu duyệt cấp kinh phí và thực hiện quyết toán phần kinh phí từ ngân sách nhà nước, ngân sách tỉnh đóng và hỗ trợ mức đóng BHYT cho người tham gia BHYT theo quy định.

5. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Chỉ đạo xây dựng kế hoạch, giải pháp thực hiện BHYT cho HSSV, đảm bảo 100% HSSV tham gia BHYT.

- Phối hợp với BHXH tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, vận động HSSV tham gia BHYT, nhất là sinh viên tại các trường cao đẳng và giáo dục thường xuyên.

- Đưa tiêu chí HSSV tham gia BHYT vào tiêu chí đánh giá, xếp loại thi đua hàng năm của các cơ sở giáo dục, đào tạo.

- Chủ trì phối hợp với UBND huyện, thị xã, thành phố, các ngành có liên quan và BHXH tỉnh triển khai BHYT HSSV; phối hợp với Sở Y tế triển khai hoạt động y tế trường học, chỉ đạo, kiểm tra các trường về tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn kinh phí KCB BHYT tại trường theo đúng quy định, có hiệu quả.

6. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Phối hợp Sở Y tế, BHXH tỉnh tham mưu đưa chỉ tiêu thực hiện BHYT toàn dân trong chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, 5 năm của Tỉnh.

- Theo dõi, cung cấp kịp thời danh sách các doanh nghiệp đã được cấp phép hoạt động cho cơ quan BHXH, các cơ quan chức năng để phục vụ công tác tuyên truyền, đôn đốc tham gia BHYT; phối hợp thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chính sách BHYT cho người lao động.

7. Sở Thông tin và Truyền thông

Phối hợp các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình; chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT với nhiều hình thức, nội dung phù hợp với các nhóm người tham gia BHYT theo quy định.

8. Tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT

- Tăng cường phối hợp với BHXH huyện, thị xã, thành phố và UBND xã, phường, thị trấn để tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT.

- Chỉ đạo nhân viên thu BHXH, BHYT ở các xã, phường, thị trấn phối hợp với cán bộ ấp, khu vực để tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT theo hộ gia đình đảm bảo đạt chỉ tiêu trên giao, góp phần hoàn thành chỉ tiêu chung của xã, phường, thị trấn.

- Tuyên truyền vận động cán bộ, nhân viên trong hệ thống Tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT tham gia BHYT cho tất cả thành viên trong hộ gia đình (trừ các thành viên đã có thẻ BHYT thuộc nhóm khác); đồng thời, các nhân viên không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc phải tham gia BHXH tự nguyện.

9. Sở Nội vụ

- Kịp thời tham mưu trình UBND tỉnh kiện toàn và bổ sung thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT theo đề nghị của cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh.

- Phối hợp với Sở Y tế, Bảo hiểm xã hội tỉnh tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng kịp thời cho các tập thể và cá nhân có sáng kiến, giải pháp góp phần hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT của Tỉnh.

10. Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh

- Kết hợp với tổ chức công đoàn, người sử dụng lao động tại khu, cụm công nghiệp để tuyên truyền, vận động người sử dụng lao động và người lao động tại doanh nghiệp thực hiện đúng quy định Luật BHXH, Luật BHYT.

- Phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra và đôn đốc việc thực hiện tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và giải quyết các chế độ chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động tại doanh nghiệp theo quy định.

- Phối hợp với Tổ thanh tra, kiểm tra thực hiện các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT tại doanh nghiệp cố tình vi phạm, không đóng BHXH, BHYT để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

- Phối hợp với các sở, ngành có liên quan để hỗ trợ xác nhận tình trạng các doanh nghiệp phá sản, giải thể, không còn hoạt động, không có người quản lý điều hành.

11. UBND huyện, thị xã, thành phố

- Kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn.

- Xây dựng kế hoạch thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân tại địa phương; chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện các giải pháp tiến tới BHYT toàn dân.

- Đưa mục tiêu, kế hoạch, tỷ lệ bao phủ BHYT là một chỉ tiêu trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn và ngắn hạn của địa phương; triển khai thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân trong chương trình nông thôn mới; nông thôn mới nâng cao; giao chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ BHYT cho từng xã, phường, thị trấn.

- Chủ trì thực hiện các giải pháp về phát triển người tham gia BHYT, tập trung vào các nhiệm vụ: rà soát, phê duyệt danh sách đối tượng tham gia BHYT do ngân sách nhà nước hỗ trợ toàn bộ và hỗ trợ một phần mức đóng BHYT; lập danh sách thành viên hộ gia đình nông, ngư nghiệp có mức sống trung bình và xây dựng cơ chế phối hợp, kế hoạch và chỉ tiêu hàng năm trong vận động nhóm đối tượng này tham gia BHYT.

- Vận động cộng đồng hỗ trợ kinh phí cho các đối tượng khó khăn không có điều kiện tham gia BHYT; đồng thời, có trách nhiệm trong chỉ đạo việc quản lý và sử dụng có hiệu quả quỹ BHYT tại địa phương.

- Chỉ đạo thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong thực hiện pháp luật về BHYT tại địa phương, các doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý.

- Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn tổ chức xác định, công nhận đối tượng theo quy định và lập, phê duyệt danh sách đối tượng tham gia BHYT trên địa bàn (đối tượng sinh sống tại cộng đồng), định kỳ hàng quý rà soát tăng, giảm đối tượng tham gia BHYT gửi cơ quan chuyên môn về lao động và cơ quan BHXH cấp huyện.

12. Đề nghị các cơ quan, tổ chức

a) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh

- Phối hợp tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHYT, vận động Nhân dân, đoàn viên, hội viên tham gia BHYT.

- Huy động các nguồn lực hỗ trợ việc tham gia BHYT của Nhân dân; phối hợp giám sát, đánh giá triển khai thực hiện chính sách pháp luật về BHYT và việc triển khai kế hoạch thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân của Tỉnh.

b) Liên đoàn Lao động tỉnh

- Phối hợp tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHYT đối với người lao động, người sử dụng lao động.

- Vận động người sử dụng lao động, người lao động tuân thủ các quy định về BHYT.

- Tham gia giám sát, thanh tra, kiểm tra việc tham gia BHYT tại các doanh nghiệp và đề xuất các cơ chế, chính sách BHYT đối với người lao động.

c) Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh

- Phối hợp tuyên truyền về chính sách BHYT, vận động các hội viên Hội Phụ nữ các cấp, gia đình và người thân tích cực tham gia BHYT.

- Tham mưu đề xuất các chính sách liên quan tới BHYT đối với phụ nữ trong thực hiện chính sách pháp luật về BHYT và chăm sóc sức khỏe, gắn với mục tiêu bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ.

- Phối hợp giám sát, đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT và việc triển khai kế hoạch.

d) Hội Nông dân tỉnh

- Tuyên truyền cho cán bộ, hội viên Hội Nông dân các cấp về chính sách BHYT, vận động người dân và gia đình tham gia BHYT, đặc biệt chú trọng tới hộ gia đình làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình.

- Vận động các nguồn lực hỗ trợ cho hộ gia đình nông dân tham gia BHYT.

- Phối hợp giám sát, đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT.

đ) Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh

- Tuyên truyền cho các đoàn viên, thanh niên về chính sách BHYT.

- Vận động các đoàn viên, thanh niên tham gia BHYT.

e) Các tổ chức hội, đoàn thể khác

Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, tham gia vào các hoạt động tuyên truyền, vận động, huy động, hỗ trợ các gia đình, các cá nhân trong cộng đồng tham gia BHYT.

Trên đây là Kế hoạch thực hiện Quyết định số 546/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao chỉ tiêu thực hiện bao phủ BHYT giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, đề nghị Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, đề nghị cơ quan, đơn vị phản ánh về BHXH tỉnh để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- BHXH Việt Nam;
- TT: TU, HĐND, UBND tỉnh;
- UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các đoàn thể tỉnh;
- Sở, ban, ngành tỉnh;
- BHXH tỉnh;
- Bưu điện tỉnh;
- Viettel Hậu Giang;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT, NCTH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hồ Thu Ánh

 

PHỤ LỤC CHỈ TIÊU TỶ LỆ BAO PHỦ BHYT GIAI ĐOẠN 2022-2025

(Kèm theo Kế hoạch số      /KH-UBND ngày      tháng      năm 2022 của UBND tỉnh Hậu Giang)

STT

ĐƠN VỊ

DÂN SỐ (người)

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

Năm 2025

Tỷ lệ giao %

Số người giao

Tỷ lệ giao %

Số người giao

Tỷ lệ giao %

Số người giao

Tỷ lệ giao %

Số người giao

1

Thành phố Vị Thanh

73.015

92,81%

67.765

93,81%

68.495

94,81%

69.226

95,00%

69.364

2

Huyện Châu Thành A

97.149

92,81%

90.164

93,81%

91.135

94,81%

92.107

95,00%

92.292

3

Huyện Châu Thành

87.647

92,75%

81.293

93,81%

82.222

94,81%

83.098

95,00%

83.265

4

Huyện Phụng Hiệp

187.046

92,36%

172.756

93,72%

175.300

94,81%

177.338

95,00%

177.694

5

Huyện Vị Thủy

89.884

92,81%

83.421

93,81%

84.320

94,81%

85.219

95,00%

85.390

6

Huyện Long Mỹ

76.949

94,00%

72.332

94,00%

72.332

94,81%

72.955

95,00%

73.102

7

Thành phố Ngã Bảy

55.719

92,81%

51.713

93,81%

52.270

94,81%

52.827

95,00%

52.933

8

Thị xã Long Mỹ

62.058

92,81%

57.596

93,81%

58.217

94,81%

58.837

95,00%

58.955

Tổng

729.467

92,81%

677.040

93,81%

684.291

94,81%

691.607

95,00%

692.995

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 185/KH-UBND năm 2022 thực hiện Quyết định 546/QĐ-TTg về giao chỉ tiêu thực hiện bao phủ bảo hiểm y tế giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang

  • Số hiệu: 185/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 20/10/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hậu Giang
  • Người ký: Hồ Thu Ánh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/10/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản