Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 184/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 05 tháng 9 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

XÂY DỰNG XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN THÀNH PHÁO ĐÀI TRONG PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19

Thực hiện Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội khóa XV; Công điện số 1099/CĐ-TTg ngày 22 tháng 8 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; Công điện 1102/CĐ-TTg ngày 23 tháng 8 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn quốc; Thông báo số 226/TB-VPCP ngày 30 tháng 8 năm 2021 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch xây dựng xã, phường, thị trấn thành pháo đài trong phòng, chống dịch COVID-19, cụ thể:

I. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Xây dựng xã, phường, thị trấn là “pháo đài” trong phòng, chống dịch COVID-19, người dân là “chiến sỹ”, là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch.

b) Kiểm soát dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố, mở rộng “vùng xanh”, siết chặt và thu hẹp “vùng đỏ, vùng cam”, quyết tâm thực hiện “xanh hóa địa bàn”, phấn đấu đến ngày 15 tháng 9 năm 2021 từng bước đưa thành phố trở về trạng thái bình thường mới

2. Yêu cầu

a) Thực hiện nghiêm ngặt các quy định về giãn cách, cách ly, ai ở đâu thì ở đó.

b) Đảm bảo an sinh xã hội, không để người dân phải thiếu ăn, thiếu mặc.

c) Đảm bảo mọi người dân phải được tiếp cận các dịch vụ y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở. Khi người dân có yêu cầu y tế, người dân gọi phải đáp ứng ngay lập tức; Tổ chức xét nghiệm thần tốc, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế để nhanh chóng phát hiện F0; tăng cường các trạm xá lưu động để phục vụ nhu cầu y tế của người dân trong khu vực thực hiện giãn cách xã hội; Tổ chức tiêm vắc xin an toàn, hiệu quả, khoa học, đảm bảo phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế; chăm sóc kịp thời ngay tại xã phường, thị trấn để người bệnh không chuyển bệnh nặng, góp phần giảm các ca tử vong.

d) Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, an dân tại địa bàn xã, phường, thị trấn.

đ) Tuyên truyền, vận động nhân dân phòng chống dịch để người dân biết, người dân hiểu, người dân tin, người dân theo và người dân làm, cùng với hệ thống chính trị để chống dịch hiệu quả.

e) Người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng chống dịch. Mọi chính sách và việc thực hiện chính sách phải hướng đến người dân. Người dân phải tích cực cùng hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch có hiệu quả. Thực hiện tốt mối quan hệ cấp ủy lãnh đạo, chính quyền quản lý, người dân làm chủ, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội tăng cường giám sát, kiểm tra trong phòng, chống dịch.

g) Kiện toàn Ban Chỉ đạo, Trung tâm chỉ huy phòng chống dịch tại xã, phường, thị trấn ban hành quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo và Trung tâm chỉ huy.

h) Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm về công tác và hiệu quả phòng, chống dịch, thường xuyên báo cáo cấp có thẩm quyền về những vấn đề phát sinh để kịp thời tháo gỡ và thực hiện có hiệu quả các công điện của Thủ tướng Chính phủ và các hướng dẫn của Bộ Y tế.

II. NHIỆM VỤ GIẢI PHÁP

1. Xã, phường, thị trấn chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn xã, phường, thị trấn theo phương châm “4 tại chỗ”, trong đó đặc biệt lưu ý đến: việc đảm bảo cung ứng dịch vụ y tế và cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho người dân; việc quản lý địa bàn từng ấp, khu vực theo mức độ nguy cơ để từng bước nới lỏng giãn cách xã hội ở các “vùng xanh” nhằm phát triển kinh tế, xã hội, thúc đẩy hoạt động đầu tư công, xây dựng cơ bản và hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nhưng vẫn đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19.

2. Kiện toàn Ban Chỉ đạo, Trung tâm Chỉ huy các cấp, xây dựng quy chế làm việc cụ thể, rõ ràng, phân công trách nhiệm từng thành viên để tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19.

3. Tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội đến ngày 00 giờ 00 phút ngày 08 tháng 9 năm 2021. Thực hiện xét nghiệm thần tốc theo hướng dẫn của Ngành Y tế để rà soát, phát hiện, đưa F0 đi điều trị kịp thời, truy vết thần tốc để khoanh vùng, xử lý triệt để từng ổ dịch, hướng đến việc “xanh hóa địa bàn”.

4. Phân công từng đồng chí trong cấp ủy, chính quyền chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, trong từng lĩnh vực cụ thể; thường xuyên tổ chức kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ được giao để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.

5. Tăng cường hoạt động thông tin, tuyên truyền kêu gọi, vận động, giải thích, thuyết phục, hướng dẫn, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, “ai ở đâu ở đó”, cách ly người với người, nhà với nhà, xã, phường, thị trấn với xã, phường, thị trấn trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội; sự tham gia, chấp hành, tuân thủ quy định của người dân đóng vai trò quyết định thành công trong phòng, chống dịch. Đây là trách nhiệm, là nghĩa vụ và quyền lợi của mồi người dân để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình mình và cộng đồng. Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của Nhân dân.

6. Đảm bảo mọi người dân phải được tiếp cận với dịch vụ y tế nhanh nhất, mọi lúc, mọi nơi.

7. Tổ chức tiêm chủng theo đúng kế hoạch, an toàn, hiệu quả.

8. Giữ gìn an ninh, trật tự xã hội, đảm bảo an toàn, an dân.

9. Nâng cao năng lực y tế tuyến xã, hỗ trợ trang thiết bị, vật tư, thuốc thiết yếu để Trạm Y tế tổ chức điều trị cho người dân tại chỗ, phục vụ nhu cầu y tế cơ bản của người dân. Thí điểm mô hình trạm y tế lưu động để chuẩn bị triển khai tại các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội.

10. Xây dựng hệ thống đường dây nóng hỗ trợ người dân trực tiếp tại xã, phường, thị trấn; bố trí nhân sự trực 24/24 để giải quyết nhu cầu cho người dân, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ủy ban nhân dân quận, huyện

a) Tăng cường tuyên truyền vận động, kêu gọi, giải thích, hướng dẫn để người dân hiểu và đồng hành cùng Chính quyền trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

b) Xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch của quận, huyện, trọng tâm là việc xây dựng xã, phường, thị trấn thành “pháo đài” trong công tác phòng, chống dịch. Phân công cán bộ trực tiếp theo dõi, hỗ trợ hoạt động của từng xã, phường, thị trấn.

c) Chỉ đạo Trung tâm Y tế quận, huyện xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực cho y tế xã, dự trù, mua sắm trang thiết bị, vật tư, thuốc thiết yếu cho Trạm Y tế theo đúng năng lực và nhu cầu thực tế; tăng cường hỗ trợ, tư vấn về chuyên môn, kỹ thuật cho Trạm Y tế để thực hiện nhiệm vụ sơ cấp cứu, khám, chữa bệnh, tiêm chủng và phòng chống dịch bệnh, đồng thời cung cấp dịch vụ y tế đến tận nhà trước tình hình dịch bệnh. Căn cứ tình hình thực tế của địa phương tham mưu, đề xuất thành lập mô hình Trạm Y tế lưu động thí điểm trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, thông qua công tác đánh giá nhu cầu cần thiết tại các quận, huyện, đề xuất Sở Y tế trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định triển khai mô hình thí điểm thực hiện.

d) Lập danh sách các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số, hộ chính sách, người có công, hộ bảo trợ xã hội, người yếu thế, người dễ bị tổn thương trên địa bàn; phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố chương trình cung cấp, hỗ trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân có hoàn cảnh khó khăn.

đ) Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế triển khai việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm, thuốc, phương tiện bảo hộ... theo đúng quy định và thực hiện đầy đủ các chính sách đặc thù để hỗ trợ kịp thời cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch. Đảm bảo đầy đủ nhân lực, thiết bị cho Trạm Y tế hoạt động theo năng lực và tình hình thực tế.

e) Chủ động rà soát lại nguồn kinh phí dự phòng, cải cách tiền lương, kết dư ngân sách, nguồn kinh phí xây dựng cơ bản, nguồn tiết kiệm từ cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa cần thiết, cấp bách, để tạo nguồn sử dụng cho phòng, chống dịch và thực hiện các chế độ chính sách theo phân cấp ngân sách và hướng dẫn của Sở Tài chính

g) Phân công lịch trực tổng đài 24/24, công bố rộng rãi số điện thoại đường dây nóng của quận, huyện, xã, phường, thị trấn để người dân liên hệ trong trường hợp cần thiết. Xử lý kịp thời, hiệu quả các nhu cầu thiết yếu của người dân, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, không tiếp cận được dịch vụ y tế. Báo cáo lịch trực tổng đài, trực điện thoại đường dây nóng vào chiều Thứ sáu hàng tuần về Ủy ban nhân dân thành phố (thông qua Sở Nội vụ để tổng hợp).

h) Tổ chức kiểm tra việc thực hiện giãn cách xã hội, việc cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân, huy động lực lượng và các nguồn lực xã hội tham gia việc cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

i) Quản lý chặt địa bàn, bảo vệ, mở rộng “vùng xanh”, siết chặt và thu hẹp “vùng đỏ, vùng cam” trên địa bàn từng xã, phường, thị trấn. Tổ chức đánh giá nguy cơ của tùng xã, phường, thị trấn hàng ngày theo quy định tại Quyết định số 2686/QĐ-BCĐ của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 để quản lý và đưa ra giải pháp chống dịch phù hợp, gửi về Sở Y tế tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.

2. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn

a) Xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch của xã, phường, thị trấn trọng tâm là việc xây dựng xã, phương, thị trấn thành “pháo đài” trong công tác phòng, chống dịch.

b) Chủ động tổ chức điều tra dịch tễ kịp thời đối với các trường hợp F0 khi phát hiện, truy vết các F1, F2 có liên quan; tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho các đối tượng, hộ dân, khu vực có nguy cơ, các trường hợp có dấu hiệu sốt, ho, khó thở được phát hiện trên địa bàn.

c) Chăm lo đời sống cho người dân trên địa bàn, đặc biệt chú ý đến các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số, hộ chính sách, người có công, hộ bảo trợ xã hội, người yếu thế, người dễ bị tổn thương, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, không tiếp cận được dịch vụ y tế. Tổ chức “đi chợ giúp dân” để đảm bảo hiệu quả công tác giãn cách trên địa bàn quản lý.

d) Rà soát, thống kê, lập danh sách các đối tượng lao động được hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP, đặc biệt là đối tượng theo Nghị quyết số 52/NQ-HĐND ngày 27/8/2021 của Hội đồng nhân dân thành phố về ban hành chính sách hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) trong thời gian áp dụng các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố và các đối tượng khó khăn khác, để kịp thời đề nghị hỗ trợ theo quy định; đồng thời chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của danh sách đối tượng, không để xảy ra tiêu cực.

đ) Tổ chức hiệu quả hoạt động của Trạm Y tế, phân công lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trực tiếp quản lý, chỉ đạo hoạt động của Trạm y tế, kịp thời báo cáo cho Ủy ban nhân dân quận, huyện trong trường hợp không đủ nguồn lực để đảm bảo cho hoạt động của Trạm Y tế.

e) Chỉ đạo ấp/khu vực phân công nhiệm vụ cụ thể từng chức danh trong ấp/khu vực, nắm chặt hộ dân để kịp thời đề xuất hỗ trợ, không để người dân bị thiếu ăn, thiếu mặc.

g) Rà soát, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả hoạt động của các Tổ COVID cộng đồng, phân chia rõ ràng địa bàn hoạt động, thông báo số điện thoại liên lạc của Tổ trưởng đến từng hộ dân để người dân có thể liên lạc nhanh chóng khi cần hỗ trợ. Chủ động kiểm soát di chuyển của người dân, không để người dân đi ra ngoài khi không thật sự cần thiết, thực hiện nghiêm giãn cách trong khu dân cư, tổ dân phố, khu vực và quản lý chặt từng hộ, từng gia đình, phát hiện kịp thời người đi từ vùng dịch về để đưa đi cách ly theo quy định.

h) Phân công cụ thể nhân sự trực tổng đài 24/24, công bố rộng rãi số điện thoại đường dây nóng của xã, phường, thị trấn, số điện thoại của cán bộ ấp, khu vực để người dân liên hệ trong trường hợp cần thiết.

i) Nghiên cứu di dời một bộ phận dân cư tại các khu vực có mật độ dân cư cao, khu nhà trọ đông người, khu tập trung nhiều người nghèo, chật chội... đến các địa điểm thông thoáng, an toàn như cơ sở lưu trú, nhà văn hóa... trong trường hợp cần thiết để hạn chế lây nhiễm dịch bệnh.

k) Lập danh sách đối tượng tiêm chủng, triển khai thực hiện việc sử dụng hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn.

3. Sở Y tế

a) Đảm bảo hoạt động cung cấp dịch vụ y tế trên địa bàn thành phố, đưa dịch vụ y tế đến gần dân nhất, hướng dẫn hoạt động của các Tổ Y tế ngay tại xã, phường, thị trấn, bảo đảm người dân được tiếp cận nhanh nhất, ở mọi lúc, mọi nơi; bố trí đầy đủ nhân lực, phương tiện để sẵn sàng tiếp nhận, sơ cứu, cấp cứu, chuyển bệnh nhân diễn biến nặng lên điều trị tại các tuyến trên.

b) Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế tại các Trạm Y tế, điều động, phân công nhân lực từ Trung tâm Y tế, Bệnh viện Đa khoa quận, huyện hỗ trợ (trực tiếp hoặc trực tuyến) cho Trạm Y tế để nâng cao năng lực của Trạm Y tế trong công tác sơ cấp cứu, khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh

c) Xây dựng quy trình hội chẩn từ xa bằng hình thức trực tuyến, kết nối trực tiếp Trạm Y tế đến các Trung tâm y tế, Bệnh viện đa khoa, Bệnh viện chuyên khoa của thành phố để xin ý kiến chuyên môn trong trường hợp cần thiết, đảm bảo tính chính xác, kịp thời và hiệu quả cao nhất.

d) Chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch triển khai việc tư vấn sức khỏe cho người dân qua tổng đài, mạng xã hội. Vận động sự tham gia của cán bộ y tế, đặc biệt là cán bộ y tế đã về hưu để hỗ trợ, tư vấn cho người dân, giảm tải cho các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố.

đ) Tổ chức công tác lấy mẫu, phân phối mẫu và xét nghiệm PCR trên địa bàn thành phố, đảm bảo thời gian trả kết quả không quá 24 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu để phục vụ tốt cho công tác truy vết.

e) Tổ chức công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn thành phố, đảm bảo an toàn, nhanh chóng, công khai, minh bạch.

g) Tổng hợp đánh giá nguy cơ từ quận, huyện mỗi ngày để báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.

4. Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố

a) Đảm bảo an ninh, an toàn tại các cơ sở cách ly y tế trên địa bàn thành phố. Tổ chức thực hiện nghiêm các quy định tại Quyết định số 878/QĐ-BYT của Bộ Trưởng Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung phòng, chống dịch COVID-19”, hạn chế tối đa việc lây nhiễm chéo trong khu cách ly y tế tập trung.

b) Chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự quận, huyện tăng cường hỗ trợ cho các xã, phường, thị trấn trong việc đảm bảo an ninh trật tự các khu vực phong tỏa và trên địa bàn trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội; hỗ trợ cấp phát lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân.

5. Công an thành phố

a) Đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn thành phố, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch.

b) Tăng cường công tác phối hợp truy vết, đảm bảo tiến độ truy vết các F1, F2 của F0 mới theo đúng quy định để xử lý triệt để các ổ dịch.

c) Chỉ đạo Công an quận, huyện, Công an xã, phường, thị trấn trong việc tăng cường tuần tra, kiểm soát trên địa bàn trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

6. Sở Kế hoạch và Đầu tư

a) Phối hợp với Sở Tài chính cân đối nguồn vốn, tham mưu UBND thành phố giao kế hoạch vốn để thực hiện việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm, thuốc, phương tiện bảo hộ... trong trường hợp sử dụng từ nguồn vốn đầu tư công theo đúng quy định.

b) Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trong hoạt động, sản xuất kinh doanh, kịp thời giải quyết các thủ tục đăng ký, điều chỉnh giấy phép đăng ký doanh nghiệp.

7. Sở Giao thông vận tải

Đảm bảo việc vận tải hàng hóa, đặc biệt là lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân trên địa bàn thành phố theo đúng các quy định về phòng, chống dịch COVID 19.

8. Sở Công Thương

a) Xây dựng kế hoạch cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu để người dân an tâm thực hiện giãn cách xã hội, thực hiện bình ổn giá, đảm bảo chất lượng hàng hóa để phục vụ Nhân dân, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, nâng giá, găm hàng, tích trữ hàng hóa; thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi tăng giá hàng hóa bất hợp lý, tổ chức thêm các điểm bán hàng bình ổn giá, phục vụ các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân thành phố, nhất là người dân trong khu vực phong tỏa.

b) Tăng cường kiểm tra các siêu thị, cửa hàng tiện ích, “chợ 0 đồng”, các điểm bán hàng bình ổn, các điểm bán hàng “đưa chợ ra phố”, đảm bảo việc tuân thủ quy định phòng, chống dịch COVID-19 trong quá trình cung ứng hàng hóa.

c) Tăng cường quản lý người giao hàng (shipper), đảm bảo thực hiện đúng các quy định của thành phố về phòng, chống dịch.

9. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

a) Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện chính sách hỗ trợ cho người người sử dụng lao động và người lao động theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ.

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân quận, huyện tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện chính sách cung cấp, hỗ trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, thiếu lương thực thực phẩm theo quy định của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

c) Tiếp nhận người tâm thần, người lang thang không nơi cư trú vào Trung tâm Bảo trợ xã hội; trẻ mồ côi, trẻ em lang thang vào Trung tâm Công tác xã hội của thành phố.

10. Sở Tài chính

a) Cân đối các nguồn kinh phí theo hướng dẫn của trung ương, đảm bảo chi cho phòng, chống dịch bệnh, các chế độ chính sách đặc thù và các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và chỉ đạo của Thành ủy.

Trường hợp kinh phí thực hiện không đảm bảo, thì tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Lao động Thương binh Xã hội để trình Chính phủ xem xét, hỗ trợ.

b) Hướng dẫn Sở Y tế, các Sở, Ban ngành và Ủy ban nhân dân quận, huyện thực hiện việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm, thuốc, phương tiện bảo hộ... theo đúng quy định và thực hiện đầy đủ các chính sách đặc thù để hỗ trợ kịp thời cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch.

11. Sở Thông tin và Truyền thông

a) Chủ trì phối hợp với Báo Cần Thơ, Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố Cần Thơ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tăng cường đẩy mạnh công tác truyền thông, bảo đảm thống nhất, kịp thời, chính xác; phát huy vai trò quan trọng của toàn bộ hệ thống truyền thông, tạo đông thuận xã hội với tinh thần “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”; hướng dẫn, động viên, cổ vũ, truyền cảm hứng cho người dân để dân biết, dân hiểu, dân tin tưởng, chia sẻ và tự giác thực hiện tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch; kiên quyết đấu tranh, phản bác các thông tin sai trái, xấu độc. Cần truyền thông đúng về quy mô dịch bệnh và dự báo thiệt hại không thể tránh khỏi trước khi nó xảy ra để kỳ vọng đúng cho những gì sắp tới và chuẩn bị tâm thế, giải pháp phù hợp; có chương trình hướng dẫn người dân phòng, chống dịch COVID-19. Thực hiện tuyên truyền các nội dung về truyền thống văn hóa, lịch sử, văn học nghệ thuật tốt đẹp của dân tộc và niềm tin, sự ủng hộ của nhân dân đối với công tác phòng, chống dịch.

b) Xây dựng, kiểm tra kỹ thuật đảm bảo hoạt động 24/7 của hệ thống đường dây nóng cấp thành phố (Tổng đài: 1022, Ngành Y tế Cần Thơ: 1900888670, Hỗ trợ thực phẩm khẩn cấp cho người dân: 1900866600, Đặt câu hỏi về COVID-19 đến Bác sĩ: 19001917).

c) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân quận, huyện và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thiết lập đường dây nóng đảm bảo ít nhất 04 số điện thoại tiếp nhận ở mỗi quận, huyện và ít nhất 04 số điện thoại tiếp nhận ở mỗi xã, phường, thị trấn (một đầu số tiếp nhận thông tin về các vấn đề sức khỏe, y tế, dịch bệnh COVID-19; một đầu số tiếp nhận thông tin về an sinh, xã hội, lương thực, thực phẩm và các dịch vụ thiết yếu...).

Trên đây là Kế hoạch xây dựng xã, phường, thị trấn thành pháo đài trong phòng, chống dịch COVID-19. Yêu cầu Thủ trưởng cơ quan, đơn vị theo chức năng nhiệm vụ được giao tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này./.

 


Nơi nhận:
- TT Thành ủy, TT HĐND;
- BCĐ QĐ 324-QĐ/TU;
- CT, các PCT UBND TP;
- Thành viên SCH PC TP;
- Sở, Ban ngành thành phố;
- Báo Cần Thơ, Đài PTTH thành phố;
- UBND quận, huyện;
- UBND xã, phường, thị trấn;
- VP UBND (2, 3);
- Lưu: VT, LHH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Dương Tấn Hiển

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 184/KH-UBND năm 2021 về xây dựng xã, phường, thị trấn thành pháo đài trong phòng, chống dịch Covid-19 do thành phố Cần Thơ ban hành

  • Số hiệu: 184/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 05/09/2021
  • Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
  • Người ký: Dương Tấn Hiển
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản