Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 171/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 20 tháng 10 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG VIỄN THÔNG BĂNG RỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (Quyết định số 749/QĐ-TTg); Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 20/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng Bộ tỉnh Ninh Bình về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết số 01 - NQ/TU), UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung

- Phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng trên địa bàn tỉnh để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của tỉnh, đồng thời cụ thể hóa và triển khai có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đề ra trong Quyết định số 749/QĐ-TTg và Nghị quyết số 01-NQ/TU.

- Xây dựng, cải tạo, nâng cấp và phát triển hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh bảo đảm hiện đại, an toàn, dung lượng lớn, tốc độ cao, vùng phủ rộng trên phạm vi toàn tỉnh.

- Xây dựng và phát triển mới hạ tầng viễn thông thụ động trên địa bàn tỉnh theo hướng tăng cường chia sẻ, dùng chung hạ tầng nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động và bảo vệ cảnh quan, môi trường.

b) Mục tiêu cụ thể

- Đến năm 2025

Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ từ 80% hộ gia đình trở lên.

Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G.

- Đến năm 2030

Phổ cập mạng Internet băng rộng cáp quang.

Phổ cập dịch vụ mạng di động 5G.

3. Yêu cầu

- Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng các giải pháp phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng, hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh Ninh Bình.

- Tuân thủ theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành Thông tin và Truyền thông trong việc triển khai xây dựng phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng, hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động.

II. NỘI DUNG

1. Hạ tầng viễn thông băng rộng cố định

Đầu tư, cải tạo, nâng cấp hạ tầng viễn thông băng rộng cố định hiện có đáp ứng nhu cầu dịch vụ, chất lượng tốt, tốc độ cao và ổn định; tập trung triển khai đầu tư phát triển mới đến vùng sâu, vùng xa và các khu vực hiện chưa được phủ sóng di động, hạ tầng cáp quang.

2. Trạm thu phát sóng thông tin di động

- Ưu tiên phát triển mới trạm thu phát sóng thông tin di động với các loại cột ăng ten thân thiện với môi trường, ngụy trang, không cồng kềnh trong khu đô thị.

- Đầu tư phát triển mới trạm thu phát sóng thông tin di động tại vùng sâu, vùng xa, tại các điểm du lịch và các loại trạm phát sóng thông tin di động 5G theo Quy hoạch.

- Tiếp tục triển khai cải tạo và sử dụng chung các cột ăng ten thu phát sóng, thông tin di động hiện có.

3. Mạng cáp ngoại vi

Triển khai công tác chỉnh trang, thanh thải, sắp xếp, bó gọn hạ ngầm cáp viễn thông trên địa bàn tỉnh hiệu quả, an toàn và đảm bảo mỹ quan đô thị.

III. GIẢI PHÁP TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

1. Giải pháp về quản lý nhà nước

a) Tuyên truyền phổ biến các quy định, chính sách về phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt việc đầu tư phát triển, sử dụng viễn thông băng rộng hiệu quả.

b) Hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp viễn thông hoạt động trên địa bàn tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng; quản lý quy hoạch, định hướng phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng phù hợp với nội dung với Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh Ninh Bình và các quy định khác có liên quan.

c) Thanh tra, kiểm tra các hoạt động xây dựng, phát triển hạ tầng viễn thông tại địa phương. Quản lý, giám sát chất lượng thiết bị, dịch vụ và công trình viễn thông nhằm đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng.

2. Giải pháp về cơ sở hạ tầng

a) Rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể, để tạo điều kiện trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng và dùng chung cơ sở hạ tầng giữa các doanh nghiệp viễn thông, cũng như dùng chung hạ tầng kỹ thuật công cộng liên ngành trên địa bàn tỉnh.

b) Hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông đầu tư xây dựng các hệ thống truyền dẫn với công nghệ hiện đại, dung lượng lớn bảo đảm đáp ứng nhu cầu sử dụng của khách hàng.

3. Giải pháp về thị trường, dịch vụ

a) Tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng mạng viễn thông băng rộng nhằm cung cấp đa dạng dịch vụ trên nền viễn thông băng rộng để hoàn thành Chương trình chuyển đổi số của tỉnh.

b) Kiểm soát giá cước dịch vụ truy nhập băng rộng trên cơ sở cạnh tranh, theo cơ chế thị trường, tạo điều kiện cho mọi người dân trong tỉnh tiếp cận dịch vụ băng rộng.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Thông tin và Truyền thông

a) Hướng dẫn các cơ quan báo chí, Đài truyền thanh các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền phổ biến quan điểm, mục tiêu, định hướng và nội dung của Kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tới tất cả các cấp, ngành, doanh nghiệp thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

b) Quản lý việc phát triển hạ tầng viễn thông của các doanh nghiệp viễn thông theo nội dung của Kế hoạch, đảm bảo phù hợp với Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh Ninh Bình.

c) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc cấp giấy phép xây dựng hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn.

d) Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông băng rộng đảm bảo hiện đại, an toàn, dung lượng lớn, tốc độ cao, vùng phủ dịch vụ rộng khắp trên phạm vi toàn tỉnh đảm bảo các mục tiêu cụ thể đề ra.

e) Chủ trì việc đánh giá kết quả thực hiện các nội dung theo Kế hoạch này.

2. Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng

Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp viễn thông xây dựng cơ sở hạ tầng, hạ tầng kỹ thuật dùng chung, đặc biệt dọc theo các tuyến đường giao thông của tỉnh.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

a) Hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông triển khai thực hiện Kế hoạch. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai xây dựng phát triển hạ tầng viễn thông trên địa bàn.

b) Phối hợp với các cơ quan liên quan, quản lý việc xây dựng phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng, cũng như phối hợp giải quyết và xử lý kịp thời các trường hợp phá hoại cơ sở hạ tầng viễn thông.

c) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tuyên truyền định hướng, ý nghĩa, nội dung Kế hoạch đến với cán bộ và nhân dân trên địa bàn.

4. Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình

Phối hợp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp viễn thông sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật điện lực để phát triển viễn thông băng rộng, theo các quy định của Nhà nước và quy định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

5. Các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh

a) Xây dựng Kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 phù hợp với nội dung của Kế hoạch này.

b) Phối hợp thực hiện các chương trình băng rộng và dùng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông với các cơ sở hạ tầng kỹ thuật khác tại địa phương.

c) Xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn, an ninh cơ sở hạ tầng viễn thông, phối hợp các cơ quan liên quan giải quyết, khắc phục kịp thời các trường hợp phá hoại, xâm phạm hạ tầng viễn thông.

d) Tuân thủ các quy định về cấp phép và quản lý xây dựng đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động.

e) Chấp hành các quy định về sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật; xác định giá cho thuê công trình hạ tầng kỹ thuật được sử dụng chung do doanh nghiệp đầu tư; đăng ký giá thuê với Sở Tài chính; niêm yết giá cho thuê công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông. Trong trường hợp không thống nhất về giá thuê, các doanh nghiệp đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Tài chính hiệp thương giá theo quy định của Thông tư liên tịch số 210/2013/TTLT-BTC-BXD-BTTTT ngày 30 tháng 12 năm 2013 Liên bộ: Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn cơ chế, nguyên tắc kiểm soát giá và phương pháp xác định giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung.

g) Phối hợp với các sở, ngành, các đơn vị và các doanh nghiệp liên quan đến đầu tư hạ tầng, đàm phán cùng đầu tư xây dựng và sử dụng chung cơ sở hạ tầng; đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động đồng bộ với đầu tư các công trình hạ tầng kinh tế kỹ thuật khác.

h) Cung cấp đầy đủ, kịp thời các số liệu liên quan đến hạ tầng kỹ thuật viễn thông trên địa bàn cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật dùng chung của tỉnh.

Trong quá trình triển khai, thực hiện Kế hoạch này nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh bằng văn bản về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Lãnh đạo UBND tỉnh;
- Các cơ quan, đơn vị tại phần IV Kế hoạch;
- Báo Ninh Bình;
- Đài PTTH Ninh Bình;
- Lưu VT, VP6.
HP_VP6_KH

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Tống Quang Thìn

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 171/KH-UBND năm 2022 về phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

  • Số hiệu: 171/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 20/10/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Bình
  • Người ký: Tống Quang Thìn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/10/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản