Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 151/KH-UBND

Sơn La, ngày 26 tháng 06 năm 2025

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA NĂM 2025

Thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (Sau đây gọi là Chương trình); Quyết định số 920/QĐ-TTg ngày 14/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh một số nội dung của Chương trình. Theo đề nghị của Sở Dân tộc và Tôn giáo tại Tờ trình số 68/TTr- SDTTG ngày 13/6/2025, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh năm 2025 như sau:

I. CĂN CỨ LẬP KẾ HOẠCH

1. Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18/1/2024 của Quốc hội Về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; Nghị quyết số 174/2024/QH15 ngày 30/11/2024 về Nghị quyết kỳ họp thứ 8, khóa XV; Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội khóa XIV về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030.

2. Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025; Quyết định số 920/QĐ-TTg ngày 14/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh một số nội dung của Chương trình;

3. Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 1227/QĐ-TTg ngày 14/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 652/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

4. Quyết định số 04/2023/QĐ-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về mức hỗ trợ và cơ chế hỗ trợ sử dụng vốn đầu tư công để thực hiện một số nội dung thuộc Dự án 1 và Tiểu dự án 1, Dự án 4 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

5. Quyết định 1500/QĐ-TTg ngày 30/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ về giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2025; Quyết định số 1508/QĐ-TTg ngày 04/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2025, giao dự toán, kế hoạch đầu tư công từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương, kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ngân sách trung ương; Quyết định số 778/QĐ-TTg ngày 16/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2025 của các bộ, cơ quan ở trung ương và các địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025;

6. Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/01/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025; Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

7. Quyết định 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phê duyệt thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025; Thông tư số 02/2022/TT-UBDT ngày 30/6/2022 của Ủy ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện một số dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 ; Thông tư số 02/2023/TT-UBND ngày 21/8/2023 của Uỷ ban Dân tộc về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2022/TT-UBDT ngày 30/6/2022 hướng dẫn thực hiện một số dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025;

8. Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15 tháng 8 năm 2023 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025;

9. Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; Quyết định số 28/2023/QĐ-TTg ngày 23/11/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

10. Quyết định số 497/QĐ-UBDT ngày 30/7/2024 của Ủy ban Dân tộc về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung và hiệu chỉnh tên huyện, xã, thôn đặc biệt khó khăn, thôn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025; Công văn số 1733/UBDT-CTMTQG ngày 29/9/2023 của UBDT về việc thông báo mức vốn sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024- 2025; Thông báo số 1119/TB-UBDT ngày 28/6/2024 của Ủy ban Dân tộc về việc điều chỉnh, bổ sung một số chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 giao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thông báo số 274/TB-UBDT ngày 24/02/2025 của Ủy ban Dân tộc về việc giao một số mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

11. Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 31/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

12. Nghị quyết số 33/2022/NQ-HĐND ngày 29/6/2022 của HĐND tỉnh Sơn La Ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Sơn La.

13. Quyết định số 1336/QĐ-UBND ngày 01/07/2022 của UBND tỉnh Sơn La về việc giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; Kế hoạch số 257/KH- UBND ngày 27/10/2022 của UBND tỉnh Sơn La thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Sơn La, giai đoạn 2021- 2025; Quyết định số 600/QĐ-UBND ngày 20/4/2023 của UBND tỉnh Sơn La về việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; Quyết định số 1002/QĐ-UBND ngày 09/06/2023 của UBND tỉnh Sơn La về việc điều chỉnh, giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

14. Quyết định số 2328/QĐ-UBND ngày 09/11/2023 của UBND tỉnh Sơn La về giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành chủ trì dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Sơn La; Quyết định số 2616/QĐ-UBND ngày 06/12/2023 của UBND tỉnh Sơn La về kế hoạch vốn đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2025; Quyết định số 1069/QĐ-UBND ngày 07/5/2025 của UBND tỉnh về việc điều chỉnh thông tin dự án và kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nguồn vốn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Quyết định số 1305/QĐ-UBND ngày 05/6/2025 của UBND tỉnh Sơn La về việc giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương năm 2025 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh.

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIAI ĐOẠN 2021-2025 (TÍNH ĐẾN THÁNG 5/2025)

1. Tình hình giải ngân nguồn vốn thực hiện Chương trình

1.1. Tổng kế hoạch vốn thực hiện Chương trình là 5.487.925 triệu đồng.Trong đó:

+ Ngân sách Trung ương: 5.297.588 triệu đồng (vốn đầu tư 2.962.896 triệu đồng; nguồn vốn sự nghiệp 2.334.692 triệu đồng).

+ Ngân sách địa phương: 99.367 triệu đồng (vốn đầu tư 65.098 triệu đồng; nguồn vốn sự nghiệp 34.269 triệu đồng).

+ Vốn vay tín dụng: 24.950 triệu đồng.

+ Vốn lồng ghép 66.020 triệu đồng.

1.2. Kết giải ngân nguồn vốn thực hiện Chương trình: Đến thời điểm báo cáo đã giải ngân với tổng số 3.434.875/5.487.925 triệu đồng, đạt 62,5% tổng vốn giao. Trong đó:

+ Vốn Ngân sách trung ương 3.275.234/5.297.588 triệu đồng, đạt 61,8% vốn giao (trong đó: Vốn đầu tư 2.348.242/2.962.896 triệu đồng, đạt 79,2%; Vốn sự nghiệp: 926.992/2.334.692 triệu đồng, đạt 39,7%).

+ Vốn Ngân sách địa phương 68.669/99.367 triệu đồng, đạt 69,1% kế hoạch vốn giao.

+ Vốn vay tín dụng: 24.950 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch vốn giao.

+ Vốn lồng ghép 66.020 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch vốn giao.

2. Kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu của Chương trình

- Phấn đấu thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 tăng 02 lần so với năm 2020: Dự kiến đến hết năm 2025 thu nhập bình quân đầu người của chủ hộ là người dân tộc thiểu số đạt 39,2 triệu đồng/người theo mục tiêu tại Kế hoạch số 260/KH-UBND ngày 05/11/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ tỉnh ủy về “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.

- Mỗi năm giảm từ 4-5% hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn: Đến hết năm 2024 thực hiện đạt 4,47%.

- 100% xã có đường ôtô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông: Thực hiện đạt 98,53%.

- 70% bản có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa: Thực hiện đạt 78,3%.

- 100% xã có trường, lớp học được xây dựng kiên cố: Thực hiện đạt 73,5%.

- 99% hộ gia đình được sử dụng điện lưới an toàn: Thực hiện đạt 99,5%.

- 90% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh: Thực hiện đạt 97,5%.

- 100% đồng bào DTTS được xem truyền hình: Thực hiện đạt 96,8%.

- 100% đồng bào DTTS được nghe đài phát thanh: Thực hiện đạt 94,5%.

- 90% hộ di cư không theo quy hoạch được sắp xếp, bố trí ổn định: Thực hiện đạt 90%.

- 60% hộ DTTS đang cư trú tại các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét sạt lở được quy hoạch, sắp xếp, di dời, bố trí: Thực hiện đạt 80%.

- Trên 98% học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường: Thực hiện đạt 99,6%.

- Trên 97% học sinh trong độ tuổi học tiểu học đến trường: Thực hiện đạt 99,7%.

- Trên 95% học sinh trong độ tuổi học trung học cơ sở đến trường: Thực hiện đạt 98,7%.

- Trên 60% học sinh trong độ tuổi học trung học phổ thông đến trường: Thực hiện đạt 72,6%.

- Trên 90% người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông: Thực hiện đạt 94,8%.

- 98% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế: Thực hiện đến tháng 5/2025 là 595.160/1.127.075 người, đạt 53%.

- Trên 80% phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế hoặc có sự hỗ trợ của nhân viên y tế: Đến thời điểm báo cáo thực hiện đạt 88,5%.

- Trên 80% phụ nữ mang thai được thăm khám định kỳ (ít nhất 4 lần trong thai kỳ): Đến thời điểm báo cáo thực hiện đạt 66,8%, dự kiến đến hết năm 2025 đạt 66,8%.

- 15% trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân: Đến thời điểm báo cáo thực hiện đạt 15,2%.

- 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người dân tộc thiểu số và đặc thù vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Thực hiện đạt 35%.

- 80% thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng. Thực hiện đạt 92,5%.

- 100% thôn, bản có đội văn hóa, văn nghệ (CLB) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng: Thực hiện đạt 100%.

- Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số tham gia vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị các cấp: Thực hiện cấp tỉnh 26,4%, cấp huyện 35,5%, cấp xã 86,1%.

- Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý: Thực hiện cấp tỉnh 23,9%, cấp huyện 26,4%, cấp xã 87%.

- Đến năm 2025 giảm 50% số xã đặc biệt khó khăn: Đến hết năm 2024 có 19/126 xã đặc biệt khó khăn được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 15,08%.

III. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ NĂM 2025

1. Mục tiêu: Tranh thủ, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn được giao cho phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh; từng bước giảm số xã, bản có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của đồng bào các dân tộc; hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững. Tập trung thực hiện quy hoạch sắp xếp ổn định dân cư; xây dựng hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số có đủ về cơ cấu, phẩm chất, năng lực đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc; bảo đảm quốc phòng, an ninh; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; củng cố, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.

2. Nhiệm vụ năm 2025

2.1. Mục tiêu của Chương trình đến năm 2025

- Phấn đấu thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh tăng 02 lần so với năm 2020.

- Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số bình quân 3%/năm.

- Phấn đấu 100% xã có đường ôtô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông;

- 85% bản có đường giao thông từ xã đến trung tâm bản được cứng hóa;

- 100% xã có trường, lớp học được xây dựng kiên cố;

- Tỷ lệ người sử dụng intenet đạt 50% trở lên;

- 100% trạm y tế được xây dựng kiên cố;

- Trên 99% hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp, sử dụng điện lưới quốc gia;

- Trên 99% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh;

- 100% đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình;

- 100% đồng bào dân tộc thiểu số được nghe đài phát thanh;

- Trên 98% học sinh mẫu giáo 5 tuổi đến trường;

- Trên 97% học sinh trong độ tuổi học tiểu học đến trường;

- Ttrên 95% học sinh trong độ tuổi trung học cơ sở đến trường;

- Trên 60% học sinh trong độ tuổi trung học phổ thông đến trường;

- Trên 90% người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông;

- Trên 98% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế;

- Hoàn thành 50% số điểm định canh định cư; giải quyết 80% số hộ di cư không theo quy hoạch và tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo có khó khăn về đất sản xuất, đất ở.

- Phấn đấu giảm 25% số cặp tảo hôn; 50% số cặp hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Phấn đấu 100% các trường học (nơi có học sinh bán trú) ở xã vùng đặc biệt khó khăn, biên giới có nhà ở, bếp ăn, công trình vệ sinh đáp ứng cơ bản nhu cầu ăn, ở cho học sinh ở các cấp học.

- Trên 65% phụ nữ mang thai được khám định kỳ (ít nhất 4 lần trong kỳ mang thai);

- Trên 80% phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế hoặc có sự hỗ trợ của nhân viên y tế;

- Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân xuống 15%;

- Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ dưới 5 tuổi thể thấp còi xuống 25,8%;

- Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể gầy còm xuống 4,5%;

- Trên 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người dân tộc thiểu số và đặc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

- 96,85% tỷ lệ bản có nhà văn hóa cộng đồng;

- Trên 50% tỷ lệ bản có đội văn hóa, văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng.

- Phấn đấu 100% đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

- Tỷ lệ xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn 48% (126 xã ĐBKK giảm xuống còn 61 xã); Tỷ lệ thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn 50% (1.449 bản ĐBKK giảm xuống còn 725 bản) theo mục tiêu, chỉ tiêu giao tại Quyết định số 652/QĐ- TTg ngày 28/5/2022 và Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ; Thông báo số 1119/TB-UBND ngày 28/6/2024 và Thông báo số 274/TB-UBDT ngày 24/02/2025 của Bộ Dân tộc và Tôn giáo, UBND tỉnh giao chỉ tiêu chỉ tiêu số xã, bản ra khỏi diện ĐBKK cho từng huyện, thị xã, thành phố trong giai đoạn 2021-2025 (chi tiết có Phụ lục số 11 kèm theo).

2.2. Mục tiêu của dự án

(1) Tiếp tục giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Trong đó, năm 2025 thực hiện hỗ trợ chuyển đổi nghề; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán hộ, nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn các xã, phường của tỉnh.

(2) Tiếp tục thực hiện quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết: Thực hiện bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hộ dân tộc thiểu số còn du canh, du cư tại các điểm định canh định cư tập trung (tiếp tục hoàn thiện các điểm định canh định cư theo Quyết định 1342/QĐ- TTg ngày 25/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ; đầu tư mới điểm định canh định cư tập trung) cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn các xã, phường của tỉnh.

(3) Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị:

Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân.

(4) Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc

Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

(5) Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực:

- Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Bồi dưỡng kiến thức dân tộc; đào tạo dự bị đại học, đại học và sau đại học đáp ứng nhu cầu nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

- Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

- Đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp.

(6) Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch: Khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó ưu tiên các dân tộc thiểu số rất ít người; Quảng bá, xúc tiến, truyền thông du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

(7) Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; Phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em: Cải thiện sức khỏe của người dân tộc thiểu số và miền núi người dân cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ; tăng cường công tác y tế cơ sở để đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại; Tiếp tục khống chế, tiến tới loại bỏ dịch bệnh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

(8) Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em: Nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

(9) Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn

- Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù.

- Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

(10) Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình

- Biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín; phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và tuyên truyền, vận động đồng bào; truyền thông phục vụ tổ chức triển khai thực hiện Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

- Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

- Kiểm tra, giám sát, đánh giá, đào tạo, tập huấn tổ chức thực hiện Chương trình.

IV. NGUỒN VỐN THỰC HIỆN

Tổng kế hoạch vốn thực hiện 10 dự án thành phần thuộc Chương trình năm 2025 là 1.821.510 triệu đồng. Trong đó:

1. Vốn ngân sách Trung ương 1.289.383 triệu đồng, gồm:

- Vốn đầu tư phát triển: 722.316 triệu đồng.

- Vốn sự nghiệp: 567.067 triệu đồng.

2. Vốn ngân sách địa phương: 62.978 triệu đồng, gồm:

- Vốn đầu tư phát triển: 34.624 triệu đồng.

- Vốn sự nghiệp: 28.353 triệu đồng.

3. Vốn vay: 458.038 triệu đồng.

4. Vốn khác: 11.111 triệu đồng.

(Có Phụ lục tổng hợp kèm theo)

V. NỘI DUNG, KẾ HOẠCH VỐN CÁC DỰ ÁN

1. Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Tổng kế hoạch vốn: 477.012 triệu đồng. Trong đó:

a) Vốn trung ương: 61.312 triệu đồng (Đầu tư: 54.977 triệu đồng; Sự nghiệp: 6.335 triệu đồng).

b) Vốn vay: 415.700 triệu đồng.

2. Dự án 2: Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; Tổng kế hoạch vốn: 8.736 triệu đồng (vốn trung ương). Trong đó:

a) Vốn đầu tư phát triển: 8.736 triệu đồng.

b) Vốn sự nghiệp: 0 triệu đồng

3. Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; Tổng kế hoạch vốn: 143.799 triệu đồng. Trong đó:

a) Vốn trung ương: 90.350 triệu đồng, gồm:

- Vốn đầu tư phát triển: 3.894 triệu đồng.

- Vốn sự nghiệp: 86.456 triệu đồng.

b) Vốn vay: 42.338 triệu đồng.

c) Vốn huy động khác: 11.111 đồng.

4. Dự án 4: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Tổng kế hoạch vốn: 592.858 triệu đồng. Trong đó:

a) Vốn trung ương: 558.234 triệu đồng, gồm:

- Vốn đầu tư phát triển: 431.120 triệu đồng.

- Vốn sự nghiệp: 127.114 triệu đồng.

b) Vốn địa phương đầu tư phát triển: 34.624 triệu đồng.

5. Dự án 5: Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Tổng vốn: 128.815 triệu đồng (vốn trung ương), trong đó:

a) Vốn đầu tư phát triển: 65.488 triệu đồng.

b) Vốn sự nghiệp: 63.327 triệu đồng.

6. Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Tổng kế hoạch vốn: 18.018 triệu đồng (vốn Trung ương), gồm:

a) Vốn đầu tư phát triển: 10.565 triệu đồng.

b) Vốn sự nghiệp: 7.453 triệu đồng.

7. Dự án 7: Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em. Tổng kế hoạch vốn sự nghiệp (vốn Trung ương): 2.110 triệu đồng.

8. Dự án 8: Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em. Tổng kế hoạch vốn sự nghiệp (vốn Trung ương): 5.953 triệu đồng.

9. Dự án 9: Đầu tư phát triển nhóm dân tộc rất ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn. Tổng kế hoạch vốn (vốn Trung ương): 130.293 triệu đồng. Trong đó:

a) Vốn đầu tư: 127.395 triệu đồng;

b) Vốn sự nghiệp: 2.898 triệu đồng.

10. Dự án 10: Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình. Tổng kế hoạch vốn: 31.099 triệu đồng vốn trung ương, trong đó:

a) Vốn đầu tư phát triển: 20.141 triệu đồng.

b) Vốn sự nghiệp: 10.958 triệu đồng.

11. Vốn chưa phân bổ chi tiết: 282.816 triệu đồng, trong đó:

a) Vốn trung ương: 254.463 triệu đồng, gồm:

- Vốn đầu tư phát triển: 0 triệu đồng.

- Vốn sự nghiệp: 254.463 triệu đồng.

b) Vốn địa phương: 28.353 triệu đồng.

- Vốn đầu tư: 0 triệu đồng;

- Vốn sự nghiệp: 28.353 triệu đồng.

(Chi tiết tại các Phụ lục từ số 01-10 kèm theo)

VI. PHƯƠNG THỨC, GIẢI PHÁP HUY ĐỘNG VỐN

1. Vốn ngân sách trung ương 1.289.383 triệu đồng:

- Vốn đầu tư: 722.316 triệu đồng (đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định 1500/QĐ-TTg ngày 30/11/2024 về giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; Quyết định số 1508/QĐ-TTg ngày 04/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2025, giao dự toán, kế hoạch đầu tư công từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương, kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ngân sách trung ương).

- Vốn sự nghiệp: 567.067 triệu đồng đã giao tại Quyết định số 778/QĐ-TTg ngày 16/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2025 của các bộ, cơ quan ở trung ương và các địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.

2. Vốn đối ứng ngân sách địa phương: Trên cơ sở số vốn ngân sách trung ương giao, thực hiện đối ứng theo phân cấp quản lý ngân sách.

3. Vốn tín dụng: Vốn tín dụng chính sách căn cứ danh sách đối tượng thụ hưởng theo từng nội dung chính sách được UBND huyện, thành phố phê duyệt, ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay phối hợp chính quyền địa phương, các phòng, ban liên quan, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác rà soát đối tượng đủ điều kiện được vay vốn tín dụng chính sách và xây dựng kế hoạch nhu cầu nguồn vốn; căn cứ nguồn vốn của cá huyện, thành phố xây dựng chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tổng hợp trình UBND tỉnh phê duyệt và gửi Ngân hàng Chính sách bổ sung nguồn vốn để cho vay kịp thời và theo đúng quy định.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Dân tộc và Tôn giáo

- Là cơ quan thường trực Chương trình; chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã hướng dẫn, đôn đốc và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình theo quy định.

- Tổng hợp, đề xuất kế hoạch và dự kiến phương án phân bổ, điều chỉnh vốn đầu tư từ Ngân sách Trung ương và vốn đối ứng ngân sách tỉnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 và năm 2025 gửi Sở Tài chính tổng hợp trình cấp có thẩm quyền quyết định.

- Chủ trì tổng hợp, xây dựng, đề xuất điều chỉnh cơ chế, chính sách trong thực hiện chương trình đảm bảo phù hợp quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

- Chủ trì thực hiện một số nội dung trong các dự án thành phần thuộc Chương trình được giao theo quy định.

- Phối hợp với các sở, ngành liên quan, thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG thực hiện công tác giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình; báo cáo kết quả thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh theo quy định.

2. Sở Tài chính

- Chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã tổng hợp, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phương án phân bổ, điều chỉnh nguồn vốn đầu tư thực hiện Chương trình; tham mưu cân đối, bố trí vốn đối ứng ngân sách cấp tỉnh năm 2025 giao chi tết cho các dự án do cấp tỉnh đang thực hiện trình UBND tỉnh theo quy định.

- Thẩm định phương án phân bổ, điều chỉnh vốn từ Ngân sách Trung ương và vốn đối ứng Ngân sách tỉnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 và năm 2025 trình UBND tỉnh, HĐND tỉnh quyết định.

- Tham mưu tăng cường hợp tác, huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển; tham mưu cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Hướng dẫn triển khai thực hiện các dự án của Chương trình theo quy định của ngành, lĩnh vực chuyên môn.

- Theo dõi, đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện nội dung nhiệm vụ thuộc lĩnh vực ngành báo cáo cơ quan quản lý Chương trình. Phối hợp giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh.

- Căn cứ nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình (Vốn sự nghiệp ngân sách trung ương, vốn sự nghiệp đối ứng ngân sách địa phương theo phân cấp), và trên cơ sở đề xuất phương án phân bổ, điều chỉnh (nếu có) của Ban Dân tộc tỉnh, tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền phương án phân bổ, điều chỉnh nguồn kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình bảo đảm theo quy định.

- Phối hợp với Sở Dân tộc và Tôn giáo, các sở, ban, ngành rà soát, phân bổ nguồn vốn sự nghiệp ngân sách trung ương, vốn đối ứng ngân sách địa phương thực hiện Chương trình, chưa phân bổ chi tiết tại Quyết định số 2616/QĐ-UBND ngày 06/12/2023 của UBND tỉnh Sơn La về kế hoạch vốn đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2025 phù hợp với tình hình thực tiễn triển khai của địa phương, và bảo đảm theo quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn Luật NSNN.

- Theo dõi, đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện nội dung nhiệm vụ thuộc lĩnh vực ngành báo cáo cơ quan quản lý Chương trình. Phối hợp giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh.

3. Các sở, ban, ngành, các cơ quan cấp tỉnh, đơn vị được giao kinh phí

- Triển khai thực hiện các dự án của Chương trình theo chức năng, nhiệm vụ được giao; xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện nguồn kinh phí được giao, báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Dân tộc và Tôn giáo).

- Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 2328/QĐ-UBND ngày 09/11/2023 của UBND tỉnh Sơn La về giao nhiệm vụ cho các Sở, ban, ngành chủ trì dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Sơn La.

- Theo dõi, đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện nội dung nhiệm vụ thuộc lĩnh vực ngành báo cáo cơ quan quản lý Chương trình; Phối hợp giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh.

- Đối với với những dự án, tiểu dự án, nội dung mà văn bản hướng dẫn của trung ương quy định bắt buộc phải lập kế hoạch chi tiết, trình UBND tỉnh phê duyệt để tổ chức triển khai thực hiện thì căn cứ dự toán kinh phí được UBND tỉnh giao, đơn vị cấp tỉnh được giao dự toán tham mưu xây dựng dự thảo kế hoạch của UBND tỉnh để tổ chức triển khai thực hiện theo quy định. Đối với những dự án, tiểu dự án, nội dung mà trong văn bản của trung ương không quy định phải lập kế hoạch chi tiết trình UBND tỉnh phê duyệt thì các đơn vị cấp tỉnh được giao dự toán căn cứ quyết định giao dự toán kinh phí từ đầu năm và quyết định giao vốn chi tiết theo nội dung của UBND tỉnh tự xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo đảm khớp đúng dự toán và bám sát kế hoạch tổng thể của UBND tỉnh; chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về nội dung, kết quả triển khai theo quy định của pháp luật.

4. Thực hiện cơ chế đặc thù đối với Chương trình: Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18/1/2024 về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và Công văn số 5817/BKHĐT- TCTT ngày 23/7/2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc trả lời kiến nghị của địa phương về tổ chức thực hiện Nghị quyết số 111/2014/QH15 của Quốc hội.

5. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh

- Phát huy vai trò, hiệu quả công tác phối hợp với chính quyền các cấp trong tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện các dự án thuộc Chương trình. Tăng cường vận động hội viên, đoàn viên, nhân dân tham gia Chương trình.

- Tăng cường huy động nguồn lực từ cộng đồng xã hội để thu hút đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thực hiện hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình.

- Theo dõi, đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện nội dung nhiệm vụ thuộc lĩnh vực ngành báo cáo cơ quan quản lý Chương trình. Phối hợp giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh.

6. UBND các huyện, thành phố, thị xã (UBND cấp xã từ ngày 01/7/2025)

- Xây dựng, ban hành Kế hoạch triển khai cụ thể và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình trong năm 2025 bảo đảm đúng mục tiêu, hiệu quả, đúng quy định, báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Dân tộc và Tôn giáo).

- Trình HĐND cùng cấp bố trí vốn đối ứng địa phương đảm bảo theo tỷ lệ quy định tại khoản 5, Điều 1 của Nghị quyết số 33/2022/NQ-HĐND ngày 29/6/2022 về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Sơn La và Quyết định số 2616/QĐ-UBND ngày 06/12/2023 của UBND tỉnh Sơn La về kế hoạch vốn đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2025.

- Căn cứ danh sách rà soát đối tượng thụ hưởng theo từng nội dung chính sách của các phòng, ban liên quan tham mưu, xem xét phê duyệt đối danh sách đối tượng thụ hưởng kịp thời để Ngân hàng chính sách xã hội làm căn cứ cho vay; đồng thời tổ chức chỉ đạo và triển khai đầy đủ, kịp thời có hiệu quả các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của Chương trình.

- Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành Chương trình trên địa bàn; tập trung ưu tiên và lồng ghép các nguồn vốn khác để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong thực hiện các chương trình. Chịu trách nhiệm về việc sử dụng các nguồn vốn đúng mục tiêu, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, tránh thất thoát.

- Thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra, giám sát trong thực hiện Chương trình tại cơ sở; Tổng hợp, báo cáo định kỳ, đột xuất tình hình triển khai thực hiện về cơ quan quản lý Chương trình.

VIII. CHẾ ĐỘ THÔNG TIN, BÁO CÁO

1. Báo cáo định kỳ: Trước ngày 25/11/2025 các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã báo cáo kết quả triển khai thực hiện Chương trình về UBND tỉnh (thông qua Sở Dân tộc và Tôn giáo) tổng hợp, báo cáo theo quy định.

2. Báo cáo đột xuất: Theo yêu cầu nhiệm vụ và chỉ đạo của bộ, ngành trung ương và chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh và cơ quan thường trực Chương trình.

Lưu ý: UBND các huyện, thành phố, thị xã, các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan sau khi sắp xếp, thành lập (giải thể, sáp nhập, thay đổi tên, thay đổi chức năng nhiệm vụ) có trách nhiệm căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao và nhiệm vụ tại kế hoạch này tiếp tục chủ trì, phối hợp và chuyển giao thực hiện nhiệm vụ đảm bảo các nhiệm vụ được thực hiện thông suốt.

Trên đây là Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2025. Trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch này, nếu có khó khăn, vướng mắc, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã, các đơn vị có liên quan kịp thời báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo (thông qua Sở Dân tộc và Tôn giáo, các sở, ngành có liên quan). Các đơn vị chủ trì triển khai các nhiệm vụ tại Kế hoạch này chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về nội dung, kết quả triển khai đảm bảo các quy định của pháp luật./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Dân tộc và Tôn giáo (b/c);
- TT Tỉnh uỷ, TT HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh;
- Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh;
- Hội Nông dân tỉnh;
- Hội cựu chiến binh tỉnh;
- Tỉnh Đoàn Sơn La;
- Liên minh Hợp tác xã tỉnh;
- Các sở, ban, ngành của tỉnh;
- HU - HĐND - UBND các huyện, thành phố;
- Văn phòng UBND tỉnh (LĐVP, CVCK);
- Trung tâm Thông tin tỉnh;
- Lưu: VT, KGVX, Bắc.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Tráng Thị Xuân

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 151/KH-UBND thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2025

  • Số hiệu: 151/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 26/06/2025
  • Nơi ban hành: Tỉnh Sơn La
  • Người ký: Tráng Thị Xuân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/06/2025
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản