Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 150/KH-UBND

Hậu Giang, ngày 29 tháng 8 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 88/NQ-CP NGÀY 22 THÁNG 7 NĂM 2022 CỦA CHÍNH PHỦ VÀ CHƯƠNG TRÌNH SỐ 97-CTR/TU NGÀY 04 THÁNG 4 NĂM 2022 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 10-NQ/TW NGÀY 10 THÁNG 02 NĂM 2022 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC ĐỊA CHẤT, KHOÁNG SẢN VÀ CÔNG NGHIỆP KHAI KHOÁNG ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 10/NQ-TW); Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2022 của Chính phủ về việc ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW (Nghị quyết số 88/NQ-CP) và Chương trình số 97-CTr/TU ngày 04 tháng 4 năm 2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW (Chương trình số 97-CTr/TU).

UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2022 của Chính phủ và Chương trình số 97-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Triển khai, quán triệt và cụ thể hóa Nghị quyết số 10/NQ-TW ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 88/NQ-CP và Chương trình số 97-CTr/TU phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

b) Nâng cao hiệu quả quản lý về tài nguyên địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

Bám sát các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 88/NQ-CP và Chương trình số 97-CTr/TU; xác định những nhiệm vụ chủ yếu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/NQ-CP và Chương trình số 97-CTr/TU.

II. NỘI DUNG

1. Quán triệt, tuyên truyền, phổ biến pháp luật

a) Trong năm 2022, các sở, ban, ngành, các cấp chính quyền địa phương và các tổ chức có liên quan hoàn thành việc phổ biến, quán triệt toàn diện nội dung Nghị quyết số 10/NQ-TW ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 88/NQ-CP và Chương trình số 97-CTr/TU.

b) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng thường xuyên, ngay sau khi ký ban hành đến các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân với nhiều hình thức như Hội nghị, báo, đài, truyền thông, mạng xã hội.

c) Tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ tài nguyên khoáng sản, không khai thác, tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản trái phép; phát hiện, tố giác tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan lĩnh vực khoáng sản đến cơ quan chức năng có thẩm quyền để xử lý, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn.

2. Về thể chế, chính sách

a) Phối hợp góp ý dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn. Thường xuyên rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế các quy định pháp luật mâu thuẫn, bất cập về địa chất, khoáng sản; quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

b) Căn cứ các quy định của Trung ương, nghiên cứu xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền, các văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định của nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản và quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

c) Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất đổi mới chính sách tài chính đối với hoạt động khoáng sản; điều chỉnh kịp thời, hợp lý giá tính thuế tài nguyên liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản với mục tiêu tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân nơi có khoáng sản được khai thác.

3. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng

a) Hoàn thiện, phê duyệt Phương án bảo vệ, thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hậu Giang trong Quy hoạch Tỉnh.

b) Rà soát, đánh giá thực tiễn việc triển khai thăm dò tài nguyên địa chất và các dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh để khắc phục các hạn chế, bất cập trong công tác cấp giấy phép hoạt động khoáng sản, điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng.

c) Thu thập, tổng hợp các thông tin, kết quả điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản liên quan tỉnh Hậu Giang; phối hợp với các cấp, các ngành trong quá trình lập quy hoạch chuyên ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh liên quan đến tài nguyên địa chất, khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

d) Quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, chú trọng công tác hoàn nguyên môi trường sau khai thác. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo Phương án được phê duyệt tại Quyết định số 1662/QĐ-UBND ngày 30 tháng 10 năm 2018 của UBND tỉnh Hậu Giang.

đ) Triển khai thực hiện lộ trình phát triển ngành vật liệu xây dựng nói chung và vật liệu xây không nung nói riêng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang theo Đề án phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 được phê duyệt theo Quyết định số 2601/QĐ-UBND ngày 30 tháng 12 năm 2021 của UBND tỉnh Hậu Giang.

e) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản nhằm chấn chỉnh việc thực hiện những quy định của pháp luật về khoáng sản, xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật trong hoạt động khoáng sản, liên quan đến sử dụng đất, an toàn lao động, bảo vệ môi trường và an ninh trật tự.

III. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Giai đoạn 2022 - 2025

a) Hoàn chỉnh nội dung phương án bảo vệ, thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hậu Giang trong Quy hoạch Tỉnh.

b) Phối hợp thống kê, kiểm kê, đánh giá thực trạng nguồn lực khoáng sản để lượng hóa và hạch toán đầy đủ giá trị tài nguyên khoáng sản vào nền kinh tế.

c) Tổ chức cấp giấy phép thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản cát san lấp, khoáng sét, than bùn trên địa bàn tỉnh cho các tổ chức, cá nhân quyết định đầu tư (nếu có).

d) Triển khai thực hiện lộ trình phát triển ngành vật liệu xây dựng nói chung và vật liệu xây không nung nói riêng theo Đề án phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050.

2. Giai đoạn 2026 - 2030

a) Rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định về khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản đối với các khu vực mới phát sinh.

b) Rà soát, điều chỉnh khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là khoáng sản làm vật liệu xây dựng.

c) Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin về địa chất, khoáng sản phù hợp theo hệ thống cơ sở dữ liệu về địa chất, khoáng sản quốc gia.

3. Giai đoạn 2030 - 2045

Tiếp tục phát triển công nghiệp khai khoáng đối với các loại khoáng sản tiềm năng chưa được khai thác trên địa bàn tỉnh theo hướng đầu tư công nghệ hiện đại gắn với mô hình tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn nhằm nâng cao giá trị đóng góp vào nền kinh tế của Tỉnh.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh, các đơn vị có liên quan và UBND huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ về tuyên truyền, phổ biến pháp luật về địa chất và khoáng sản; rà soát, điều chỉnh khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

b) Tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành văn bản theo quy định của pháp luật và tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản sau khi được ban hành.

c) Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về lĩnh vực địa chất và khoáng sản.

2. Sở Xây dựng

a) Đẩy nhanh triển khai Đề án phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050; trong đó chú trọng việc đưa vào sử dụng vật liệu thay thế cát, sỏi tự nhiên cho các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh.

b) Phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ của ngành thực hiện các quy định của pháp luật về khoáng sản.

3. Sở Công Thương

a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh và địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản của ngành Công Thương.

b) Tham gia công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản; ngăn chặn việc mua bán, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản không rõ nguồn gốc, xuất xứ; ngăn chặn, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, tác động xấu đến môi trường, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Cập nhật phương án bảo vệ, thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hậu Giang trong Quy hoạch Tỉnh

5. Sở Tài chính

Sở Tài chính cùng với cơ quan, đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ và khả năng cân đối ngân sách phối hợp thực hiện kế hoạch này theo đúng quy định.

6. Công an tỉnh

Triển khai các biện pháp phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý có hiệu quả các hành vi khai thác, tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản trái phép; gây ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản.

7. Các sở, ban, ngành tỉnh

Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức thực hiện các nhiệm vụ có liên quan theo nội dung kế hoạch này; đồng thời, tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức đến từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các đơn vị, bộ phận trực thuộc cơ quan, đơn vị quản lý nhằm thực hiện tốt công tác quản lý và bảo vệ khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

8. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố

Tham mưu Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy triển khai thực hiện Chương trình, Kế hoạch phù hợp tình hình thực tế tại địa phương; phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh tổ chức tốt công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn. Hàng năm, lập Kế hoạch bố trí trong dự toán ngân sách của địa phương để thực hiện các nhiệm vụ về tuyên truyền, phổ biến pháp luật; thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo quy định.

9. Chế độ báo cáo

Định kỳ trước ngày 10 tháng 12 hàng năm, các sở, ban, ngành tỉnh và UBND huyện, thị xã, thành phố báo cáo kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định.

UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc sở, Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành tỉnh và Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc thì phản ánh về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo./.

 


Nơi nhận:
- TT: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- BTNMT (Tổng cục ĐCKS để báo cáo);
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT, NCTH. STP

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Trương Cảnh Tuyên

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 150/KH-UBND năm 2022 thực hiện Nghị quyết 88/NQ-CP và Chương trình 97-CTr/TU thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do tỉnh Hậu Giang ban hành

  • Số hiệu: 150/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 29/08/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hậu Giang
  • Người ký: Trương Cảnh Tuyên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản