Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1414/KH-UBND | Quảng Bình, ngày 09 tháng 8 năm 2022 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “TĂNG CƯỜNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2022-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
Thực hiện Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” như sau:
Phần I
THỰC TRẠNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
I. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
1. Quy mô mạng lưới cơ sở giáo dục
Toàn tỉnh có 578 trường mầm non, phổ thông và thường xuyên, trong đó: mầm non 183 trường, tiểu học 187 trường (có 03 trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật), tiểu học và trung học cơ sở 30 trường, trung học cơ sở (THCS) 137 trường, trung học cơ sở và trung học phổ thông 06 trường, trung học phổ thông (THPT) 26 trường, 01 trường đại học, 08 trung tâm giáo dục - dạy nghề và 01 trung tâm giáo dục thường xuyên; khối ngoài công lập có 15 trường (Mầm non: 13, tiểu học: 01, THCS-THPT: 01).
1. Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin
Được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo, chính quyền địa phương các cấp, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) tại các cơ sở giáo dục trong những năm qua được tăng cường đầu tư, nâng cấp, 100% trường học trên địa bàn tỉnh đều có kết nối internet băng thông rộng và hệ thống Lan, Wifi (83% trường có hệ thống Lan, Wifi cho học sinh) phục vụ công tác quản lý, dạy, học tập và nghiên cứu khoa học; mỗi trường được lắp đặt từ 01 đến 04 đường truyền FTTH hoặc Leased Line phục vụ công tác quản lý và dạy học. Giáo dục mầm non và phổ thông có 3.852 máy tính và 2.852 thiết bị ứng dụng CNTT phục vụ quản lý hành chính; giáo dục đại học có hơn 400 máy vi tính phục vụ học tập và hơn 162 máy tính phục vụ công tác quản lý hành chính; việc ứng dụng CNTT trong quản lý hành chính đều được thực hiện tại tất cả các cơ sở giáo dục.
Các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông có 466 phòng Tin học (trong đó: THPT 75 phòng, THCS 173 phòng, Tiểu học 205 phòng, Mầm non 13 phòng) với 11.800 máy vi tính (bình quân 0,83 phòng/trường; 20 máy/trường). Các đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) có từ 1 đến 3 phòng máy với số lượng từ 40 máy/trường đến 100 máy/trường, bình quân 67 máy/trường; hầu hết các máy tính đều được kết nối mạng Internet, mạng nội bộ. Các trường THCS và trường tiểu học mỗi trường có từ 1-2 phòng tin học với số lượng bình quân 24 máy/trường đối với cấp THCS và 21 máy/trường đối với cấp tiểu học. Có 232 trường với 2.374 phòng học thông thường được lắp đặt tích hợp hệ thống học trực tuyến để có thể tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến (THPT 23 trường, THCS 84 trường, Tiểu học 97 trường, mầm non 27 trường), tỷ lệ 41% (THPT: 72,7%, THCS: 50,3%, Tiểu học: 51,8%, mầm non: 14,7%); tại cấp sở, các phòng GDĐT đều có phòng họp trực tuyến; 351 trường được lắp đặt phòng họp, hội nghị trực tuyến (tỷ lệ 61,5%), có 417 phòng học ngoại ngữ thông dụng hoặc chuyên dụng, có 05 phòng Lap mô phỏng thực tế ảo và 01 phòng Lap mô phỏng thực tế tăng cường.
Cơ sở giáo dục đại học có 10 bộ máy chủ; 30 cái máy tính xách tay; 440 máy tính được đặt tại các phòng máy, phòng lap, phòng nghiên cứu, phòng đọc; 162 máy tính tại các khoa, trung tâm và phòng chức năng và các thiết bị khác cơ bản được trang bị đầy đủ (máy in các loại, màn chiếu led, máy chiếu, máy scan, máy quay phim, chụp ảnh, máy ghi âm, máy trợ giảng...) nhằm phục vụ công tác quản lý và giảng dạy... Có 01 Trung tâm học liệu hiện đại được trang bị 01 máy chủ, 139 máy tính cho bạn đọc truy cập, 09 máy tính cho viên chức làm việc; các thiết bị về máy in, máy chiếu, máy quét mã vạch, đều được đầu tư đầy đủ; hệ thống mạng Internet tốc độ cao, có đầy đủ mạng LAN và mạng WIFI cho bạn đọc truy cập. Trung tâm đã triển khai ứng dụng 02 phần mềm mã nguồn mở: phần mềm quản trị thư viện tích hợp Koha và phần mềm xây dựng và quản lý bộ sưu tập số Dspace, ngoài ra còn kết nối các cơ sở dữ liệu khác.
Cơ bản, hạ tầng kỹ thuật của các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục đại học (gọi chung là cơ sở giáo dục) trong tỉnh đã đáp ứng được nhu cầu triển khai ứng dụng, sử dụng các hệ thống thông tin, phần mềm phục vụ quản lý, dạy và học trong ngành. 100% hệ thống mạng nội bộ của các cơ sở giáo dục đã được xây dựng; trên 90% cơ sở giáo dục đã có hệ thống mạng wifi giúp cho công chức, viên chức, người lao động sử dụng phục vụ công việc chuyên môn thuận tiện. Mạng truyền số liệu chuyên dùng đã được triển khai tại Sở GDĐT.
2. Nhân lực ứng dụng công nghệ thông tin
Các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông chưa có cán bộ chuyên trách CNTT, hầu hết là cán bộ kiêm nhiệm, chủ yếu sử dụng giáo viên dạy môn tin học để hỗ trợ kỹ thuật về CNTT. Trường Đại học Quảng Bình có 10 cán bộ chuyên trách CNTT và 15 cán bộ kiêm nhiệm.
Cán bộ quản lý (CBQL) ngành GDĐT và giáo viên trực tiếp giảng dạy đều có năng lực CNTT đảm bảo đáp ứng nhiệm vụ chuyên môn, khai thác tốt tài nguyên trên internet để phục vụ cho chuyên môn; thường xuyên tự bồi dưỡng kỹ năng sử dụng CNTT đáp ứng yêu cầu công tác dạy học và những yêu cầu theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông; làm tốt công tác nâng cao nhận thức và kỹ năng về an toàn thông tin cho đội ngũ; các cơ sở giáo dục thường xuyên hướng dẫn, bồi dưỡng kỹ năng cho đội ngũ để ứng dụng CNTT tham gia tập huấn qua mạng theo kế hoạch của cấp trên; tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng xây dựng học liệu, khai thác các nguồn học liệu, kỹ năng tìm kiếm thông tin trên Internet; kỹ năng sử dụng các phần mềm trình chiếu, phần mềm mô phỏng, thí nghiệm ảo...; kỹ năng dạy học trực tuyến. Hiện tại, có 91,4% CBQL, GV, NV có đủ điều kiện làm việc trên môi trường số (phương tiện, đường truyền, phần mềm), trong đó 94,7% GV có đủ điều kiện làm việc trên môi trường số.
Phong trào tự học, tự nghiên cứu trong đội ngũ giáo viên nhằm nâng cao kỹ năng CNTT ứng dụng vào đổi mới phương pháp phát triển mạnh mẽ. Trong dạy học, việc ứng dụng CNTT đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhiều giáo viên đã được nâng cao kỹ năng soạn giáo án điện tử, kỹ năng sử dụng các chức năng đa phương tiện vào dạy học, linh động trong tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến.
3. Triển khai các hệ thống công nghệ thông tin, phần mềm
Hệ thống phần mềm bước đầu đã được các cơ sở giáo dục chú trọng trang bị, đưa vào khai thác, sử dụng nhằm nâng cao hiệu quả trong tổ chức giáo dục - đào tạo trên môi trường số, trong công tác quản trị nhà trường, quản lý giáo dục.
3.1. Trong công tác quản lý điều hành
Các phần mềm quản lý được đưa vào khai thác có hiệu quả, dữ liệu của các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, thông tin cán bộ, giáo viên và người học đều được số hoá. Văn bản trao đổi từ cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý chủ yếu được thực hiện qua Email công vụ, giữa cơ quan quản lý nhà nước với cấp trên qua Hệ quản lý văn bản và hồ sơ công việc, iOffice và Email công vụ (trừ các văn bản mật theo quy định); cơ sở dữ liệu toàn ngành do Bộ GDĐT triển khai được kết nối thông suốt với tất cả các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông trên địa bàn tỉnh đảm bảo cung cấp thông tin quản lý đầy đủ, tin cậy và kịp thời; được kết nối và chia sẻ hiệu quả với các cơ sở dữ liệu quốc gia; ngoài ra, có 537 cơ sở giáo dục (tỷ lệ 94,2%) phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CNTT triển khai phần mềm quản lý trường học (như: vnEdu, SMAS...) bảo đảm kết nối đồng bộ dữ liệu với cơ sở dữ liệu ngành GDĐT theo quy định của Bộ GDĐT, tạo tiền đề phát triển hệ sinh thái chuyển đổi số trong hoạt động dạy, học, kiểm tra, đánh giá và nghiên cứu khoa học. Có 100% cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông có trang thông tin điện tử kết nối chung vào cổng thông tin điện tử của ngành, được trang bị phần mềm kiểm định chất lượng giáo dục, phần mềm Quản lý y tế học đường; 100% cơ sở giáo dục phổ thông được trang bị phần mềm quản lý thiết bị, phần mềm quản lý thư viện, phần mềm thiết kế bài giảng điện tử E-learning,...
Trong công tác quản trị nhà trường, quản lý giáo dục, Trường Đại học Quảng Bình hiện đang sử dụng có hiệu quả các phần mềm, hệ chương trình. Trang thông tin điện tử của Nhà trường được quản lý, sử dụng và cập nhật thông tin liên tục; công tác quản lý hồ sơ công việc thực hiện qua hệ quản lý văn bản và hồ sơ công việc.
Việc triển khai ứng dụng chữ ký số đang được triển khai trong toàn ngành, chủ yếu đối với cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục và cán bộ trực tiếp thực hiện đối với các dịch vụ công trực tuyến như: quản lý, lập thủ tục bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc nhà nước; kê khai thuế...Hồ sơ quản lý học sinh trong nhà trường đang tích cực hướng đến số hoá trong những năm học tới như: Sổ điểm, học bạ...
Việc thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở giáo dục bước đầu đạt được kết quả đáng kể. Toàn ngành có 27,1% đơn vị sử dụng phần mềm, ứng dụng để thanh toán không dùng tiền mặt. Tỷ lệ thủ tục hành chính triển khai mức độ 3 tại các cơ sở giáo dục đạt 20%; có 21/75 (tỷ lệ 28%) thủ tục hành chính được triển khai mức độ 4.
Việc ứng dụng CNTT trong hội nghị, tập huấn, bồi dưỡng được triển khai mạnh mẽ trong toàn ngành thông qua hình thức trực tuyến, phù hợp với bối cảnh dịch Covid-19 và xu thế thời đại, bảo đảm tiết kiệm mà vẫn đem lại hiệu quả.
3.2. Trong công tác dạy và học
Các phần mềm hỗ trợ dạy học được chuyển giao về tới các trường học, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã cho thấy hiệu quả thiết thực và sự thích nghi nhanh của ngành GDĐT với việc dạy học trực tuyến.
Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin được các cơ sở giáo dục quan tâm, nhất là trong công tác quản lý, ứng dụng các phần mềm dạy học trực tuyến; triển khai hội nghị, tập huấn theo hình thức trực tuyến đảm bảo giải quyết công việc kịp thời, hiệu quả. Các nền tảng được sử dụng chủ yếu là Zoom, Google Meet, K12 Online, Microsoft Teams, Google Classroom, Zavi... Đặc biệt, trong năm học 2021-2022, do dịch Covid-19 nên trong thời gian học sinh nghỉ học, các cơ sở giáo dục đã tích cực, chủ động chỉ đạo giáo viên, giảng viên giữ mối liên hệ chặt chẽ với học sinh, sinh viên, hướng dẫn tự ôn tập bài ở nhà thông qua ứng dụng CNTT, sử dụng hiệu quả các thiết bị điện tử và mạng Internet các phần mềm dạy học trực tuyến. Toàn ngành có 993.490 tiết học được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, chiếm khoảng 29,6% chương trình.
Các cơ sở giáo dục đã sử dụng hiệu quả các phương thức liên lạc với phụ huynh, học sinh, giữa cán bộ quản lý với giáo viên, giáo viên với giáo viên, giữa các cơ sở giáo dục với nhau,... thông qua việc lập nhóm zalo, facebook, của phụ huynh, học sinh, nhắn tin điện thoại di động, gửi bài qua email, phần mềm quản lý học sinh trực tuyến, dạy và học trực tuyến. Nhiều đơn vị chỉ đạo giáo viên xây dựng đề cương hướng dẫn ôn tập và giao bài tập cho học sinh tự làm ở nhà, gửi trực tiếp cho phụ huynh đến thôn xóm, bản trên địa bàn. Tỷ lệ học sinh, sinh viên có đủ điều kiện học trực tuyến (phương tiện, đường truyền, phần mềm) đạt 88,7%.
Việc ứng dụng CNTT trong dạy học được các cơ sở giáo dục triển khai mạnh mẽ, mang lại hiệu quả thiết thực trong giáo dục học sinh; nội dung bài giảng ngày càng phong phú, đa dạng, trực quan, học sinh dễ tiếp cận kiến thức. Hầu hết các tiết dạy thao giảng, thi giáo viên dạy giỏi đều có ứng dụng CNTT. Có nhiều cơ sở giáo dục đã triển khai tốt ứng dụng quản lý học trực tuyến, thi trực trực tuyến LMS, trường học kết nối (tập trung ở cấp THCS và cấp THPT) nhằm có môi trường học tập hiện đại, hiệu quả cho học sinh, giáo viên và nhà trường, giúp học sinh có thêm môi trường tiếp cận học tập trực tuyến với nhiều lợi ích.
Ngoài ra, tại các trường mầm non được triển khai sử dụng phần mềm dinh dưỡng giúp các cháu có được chế độ dinh dưỡng phù hợp, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ.
3.3. Trong công tác thi, kiểm tra, đánh giá và tuyển sinh
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá và tuyển sinh trên địa bàn được đẩy mạnh, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các kỳ thi, tuyển sinh, công tác đánh giá chất lượng giáo dục của học sinh, sinh viên được thực hiện tự động, bảo đảm chính xác, an toàn.
3.4. Xây dựng kho học liệu
Các trường học đã tổ chức cho giáo viên tham gia các cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử nhằm xây dựng kho bài giảng số trong nhà trường và của ngành, góp phần xây dựng kho học liệu trực tuyến quốc gia đáp ứng yêu cầu về tài liệu học tập cho nội dung chương trình giáo dục phổ thông;
Giáo viên và học sinh chủ động khai thác thông tin tại các kho học liệu số do Bộ GDĐT và các doanh nghiệp viễn thông, CNTT xây dựng để khai thác các tài nguyên số phục vụ dạy và học.
4. Đảm bảo an toàn thông tin
Trên cơ sở hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, các cơ sở giáo dục, cấp phòng/sở thường xuyên cập nhật theo dõi, phát hiện xử lý khắc phục kịp thời các lỗi do virus, mã độc tấn công vào hệ thống máy tính tại cơ quan.
Thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền tới toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên kỹ năng nhận biết, phòng tránh các nguy cơ gây mất an toàn thông tin đối với các thiết bị CNTT cá nhân như điện thoại thông minh, máy tính, máy tính bảng; quan tâm nâng cấp phần cứng, phần mềm; cài đặt các chương trình diệt virus có bản quyền, tường lửa để ngăn chặn, làm giảm các nguy cơ mất an toàn thông tin trong hệ thống mạng nội bộ. Có kế hoạch, phương án cô lập, xử lý triệt để các máy tính bị nhiễm virus.
Các đơn vị thường xuyên rà soát và cập nhật các bản vá lỗi đối với Hệ thống sử dụng Hệ điều hành Windows; cập nhật phiên bản mới nhất của chương trình diệt virus để phát hiện và xử lý các mã thực thi do tin tặc tấn công vào hệ thống; trang bị các hệ thống phòng chống tấn công mạng như IPS/IDS, Firewall... theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
II. TỒN TẠI, HẠN CHẾ
1. Về nhận thức
Một bộ phận cán bộ quản lý, nhà giáo chưa nhận thức đúng về vị trí, vai trò của ứng dụng CNTT và chuyển đổi số; ứng dụng khoa học kỹ thuật; sáng tạo, đổi mới phương pháp quản lý, dạy học trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thực hiện còn hình thức, đối phó; còn có tình trạng triển khai chuyển đổi số, ứng dụng CNTT, đổi mới phương pháp còn rời rạc, cục bộ của từng địa phương, từng đơn vị trường học. Các hạn chế này làm giảm năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, gây lãng phí nguồn lực đã đầu tư trong giáo dục.
2. Về hạ tầng CNTT
Vẫn còn nhiều điểm trường, nhiều thôn, bản chưa có đường truyền Internet tốc độ cao phục vụ hoạt động dạy và học, nhất là các điểm trường, thôn, bản thuộc vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, làm ảnh hưởng đến việc dạy và học trực tuyến cũng như chuyển đổi số tại khu vực này.
Hạ tầng CNTT tại các cơ sở giáo dục đã và đang được đầu tư, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế, hiệu quả đạt được chưa cao, hầu hết các thiết bị CNTT cũ, đã khấu hao hết giá trị, thiếu đồng bộ, xuống cấp, như: phòng học ngoại ngữ, phòng học Tin học, máy vi tính phục vụ dạy học còn thiếu, chưa đáp ứng đủ nhu cầu dạy và học (đặc biệt ở các cấp học tiểu học, THCS); nhiều máy tính và thiết bị CNTT đã cũ, hỏng, chưa được nâng cấp, sửa chữa; thiết bị hỗ trợ quản lý và dạy học chưa đáp ứng. Còn rất nhiều trường học chưa có phòng học ngoại ngữ chuyên dụng, nhất là cấp học tiểu học và cấp học THCS; nhiều phòng học ngoại ngữ chuyên dụng trang cấp cho các trường đã lâu, nay đã xuống cấp, hư hỏng không sử dụng được. Hầu hết các cơ sở giáo dục chưa có phòng thí nghiệm/thực hành (Lap), Phòng Lap mô phỏng thực tế ảo (VR), Phòng Lap mô phỏng thực tế tăng cường (AR)
3. Nguồn nhân lực
Nguồn nhân lực có chất lượng về khoa học, công nghệ nói chung, CNTT nói riêng trong ngành còn thiếu và yếu, đa số cơ sở giáo dục chưa được bố trí biên chế phụ trách công CNTT (chủ yếu kiêm nhiệm) nên không thể bảo đảm yêu cầu về phát triển ứng dụng, vận hành hệ thống ứng dụng, chuyển đổi số của đơn vị. Khả năng tiếp cận CNTT của một số bộ phận cán bộ, giáo viên, nhân viên còn hạn chế; kỹ năng tiếp cận, sử dụng phần mềm ứng dụng, kỹ năng khai thác học liệu số, kỹ năng xây dựng bài giảng điện tử bằng của giáo viên chưa được nâng cao. Vẫn còn cán bộ quản lý còn e ngại, chưa thực sự mạnh dạn thay đổi tư duy tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành. Nhiều giáo viên còn e ngại trong dạy học trực tuyến và
Mặt khác, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ chuyên trách CNTT chưa có, chưa thu hút và giữ chân những người có trình độ chuyên môn, năng lực cao.
4. Các hệ thống công nghệ thông tin, phần mềm phục vụ quản lý điều hành, hỗ trợ dạy học, thi, kiểm tra, đánh giá và xây dựng kho học liệu số
4.1. Trong công tác quản lý, điều hành
Hệ quản lý văn bản và hồ sơ công việc chưa được triển khai đến các cơ sở giáo dục, chưa có hệ thống phần mềm dùng chung để trao đổi thông tin, điều hành tác nghiệp và quản lý công văn, văn bản, hồ sơ công việc trên mạng đến các cơ sở giáo dục. Do đó, các cơ sở giáo dục chỉ có thể tiếp nhận các văn bản thông qua hệ thống Email công vụ.
Cơ sở dữ liệu ngành do Bộ GDĐT xây dựng đã được triển khai đến tất cả các cơ sở giáo dục đáp ứng cơ bản về báo cáo thống kê yêu cầu của Bộ GDĐT. Tuy nhiên, nhiều chức năng quản lý khác chưa được xây dựng, việc cập nhật thông tin vẫn còn một số hạn chế, thông tin chưa hoàn toàn đầy đủ đáp ứng yêu cầu quản lý điều hành như: thiếu thông tin về thiết bị, cơ sở vật chất (công trình vệ sinh, các phòng chức năng, diện tích đất,...); thông tin về hồ sơ cán bộ, giáo viên, nhân viên chưa đầy đủ theo quy định...; hồ sơ học sinh và đội ngũ chưa được số hoá đầy đủ; chưa có kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Các phần mềm quản lý trường học (như: vnEdu, SMAS...) chưa bảo đảm kết nối hai chiều đồng bộ dữ liệu với cơ sở dữ liệu ngành GDĐT. Nhiều đơn vị vẫn chưa sử dụng phần mềm quản lý trường học có thể đồng bộ kết nối với cơ sở dữ liệu ngành GDĐT (121 trường, tỷ lệ 21,2%). Các cơ sở giáo dục khai thác chưa triệt để một số phần mềm được triển khai, trang bị trong toàn ngành. Chưa có thư viện điện tử dùng chung cho các trường phổ thông.
Việc triển khai ứng dụng chữ ký số chỉ được triển khai đối với cán bộ quản lý và cán bộ trực tiếp thực hiện đối với các dịch vụ công trực tuyến. Chưa đẩy mạnh triển khai chữ ký số đến toàn đội ngũ nhằm hướng đến sử dụng hồ sơ số (học bạ, sổ điểm, hồ sơ số của cán bộ, công chức, viên chức...). Tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt và tỷ lệ thủ tục hành chính triển khai mức độ 3, mức độ 4 tại các cơ sở giáo dục, cấp phòng, sở còn thấp.
Việc ứng dụng CNTT để quản lý cơ sở vật chất, thiết bị dạy học chỉ thực hiện trên phần mềm, chưa triệt để trong việc quản lý bằng hồ sơ số (số hoá hồ sơ).
4.2. Trong công tác dạy và học
Việc triển khai ứng dụng quản lý học và thi trực tuyến (LMS), trường học kết nối chưa được rộng khắp, đầy đủ toàn diện đối với các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh. Do nhiều nguyên nhân, nhiều trường học vẫn chưa tích cực quan tâm đến mô hình này.
Vẫn còn hơn 30% học sinh, sinh viên chưa có đủ điều kiện học trực tuyến (phương tiện, đường truyền, phần mềm). Nhiều học sinh ở các khu vực chưa được phủ internet băng thông rộng bị hạn chế tiếp cận kho học liệu số trực tuyến, tham gia học tập trực tuyến qua mạng Internet.
Đại học Quảng Bình chưa có các chương trình đào tạo hình thức trực tuyến; chưa có chương trình để người học lấy văn bằng hai theo hình thức học trực tuyến.
4.3. Trong công tác thi, kiểm tra, đánh giá và tuyển sinh
Các cơ sở giáo dục vẫn chưa có hệ thống phần mềm thực hiện công tác tuyển sinh trực tuyến; sử dụng phần mềm để thực hiện công tác thi, kiểm tra thường xuyên, định kỳ và đánh giá kết quả thi chưa được rộng rãi.
4.4. Xây dựng kho học liệu
Các sản phẩm CNTT phục vụ dạy học do các giáo viên, các cơ sở giáo dục xây dựng ít được cập nhật lên kho học liệu dùng chung của ngành. Giáo viên và học sinh chủ yếu khai thác thông tin tại các kho học liệu số do Bộ GDĐT và các doanh nghiệp viễn thông, CNTT xây dựng
5. Kinh phí
Hạ tầng CNTT đầu tư đã lâu, xuống cấp, kinh phí để sửa chữa, nâng cấp hoặc thay thế chưa đáp ứng nhu cầu tại các cơ sở giáo dục. Nguồn kinh phí mua sắm, sửa chữa phần cứng; xây dựng, nâng cấp các phần mềm của các cơ sở giáo dục toàn ngành trong từng năm còn hạn hẹp. Nhiều đơn vị không đủ kinh phí để sửa chữa, bổ sung các thiết bị ứng dụng CNTT hiện đại như: Phòng học ngoại ngữ chuyên dụng, phòng học Tin học... Hạn chế về kinh phí làm cho việc triển khai các giải pháp chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong giáo dục thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao.
Phần II
NỘI DUNG KẾ HOẠCH
I. CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH
1. Văn bản của Trung ương
- Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về Chính phủ điện tử.
- Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng 2025;
- Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”;
- Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến 2030”.
- Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030”.
2. Văn bản của tỉnh
- Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 31/3/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Quảng Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
- Nghị quyết số 165/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình về việc thông qua Đề án phát triển chính quyền điện tử và dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.
- Kế hoạch 1247/KH-UBND ngày 15/7/2021 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 165/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình về việc thông qua Đề án phát triển chính quyền điện tử và dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.
- Kế hoạch số 698/KH-UBND 28/4/2022 của UBND tỉnh về việc chuyển đổi số giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 31/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình.
II. QUAN ĐIỂM
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số tạo đột phá trong đổi mới hoạt động GDĐT, đổi mới quản lý nhà nước trong lĩnh vực GDĐT trên địa bàn tỉnh; tác động tích cực tới phương thức hoạt động, chất lượng, hiệu quả và công bằng trong giáo dục.
- Người học và nhà giáo là trung tâm của quá trình chuyển đổi số; lợi ích mang lại cho người học, đội ngũ nhà giáo và người dân là thước đo chủ yếu đánh giá mức độ thành công của chuyển đổi số.
- Chuyển đổi số trong GDĐT cần có sự thay đổi nhận thức mạnh mẽ, sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp quản lý, sự chủ động, tích cực của các cơ sở giáo dục và sự ủng hộ, tham gia của mỗi người học, mỗi nhà giáo và toàn xã hội.
- Chuyển đổi số trong GDĐT phải được thiết kế đồng bộ, bao quát, có hệ thống; được triển khai từng bước có trọng tâm, trọng điểm, đạt hiệu quả cao trong từng giai đoạn, nhất là trong giai đoạn thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
III. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Áp dụng tiến bộ công nghệ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dạy và học, nâng cao chất lượng và cơ hội tiếp cận giáo dục, hiệu quả quản lý giáo dục; xây dựng nền giáo dục mở thích ứng trên nền tảng số, góp phần phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, góp phần hoàn thành các mục tiêu chuyển đổi số thuộc lĩnh vực GDĐT trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
2. Mục tiêu đến năm 2025
a) Đổi mới mạnh mẽ phương thức tổ chức giáo dục, đưa dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thiết yếu, hàng ngày đối với mỗi nhà giáo, mỗi người học.
- Về tiếp cận giáo dục trực tuyến: 90% học sinh (trong đó: tiểu học 87%, THCS 92%, THPT 99%), 100% sinh viên và 100% giáo viên, giảng viên có đủ điều kiện (về phương tiện, đường truyền, phần mềm) tham gia có hiệu quả các hoạt động dạy và học trực tuyến. Có 30% cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục đại học có phòng học tương tác thông minh hoặc phòng thí nghiệm, thực hành hiện đại.
- Về môi trường giáo dục trực tuyến
Áp dụng có hiệu quả một số nền tảng dạy và học trực tuyến là sản phẩm trong nước để triển khai dạy và học tại các cơ sở giáo dục phổ thông, đại học; đẩy mạnh sử dụng các sản phẩm nền tảng dạy học trực tuyến trong nước xây dựng; ít nhất có 90% học sinh, sinh viên được học trực tuyến thông qua các nền tảng.
Sử dụng có hiệu quả kho học liệu trực tuyến quốc gia đáp ứng yêu cầu về tài liệu học tập cho 50% nội dung chương trình giáo dục phổ thông;
Giáo dục đại học cung cấp tối thiểu 50% chương trình đào tạo (cấp bằng) bằng hình thức từ xa, trực tuyến.
- Về quy mô hoạt động giáo dục trực tuyến
Tỉ trọng nội dung chương trình giáo dục phổ thông được triển khai dưới hình thức trực tuyến đạt trung bình 5% ở bậc tiểu học, 10% ở bậc trung học;
Tỉ trọng lớp học trực tuyến trong các cơ sở giáo dục đại học đạt trung bình 20%.
Trong số người học lấy văn bằng đại học thứ hai, có ít nhất 50% theo học hình thức trực tuyến (với thời lượng trực tuyến chiếm hơn 50%).
b) Đổi mới mạnh mẽ phương thức quản lý, điều hành dựa trên công nghệ và dữ liệu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và chất lượng cung cấp dịch vụ hỗ trợ của Nhà nước và các cơ sở giáo dục
- Về quản trị nhà trường: 100% cơ sở giáo dục áp dụng hệ thống quản trị nhà trường dựa trên dữ liệu và công nghệ số, trong đó:
Có 100% người học, 100% nhà giáo được quản lý bằng hồ sơ số với định danh thống nhất toàn quốc.
80% cơ sở vật chất, thiết bị và các nguồn lực khác phục vụ giáo dục, đào tạo và nghiên cứu được quản lý bằng hồ sơ số.
- Về quản lý giáo dục: Hệ thống thông tin quản lý toàn ngành giáo dục được thiết lập và vận hành hiệu quả, trong đó:
Cơ sở dữ liệu toàn ngành được triển khai đầy đủ thông tin cơ bản; tất cả các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, đại học triển khai có hiệu quả cơ sở dữ liệu toàn ngành, cung cấp thông tin quản lý đầy đủ, tin cậy và kịp thời và chia sẻ hiệu quả với các cơ sở dữ liệu quốc gia.
Các cơ quan quản lý giáo dục được vận hành chủ yếu dựa trên dữ liệu và công nghệ số, trong đó 90% hồ sơ công việc tại cấp sở; 80% hồ sơ công việc tại cấp phòng được giao dịch và giải quyết trên môi trường số (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật).
- Về dịch vụ hỗ trợ người học, người dân
100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (hoặc mức độ 3 nếu không phát sinh thanh toán).
Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ đạt tối thiểu 50%.
Tỷ lệ người học, phụ huynh hài lòng về chất lượng dịch vụ trực tuyến của các cơ sở giáo dục đạt trung bình 80%.
Tỷ lệ tổ chức, cá nhân hài lòng về chất lượng dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan quản lý giáo dục đạt trung bình 80%.
3. Mục tiêu đến năm 2030
Đưa tất cả thành tố của hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn vào môi trường số, trong đó:
- Triển khai có hiệu quả nền tảng dạy và học trực tuyến quốc gia tích hợp kho học liệu số hỗ trợ 100% người học và nhà giáo tham gia có hiệu quả các hoạt động giáo dục trực tuyến; đáp ứng yêu cầu về tài liệu học tập cho toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông; xây dựng và hoàn thiện thư viện số dùng chung cho toàn ngành, từng cấp học; 100% cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục đại học có phòng học tương tác thông minh hoặc phòng thí nghiệm, thực hành hiện đại.
- Cơ sở giáo dục đại học cung cấp các chương trình đào tạo (cấp bằng) hình thức từ xa, trực tuyến.
- 100% nguồn lực giáo dục, chương trình giáo dục và đối tượng giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân được quản lý trên môi trường số, kết nối thông suốt toàn ngành và liên thông với các cơ sở dữ liệu, thông tin quốc gia.
IV. CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Tăng cường các điều kiện đảm bảo triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong GDĐT
a) Đảm bảo các điều kiện về hạ tầng số, trang thiết bị triển khai ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong GDĐT theo hướng đồng bộ, hiện đại; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin các hệ thống số hoá, đảm bảo an toàn trong các hoạt động dạy - học và làm việc trên môi trường số. Ưu tiên sử dụng các mô hình dịch vụ trên nền tảng đám mây; đảm bảo kết nối Internet FTTH tới tất cả các cơ sở giáo dục; tất cả các cơ sở giáo dục có mạng LAN hoặc hệ thống wifi (có kết nối internet) để phục 100% học sinh và giáo viên tiếp cận, khai thác học liệu, tài liệu, giáo án, bài giảng điện tử, sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ dạy và học; có chính sách hỗ trợ dịch vụ Internet cho người học và đội ngũ nhà giáo; phối hợp với các doanh nghiệp, các tổ chức có chính sách máy tính phù hợp cho học sinh.
b) Đầu tư nâng cấp thiết bị, giải pháp công nghệ phục vụ ứng dụng hội nghị, học trực tuyến, họp không giấy; thiết bị ứng dụng CNTT hỗ trợ trong công tác quản lý hành chính. Trên 50% số phòng học thông thường tại các trường phổ thông được đầu tư tích hợp (lắp) hệ thống học dạy, học trực tuyến; đẩy mạnh đầu tư trang bị phòng học ngoại ngữ chuyên dụng, phòng thực hành tin học tại các cơ sở giáo dục phổ thông đảm bảo nhu cầu dạy và học; tăng cường thiết bị, phần mềm hỗ trợ dạy học có ứng dụng công nghệ thông tin (máy chiếu, bảng tương tác thông minh, smart tivi, các phần mềm mô phỏng...); từng bước thực hiện các hoạt động chuyển đổi giao thức Internet phiên bản 4 (IPv4) sang giao thức Internet phiên bản 6 (IPv6) trong toàn ngành.
c) Hình thành hệ thống phòng học tương tác thông minh, phòng thí nghiệm/thực hành (Lap), phòng Lap mô phỏng, ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) vào dạy học và thực hành. Giai đoạn 2022-2025, ở cấp tiểu học và cấp THCS mỗi địa phương được trang bị tối thiểu 08 phòng, ở cấp THPT trang bị tối thiểu 16 trường phòng học tương tác thông minh, phòng thí nghiệm/thực hành (Lap), trường đại học được đầu tư đầy đủ hệ thống các phòng học trên, ứng dụng công nghệ học máy, công nghệ phân tích dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo vào các lĩnh vực nghiên cứu, thực hành. Đến năm 2030, tất cả các cơ sở giáo dục phổ thông được trang bị hệ thống phòng học tương tác thông minh, phòng thí nghiệm/thực hành (Lap) hiện đại hoặc phòng Lap mô phỏng, ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR).
2. Phát triển hệ sinh thái chuyển đổi số trong hoạt động dạy, học, kiểm tra, đánh giá và nghiên cứu khoa học
a) Đổi mới mô hình dạy - học
- Triển khai thí điểm các mô hình dạy - học tiên tiến trên nền tảng số theo hướng dạy học kết hợp (lớp học thông minh, nhóm học tương tác, tự học với trợ lý ảo) tại một số cơ sở giáo dục đủ điều kiện.
- Tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp, các tổ chức lớn có thế mạnh về công nghệ số, ưu tiên doanh nghiệp và tổ chức có trụ sở trên địa bàn tỉnh để triển khai một số nền tảng dạy và học trực tuyến; quan tâm hình thức hợp tác công - tư về công nghệ số cho giáo dục đại học.
b) Phát triển kho học liệu số chia sẻ dùng chung
- Phát triển, khai thác có hiệu quả kho học liệu số, học liệu mở chia sẻ dùng chung toàn ngành, gồm bài giảng điện tử, bài dạy trên truyền hình, học liệu đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác; phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến cho các môn học giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
- Xây dựng, triển khai thư viện điện tử trong các cơ sở giáo dục phổ thông; cổng thư viện số kết nối liên thông với kho học liệu số, chia sẻ học liệu với các cơ sở đào tạo đại học; phát triển các phòng thí nghiệm ảo, các phòng thực hành và thực tập ảo nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, đào tạo trong giáo dục đại học.
c) Phát triển, ứng dụng các nền tảng số phục vụ dạy - học
- Ứng dụng nền tảng số dạy và học trực tuyến hỗ trợ học tập cá thể hoá và tăng cường trải nghiệm; tăng cường kiểm tra, thi trên máy tính và thi trực tuyến; kết nối nền tảng dạy học trực tuyến với nền tảng quản trị nhà trường và mạng IoT, thiết lập hệ sinh thái chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục;
- Phát triển, ứng dụng nền tảng cung cấp các khoá học trực tuyến đại chúng mở (MOOCs), tăng cường công nhận tín chỉ các khoá học trực tuyến đối với giáo dục đại học.
- Đẩy mạnh xây dựng, triển khai ứng dụng thống nhất các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo hướng phát triển hệ sinh thái giáo dục, đào tạo thông minh. Chú trọng, tăng cường triển khai, sử dụng các biện pháp, giải pháp tuyển sinh, dạy học, quản lý học sinh... trực tuyến, từ xa, nhất là trong các hoàn cảnh thiên tai, dịch bệnh.
3. Triển khai đồng bộ hệ thống thông tin quản lý và cơ sở dữ liệu ngành giáo dục
a) Đổi mới mô hình, quy trình quản lý, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính
- Rà soát, cải cách các mô hình quản trị cơ sở giáo dục đại học (quản lý tuyển sinh, quản lý chương trình đào tạo, quản lý thông tin người học, quản lý thông tin đội ngũ, quản lý cơ sở vật chất, quản lý tài chính, quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học, quản trị văn phòng điện tử, quản lý các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khác);
- Rà soát, cắt giảm, đơn giản hoá các thủ tục hành chính, quy trình nghiệp vụ theo hướng giúp ứng dụng hiệu quả công nghệ số;
- Tích hợp hệ thống thông tin một cửa điện tử với các hệ thống nghiệp vụ chuyên ngành để cung cấp dịch vụ số; mở rộng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trí tuệ nhân tạo trong cung cấp dịch vụ (như trợ lý ảo, trả lời tự động); thử nghiệm nền tảng dùng chung giải quyết một số thủ tục hành chính không dùng giấy tờ trong ngành giáo dục dựa trên nền tảng cơ sở dữ liệu ngành GDĐT.
b) Xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin quản lý GDĐT
- Nâng cấp, hoàn thiện cơ sở dữ liệu của ngành GDĐT (bao gồm cơ sở dữ liệu về người học, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên, quản lý cơ sở vật chất, quản lý tài chính, quản trị văn phòng điện tử và các hoạt động giáo dục, đào tạo khác) đảm bảo phục vụ tất cả cơ quan quản lý giáo dục;
- Triển khai hệ thống thông tin quản lý ngành GDĐT, kết nối đầy đủ, toàn diện dữ liệu từ các cơ sở giáo dục đến các cấp (Phòng GDĐT, Sở GDĐT, Bộ GDĐT); kết nối dữ liệu ngành giáo dục với cơ sở dữ liệu chung toàn tỉnh phục vụ công tác báo cáo, theo dõi, giám sát, cảnh báo, dự báo, kiểm tra và thanh tra... Tổ chức triển khai, cập nhật đầy đủ dữ liệu toàn ngành trên hệ thống IOC và các Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh;
- Triển khai điều hành, giám sát thông tin ở cơ quan quản lý giáo dục và trường học, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn hỗ trợ hoạt động quản lý giáo dục.
c) Triển khai các ứng dụng, nền tảng số phục vụ quản trị các cơ sở giáo dục
- Triển khai nền tảng quản trị nhà trường tích hợp không gian làm việc số tới 100% cơ sở giáo dục nhằm tạo môi trường làm việc và tương tác trực tuyến cho cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, nhân viên và người học; đảm bảo kết nối, báo cáo liên thông dữ liệu từ cơ sở giáo dục với hệ thống cơ sở dữ liệu toàn quốc của ngành giáo dục
- Trên nền tảng cơ sở dữ liệu, triển khai các ứng dụng hồ sơ điện tử, liên lạc giữa gia đình và nhà trường, thanh toán không dùng tiền mặt, truyền thông và kết nối với các nền tảng ứng dụng trong và ngoài ngành; triển khai mô hình quản trị nhà trường tiên tiến trên nền tảng số đảm bảo thiết thực và hiệu quả.
d) Xây dựng môi trường số kết nối
- Triển khai nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu của ngành giáo dục kết nối với trục tích hợp, liên thông dữ liệu của tỉnh; triển khai nền tảng quản lý mã định danh, xác thực người dùng trên môi trường số của ngành giáo dục.
- Ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT) trong số hoá, giám sát quản lý và khai thác các nguồn lực, đối tượng và hoạt động giáo dục trong nhà trường, đảm bảo kết nối thời gian thực với hệ thống thông tin quản trị nhà trường. Triển khai hệ thống thông tin quản lý văn bản và điều hành iOffice đến tất cả các cơ sở giáo dục; đẩy mạnh trong toàn ngành GDĐT sử dụng hồ sơ điện tử và chữ ký số trong công tác quản lý trường học; tăng cường nâng cao chất lượng ứng dụng CNTT trong thi, tuyển sinh, đánh giá.
4. Tuyên truyền nâng cao nhận thức; đào tạo, bồi dưỡng năng lực số cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên và người học
a) Tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong GDĐT đến toàn thể đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên và người học trong toàn ngành giáo dục và xã hội.
b) Đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực số cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên và người học đảm bảo quản lý, làm việc hiệu quả trên môi trường số; kiện toàn nâng cao năng lực đội ngũ phụ trách ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành giáo dục; thí điểm bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo về kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin tiếp cận chuẩn quốc tế tại một số cơ sở giáo dục có điều kiện và yêu cầu cao về nhân lực chuyển đổi số; triển khai hệ thống bồi dưỡng giáo viên đảm bảo 100% nhà giáo có hồ sơ và tài khoản sử dụng để tự bồi dưỡng một cách chủ động, thường xuyên theo nhu cầu.
c) Triển khai mô hình giáo dục tích hợp khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán học và nghệ thuật (giáo dục STEM/STEAM), phát triển tư duy lập trình, triển khai các chương trình về khoa học máy tính phù hợp; đưa nội dung phổ cập kỹ năng số và an toàn, an ninh mạng, các nền tảng mở, phần mềm nguồn mở vào chương trình giảng dạy từ cấp tiểu học để hình thành sớm các kỹ năng cần thiết cho công dân số.
d) Xem xét lựa chọn, tổ chức triển khai phù hợp việc đưa nội dung phổ cập kỹ năng số và an toàn, an ninh mạng dựa trên các nền tảng mở, phần mềm nguồn mở vào chương trình giảng dạy từ cấp tiểu học hoặc từ cấp trung học cơ sở để hình thành sớm các kỹ năng cần thiết cho công dân số.
5. Huy động các nguồn lực tham gia ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong GDĐT
a) Đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức và hiệp hội về công nghệ thông tin trong và ngoài nước để giới thiệu các giải pháp công nghệ tiên tiến áp dụng trong lĩnh vực GDĐT.
b) Thu hút nguồn vốn của doanh nghiệp thông qua hình thức đối tác công tư (PPP) để đầu tư xây dựng các nền tảng số và ứng dụng CNTT trong GDĐT, ưu tiên cho phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến, hệ thống học tập trực tuyến, kho học liệu số dùng chung, cơ sở dữ liệu ngành giáo dục.
c) Tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất, phân phối trang thiết bị số để hỗ trợ, ưu đãi cung cấp sản phẩm CNTT cơ bản (máy tính, máy tính xách tay, máy tính bảng...) tích hợp các phần mềm ứng dụng và tính năng an toàn, bảo mật cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên và người học phục vụ hoạt động dạy - học trong các nhà trường.
6. Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số và tăng cường giám sát, đánh giá việc thực hiện cơ chế, chính sách
a) Triển khai hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và ban hành văn bản quy phạm pháp luật về chuyển đổi số trong các hoạt động dạy học, quản trị cơ sở giáo dục, quản lý giáo dục; quy định về cơ sở dữ liệu trong ngành giáo dục; quy định về năng lực số của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên và người học.
b) Ban hành các văn bản hướng dẫn về chuyển đổi số trong các hoạt động dạy học, quản trị cơ sở giáo dục, quản lý giáo dục như: các quy chuẩn, quy định về kết nối, liên thông dữ liệu giữa các phần mềm trong ngành giáo dục; các quy định về quản lý, thu thập dữ liệu giáo dục; các quy định về quản lý và sử dụng hồ sơ điện tử trong các nhà trường; đề xuất cơ chế tài chính, cơ chế thuê dịch vụ cho các sản phẩm dịch vụ giáo dục số; hướng dẫn, quy định về xác thực điện tử trong ngành giáo dục.
c) Rà soát và ban hành các quy định kỹ thuật về dữ liệu; bám sát quy định của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ GDĐT, các bộ ngành trung ương để triển khai kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị, cơ quan trong ngành giáo dục và ngành giáo dục với các cơ sở dữ liệu quốc gia; kết nối kỹ thuật triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong các cơ sở giáo dục; ban hành các bộ chỉ tiêu đánh giá chuyển đổi số đối với cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý giáo dục.
d) Ban hành chính sách thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo, các mô hình GDĐT mới dựa trên nền tảng và công nghệ số; chính sách huy động sự tham gia và đóng góp nguồn lực của các tổ chức, cá nhân và chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài cho chuyển đổi số trong GDĐT; chính sách thúc đẩy phát triển công nghệ giáo dục (Edtech); chính sách máy tính giáo dục cho học sinh, sinh viên; chính sách Internet giáo dục.
e) Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục, cơ quan quản lý giáo dục; tổ chức đánh giá, công bố chỉ số chuyển đổi số với cơ sở giáo dục, cơ quan quản lý giáo dục trên phương tiện thông tin đại chúng.
V. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Bảo đảm tiết kiệm, minh bạch, đúng pháp luật, chống tiêu cực, lãng phí trong sử dụng ngân sách nhà nước và các nguồn huy động hợp pháp khác.
2. Kinh phí thực hiện Kế hoạch từ ngân sách nhà nước bao gồm chi thường xuyên theo phân cấp ngân sách và chi đầu tư phát triển được cân đối hàng năm cho các địa phương, các cơ sở giáo dục theo quy định để thực hiện các chương trình, dự án nhằm triển khai Kế hoạch; kinh phí tự cân đối trong dự toán chi thường xuyên và huy động hợp pháp khác của các đơn vị.
3. Khuyến khích nguồn kinh phí huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; tăng cường sử dụng nguồn kinh phí lồng ghép trong các chương trình, đề án liên quan đã được phê duyệt và các nguồn hợp pháp khác để thực hiện nhiệm vụ.
4. Ưu tiên triển khai các nhiệm vụ theo hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin, đối tác công tư, giao nhiệm vụ, hình thức đặt hàng tùy theo từng nhiệm vụ cụ thể.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Giáo dục và Đào tạo
a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đã đề ra trong Kế hoạch; tham mưu UBND tỉnh lồng ghép các chương trình, đề án, dự án liên quan để huy động nguồn lực thực hiện Kế hoạch.
b) Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh xây dựng, triển khai ứng dụng thống nhất các hệ thống thông tin, CSDL chuyên ngành theo hướng phát triển hệ sinh thái giáo dục, đào tạo thông minh.
c) Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch.
d) Hằng năm, tổ chức đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch hàng năm và cả giai đoạn báo cáo UBND tỉnh, Bộ GDĐT theo quy định; tổ chức đánh giá sơ kết và tổng kết theo sau 02 năm triển khai Kế hoạch theo hướng dẫn của Bộ GDĐT, báo cáo UBND tỉnh để tổng hợp, báo cáo Bộ GDĐT, Thủ tướng Chính phủ; đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung nội dung Kế hoạch trong trường hợp cần thiết; tổng kết sau khi kết thúc thực hiện Kế hoạch.
2. Sở Thông tin và Truyền thông
a) Chủ trì, chỉ đạo các doanh nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh nghiên cứu, phát triển các nền tảng, giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực GDĐT.
b) Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp công nghệ thông tin nghiên cứu, phát triển hạ tầng số quốc gia, hạ tầng Internet đảm bảo triển khai tốt các hoạt động chuyển đổi số trong ngành Giáo dục; đảm bảo kết nối Internet tới tất cả các cơ sở giáo dục (bao gồm các điểm trường, các thôn bản dân cư vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới...); có chính sách ưu đãi về dịch vụ Internet và dịch vụ công nghệ thông tin đối với người học, đội ngũ nhà giáo và các cơ sở giáo dục.
c) Phối hợp với Sở GDĐT, các sở, ban, ngành liên quan để ưu tiên lồng ghép các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch được phân công chủ trì thuộc lĩnh vực ứng dụng CNTT và chuyển đổi số của tỉnh để triển khai đối với ngành GDĐT.
d) Hướng dẫn, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn an ninh thông tin các hệ thống số hoá, ưu tiên sử dụng các mô hình dịch vụ trên nền tảng đám mây.
e) Tham mưu cấp mã định danh cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh để kết nối liên thông giữa các phần mềm của tỉnh, của ngành triển khai nhằm sử dụng có hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia;
f) Đăng ký và cấp chữ ký số cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trong các cơ sở giáo dục.
3. Sở Tài chính
Chủ trì, phối hợp với Sở GDĐT và các sở, ban, ngành liên quan căn cứ khả năng cân đối ngân sách của tỉnh, tham mưu bố trí kinh phí để thực hiện Kế hoạch theo quy định, đảm bảo việc triển khai trong từng giai đoạn.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư
a) Chủ trì, phối hợp với Sở GDĐT, các sở, ngành, địa phương tổng hợp, lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu chuyển đổi, ứng dụng CNTT trong ngành giáo dục vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm và hàng năm của tỉnh.
b) Phối hợp với Sở Tài chính, Sở GDĐT và các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh xem xét, cân đối, bố trí kinh phí đầu tư để triển khai thực hiện Kế hoạch trên địa bàn tỉnh.
5. Sở Nội vụ
Nghiên cứu, đề xuất và tổ chức thực hiện các chủ trương, cơ chế chính sách và các giải pháp về biên chế, tuyển dụng, đào tạo, sử dụng, đãi ngộ nhân lực CNTT, công nghệ cao, vị trí cán bộ kỹ thuật chuyên trách CNTT, an toàn thông tin trong cơ quan, đơn vị thuộc ngành GDĐT, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT tại các cơ sở giáo dục, phòng GDĐT, sở GDĐT.
6. Trường Đại học Quảng Bình
Căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch để cụ thể hoá trong các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch chuyển đổi số và xây dựng kế hoạch, lộ trình tổ chức triển khai thực hiện; có các giải pháp bảo đảm nguồn lực, các điều kiện triển khai ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong đơn vị; tổ chức đánh giá sơ kết và tổng kết theo hướng dẫn của Sở GDĐT để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
7. UBND các huyện, thị xã, thành phố
a) Căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch để cụ thể hoá nội dung trong các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển chính phủ điện tử, chuyển đổi số, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; xây dựng Kế hoạch, Đề án hoặc Chương trình chuyển đổi số trong lĩnh vực GDĐT và tổ chức triển khai thực hiện tại địa phương.
b) Có các giải pháp tăng cường nguồn lực bảo đảm các điều kiện triển khai chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn.
c) Hàng năm, tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch; tổ chức đánh giá sơ kết và tổng kết theo hướng dẫn của Sở GDĐT, Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
8. Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Bình
Đẩy mạnh xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, tăng thời lượng phát sóng, số lượng tin, bài để tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, kiến thức cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp về ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong GDĐT, góp phần phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, nhất là tuyên truyền việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để tạo sự lan toả, hưởng ứng trong toàn xã hội.
9. Các cơ sở giáo dục
a) Căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch và hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan quản lý cấp trên để tổ chức triển khai thực hiện; có các giải pháp tăng cường nguồn lực bảo đảm các điều kiện triển khai ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong đơn vị.
b) Hàng năm, tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện ứng dụng CNTT và chuyển đổi số tại đơn vị, báo cáo cấp quản lý theo quy định.
Trên đây là Kế hoạch tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong GDĐT tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo nhiệm vụ được phân công tại Kế hoạch này triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương phản ánh về Sở GDĐT để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết./.
| KT. CHỦ TỊCH
|
PHỤ LỤC
DANH MỤC DỰ ÁN, NHIỆM VỤ CHỦ YẾU, TRỌNG TÂM TRIỂN KHAI ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ CỦA NGÀNH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2022-2025 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Kế hoạch 1414/KH-UBND ngày 09/8/2022 của UBND tỉnh Quảng Bình)
Số TT | Tên đề án, dự án, nhiệm vụ | Đơn vị chủ trì | Thời gian thực hiện | Dự kiến kinh phí (ĐVT: Tỷ đồng) | Ghi chú | |||
Tổng kinh phí | Ngân sách tỉnh | Ngân sách cấp huyện | Nguồn khác | |||||
I | Tăng cường các điều kiện đảm bảo triển khai ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong GDĐT | 314,5 | 117 | 176 | 21,5 |
| ||
1 | Đầu tư phòng học ngoại ngữ chuyên dụng cho các trường phổ thông | Sở GDĐT, các địa phương | 2022-2025 | 120 | 80 | 40 | 0 | Lồng ghép nguồn lực thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ 2017-2025 |
2 | Thiết bị phòng thực hành Tin học cho các trường phổ thông | Sở GDĐT, các địa phương | 2022-2025 | 60 | 20 | 40 | 0 | Chi thường xuyên NSNN; theo thực tế phát sinh |
3 | Đầu tư phòng học tương tác thông minh, phòng thí nghiệm/thực hành (Lap), phòng Lap mô phỏng, ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) vào dạy học và thực hành | Sở GDĐT, các địa phương | 2022-2025 | 100 | 10 | 80 | 10 | Chi thường xuyên NSNN, nguồn XHH; theo thực tế phát sinh |
4 | Thiết bị ứng dụng CNTT, phần mềm phục vụ ứng dụng CNTT và chuyển đổi số; phần mềm quản trị trường học; phần mềm ứng dụng dạy học cho cơ sở giáo dục | Sở GDĐT, phòng GDĐT, các cơ sở giáo dục | 2022-2025 | 28 | 2 | 16 | 10 | Chi thường xuyên NSNN, nguồn XHH; theo thực tế phát sinh |
5 | Trang bị cơ sở hạ tầng, thiết bị ứng dụng CNTT, phần mềm phục vụ ứng dụng CNTT và chuyển đổi số; phần mềm quản trị trường học; phần mềm ứng dụng dạy học cho cơ sở giáo dục đại học | Đại học Quảng Bình | 2022-2025 | 6,5 | 5,0 | - | 1,5 | Chi thường xuyên NSNN, Chi thường xuyên NSNN; theo thực tế phát sinh; theo thực tế phát sinh |
II | Phát triển hệ sinh thái chuyển đổi số trong hoạt động dạy, học, kiểm tra, đánh giá và nghiên cứu khoa học | 40 | 10 | 10 | 20 |
| ||
1 | Xây dựng thư viện điện tử dùng chung cho các trường phổ thông. | Sở GDĐT | 2023 | 5 | 5 | 0 | 0 | Chi thường xuyên NSNN; theo thực tế phát sinh |
2 | Trang bị phần mềm mô phỏng cho các cơ sở giáo dục | Sở GDĐT, các địa phương, các cơ sở giáo dục | 2022-2025 | 35 | 5 | 10 | 20 | Chi thường xuyên NSNN; theo thực tế phát sinh |
III | Triển khai đồng bộ hệ thống thông tin quản lý và cơ sở dữ liệu ngành giáo dục | 80,5 | 12,4 | 36,5 | 31,6 |
| ||
1 | Xây dựng nền tảng công nghệ dịch vụ công/hệ thống thông tin trực tuyến mức độ 3, 4 trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo | Sở GDĐT, Sở TTTT, Phòng GDĐT, các cơ sở giáo dục | 2022-2025 | 50 | 5 | 20 | 25 | Chi thường xuyên NSNN; theo thực tế phát sinh |
2 | Nâng cấp, mở rộng, hoàn thiện hệ thống quản lý văn bản và điều hành | Sở TTTT, Sở GDĐT | 2022-2025 | 2 | 2 | - | - | Chi thường xuyên NSNN; theo thực tế phát sinh |
3 | Phần mềm quản lý văn bản và điều hành iOffice đến các cơ sở giáo dục | Sở GDĐT, Sở TTTT, Phòng GDĐT, các cơ sở giáo dục | 2023-2024 | 2,5 | 2,5 | - | - | Chi thường xuyên NSNN; theo thực tế phát sinh |
4 | Hệ thống Quản lý hồ sơ điện tử (sổ điểm, học bạ) | Sở GDĐT, Phòng GDĐT, các cơ sở giáo dục | 2022-2025 | 6 | 0,5 | 5,5 | - | Chi thường xuyên NSNN; theo thực tế phát sinh |
4 | Trang cấp chữ ký số cho cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành | Sở GDĐT, Sở TTTT, Phòng GDĐT, các cơ sở giáo dục | 2022-2025 | 15 | 2 | 8 | 5 | Chi thường xuyên NSNN, XHH; theo thực tế phát sinh |
5 | Hệ thống tuyển sinh đầu cấp | Sở GDĐT, Phòng GDĐT, các cơ sở giáo dục | Đang triển khai | 5 | 0,4 | 3 | 1,6 | Chi thường xuyên NSNN, XHH; theo thực tế phát sinh |
IV | Đào tạo, bồi dưỡng năng lực số cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên và người học. | 5 | 1 | 3 | 1 |
| ||
1 | Bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực ứng dụng CNTT cho đội ngũ ngành GDĐT | Sở GDĐT, Phòng GDĐT, các cơ sở giáo dục | 2022-2025 | 5 | 1 | 3 | 1 | Chi thường xuyên NSNN; theo thực tế phát sinh |
V | Quản lý, điều hành | 0,8 | 0,2 | 0,1 | 0,5 |
| ||
1 | Kiểm tra, giám sát, đánh giá, sơ kết tình hình thực hiện Đề án 131/QĐ-TTg | Sở GDĐT, Phòng GDĐT, các cơ sở giáo dục | 2022-2025 | 0,8 | 0,2 | 0,1 | 0,5 | Chi thường xuyên NSNN; theo thực tế phát sinh |
TỔNG CỘNG |
|
| 440,8 | 140,6 | 225,6 | 74,6 |
|
Bằng chữ: Bốn trăm bốn mươi tỷ, tám trăm triệu đồng./.
- 1Kế hoạch 4858/KH-UBND năm 2022 thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo" giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
- 2Kế hoạch 177/KH-UBND năm 2022 thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
- 3Kế hoạch 204/KH-UBND năm 2022 về triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 4Kế hoạch 2797/KH-UBND năm 2022 thực hiện Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030" do tỉnh Bình Thuận ban hành
- 5Kế hoạch 2222/KH-UBND năm 2022 về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng
- 6Kế hoạch 141/KH-UBND năm 2022 triển khai giáo dục STEM trong các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030
- 7Kế hoạch 339/KH-UBND năm 2022 về thúc đẩy phát triển và sử dụng nền tảng điện toán đám mây trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022-2025
- 8Công văn 3814/SGDĐT-VP năm 2022 hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và thống kê giáo dục năm học 2022-2023 do Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 9Kế hoạch 220/KH-UBND năm 2022 thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn thành phố Cần Thơ
- 10Kế hoạch 354/KH-UBND năm 2022 về chuyển đổi số trong ngành Giáo dục và Đào tạo Lào Cai giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030
- 11Quyết định 664/QĐ-UBND năm 2022 về Kế hoạch “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” của tỉnh Gia Lai
- 1Thông tư 03/2014/TT-BTTTT về Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- 2Nghị quyết 36a/NQ-CP năm 2015 về Chính phủ điện tử do Chính phủ ban hành
- 3Nghị quyết 17/NQ-CP năm 2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025 do Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 749/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Nghị quyết 165/NQ-HĐND năm 2020 thông qua Đề án phát triển Chính quyền điện tử và dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030
- 6Quyết định 131/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Quyết định 146/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt Đề án "Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8Kế hoạch 698/KH-UBND năm 2022 về chuyển đổi số giai đoạn đến năm 2025 để thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU do tỉnh Quảng Bình ban hành
- 9Kế hoạch 4858/KH-UBND năm 2022 thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo" giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
- 10Kế hoạch 177/KH-UBND năm 2022 thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
- 11Kế hoạch 204/KH-UBND năm 2022 về triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 12Kế hoạch 2797/KH-UBND năm 2022 thực hiện Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030" do tỉnh Bình Thuận ban hành
- 13Kế hoạch 2222/KH-UBND năm 2022 về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng
- 14Kế hoạch 141/KH-UBND năm 2022 triển khai giáo dục STEM trong các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030
- 15Kế hoạch 339/KH-UBND năm 2022 về thúc đẩy phát triển và sử dụng nền tảng điện toán đám mây trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022-2025
- 16Công văn 3814/SGDĐT-VP năm 2022 hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và thống kê giáo dục năm học 2022-2023 do Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 17Kế hoạch 220/KH-UBND năm 2022 thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn thành phố Cần Thơ
- 18Kế hoạch 354/KH-UBND năm 2022 về chuyển đổi số trong ngành Giáo dục và Đào tạo Lào Cai giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030
- 19Quyết định 664/QĐ-UBND năm 2022 về Kế hoạch “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” của tỉnh Gia Lai
Kế hoạch 1414/KH-UBND năm 2022 thực hiện đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030"
- Số hiệu: 1414/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 09/08/2022
- Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Bình
- Người ký: Hồ An Phong
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra