Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3814/SGDĐT-VP
V/v hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và thống kê giáo dục năm học 2022 - 2023.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 10 năm 2022

 

Kính gửi:

- Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thủ Đức và các quận, huyện;
- Hiệu trưởng các trường Trung học phổ thông, trường Phổ thông nhiều cấp học trong đó có cấp Trung học phổ thông;
- Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thường xuyên, Thủ trưởng đơn vị trực thuộc.

Căn cứ Công văn số 4267/BGDĐT-CNTT ngày 31 tháng 8 năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số và thống kê giáo dục năm học 2022 - 2023.

Căn cứ theo Quyết định số 1411/QĐ-UBND ngày 27 tháng 4 năm 2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố và Quyết định số 1270/QĐ-SGDĐT ngày 24 tháng 5 năm 2022 của Sở GDĐT về ban hành Kế hoạch tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số của Ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ ứng dụng CNTT, chuyển đổi số và thống kê giáo dục năm học 2022 - 2023 với những nội dung cụ thể như sau:

I. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các Đề án và Kế hoạch tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số của ngành GDĐT Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 gồm:

a) Quyết định số 1411/QĐ-UBND ngày 27 tháng 4 năm 2022 về Kế hoạch tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số của Ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.

b) Kế hoạch số 593/KH-UBND ngày 28 tháng 02 năm 2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố về Triển khai chương trình “chuyển đổi số của Thành phố Hồ Chí Minh” và Đề án “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh” năm 2022.

c) Quyết định số 1270/QĐ-SGDĐT ngày 24 tháng 5 năm 2022 về Kế hoạch triển khai tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số của Ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.

d) Đề án “Giáo dục thông minh và học tập suốt đời tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030” năm 2021 và giai đoạn 2021-2025.

e) Đề án “Nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng ứng dụng Tin học cho học sinh phổ thông Thành phố Hồ Chí Minh theo định hướng chuẩn Quốc tế giai đoạn 2021 - 2030”.

2. Tiếp tục duy trì, triển khai hình thức dạy học trực tuyến kết hợp dạy học trực tiếp nhằm hỗ trợ nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy - học và đổi mới phương pháp dạy - học

a) Tổ chức hình thức dạy học trực tuyến theo quy định tại Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT ngày 30/3/2021 của Bộ GDĐT phù hợp với điều kiện của mỗi cơ sở giáo dục nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và đổi mới phương pháp dạy - học ngay cả trong điều kiện học sinh đến lớp bình thường.

b) Sử dụng tối đa lợi ích của phần mềm quản lý học tập (LMS) trong kết nối và tổ chức các hoạt động giáo dục giữa cơ sở giáo dục, giáo viên với học sinh trong việc hướng dẫn học sinh tự học, kiểm tra đánh giá và phối hợp với gia đình; có lộ trình kết nối, tích hợp, trao đổi dữ liệu giữa các phần mềm dạy học trực tuyến với phần mềm quản trị ở cơ sở giáo dục.

c) Tiếp tục phát triển học liệu số bảo đảm chất lượng: Huy động giáo viên tham gia đóng góp học liệu số để chia sẻ dùng chung; phát huy vai trò của tổ chuyên môn trong đánh giá, lựa chọn học liệu số trước khi đưa vào sử dụng; hướng dẫn giáo viên tham khảo các học liệu số từ kho học liệu số dùng chung của Ngành và các nguồn tài nguyên tin cậy trên Internet.

d) Tăng cường tổ chức đánh giá thường xuyên bằng hình thức trực tuyến; từng bước tổ chức triển khai kiểm tra, đánh giá trên máy tính đảm bảo khách quan, công bằng và có độ tin cậy.

e) Triển khai hiệu quả hệ thống thư viện điện tử (bao gồm phần mềm quản trị thư viện và cơ sở dữ liệu (CSDL) số hóa sách và tài nguyên phục vụ dạy học), kết nối liên thông với các kho học liệu số, chia sẻ tài nguyên số hóa giữa các cơ sở giáo dục, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên.

3. Tiếp tục triển khai phần mềm quản trị trong các cơ sở giáo dục, kết nối liên thông với trục liên thông dữ liệu của ngành

a) 100% cơ sở giáo dục tiếp tục triển khai nền tảng quản trị cơ sở giáo dục tích hợp không gian làm việc số.

b) Triển khai các ứng dụng hồ sơ điện tử gồm: Sổ điểm điện tử, học bạ điện tử áp dụng chứng thư số; ứng dụng kết nối, tương tác, trao đổi thông tin giữa phụ huynh với cơ sở giáo dục trên nền tảng số, khuyến khích áp dụng các giải pháp miễn phí như tin nhắn OTT, email, ứng dụng trên thiết bị di động.

4. Tiếp tục mở rộng, hoàn thiện CSDL về giáo dục cung cấp thông tin quản lý đầy đủ, chính xác và kịp thời

a) 100% các cơ sở giáo dục phải đảm bảo dữ liệu của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh được cập nhật liên tục, đầy đủ; dữ liệu phải đáp ứng được các tiêu chí “đúng, đủ, sạch, sống” phục vụ cho công tác quản lý, điều hành, dự báo, báo cáo, ... và phục vụ cho các kỳ thi, kỳ tuyển sinh của Thành phố và của Bộ.

b) Việc xây dựng CSDL về giáo dục phải tuân thủ các quy định của Thông tư số 42/2021/TT-BGDĐT ngày 30/12/2021 quy định về CSDL GDĐT; Quyết định số 4998/QĐ-BGDĐT ngày 31/12/2021 ban hành Quy định kỹ thuật về dữ liệu của CSDL GDĐT của Bộ GDĐT; Quyết định số 645/QĐ-SGDĐT ngày 24 tháng 3 năm 2022 về ban hành Quy chế tạm thời quản lý, vận hành, khai thác sử dụng Hệ thống CSDL giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh.

c) Tổ chức thực hiện báo cáo thống kê giáo dục định kỳ đối với giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên (kỳ đầu năm học và kỳ cuối năm học) đúng thời hạn, đầy đủ, chính xác theo quy định tại Thông tư số 24/2018/TT-BGDĐT ngày 28/9/2018 về chế độ báo cáo thống kê ngành Giáo dục và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Sở GDĐT.

5. Đẩy mạnh triển khai hiệu quả dịch vụ công trực tuyến trong giáo dục

Tiếp tục triển khai có hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến trong ngành giáo dục, ưu tiên một số dịch vụ:

- Dịch vụ đăng ký thi tốt nghiệp trung học phổ thông trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia mức độ 3;

- Dịch vụ đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào đại học trên Cổng dịch vụ công Quốc gia mức độ 4;

- Dịch vụ trực tuyến về xét tuyển học sinh đầu cấp mức độ 3, mức độ 4;

- Dịch vụ công nhận văn bằng, chứng chỉ trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

6. Đẩy mạnh triển khai thanh toán không dùng tiền mặt

Đẩy mạnh hình thức thanh toán học phí, các khoản thu bằng hình thức trực tuyến không dùng tiền mặt; kết nối phần mềm quản lý tài chính của cơ sở giáo dục với các nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt.

II. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CƠ BẢN

1. Kiện toàn tổ chức bộ phận phụ trách CNTT, chuyển đổi số, công tác thống kê giáo dục và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu của kế hoạch chuyển đổi số Ngành.

a) Đối với Phòng GDĐT thành phố Thủ Đức và các quận, huyện: Phân công lãnh đạo Phòng phụ trách, chuyên viên làm đầu mối theo dõi triển khai nhiệm vụ CNTT và công tác thống kê giáo dục.

b) Đối với cơ sở giáo dục: Phân công lãnh đạo cơ sở giáo dục phụ trách, viên chức CNTT hoặc viên chức kiêm nhiệm nhiệm vụ CNTT làm đầu mối triển khai nhiệm vụ CNTT và công tác thống kê giáo dục.

c) Triển khai tập huấn giáo viên bằng hình thức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến, đảm bảo 100% giáo viên được cấp tài khoản sử dụng để tự bồi dưỡng qua mạng một cách chủ động, thường xuyên.

d) Tổ chức các tập huấn nâng cao năng lực số cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh. Xem xét lựa chọn các nội dung phù hợp về: Kỹ năng tổ chức, quản lý các hoạt động dạy học kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến; kỹ năng thiết kế bài giảng e-Learning, video bài giảng, thiết bị dạy học số; kỹ năng quản lý, triển khai có hiệu quả các phần mềm quản trị trong cơ sở giáo dục; nâng cao nhận thức và kỹ năng về an toàn thông tin.

2. Thủ trưởng các cơ sở giáo dục thực hiện xây dựng Kế hoạch tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 cho đơn vị: xác định mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể triển khai trong từng năm học; tăng cường các nguồn lực đầu tư cho ứng dụng CNTT và chuyển đổi số; phối hợp có hiệu quả việc đầu tư với thuê dịch vụ CNTT.

3. Đảm bảo nguồn lực triển khai ứng dụng CNTT, chuyển đổi số giáo dục

a) Rà soát và có kế hoạch mua sắm bổ sung, duy trì, nâng cấp trang thiết bị đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, tổ chức dạy môn Tin học, tổ chức dạy học trực tuyến và làm việc trực tuyến; đảm bảo kết nối cáp quang Internet, dịch vụ Internet không dây trong các cơ sở giáo dục; đảm bảo đủ thiết bị trình chiếu, thiết bị phụ trợ sử dụng dạy - học; từng bước hình thành phòng thiết kế học liệu số và dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục.

b) Có biện pháp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin đối với các hệ thống CNTT. Thường xuyên rà soát, khắc phục các nguy cơ mất an toàn, an ninh thông tin. Đẩy mạnh tuyên truyền tới toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh kỹ năng nhận biết, phòng tránh các nguy cơ mất an toàn thông tin khi sử dụng các phần mềm trực tuyến và thiết bị cá nhân như điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính cá nhân; trang bị các phần mềm phòng chống virus có bản quyền; tuyệt đối đảm bảo an toàn, an ninh dữ liệu của hệ thống cơ sở dữ liệu giáo dục.

4. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý và giáo viên về vai trò của ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong các hoạt động GDĐT và các kết quả ứng dụng CNTT đã đạt được; triển khai các hoạt động hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia vào ngày 10 tháng 10 hàng năm.

5. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đánh giá việc chuẩn bị các điều kiện đảm bảo về nhân lực, cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị và việc triển khai ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, công tác thống kê trong giáo dục; tổ chức đánh giá, công bố chỉ số chuyển đổi số đối với cơ sở giáo dục.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Trên cơ sở những nội dung của hướng dẫn này, Thứ trưởng các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện nhiệm vụ ứng dụng CNTT, chuyển đổi số và thống kê giáo dục năm học 2022 - 2023 cho đơn vị.

Gửi báo cáo về Sở GDĐT các nội dung sau:

1. Văn bản chỉ đạo triển khai có ký tên và đóng dấu của đơn vị, gửi theo địa chỉ https://bit.ly/3T96dIW trước ngày 30/10/2022.

2. Sơ kết đánh giá tình hình triển khai nhiệm vụ ứng dụng CNTT và chuyển đổi số sau khi kết thúc học kỳ 1, gửi theo địa chỉ https://bit.ly/3fXgrOl trước ngày 23/01/2023.

3. Đánh giá, tổng kết triển khai nhiệm vụ ứng dụng CNTT, chuyển đổi số và thống kê giáo dục năm học 2022 - 2023, gửi theo địa chỉ https://bit.ly/3RLexO0 trước ngày 08/6/2023.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc cần báo cáo kịp thời về Sở GDĐT qua bộ phận Cải cách hành chính - Công nghệ thông tin để được hỗ trợ. Thông tin liên hệ: Ông Huỳnh Đăng Khoa, 0931855771 hoặc Ông Đặng Minh Thông 0908897480; Email Văn phòng Sở: vanphong.sgddt@tphcm.gov.vn./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Các Phó Giám đốc “để biết”;
- Các Phòng thuộc Sở;
- Trung tâm thông tin và chương trình giáo dục;
- Lưu: VT, VP (Kh).

GIÁM ĐỐC




Nguyễn Văn Hiếu

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 3814/SGDĐT-VP năm 2022 hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và thống kê giáo dục năm học 2022-2023 do Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 3814/SGDĐT-VP
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 12/10/2022
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Văn Hiếu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/10/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản