Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 132/KH-UBND

Đà Nẵng, ngày 14 tháng 7 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI TIÊM CHỦNG VẮC XIN PHÒNG COVID-19 CHO CÁC NHÓM ĐỐI TƯỢNG TẠI THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG TRONG THỜI GIAN ĐẾN

Căn cứ Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH12 ngày 21/11/2007;

Căn cứ Nghị định 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng;

Căn cứ Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế;

Căn cứ Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết một số điều của Nghị định 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng;

Căn cứ Kế hoạch số 215/KH-UBND ngày 21/12/2021 của UBND thành phố về việc tổ chức chiến dịch tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại vắc xin phòng COVID-19 tại thành phố Đà Nẵng năm 2021-2022;

Căn cứ Kế hoạch số 78/KH-UBND ngày 13/4/2022 của UBND thành phố về việc triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi tại thành phố Đà Nẵng;

Căn cứ Kế hoạch số 111/KH-UBND ngày 11/6/2022 của UBND thành phố về tổ chức tiêm liều nhắc lại vắc xin phòng COVID-19 lần 2 (mũi 4) tại thành phố Đà Nẵng năm 2022;

Căn cứ Kế hoạch số 117/KH-UBND ngày 23/6/2022 của UBND thành phố về việc triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 mũi nhắc lại (mũi 3) cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi tại thành phố Đà Nẵng;

UBND thành phố ban hành kế hoạch triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho các nhóm đối tượng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong thời gian đến với các nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu

a) Sử dụng vắc xin phòng COVID-19 an toàn và hiệu quả.

b) Tất cả đối tượng đáp ứng đủ điều kiện tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế đều được tiêm chủng.

c) Tiếp nhận, điều phối, cung ứng kịp thời cho các đơn vị thực hiện tiêm chủng.

d) Đảm bảo việc thực hiện kiểm soát lây nhiễm bệnh COVID-19 trong quá trình tiêm chủng theo quy định.

2. Yêu cầu

a) Đảm bảo an toàn tiêm chủng và phòng, chống dịch hiệu quả trong quá trình triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

b) Cơ bản hoàn thành việc tiêm chủng cho các nhóm đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng theo quy định của Bộ Y tế trong tháng 7 và tháng 8/2022. Tiếp tục tiêm vét cho các đối tượng chưa đủ điều kiện tiêm chủng trong các tháng trước đó và thực hiện các mũi tiêm mới cho các đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế (nếu có) trong các tháng tiếp theo.

c) Huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia tiêm chủng; huy động các lực lượng trong và ngoài ngành y tế; lực lượng công an, quân đội, các tổ chức chính trị - xã hội, các ban, ngành và đoàn thể hỗ trợ triển khai tiêm chủng.

II. ĐỐI TƯỢNG TIÊM CHỦNG VÀ LOẠI VẮC XIN SỬ DỤNG

1. Đối tượng tiêm chủng

a) Đối tượng trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi

Tiêm chủng mũi 1, mũi 2 cho trẻ em từ 05 đến dưới 12 tuổi đang cư trú trên địa bàn thành phố (bao gồm trẻ đi học hoặc không đi học, người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài).

b) Đối tượng từ 12 tuổi trở lên

- Tiêm chủng mũi 1, mũi 2, mũi nhắc lại cho đối tượng từ 12 đến 17 tuổi đủ điều kiện tiêm chủng.

- Tiêm chủng mũi 1, mũi 2, mũi bổ sung, mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên đủ điều kiện tiêm chủng.

- Tiêm chủng mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4) cho các đối tượng: Người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng; người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm có nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID-19 như cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu (lực lượng công an, quân đội, giáo viên, người làm việc trong lĩnh vực giao thông vận tải, người cung cấp dịch vụ thiết yếu, người làm việc tại cơ sở dịch vụ du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ), công nhân, người làm việc các khu công nghiệp.

(Đối tượng tiêm chủng sẽ được cập nhật theo hướng dẫn của Bộ Y tế)

(Số lượng đối tượng dự kiến tiêm chủng các mũi nhắc lại cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên và tiêm chủng liều cơ bản cho trẻ từ 05 đến dưới 12 tuổi trong thời gian đến theo phụ lục đính kèm)

2. Loại vắc xin sử dụng

Vắc xin được sử dụng cho từng nhóm đối tượng theo quy định của Bộ Y tế

(Sử dụng vắc xin phòng COVID-19 theo nguyên tắc vắc xin nào có hạn sử dụng ngắn thì sử dụng trước và sử dụng hết lô vắc xin đó rồi mới chuyển sang lô vắc xin có hạn xa hơn. Sử dụng vắc xin linh hoạt, phù hợp cho các nhóm đối tượng nhằm sử dụng vắc xin hiệu quả, tránh để vắc xin quá hạn gây lãng phí)

III. CÁC HOẠT ĐỘNG TRIỂN KHAI

1. Rà soát, lập danh sách đối tượng

a) UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm chỉ đạo điều tra, rà soát, lập danh sách đối tượng tiêm chủng, phối hợp với các đơn vị có liên quan trên địa bàn để điều tra, lập danh sách đối tượng.

- Tổng hợp danh sách trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi chưa tiêm đủ liều cơ bản, trẻ từ 12 đến 17 tuổi đủ điều kiện tiêm mũi nhắc lại theo trường học, lớp học và đảm bảo cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin theo đúng biểu mẫu quy định cho đối tượng trẻ em tại Hệ thống tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, chuyển danh sách đối tượng tiêm chủng cho đơn vị phụ trách tiêm chủng. Lưu ý: Danh sách bàn giao cho các đơn vị tiêm chủng cần được rà soát kỹ để đảm bảo xây dựng kế hoạch tiêm chủng sát với thực tế. UBND quận, huyện chịu trách nhiệm về đối tượng, danh sách và thời gian cung cấp.

- Rà soát, lập danh sách các đối tượng từ 18 tuổi trở lên chưa tiêm liều nhắc lại lần 1, đối tượng có chỉ định tiêm liều nhắc lại lần 2 để tổ chức tiêm chủng.

b) Các Sở: Lao động - Thương binh và Xã hội; Công Thương; Giao thông vận tải; Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo và các sở, ban, ngành trên địa bàn thành phố: Chủ động thông tin đến cơ quan, đơn vị thuộc quản lý có đối tượng chưa tiêm mũi nhắc lại lần 1 và các đối tượng có chỉ định tiêm mũi nhắc lại lần 2 thực hiện đăng ký tại địa bàn cư trú. Trong trường hợp đơn vị rà soát và lập danh sách đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng có thể chuyển số lượng, danh sách về UBND quận, huyện thuộc địa bàn quản lý để lên kế hoạch tiêm chủng kịp thời.

c) Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp: Tiến hành rà soát, lập danh sách đối tượng người lao động tại các doanh nghiệp, công ty có chỉ định tiêm chủng mũi nhắc lại lần 1, nhắc lại lần 2 để tổ chức tiêm chủng. Danh sách cần phân tích theo địa bàn quận, huyện và gửi về đơn vị phụ trách tiêm chủng, tạo điều kiện cho người lao động được tiêm chủng đầy đủ theo khuyến cáo.

d) Sở Y tế

- Chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố tiến hành rà soát lập danh sách cán bộ y tế, các đối tượng có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng đang điều trị tại các bệnh viện để tiêm chủng mũi nhắc lại lần 2

- Chỉ đạo các đơn vị phụ trách tiêm chủng chủ động trích xuất danh sách đối tượng tiêm chủng trên Hệ thống tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 để hỗ trợ rà soát, mời tiêm; bàn giao danh sách cho UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan để hỗ trợ rà soát và mời tiêm trong trường hợp cần tổ chức tiêm vét.

(Các đơn vị căn cứ hướng dẫn của Bộ Y tế để tiếp tục cập nhật, rà soát các đối tượng có chỉ định tiêm chủng theo quy định)

2. Tiếp nhận, cấp phát và phân bổ vắc xin, vật tư tiêm chủng

Sau khi được phân bổ vắc xin từ Bộ Y tế, việc tiếp nhận, bảo quản và phân bổ vắc xin tiêm chủng phòng COVID-19 theo quy định.

3. Công tác truyền thông

- Tiếp tục triển khai các nội dung hoạt động truyền thông tại Kế hoạch số 119/KH-UBND ngày 25/6/2022 của UBND thành phố cho giai đoạn tiếp theo.

- Về nội dung truyền thông:

Thời gian qua, tình hình dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát nhưng còn diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự báo, xuất hiện biến chủng mới, vắc xin giảm khả năng miễn dịch theo thời gian, vắc xin là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng, chống dịch COVID-19. Vì vậy cần tiếp tục tiêm vắc xin các mũi nhắc lại và tiêm vắc xin cho trẻ em theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tuyên truyền về vai trò của tiêm chủng trong kiểm soát dịch bệnh, tạo điều kiện khôi phục và phát triển kinh tế xã hội nhất là đối với các đơn vị, công ty, doanh nghiệp, các loại hình dịch vụ có tập trung đông người.

Truyền thông về hướng dẫn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19: tiêm nhắc lại mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, tiêm mũi 4 cho người có nguy cơ cao và tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại công văn số 3309/BYT-DP ngày 23/6/2022 về hướng dẫn tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Truyền thông về hiệu quả của vắc xin phòng COVID-19 trong phòng, chống dịch: giảm tỷ lệ mắc COVID-19 phải nhập viện, giảm tỷ lệ mắc COVID19 diễn biến nặng, giảm tử vong do COVID-19.

Các tài liệu truyền thông về vắc xin phòng COVID-19 đã được Bộ Y tế biên soạn, xây dựng và cập nhật thường xuyên trên Kho dữ liệu điện tử truyền thông COVID-19. Tài liệu truyền thông về vắc xin phòng COVID-19 tại link: https://1drv.ms/u/s!Amm0pPafka615U3FFFQKtq3itPOV?e=wb8xvG

Căn cứ nội dung, thông điệp, tài liệu truyền thông của Bộ Y tế, các đơn vị lựa chọn nội dung, xây dựng các thông điệp phù hợp tình hình địa phương

- Hình thức truyền thông:

Đa dạng hóa các hình thức truyền thông phù hợp để triển khai mạnh mẽ công tác truyền thông về tiêm chủng vắc xin COVID-19 trên địa bàn.

Tăng cường truyền thông sâu rộng trên các phương tiện truyền thông của địa phương thông qua các bài viết, tin, ảnh, phóng sự, chương trình truyền hình, phát thanh, tọa đàm, giao lưu trực tuyến trên báo điện tử, trả lời của chuyên gia...; tiếp sóng, phát lại các tọa đàm, phóng sự, giao lưu chuyên gia do Trung ương tổ chức.

Tăng cường truyền thông trên mạng xã hội (Facebook, Zalo, Youtube,...), sử dụng các trang mạng xã hội của địa phương để truyền thông sâu rộng đến các nhóm đối tượng; truyền thông qua tin nhắn SMS trên điện thoại di động để vận động người dân tham gia tiêm chủng an toàn.

Đẩy mạnh truyền thông vận động người dân biết, hiểu và thực hiện tiêm vắc xin COVID-19 để phòng chống dịch; chú trọng sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội trong tổ chức các chiến dịch truyền thông, các hoạt động truyền thông trực tiếp tại cộng đồng đến các nhóm đối tượng đích.

Truyền thông đảm bảo nguyên tắc “Đi trước một bước”, thường xuyên, liên tục và rộng khắp từ các tuyến thành phố đến xã, phường nhằm lan toả thông tin đúng, tích cực, đạt hiệu quả vận động cộng đồng tham gia tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

4. Thiết lập điểm tiêm chủng

Căn cứ tình hình thực tế, các đơn vị, địa phương chủ động xây dựng phương án triển khai tiêm chủng hiệu quả, theo hướng tạo điều kiện để mọi đối tượng tiếp cận tiêm chủng thuận lợi. Có thể triển khai đồng thời tất cả các điểm tiêm sau để thực hiện đảm bảo tiến độ đề ra, cụ thể như sau:

- Triển khai tiêm chủng tại các điểm tiêm chủng quy mô lớn đã được thiết lập trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

- Triển khai tiêm chủng tại Trung tâm Y tế quận, huyện; Trạm Y tế xã phường

- Triển khai tiêm chủng bằng xe tiêm lưu động

- Triển khai tiêm chủng lưu động tại nhà, tại trường học, tại các trung tâm ...

Ngoài ra triển khai tiêm chủng tại các đơn vị/cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng như: Bệnh viện Phụ sản Nhi, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Bệnh viện Đà Nẵng, các bệnh viện Bộ, ngành, tư nhân...

5. Tổ chức tiêm chủng

a) Tổ chức tiêm chủng: Theo quy định tại Quyết định số 3588/QĐ-BYT ngày 26/7/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và Quyết định số 43/QĐ-BYT ngày 07/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 3588/QĐ-BYT.

b) Giám sát và xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19

- Tư vấn những bất lợi có thể gặp trong quá trình tiêm chủng, cách theo dõi sau tiêm chủng.

- Thành lập đội cấp cứu lưu động, bộ phận theo dõi xử trí và các phương tiện kèm theo; bộ phận và phương tiện hỗ trợ cấp cứu, vận chuyển tại các điểm tiêm chủng; cung cấp số điện thoại đường dây nóng để người dân liên hệ trong trường hợp cần thiết.

6. Hoạt động kiểm tra, giám sát và báo cáo hoạt động tiêm chủng

a) Thực hiện công tác kiểm tra,giám sát trước, trong và sau quá trình triển khai các đợt tiêm chủng: Ban Chỉ đạo, Sở Y tế và các đơn vị có liên quan.

b) Báo cáo kết quả tiêm chủng hàng ngày, báo cáo kết thúc và báo cáo đột xuất khi có yêu cầu.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Từ nguồn kinh phí Trung ương, nguồn kinh phí địa phương, các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

a) Căn cứ vào số lượng, loại vắc xin phòng COVID-19 được phân bổ, xây dựng kế hoạch và phân bổ vắc xin phòng COVID-19 từng đợt cho các địa phương triển khai tiêm chủng theo quy định.

b) Phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai ngay các đợt cao điểm truyền thông trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng về lợi ích của tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho các nhóm đối tượng; các nội dung, hình thức truyền thông thay đổi đa dạng, dễ nghe, dễ nhớ, dễ hiểu, phù hợp với nhiều nhóm đối tượng và tình hình thực tế tại địa phương.

c) Theo dõi tiến độ tiêm chủng của toàn thành phố và từng địa phương để tham mưu đề xuất các biện pháp triển khai thực hiện và điều phối vắc xin kịp thời.

2. Sở Tài chính

a) Tham mưu cho UBND thành phố về nguồn kinh phí sử dụng tiêm vắc xin phòng COVID-19

b) Chủ trì phối hợp với Sở Y tế trong hướng dẫn thực hiện thủ tục thanh quyết toán theo quy định.

3. Sở Thông tin và Truyền thông

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị, địa phương triển khai kế hoạch, giải pháp truyền thông về tiêm chủng, đặc biệt là việc tiêm mũi nhắc lại để phòng dịch bệnh bùng phát trở lại và công tác tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Chủ động nghiên cứu, rà soát, tham mưu UBND thành phố điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch số 119/KH-UBND ngày 25/6/2022 của UBND thành phố trong trường hợp cần thiết đảm bảo hiệu quả công tác truyền thông và tiến độ mục tiêu của Kế hoạch này.

b) Phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị có liên quan khắc phục các bất cập trên hệ thống tiêm chủng quốc gia nhằm hỗ trợ kịp thời trong công tác trích xuất dữ liệu rà soát, lập kế hoạch mời tiêm chủng.

4. Sở Giáo dục và Đào tạo

a) Chỉ đạo các trường học trên địa bàn và các bộ phận có liên quan trong việc rà soát danh sách đối tượng tiêm chủng và cung cấp các thông tin về tiêm chủng cho phụ huynh/người giám hộ để đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ theo quy định.

b) Phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế, các địa phương trong việc tuyên truyền ý nghĩa, lợi ích của hoạt động tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ đến cán bộ, giáo viên, vận động phụ huynh, người giám hộ cho trẻ tham gia tiêm vắc xin phòng COVID-19. Phối hợp tổ chức tiêm chủng cho trẻ đang đi học thuộc các trường quản lý và trong công tác bố trí, điều phối điểm tiêm chủng trong trường hợp bố trí các điểm tiêm chủng lưu động tại trường.

c) Phân công cán bộ làm đầu mối tiếp nhận và phối hợp, xử lý thông tin liên quan đến tiêm vắc xin phòng COVID-19.

d) Triển khai việc phát động, tuyên truyền trong đội ngũ giáo viên, giảng viên, người làm việc tại các trường học trên địa bàn tham gia tiêm chủng mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) đầy đủ theo quy định để tăng cường miễn dịch, bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường: Phối hợp tham gia kiểm tra, giám sát việc xử lý thu gom rác thải tại các điểm tiêm phòng COVID-19 theo quy định.

6. Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp

a) Tiếp tục triển khai công tác tiêm chủng cho người lao động chưa tiêm mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4). Thông báo lịch, địa điểm tiêm chủng cho người lao động tham gia đầy đủ.

b) Chủ động làm việc với các chủ doanh nghiệp, công ty để triển khai tiêm chủng cho người lao động đầy đủ theo quy định. Triển khai các biện pháp tuyên truyền, vận động người lao động tham gia tiêm chủng mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4); đảm bảo tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng COVID-19 tại các doanh nghiệp, công ty thuộc các khu công nghiệp.

c) Phối hợp với các đơn vị tiêm chủng trong trường hợp bố trí điểm tiêm lưu động tại các khu công nghiệp, đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất để đơn vị phụ trách tiêm chủng triển khai tiêm chủng theo quy định.

7. Sở Du lịch, Sở Công Thương, Sở Giao thông vận tải, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan, sở, ban, ngành, hội, đoàn thể thành phố

a) Chủ động thông tin đến các cơ quan, đơn vị thuộc quản lý có các trường hợp chưa tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3), các trường hợp có chỉ định tiêm mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4) thực hiện đăng ký tại địa bàn cư trú và tham gia tiêm chủng theo thời gian của Kế hoạch này.

b) Triển khai việc phát động, tuyên truyền trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại đơn vị, các đơn vị trực thuộc và các đối tượng do ngành quản lý tham gia tiêm chủng mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) đầy đủ theo quy định để tăng cường miễn dịch, bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.

c) Người đứng đầu, cán bộ, đảng viên các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể nêu gương, đi đầu trong việc tham gia tiêm chủng và vận động tuyên truyền cán bộ, người thân, nhân dân đi tham gia tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ để tăng cường miễn dịch, bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.

8. UBND quận, huyện

a) Tiếp tục khẩn trương triển khai các biện pháp hiệu quả để tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho các đối tượng nhằm đạt tỷ lệ tiêm chủng theo chỉ đạo của Chính phủ và sử dụng có hiệu quả số lượng vắc xin phòng COVID-19 đã phân bổ cho các địa phương.

b) Tiếp tục huy động lực lượng “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” đảm bảo không bỏ sót đối tượng tiêm chủng; vận động người dân tham gia tiêm chủng kịp thời và đầy đủ để đạt được hiệu quả phòng dịch bệnh tốt nhất; cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tại địa phương, cơ sở phải gương mẫu trong việc đi tiêm vắc xin và vận động người thân đi tiêm vắc xin. Làm việc với các doanh nghiệp, công ty trên địa bàn (không thuộc quản lý của Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp) để triển khai tiêm chủng cho người lao động kịp thời theo quy định.

c) Chỉ đạo Phòng Y tế quận, huyện và các phòng, ban có liên quan phối hợp với các đơn vị phụ trách tiêm chủng trong công tác rà soát, mời tiêm và tổ chức phục vụ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho các đối tượng tại điểm tiêm chủng.

d) Thực hiện truyền thông liên tục các thông điệp tuyên truyền về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho các đối tượng trên các phương tiện thông tin tại địa phương; truyền tải nội dung đến các Tổ trưởng Tổ dân phố, các Bí thư chi bộ, Hội phụ nữ và các hội, đoàn thể địa phương để lồng ghép trong các cuộc họp, tuyên truyền, phổ biến cho người dân đưa trẻ đi tiêm chủng.

9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố: Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho các nhóm đối tượng.

10. Đề nghị Liên đoàn Lao động thành phố: Tăng cường vận động, tuyên truyền, khuyến khích công nhân, người làm việc tại các công ty, doanh nghiệp thuộc các khu công nghiệp tham gia tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) đầy đủ.

Nhận được Kế hoạch này, đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- TT TU, TT HĐND TP (báo cáo);
- CT, các PCT UBND TP;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể (để thực hiện);
- UBND các quận, huyện (để thực hiện);
- CVP và PCVP UBND TP;
- Lưu: VT, SYT.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Ngô Thị Kim Yến

 

PHỤ LỤC 1

SỐ LƯỢNG ĐỐI TƯỢNG DỰ KIẾN CẦN TIÊM VẮC XIN PHÒNG COVID-19 CHO TRẺ EM TỪ 5- DƯỚI 12 TUỔI TRONG THỜI GIAN ĐẾN
(Kèm theo Kế hoạch số 132/KH-UBND ngày 14/7/2022 của UBND thành phố)

TT

Quận, huyện

Số đối tượng quản lý (*)

Số lượng dự kiến trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi cần tiêm chủng (**)

Ghi chú

Mũi 1 (còn lại cần tiêm)

Mũi 2 tiêm trong tháng 7/2022

1

Cẩm Lệ

18.828

15.906

1.882

Căn cứ tình hình phân bổ vắc xin của Bộ Y tế để triển khai

- Dự kiến tháng 7/2022: tiêm chủng mũi 1 cho các trẻ đủ điều kiện và tiêm chủng mũi 2 cho các trẻ đã tiêm mũi 1 đủ 04 tuần

- Tháng 8/2022: tiêm chủng mũi 2 cho các trẻ đã tiêm mũi 1 trong tháng 07/2022 và tiếp tục tiêm vét

2

Hải Châu

28.108

25.113

3.660

3

Hòa Vang

18.061

14.246

3.059

4

Liên Chiểu

21.315

16.299

1.669

5

Ngũ Hành Sơn

12.713

9.604

1.846

6

Sơn Trà

16.943

9.991

3.720

7

Thanh Khê

17.020

11.050

3.580

 

Tổng

132.988

102.209

19.416

 

(*) Nguồn số liệu theo Kế hoạch số 78/KH-UBND ngày 13/4/2022 của UBND thành phố tổng hợp từ báo cáo của UBND các quận huyện

(**) Số đối tượng còn lại cần tiêm chưa loại trừ các trường hợp không đồng ý tiêm hoặc chưa đủ thời gian hoãn tiêm sau khi nhiễm COVID-19

 

PHỤ LỤC 2

SỐ LƯỢNG ĐỐI TƯỢNG DỰ KIẾN CẦN TIÊM VẮC XIN PHÒNG COVID-19 MŨI NHẮC LẠI ĐỐI VỚI TRẺ EM TỪ 12 ĐẾN 17 TUỔI VÀ MŨI NHẮC LẠI LẦN 1 ĐỐI VỚI NGƯỜI LỚN TỪ 18 TUỔI TRỞ LÊN
(Kèm theo Kế hoạch số 132/KH-UBND ngày 14/7/2022 của UBND TP)

TT

Quận, huyện

Từ 12 đến 17 tuổi

Từ 18 tuổi trở lên

Ghi chú

Số đối tượng quản lý (*)

Mũi nhắc lại (Còn lại cần tiêm) (***)

Số đối tượng quản lý (**)

Mũi nhắc lại lần 1 (Còn lại cần tiêm) (***)

1

Cẩm Lệ

14.997

13.443

115.514

10.361

- Tháng 7 - 8/2022: Dự kiến hoàn thành tiêm chủng cho các đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng

- Các tháng còn lại: tiếp tục tiêm vét cho các đối tượng chưa đủ điều kiện tiêm chủng trong các tháng trước đó

2

Hải Châu

16.046

15.499

160.477

55.133

3

Hòa Vang

14.958

13.418

109.659

25.368

4

Liên Chiểu

16.538

15.235

140.741

38.416

5

Ngũ Hành Sơn

8.905

7.922

73.580

14.049

6

Sơn Trà

14.757

13.087

123.341

32.962

7

Thanh Khê

16.024

14.532

151.845

43.831

Tổng cộng

102.225

93.136

875.157

220.120

 

(*) Nguồn số liệu: theo Kế hoạch số 188/KH-UBND ngày 30/10/2021 của UBND TP Đà Nẵng về việc ban hành kế hoạch triển khai tiêm chủng cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi tại thành phố Đà Nẵng.

(**) Nguồn số liệu: Theo Chi cục Dân số KHHGĐ thống kê năm 2020.

(***) Số đối tượng còn lại cần tiêm chưa loại trừ các trường hợp không đồng ý tiêm hoặc chưa đủ thời gian hoãn tiêm sau khi nhiễm COVID-19.

 

PHỤ LỤC 3

SỐ LƯỢNG ĐỐI TƯỢNG DỰ KIẾN CẦN TIÊM VẮC XIN PHÒNG COVID-19 MŨI NHẮC LẠI LẦN 2 TRONG THỜI GIAN ĐẾN
(Kèm theo Kế hoạch số 132/KH-UBND ngày 14/7/2022 của UBND thành phố)

Số lượng đối tượng được quản lý (*)

Số lượng còn lại tiêm mũi nhắc lại lần 2

Ghi chú

317.566

270.614

Số đối tượng còn lại cần tiêm chưa loại trừ các trường hợp không đồng ý tiêm hoặc chưa đủ thời gian hoãn tiêm sau khi nhiễm COVID-19.

(*) Nguồn số liệu: Theo Kế hoạch số 111/KH-UBND ngày 11/6/2022 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng về việc tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

Đối tượng được mũi nhắc lại lần 2 đang tiếp tục cập nhập số rà soát của các đơn vị theo hướng dẫn tại Công văn số 3309/BYT-DP ngày 23/6/2022.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 132/KH-UBND năm 2022 triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho các nhóm đối tượng tại thành phố Đà Nẵng trong thời gian đến

  • Số hiệu: 132/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 14/07/2022
  • Nơi ban hành: Thành phố Đà Nẵng
  • Người ký: Ngô Thị Kim Yến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản