Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 119/KH-UBND | Kiên Giang, ngày 09 tháng 6 năm 2021 |
Căn cứ Quyết định số 1896/QĐ-TTg ngày 17 tháng 12 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại ở Việt Nam đến năm 2020.
Thực hiện Chỉ thị số 42/CT-TTg ngày 08 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại.
Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 theo Quyết định số 1896/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và xây dựng kế hoạch tăng cường ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại đến năm 2025 như sau:
Thời gian qua, các sở ngành, địa phương đã có một số hoạt động nhằm quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh. Kết quả đạt được như sau:
1.1 Điều tra, thống kê loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn:
Trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, bằng nhiều phương pháp điều tra, thu thập thông tin và đánh giá thực tế sơ bộ đã ghi nhận xác định sự hiện diện của 08 loài ngoại lai xâm hại. Trong đó có 02 loài có diện tích xâm hại cao với mật độ và phân bố trên diện rộng là cá Lau kính và ốc Bươu vàng.
Tại Vườn Quốc gia Phú Quốc, cùng với sự phát triển các du lịch, hạ tầng giao thông quanh đảo, xuyên rừng và việc đi lại thuận lợi giữa đất liền và đảo, đã kéo theo sự xuất hiện của các loài ngoại lai xâm hại. Kết quả điều tra, đánh giá thực trạng xâm lấn của các loài thực vật ngoại lai tại Vườn Quốc gia Phú Quốc vào năm 2018 đã ghi nhận 05 loài thực vật ngoại lai xâm hại, ảnh hưởng đến Vườn Quốc gia.
Tại Vườn Quốc gia U Minh Thượng đã hoàn thành điều tra, đánh giá hiện trạng và mức độ xâm hại của các loài ngoại lai xâm hại vào năm 2019, đã ghi nhận đến 77 loài thực vật, 02 loài động vật ngoại lai xâm hại ở Vườn Quốc gia. Trong đó có 05 loài ngoại lai xâm hại theo Thông tư số 35/2018/TT-BTNMT và danh sách 100 loài nguy hiểm của thế giới theo GISD-IUCN và Vườn Quốc gia U Minh Thượng đã hoàn thành xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và sơ đồ phân bố của các loài ngoại lai xâm hại.
1.2. Tăng cường năng lực cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị kiểm dịch trong việc kiểm soát các loài ngoại lai:
Lực lượng hải quan cửa khẩu phối hợp chặt chẽ với đơn vị kiểm dịch tại cửa khẩu để tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các loài ngoại lai xâm hại.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện các hoạt động kiểm soát nuôi trồng, phát triển, sản xuất, kinh doanh loài ngoại lai trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; kiểm soát quy trình kiểm dịch động, thực vật nhập khẩu nhằm ngăn ngừa sinh vật ngoại lai xâm hại.
1.3. Thực hiện chương trình kiểm soát và diệt trừ loài ngoại lai đang xâm hại nghiêm trọng ở Việt Nam bao gồm: Ốc Bươu vàng (Pomacea canaliculata), cây Mai dương (Mimosa pigra), cây Trinh nữ móc (Mimosa diplotricha):
Mặc dù ở cấp Bộ ngành Trung ương chưa triển khai chương trình kiểm soát và diệt trừ trên phạm vi toàn quốc theo Quyết định 1896/QĐ-TTg, nhưng tại Kiên Giang, Vườn Quốc gia Phú Quốc và Vườn Quốc gia U Minh Thượng đã chủ động thực hiện tương đối tốt việc kiểm soát và diệt trừ các loài ngoại lai xâm hại đối với diện tích rừng đặc dụng, từng bước kịp thời, ngăn chặn và khống chế diện tích xâm lấn của 02 loài cây Mai dương (Mimosa pigra), cây Trinh nữ móc (Mimosa diplotricha) tại Vườn Quốc gia Phú Quốc và Vườn Quốc gia U Minh Thượng.
1.4. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ngăn ngừa và kiểm soát loài ngoại lai xâm hại:
Các sở, ban ngành đã tổ chức triển khai, chỉ đạo trong hệ thống ngành, địa phương về quản lý, kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại. Công tác tuyên truyền về tác hại của sinh vật ngoại lai cũng được thực hiện thường xuyên thông qua các đợt tuyên truyền hưởng ứng ngày Quốc tế đa dạng sinh học, ngày Môi trường thế giới hàng năm của các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh. Các cơ quan báo chí như Báo Kiên Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang đã có nhiều tin, bài tuyên truyền về ngăn ngừa và kiểm soát loài ngoại lai xâm hại để người dân biết.
2. Những tồn tại, khó khăn và nguyên nhân:
Mặc dù việc thực hiện Đề án ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại thời gian qua đạt được một số kết quả, nhưng vẫn còn những tồn tại, khó khăn sau:
- Về nhận thức: nhận thực của các cơ quan quản lý và nhân dân về tác hại của sinh vật ngoại lai xâm hại còn hạn chế. Vào các dịp lễ tết, tại các địa phương vẫn còn tồn tại việc mua bán rùa tai đỏ để phóng sinh. Nguyên nhân chính là do hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức chưa thực sự hiệu quả, chưa xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
- Về quy định pháp luật: quy định về quản lý loài ngoại lai xâm hại tại Luật Đa dạng sinh học còn chung chung, mới chỉ đề cập đến trách nhiệm điều tra, lập danh mục loài ngoại lai xâm hại; kiểm soát việc nhập khẩu, xâm nhập từ bên ngoài của loài ngoại lai; kiểm soát nuôi trồng loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại; lây lan và phát triển của loài ngoại lai xâm hại; công khai thông tin về loài ngoại lai xâm hại. Thiếu các quy định cụ thể hỗ trợ hoạt động kiểm soát, phòng ngừa như phân tích, đánh giá nguy cơ xâm hại của loài ngoại lai, vận chuyển, sản xuất, kinh doanh...Pháp luật chưa mang tính bao quát, dự báo đến các trường hợp xảy ra trong thực tiễn. Trong khi đó, Luật Đa dạng sinh học không quy định việc ban hành các văn bản nêu trên do đó không có căn cứ pháp lý để xây dựng các văn bản hướng dẫn về kiểm soát, phòng ngừa, đánh giá nguy cơ...các loài ngoại lai xâm hại.
- Về thực thi pháp luật: mặc dù Luật Đa dạng sinh học quy định cấm nhập khẩu, phát triển loài ngoại lai nhưng trên thực tế, nhiều loài vẫn được phát tán thường xuyên, trường hợp điển hình là hoạt động phóng sinh Rùa tai đỏ. Các hành vi trái phép không được phát hiện bởi các cơ quan thực thi pháp luật mà nhiều khi do phản ánh của các cơ quan ngôn luận. Các chế tài xử lý các hành vi vi phạm quy định về quản lý loài ngoại lai xâm hại chưa được thống nhất, thiếu tính khả thi.
- Về nguồn lực quản lý loài ngoại lai xâm hại: nguồn tài chính để thực hiện các hoạt động tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, điều tra, đánh giá, kiểm soát, diệt trừ các loài ngoại lai rất hạn chế. Nguồn nhân lực và năng lực để quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.
- Về năng lực, kỹ thuật quản lý loài ngoại lai xâm hại: thiếu các kỹ năng nhận dạng và xác định chính xác loài ngoại lai xâm hại; các biện pháp, công nghệ để kiểm soát loài ngoại lai xâm hại còn hạn chế.
- Về cơ chế phối hợp trong quản lý loài ngoại lai xâm hại: hiện nay, cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành và với địa phương còn yếu và chậm. Nhiều nhiệm vụ của các bộ, ngành được giao trong Quyết định số 1896/QĐ-TTg ngày 17/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ đến nay chưa triển khai thực hiện và các Bộ, ngành chưa hướng dẫn để địa phương thực hiện. Từ đó, dẫn tới địa phương lúng túng hoặc không có khả năng tự triển khai thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ được giao trong Quyết định số 1896/QĐ-TTg ngày 17/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG NGĂN NGỪA VÀ KIỂM SOÁT SINH VẬT NGOẠI LAI XÂM HẠI ĐẾN 2025
1.1. Điều tra, thống kê xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh:
a) Nội dung thực hiện:
- Điều tra, đánh giá hiện trạng và mức độ xâm hại của các loài ngoại lai xâm hại; thống kê, xây dựng và công bố danh mục loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh.
- Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và sơ đồ phân bố của các loài ngoại lai xâm hại.
b) Thời gian thực hiện: 2022 - 2024.
c) Cơ quan thực hiện:
- Cơ quan chủ trì: Sở Tài nguyên và Môi trường.
- Cơ quan phối hợp: Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, Vườn Quốc gia Phú Quốc, Vườn Quốc gia U Minh Thượng, Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.
1.2. Tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị kiểm dịch trong việc kiểm tra, giám sát các loài ngoại lai trên địa bàn tỉnh:
a) Nội dung thực hiện:
- Đào tạo kiến thức chuyên môn về các lĩnh vực liên quan đến sinh vật ngoại lai cho lãnh đạo và chuyên viên Sở Tài nguyên và Môi trường (Thanh tra Sở, Chi cục Bảo vệ môi trường), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Thanh tra Sở, Chi cục Kiểm lâm, các Hạt Kiểm lâm, Chi cục Nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thú y, Chi cục Bảo vệ thực vật, Chi cục Nuôi trồng thủy sản), Cục Quản lý thị trường tỉnh, Cục Hải quan tỉnh, Cảnh sát môi trường, các Khu bảo tồn thiên nhiên trên địa bàn tỉnh; bồi dưỡng nâng cao năng lực và thực hiện việc giám sát đối với nuôi, trồng, lưu giữ loài ngoại lai làm cảnh xâm hại và có nguy cơ xâm hại.
- Đào tạo, tập huấn cho các cán bộ kiểm dịch, bảo vệ thực vật, bảo vệ động vật (thú y, dịch bệnh), khuyến nông, khuyến ngư,...các huyện, thành phố.
- Xây dựng năng lực và tăng cường thực hiện cơ chế giám sát đối với việc nuôi trồng, phát triển các loài ngoại lai trong danh mục loài có nguy cơ xâm hại và xâm hại.
b) Thời gian thực hiện: 2021 - 2025.
c) Cơ quan thực hiện:
- Cơ quan chủ trì:
Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện đào tạo kiến thức chuyên môn về các lĩnh vực liên quan đến sinh vật ngoại lai;
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện đào tạo, tập huấn cho các cán bộ kiểm dịch, bảo vệ thực vật, bảo vệ động vật (thú y, dịch bệnh), khuyến nông, khuyến ngư,...các huyện, thành phố; xây dựng năng lực và tăng cường thực hiện cơ chế giám sát đối với nuôi trồng, phát triển các loài ngoại lai trong danh mục loài có nguy cơ xâm hại và xâm hại.
- Cơ quan phối hợp: Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Các Khu Bảo tồn thiên nhiên trong tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.
1.3. Xây dựng năng lực khảo nghiệm, đánh giá khả năng xâm hại của loài ngoại lai:
a) Nội dung thực hiện:
- Nghiên cứu, áp dụng các biện pháp, quy định đánh giá khả năng xâm hại của loài ngoại lai đối với môi trường và đa dạng sinh học.
- Nghiên cứu và thực hiện các mô hình khảo nghiệm, đánh giá khả năng xâm hại của loài ngoại lai đối với môi trường và đa dạng sinh học.
- Xây dựng và thực hiện các mô hình khảo nghiệm, đánh giá các loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại mới nhập khẩu vào tỉnh; tăng cường đầu tư trang thiết bị, kỹ thuật đối với các cơ sở khảo nghiệm.
b) Thời gian thực hiện: 2021 - 2025
c) Cơ quan thực hiện:
- Cơ quan chủ trì: Sở Khoa học và Công nghệ.
- Cơ quan phối hợp: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, các Khu bảo tồn thiên nhiên trong tỉnh, UBND các huyện, thành phố.
1.4. Thực hiện chương trình kiểm soát và diệt trừ các loài ngoại lai xâm hại nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh, bao gồm: ốc Bươu vàng (Pomacea canaliculata), cây Mai dương (Mimosa pigra), rùa Tai đỏ (Trachemys scripta subsp), cá Dọn bể (Hypostomus punctatus):
a) Nội dung thực hiện:
- Đánh giá, lựa chọn, áp dụng thử nghiệm các giải pháp kiểm soát, diệt trừ các loài ngoại lai xâm hại: ốc Bươu vàng, cây Mai dương, cá Dọn bể tại một số huyện.
- Triển khai áp dụng chương trình kiểm soát và diệt trừ, đồng thời tập huấn, hướng dẫn việc kiểm soát và diệt trừ các loài ngoại lai xâm hại: ốc Bươu vàng, cây Mai dương, cá Dọn bể trên địa bàn tỉnh.
b) Thời gian thực hiện: 2022 - 2025.
c) Cơ quan thực hiện:
- Cơ quan chủ trì: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Cơ quan phối hợp: Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường, Các Khu bảo tồn thiên nhiên trong tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, UBND cấp xã có liên quan.
1.5. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ngăn ngừa, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh:
a) Nội dung thực hiện:
- Xây dựng chương trình đào tạo, truyền thông về ngăn ngừa và kiểm soát loài ngoại lai xâm hại cho các nhóm đối tượng:
Cán bộ chuyên môn thuộc cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh; huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn;
Các Ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên;
Các tổ chức, cá nhân có hoạt động buôn bán, tiêu thụ, lưu giữ các loài ngoại lai xâm hại;
Học sinh các trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông.
- Khuyến khích, huy động cộng đồng tham gia phòng ngừa, giám sát và kiểm soát loài ngoại lai xâm hại; tăng cường tuyên truyền về loài ngoại lai xâm hại trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống phát thanh cấp xã và các hình thức khác như: Tọa đàm, hội thảo, trao đổi nhóm, phát tờ rơi...
b) Thời gian thực hiện: 2021 - 2025.
c) Cơ quan thực hiện:
- Cơ quan chủ trì: Sở Tài nguyên và Môi trường.
- Cơ quan phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giáo dục và Đào tạo, các Khu bảo tồn thiên nhiên trong tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Ủy ban nhân dân cấp xã có liên quan.
2.1. Về quản lý nhà nước:
- Xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện nội dung kiểm soát loài ngoại lai xâm hại theo quy định của Luật Đa dạng sinh học; các văn bản quy định về xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến loài ngoại lai xâm hại.
- Xây dựng, ban hành các hướng dẫn kỹ thuật, quy chuẩn, tiêu chuẩn về quản lý loài ngoại lai xâm hại.
- Quản lý chặt chẽ hoạt động nuôi, trồng loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong nhập khẩu, phát tán, nuôi trồng và kinh doanh trái phép loài ngoại lai xâm hại.
- Tăng cường cơ chế phối hợp giữa chính quyền địa phương, cơ quan kiểm dịch và người dân; giữa các đơn vị kiểm định, khảo nghiệm và cơ quan hải quan trong công tác phòng ngừa và kiểm soát loài ngoại lai xâm hại.
- Tăng cường các hoạt động kiểm tra, hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ; khuyến khích xã hội hóa các hoạt động phòng ngừa và kiểm soát loài ngoại lai xâm hại.
2.2. Về kỹ thuật, công nghệ:
- Nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong phát hiện, khảo nghiệm, phân tích nguy cơ, đánh giá rủi ro đến môi trường và đa dạng sinh học, kiểm soát và diệt trừ các loài ngoại lai xâm hại; nghiên cứu, xác định hướng lây lan của các loài ngoại lai xâm hại do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
- Kế thừa, áp dụng các giải pháp hiệu quả trong kiểm soát, diệt trừ các loài ngoại lai xâm hại được công bố trên các bài Báo khoa học, các công trình nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, áp dụng các biện pháp phòng trừ sinh học và giải pháp tổng hợp trong kiểm soát, diệt trừ các loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh.
- Nghiên cứu giải pháp phục hồi hệ sinh thái bằng các loài cây bản địa nhằm ngăn ngừa sự tái xâm nhập của loài ngoại lai xâm hại.
2.3. Về liên kết các tỉnh và hợp tác quốc tế:
- Tăng cường hợp tác với các tỉnh, thành phố và với các nước, đặc biệt với các nước trong khu vực ASEAN trong việc xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, tổ chức diễn đàn, mạng lưới trao đổi kinh nghiệm về ngăn ngừa và kiểm soát loài ngoại lai xâm hại.
- Tích cực tham gia và thực hiện các điều ước quốc tế về ngăn ngừa và kiểm soát loài ngoại lai xâm hại.
- Đa dạng hóa các hình thức hợp tác song phương, đa phương với các địa phương, tổ chức quốc tế về ngăn ngừa và kiểm soát loài ngoại lai xâm hại; thiết lập mạng lưới và xây dựng cơ chế trao đổi thông tin về loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh với các tỉnh lân cận.
2.4. Về kinh phí thực hiện:
- Kinh phí để triển khai thực hiện Kế hoạch từ nguồn ngân sách sự nghiệp môi trường tỉnh và nguồn xã hội hóa.
- Nguồn kinh phí thực hiện trên cơ sở được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo từng dự án, nhiệm vụ cụ thể và theo quy định của pháp luật.
- Trên cơ sở các nhiệm vụ chủ yếu (Mục 2.1 của Kế hoạch), các đơn vị được giao chủ trì lập dự án, đề xuất thực hiện nhiệm vụ cụ thể để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
- Giao Sở Tài nguyên và Môi trường làm cơ quan đầu mối; chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và UBND huyện, thành phố lập kế hoạch, chương trình cụ thể để triển khai thực hiện tăng cường ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại đến năm 2025; định kỳ hàng năm, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các sở, ban, ngành có liên quan khác; UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện Kế hoạch này.
Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị báo cáo, phản ánh về Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh cho phù hợp./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Chỉ thị 05/CT-UBND năm 2021 về tăng cường công tác quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh Quảng Bình
- 2Chỉ thị 07/CT-UBND năm 2021 về tăng cường công tác quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên
- 3Chỉ thị 08/CT-UBND năm 2021 về tăng cường công tác quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn thành phố Hải Phòng
- 4Kế hoạch 218/KH-UBND năm 2021 tăng cường ngăn ngừa và kiểm soát loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh Sơn La trong giai đoạn 2021-2025
- 5Kế hoạch 79/KH-UBND năm 2024 về kiểm soát, cô lập, diệt trừ loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
- 1Luật đa dạng sinh học 2008
- 2Quyết định 1896/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Đề án ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại ở Việt Nam đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Thông tư 35/2018/TT-BTNMT về tiêu chí xác định và ban hành Danh mục loài ngoại lai xâm hại do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 4Chỉ thị 42/CT-TTg năm 2020 về tăng cường công tác quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Chỉ thị 05/CT-UBND năm 2021 về tăng cường công tác quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh Quảng Bình
- 6Chỉ thị 07/CT-UBND năm 2021 về tăng cường công tác quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên
- 7Chỉ thị 08/CT-UBND năm 2021 về tăng cường công tác quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn thành phố Hải Phòng
- 8Kế hoạch 218/KH-UBND năm 2021 tăng cường ngăn ngừa và kiểm soát loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh Sơn La trong giai đoạn 2021-2025
- 9Kế hoạch 79/KH-UBND năm 2024 về kiểm soát, cô lập, diệt trừ loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
Kế hoạch 119/KH-UBND năm 2021 về tăng cường công tác quản lý, kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2025
- Số hiệu: 119/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 09/06/2021
- Nơi ban hành: Tỉnh Kiên Giang
- Người ký: Nguyễn Thanh Nhàn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra