Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 42/CT-TTg

Hà Nội, ngày 08 tháng 12 năm 2020

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, KIỂM SOÁT LOÀI NGOẠI LAI XÂM HẠI

Quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại là quan điểm nhất quán của Việt Nam trong thực tiễn để duy trì cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân, góp phần phát triển bền vững đất nước. Thời gian qua, hệ thống pháp luật về quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại của nước ta đã dần được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp với các Công ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ nhằm ngăn ngừa, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số loài ngoại lai xâm hại xuất hiện tại một số địa phương, có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực tới đa dạng sinh học, môi trường, kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp; nguy cơ nhập khẩu trái phép, nuôi trồng, phát tán loài ngoại lai xâm hại tại Việt Nam khá cao. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức chưa đầy đủ về nguy cơ gây hại của việc nhập lậu, nuôi trồng, phóng thích các loài ngoại lai xâm hại; tại một số địa phương, vấn đề kiểm soát loài ngoại lai còn chưa được quan tâm đúng mức, thiếu chủ động, khi phát sinh vụ việc mới triển khai xử lý và thiếu sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng về thực thi pháp luật để kiểm soát loài ngoại lai xâm hại.

Để kịp thời ngăn ngừa và kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về nuôi trồng, phát triển, kinh doanh loài ngoại lai xâm hại; tăng cường công tác quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại theo thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ được giao.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường:

a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan:

- Khẩn trương tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại ở Việt Nam đến năm 2020 theo Quyết định số 1896/QĐ-TTg ngày 17 tháng 12 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ; có kế hoạch ngăn ngừa và kiểm soát loài ngoại lai xâm hại ở Việt Nam thời gian tới;

- Rà soát, đánh giá các quy định pháp lý và đề xuất phương án bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát, diệt trừ loài ngoại lai xâm hại nhằm đáp ứng nhu cầu của thực tiễn; ban hành hướng dẫn đánh giá nguy cơ xâm hại của loài ngoại lai; cập nhật, bổ sung và ban hành Danh mục loài ngoại lai xâm hại.

b) Phối hợp các Bộ, ngành, địa phương tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, việc thực thi các quy định pháp luật về ngăn ngừa và kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại.

c) Hướng dẫn tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về loài ngoại lai xâm hại; xây dựng và phát hành tài liệu tuyên truyền, tổ chức tập huấn, hướng dẫn nhận dạng loài ngoại lai xâm hại.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tăng cường các biện pháp kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại, loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; quản lý chặt chẽ hoạt động nuôi, trồng loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại; chỉ đạo, hướng dẫn áp dụng các biện pháp kiểm soát, diệt trừ các loài ngoại lai xâm hại trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp.

4. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp đấu tranh, phòng chống và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong nhập khẩu, phát tán, nuôi trồng, phát triển, vận chuyển và kinh doanh trái phép loài ngoại lai xâm hại.

5. Bộ Công Thương chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan chuyên môn có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, xử lý hoạt động kinh doanh trái phép các loài ngoại lai xâm hại theo quy định của pháp luật.

6. Bộ Thông tin và Truyền thông:

a) Chủ trì, phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện truyền thông về tác hại của loài ngoại lai xâm hại và quy định của pháp luật về kiểm soát loài ngoại lai xâm hại để người dân biết, thực hiện.

b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng việc cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ liên quan tới loài ngoại lai xâm hại.

7. Bộ Khoa học và Công nghệ:

Đẩy mạnh nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong kiểm soát và diệt trừ các loài ngoại lai xâm hại; tổ chức thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học áp dụng biện pháp phòng trừ sinh học và giải pháp tổng hợp trong kiểm soát, diệt trừ các loài ngoại lai xâm hại, xác định con đường lây lan của các loài ngoại lai xâm hại do tác động của biến đổi khí hậu.

8. Bộ Tài chính:

a) Chỉ đạo lực lượng Hải quan (đặc biệt là lực lượng Hải quan cửa khẩu) chủ động, phối hợp với các đơn vị kiểm dịch tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo ngăn chặn hiệu quả sự xâm nhập của các loài ngoại lai xâm hại.

b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan xây dựng mà HS để kiểm soát hoạt động nhập khẩu trái phép các loài trong Danh mục các loài ngoại lai xâm hại.

c) Bố trí kinh phí chi thường xuyên cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao để thực hiện kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại.

9. Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan báo chí tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin về tác hại của loài ngoại lai xâm hại, quy định của pháp luật về kiểm soát loài ngoại lai xâm hại để người dân biết, thực hiện.

10. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Khẩn trương tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại trên địa bàn theo Quyết định số 1896/QĐ-TTg ngày 17 tháng 12 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ; có kế hoạch tăng cường ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại trên địa bàn trong thời gian tới.

b) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi các quy định pháp luật về kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại, loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại trên địa bàn; tuyên truyền, phổ biến pháp luật và nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc không nhập khẩu, kinh doanh, nuôi trồng, phát triển, phóng sinh loài ngoại lai xâm hại.

c) Chủ động thông tin, báo cáo kịp thời khi phát hiện hoặc có sự bùng phát lây lan của loài ngoại lai xâm hại.

d) Tổ chức điều tra, đánh giá các loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn và thực hiện các biện pháp kiểm soát, diệt trừ.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm túc thực hiện Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, tp trực thuộc TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- HĐ Dân tộc và các UB của Quốc Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- UB Giám sát tài chính QG;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Hội Nhà báo Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, NN (02)

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Trịnh Đình Dũng

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 42/CT-TTg năm 2020 về tăng cường công tác quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 42/CT-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 08/12/2020
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Trịnh Đình Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/12/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản