Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 115/KH-UBND

Hà Tĩnh, ngày 30 tháng 3 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 362/QĐ-TTG NGÀY 03/4/2019 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN VÀ QUẢN LÝ BÁO CHÍ TOÀN QUỐC ĐẾN NĂM 2025

Thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, Kế hoạch số 1738/KH-BTTTT ngày 04/6/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông về triển khai sắp xếp các cơ quan báo chí theo quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện như sau:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Quan điểm

Việc tổ chức sắp xếp các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh thực hiện theo đúng Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 và Kế hoạch số 1738/KH-BTTTT ngày 04/6/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông về triển khai sắp xếp các cơ quan báo chí theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh; không làm ảnh hưởng nhiều đến việc làm của người lao động trong các cơ quan báo chí.

2. Mục đích

- Sắp xếp hệ thống báo chí gắn với đổi mới mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí, tiết kiệm ngân sách để phát triển hệ thống báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử.

- Xây dựng một số cơ quan báo chí chủ lực, làm nòng cốt, có vai trò định hướng thông tin báo chí.

- Sắp xếp lại các cơ quan báo chí gắn với việc xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo, quản lý báo chí của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là của người đứng đầu cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí.

- Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong tình hình mới.

3. Yêu cầu

- Việc tổ chức sắp xếp lại các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh phải thực hiện đúng kế hoạch, đảm bảo lộ trình, hiệu quả; không gây xáo trộn tổ chức bộ máy.

- Cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, cơ quan chủ quản của các báo, Ban Biên tập các báo phải phối hợp chặt chẽ trong quá trình tổ chức thực hiện.

II. HIỆN TRẠNG CÁC CƠ QUAN BÁO CHÍ TRÊN ĐỊA BÀN

Trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, hiện có các cơ quan báo chí gồm: Báo Hà Tĩnh (báo in và báo điện tử), Tạp chí Hồng Lĩnh, Tạp chí Văn hóa Hà Tĩnh, Tạp chí Thông tin - Tư tưởng, Tạp chí Khoa học, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh. Ngoài ra, Đặc san Hà Tĩnh - Người làm báo của Hội Nhà báo tỉnh, hoạt động có tính chất báo chí theo Giấy phép được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp.

Các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích; phát huy tốt vai trò trong công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, góp phần quảng bá hình ảnh quê hương, con người và những kết quả đạt được trên các lĩnh vực của tỉnh đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Thực hiện việc quy hoạch, sắp xếp lại cơ quan báo chí đảm bảo phù hợp với tình hình mới theo Quyết định số 362/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 1738/KH-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông thì Tạp chí Thông tin Tư tưởng và Tạp chí Văn hóa là 02 cơ quan báo chí thuộc diện phải thực hiện chuyển đổi hoặc sáp nhập.

1. Báo Hà Tĩnh

1.1. Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Hà Tĩnh

1.2. Giấy phép hoạt động báo chí: Báo Hà Tĩnh được hoạt động báo in và báo điện tử. Hoạt động báo in theo Giấy phép số 1134/GP-BTTTT ngày 22/7/2011; hoạt động báo điện tử theo Giấy phép Báo điện tử số 673/GP-BTTTT ngày 01/12/2015 do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp.

1.3. Về cơ cấu tổ chức:

- Ban Biên tập: Thành viên Ban Biên tập gồm 3 người: Tổng Biên tập và 02 Phó Tổng Biên tập.

- Các phòng, bộ phận chuyên môn:

+ Phòng Xuất bản;

+ Phòng Hành chính Trị sự;

+ Phòng Phóng viên Chính trị - Xã hội;

+ Phòng Phóng viên Kinh tế;

+ Phòng Phóng viên Nội chính - Bạn đọc.

- Đội ngũ cán bộ, công chức:

+ Biên chế được giao: 38 định biên.

+ Biên chế hiện có: 30 cán bộ, viên chức.

+ Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: Trên đại học 2, đại học 26/30; cao đẳng 01, trung cấp 01/30.

+ Hợp đồng không thời hạn: 28 người (trình độ đại học: 23, trung cấp 05).

+ Hội viên hội nhà báo: 38 hội viên.

+ Phóng viên, biên tập viên được cấp Thẻ Nhà báo: 38 người.

1.4. Cơ sở vật chất, trang thiết bị:

- Trụ sở làm việc: Số 223, đường Nguyễn Huy Tự, phường Nguyễn Du, Thành phố Hà Tĩnh.

- Máy móc, thiết bị phục vụ chuyên môn: Trang thiết bị đảm bảo hoạt động chuyên môn theo yêu cầu.

1.5. Xuất bản, phát hành

- Kỳ xuất bản (Báo in):

+ 06 kỳ/tuần.

+ Số lượng phát hành: 5500 - 6000 tờ/kỳ xuất bản.

+ Số trang: 4 trang đối với số phát hành thứ 2,3,4,5,6; số cuối tuần 08 trang.

+ Hình thức khuôn khổ: Số báo 4 trang, khuôn khổ: 42cm x 56cm; số báo 8 trang, khuôn khổ: 42cm x 28cm.

1.6. Hệ thống phát hành: Phát hành thông qua hệ thống Bưu điện.

1.7. Kinh phí bảo đảm: Ngân sách nhà nước.

1.8. Nội dung chất lượng: Đáp ứng tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các nhiệm vụ kinh tế xã hội của địa phương. Báo điện tử, Báo in phong phú về hình thức, trình bày đẹp và đảm bảo tính chính trị, giàu bản sắc.

2. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh

2.1. Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Hà Tĩnh

2.2. Giấy phép hoạt động báo chí:

- Giấy phép hoạt động phát thanh số 104/GP-BTTTT ngày 27/3/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp;

- Giấy phép hoạt động truyền hình số 105/GP-BTTTT ngày 27/3/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp.

2.3. Cơ cấu tổ chức:

- Ban Giám đốc: Có Giám đốc và 03 Phó Giám đốc.

- Các Phòng, bộ phận chuyên môn:

+ Phòng Hành chính tổng hợp.

+ Phòng Chuyên đề.

+ Phòng Thư ký biên tập.

+ Phòng Văn Nghệ.

+ Phòng Thời sự.

+ Phòng Kỹ thuật Truyền dẫn phát sóng.

+ Phòng Kỹ thuật Sản xuất chương trình.

+ Phòng Dịch vụ và quảng cáo.

- Đội ngũ cán bộ, công chức:

+ Biên chế được giao: 88 người.

+ Biên chế hiện có: 85 người.

+ Hợp đồng lao động theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP là 03 người; Hợp đồng lao động nội bộ cơ quan là 32 người.

+ Tổng số 88 cán bộ, viên chức và người lao động. Trong đó: Thạc sĩ: 08 người, đại học: 66 người (trong đó có 34 đại học chuyên ngành báo chí).

+ Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam: 74 người.

+ Phóng viên, biên tập viên được cấp Thẻ Nhà báo: 54 người.

2.4. Cơ sở vật chất, trang thiết bị

- Về trụ sở làm việc: Có 3 cơ sở:

+ Cơ sở 1 (Trụ sở chính): Số 22, đường Phan Đình Phùng, Thành phố Hà Tĩnh, bao gồm 03 nhà làm việc của các bộ phận: Khối Quản lý, Khối Nội dung, Khối Kỹ thuật

+ Cơ sở 2: Số 185, đường Trần Phú, Thành phố Hà Tĩnh.

+ Cơ sở 3: Thiên Tượng, thị xã Hồng Lĩnh. Đặt máy tiếp phát sóng Truyền hình.

- Về máy móc thiết bị phục vụ chuyên môn:

+ Hệ thống máy phát hình và truyền dẫn gồm có:

Phát sóng truyền hình số mặt đất ghép trên máy phát sóng số truyền hình mặt đất đặt tại trụ sở Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; máy phát đặt tại núi Thiên Tượng, thị xã Hồng Lĩnh để tiếp phát chương trình truyền hình Hà Tĩnh; Hệ thống tổng khống chế đầu tư theo Dự án số hóa và phát sóng vệ tinh.

+ Hệ thống máy phát thanh và truyền dẫn gồm có: 01 máy phát thanh AM Harrit/10kw/900khz; 01 máy phát thanh FM Anpha/3kw/97.8khz.

+ Hệ thống thiết bị phục vụ tổ chức sản xuất và sản xuất chương trình: Hệ thống các máy tính dựng kết nối máy chủ sản xuất các chương trình truyền hình SD hoặc HD (thuộc Dự án số hóa); hệ thống các máy tính kết nối máy chủ sản xuất chương trình phát thanh (thuộc Dự án số hóa); hệ thống các máy chủ và server lưu trữ; hệ thống quản lý và kiểm duyệt tin bài HDStation (thuộc Dự án số hóa); xe màu SD, 4 camera (đầu tư năm 2004); Hệ thống âm thanh, ánh sáng của các trường quay và phòng thu; hệ thống thiết bị Website hatinhtv.vn; hệ thống thiết bị camera tiền kỳ và các trường quay (Bao gồm thiết bị cũ và thiết bị thuộc dự án số hóa); 20 camera cho phóng viên (12 camera thế hệ mới, 05 camera vừa băng vừa thẻ và sử dụng được HD, 03 camera thế hệ quay băng DVCAM); 03 camera tại trường quay (02 camera thuộc thế hệ cũ DVCAM và 01 camera thế hệ mới).

2.5. Cấu tạo khung chương trình:

- Phát thanh:

+ Sáng: Tiếp phát VOV, Thời sự Hà Tĩnh, Thời sự VOV.

+ Trưa: Chuyên đề, chuyên mục, giải trí, Thời sự Hà Tĩnh, giải trí.

+ Tối: Chuyên đề, giải trí, Thời sự Hà Tĩnh, giải trí, thời sự VOV.

- Truyền hình:

Buổi sáng: Giới thiệu chương trình, Hà Tĩnh ngày mới, Tiếp sóng Chào buổi sáng VTV1, Chuyên mục, Bản tin Thời sự 09h45, Chuyên mục, giải trí, Bản tin Thời sự 11h45.

Buổi trưa: Giới thiệu chương trình, Bản tin Thời sự Quốc tế, Chuyên mục, Tạp chí văn hóa, Trang truyền hình địa phương, giải trí, Chuyên mục, Chuyên đề, Văn hóa - văn nghệ, Phim truyện Việt Nam.

Buổi chiều: Bản tin Thời sự 16h45, Chuyên mục, Chuyên đề, Tạp chí văn nghệ thiếu nhi, Chuyên mục, Phim truyện, Bản tin Thời sự quốc tế, Dự báo thời tiết.

Buổi tối: Tiếp sóng Thời sự VTV1, Thời sự Hà Tĩnh, Bản tin thể thao, giải trí, Dự báo thời tiết nông vụ, Văn hóa - Văn nghệ, Chuyên mục, Trang Truyền hình địa phương, Chuyên mục, Bản tin kinh tế & Tài chính, thời sự, giải trí, phóng sự, ký sự, Giới thiệu chương trình ngày mai.

- Thời gian tiếp sóng:

+ Kênh truyền hình Hà Tĩnh tiếp sóng VTV1: Thực hiện tiếp sóng 02 buổi trong ngày: Sáng: Từ 6h đến 6h30; Tối: Từ 19h đến 19h45.

+ Kênh phát thanh Hà Tĩnh tiếp sóng VOV1:

Buổi sáng: Từ 7h đến 10h.

Buổi trưa: Từ 12h đến 16h.

Buổi chiều: Từ 18h đến 19h.

- Thời lượng phát sóng:

+ Kênh truyền hình Hà Tĩnh phát sóng 18h30’/ngày.

+ Kênh phát thanh Hà Tĩnh phát sóng phát sóng: 15h/ngày.

+ Máy phát kênh 9/VTV6/1kw: Phát sóng 24/24h (đặt tại núi Thiên Tượng).

+ Máy phát hình số R&S DVB - T2 kênh 25/2kw phát các kênh của VTV (từ VTV1 đến VTV 9 và ghép thêm kênh HTTV và NTV) phát sóng 24/24h.

+ Máy phát thanh Harrit/10kw/102,7Mhz phát sóng VOV3 từ 5h đến 24h.

- Thời lượng chương trình tự sản xuất:

+ Thời lượng sản xuất chương trình truyền hình: 4h30phút/ngày.

+ Thời lượng sản xuất chương trình phát thanh: 3h/ngày.

2.6. Phương thức truyền dẫn:

Phát sóng truyền dẫn trên nền tảng 13 hạ tầng (Số mặt đất, vệ tinh, cáp, Nettivi, FPT, MyTV, VTVGo .v.v.).

+ Tại trung tâm thành phố Hà Tĩnh: Truyền hình MyTV, Truyền hình cáp, Vệ tinh vinasat2, vệ tinh AVG, máy phát số mặt đất 1kw, Website hatinhtv.vn

+ Tại núi Thiên Tượng: Truyền dẫn từ trung tâm lên Thiên Tượng: Bằng cáp quan, dự phòng số vệ tinh, máy phát sóng số mặt đất 2kw.

+ Tại thị xã Kỳ Anh: Máy phát số mặt đất 1kw.

2.7. Phạm vi phát sóng:

- Đối với kênh truyền hình Hà Tĩnh: Truyền hình số vệ tinh phủ sóng 100% trên địa bàn toàn tỉnh (riêng đối với máy phát số mặt đất diện phủ sóng có bán kính từ 50km đến 60km nếu không bị che chắn hiện đạt 85%).

- Đối với kênh phát thanh Hà Tĩnh: Phủ sóng 100% trên địa bàn toàn tỉnh.

2.8. Kinh phí đảm bảo: Từ ngân sách nhà nước.

3. Tạp chí Hồng Lĩnh

3.1. Cơ quan chủ quản: Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh.

3.2. Giấy phép hoạt động báo chí: Giấy phép xuất bản số 414/GP-BTTTT cấp ngày 13/3/2012 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

3.3. Cơ cấu tổ chức:

- Biên chế được giao chuyên trách Tạp chí: 8 người.

- Đã biên chế: 8 người.

- Trình độ chuyên môn nghiệp vụ: 3 thạc sỹ, 5 đại học.

- Hội viên Hội nhà báo: 6/6 người.

- Phóng viên, biên tập viên được cấp Thẻ Nhà báo: 06 người.

3.4. Cơ sở vật chất trang thiết bị:

- Trụ sở làm việc: Thuộc Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Hà Tĩnh, số 34B, đường Nguyễn Công Trứ, Thành phố Hà Tĩnh.

- Máy móc, thiết bị phục vụ chuyên môn: Được trang bị máy vi tính, máy photocopy, máy quét ảnh, tủ tài liệu, phòng và bàn ghế làm việc, điện thoại...

3.5. Xuất bản, phát hành:

- Kỳ xuất bản: 01 số/01 tháng; số lượng: 1.200 bản; Số trang: 80 trang; Khuôn khổ: 16 x 24 cm.

- Hệ thống phát hành: Phát hành trong và ngoài tỉnh qua hệ thống Bưu điện.

3.6. Nội dung, chất lượng: Nội dung phong phú, được đánh giá là một trong những tờ tạp chí văn nghệ địa phương có chất lượng chuyên môn cao.

3.7. Kinh phí: Ngân sách nhà nước cấp hàng năm (năm 2020 cấp 350.000.000đ).

4. Tạp chí Văn hóa

4.1. Cơ quan chủ quản: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

4.2. Giấy phép hoạt động báo chí: Giấy phép xuất bản số 485/GP-BVHTT của Bộ Văn hóa - Thông tin cấp ngày 01/11/2002.

4.3. Cơ cấu tổ chức

- Tòa soạn Tạp chí gồm có Hội đồng biên tập và Ban Biên:

+ Ban Biên tập: 05 người (01 Tổng Biên tập, 01 Phó Tổng biên tập, 01 Thư ký tòa soạn, 01 biên tập viên, 01 trị sự).

- Biên chế được giao chuyên trách tạp chí: 0 người

- Biên chế được giao kiêm nhiệm tạp chí: 5 người

- Trình độ chuyên môn nghiệp vụ: 01 thạc sỹ, 04 đại học.

- Hoạt động kiêm nhiệm: Hiện nay tất cả cán bộ của Tạp chí đều hoạt động kiêm nhiệm.

- Hợp đồng: 01 hợp đồng có thời hạn.

- Hội viên Hội nhà báo: 04 người.

- Phóng viên, biên tập viên được cấp Thẻ Nhà báo: 03 người.

4.4. Cơ sở vật chất, trang thiết bị

- Trụ sở làm việc: Làm việc chung trụ sở với Trung tâm Quảng bá, Xúc tiến Văn hóa - Du lịch Hà Tĩnh.

- Máy móc, thiết bị phục vụ chuyên môn: 06 máy tính để bàn, 01 máy ảnh, 01 máy Scan, 01 máy in.

4.5. Kinh phí đảm bảo: Tạp chí được cấp một phần ngân sách nhà nước (từ nguồn kinh phí sự nghiệp của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

4.6. Hoạt động xuất bản, phát hành

- Xuất bản: 01 số/tháng; in 36 trang ruột, 4 trang bia in màu; có 5 chuyên mục thường kỳ (Thời sự chính trị, Đất nước con người, Tư liệu, Diễn đàn văn hóa, Đời sống văn hóa hôm nay, Dành cho nhà trường).

- Phát hành: Tạp chí phát hành trên 1.300 cuốn/kỳ xuất bản.

5. Tạp chí Thông tin - Tư tưởng

5.1. Cơ quan chủ quản: Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh.

5.2. Giấy phép hoạt động báo chí: Giấy phép 2149/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 13/11/2012.

5.3. Cơ cấu tổ chức

- Bộ phận Tạp chí gồm 12 người: Tổng Biên tập, 01 Thư ký kiêm Biên tập viên, 04 biên tập viên, 01 phụ trách trị sự kiêm biên tập viên, 04 thành viên Trị sự.

- Đội ngũ cán bộ, công chức:

+ Biên chế hoạt động báo chí: Không.

+ Hoạt động kiêm nhiệm chuyên trách Tạp chí: 12 người của Tạp chí đều hoạt động kiêm nhiệm.

+ Trình độ chuyên môn nghiệp vụ: 01 Tiến sỹ, 08 Thạc sỹ, 03 Đại học.

- Biên tập viên được cấp Thẻ Nhà báo: 03 người.

5.4. Cơ sở vật chất, trang thiết bị

- Trụ sở làm việc: Trực thuộc Tỉnh ủy, số 06, đường Nguyễn Thiếp, thành phố Hà Tĩnh.

- Trang thiết bị tác nghiệp: Máy ảnh, máy vi tính.

5.5. Hoạt động xuất bản, phát hành

- Xuất bản: 01 số/tháng với khoảng 35 tin, bài/số; tổng in 48 trang có 44 trang ruột 2 màu và 4 trang bìa 4 màu; khuôn khổ 19cm x 26,5cm.

- Phát hành: 6.000 cuốn/số đến 100% chi bộ trong toàn tỉnh và làm báo biếu cho các thành phần liên quan.

5.6. Kinh phí hoạt động

Nguồn ngân sách nhà nước của tỉnh, cấp hàng năm.

6. Tạp chí Khoa học

6.1. Cơ quan chủ quản: Trường Đại học Hà Tĩnh.

6.2. Giấy phép hoạt động báo chí: Giấy phép 2468/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 18/12/2012.

6.3. Cơ cấu tổ chức

- Hội đồng biên tập gồm 26 người, trong đó: 01 Chủ tịch Hội đồng, 01 Tổng Biên tập, 02 Phó Tổng biên tập, 01 Thư ký và Trị sự, 21 thành viên ban biên tập, trực tiếp biên tập theo các lĩnh vực được phân công phù hợp với chuyên môn.

- Các thành viên Ban Biên tập hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm.

6.4. Cơ sở vật chất, trang thiết bị

- Trụ sở đặt tại Trường Đại học Hà Tĩnh, số 447, đường 26/3, phường Đại nài, thành phố Hà Tĩnh.

- Thiết bị bao gồm: 01 máy tính và 01 máy in, 01 máy scan phục vụ gửi bài đi phản biện qua email cho các nhà khoa học ngoài trường.

6.5. Hoạt động xuất bản, phát hành

- Xuất bản: 02 kỳ/1 năm; mỗi số gồm khoảng 13-15 bài, 100-120 trang; kích cỡ 20cm x 25 cm.

- Phát hành 200-250 bản/kỳ trên phạm vi cả nước theo các hình thức biếu (các tác giả có bài, phản biện, thành viên Ban biên tập); phát cho các đơn vị trong trường, phục vụ bạn đọc tại thư viện trường; gửi tặng các trường bạn, các đoàn khách đến thăm và làm việc tại trường.

Phát hành theo hình thức: Bản in và bản online trên trang website của trường tại địa chỉ http://rej.htu.edu.vn/

6.6. Kinh phí hoạt động

Kinh phí do nhà trường chi trả từ ngân sách chung của trường.

7. Đặc san Hà Tĩnh - Người làm báo

Đặc san Hà Tĩnh - Người làm báo (ấn phẩm thông tin có tính chất báo chí) của Hội Nhà báo tỉnh, hoạt động theo Giấy phép được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp, phát hành 6-7 số/năm.

- Hình thức hoạt động: Hoạt động theo Giấy phép được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp hàng năm.

- Thành viên Ban Biên tập thuộc văn phòng Hội Nhà báo tỉnh, hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm.

III. NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP

A. GIAI ĐOẠN TỪ NAY ĐẾN 2025

1. Đối với báo và tạp chí in, ấn phẩm có tính chất báo chí

1.1. Mục tiêu

- Duy trì 01 cơ quan báo in thuộc Đảng bộ cấp tỉnh (Báo Hà Tĩnh); 01 cơ quan Tạp chí in thuộc Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh (Tạp chí Hồng Lĩnh); 01 Tạp chí khoa học thuộc Đại Học Hà Tĩnh.

- Sắp xếp, sáp nhập Tạp chí Văn hóa vào Tạp chí Hồng Lĩnh; chuyển đổi Tạp chí Thông tin - Tư tưởng thành Đặc san Thông tin - Tư tưởng.

- Lộ trình thực hiện: Trước 30/5/2020 hoàn thành phương án sáp nhập, chuyển đổi.

1.2. Giải pháp

a. Đối với Báo Hà Tĩnh: Tiếp tục duy trì hoạt động và phát triển theo lộ trình đã được Ban Biên tập Báo Hà Tĩnh xây dựng, đảm bảo phù hợp với Quyết định 219-QĐ/TU ngày 19/8/2016 phê duyệt Đề án phát triển Báo Hà Tĩnh giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025; tiếp tục đổi mới để phục vụ tốt nhiệm vụ tuyên truyền của tỉnh trong tình hình mới và đáp ứng xu thế phát triển của báo chí hiện đại.

b. Đối với Tạp chí Khoa học thuộc Đại học Hà Tĩnh: Trường Đại học Hà Tĩnh thực hiện kiện toàn Ban Biên tập, đảm bảo kinh phí hoạt động cho Tạp chí. Xây dựng Đề án đổi mới nội dung và hình thức phù hợp xu hướng phát triển của các Tạp chí khoa học trong nước và quốc tế để phát huy hiệu quả vai trò của Tạp chí Khoa học trong hỗ trợ nghiên cứu, giảng dạy.

c. Đối với Tạp chí Hồng Lĩnh, Tạp chí Văn hóa:

Tạp chí Hồng Lĩnh tiếp nhận nội dung của Tạp chí văn hóa; Tạp chí Hồng Lĩnh giữ nguyên tên, mở thêm chuyên mục nghiên cứu văn hóa, tăng trang, tăng kinh phí hoạt động, số lượng phát hành; điều chuyển một số phóng viên, biên tập viên của Tạp chí Văn hóa thuộc Trung tâm xúc tiến và Quảng bá Du lịch Hà Tĩnh sang Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh trong điều kiện cho phép.

d. Đối với Tạp chí Thông tin - Tư tưởng: Thực hiện phương án chuyển thành Đặc san Thông tin - Tư tưởng. Sau khi chuyển đổi, thực hiện theo các quy định của pháp luật đối với hoạt động phát hành Đặc san và Giấy phép do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp; phù hợp với yêu cầu công tác chuyên môn của cơ quan chủ quản (bắt đầu triển khai thực hiện sau khi Kế hoạch này ban hành).

- Đánh giá tác động:

+ Đối với công tác tuyên truyền, quảng bá: Không ảnh hưởng nhiều đến công tác tuyên truyền, quảng bá. Mặc dù chuyển đổi, sáp nhập nhưng nội dung tuyên truyền, nghiên cứu vẫn được duy trì.

+ Đối với đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên các Tạp chí: Việc chuyển đổi, sáp nhập không gây tác động và xáo trộn nhiều, do đội ngũ này chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm.

+ Về ngân sách hoạt động: Việc sáp nhập các đơn vị sẽ cắt giảm được kinh phí hoạt động in ấn, phát hành báo chí; đơn vị chuyển đổi mô hình sẽ có điều chỉnh bố trí kinh phí phù hợp, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả; đơn vị tiếp nhận sáp nhập được bổ sung kinh phí góp phần nâng cao chất lượng các ấn phẩm.

đ. Đặc san Hà Tĩnh - Người làm báo.

Hoạt động theo Giấy phép được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp, phù hợp với hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của Hội Nhà báo tỉnh.

2. Đối với phát thanh, truyền hình

2.1. Nội dung

- Duy trì 01 Đài Phát thanh và Truyền hình cấp tỉnh với 01 kênh phát thanh, 01 kênh truyền hình quảng bá phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền. Đảm bảo phát sóng chương trình thông tin tuyên truyền thiết yếu của quốc gia và địa phương đạt tỷ lệ tối thiểu 70% thời lượng phát sóng. Việc khai thác các nội dung từ kênh chương trình truyền hình nước ngoài tập trung vào thời sự quốc tế, khoa học, kỹ thuật, thể thao, giải trí không vượt quá 30% thời lượng phát sóng.

- Đến năm 2021, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tự chủ về tài chính, đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên. Tỉnh có cơ chế hỗ trợ, đặt hàng đối với các kênh, chuyên mục, chương trình, phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền.

- Duy trì hoạt động truyền thanh ở 13 đơn vị Trung tâm Văn hóa - Truyền thông cấp huyện.

2.2. Giải pháp

- Tiếp tục duy trì và thực hiện các kế hoạch phát triển phát thanh truyền hình của tỉnh.

- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan xây dựng kế hoạch chuyển đổi sang mô hình tự chủ về tài chính; xây dựng các định mức kinh tế - kỹ thuật đối với cơ chế hỗ trợ, đặt hàng đối với các kênh, chuyên mục, chương trình, phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền.

3. Đối với báo và tạp chí điện tử:

- Báo Hà Tĩnh tiếp tục duy trì, phát triển Báo Hà Tĩnh điện tử (http://baohatinh.vn) phù hợp với xu hướng phát triển của loại hình báo điện tử trong thời gian tới; đủ điều kiện đáp ứng các nhiệm vụ chính trị, công tác tuyên truyền của tỉnh và nhu cầu thông tin của bạn đọc.

- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh duy trì hoạt động có hiệu quả trang thông tin điện tử (http://hatinhtv.vn) và nghiên cứu các phương án nâng cấp phù hợp với xu thế phát triển của truyền hình trực tuyến trên môi trường internet.

- Tạp chí Hồng Lĩnh nghiên cứu phương án để nâng cấp trang điện tử vanhocnghethuathatinh.org.vn nhằm nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn và hiệu quả trong công tác quảng bá văn hóa, văn học nghệ thuật của tỉnh.

- Tạp chí Khoa học kiện toàn Ban Biên tập, xây dựng các phương án về tổ chức bộ máy và kinh phí hoạt động theo quy định.

B. GIAI ĐOẠN SAU NĂM 2025

1. Báo Hà Tĩnh

Phát triển theo hướng truyền thông đa phương tiện, đa nền tảng; chuyển đổi ấn phẩm báo in theo hướng báo chí dữ liệu, Báo điện tử trở thành ấn phẩm chủ lực, đóng vai trò là kênh thông tin quan trọng, kết hợp với các dịch vụ hành chính công được cung cấp trên Cổng thông tin điện tử.

Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, xây dựng các ứng dụng, giải pháp theo hướng ứng dụng IoT để bổ sung thêm phương thức thu thập thông tin đầu vào: Thuê lại các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị sở hữu hệ thống cơ sở dữ liệu lớn (bigdata), làm đầu vào về thông tin, kết hợp với các giải pháp xử lý thông tin để có được thông tin được xử lý theo định hướng của Báo. Đa dạng hóa phương thức truyền tin và tiếp cận thông tin với người dân, sử dụng mọi công cụ, mọi phương tiện tuyên truyền mạnh mẽ thông tin chính thống, đẩy lùi các luận điểm không đúng, luận điểm xuyên tạc làm lành mạnh hóa thị trường thông tin về địa phương.

2. Tạp chí Hồng Lĩnh

Phiên bản điện tử của tạp chí Hồng Lĩnh ứng dụng các công nghệ mới (AI, OTT...) và mở thêm phiên bản tiếng Anh hướng đến độc giả các nước trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là người Việt Nam ở nước ngoài. Ngoài chức năng thông tin, quảng bá các lĩnh vực văn học, văn hóa của tỉnh, Tạp chí Hồng Lĩnh còn là nơi công bố và lưu giữ các tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị tư tưởng, thẩm mỹ, lưu giữ các công trình nghiên cứu văn hóa, văn học.

3. Tạp chí Khoa học - Đại học Hà Tĩnh

Tạp chí Khoa học - Đại học Hà Tĩnh tiếp tục phát triển, ngoài chức năng thông tin còn là nơi công bố và lưu giữ các công trình khoa học của tỉnh. Tạp chí Khoa học phát triển phiên bản điện tử ứng dụng các công nghệ mới (AI, OTT...) và mở thêm phiên bản tiếng Anh để làm tư liệu tham khảo cho đội ngũ các nhà nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế.

4. Các đơn vị hoạt động Đặc san thực hiện theo quy định của pháp luật, đảm bảo nguồn kinh phí hoạt động, tập trung phục vụ nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan chủ quản.

5. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh

Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh sẽ phát các chương trình bằng các chuẩn có chất lượng cao. Thực hiện truyền hình đa phương tiện nhằm đảm bảo cho người xem có thể tiếp cận nội dung bằng bất cứ thiết bị nào, ở bất cứ đâu, vào bất cứ thời điểm nào (anydevice, anywhere, anytime).

Nghiên cứu và thực hiện công nghệ “Truyền hình thông minh” (SmartTV) nhằm đảm bảo cho máy thu hình (TV) giữ vai trò chủ đạo cho các thiết bị giải trí trong gia đình, đáp ứng các yêu cầu sử dụng của khách hàng.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chủ trì, chịu trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức triển khai, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra; phối hợp xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện các nội dung trên.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng cơ chế hỗ trợ về thuế, phí, cước phí đối với báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng định mức đặt hàng đối với các kênh, chuyên mục, chương trình, phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền.

- Chủ trì tham mưu thực hiện việc rà soát các cơ quan báo chí Trung ương đóng trên địa bàn đảm bảo đúng theo Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 3/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 1738/KH-BTTTT ngày 04/6/2019 của Bộ Thông tin - Truyền thông về Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, đảm bảo sắp xếp hệ thống báo chí tinh gọn, hiệu quả nhằm phát triển hệ thống báo chí trên địa bàn tỉnh theo đúng mục tiêu, lộ trình, kế hoạch đề ra.

2. Sở Tài chính

- Đảm bảo nguồn kinh phí cho việc triển khai thực hiện các nội dung nêu trong Kế hoạch này.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng cơ chế tài chính, quản lý tài sản phù hợp trong hoạt động của các cơ quan báo chí sau khi chuyển đổi.

3. Sở Nội vụ

Phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh thực hiện các nội dung thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao.

4. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện các nội dung sáp nhập, chuyển đổi được nêu trong Kế hoạch này.

- Chỉ đạo các cơ quan báo chí thuộc quyền chủ quản tổ chức thực hiện kế hoạch chuyển đổi, sáp nhập với lộ trình cụ thể; nghiêm chỉnh thực hiện đúng quy trình chuyển đổi, sáp nhập.

- Phối hợp với Sở Nội vụ thực hiện quá trình chuyển đổi trong trường hợp có sự điều chuyển đối với phóng viên, biên tập viên giữa các cơ quan.

- Các đơn vị hoàn thành phương án sáp nhập Tạp chí Văn hóa với Tạp chí Hồng Lĩnh, bố trí vị trí việc làm sau sáp nhập (nếu có) và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 30/5/2020.

5. Báo Hà Tĩnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh

Tiếp tục thực hiện việc đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, thực hiện tốt vai trò truyền thông nhà nước; bảo đảm thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao; đáp ứng nhu cầu thông tin của các tầng lớp nhân dân.

6. Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu Thường trực Tỉnh ủy phương án điều chỉnh Tạp chí Thông tin - Tư tưởng sang hoạt động Đặc san đảm bảo đúng quy định, hoàn thành phương án điều chỉnh trước ngày 30/5/2020.

Yêu cầu các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện kịp thời các nội dung nêu trên, Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi và báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- TTr. Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- Các Sở: Thông tin và Truyền thông, Tài chính, VH, TT và DL;
- Báo Hà Tĩnh, Đài PT-TH tỉnh, Hội LH VHNT tỉnh, Trường Đại học Hà Tĩnh;
- Các cơ quan báo chí địa phương;
- Chánh VP, các PVP;
- Trung tâm TT-CB-TH;
- Lưu: VP, VX1.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Tiến Hưng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 115/KH-UBND năm 2020 thực hiện Quyết định 362/QĐ-TTg về phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 do tỉnh Hà Tĩnh ban hành

  • Số hiệu: 115/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 30/03/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hà Tĩnh
  • Người ký: Trần Tiến Hưng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/03/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản