Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 115/KH-UBND

Thanh Hóa, ngày 04 tháng 8 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ TỈNH THANH HÓA NĂM 2017

Phần thứ nhất

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ NĂM 2016

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Về số lượng, doanh thu và thu nhập của hợp tác xã, tổ hợp tác

Ước đến hết năm 2016, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 30 hợp tác xã đăng ký thành lập mới, nâng tổng số hợp tác xã toàn tỉnh lên 911 hợp tác xã, trong đó: 599 hợp tác xã nông, lâm ngư nghiệp; 98 hợp tác xã công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; 22 hợp tác xã xây dựng; 67 hợp tác xã tín dụng; 36 hợp tác xã thương mại; 21 hợp tác xã vận tải và 68 hợp tác xã trong các lĩnh vực khác. Về tổ hợp tác, ước đến hết năm 2016 có 26.914 tổ hợp tác; trong đó, có 3.040 tổ hợp tác được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác có chứng thực của UBND cấp xã.

Doanh thu  bình quân của  hợp tác  xã  đạt  khoảng 3.685 triệu  đồng/hợp tác xã/năm; lãi bình quân đạt khoảng 145,2 triệu đồng/hợp tác xã/năm. Doanh thu bình quân của tổ hợp tác đạt khoảng 770 triệu đồng/tổ hợp tác/năm; lãi bình quân đạt khoảng 121 triệu đồng/tổ hợp tác/năm.

2. Về thành viên, lao động của hợp tác xã, tổ hợp tác

Tổng số thành viên của hợp tác xã đến hết năm 2016 ước đạt 312.570 người; trong đó, số lượng thành viên mới gia nhập là 576 người. Tổng số lao động làm việc thường xuyên trong hợp tác xã là 42.817 người. Tổng số thành viên tổ hợp tác đến hết năm 2016 ước đạt 128.820 người; trong đó, thành viên mới gia nhập là 500 người. Thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong hợp tác xã, tổ hợp tác đạt khoảng 20,12 triệu đồng/người/năm.

3. Về trình độ cán bộ quản lý hợp tác xã, tổ hợp tác

Tổng số cán bộ quản lý hợp tác xã đến hết năm 2016 đạt khoảng 4.530 người, trong đó cán bộ quản lý hợp tác xã đạt trình độ cao đẳng, đại học trở lên là 498 người, chiếm 11%.

II. ĐÁNH GIÁ THEO LĨNH VỰC

1. Lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp

Đến 30/6/2016, có 596 hợp tác xã nông, lâm, ngư nghiệp, chiếm 65,7% tổng số hợp tác xã. Hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp đã có chuyển biến tích cực, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã viên, song chủ yếu vẫn là dịch vụ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp; thu nhập bình quân của lao động trong hợp tác xã nông nghiệp khoảng 1,8 triệu đồng/người/tháng. Nhiều hợp tác xã quan tâm phát triển thêm thành viên và huy động thêm vốn góp với mức khá cao, tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực, phát triển kinh doanh, làm tốt các khâu dịch vụ, như: mua sắm máy gặt đập liên hợp, máy làm đất, máy cấy - mạ khay, cải tạo nâng cấp lưới điện, trạm bơm nước, tu sửa và làm mới kênh mương nội đồng, mở rộng diện tích vườn ươm, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất nông nghiệp, phát triển thêm các khâu dịch vụ làm đất, gặt đập, gieo cấy mạ khay, sản xuất rau an toàn, vệ sinh môi trường, cung ứng vật tư nông nghiệp,…Tiêu biểu như: hợp tác xã Định Tường (huyện Yên Định) đầu tư 2,6 tỷ đồng mua 10 máy cấy, 40.000 khay mạ, xây dựng 2.000 m2 nhà màng sản xuất rau an toàn; hợp tác xã Yên Thọ (huyện Như Thanh) đầu tư 1,8 tỷ đồng mua 03 máy gặt đập liên hợp; hợp tác xã Thiệu Trung (huyện Thiệu Hóa) đầu tư 1,4 tỷ đồng mua máy làm đất, máy cấy, máy gặt, máy gieo hạt và xây dựng nhà kho; hợp tác xã Hoằng Hợp (huyện Hoằng Hóa) đầu tư 1,5 tỷ đồng mua thêm máy gặt, máy làm đất, xây dựng nhà lưới trồng rau an toàn. Thông qua các khâu dịch vụ, các hợp tác xã đã tạo thuận lợi cho các hộ nông dân tiến hành sản xuất, gieo cấy, chăm sóc lúa vụ chiêm xuân, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần tăng sản lượng hàng hóa nông, lâm, thủy sản của tỉnh.

2. Lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp

Toàn tỉnh có 149 hợp tác xã công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; trong đó, có 98 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp và 51 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ điện năng. Nhìn chung, các hợp tác xã đã có sự gắn kết, hình thành và phát triển các cụm công nghiệp và làng nghề. Nhiều hợp tác xã tiếp tục tìm kiếm thị trường, đầu tư thiết bị, phương tiện để duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động như: hợp tác xã khai thác chế biến đá Đồng Thắng (huyện Triệu Sơn) đầu tư thêm 3,7 tỷ đồng mua ô tô, máy xúc, máy xẻ, máy mài, máy bào, máy nâng; hợp tác xã Hoàng Ánh (huyện Hà Trung) tiếp tục đầu tư 1,2 tỷ đồng đầu tư xây dựng trụ sở, nhà xưởng. Các hợp tác xã dịch vụ điện năng đã đầu tư nâng cấp, bảo dưỡng lưới điện, tăng cường công tác quản lý, mở thêm ngành nghề, qua đó tiếp tục duy trì và hoạt động ổn định hơn, giải quyết công ăn việc làm và mang lại thu nhập cho thành viên, người lao động, như: hợp tác xã điện năng Phố I (huyện Ngọc Lặc); hợp tác xã điện Hoằng Lộc (huyện Hoằng Hóa).

3. Lĩnh vực vận tải

Trên địa bàn tỉnh hiện có 21 hợp tác xã, các hợp tác xã vận tải đã chủ động bố trí, sắp xếp phương tiện tham gia vận tải hành khách, tăng cường các biện pháp nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của hành khách, gắn với đảm bảo an toàn giao thông; đồng thời tiếp tục đầu tư mới, điều chỉnh luồng tuyến nên lượng hàng hóa, hành khách vận chuyển luôn được duy trì ở mức khá so với cùng kỳ. Một số hợp tác xã hoạt động khá như: hợp tác xã vận tải Hợp Lực (TP. Thanh Hóa); hợp tác xã vận tải Tấn Thành (TP. Thanh Hóa) đầu tư phương tiện, kết nạp thêm thành viên và giải quyết việc làm ổn định cho người lao động; hợp tác xã vận tải Hoàng Sơn (huyện Hoằng Hóa) huy động thêm vốn góp của các thành viên, mở thêm tuyến mới, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ vận tải hành khách đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

4. Lĩnh vực xây dựng

Toàn tỉnh có 22 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, hầu hết các hợp tác xã có quy mô  nhỏ, sử dụng lao động phổ thông và thi công các công trình có quy mô nhỏ, nhà dân, vốn đầu tư thấp, thời gian thi công ngắn. Tuy hiệu quả hoạt động chưa cao  nhưng các hợp tác xã cũng đã giải quyết việc làm, ổn định thu nhập cho một bộ phận lao động nông thôn. Một số hợp tác xã mở rộng ngành, nghề kinh doanh vật liệu xây dựng đảm bảo việc làm thường xuyên cho người lao động với mức thu nhập bình quân từ 2 - 3 triệu đồng/tháng, như: HTX xây dựng cao cấp Trường Thi (TP. Thanh Hóa).

5. Lĩnh vực thương mại - dịch vụ

Trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ có 21 hợp tác xã, hoạt động của các hợp tác xã thương mại dịch vụ tương đối ổn định và có bước phát triển khá. Một số hợp tác xã tiếp tục đầu tư mở rộng kinh doanh, đồng thời làm tốt công tác tổ chức, quản lý nên hiệu quả kinh doanh đạt khá, như: hợp tác xã Hải Bình (TP. Thanh Hóa); hợp tác xã dịch vụ thương mại Chung Nghĩa (huyện Hà Trung). Ngoài ra, một số hợp tác xã tham gia vào hoạt động quản lý, khai thác và kinh doanh chợ, vệ sinh môi trường, phục vụ tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và thành viên, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ trên địa bàn tỉnh.

6. Quỹ tín dụng nhân dân

Hiện trên địa bàn tỉnh có 67 quỹ tín dụng nhân dân đang hoạt động với tổng nguồn vốn 4.460 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay 3.605,2 tỷ đồng. Cơ cấu dư nợ cho vay chủ yếu là tập trung cho sản xuất nông nghiệp, dịch vụ thương mại, phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, cho vay xuất khẩu lao động. Hầu hết hệ thống quỹ tín dụng hoạt động kinh doanh có lãi, thông qua quỹ tín dụng người dân, xã viên có cơ hội mở mang dịch vụ, ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, thực hiện các mục tiêu xã hội như tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo.

III. KẾT QUẢ THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VÀ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ

1. Công tác chỉ đạo, tổ chức, triển khai thực hiện Luật Hợp tác xã và các chính sách phát triển kinh tế tập thể

Cùng với việc tuyên truyền, phổ biến và tổ chức triển khai Luật Hợp tác xã năm 2012, các Nghị định của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn về kinh tế tập thể của các bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 16- NQ/TU ngày 20/4/2015 về tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững; Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 4752/QĐ-UBND ngày 29/12/2014 về phê duyệt Đề án phát triển, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2015 - 2020; ban hành Chỉ thị số 18/CT-UBND ngày 13/8/2015 về đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác xã trên địa bàn tỉnh; ban hành Quyết định số 3394/UBND- THKH ngày 07/9/2015 về thành lập ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể do đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm Trưởng ban; xúc tiến thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã; chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế tập thể 5 năm và hàng năm, gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương và của tỉnh.

2. Công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể

Công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể được quan tâm, các sở, ban, ngành cấp tỉnh đã củng cố, kiện toàn một bước bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, cụ thể: Sở Kế hoạch và Đầu tư có bộ phận theo dõi kinh tế tập thể là Phòng Đăng ký kinh doanh; Sở Nông nghiệp và PTNT giao Chi cục Phát triển nông thôn thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với HTX nông nghiệp. Các sở: Công thương, Giao thông Vận tải, Xây dựng,... đã quan tâm hơn đến phát triển kinh tế tập thể, phân công cán bộ theo dõi, chỉ đạo. Các huyện, thị xã, thành phố giao cho Phòng Tài chính - Kế hoạch theo dõi phát triển kinh tế tập thể, định kỳ báo cáo theo quy định; tăng cường theo dõi, nắm bắt và giải quyết những khó khăn, vướng mắc của hợp tác xã trong quá trình hoạt động.

Công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên các cấp trong việc tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật và vận động, giáo dục quần chúng, hội viên, thành viên tự nguyện tham gia phát triển kinh tế tập thể ngày càng chặt chẽ và có hiệu quả.

3. Kết quả triển khai chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã

- Chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hợp tác xã: Nhìn chung, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hợp tác xã cơ bản đáp ứng yêu cầu trang bị kiến thức chủ yếu về quản trị, kỹ năng quản lý, góp phần nâng cao trình độ, nhận thức, năng lực cho cán bộ quản lý, chuyên môn của hợp tác xã. Ngoài nguồn kinh phí của Trung ương, hàng năm các địa phương trích nguồn ngân sách của địa phương tổ chức các lớp bồi dưỡng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp cho các cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật của hợp tác xã nông nghiệp, như các huyện: Nông Cống, Triệu Sơn, Yên Định và Hoằng Hóa.

- Chính sách hỗ trợ về khoa học công nghệ: Trong những năm qua, tỉnh đã hỗ trợ các hợp tác xã thông qua việc triển khai các đề tài, dự án khoa học công nghệ cấp tỉnh tại các địa phương, hợp tác xã nông nghiệp về sản xuất giống lúa có năng suất cao; du nhập, tuyển chọn các giống tốt ở một số loại cây trồng; ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo, lai tạo giống chất lượng cao trong chăn nuôi, đặc biệt hỗ trợ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật du nhập nuôi thử nghiệm một số loại con nuôi mới như: cá hồi vân, cá tầm nga, đà điểu..., mang lại hiệu quả kinh tế cao và tạo thêm nghề nuôi trồng mới cho các trang trại, hợp tác xã và hộ nông dân. Một số địa phương đã bố trí kinh phí thực hiện chương trình khuyến công, khuyến nông, triển khai các đề tài, dự án, hỗ trợ hợp tác xã ứng dụng giống mới, bảo quản và chế biến nông sản, sản xuất các loại giống cây trồng.

- Chính sách tín dụng: Nhằm đáp ứng nhu cầu vốn và dịch vụ thanh toán cho các thành phần kinh tế, trong đó có khu vực kinh tế tập thể, các tổ chức tín dụng đã cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, khoanh nợ, gia hạn, miễn giảm lãi vay, tạo thuận lợi cho các hợp tác xã tiếp cận được nguồn vốn, góp phần giải quyết một phần khó khăn về vốn, thúc đẩy hợp tác xã sản xuất kinh doanh.

- Chính sách thuế: Chính sách hỗ trợ về thuế đối với các hợp tác xã được quan tâm thực hiện, đã miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế môn bài và tiền thuê đất cho các hợp tác xã theo quy định. Các hợp tác xã nông nghiệp được miễn 100% thuế thu nhập doanh nghiệp phần thu nhập từ các hoạt động dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trực tiếp phục vụ đời sống xã viên.

- Chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường: Thường xuyên vận động, hỗ trợ và tổ chức cho các hợp tác xã hưởng ứng tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại do các bộ, ngành và địa phương tổ chức; hỗ trợ kinh phí thuê gian hàng, kinh phí vận chuyển hàng hóa, chi phí đi lại tại Hội trợ thương mại miền Tây Thanh Hóa; gắn quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch của tỉnh với công tác xúc tiến thương mại để các hợp tác xã tham gia tìm kiếm thị trường, đối tác mở rộng thị trường.

- Chính sách hỗ trợ hợp tác xã đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống của cộng đồng xã viên và tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội: Mặc dù Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/12/2013 của Chính phủ đã quy định việc ưu tiên cho các hợp tác xã tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với khả năng của hợp tác xã. Tuy nhiên, mỗi chương trình, dự án có tiêu chí, quy định về vốn, phương tiện, thiết bị, nhân lực, kỹ thuật; vì vậy, với khả năng cạnh tranh và năng lực nội tại của các hợp tác xã thì việc tham gia các chương trình này gặp nhiều khó khăn.

4. Kết quả đăng ký lại, chuyển đổi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã

Toàn tỉnh có 473 hợp tác xã đã thực hiện chuyển đổi, tổ chức lại hoạt động theo Luật hợp tác xã năm 2012, đạt 52,2% số hợp tác xã phải chuyển đổi, tổ chức lại; trong đó, số hợp tác xã đã chuyển trong lĩnh vực nông nghiệp là 373 hợp tác xã, đạt 41,2 % so với tổng số hợp tác xã và đạt 62,6% số hợp tác xã nông nghiệp; số hợp tác xã phi nông nghiệp đã chuyển đổi là 100 hợp tác xã, đạt 11% so với tổng số hợp tác xã và đạt 32,3% số hợp tác xã phi nông nghiệp. Sau chuyển đổi, các hợp tác xã đã có những chuyển biến tích cực; việc xác định tư cách thành viên tham gia hợp tác xã rõ ràng hơn, xóa bỏ tình trạng thành viên hợp tác xã cũ đương nhiên là thành viên hợp tác xã mới; số vốn góp của từng thành viên tham gia hợp tác xã đã tăng lên dẫn đến vốn điều lệ của hợp tác xã được bổ sung, góp phần mở rộng các hoạt động dịch vụ của các hợp tác xã.

IV. NHỮNG THUẬN LỢI, KHÓ KHĂN VÀ NGUYÊN NHÂN

1. Những thuận lợi

- Quốc hội đã ban hành Luật Hợp tác xã số 23/2012/QH13 có hiệu lực thi hành 01/7/2013 cùng với Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã tạo thuận lợi cho khu vực kinh tế tập thể phát triển.

- Lĩnh vực kinh tế tập thể luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh thông qua việc chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế tập thể gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương và của tỉnh. Ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác xã trên địa bàn tỉnh; thành lập Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể; xúc tiến thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Cùng với sự nỗ lực cố gắng, sáng tạo của các hợp tác xã trong sản xuất kinh doanh, đây là những thuận lợi cơ bản, là tiền đề quan trọng để khu vực kinh tế tập thể tiếp tục đổi mới và phát triển bền vững.

2. Khó khăn, hạn chế

- Số lượng hợp tác xã thành lập mới còn chậm so với tiềm năng, lợi thế của địa phương.

- Quy mô hoạt động và năng lực nội tại của các hợp tác xã còn yếu; công tác tổ chức quản lý và sản xuất ở một số hợp tác xã chưa chặt chẽ. Sự hợp tác giữa các hợp tác xã với nhau và giữa các hợp tác xã với các thành phần kinh tế khác chưa được quan tâm, chú trọng, nhất là từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, hạn chế đến hiệu quả kinh doanh.

- Công tác tổ chức, triển khai quán triệt Nghị quyết và Chương trình hành động thực hiện các nghị quyết về kinh tế tập thể mặc dù được quan tâm chỉ đạo, song vẫn còn một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm đúng mức; việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế tập thể ở một số địa phương, đơn vị còn cứng nhắc, chưa linh hoạt nên hiệu quả không cao.

Những tồn tại, hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân chủ yếu đó là:

- Nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tập thể ở một số ngành, địa phương chưa đầy đủ. Bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể đã được sắp xếp, kiện toàn nhưng cán bộ theo dõi chủ yếu vẫn là kiêm nhiệm; một số ngành, địa phương chưa chủ động cụ thể hóa Nghị quyết, Kế hoạch về kinh tế tập thể của Trung ương, của tỉnh bằng các chương trình, đề án, kế hoạch của ngành và địa phương.

- Các cơ chế, chính sách hỗ trợ hợp tác xã của Trung ương và của tỉnh tuy đã được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện nhưng do năng lực và khả năng tiếp cận của các hợp tác xã còn hạn chế, việc lập phương án sản xuất kinh doanh và tài sản bảo đảm vay vốn ở một số hợp tác xã chưa đáp ứng yêu cầu, nên các hợp tác xã đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ còn thấp.

- Thanh Hóa là tỉnh có địa bàn rộng, số lượng hợp tác xã, tổ hợp tác lớn, trong khi kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý hợp tác xã còn hạn chế so với tổng số cán bộ hợp tác xã.

Phần thứ hai

KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ NĂM 2017

I. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ NĂM 2017

1. Dự báo những thuận lợi, khó khăn

a) Những thuận lợi

- Công tác phát triển kinh tế tập thể tiếp tục nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách tạo thuận lợi cho kinh tế tập thể phát triển.

- Môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh ngày càng được cải thiện; công tác cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực liên quan đến hoạt động của các thành phần kinh tế đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế, trong đó có lĩnh vực kinh tế tập thể.

- Luật hợp tác xã năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc tổ chức thành lập và hoạt động của hợp tác xã; một số chính sách mới ban hành trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của kinh tế tập thể.

b) Những khó khăn

- Việc cụ thể hóa các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về kinh tế tập thể ở một số bộ, ngành Trung ương tuy đã được quan tâm thực hiện, song vẫn còn chậm, chưa sửa đổi, bổ sung kịp thời.

- Năng lực tài chính của các hợp tác xã còn yếu; cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị chưa đáp ứng được yêu cầu trong khi trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý hợp tác xã còn hạn chế, chưa thật sự tâm huyết gắn bó lâu dài với hợp tác xã.

- Nguồn lực của địa phương hỗ trợ cho khu vực kinh tế tập thể tuy được quan tâm, thực hiện nhưng vẫn còn khó khăn, trong khi nhu cầu hỗ trợ của các hợp tác xã tương đối lớn.

2. Định hướng chung về phát triển kinh tế tập thể

Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, củng cố những hợp tác xã hiện có, phát triển rộng rãi kinh tế tập thể với nhiều hình thức trong các ngành, lĩnh vực và địa bàn hoạt động. Tăng cường công tác chỉ đạo chuyển đổi, đăng ký lại các hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã. Nâng cao hiệu quả hoạt động trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc, giá trị hợp tác xã. Trong lĩnh vực nông nghiệp tập trung làm tốt các dịch vụ đầu vào, đầu ra phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hộ thành viên, từng bước mở rộng ngành nghề sản xuất, kinh doanh phù hợp; trong lĩnh vực phi nông nghiệp vừa tổ chức sản xuất vừa kinh doanh dịch vụ; mở rộng các hình thức kinh doanh, liên kết giữa các hợp tác xã và giữa hợp tác xã với các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

3. Mục tiêu tổng quát

Phát triển kinh tế tập thể với nòng cốt là hợp tác xã nhanh và bền vững, góp phần xây dựng xã hội hợp tác, đoàn kết, cùng chia sẻ sự thịnh vượng và quản lý một cách dân chủ, góp phần đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhất là đối với nông nghiệp và nông thôn. Phấn đấu đưa khu vực kinh tế hợp tác xã cùng kinh tế của các thành viên, hộ xã viên đóng góp ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2017.

4. Một số mục tiêu cụ thể

- Tỷ lệ đóng góp của kinh tế tập thể vào GRDP chiếm khoảng 0,68%.

- Thành lập mới 25 hợp tác xã.

- Số lượng thành viên mới tham gia hợp tác xã khoảng 700 người.

- Doanh thu bình quân của hợp tác xã ước đạt 4.054 triệu đồng/năm.

- Thu nhập bình quân của người lao động trong hợp tác xã ước đạt 29,4 triệu đồng/năm.

II. CÁC GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ NĂM 2016

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí, ý nghĩa của kinh tế tập thể

- Đẩy mạnh công tác quán triệt, tuyên truyền về đường lối, chính sách phát triển kinh tế tập thể của Đảng và Nhà nước ở các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân nhằm thống nhất nhận thức trong toàn bộ hệ thống chính trị về bản chất hợp tác xã và mô hình hợp tác xã kiểu mới; Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh cần tiếp tục xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về phát triển kinh tế tập thể, làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, vai trò của kinh tế tập thể.

- Tiếp tục làm tốt công tác phổ biến, tuyên truyền đến các thành viên hợp tác xã và nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với kinh tế tập thể, nhất là tuyên truyền Luật Hợp tác xã năm 2012, Nghị định số 193/2013/NĐ-CP của Chính phủ, Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ và các Chương trình, Đề án của tỉnh về phát triển kinh tế tập thể.

- Xây dựng các mô hình phát triển kinh tế tập thể, các gương điển hình, các hợp tác xã tiêu biểu; tổ chức tốt các đợt thi đua, các phong trào làm kinh tế giỏi; hàng năm tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá chương trình thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi hợp tác xã gắn với công tác tuyên dương, khen thưởng các hợp tác xã, cán bộ quản lý và các xã viên tiêu biểu có nhiều đóng góp cho công tác phát triển kinh tế của địa phương.

2. Hoàn thiện khung pháp lý phục vụ việc rà soát, đổi mới, cơ chế hoạt động của các hợp tác xã

- Xây dựng hướng dẫn chuyển đổi mô hình hoạt động của hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012; tiến hành rà soát, đối chiếu mô hình tổ chức, cơ chế quản lý, nguyên tắc hoạt động của các hợp tác xã hiện có với các quy định của Luật Hợp tác xã và các văn bản hướng dẫn thi hành, trên cơ sở đó thực hiện bổ sung, sửa đổi điều lệ, củng cố lại cơ cấu tổ chức, xây dựng phương án sản xuất phù hợp với tình hình thực tế của từng hợp tác xã.

- Đối với các hợp tác xã đang hoạt động nhưng không thể tổ chức lại cho phù hợp với quy định của Luật Hợp tác xã, có nhu cầu giải thể, chuyển đổi sang hình thức tổ chức khác thì tạo điều kiện để hợp tác xã tiến hành giải thể, chuyển đổi. Trường hợp hợp tác xã đã đăng ký nhưng không còn hoạt động thì tiến hành giải thể bắt buộc, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, xóa tên trong sổ đăng ký kinh doanh.

3. Tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển hợp tác xã

- Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính cân đối bố trí vốn sự nghiệp từ ngân sách trung ương hỗ trợ và ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình hỗ trợ các hợp tác xã; hướng dẫn thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể.

- Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ các hợp tác xã ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất; quảng bá, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, nâng cao hình ảnh, thương hiệu các sản phẩm của hợp tác xã.

- Liên minh Hợp tác xã tỉnh chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan xúc tiến thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định; hướng dẫn, hỗ trợ các hợp tác xã xây dựng các đề án, dự án hỗ trợ theo các nội dung hỗ trợ quy định tại Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Thường xuyên tổ chức gặp gỡ, đối thoại với các hợp tác xã nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, tâm tư, nguyện vọng của các thành viên để kịp thời kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

- Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc tỉnh có kế hoạch, chương trình hành động, phối hợp với các tổ chức có liên quan thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật và vận động, giáo dục quần chúng, hội viên, thành viên tự nguyện tham gia phát triển kinh tế tập thể.

4. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã

- UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện rà soát về tình hình đăng ký kinh doanh hợp tác xã và tình hình hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn để đánh giá đúng thực trạng hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, từ đó có biện pháp chỉ đạo, quản lý phù hợp. Triển khai thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ về hợp tác xã theo quy định.

- Xây dựng cơ chế khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ, nhằm góp phần giảm chi phí, nâng cao chất lượng hàng hóa và năng suất lao động nông nghiệp. Phát triển các hình thức hợp tác liên kết đa dạng, phù hợp, hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.

- Khuyến khích, hỗ trợ các hợp tác xã nâng cao năng lực tổ chức, điều hành theo hướng cơ cấu bộ máy quản lý gọn, linh hoạt và năng động. Mở rộng ngành, nghề trong các lĩnh vực như: thương mại, các dịch vụ cơ khí, vận tải ở nông thôn, tín dụng nội bộ, quản lý chợ, cung cấp xăng dầu, cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, tham gia đấu thầu các công trình xây dựng hạ tầng ở nông thôn, như: đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo, trạm xá.

5. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể

- Củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể ở cấp huyện, thống nhất một đầu mối là phòng Tài chính - Kế hoạch tham mưu giúp UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện công tác quản lý nhà nước trên địa bàn; thực hiện tốt Kế hoạch số 119/KH-UBND ngày 06/11/2013 của UBND tỉnh về việc thực hiện Kết luận số 56-KL/TW ngày 21/2/2013 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa IX) về tiếp tục đổi mới phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác quản lý Nhà nước đối với kinh tế tập thể của cấp trên đối với cấp dưới, của sở, ngành đối với địa phương cơ sở. Tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành liên quan trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho hợp tác xã, kịp thời phát hiện, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ; chú trọng phát triển kinh tế tập thể gắn với xây dựng nông thôn mới và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn.

- Xây dựng chính sách khuyến khích người nông dân, các hộ xã viên tự nguyện tham gia hợp tác xã, nhằm thu hút vốn góp bằng nhiều hình thức như: cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp tạo điều kiện xây dựng cánh đồng lớn hoặc vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản lớn để có điều kiện ứng dụng khoa học tiên tiến, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Trên đây là Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể tỉnh Thanh Hóa năm 2017, yêu cầu các sở, ngành và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện, đảm bảo hoàn thành các nội dung của Kế hoạch đề ra./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Quyền

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 115/KH-UBND năm 2016 phát triển kinh tế tập thể tỉnh Thanh Hóa năm 2017

  • Số hiệu: 115/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 04/08/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
  • Người ký: Nguyễn Đức Quyền
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/08/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản