Hệ thống pháp luật

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
UBND QUẬN PHÚ NHUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/KH-UBND

Phú Nhuận, ngày 07 tháng 01 năm 2011

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN QUY CHẾ DÂN CHỦ VÀ TỔ CHỨC ĐẠI HỘI CÔNG NHÂN VIÊN CHỨC, HỘI NGHỊ NGƯỜI LAO ĐỘNG VÀ HỘI NGHỊ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC NĂM 2011

Thực hiện Kết luận số 65-KL/TW ngày 04/3/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở (gọi tắt Kết luận số 65-KL/TW); căn cứ Hướng dẫn số 148-HD/BCĐTW ngày 24/4/2010 của Ban Chỉ đạo Trung ương về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở về việc thực hiện Kết luận số 65-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Nghị quyết của Quận ủy và Hướng dẫn số 11/HD-LĐLĐ ngày 14/12/2010 của Liên đoàn Lao động thành phố về tổ chức Đại hội công nhân viên chức, Hội nghị Người lao động và Hội nghị Cán bộ công chức năm 2011. Ủy ban nhân dân (UBND) quận đề ra kế hoạch thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở với các nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

- Phát huy tốt và thường xuyên hơn quyền dân chủ của nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Qua đó làm chuyển biến phong cách làm việc của cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị theo hướng gần dân, tôn trọng dân, lắng nghe ý kiến của dân, có trách nhiệm với dân, chống tiêu cực, tham nhũng, phiền hà cho dân, tạo không khí dân chủ trong hoạt động các cơ quan, đơn vị và địa bàn dân cư, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ của doanh nghiệp, làm tốt nghĩa vụ với Nhà nước, góp phần xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể trong doanh nghiệp trong sạch, vững mạnh, tạo động lực thúc đẩy các phong trào hành động, thi đua góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội tại địa phương.

- Thực hiện dân chủ là công việc quan trọng, thường xuyên và lâu dài, đề nghị các cấp ủy Đảng, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và Chủ tịch UBND 15 phường tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc từ khâu học tập quán triệt đến việc xây dựng, tổ chức thực hiện các quy chế cụ thể trên từng lĩnh vực công tác theo quy định pháp luật và phù hợp với tình hình hoạt động của từng cơ quan, đơn vị và địa bàn dân cư; hoàn thành tốt việc tổ chức Đại hội công nhân viên chức, Hội nghị Người lao động và Hội nghị Cán bộ công chức năm 2011, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN:

1. Công tác tuyên truyền, giáo dục:

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, cập nhật kịp thời đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hiện dân chủ ở cơ sở theo Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 của Ủy ban Thường vụ quốc hội, Chỉ thị 30-CT/TW ngày 18/2/1998 của Bộ Chính trị, Nghị định 71/1998/NĐ-CP ngày 08/9/1998, Nghị định số 07/1999/NĐ-CP ngày 13/02/1999 và Nghị định số 87/2007/NĐ-CP ngày 28/5/2007 của Chính phủ, Thông tư liên tịch số 09/1998/TTLT-TCCP-TLĐLĐ ngày 04/12/1998 của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Thông tư liên tịch số 01/2005/TTLT-TLĐLĐVN-BLĐTB&XH ngày 16/5/2005 và số 32/2007/TTLT-BLĐTB&XH-TLĐLĐVN ngày 31/12/2007 của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và Bộ Lao động - Thương binh và xã hội.

- Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, quán triệt trong sinh hoạt, học tập các văn bản về công tác dân vận như: bài báo “Dân vận” của chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận. Triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc quyết định số 290 QĐ/TW ngày 25/2/2010 của Bộ Chính trị (khóa X) về quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị. Nâng cao chất lượng, nội dung và cải tiến hình thức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, làm cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và đông đảo quần chúng nhân dân hiểu rõ để tích cực phát huy quyền dân chủ của mình, góp phần xây dựng chính quyền vững mạnh và thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển bền vững.

2. Nội dung thực hiện quy chế dân chủ:

- Xây dựng các biện pháp phối hợp phù hợp nhằm nâng cao vị trí, vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong việc phát huy sức mạnh tập hợp, đoàn kết nhân dân thực hiện dân chủ ở cơ sở, giám sát và phản biện xã hội, gắn với phong trào thi đua yêu nước, vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

- Tập trung củng cố kiện toàn các Tổ chỉ đạo, bộ phận tham mưu thực hiện quy chế dân chủ tại các cơ quan, đơn vị và trên địa bàn dân cư. Phân công rõ nhiệm vụ cho từng thành viên, hướng dẫn và tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện để kịp thời chấn chỉnh, giúp đỡ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh và đề xuất biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân thực hiện tốt.

- Tiếp tục chỉ đạo thực hiện, chủ động phối hợp với Ban Dân vận và các đoàn thể chính trị - xã hội, các hội quần chúng để thực hiện tốt Chỉ thị 18/2000/CT-TTg ngày 21/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ về “tăng cường công tác dân vận” gắn với thực hiện cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, xây dựng mô hình, điển hình phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua “Dân vận khéo” bằng kế hoạch cụ thể, trong đó có phân công trách nhiệm, các bước và thời gian hoàn thành việc thực hiện công tác dân vận.

- Các cơ quan, đơn vị tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung và cụ thể hóa nội dung thực hiện vào chương trình hành động, các quy chế, quy định trên từng lĩnh vực công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị gắn với củng cố hệ thống chính trị cơ sở, thực hiện công tác cải cách hành chính, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, cuộc vận động học tập Và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xây dựng nếp sống văn minh - mỹ quan đô thị đã và đang được tiếp tục triển khai thực hiện.

- Triển khai tổ chức tốt Hội nghị nhân dân, Đại hội công nhân viên chức, Hội nghị người lao động, Hội nghị cán bộ công chức, viên chức để phát huy dân chủ, ý thức trách nhiệm của cán bộ công chức, công nhân viên chức, người lao động và nhân dân trong việc tham gia bàn bạc, góp ý xây dựng chủ trương, giải pháp thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch của cơ quan, đơn vị và địa phương. Đồng thời xây dựng mới, điều chỉnh, bổ sung các quy ước, thỏa ước lao động tập thể của cơ quan, đơn vị.

- Lãnh đạo chính quyền phối hợp tốt với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quan tâm giải quyết kịp thời những kiến nghị chính đáng của nhân dân, cán bộ, công nhân viên chức; phòng ngừa và xử lý nghiêm các biểu hiện lợi dụng dân chủ, không thực hiện nghiêm quy định pháp luật. Tổ chức sơ, tổng kết việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở theo định kỳ, qua đó rà soát, điều chỉnh những nội dung chưa phù hợp, bổ sung những vấn đề phát sinh mới nhằm đáp ứng nhiệm vụ chính trị trong năm 2011 và những năm tiếp theo.

- Phát huy hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đối với những vấn đề dân bàn, quyết định những việc của dân và dân bàn, chính quyền quyết định. Tăng cường công tác cải cách hành chính trên các lĩnh vực: Cải cách thể chế, đẩy mạnh thực hiện quy trình “một cửa’’, “một cửa liên thông”; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường tiếp xúc đối thoại với nhân dân. Thực hiện tốt công tác tiếp dân, kịp thời giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân. Có lịch làm việc thường xuyên, trực tiếp với cơ sở, các tổ chức chân rết trên địa bàn dân cư để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, qua đó tuyên truyền giải thích chính sách, pháp luật của Nhà nước với nhân dân.

- Xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ trong các cơ quan, đơn vị và địa bàn dân cư cần đảm bảo thực hiện theo các quy định hiện hành, có vận dụng, sáng tạo trong khuôn khổ pháp luật phù hợp với đặc thù tại từng nơi, cụ thể:

+ Việc thực hiện quy chế dân chủ tại các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp theo tinh thần Nghị định số 71/1998/NĐ-CP của Chính phủ; Bệnh viện và các trường học thực hiện theo Quyết định số 3649/1999/QĐ-BYT ngày 12/11/1999 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành ''Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của bệnh viện" và Quyết định số 04/2000/QĐ-GDĐT của Bộ Giáo dục - Đào tạo về ban hành Quy chế dân chủ trong hoạt động của Nhà trường;

+ Việc thực hiện quy chế dân chủ trên địa bàn dân cư theo Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết liên tịch số 09/2008/NQLT-CP-UBMTTQVN ngày 17/4/2008 của Chính phủ - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Việt Nam về Hướng dẫn thi hành các Điều 11, Điều 14, Điều 16, Điều 22 và Điều 26 của Pháp lệnh số 34; UBND 15 phường hướng dẫn khu phố, tổ dân phố xây dựng Quy ước phù hợp với đặc điểm tình hình dân cư, đảm bảo tính khả thi, tránh sao chép, rập khuôn. Quy ước tổ dân phố phải được UBND quận phê duyệt (thông qua phòng Nội vụ) sau khi đã được phòng Tư pháp góp ý, thẩm định theo trình tự, thủ tục quy định tại Quyết định số 07/2010/QĐ-UBND ngày 27/8/2010 về ban hành Quy ước mẫu tổ dân phố và quy trình thẩm định Quy ước tổ dân phố và Công văn số 196/UBND-NV ngày 04/5/2010 về đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước khu phố, tổ dân phố và cụm dân cư của UBND quận;

Việc thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động cơ quan UBND phường vận dụng theo Nghị định số 71/1998/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư liên tịch số 09/1998/TTLT-TCCP-TLĐLĐ của Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành. Theo đó, từng cơ quan phải xây dựng ít nhất 03 quy chế, quy định cụ thể nhằm phát huy tốt quyền dân chủ đối với cán bộ, công chức phường.

+ Các doanh nghiệp nhà nước thực hiện Quy chế dân chủ theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/2005/TTLT-TLĐLĐVN-BLĐTB&XH của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và Bộ Lao động - Thương binh và xã hội; các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp năm 2005 thực hiện Quy chế dân chủ theo Nghị định số 87/2007/NĐ-CP của Chính phủ.

3. Tổ chức Đại hội công nhân, viên chức, Hội nghị người lao động và Hội nghị cán bộ, công chức năm 2011:

a) Tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp và trường học:

- Việc tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức phải thực hiện đúng theo Nghị định số 71/1998/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 09/1998/TTLT-TCCP-TLĐLĐ của Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, trong đó các tổ chức công đoàn cơ sở cần chủ động phối hợp với thủ trưởng cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch tổ chức Hội nghị ngay từ đầu năm, trong đó cần tập trung thực hiện một số nội dung sau:

+ Bàn biện pháp thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; cụ thể hóa quy chế dân chủ thông qua việc bàn bạc, xây dựng các quy định, quy chế phù hợp với điều kiện cơ quan như: quy chế thi đua khen thưởng, quy chế sử dụng quỹ phúc lợi, quy chế tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đào tạo lại chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức, quy chế quản lý sử dụng tài sản cơ quan, quy chế thực hành tiết kiệm, chống lãng phí,... Mỗi cơ quan, đơn vị phải xây dựng ít nhất 03 quy chế, quy định cụ thể trong hoạt động cơ quan, đơn vị và phải được cập nhật, điều chỉnh bổ sung cho phù hợp với quy định pháp luật mới ban hành;

+ Bầu bổ sung hoặc bầu lại Ban thanh tra nhân dân (đối với những đơn vị khuyết Ủy viên thanh tra hoặc những nơi chưa có Ban thanh tra nhân dân), từng bước đưa hoạt động thanh tra nhân dân đi vào nề nếp và nâng cao chất lượng hoạt động theo chức năng nhiệm vụ được quy định tại Nghị định số 99/2005/NĐ-CP ngày 28/7/2005 của Chính phủ;

- Các đơn vị trường học thực hiện theo Quyết định số 04/2000/QĐ-GDĐT của Bộ Giáo dục - Đào tạo. Đối với các trường ngoài hệ thống công lập thì vận dụng theo Quyết định số 04/2000/QĐ-GDĐT để xây dựng quy chế dân chủ trong nhà trường và tổ chức ký kết Thoả ước lao động tập thể theo Nghị định số 93/2002/NĐ-CP ngày 11/11/2002 của Chính phủ; đối với Bệnh viện thực hiện quy chế dân chủ theo Quyết định số 3649/1999/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành "Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của bệnh viện".

b) Tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức phường:

Căn cứ Nghị định số 114/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn và Thông tư Liên tịch số 09/1998/TTLT-TCCP-TLĐLĐVN, Chủ tịch UBND phường phối hợp Ban chấp hành Công đoàn cơ sở để tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức phường theo trình tự, nội dung đã quy định nhằm phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công chức phường trong việc đóng góp xây dựng hoạt động của cơ quan UBND phường thật sự trong sạch, vững mạnh.

c) Đối với doanh nghiệp Nhà nước:

Thực hiện theo tinh thần Nghị định số 07/1999/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 01/TTLT-TLĐLĐVN-BLĐTB&XH của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Công đoàn cơ sở cân chủ động tham gia cùng với Giám đốc xây dựng kế hoạch tổ chức Đại hội công nhân, viên chức ngay từ đầu năm, trong đó cần tập trung thực hiện tốt các nội dung sau:

- Thảo luận góp ý kiến trước khi cấp có thẩm quyền quyết định các vấn đề liên quan thuộc cấp mình và cấp trên trực tiếp: phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch, biện pháp phát triển sản xuất, kinh doanh, sắp xếp lại tổ chức công ty, công khai tài chính; phương án cổ phần hóa; đa dạng hóa sở hữu công ty; các nội quy, quy chế hoạt động của công ty liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người lao động; các biện pháp bảo hộ lao động, cải thiện điều kiện làm việc, đời sống vật chất và tinh thần, vệ sinh môi trường, đào tạo và đào tạo lại nghề cho người lao động; bỏ phiếu tín nhiệm cán bộ quản lý khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu;

- Thảo luận và biểu quyết các vấn đề: sửa đổi, bổ sung Thỏa ước lao động tập thể để đại diện người lao động ký kết với Giám đốc; Quy chế sử dụng quỹ phúc lợi, khen thưởng và các chỉ tiêu kế hoạch của công ty có liên quan trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động phù hợp với quy định của nhà nước;

- Đánh giá kết quả hoạt động và chương trình hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân; bầu ban thanh tra nhân dân (bầu bổ sung hoặc theo nhiệm kỳ).

d) Đối với công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp năm 2005 (gọi tắt là công ty):

Tổ chức Hội nghị người lao động vào đầu năm theo quy định tại Nghị định số 87/2007/NĐ-CP của Chính phủ về ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn và Thông tư liên tịch số 32/2007/TTLT-BLĐTB&XH-TLĐLĐVN của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, trong đó cần chú trọng thực hiện các nội dung sau:

- Thảo luận góp ý kiến trước khi cấp có thẩm quyền quyết định các vấn đề liên quan thuộc cấp mình và cấp trên trực tiếp: Các giải pháp để hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất kinh doanh do Đại hội cổ đông thông qua; các biện pháp bảo hộ lao động, cải thiện điều kiện làm việc, đời sống vật chất và tinh thần, vệ sinh môi trường, đào tạo và đào tạo lại nghề cho người lao động; các nội dung dự thảo mới hoặc dự thảo sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể, các nội quy, quy chế công ty liên quan trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động;

- Thảo luận và biểu quyết các vấn đề sau: Nội dung Thỏa ước lao động tập thể mới (hoặc đã hết hạn) để tiến hành ký kết; các vấn đề cần chỉnh sửa, bổ sung cho Thỏa ước lao động tập thể còn hiệu lực; Quy chế sử dụng các quỹ có liên quan trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của Người lao động (nếu có); nội dung Nghị quyết Hội nghị Người lao động.

Đối với các doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh vận dụng thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 32/2007/TTLT-BLĐTB&XH-TLĐLĐVN như đã nêu trên đây.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

- Yêu cầu lãnh đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức phổ biến, quán triệt kế hoạch và có chương trình thực hiện theo các nội dung nêu trên. Việc tổ chức Đại hội công nhân, viên chức, Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức và người lao động phải được hoàn thành xong trước ngày 30/3/2011. Riêng đối với các đơn vị trường học, thời gian tổ chức Hội nghị cán bộ, viên chức vào đầu năm học 2011 - 2012. Các cơ quan, đơn vị phải thông báo trước thời gian tổ chức để các phòng, ban có liên quan tham dự; trong thời hạn 05 ngày sau khi tiến hành xong Đại hội, Hội nghị phải gửi văn kiện, nghị quyết, các quy chế, quy định của đơn vị về Liên đoàn lao động quận và UBND quận (thông qua phòng Nội vụ) để theo dõi, kiểm tra và đánh giá thi đua cuối năm.

- Các cơ quan, đơn vị cần đảm bảo thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo gửi về UBND quận (thông qua phòng Nội vụ) theo quy định: Chương trình, kế hoạch thực hiện quy chế dân chủ nộp trước ngày 01/02/2011; báo cáo quý I, 6 tháng và quý III nộp trước ngày 10 của các tháng 3, 6, 9 và báo cáo năm nộp trước ngày 15/10/2011.

- Giao phòng Tư pháp chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phổ biến, tuyên truyền giáo dục các quy định pháp luật về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trên địa bàn quận.

- Giao phòng Nội vụ phối hợp với Ban Dân vận Quận ủy, phòng Lao động - Thương binh và xã hội, phòng Kinh tế và các đơn vị có liên quan theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc và có kế hoạch kiểm tra các cơ quan, đơn vị về việc thực hiện kế hoạch này và tổng hợp báo cáo Quận ủy, UBND quận và Tổ chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 30-CT/TW của quận theo quy định.

- Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận và các đoàn thể quận căn cứ chức năng, nhiệm vụ có kế hoạch phối hợp thực hiện và giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ theo kế hoạch đã đề ra.

Căn cứ kế hoạch đã nêu trên, yêu cầu các tất cả các cơ quan, đơn vị trên địa bàn quận nghiêm túc triển khai và tổ chức thực hiện theo nội dung, thời gian quy định. Quá trình thực hiện, nếu có quy định mới hoặc phát sinh khó khăn vướng mắc, đề nghị báo cáo Ủy ban nhân dân quận (thông qua phòng Nội vụ) để được hướng dẫn hoặc đề xuất Ủy ban nhân dân quận xem xét điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp thực tiễn./.

 


Nơi nhận:
- Ban Dân vận Thành ủy;
- Sở Nội vụ, Phòng XDCQ-SNVTP; LĐLĐ thành phố;
- TT/QU, UB.MTTQVN quận;
- Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND quận;
- LĐLĐ quận; Ban Dân vận Quận ủy;
- Tổ chỉ đạo và Tổ chuyên viên thực hiện Chthị 30-CT/TW;
- Các cơ quan, đơn vị HCSN, Trường học thuộc quận;
- UBND 15 phường;
- DN nhà nước, Cty cổ phần, Cty TNHH;
- Lưu VT (2b).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phạm Công Nghĩa

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 08/KH-UBND thực hiện quy chế dân chủ và tổ chức Đại hội công nhân viên chức, Hội nghị người lao động và Hội nghị cán bộ, công chức năm 2011 do Ủy ban nhân dân quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 08/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 07/01/2011
  • Nơi ban hành: Quận Phú Nhuận
  • Người ký: Phạm Công Nghĩa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản