ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/KH-UBND | Quảng Ninh, ngày 13 tháng 01 năm 2023 |
KẾ HOẠCH
PHÒNG, CHỐNG BỆNH KÝ SINH TRÙNG THƯỜNG GẶP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH GIAI ĐOẠN 2023 - 2025
Thực hiện Quyết định số 1745/QĐ-BYT ngày 30/3/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh ký sinh trùng thường gặp tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, Quyết định số 1744/QĐ-BYT ngày 30/03/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh Ký sinh trùng thường gặp tại Việt Nam; theo đề nghị của Sở Y tế tại Tờ trình số 6664/TTr-SYT ngày 27/12/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh ký sinh trùng thường gặp giai đoạn 2023-2025 như sau:
I. Mục tiêu:
1. Mục tiêu chung: Làm giảm gánh nặng bệnh tật do ký sinh trùng gây ra góp phần chăm sóc chủ động, nâng cao sức khoẻ nhân dân trên địa bàn tỉnh.
2. Mục tiêu cụ thể:
a) Giảm tỷ lệ nhiễm, cường độ nhiễm các bệnh giun, sán và giảm gánh nặng bệnh tật do ký sinh trùng gây ra tại các vùng dịch tễ.
b) Giảm tỷ lệ nhiễm, cường độ nhiễm và giảm gánh nặng bệnh giun truyền qua đất, ưu tiên ở các đối tượng nguy cơ cao như trẻ em từ 12 đến 60 tháng tuổi, học sinh tiểu học từ 6 đến 11 tuổi và phụ nữ độ tuổi sinh sản từ 15 đến 45 tuổi.
c) Củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống phòng, chống bệnh ký sinh trùng thường gặp trên phạm vi toàn tỉnh.
3. Chỉ tiêu:
- Chỉ tiêu 1: Xây dựng bản đồ và xác định vùng dịch tễ bệnh ký sinh trùng thường gặp giai đoạn 2021 - 2025.
- Chỉ tiêu 2: Mỗi năm giảm 5% tỷ lệ nhiễm giun truyền qua đất và sán lá gan nhỏ tại các vùng dịch tễ để đến năm 2025 giảm 23% so với hiện tại; các bệnh giun sán thường gặp khác được phát hiện và xử lý kịp thời.
- Chỉ tiêu 3: Điều trị 100% cho người được chẩn đoán nhiễm các loại giun sán.
- Chỉ tiêu 4: Tẩy giun 1-2 lần/năm cho các đối tượng ưu tiên:
Trên 75% học sinh tiểu học tại vùng dịch tễ.
Trên 80% trẻ từ 24 - 60 tháng tuổi ở các tỉnh có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao.
Trên 50% trẻ 12 - 23 tháng tuổi tại các tỉnh có tỷ lệ nhiễm giun trên 20%.
Trên 60% phụ nữ tuổi sinh sản 15-45 tuổi tại các tỉnh có tỷ lệ nhiễm giun trên 20%.
- Chỉ tiêu 5: Tẩy sán lá gan nhỏ 1 lần/năm cho đối tượng nguy cơ tại các vùng dịch tễ có tỷ lệ nhiễm trên 20%.
- Chỉ tiêu 6: 100% các vùng dịch tễ bệnh ký sinh trùng tiến hành các biện pháp phòng chống.
- Chỉ tiêu 7: Trên 50% người dân tại các vùng dịch tễ được tiếp cận với các thông tin tuyên truyền phòng chống các bệnh ký sinh trùng.
- Chỉ tiêu 8: 100% các trạm y tế xã, phường tại các vùng dịch tễ bệnh tiến hành được các hoạt động phòng chống bệnh giun truyền qua đất, bệnh sán lá gan nhỏ, bệnh giun sán truyền qua thức ăn và báo cáo kết quả thực hiện.
- Chỉ tiêu 9: 100% cơ sở y tế các tuyến có cán bộ được đào tạo về phòng chống bệnh ký sinh trùng. Một số các cơ sở y tế chuyên sâu có thể triển khai thực hiện phương pháp chẩn đoán và áp dụng các biện pháp phòng chống, nghiên cứu dịch tễ.
II. Giải pháp thực hiện:
1. Giải pháp về chính sách:
- Xây dựng kế hoạch phòng chống bệnh ký sinh trùng thường gặp hàng năm và theo giai đoạn của tuyến tỉnh và địa phương.
- Các cơ quan, đơn vị tuyến tỉnh xác định và huy động nguồn lực đầu tư, hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, tổ chức nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác phòng chống bệnh ký sinh trùng.
- Tuyến tỉnh xác định và huy động nguồn kinh phí, triển khai có hiệu quả các hoạt động phòng, chống các bệnh ký sinh trùng. Nâng cao chất lượng giám sát phát hiện, chẩn đoán, điều trị và phòng chống các bệnh ký sinh trùng.
- Triển khai thực hiện các quy định, quy trình, tài liệu hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật trong phòng, chống ký sinh trùng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương.
- Huy động, hướng dẫn sự tham gia và phối hợp của các Sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương và nhân dân vào công tác phòng chống các bệnh ký sinh trùng.
2. Giải pháp về chuyên môn kỹ thuật:
2.1. Giám sát, điều tra bệnh ký sinh trùng:
- Giám sát dựa vào hệ thống y tế thông qua hoạt động thống kê báo cáo công tác chẩn đoán, điều trị và phòng chống bệnh ký sinh trùng thường quy tại tất cả các cơ sở y tế trong toàn tỉnh.
- Điều tra, giám sát thu thập số liệu theo cỡ mẫu đã được xác định ngẫu nhiên hoặc có chủ đích nhằm phát hiện các trường hợp mắc hoặc đánh giá xu hướng diễn biến của bệnh.
- Lập cơ sở dữ liệu về bệnh giun sán trên địa bàn tỉnh.
- Vẽ bản đồ và xác định vùng dịch tễ cho từng bệnh ký sinh trùng của tỉnh.
2.2. Nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị bệnh ký sinh trùng:
- Rà soát, cập nhật và tổ chức tập huấn hướng dẫn chuyên môn; thực hiện hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng chống bệnh ký sinh trùng theo quy định của Bộ Y tế cho các tuyến trên địa bàn tỉnh.
- Nâng cao năng lực chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị bệnh ký sinh trùng cho các cơ sở điều trị, bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh. Đẩy mạnh hoạt động phát hiện sớm, điều trị kịp thời, đúng phác đồ.
- Đảm bảo việc cung ứng, sử dụng thuốc điều trị bệnh ký sinh trùng an toàn, hiệu quả.
2.3. Can thiệp cộng đồng phòng chống bệnh ký sinh trùng:
- Xác định được các nhóm đối tượng nguy cơ cần được can thiệp tẩy giun, sán tại các vùng dịch tễ.
- Xây dựng kế hoạch can thiệp đối với địa phương có tỷ lệ mắc cao đối với ký sinh trùng thường gặp.
- Phát hiện sớm và điều trị ca bệnh cho các đối tượng nhiễm giun, sán.
- Thực hiện các chiến dịch tẩy giun, sán cho các đối tượng nguy cơ.
- Tiếp nhận và phân bổ thuốc tẩy giun, sán cho các địa phương, đơn vị để triển khai cho đối tượng nguy cơ uống thuốc.
- Phối hợp với các ban, ngành liên quan triển khai các hoạt động phòng chống bệnh ký sinh trùng.
- Theo dõi đánh giá hiệu quả các biện pháp can thiệp.
3. Giải pháp về truyền thông, giáo dục sức khỏe
- Đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khỏe phòng chống ký sinh trùng tới cộng đồng bằng các phương tiện thông tin thích hợp, đặc biệt truyền thông giáo dục sức khỏe trực tiếp cho đối tượng đích.
- Phối hợp và đa dạng hóa các hình thức thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng chống bệnh ký sinh trùng. Lồng ghép trong hoạt động tư vấn, tổ chức các buổi truyền thông, hội thảo, tập huấn về phòng chống bệnh ký sinh trùng.
- Phối hợp với các Sở, ngành, địa phương triển khai các hoạt động về can thiệp như sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, sử dụng và giám sát chất lượng nước sạch, rửa tay bằng xà phòng.
- Tổ chức tốt việc phối hợp, huy động Ban, ngành, đoàn thể và nhân dân tích cực tham gia các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe phòng chống bệnh ký sinh trùng.
4. Giải pháp về nâng cao chất lượng hệ thống phòng chống các bệnh ký sinh trùng:
- Xây dựng, phát triển và củng cố hệ thống theo dõi giám sát, đánh giá từ tuyến tỉnh đến cơ sở. Hoàn thiện quy trình và hướng dẫn theo dõi giám sát, đánh giá hoạt động cho từng tuyến. Tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác theo dõi giám sát, đánh giá hoạt động ở tất cả các tuyến.
- Tăng cường công tác chỉ đạo tuyến hướng dẫn việc tổ chức triển khai thực hiện công tác Phòng, chống bệnh ký sinh trùng tại các đơn vị, địa phương.
- Đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên sâu tại các đơn vị tuyến tỉnh để tăng cường hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới về dự phòng, xét nghiệm, giám sát, chẩn đoán và điều trị bệnh.
- Nâng cao năng lực hệ thống xét nghiệm phát hiện tại tuyến tỉnh, tuyến huyện.
5. Giải pháp về nguồn lực và đầu tư:
- Đảm bảo bố trí đủ cơ cấu, số lượng, chất lượng chuyên môn của hệ thống phòng chống bệnh ký sinh trùng, duy trì mạng lưới cán bộ làm công tác phòng chống bệnh ký sinh trùng tại y tế cơ sở.
- Bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động Phòng, chống bệnh ký sinh trùng cho các tuyến theo quy định.
- Xác định, bố trí đảm bảo nguồn kinh phí cho hoạt động phòng chống bệnh ký sinh trùng phù hợp với khả năng và điều kiện của từng địa phương.
6. Giải pháp về xã hội hóa công tác phòng chống bệnh ký sinh trùng:
- Huy động sự tham gia vào công tác phòng chống bệnh ký sinh trùng của các cấp lãnh đạo.
- Phối hợp liên ngành trong công tác phòng chống bệnh ký sinh trùng giữa các tổ chức đoàn thể, cộng đồng tại địa phương.
- Thực hiện xã hội hóa công tác phòng chống bệnh ký sinh trùng với sự tham gia của cộng đồng và cá nhân.
III. Nội dung hoạt động:
1. Thu thập số liệu và xây dựng bản đồ dịch tễ bệnh ký sinh trùng giai đoạn 2023 - 2025:
- Tuyến tỉnh, tuyến huyện xây dựng kế hoạch và thực hiện các cuộc điều tra dịch tễ bệnh ký sinh trùng lưu hành tại các địa phương, lựa chọn các vùng dịch tễ của từng bệnh ký sinh trùng phù hợp với từng địa phương. Tổng hợp, phân tích số liệu, đánh giá kết quả hoạt động bệnh ký sinh trùng trên địa bàn.
- Tuyến xã, huyện phát hiện ca bệnh ký sinh trùng tại địa phương, điều trị, tổng hợp, thống kê các ca bệnh ký sinh trùng báo cáo số liệu các ca bệnh lên tuyến tỉnh để thống kê tình hình bệnh.
2. Hoạt động về đào tạo, tập huấn về phòng chống bệnh ký sinh trùng:
- Tuyến tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch và tiến hành các hoạt động đào tạo, đào tạo lại về xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị, điều tra, giám sát phòng chống bệnh ký sinh trùng cho các tuyến (Phối hợp cùng tuyến Trung ương thực hiện).
- Tuyến tỉnh đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực về xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị, truyền thông phòng chống các bệnh ký sinh cho tuyến huyện, xã.
- Tuyến huyện đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực về xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị, truyền thông phòng chống các bệnh ký sinh cho tuyến xã.
3. Hoạt động cung cấp trang thiết bị, vật tư: Trên cơ sở hệ thống xét nghiệm sẵn có, các đơn vị Bệnh viện, Trung tâm Y tế rà soát, đề xuất bổ sung về thiết bị, vật tư, sinh phẩm hóa chất phục vụ công tác xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị và phòng chống bệnh ký sinh trùng.
4. Hoạt động giám sát, phòng chống các bệnh ký sinh trùng:
- Xây dựng kế hoạch và thực hiện các hoạt động giám sát dịch tễ bệnh ký sinh trùng hàng năm theo từng bệnh, từng đối tượng, từng vùng dịch tễ bệnh để đưa ra các khuyến cáo, các kế hoạch phòng chống bệnh ký sinh trùng trên địa bàn tỉnh và đề xuất các hoạt động lên tuyến trung ương. Đồng thời giám sát việc thực hiện các hoạt động phòng chống ký sinh trùng tại tuyến huyện, xã.
- Lập mới bản đồ dịch tễ các bệnh ký sinh trùng ở phạm vi quy mô quốc gia, tỉnh và theo dõi sự thay đổi qua các giai đoạn. Thực hiện xét nghiệm xác định tỷ lệ nhiễm, cường độ nhiễm ở các nhóm ảnh hưởng, phát hiện các trường hợp nhiễm ký sinh trùng bằng kỹ thuật xét nghiệm phù hợp với năng lực xét nghiệm của địa phương.
- Tổ chức điều trị ca bệnh, điều trị chọn lọc, điều trị hàng loạt đối với các vùng dịch tễ có tỷ lệ nhiễm cao. Duy trì và mở rộng hoạt động tẩy giun, sán định kỳ nhằm giảm tỷ lệ nhiễm, giảm cường độ nhiễm và giảm tác hại của bệnh do giun sán.
- Đào tạo mới, đào tạo lại, nâng cao kỹ năng xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị phòng chống các bệnh ký sinh trùng tại các tuyến.
- Phối hợp với các ban ngành, đoàn thể như ngành giáo dục, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, chính quyền địa phương và các ban ngành liên quan trong công tác phòng chống các bệnh ký sinh trùng.
- Thuốc điều trị các bệnh giun truyền qua đất sẽ do tuyến Trung ương kêu gọi các nhà tài trợ hoặc vận động và sử dụng các nguồn kinh phí nhà nước để mua thuốc điều trị.
- Các hoạt động nghiên cứu, xây dựng bản đồ dịch tễ các bệnh ký sinh trùng, phát triển vật liệu truyền thông, in ấn, phân phối vật liệu truyền thông phòng chống các bệnh ký sinh trùng.
- Cung cấp ban đầu kính hiển vi, trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư xét nghiệm cho các tuyến (nếu có).
- Xây dựng và đa dạng hóa các vật liệu truyền thông, nội dung truyền thông và tổ chức các hoạt động truyền thông phòng chống bệnh ký sinh trùng tại các tuyến.
- Ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động giám sát và phòng chống bệnh ký sinh trùng. Sử dụng phần mềm để thu thập, quản lý và xử lý số liệu phục vụ cho công tác giám sát và phòng chống bệnh ký sinh trùng.
IV. Kinh phí:
1. Nguồn kinh phí thực hiện kế hoạch: Từ ngân sách nhà nước trong dự toán chi thường xuyên hàng năm theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành;
2. Căn cứ các nhiệm vụ được giao, Sở Y tế lập dự toán gửi Sở Tài chính thẩm định báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.
3. Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã cân đối, bố trí nguồn kinh phí của địa phương theo quy định phân cấp ngân sách nhà nước để thực hiện kế hoạch.
V. Tổ chức thực hiện:
1. Sở Y tế:
- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống bệnh ký sinh trùng trên địa bàn tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với các sở ban, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị liên quan triển khai có hiệu quả Kế hoạch Phòng, chống bệnh ký sinh trùng thường gặp tại tỉnh giai đoạn 2023-2025; chỉ đạo kiểm tra, giám sát công tác phòng chống bệnh ký sinh trùng trên địa bàn và báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Y tế theo quy định.
- Hằng năm xây dựng kế hoạch, lập dự toán kinh phí thực hiện kế hoạch gửi các sở, ngành chức năng tổng hợp, thẩm định trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét bố trí kinh phí thực hiện theo quy định.
- Tổ chức đánh giá các yếu tố nguy cơ và phân vùng trọng điểm, có biện pháp triển khai, phòng chống các bệnh ký sinh trùng phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
- Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố, các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh thực hiện các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế, các Viện, Bệnh viện tuyến trung ương.
- Chỉ đạo, theo dõi, đánh giá chất lượng thuốc, sinh phẩm y tế sử dụng trong phòng chống bệnh ký sinh trùng; xây dựng kế hoạch và tổ chức thanh tra, kiểm tra về việc kinh doanh, sản xuất thuốc phòng chống bệnh ký sinh trùng.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác phòng, chống bệnh ký sinh trùng theo chức năng nhiệm vụ của ngành.
- Xây dựng kế hoạch triển khai phòng, chống các bệnh ký sinh trùng truyền từ động vật sang người trên địa bàn tỉnh; thực hiện triển khai các biện pháp phòng chống các bệnh giun, sán ở động vật nhằm làm giảm ảnh hưởng tới công tác chăn nuôi, sản xuất kinh tế và giảm phát tán mầm bệnh giun, sán ra môi trường từ đó hạn chế được nguồn lây nhiễm sang người.
3. Sở Giáo dục và Đào tạo:
- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo cơ quan có liên quan đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi cho giáo viên, học sinh, sinh viên trong các trường học; bảo đảm an toàn thực phẩm tại các trường có bếp ăn tập thể để phòng, chống các bệnh ký sinh trùng theo quy định.
- Phối hợp tổ chức triển khai thực hiện hoạt động tẩy giun, sán cho học sinh tại các trường học theo kế hoạch của ngành Y tế.
4. Sở Tài chính: Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch thuộc nhiệm vụ chi thường xuyên ngân sách cấp tỉnh.
5. Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Truyền thông tỉnh: Phối hợp với ngành y tế hướng dẫn, đôn đốc cơ quan báo chí của tỉnh, hệ thống thông tin cơ sở tăng cường tuyên truyền các phương pháp phòng, chống các bệnh ký sinh trùng, đặc biệt tại các vùng trọng điểm và các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao trên các hạ tầng truyền thông
6. Các sở, ngành khác: Căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, phối hợp với Sở Y tế tổ chức triển khai Kế hoạch Phòng, chống bệnh ký sinh trùng thường gặp tại tỉnh đảm bảo theo quy định.
7. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:
- Chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động Phòng, chống bệnh ký sinh trùng tại địa phương; phê duyệt, chỉ đạo thực hiện kế hoạch Phòng, chống bệnh ký sinh trùng trên địa bàn, bảo đảm nguồn lực. Bố trí ngân sách huyện đảm bảo kinh phí thực hiện các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của cấp huyện trong Kế hoạch.
- Chỉ đạo Trung tâm y tế địa phương chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện/thị xã/thành phố xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch Phòng, chống bệnh ký sinh trùng trên địa bàn; giám sát chặt chẽ tình hình bệnh ký sinh trùng và các hoạt động phòng chống đến tận thôn, bản và triển khai các biện pháp phòng, chống theo kế hoạch được phê duyệt.
- Địa phương thuộc các vùng trọng điểm, vùng có nguy cơ cao tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp can thiệp mạnh làm giảm mắc, đảm bảo theo chỉ tiêu chung của cả tỉnh; địa phương tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp can thiệp, từng bước triển khai có hiệu quả các giai đoạn của chương trình phòng chống các bệnh ký sinh trùng.
- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động phòng chống bệnh ký sinh trùng thường gặp tại địa phương đảm bảo theo quy định.
8. Đề nghị Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ninh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh: Phối hợp với các cấp, các ngành chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và nhân dân triển khai công tác phòng chống bệnh ký sinh trùng thường gặp tại tỉnh.
Trên đây là Kế hoạch phòng chống bệnh ký sinh trùng thường gặp giai đoạn 2023 - 2025 của tỉnh, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiêm túc triển khai nhiệm vụ được giao tại kế hoạch này; trong quá trình triển khai gặp khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Y tế) để xem xét, chỉ đạo giải quyết./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Kế hoạch 284/KH-UBND năm 2022 về phòng, chống bệnh ký sinh trùng thường gặp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2022-2025
- 2Quyết định 2315/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Kế hoạch phòng, chống bệnh Ký sinh trùng thường gặp tại tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2025
- 3Kế hoạch 416/KH-UBND năm 2022 về phòng, chống bệnh ký sinh trùng thường gặp tại tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022-2025
- 4Kế hoạch 241/KH-UBND năm 2023 về phân vùng dịch tễ bệnh ký sinh trùng thường gặp tại tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023-2025
- 5Kế hoạch 711/KH-UBND về phân vùng dịch tễ bệnh ký sinh trùng thường gặp tại tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2023-2025
- 6Kế hoạch 1110/KH-UBND năm 2024 phòng chống bệnh ký sinh trùng, phân vùng dịch tễ bệnh ký sinh trùng thường gặp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2024-2025
- 1Quyết định 1744/QĐ-BYT năm 2021 hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh ký sinh trùng thường gặp tại Việt Nam do Bộ Y tế ban hành
- 2Quyết định 1745/QĐ-BYT năm 2021 về Kế hoạch phòng chống bệnh ký sinh trùng thường gặp tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 do Bộ Y tế ban hành
- 3Kế hoạch 284/KH-UBND năm 2022 về phòng, chống bệnh ký sinh trùng thường gặp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2022-2025
- 4Quyết định 2315/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Kế hoạch phòng, chống bệnh Ký sinh trùng thường gặp tại tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2025
- 5Kế hoạch 416/KH-UBND năm 2022 về phòng, chống bệnh ký sinh trùng thường gặp tại tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022-2025
- 6Kế hoạch 241/KH-UBND năm 2023 về phân vùng dịch tễ bệnh ký sinh trùng thường gặp tại tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023-2025
- 7Kế hoạch 711/KH-UBND về phân vùng dịch tễ bệnh ký sinh trùng thường gặp tại tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2023-2025
- 8Kế hoạch 1110/KH-UBND năm 2024 phòng chống bệnh ký sinh trùng, phân vùng dịch tễ bệnh ký sinh trùng thường gặp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2024-2025
Kế hoạch 06/KH-UBND năm 2023 về phòng, chống bệnh ký sinh trùng thường gặp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025
- Số hiệu: 06/KH-UBND
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 13/01/2023
- Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh
- Người ký: Nguyễn Thị Hạnh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 13/01/2023
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định