Hệ thống pháp luật

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/KH-TLĐ

Hà Nội, ngày 02 tháng 02 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐỂ ĐẢM BẢO AN NINH CHÍNH TRỊ, TRẬT TỰ AN TOÀN XÃ HỘI TRONG CÁC CUỘC NGỪNG VIỆC TẬP THỂ VÀ ĐÌNH CÔNG

Thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 05/6/2008 và Kết luận 96-KL/TW ngày 07/4/2014 của Ban Bí thư tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 22-CT/TW về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, trước tình hình phức tạp về tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể và đình công, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai một số giải pháp để đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong các cuộc ngừng việc tập thể và đình công, với nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Khẳng định, thể hiện rõ vai trò của tổ chức Công đoàn tham gia đại diện, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động; phòng ngừa tranh chấp lao động tập thể, ngăn chặn các cuộc ngừng việc tập thể và đình công có yếu tố an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

- Phát huy vai trò, trách nhiệm các cấp công đoàn trong đấu tranh bảo vệ quyền đại diện cho đoàn viên, người lao động được pháp luật quy định, giữ vững vị trí của tổ chức Công đoàn trong hệ thống chính trị, đồng thời tham gia cùng Đảng, Nhà nước giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Thực hiện tốt nhiệm vụ này là khẳng định quan trọng về vai trò, đóng góp của tổ chức Công đoàn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của đất nước trong bối cảnh tình hình mới.

2. Yêu cầu

- Phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp công đoàn với các tổ chức, các lực lượng trong hệ thống chính trị, nhất là với ngành Công an và chính quyền các cấp; làm tốt công tác dự báo, nắm thông tin, đánh giá tình hình, thường xuyên trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm; tuyệt đối không để bị động, bất ngờ.

- Đổi mới tư duy, phương pháp tiếp cận và cách làm trong lĩnh vực này. Đảm bảo sự vào cuộc của cả hệ thống Công đoàn và đoàn viên, người lao động, trong đó coi trọng vai trò đội ngũ cán bộ công đoàn và đoàn viên ở cơ sở.

II. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tổ chức Hội nghị thông tin, quán triệt về vấn đề đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong các cuộc ngừng việc tập thể, đình công

- Đối với cấp Tổng Liên đoàn, tổ chức Hội nghị thông tin, quán triệt vào trung tuần tháng 01 năm 2018 tại Thủ đô Hà Nội, nhằm thông tin tình hình, quán triệt nhiệm vụ, giải pháp của các cấp công đoàn trong công tác giải quyết tranh chấp lao động tập thể, nhất là các cuộc ngừng việc tập thể, đình công có yếu tố an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; triệu tập một số Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Chủ tịch Công đoàn ngành, trưởng các ban và thủ trưởng một số đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn; mời đồng chí Trưởng ban Dân vận Trung ương và lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Công an, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội dự.

- Đối với các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố và Công đoàn trực thuộc, căn cứ vào tình hình quan hệ lao động, qua nắm bắt và dự báo tình hình, sẽ quyết định việc tổ chức Hội nghị thông tin, quán triệt. Nói chung, đối với công đoàn các địa phương, ngành, tổng công ty đang có hoặc dự báo có nguy cơ tranh chấp lao động tập thể nhiều, phức tạp, nhất là các cuộc ngừng việc tập thể, đình công có yếu tố an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thì phải tổ chức Hội nghị, thời gian trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất - 2018.

2. Đẩy mạnh công tác tư tưởng; làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật

Đi sâu nắm bắt tình hình tư tưởng, nhu cầu, nguyện vọng của cán bộ, đoàn viên, người lao động, nhất là công nhân lao động ở những doanh nghiệp có quan hệ lao động phức tạp, có các lực lượng bên ngoài tác động.

Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước; về vai trò của tổ chức công đoàn trong chăm lo lợi ích, đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; giới thiệu về những mô hình hay, cách làm hiệu quả của các cấp công đoàn trong chăm lo, đại diện, bảo vệ đoàn viên, người lao động. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về trách nhiệm của đoàn viên, người lao động trong chấp hành chính sách, pháp luật; về tinh thần cảnh giác cách mạng; vạch trần mọi thủ đoạn của các thế lực thù địch đang lợi dụng, lôi kéo đoàn viên, người lao động nhằm thực hiện những mưu đồ xấu.

Phát triển, ứng dụng mạnh mẽ mạng xã hội trong công tác tuyên truyền, thông tin, tư vấn, hỗ trợ công nhân. Nghiên cứu, đề xuất các hình thức mới nhằm nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền, giáo dục, tư vấn, hỗ trợ pháp luật cho công nhân, người lao động.

3. Nâng cao hiệu quả công tác chăm lo lợi ích và đại diện, bảo vệ quyền lợi đoàn viên, người lao động

Các cấp công đoàn tiếp tục làm tốt công tác này bằng những phương thức mô hình mới, thiết thực, mang lại lợi ích rõ ràng, cụ thể giúp đoàn viên, người lao động nhận rõ vai trò đồng hành của Công đoàn trong việc làm và đời sống của họ, để họ tin tưởng, tham gia hoạt động và bảo vệ tổ chức Công đoàn Việt Nam, không để các tổ chức bất hợp pháp lôi kéo, kích động.

Đẩy mạnh công tác tư vấn pháp luật và đại diện tại tòa án để bảo vệ quyền lợi người lao động; phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động; phối hợp giải quyết nhanh chóng các vụ tranh chấp lao động tập thể và đình công.

4. Tập huấn cán bộ công đoàn các cấp về các kỹ năng phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động tập thể và ngừng việc; phản ứng nhanh đối với các vụ ngừng việc tập thể, đình công có yếu tố an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội

*Thành phần triệu tập:

Khóa 1: Phó Chủ tịch phụ trách, Trưởng ban, Phó Trưởng ban Chính sách - Pháp luật các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Công đoàn Khu Công nghiệp, Khu Chế xuất, Khu Kinh tế; một số Chủ tịch Công đoàn quận, huyện, thị (Quí II/2018).

Khóa 2: Tập huấn cán bộ công đoàn có sở những doanh nghiệp trọng điểm có quan hệ lao động phức tạp (Quí III/2018)

*Tài liệu tập huấn: Ban Quan hệ Lao động phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị (trước 15/4/2018 hoàn thành)

* Thời gian, địa điểm: Mỗi lớp học 2 ngày, tổ chức theo khu vực. Mỗi khóa có 2 - 3 lớp.

5. Xây dựng đội ngũ công nhân nòng cốt và thiết lập Đường dây nóng

- Xây dựng đội ngũ công nhân nòng cốt về an ninh trật tự

+ Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm xây dựng đội ngũ công nhân nòng cốt về an ninh trật tự (lựa chọn doanh nghiệp, địa bàn, xây dựng tiêu chuẩn - tiêu chí để lựa chọn, rà soát chính trị nội bộ; thành lập mạng lưới, phân công nhiệm vụ; hình thành mạng xã hội công nhân nòng cốt, cách thức thu thập thông tin, thực hiện chế độ báo cáo; hỗ trợ kinh phí chế độ trách nhiệm...).

+ Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố (hoặc Chủ tịch Công đoàn Khu Công nghiệp, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận, huyện, Trưởng ban Chính sách - Pháp luật Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố) chịu trách nhiệm giữ mối liên hệ với đội ngũ công nhân nòng cốt và có trách nhiệm báo cáo với Tổng Liên đoàn.

+ Tổng Liên đoàn ban hành Hướng dẫn thực hiện trong quý II/2018. Đối với những địa phương, đơn vị đã có lực lượng này, cần phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm và nghiên cứu kiện toàn đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

- Thiết lập Đường dây nóng

+ Thiết lập Đường dây nóng thông tin giữa Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố (từ Trưởng ban Chính sách - Pháp luật, Phó Chủ tịch, Chủ tịch) với Tổng Liên đoàn (tùy mức độ có thể qua lãnh đạo Ban Quan hệ Lao động, Phó Chủ tịch TLĐ phụ trách lĩnh vực hoặc Phó Chủ tịch Thường trực, Chủ tịch Tổng Liên đoàn). Khi xảy ra ngừng việc tập thể, đình công, các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố phải thông báo ngay và thường xuyên tình hình cho Tổng Liên đoàn bằng điện thoại hoặc văn bản về quy mô, diễn biến, nguyên nhân dẫn đến tranh chấp; cách thức, kết quả giải quyết của các cơ quan có chức năng, vai trò tham gia giải quyết tranh chấp lao động tập thể của công đoàn.

+ Thiết lập thông tin giữa đồng chí Chủ tịch Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố với đội ngũ công nhân nòng cốt về an ninh trật tự.

+ Có cơ chế, thù lao xứng đáng cho người cung cấp thông tin hữu ích.

6. Tổ chức Hội nghị thường niên của 4 cơ quan: Ban Dân vận, Công an, Công đoàn, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (cấp Trung ương và cấp tỉnh) do Công đoàn làm cơ quan thường trực.

Mỗi năm tổ chức Hội nghị một lần hoặc đột xuất khi có tình huống.

Hội nghị thường niên đánh giá kết quả hoạt động của từng cơ quan, công tác phối hợp giữa các cơ quan về lĩnh vực này; dự báo, đánh giá tình hình và bàn giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

7. Thiết lập mối quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa Công an và Công đoàn về đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong các cuộc ngừng việc tập thể, đình công

- Đối với Tổng Liên đoàn: Phân công Ban Quan hệ Lao động là đầu mối phối hợp với cơ quan chức năng liên quan của Bộ Công an.

Ban Quan hệ Lao động phân công một cán bộ chuyên phụ trách về giải quyết tranh chấp lao động tập thể (chủ yếu là vấn đề ngừng việc tập thể, đình công).

- Đối với Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, Công đoàn ngành, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn: Phân công Ban Chính sách - Pháp luật là đầu mối phối hợp với cơ quan chức năng liên quan của Công an cấp tỉnh; phân công một cán bộ phụ trách về giải quyết tranh chấp lao động tập thể, ngừng việc tập thể, đình công.

- Về họp liên tịch:

+ Hàng tháng, hai cơ quan cấp giúp việc tổ chức họp để thông tin tình hình, bàn giải pháp phối hợp.

+ Hàng quí (đối với cấp tỉnh) và 6 tháng (đối với cấp Trung ương), lãnh đạo 2 cơ quan họp thông tin tình hình, bàn giải pháp phối hợp và triển khai nhiệm vụ.

8. Nghiên cứu, đề xuất việc hoàn thiện văn bản liên quan đến việc lĩnh vực này

- Tổng Liên đoàn: Sửa đổi, xây dựng Hướng dẫn Công đoàn tham gia giải quyết tranh chấp lao động tập thể và đình công theo hướng cụ thể, có nhiều phương án tình huống, sát thực tế, gắn với các yếu tố mới về an ninh.

- Trong quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động, các cấp công đoàn nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các quy định về đình công theo hướng khoa học, chặt chẽ, khả thi.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thường trực Đoàn Chủ tịch trực tiếp chỉ đạo công tác tổ chức thực hiện Kế hoạch, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong các cuộc ngừng việc tập thể, đình công; chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc, các ban, đơn vị của Tổng Liên đoàn trong quá trình thực hiện; trực tiếp báo cáo với các cơ quan chức năng về tình hình, tình huống và kết quả thực hiện; phối hợp với các địa phương và bộ, ngành trong công tác giải quyết ngừng việc tập thể và đình công.

2. Ban Quan hệ Lao động là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm chủ trì giúp Thường trực Đoàn Chủ tịch triển khai thực hiện Kế hoạch; trực tiếp chủ động triển khai, phối hợp hoặc hướng dẫn, đôn đốc triển khai các nội dung 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8 tại mục II của Kế hoạch.

3. Ban Tuyên giáo tham mưu giúp Thường trực Đoàn Chủ tịch triển khai, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện nội dung 2; phối hợp với Ban Quan hệ Lao động triển khai thực hiện nội dung 5 tại mục II của Kế hoạch.

4. Ban Tổ chức phối hợp với Ban Quan hệ Lao động và các ban liên quan triển khai thực hiện nội dung 5 tại mục II của Kế hoạch.

5. Ban Chính sách Kinh tế - xã hội và Thi đua - khen thưởng phối hợp với Ban Quan hệ Lao động và các ban liên quan triển khai thực hiện nội dung 3 tại mục II của Kế hoạch.

6. Ban Tài chính phối hợp với Ban Quan hệ Lao động, các ban liên quan Tổng Liên đoàn và Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc để đảm bảo kinh phí triển khai các hoạt động theo Kế hoạch.

7. Văn phòng phối hợp với Ban Quan hệ Lao động và các ban liên quan chuẩn bị kinh phí, điều kiện cơ sở vật chất để tổ chức thực hiện Kế hoạch.

8. Các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc cụ thể hóa Kế hoạch này, xây dựng kế hoạch phù hợp để triển khai thực hiện ở địa phương, đơn vị mình, đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Trong quá trình thực hiện, cần làm tốt công tác nắm tình hình, chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trên địa bàn, sớm ký kết các chương trình phối hợp.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư TW Đảng(b/cáo)
- Ban Dân vận TW;
- Văn phòng TW Đảng;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Công an;
- Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội;
- LĐLĐ các tỉnh, TP, CĐ ngành TW, CĐ Tổng công ty trực thuộc TLĐ;
- Các ban, đơn vị trực thuộc TLĐ;
- Lưu VP, Ban Quan hệ Lao động.

TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Mai Đức Chính

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 05/KH-TLĐ năm 2018 về thực hiện giải pháp để đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong các cuộc ngừng việc tập thể và đình công do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 05/KH-TLĐ
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 02/02/2018
  • Nơi ban hành: Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
  • Người ký: Mai Đức Chính
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 02/02/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản