Hệ thống pháp luật

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 22-CT/TW

Hà Nội, ngày 05 tháng 6 năm 2008

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO VIỆC XÂY DỰNG QUAN HỆ LAO ĐỘNG HÀI HOÀ, ỔN ĐỊNH VÀ TIẾN BỘ TRONG DOANH NGHIỆP.

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, trong những năm qua, nền kinh tế nước ta liên tục tăng trưởng cao; vốn đầu tư trong nước và nước ngoài tăng nhanh; cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực; hàng năm tạo việc làm cho hàng triệu lao động; thu nhập và đời sống của người lao động trong các doanh nghiệp được cải thiện; từng bước hình thành quan hệ lao động lành mạnh trong doanh nghiệp, xuất hiện nhiều mô hình, nhiều doanh nghiệp có quan hệ lao động tốt.

Đạt được kết quả trên là do thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước được hoàn thiện; công tác quản lý nhà nước về đầu tư và lao động có chuyển biến tích cực; nhiều tổ chức công đoàn trong các loại hình doanh nghiệp đã trở thành người đại diện, bảo vệ quyền lợi pháp của người lao động, góp phần giúp doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng tranh chấp lao động dẫn đến đình công không đúng trình tự pháp luật lao động có xu hướng gia tăng với quy mô lớn, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội và môi trường đầu tư, làm thiệt hại cho người lao động, cho doanh nghiệp và cho cả nền kinh tế.

Nguyên nhân của tình hình trên chủ yếu là do người sử dụng lao động chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật lao động, chưa quan tâm đúng mức đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; điều kiện sinh hoạt vật chất và tinh thần của người lao động trong nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất chưa được bảo đảm; công tác quản lý nhà nước về lao động còn bất cập; nhiều doanh nghiệp ngoài nhà nước chưa có tổ chức CĐ, hoặc có tổ chức CĐ nhưng hoạt động chưa hiệu quả, chưa trở thành người đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ trong DN; hầu hết các DN ngoài nhà nước chưa có tổ chức Đảng, đoàn thanh niên để lãnh đạo, tập hợp, vận động, giáo dục NLĐ; đa số NLĐ xuất thân từ nông thôn nên nhận thức, hiểu biết về chính sách, pháp luật lao động còn hạn chế; quan hệ cung – cầu về lao động còn mất cân đối.

Để khắc phục tình trạng trên, từ đó góp phần ổn định môi trường đầu tư, bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong các DN, Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức Đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

1. Khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khoá X) về tiếp tục xây dựng GCCN Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước; có chương trình, kế hoạch đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật cho công nhân; chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của NLĐ; hoàn thiện chính sách tiền lương, BHXH, BHYT; quy hoạch các KCN-KCX gắn với quy hoạch khu dân cư; có giải pháp phát triển nhà ở và hạ tầng xã hội nhằm cải thiện đời sống của NLĐ.

2. Tổ chức tổng kết việc thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW, ngày 23.11.1996 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các DN tư nhân và DN có vốn đầu tư nước ngoài; đánh giá những việc làm được, chưa làm được, rút ra những kinh nghiệm, những mô hình tổ chức cơ sở đảng hoạt động có hiệu quả để nhân rộng trong các doanh nghiệp khác. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và chỉ đạo kiên quyết việc thành lập, hoạt động của tổ chức cơ sở đảng và các tổ chức chính trị – xã hội tại các doanh nghiệp.

3. Các tỉnh uỷ, thành uỷ chỉ đạo sơ kết việc thực hiện Chỉ thị số 06/2006/CT-TTg, ngày 6.3.2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chấp hành pháp luật lao động, xác định đúng trách nhiệm của các cấp chính quyền ở địa phương theo quy định của pháp luật đối với các cuộc đình công của công nhân xảy ra không đúng trình tự của pháp luật trên địa bàn, từ đó đề ra những biện pháp thiết thực để tiếp tục chỉ đạo trong thời gian tới, nhằm hạn chế xảy ra tranh chấp lao động.

4. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách lao động và tổ chức triển khai thực hiện đến tận DN và NLĐ; bổ sung số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ thanh tra lao động nhằm tăng cường công tác thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật lao động trong DN; hoàn thiện thể chế và chính sách để thị trường lao động phát triển lành mạnh, bảo đảm cân đối cung – cầu lao động giữa các ngành, các vùng, giữa thành thị, nông thôn và cơ cấu trình độ tay nghề.

5. Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và tạo lập môi trường để đại diện người sử dụng lao động, hiệp hội DN, hiệp hội ngành nghề hoạt động có hiệu quả nhằm hỗ trợ DN trong việc thực thi pháp luật và chính sách về lao động, nâng cao trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc chăm lo lợi ích, đời sống vật chất và tinh thần cho NLĐ, thực hiện tốt cơ chế phối hợp ba bên ở cấp ngành và địa phương về quan hệ lao động, thúc đẩy ký kết TƯLĐTT cấp ngành, cấp khu vực.

6. Đảng đoàn Tổng LĐLĐVN có kế hoạch cụ thể củng cố, phát triển và đổi mới cơ chế hoạt động của tổ chức CĐ trong các DN, để tổ chức CĐ thực sự là người đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, xây dựng quan hệ lao động lành mạnh trên tinh thần hợp tác, bảo đảm hài hoà lợi ích giữa nhà đầu tư, NLĐ và Nhà nước; nghiên cứu, đề xuất chính sách đào tạo, bồi dưỡng và có chế độ đãi ngộ phù hợp đối với cán bộ CĐCS trong DN.

Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chỉ đạo xây dựng và phát triển mô hình hoạt động của tổ chức đoàn thanh niên trong doanh nghiệp ngoài nhà nước để tập hợp, tuyên truyền, vận động, giáo dục về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho người lao động.

Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nâng cao hiệu quả công tác nữ công của công đoàn tại các doanh nghiệp và các khu công nghiệp.

7. Các cơ quan thông tin, truyền thông tổ chức tốt việc tuyên truyền các quan điểm, chủ trương của Đảng về hội nhập kinh tế, thu hút đầu tư để phản ánh trung thực, khách quan những việc làm được, chưa làm được, tránh thông tin, đưa tin một chiều tạo nên những phản ứng không tốt trong quan hệ lao động và dư luận xã hội.

8. Các cấp uỷ, tổ chức Đảng có hình thức phù hợp quán triệt nội dung của chỉ thị này trong toàn hệ thống chính trị; coi nội dung xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong DN là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài để thực hiện cho được mục tiêu ổn định chính trị, xã hội, đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, tạo việc làm, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho NLĐ.

Các ban cán sự đảng, đảng đoàn cán bộ, ngành, đoàn thể TW, các cấp uỷ đảng và chính quyền các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện Chỉ thị này. Văn phòng TW Đảng chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đảng đoàn Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt nam chịu trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị và định kỳ báo cáo Ban Bí thư.

 

 

T/M BAN BÍ THƯ




Trương Tấn Sang
Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 22-CT/TW năm 2008 về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp do Ban Chấp hành Trung ương ban hành

  • Số hiệu: 22-CT/TW
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 05/06/2008
  • Nơi ban hành: Ban Chấp hành Trung ương
  • Người ký: Trương Tấn Sang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/06/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản