THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 48/CT-TTg | Hà Nội, ngày 27 tháng 12 năm 2017 |
Năm 2017, bên cạnh những thuận lợi, nước ta vẫn gặp nhiều khó khăn thách thức. Nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình kinh tế - xã hội nước ta chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, đạt và vượt 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra; kinh tế vĩ mô ổn định, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng an ninh được tăng cường, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt kết quả tích cực; vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế được nâng cao.
Để chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ Nhân dân đón năm mới 2018 và Tết Nguyên đán Mậu Tuất đầm ấm, vui tươi, an toàn, tiết kiệm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16-CT/TW ngày 22 tháng 12 năm 2017 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết năm 2018; khẩn trương chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tập trung một số nội dung chủ yếu sau đây:
1. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương:
a) Theo dõi sát diễn biến thị trường và có giải pháp chỉ đạo kịp thời các đơn vị bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa nhất là các mặt hàng thiết yếu. Tổ chức tốt hệ thống phân phối, bảo đảm thông suốt từ sản xuất đến tiêu dùng; có giải pháp tạo điều kiện để các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới kinh doanh, tham gia bình ổn giá, chuẩn bị tốt các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu để cung ứng sớm và đầy đủ cho Nhân dân với giá cả hợp lý, chất lượng tốt; chủ động có biện pháp điều tiết kịp thời trên phạm vi cả nước.
b) Tích cực tổ chức các chuyến hàng lưu động phục vụ tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và vùng bị thiên tai, bão lũ; tăng cường gắn kết việc triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, chương trình bình ổn thị trường, giá cả, các hoạt động kết nối cung cầu và Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn gắn với việc thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", giới thiệu, quảng bá, tôn vinh các sản phẩm và doanh nghiệp Việt Nam;
c) Chỉ đạo tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường giá cả, không để tổ chức, cá nhân lợi dụng thiên tai, bão lụt để nâng giá, găm hàng, đưa hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng để phục vụ người dân vùng bão, lụt; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, thủ đoạn gian lận đo lường, đóng gói để tăng giá nhằm thu lợi bất chính; đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, hàng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm; kiểm soát các thông tin thất thiệt gây bất ổn thị trường;
d) Tích cực thực hiện các giải pháp, kế hoạch đảm bảo cung ứng điện phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân, nhất là trong dịp lễ, Tết; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả; chú trọng công tác phòng chống cháy nổ do chập điện tại các nơi công cộng, chợ, khu công nghiệp và khu dân cư.
2. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương:
a) Theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường nhất là những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, thuộc danh mục bình ổn giá, kịp thời chỉ đạo và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá;
b) Tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp kiểm tra, thanh tra chống thất thu, gian lận thuế; tăng cường quản lý chi ngân sách bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, tiết kiệm, đúng chế độ; rà soát, cắt giảm hoặc tạm ngừng các khoản chi chưa thực sự cấp bách, nội dung không thiết thực; kịp thời xuất cấp hàng dự trữ quốc gia đúng đối tượng nhằm bảo đảm an sinh xã hội, không để người dân bị thiếu đói do ảnh hưởng của bão, lũ, trong dịp Tết Nguyên đán và thời kỳ giáp hạt.
c) Chỉ đạo các cơ quan, lực lượng chức năng tăng cường công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; phối hợp với các đơn vị chức năng tập trung kiểm tra, tuần tra, kiểm soát chặt chẽ các tuyến và địa bàn trọng điểm (biên giới phía Bắc, Tây Nam; các tỉnh, thành phố lớn nơi phát sinh luồng hàng...), ngăn chặn xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, nhất là các mặt hàng có xu hướng gia tăng trong dịp cuối năm và Tết (như chất nổ, pháo, vũ khí; hàng hóa vi phạm môi trường; các mặt hàng phục vụ nhu cầu tăng cao trong dịp Tết như thuốc lá, rượu bia, gia cầm, thực phẩm...); ưu tiên thông quan nhanh các mặt hàng thiết yếu nhưng bảo đảm kiểm soát chặt chẽ, không để hàng thẩm lậu thị trường nội địa.
3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương:
a) Triển khai xuất cấp kịp thời hạt giống cây trồng, vắc xin, hóa chất sát trùng theo quy định cho các địa phương vùng bị thiệt hại do các cơn bão số 10, số 12, số 16 và các đợt mưa lũ gây ra trong năm 2017; chỉ đạo, hỗ trợ Nhân dân thực hiện các biện pháp nhanh chóng khôi phục sản xuất bị thiệt hại do ảnh hưởng của các đợt mưa, bão vừa qua, bảo đảm vệ sinh môi trường, ổn định đời sống, vui xuân đón Tết Mậu Tuất 2018;
b) Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, đặc biệt là các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu để đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán; chủ động chỉ đạo triển khai các biện pháp chống rét, khống chế dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi bảo đảm kịp thời, hiệu quả, không để bùng phát thành dịch lớn.
4. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương:
a) Chỉ đạo cơ quan chức năng tổ chức thăm hỏi, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng, người được hưởng chính sách trợ giúp xã hội, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác;
b) Rà soát, nắm tình hình đời sống Nhân dân, kịp thời đề xuất hỗ trợ gạo cứu đói từ nguồn dự trữ quốc gia cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt, không để xảy ra tình trạng thiếu đói, nhất là ở những vùng bị thiên tai, bão lũ;
c) Theo dõi tình hình lương, thưởng Tết của người lao động và việc quản lý lao động tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, đặc biệt là các địa phương tập trung nhiều lao động; chủ động có biện pháp phòng ngừa, xử lý những tranh chấp lao động có thể xảy ra trong dịp Tết Nguyên đán;
d) Đẩy mạnh công tác kiểm tra và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn lao động trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán, xử lý kịp thời khi có tai nạn, sự cố lao động xảy ra;
đ) Tăng cường công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em; phối hợp với các lực lượng chức năng bảo đảm trật tự, an toàn trong các cơ sở cai nghiện ma túy và thực hiện công tác phòng chống tệ nạn xã hội.
5. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương:
a) Chủ động thực hiện các biện pháp bảo đảm khả năng ứng phó kịp thời, hiệu quả khi dịch bệnh phát sinh sau bão, lũ; có phương án bảo đảm cung ứng đủ thuốc chữa bệnh phục vụ nhân dân vùng bị thiên tai;
b) Chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác y tế dự phòng, quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm; phối hợp tổ chức hiệu quả công tác kiểm tra liên ngành, thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm về vệ sinh an toàn thực phẩm; tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rau, củ, quả, bánh kẹo, rượu, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở giết mổ, kinh doanh gia cầm, chế biến thực phẩm; đấu tranh chống thực phẩm nhập lậu không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm theo đúng quy định và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời cảnh báo cho người dân;
c) Quản lý chặt chẽ, bảo đảm chất lượng thuốc và giá thuốc, giá các dịch vụ y tế; kiểm tra, rà soát hoạt động của các cơ sở y, dược theo đúng quy định của Nhà nước nhằm bảo đảm yêu cầu về giá và chất lượng; chỉ đạo các bệnh viện trực 24/24 giờ, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thuốc chữa bệnh, bảo đảm sơ cứu, cấp cứu kịp thời bệnh nhân, đặc biệt trong trường hợp thương tích, tai nạn giao thông.
6. Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương:
a) Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng, an toàn kỹ thuật các phương tiện tham gia giao thông, không để tình trạng phương tiện không bảo đảm điều kiện an toàn kỹ thuật tham gia giao thông; có biện pháp ngăn chặn việc vận chuyển trái phép hàng cháy nổ, hàng nguy hiểm, các sản phẩm từ gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc và không có chứng nhận kiểm dịch y tế trên các phương tiện vận tải;
b) Chỉ đạo các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp vận tải hành khách, hàng hóa có biện pháp tổ chức vận chuyển, điều động, tăng cường phương tiện đáp ứng tối đa nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa trước, trong và sau Tết, không để xảy ra tình trạng người dân không được về quê đón Tết do không có tàu, xe; tổ chức vận chuyển hàng hóa thông suốt trong dịp Tết, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biển đảo; tăng cường kiểm tra việc thực hiện kê khai giá cước, niêm yết giá cước vận tải, giá vé tàu, vé xe theo quy định;
c) Đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông và kịp thời khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, nhất là các tuyến đường cửa ngõ các đô thị lớn; phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông; tăng cường các điều kiện để bảo đảm cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra sự cố giao thông.
7. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương:
a) Chủ động nắm chắc tình hình tác động đến lợi ích và an ninh quốc gia. Bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu bảo vệ, địa bàn trọng điểm, chiến lược, các sự kiện chính trị, xã hội quan trọng của đất nước, các khu vực công cộng, nhà ga, bến xe, nơi tổ chức lễ hội, du lịch, khu vui chơi giải trí... Có biện pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, chống đối trong nước. Tấn công kịp thời, bóc gỡ cơ sở nội địa của các tổ chức phản động lưu vong, ngăn chặn, vô hiệu hóa các hoạt động khủng bố, phá hoại, kích động biểu tình, gây rối an ninh, trật tự;
b) Mở đợt cao điểm tấn công trấn áp, truy nã tội phạm; đấu tranh triệt phá các băng, nhóm tội phạm nguy hiểm, các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy, các loại tội phạm lừa đảo, trộm cắp, đánh bạc và các tụ điểm ma túy, tệ nạn xã hội phức tạp. Tăng cường đấu tranh tội phạm trốn thuế, buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng cấm, hàng giả, tiền giả, các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán;
c) Tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự nhất là quản lý cư trú, quản lý người nước ngoài, quản lý các cơ sở kinh doanh có điều kiện, dịch vụ nhạy cảm dễ phát sinh tội phạm. Kiểm tra, kiểm soát, vận động thu hồi và phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo nổ trong dịp Tết Nguyên đán. Tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát tại các tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật;
d) Đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy, nổ; hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông, cháy, nổ trước, trong và sau Tết Nguyên đán, nhất là tại các thành phố lớn, tuyến đường trọng điểm, nơi tổ chức lễ hội, nơi tập trung đông dân cư, trụ sở các cơ quan nhà nước, khu công nghiệp, khu chế xuất...; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, chống người thi hành công vụ.
8. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương:
a) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch tại các địa phương vào thời điểm lễ hội, dịp Tết Nguyên đán bảo đảm vui tươi, lành mạnh, phù hợp với thuần phong, mỹ tục và phong tục, tập quán của từng địa phương;
b) Hướng dẫn các địa phương và các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn cho khách du lịch, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín dị đoan, thu lợi bất chính; nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch tại các khu điểm, du lịch; tăng cường tuyên truyền, phổ biến các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc;
9. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương:
a) Tổ chức tốt công tác điều hòa và cung ứng tiền mặt cho nền kinh tế, nhất là trong dịp Tết; chỉ đạo các tổ chức tín dụng bảo đảm hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt cho hệ thống máy giao dịch tự động (ATM), các hệ thống thanh toán điện tử và hệ thống thanh toán thẻ; tăng cường các hoạt động thanh toán phục vụ sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu; tổ chức các dịch vụ ngoại hối, thu đổi ngoại tệ phục vụ khách du lịch; tiếp tục thực hiện các biện pháp quản lý, sử dụng tiền mệnh giá nhỏ, lẻ hợp lý, tiết kiệm trong dịp Tết; bảo đảm an ninh, an toàn kho quỹ;
b) Chủ động có các giải pháp phù hợp nhằm ổn định thị trường tiền tệ, điều hành lãi suất, tỷ giá, thị trường vàng phù hợp với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ, ngoại hối; tăng cường thanh tra, kiểm tra và giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống; phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và dịch vụ đổi tiền mặt mệnh giá nhỏ không đúng quy định của pháp luật.
10. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương:
a) Chỉ đạo các cơ quan báo chí và hệ thống thông tin cơ sở đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, thúc đẩy phong trào thi đua, tạo khí thế tươi vui phấn khởi trong lao động, sản xuất, công tác, học tập; phản ánh không khí vui xuân, đón Tết của Nhân dân trên mọi miền của đất nước;
b) Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về quản lý, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; nâng cao kiểm soát chặt chẽ các thông tin liên quan đến sản xuất, kinh doanh, không để xảy ra tình trạng thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường;
c) Kiểm soát hoạt động khai thác các dịch vụ bưu chính, phối hợp kịp thời với các đơn vị chức năng trong việc ngăn chặn các hành vi vận chuyển hàng lậu, hàng cấm; tổ chức thực hiện các phương án bảo vệ an toàn mạng lưới thông tin liên lạc và internet, bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước thông suốt, an toàn và đáp ứng tối đa nhu cầu thông tin liên lạc của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong dịp Tết Nguyên đán.
11. Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao:
Tiếp tục theo dõi, nắm tình hình, chủ động có các biện pháp xử lý các tình huống đột xuất liên quan đến chủ quyền, quốc phòng, an ninh quốc gia, chống buôn lậu trên biển, trên bộ, quan hệ đối ngoại và bảo hộ công dân.
12. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
a) Tổ chức bắn pháo hoa trong dịp Tết Nguyên đán cần phù hợp với điều kiện, khả năng địa phương, với tinh thần tiết kiệm, an toàn và không được sử dụng ngân sách nhà nước;
b) Tập trung chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp nêu trên tại địa phương mình. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức, chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách.
13. Các bộ, cơ quan, địa phương chỉ đạo đơn vị chức năng, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn:
a) Chủ động bố trí kế hoạch sản xuất, kinh doanh và trực Tết bảo đảm các hoạt động thông suốt trong dịp Tết Nguyên đán; thực hiện nghiêm Công điện số 1882/CĐ-TTg ngày 08 tháng 12 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Mậu Tuất và Lễ hội xuân 2018;
b) Các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước các cấp quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ không tổ chức du xuân, đi chúc Tết, không tặng quà lãnh đạo; yêu cầu các địa phương không về Hà Nội chúc Tết Chính phủ, các Bộ, ngành. Cán bộ, công chức không sử dụng xe công đi lễ hội và không đi lễ hội trong giờ hành chính;
c) Các địa phương bị ảnh hưởng của bão, lũ vừa qua, nhất là các tỉnh bị ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 10, số 12, số 16 và các đợt mưa lũ trong năm 2017 chủ động ứng phó và có biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai; tổ chức tốt việc cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ kịp thời để Nhân dân nhanh chóng ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, có các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh xảy ra; không được để người dân thiếu thốn, đứt bữa;
d) Thực hiện kịp thời đầy đủ các chế độ, chính sách đồng thời tổ chức tốt việc hỗ trợ lương thực, thăm hỏi, tặng quà cho người nghèo, đối tượng chính sách, người già, neo đơn trên địa bàn để mọi người đều được vui xuân đón Tết; vận động khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cùng tham gia hỗ trợ cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng thiên tai, bão lũ;
đ) Tăng cường quản lý chi ngân sách theo đúng quy định về tiêu chuẩn, chế độ; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhất là trong việc tổ chức hội nghị, tổng kết cuối năm; bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội;
e) Ngay sau kỳ nghỉ Tết, các cơ quan, tổ chức, đơn vị khẩn trương tập trung giải quyết, xử lý công việc, không để chậm trễ gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và giao dịch của Nhân dân.
Nơi nhận: | THỦ TƯỚNG |
- 1Chỉ thị 2051/CT-TTg năm 2011 về tăng cường biện pháp nhằm bình ổn giá cả, thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trước và sau Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Chỉ thị 25/CT-TTg năm 2013 tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Công văn 1829/BTC-QLG năm 2015 về tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường do Bộ Tài chính ban hành
- 4Kế hoạch 05/KH-TLĐ năm 2018 về thực hiện giải pháp để đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong các cuộc ngừng việc tập thể và đình công do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ban hành
- 5Công văn 2323/BTC-QLG về tăng cường công tác quản lý giá sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 do Bộ Tài chính ban hành
- 6Thông báo 315/TB-BTC năm 2018 phê duyệt nội dung thu thập, đồng bộ và chuyển đổi dữ liệu từ Cục Quản lý công sản, Tổng Cục Thuế, Tổng Cục Hải quan sang hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá do Bộ Tài chính ban hành
- 7Chỉ thị 08/CT-BCT thực hiện giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2018 và dịp Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi 2019 do Bộ Công thương ban hành
- 8Chỉ thị 34/CT-TTg năm 2018 về tăng cường biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9Chỉ thị 06/CT-BTC năm 2018 về tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019 do Bộ Tài chính ban hành
- 10Công văn 11451/VPCP-KTTH năm 2019 về tình hình giá thịt lợn do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 11Thông báo 132/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 20 tháng 3 năm 2020 về giải pháp bình ổn giá thịt lợn, thúc đẩy sản xuất và chế biến nông sản do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 12Thông báo 251/TB-VPCP về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 01 tháng 07 năm 2020 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 13Công văn 12076/BTC-QLG năm 2020 về hình thức văn bản về quản lý điều hành giá do Bộ Tài chính ban hành
- 14Công văn 4896/BTC-QLG năm 2021 về tăng cường công tác quản lý và thông tin giá cả thị trường tại địa phương do Bộ Tài chính ban hành
- 1Chỉ thị 2051/CT-TTg năm 2011 về tăng cường biện pháp nhằm bình ổn giá cả, thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trước và sau Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Chỉ thị 25/CT-TTg năm 2013 tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Công văn 1829/BTC-QLG năm 2015 về tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường do Bộ Tài chính ban hành
- 4Công điện 1882/CĐ-TTg năm 2017 về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Mậu Tuất và Lễ hội xuân năm 2018 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Chỉ thị 16-CT/TW năm 2017 về tổ chức Tết năm 2018 do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 6Kế hoạch 05/KH-TLĐ năm 2018 về thực hiện giải pháp để đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong các cuộc ngừng việc tập thể và đình công do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ban hành
- 7Công văn 2323/BTC-QLG về tăng cường công tác quản lý giá sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 do Bộ Tài chính ban hành
- 8Thông báo 315/TB-BTC năm 2018 phê duyệt nội dung thu thập, đồng bộ và chuyển đổi dữ liệu từ Cục Quản lý công sản, Tổng Cục Thuế, Tổng Cục Hải quan sang hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá do Bộ Tài chính ban hành
- 9Chỉ thị 08/CT-BCT thực hiện giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2018 và dịp Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi 2019 do Bộ Công thương ban hành
- 10Chỉ thị 34/CT-TTg năm 2018 về tăng cường biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 11Chỉ thị 06/CT-BTC năm 2018 về tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019 do Bộ Tài chính ban hành
- 12Công văn 11451/VPCP-KTTH năm 2019 về tình hình giá thịt lợn do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 13Thông báo 132/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 20 tháng 3 năm 2020 về giải pháp bình ổn giá thịt lợn, thúc đẩy sản xuất và chế biến nông sản do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 14Thông báo 251/TB-VPCP về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 01 tháng 07 năm 2020 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 15Công văn 12076/BTC-QLG năm 2020 về hình thức văn bản về quản lý điều hành giá do Bộ Tài chính ban hành
- 16Công văn 4896/BTC-QLG năm 2021 về tăng cường công tác quản lý và thông tin giá cả thị trường tại địa phương do Bộ Tài chính ban hành
Chỉ thị 48/CT-TTg năm 2017 về tăng cường công tác quản lý, điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 48/CT-TTg
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 27/12/2017
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 27/12/2017
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực