Hệ thống pháp luật

T.CỤC THUẾ - T.CỤC C.SÁT
CỤC THUẾ N.A - CÔNG AN N.A

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1946/HDLN/CT-CA

Nghệ An, ngày 23 tháng 6 năm 2016

 

HƯỚNG DẪN LIÊN NGÀNH

THỰC HIỆN QUY CHẾ PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG CÁC HÀNH VI VI PHẠM, TỘI PHẠM TRONG LĨNH VỰC THUẾ GIỮA TỔNG CỤC THUẾ - BỘ TÀI CHÍNH VÀ TỔNG CỤC CẢNH SÁT PCTP - BỘ CÔNG AN.

Căn cứ Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 đã được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2006; Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật quản lý thuế số 21/2012/QH13 Quốc hội thông qua ngày 20/11/2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành;

Căn cứ Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13, Bộ Luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27 tháng 11 năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành;

Căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20 tháng 6 năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành;

Căn cứ Quyết định số 108/QĐ-BTC ngày 14/01/2010 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Thuế trực thuộc Tổng cục Thuế;

Căn cứ Quyết định số 1726/2015/QĐ-BCA ngày 07/4/2015 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 148/1999/TTLT/BTC-BCA ngày 20/12/1999 của Liên bộ Tài chính - Bộ Công an về quan hệ phối hợp công tác bảo đảm an ninh trật tự cho một số hoạt động thuộc lĩnh vực tài chính;

Căn cứ Quy chế phối hợp số 1527/QCPH/TCT-TCCS ngày 31/10/2007 giữa Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) và Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an);

Căn cứ Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNN-VKSNDTC ngày 02/8/2013 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố;

Căn cứ Quy chế phối hợp liên ngành số 02/QCPHLN ngày 20/3/2014 giữa Công an, Tòa án, Bộ đội biên phòng, Cục Hải quan, Chi cục Kiểm lâm, Thanh tra, Cục Thuế, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Nghệ An trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố;

Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực thuế nhằm chống thất thu ngân sách Nhà nước, đảm bảo công bằng xã hội. Liên ngành Công an tỉnh Nghệ An và Cục Thuế tỉnh Nghệ An thống nhất hướng dẫn thực hiện quan hệ phối hợp công tác đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực thuế trên địa bàn tỉnh Nghệ An,

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

Quan hệ phối hợp tại Hướng dẫn này giữa Công an tỉnh Nghệ An (Công an tỉnh và Công an các huyện, thành phố, thị xã) và Cục Thuế tỉnh Nghệ An (Cục Thuế và Chi cục thuế các huyện, thành phố, thị xã), sau đây gọi tắt là hai ngành, được áp dụng trong công tác phòng, chống các hành vi vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực thuế gồm:

- Trốn thuế, gian lận thuế; lừa đảo chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng;

- In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước; In ấn, buôn bán tem giả, vé giả;

- Vi phạm quy định về bảo quản, quản lý hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước;

- Thông đồng, bao che cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng;

- Bỏ trốn khỏi địa điểm kinh doanh, nơi cư trú mang theo hóa đơn và còn nợ thuế;

- Nợ dây dưa tiền thuế, tiền phạt, Cơ quan thuế đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhưng chưa thu được;

- Các vi phạm khác trong lĩnh vực thuế.

Điều 2. Nguyên tắc phối hợp

1. Quan hệ phối hợp phải đảm bảo tính đồng cấp và thống nhất, quan hệ phối hợp cấp nào thì trước hết do hai ngành cùng cấp thực hiện, trong trường hợp đặc biệt hoặc trường hợp vượt thẩm quyền thì chuyển cơ quan cấp trên trực tiếp quản lý để phối hợp giải quyết.

2. Hoạt động phối hợp phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và đúng chức năng, quyền hạn và yêu cầu nhiệm vụ của từng lực lượng nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật thuế có dấu hiệu tội phạm. Việc trao đổi thông tin được bảo mật theo quy định, bảo đảm mọi hành vi phạm tội phải được xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm việc lợi dụng hướng dẫn phối hợp liên ngành này để làm trái quy định của pháp luật và làm ảnh hưởng đến uy tín của mỗi ngành.

3. Khi phối hợp thực hiện một công việc cụ thể phải có kế hoạch được Lãnh đạo có thẩm quyền hai ngành quản lý phê duyệt. Khi có vướng mắc trong triển khai thực hiện phải được bàn bạc giải quyết kịp thời, trường hợp không thống nhất được thì báo cáo Lãnh đạo cấp trên trực tiếp của hai ngành xem xét quyết định.

4. Trong quá trình thực hiện các đơn vị của hai Lực lượng có trách nhiệm giữ bí mật nghiệp vụ của Nhà nước và của hai ngành Thuế và Công an.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Trách nhiệm phối hợp

1. Đối với cơ quan Thuế:

a) Thường xuyên trao đổi cung cấp các văn bản qui phạm pháp luật mới về lĩnh vực thuế.

b) Cung cấp thông tin liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật về thuế có dấu hiệu tội phạm qua thanh tra, kiểm tra cơ quan Thuế phát hiện:

- Cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu các tổ chức, cá nhân trốn thuế, gian lận thuế, lừa đảo chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng.

- Cung cấp thông tin hồ sơ, tài liệu tổ chức, cá nhân bỏ trốn khỏi địa điểm kinh doanh, nơi cư trú nhằm chiếm đoạt tiền thuế còn nợ ngân sách Nhà nước.

- Cung cấp thông tin hồ sơ, tài liệu tổ chức, cá nhân in ấn, mua, bán và sử dụng trái phép hóa đơn giá trị gia tăng, tem giả, vé giả, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước.

- Cung cấp thông tin về phương thức, thủ đoạn mới về trốn thuế; in ấn, mua, bán và sử dụng trái phép hóa đơn giá trị gia tăng, tem giả, vé giả, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước; những khó khăn vướng mắc trong công tác phòng, chống các hành vi vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực thuế.

- Cung cấp thông tin hồ sơ, tài liệu tổ chức, cá nhân thông đồng, bao che cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng.

- Cung cấp thông tin hồ sơ, tài liệu của các đối tượng nộp thuế có hành vi chống đối cán bộ ngành Thuế khi thi hành công vụ.

2. Đối với cơ quan Công an.

a) Thường xuyên trao đổi cung cấp các văn bản qui phạm pháp luật mới về hình sự liên quan đến lĩnh vực thuế.

b) Cung cấp thông tin về hành vi vi phạm pháp luật về thuế đối với các trường hợp:

- Thông báo cho ngành Thuế các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật thuế có dấu hiệu tội phạm Cơ quan Công an đã và đang điều tra trong trường hợp cần thiết.

- Thông báo cho ngành Thuế kết quả điều tra, truy tố, xét xử các các tổ chức, cá nhân phạm tội trong lĩnh vực thuế.

c) Cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu điều tra các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật thuế nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự để Cơ quan Thuế xử lý hành chính theo quy định.

d) Cung cấp thông tin về phương thức, thủ đoạn mới về trốn thuế; in ấn, mua, bán và sử dụng trái phép hóa đơn giá trị gia tăng, tem giả, vé giả, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước; những khó khăn vướng mắc trong công tác phòng, chống các hành vi vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực thuế.

e) Cung cấp thông tin của tổ chức, cá nhân do Cơ quan Công an quản lý có liên quan đến công tác quản lý thuế của Cơ quan Thuế như: Thông tin về phương tiện ô tô, tàu thuyền; thông tin về lưu trú ...

f) Thông tin cán bộ công chức ngành Thuế có liên quan đến các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thuế.

Điều 4. Phối hợp hoạt động

1. Trong trường hợp cụ thể khi có đề nghị phối hợp, mỗi ngành có trách nhiệm cử cán bộ tham gia đoàn điều tra, thanh tra, kiểm tra những vụ, việc vi phạm pháp luật về thuế có dấu hiệu tội phạm và có tính chất phức tạp, phạm vi liên quan đến nhiều cá nhân, doanh nghiệp và địa bàn.

2. Khi cơ quan Công an có công văn yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến các vụ việc cụ thể về lĩnh vực thuế để phục vụ công tác điều tra, xác minh, ngành Thuế có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác, trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu bằng văn bản. Trong trường hợp cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu khẩn cấp của công tác điều tra thì cơ quan Thuế tạo điều kiện phối hợp cung cấp ngay.

Cơ quan Thuế cung cấp các mẫu ấn chỉ do ngành Thuế phát hành và hóa đơn do doanh nghiệp tự in để ngành Công an nghiên cứu phục vụ phòng ngừa, đấu tranh chống các hành vi làm giả hóa hơn cũng như công tác điều tra, xử lý vi phạm và tội phạm trong lĩnh vực thuế.

3. Trong quá trình xử lý vi phạm về lĩnh vực thuế, nếu xét thấy cá nhân, tổ chức vi phạm luật thuế có dấu hiệu tội phạm thì ngành Thuế cung cấp hồ sơ, tài liệu cho cơ quan Cảnh sát điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày phát hiện có dấu hiệu tội phạm để xem xét, tổ chức điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.

4. Các vụ việc vi phạm pháp luật về thuế do ngành Công an điều tra chuyển cho ngành Thuế để xử lý hành chính. Cơ quan Thuế căn cứ vào hồ sơ và kết luận điều tra của Cơ quan Công an có trách nhiệm xử lý theo thẩm quyền, sau đó thông báo bằng văn bản cho ngành Công an nơi đơn vị chuyển giao hồ sơ vụ việc được biết.

5. Các trường hợp hồ sơ vụ việc vi phạm pháp luật về thuế có dấu hiệu tội phạm được cơ quan Thuế chuyển giao cho cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra theo thẩm quyền, thì cơ quan Cảnh sát điều tra tiến hành điều tra xử lý; Kết quả thông báo bằng văn bản cho Cơ quan thuế biết theo quy định.

Nếu xét thấy hành vi vi phạm pháp luật không đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì phải ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự, trong thời hạn 3 ngày kể từ khi ra quyết định không khởi tố, cơ quan Cảnh sát điều tra phải chuyển quyết định và hồ sơ vụ việc vi phạm hành chính (nếu xác định vụ việc có hành vi vi phạm hành chính) cho cơ quan Thuế để xử lý theo quy định. Khi nhận hồ sơ phải có biên bản giao nhận.

Cơ quan Thuế có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ do cơ quan Công an chuyển sang và xử lý theo quy định của pháp luật.

6. Các trường hợp đối tượng vi phạm pháp luật về thuế bị cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can nhưng sau đó đình chỉ điều tra, hoặc có kết luận điều tra và đề nghị Viện Kiểm sát truy tố trước pháp luật. Nhưng sau đó Viện Kiểm sát có quyết định đình chỉ điều tra thì trong thời hạn 3 ngày, kể từ khi nhận được quyết định, Cơ quan Cảnh sát điều tra phải chuyển quyết định và hồ sơ vụ việc nếu xác định vụ việc có hành vi vi phạm hành chính cho cơ quan Thuế để xử lý theo thẩm quyền. Cơ quan Thuế có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ từ cơ quan Công an chuyển sang và xử lý theo đúng quy định của Pháp luật. Khi nhận hồ sơ phải có biên bản giao nhận giữa hai cơ quan.

7. Ngành Công an có trách nhiệm bảo đảm trật tự an toàn, hỗ trợ cơ quan Thuế trong quá trình cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về thuế khi có yêu cầu của người ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế.

8. Ngành Công an có trách nhiệm giám định con dấu, chữ viết, chữ ký trên các biên lai, hóa đơn ấn chỉ thuế và các giấy tờ có giá của các đối tượng có hành vi làm giả tài liệu của Cơ quan tổ chức Nhà nước theo đề nghị của Cơ quan Thuế.

Điều 5. Những quan hệ phối hợp khác.

1. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, nếu phát hiện cán bộ, chiến sỹ, công chức của hai ngành có dấu hiệu, hành vi tiêu cực hoặc vi phạm pháp luật thì đơn vị phát hiện thông báo kịp thời cho Lãnh đạo trực tiếp quản lý cán bộ, chiến sỹ, công chức đó phù hợp với quy định của pháp luật và bảo đảm yêu cầu bí mật công tác để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, giáo dục và xử lý vi phạm.

2. Hai ngành có trách nhiệm thường xuyên hỗ trợ, phối hợp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành trong công tác phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm trong lĩnh vực thuế nói riêng. Đồng thời trao đổi kinh nghiệm trong công tác phòng, chống hành vi vi phạm, tội phạm về thuế.

3. Hai ngành có thể cử cán bộ, chiến sỹ, công chức, có trình độ nghiệp vụ chuyên môn cao để nghiên cứu, giúp đỡ lẫn nhau về các chuyên đề công tác cụ thể hoặc trong vụ việc vụ thể; Hỗ trợ kinh phí hoặc thiết bị, phương tiện phục vụ công tác phòng ngừa, điều tra xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thuế.

4. Hai ngành phải thường xuyên phối kết hợp để tuyên truyền phòng chống tội phạm về thuế trong cộng đồng dân cư và xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Điều 6. Hồ sơ; thủ tục giao, nhận hồ sơ một số nội dung chủ yếu giữa hai ngành.

1. Hồ sơ:

a) Hồ sơ cơ quan Thuế chuyển cho cơ quan Công an bao gồm:

- Hồ sơ tổ chức, cá nhân vi phạm về thuế có dấu hiệu tội phạm đề nghị điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Hồ sơ tổ chức, cá nhân vi phạm về thuế đề nghị phối hợp kiểm tra, xác minh xử lý;

- Hồ sơ tổ chức, cá nhân cơ quan Thuế cung cấp theo yêu cầu của cơ quan Công an để phục vụ công tác điều tra của cơ quan Công an.

b) Hồ sơ cơ quan Công an chuyển cho cơ quan Thuế bao gồm:

- Hồ sơ tổ chức, cá nhân vi phạm về thuế qua điều tra không truy cứu trách nhiệm hình sự, chuyển đề nghị xử lý hành chính về thuế;

- Hồ sơ đề nghị xác định nghĩa vụ thuế để làm cơ sở điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Hồ sơ tổ chức, cá nhân cơ quan Công an cung cấp theo yêu cầu của cơ quan Thuế để phục vụ công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra của cơ quan Thuế.

2. Thủ tục giao, nhận, cung cấp thông tin:

a) Thủ tục giao, nhận hồ sơ Cơ quan Thuế chuyển cho cơ quan Công an trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm về thuế có dấu hiệu tội phạm đề nghị điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự:

- Công văn của cơ quan Thuế gửi cơ quan Công an đề nghị điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự tổ chức, cá nhân vi phạm về thuế có dấu hiệu tội phạm;

- Giấy giới thiệu của cơ quan Thuế cử cán bộ bàn giao hồ sơ tổ chức, cá nhân vi phạm về thuế có dấu hiệu tội phạm cho cơ quan Công an (nếu hồ sơ giao, nhận tại Cơ quan Công an), hoặc giấy giới thiệu của cơ quan Công an cử cán bộ nhận hồ sơ tổ chức, cá nhân vi phạm về thuế có dấu hiệu tội phạm (nếu hồ sơ giao, nhận tại cơ quan Thuế);

- Biên bản giao, nhận hồ sơ tài liệu và bảng kê mục lục các tài liệu giao nhận kèm theo.

b) Thủ tục giao, nhận hồ sơ tổ chức, cá nhân vi phạm về thuế do cơ quan thuế đề nghị phối hợp kiểm tra xử lý:

- Công văn của cơ quan Thuế gửi cơ quan Công an đề nghị phối hợp kiểm tra xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm về thuế; kèm theo bản dự kiến kế hoạch phối hợp kiểm tra xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm về thuế;

- Giấy giới thiệu của cơ quan Thuế cử cán bộ bàn giao hồ sơ tổ chức, cá nhân vi phạm về thuế cho cơ quan Công an (nếu hồ sơ giao, nhận tại Cơ quan Công an). Hoặc giới thiệu của cơ quan Công an cử cán bộ nhận hồ sơ tổ chức, cá nhân vi phạm về thuế (nếu hồ sơ giao, nhận Cơ quan Thuế);

- Biên bản giao, nhận hồ sơ tài liệu và bảng kê mục lục các tài liệu giao nhận kèm theo.

Sau khi giao, nhận hồ sơ chậm nhất trong 10 ngày cơ quan Thuế và cơ quan Công an phải thống nhất kế hoạch phối hợp kiểm tra, xử lý để triển khai thực hiện.

c) Thủ tục giao, nhận hồ sơ tổ chức, cá nhân cơ quan Thuế cung cấp theo yêu cầu của cơ quan Công an để phục vụ công tác điều tra của cơ quan Công an.

- Công văn của cơ quan Công an gửi cơ quan Thuế đề nghị cung cấp thông tin, tài liệu của tổ chức, cá nhân để phục vụ công tác điều tra của cơ quan Công An;

- Giấy giới thiệu của cơ quan Công an cử cán bộ nhân thông tin, tài liệu tổ chức, cá nhân do cơ quan Thuế cung cấp (nếu hồ sơ giao, nhận tại cơ quan Thuế);

- Biên bản giao, nhận hồ sơ tài liệu và bảng kê mục lục các tài liệu giao nhận kèm theo.

d) Thủ tục giao, nhận hồ sơ cơ quan Công an chuyển cho cơ quan Thuế trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm về thuế qua điều tra không khởi tố chuyển đề nghị xử lý hành chính về thuế:

- Công văn của cơ quan Công an gửi cơ quan Thuế đề nghị xử lý hành chính về thuế đối với tổ chức, cá nhân vi phạm về thuế;

- Giấy giới thiệu của cơ quan Công an cử cán bộ bàn giao hồ sơ tổ chức, cá nhân vi phạm về thuế cho cơ quan Thuế (nếu hồ sơ giao, nhận tại cơ quan Thuế). Hoặc giới thiệu của cơ quan Thuế cử cán bộ nhận hồ sơ tổ chức, cá nhân vi phạm về thuế (nếu hồ sơ giao, nhận tại cơ quan Công an);

- Biên bản giao, nhận hồ sơ tài liệu và bảng kê mục lục các tài liệu giao nhận kèm theo.

e) Thủ tục giao, nhận hồ sơ cơ quan Công an đề nghị xác định nghĩa vụ thuế của tổ chức cá nhân vi phạm pháp luật thuế để làm cơ sở điều tra khởi tố:

- Công văn của cơ quan Công an gửi cơ quan Thuế đề nghị xác định nghĩa vụ thuế của tổ chức cá nhân vi phạm pháp luật thuế để làm cơ sở điều tra khởi tố;

- Giấy giới thiệu của cơ quan Công an cử cán bộ bàn giao hồ sơ tổ chức, cá nhân vi phạm về thuế cho cơ quan Thuế (nếu hồ sơ giao, nhận tại cơ quan Thuế). Hoặc giới thiệu của cơ quan Thuế cử cán bộ nhận hồ sơ tổ chức, cá nhân vi phạm về thuế (nếu hồ sơ giao, nhận tại cơ quan Công an);

- Biên bản giao, nhận hồ sơ tài liệu và bảng kê mục lục các tài liệu giao nhận kèm theo.

Sau khi nhận đủ tài liệu theo yêu cầu, cơ quan Thuế tổ chức kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế của tổ chức, cá nhân vị phạm và thông báo cho cơ quan Công an chậm nhất trong vòng 10 ngày.

f) Thủ tục giao, nhận hồ sơ tổ chức, cá nhân cơ quan Công an cung cấp theo yêu cầu của cơ quan Thuế để phục vụ công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra của cơ quan Thuế:

- Công văn của cơ quan Thuế gửi cơ quan Công an đề nghị cung cấp thông tin, tài liệu của tổ chức, cá nhân phục vụ công tác quản lý thuế, thanh tra, kiểm tra thuế;

- Giấy giới thiệu của cơ quan Thuế cử cán bộ nhận thông tin, tài liệu của tổ chức, cá nhân do cơ quan Công an cung cấp (nếu hồ sơ giao, nhận tại Cơ quan Công an);

- Biên bản giao, nhận hồ sơ tài liệu và bảng kê mục lục các tài liệu giao nhận kèm theo.

Điều 7. Chế độ báo cáo

1. Đối với cơ quan Thuế

Ngày 15 của tháng cuối quý các Chi cục Thuế huyện, thành phố, thị xã báo cáo kết quả phối hợp quý cơ quan Thuế chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an (Biểu mẫu 01); Báo cáo kết quả phối hợp quý với cơ quan Công an trong việc cung cấp thông tin, tiếp nhận hồ sơ (Biểu mẫu 02); Báo cáo kết quả phối hợp với cơ quan Công an trong việc giám định thuế (biểu mẫu 03); Báo cáo tổng hợp các tổ chức, cá nhân bỏ địa điểm kinh doanh mang theo hóa đơn hoặc bỏ địa điểm kinh doanh, bỏ kinh doanh để trốn nợ thuế chuyển cơ quan Công an phối hợp điều tra xử lý (Biểu mẫu 04); Báo cáo tổng hợp đơn vị có dấu hiệu tội phạm chuyển cơ quan Công an điều tra xử lý (Biểu mẫu 05) về Phòng thanh tra - Cục Thuế Nghệ An bằng công văn và qua địa chỉ thư điện tử: tt.nan@gdt.gov.vn để tổng hợp, báo cáo cấp trên;

Ngày 20 của tháng cuối quý Cục Thuế Nghệ An (Phòng thanh tra) tổng hợp báo cáo Tổng cục Thuế kết quả phối hợp quy cơ quan Thuế chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an (Biểu mẫu 01); Báo cáo kết quả phối hợp quý phối hợp với cơ quan Công an trong việc cung cấp thông tin, tiếp nhận hồ sơ (Biểu mẫu 02); Báo cáo kết quả phối hợp với cơ quan Công an trong việc giám định thuế (biểu mẫu 3).

2. Đối với cơ quan Công an: (Theo quy định của ngành).

3. Hai ngành trước khi báo cấp trên về số liệu liên quan đến nhau trong quy chế phối hợp này phải được đối chiếu, thống nhất giữa hai bên.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Điều khoản thi hành.

1. Cục Thuế Nghệ An, Công an Nghệ An trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị của mình thực hiện nghiêm túc hướng dẫn này.

2. Thu nhận và xử lý thông tin phối hợp của mỗi ngành:

a) Đối với cơ quan Công an: Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và chức vụ (PC46), Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và chức vụ Công an các thành phố, thị xã, huyện là đầu mối tiếp nhận và xử lý các trường hợp vi phạm do ngành Thuế các cấp chuyển sang.

b) Đối với cơ quan Thuế: Phòng Thanh tra (ở Cục Thuế), Đội Kiểm tra (ở Chi cục Thuế): Là đầu mối tiếp nhận, cung cấp thông tin cho lực lượng Cảnh sát và xử lý các hành vi vi phạm do lực lượng Cảnh sát phát hiện chuyển sang.

3. Để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa hai Ngành, định kỳ hai Ngành tổ chức giao ban 6 tháng, sơ kết hàng năm nhằm đánh giá kết quả phối hợp bàn biện pháp triển khai tiếp theo (thời gian, địa điểm, thành phần do Lãnh đạo 2 ngành quyết định). Trường hợp đột xuất có yêu cầu bằng văn bản riêng.

4. Lãnh đạo Công an tỉnh và Lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Nghệ An có trách nhiệm phổ biến văn bản này đến cán bộ, chiến sỹ, công chức thuộc phạm vi quản lý của mình để thực hiện.

Điều 9. Hiệu lực thi hành

Hướng dẫn liên ngành có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2016 và thay thế Hướng dẫn liên ngành số 1913/HDLN/CT-CA ngày 27/12/2007 của Cục Thuế Nghệ An - Công an Nghệ An thực hiện Quy chế phối hợp trong công tác đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực thuế giữa Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính và Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc cần bổ sung, sửa đổi thì 2 ngành bàn bạc thống nhất giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- UBND Tỉnh (để BC);
- Công an Nghệ An;
- Cục thuế Nghệ An;
- Công an các huyện, TP,
TX;
- Chi cục thuế các huyện, TP, TX;
- Lưu VT, TTra.

CỤC THUẾ TỈNH NGHỆ AN
CỤC TRƯỞNG





Nguyễn Đình Hòa

CÔNG AN TỈNH NGHỆ AN
KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC




Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Hướng dẫn liên ngành 1946/HDLN/CT-CA năm 2016 thực hiện Quy chế phối hợp trong công tác đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực thuế giữa Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính và Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm - Bộ Công an do Cục Thuế tỉnh Nghệ An - Công an tỉnh Nghệ An ban hành

  • Số hiệu: 1946/HDLN/CT-CA
  • Loại văn bản: Hướng dẫn
  • Ngày ban hành: 23/06/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
  • Người ký: Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Đình Hòa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản