Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH-BỘ CÔNG AN
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 148/1999/TTLT-BTC-BCA

Hà Nội, ngày 20 tháng 12 năm 1999 

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

VỀ QUAN HỆ PHỐI HỢP CÔNG TÁC BẢO ĐẢM AN NINH, TRẬT TỰ TRONG MÔT SỐ HOẠT ĐỘNG THUỘC LĨNH VỰC TÀI CHÍNH

Căn cứ Nghị định số 178/CP ngày 28/10/1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 37/1998/NĐ-CP ngày 09/6/1998 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Công an;
Liên Bộ Tài chính - Công an hướng dẫn quan hệ phối hợp công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong một số hoạt động thuộc lĩnh vực tài chính như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Quan hệ phối hợp tại Thông tư liên tịch này chỉ áp dụng trong một số hoạt động quản lý tài chính như: Quản lý điều hành thu thuế, quản lý ngân sách nhà nước, kiểm soát chi ngân sách; quản lý tài chính đôí ngoại và thanh tra, kỉểm tra đối với các hoạt động quản lý tài chính khác hai Bộ có trách nhiệm thực hiện theo đúng quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

2. Công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong lĩnh vực tài chính là trách nhiệm của Bộ Tài chính; Bộ Công an có trách nhiệm tham gia hướng dẫn thực hiện công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong lĩnh vực tài chính nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về tài chính.

3. Các cơ quan thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính và Bộ Công an ở trung ương và địa phương có trách nhiệm phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Các quan hệ phối hợp phải đảm bảo tính đồng cầp: Quan hệ phối hợp ở cấp nào thì trước hết do hai ngành ở cấp đó phối hợp thực hiện. Trong những trường hợp đặc biệt hoặc trong trường hợp vượt quá thẩm quyền hoặc không có khả năng giải quyết thì chuyển cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp để phối hợp giải quyết.

4. Trong quá trình triển khai thực hiện, các cơ quan thuộc và trực thuộc hai Bộ có trách nhiệm giữ gìn bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Trách nhiệm của cơ quan tài chính:

1.1 Cung cấp cho cơ quan công an các nội dung sau:

- Các văn bản hướng dẫn do Bộ Tài chính ban hành theo đề nghị của cơ quan công an; các thông tin về an ninh, chính trị nội bộ trong ngành tài chính có liên quan đến vụ việc của ngành tài chính mà cơ quan công an đang điều tra.

- Các thông tin về các đối tượng có hành vi làm giả, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng các ấn chỉ, các chứng chỉ có giá giả thuộc thẩm quyền của cơ quan tài chính phát hành và quản lý.

- Hồ sơ, tài liệu có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân, đơn vị trong ngành tài chính; hồ sơ của các đối tượng sử dụng vốn ngân sách nhà nước có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

- Tình hình về quan hệ tài chính - tiền tệ của Việt Nam với các đối tác nước ngoài khi thấy không đảm bảo an toàn về tài chính - tiền tệ.

- Các văn kiện dự án viện trợ; kế hoạch sử dụng và tình hình thực hiện nguồn viện trợ của các Bộ, ngành, địa phương hàng năm khi thấy có dấu hiệu vi phạm chế độ quản lý tài chính.

- Thời gian, địa điểm của mọi đối tượng có hành vi chống lại cán bộ ngành tài chính khi thi hành công vụ và tạo điều kiện để cơ quan công an thực thi nhiệm vụ.

1.2. Phối hợp với cơ quan công an trong những việc sau:

- Trả lời bằng văn bản các chính sách, chế độ về quản lý tài chính và ngân sách có liên quan theo đề nghị của cơ quan công an.

- Sử dụng các phương tiện nghiệp vụ, kỹ thuật chống làm giả do cơ quan công an cung cấp.

- Cử giám định viên tài chính có trình độ, năng lực phẩm chất chính trị theo đề nghị của cơ quan công an để tiến hành giám định tài chính nhằm đưa ra kết luận giám định tài chính chính xác và khách quan; chuyển kịp thời kết quả cho cơ quan điều tra theo đúng quy định của pháp luật.

- Chỉ đạo việc tổ chức kiểm tra hoặc ra quyết định thanh tra khi nhận được những thông tin về các dấu hiệu vi phạm chế độ quản lý tài chính tại các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính do cơ quan công an gửi đến.

Khi kết thúc cuộc thanh tra, kiểm tra nếu phát hiện những vi phạm tiêu cực, tham nhũng, cố ý làm trái hoặc các vi phạm khác có dấu hiệu tội phạm, cơ quan tài chính chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan công an. Việc chuyển giao hồ sơ được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra.

- Tổ chức tốt công tác xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc và công tác phòng chống tội phạm, cháy nổ, bảo vệ con dấu, trật tự an toàn, tài sản ở các cơ quan, đơn vị trong ngành tài chính.

2. Trách nhiệm của cơ quan công an:

2.1. Cung cấp cho cơ quan tài chính các nội dung sau:

- Các thông tin cần thiết của các đối tác nước ngoài đang và sẽ hoạt động tại Việt Nam có dấu hiệu tiêu cực ảnh hưởng đến an ninh trong nước và an ninh quốc tế liên quan đến lĩnh vực tài chính;

Những hành vi vi phạm chính sách, chế độ tài chính đặc biệt là hành vi vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính trong lập, chấp hành, quyết toán ngân sách, hành vi làm thất thoát vốn và tài sản nhà nước; hành vi trốn tránh trách nhiệm thanh toán nợ, chiếm đoạt tài sản công; hành vi lừa đảo trong các dự án viện trợ và các dự án khác tại các tỉnh, thành phố được phát hiện qua công tác điều tra của cơ quan công an.

- Những âm mưu thủ đoạn hoạt động của các đối tượng thù địch, của bọn tội phạm chống phá có liên quan đến lĩnh vực tài chính đặc biệt là thủ đoạn làm giả các loại ấn chỉ, chứng chỉ có giá.

- Tình hình hoạt động của các đối tác nước ngoài có các dấu hiệu lừa đảo, gian lận trong sản xuất, kinh doanh, trong quản lý tài chính.

- Các cán bộ, công chức trong ngành tài chính có nghi vấn về chính trị; các đối tượng trong ngành bị cấm xuất cảnh, tạm thời chưa được xuất cảnh hoặc đã xuất cảnh mà có vi phạm quy chế của nước sở tại hoặc trong khi thực hiện nhiệm vụ có hành vi vi phạm pháp luật.

- Các cán bộ, công chức trong ngành tài chính có liên quan đến các vi phạm hành chính đã bị xử lý và các vụ án bị khởi tố hình sự; những vấn đề đã được làm rõ đối với cán bộ, công chức có liên quan, thông báo ngay cho cơ quan tài chính khi có lệnh bắt để cùng phối hợp xử lý.

2.2. Phối hợp với cơ quan tài chính trong những việc sau.

- Trong quá trình cơ quan tài chính thực hiện quyết định cưỡng chế xử phạt vi phạm hành chính về thuế, thu hồi các khoản nợ về vay vốn hỗ trợ việc làm khi có phức tạp thì cơ quan công an cùng cấp phải phối hợp nhằm bảo đảm an ninh, trật tự theo đề nghị của cơ quan tài chính.

- Bảo vệ an ninh và an toàn tài sản trong hệ thống Kho bạc nhà nước theo quy đinh của liên Bộ. Cung cấp hồ sơ chi trả tài sản cho các chủ sở hữu đã đóng góp cho Nhà nước trong thời ký kháng chiến theo đề nghị của cơ quan tài chính.

- Tiến hành trưng cầu giám định về tài chính, giám định về kỹ thuật các hành vi làm giả con dấu, chữ ký, chữ viết trên biên lai, hóa đơn, ấn chỉ thuế và các loại giấy tờ khác của Bộ Tài chính có giá trị như tiền.

- Kiểm tra, ngăn chặn các hành vi trốn lậu thuế theo đề nghị của cơ quan tài chính.

- Điều tra làm rõ những nội dung có liên quan đến tình hình quản lý tài chính của các đối tác nước ngoài khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật theo đề nghị của cơ quan tài chính.

- Hỗ trợ cơ quan tài chính trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự cho các hội nghị quan trọng mang tính chất quốc gia và quốc tế, cho các đoàn vào được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính thực hiện.

- Tiếp nhận hồ sơ vụ việc do cơ quan tài chính chuyển đến, thụ lý hồ sơvà tiến hành điều tra theo quy trình của Bộ luật Tố tụng hình sự. Thông báo bằng văn bản kết quả điều tra và xử lý cho cơ quan tài chính theo thời hạn quy định.

- Định kỳ 6 tháng, 1 năm thông báo kết quả điều tra và xử lý các vụ án kinh tế cho cơ quan tài chính, nhất là các vụ án có liên quan đến cán bộ, công chức của ngành tài chính theo quy định của pháp luật; những phương thức, thủ đoạn mới của bọn tội phạm kinh tế, những sơ hở, thiếu sót trong quản lý kinh tế, tài chính, quản lý cán bộ để phối hợp phòng ngừa, ngăn chặn.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Vụ Tổ chức cán bộ và đào tạo Bộ Tài chính, Văn phòng Bộ Công an có trách nhiệm giúp lãnh đạo Bộ Tài chính và Bộ Công an hướng dẫn triển khai thực hiện những quy định tại Thông tư liên tịch này.

Mỗi năm 1 lần, hai Bộ tổ chức đánh giá kết quả thực hiện và có thể tổ chức các đoàn kiểm tra tình hình triển khai thực hiện ở một số đơn vị, địa phương.

Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Thủ trưởng cơ quan các cấp của hai Bộ có trách nhiệm thi hành những quy định của Thông tư liên tịch này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các đơn vị của ngành tài chính và ngành công an báo cáo Bộ Tài chính và Bộ Công an để phối hợp giải quyết./.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG THƯỜNG TRỰC




Phạm Văn Trọng

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN
THỨ TRƯỞNG THƯỜNG TRỰC




Nguyễn Khánh Toàn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 148/1999/TTLT-BTC-BCA về quan hệ phối hợp công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong môt số hoạt động thuộc lĩnh vực tài chính do Bộ Tài chính-Bộ Công An ban hành

  • Số hiệu: 148/1999/TTLT-BTC-BCA
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 20/12/1999
  • Nơi ban hành: Bộ Công An, Bộ Tài chính
  • Người ký: Nguyễn Khánh Toàn, Phạm Văn Trọng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 4
  • Ngày hiệu lực: 04/01/2000
  • Ngày hết hiệu lực: 05/08/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản