Hệ thống pháp luật

BỘ NGOẠI GIAO
******

 

Số: 10/2005/LPQT

Hà Nội, ngày 24 tháng 11 năm 2004 


Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Nam Phi về việc thành lập Diễn đàn đối tác liên Chính phủ về hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học, kỹ thuật và văn hoá có hiệu lực từ ngày 24 tháng 11 năm 2004./.

 

TL. BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG 



Nguyễn Hoàng Anh

 

HIỆP ĐỊNH

GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA NAM PHI VỀ VIỆC THÀNH LẬP DIỄN DÀN ĐỐI TÁC  LIÊN CHÍNH PHỦ VỀ HỢP TÁC KINH TẾ, THƯƠNG MẠI, KHOA HỌC, KỸ THUẬT VÀ VĂN HÓA

LỜI MỞ ĐẦU

Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nam Phi, sau đây được gọi chung là "hai Bên" và gọi riêng là "một Bên";

Nhận thức về sự cần thiết tăng cường mối quan hệ hữu nghị và hợp tác sẵn có giữa hai Bên, qua đó góp phần tích cực vào hòa bình và hợp tác giữa hai khu vực;

Mong muốn thúc đẩy hợp tác kinh tế, th­ương mại, khoa học, kỹ thuật và văn hóa giữa hai nước trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi, có tính tới nhu cầu và khả năng của mỗi nước;

Tin t­ưởng rằng quan hệ hợp tác đó sẽ phục vụ cho lợi ích chung của hai nước cũng như góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội của nhân dân hai nước,

Đã thỏa thuận như sau:

Điều 1. Mục tiêu.

Hai Bên cam kết khuyến khích và thúc đẩy hợp tác kinh tế, th­ương mại, khoa học, kỹ thuật và văn hóa giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nam phi vì lợi ích của mỗi nước, trên cơ sở tôn trọng các cam kết quốc tế và phù hợp với chính sách cũng như luật pháp của mỗi nước.

Điều 2. Lĩnh vực hợp tác

1. Hai Bên sẽ xác định các lĩnh vực mà hai Bên mong muốn hợp tác, có tính tới kinh nghiệm và các lợi ích sẽ thu được trong mỗi lĩnh vực.

2, Không ảnh h­ưởng đến tính khái quát của Khoản 1 Điều này, việc hợp tác được thực hiện trong khuôn khổ Hiệp định này sẽ bao gồm, nh­ưng không giới hạn, các lĩnh vực sau:

a) Thương mại và Đầu tư;

b) Giáo dục;

c) Y tế;

d) Khoa học và Kỹ thuật;

e) Nông nghiệp;

f) Du lịch;

g) Hàng không;

h) Văn hóa; và

i) Bất cứ lĩnh vực nào khác tùy theo sự thỏa thuận của hai Bên.

Điều 3. Diễn đàn đối tác

Hai Bên thỏa thuận thành lập Diễn đàn Đối tác liên Chính phủ Việt Nam – Nam Phi về hợp tác kinh tế, th­ương mại, khoa học, kỹ thuật và văn hóa (sau đây gọi là "Diễn đàn Đối tác”).

Điều 4. Mục tiêu của Diễn đàn Đối tác

Mục tiêu của Diễn đàn Đối tác là:

1. Thúc đẩy quan hệ và sự hợp tác song ph­ương, đặc biệt là hợp tác về kinh tế, th­ương mại, khoa học kỹ thuật và văn hóa. Những mục tiêu này sẽ đạt được thông qua việc thực hiện các dự án hoặc các biện pháp được hai ,Bên thoả thuận;

2. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện Hiệp định này và các thỏa thuận khác được ký giữa hai Bên;

3. Phối hợp các hoạt động của hai Bên nhằm đạt được mục tiêu chung nêu tại Điều 1 của Hiệp định này; và

4. Giải quyết các vấn đề liên quan đến hợp tác giữa hai Bên.

Điều 5. Nhiệm vụ của Diễn đàn Đối tác

Nhiệm vụ của Diễn đàn Đối tác là:

1. Xem xét các vấn đề nảy sinh trong quá trình thực thi Hiệp định này giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã. hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nam Phi, cũng như bất kỳ thỏa thuận nào khác giữa Việt Nam và Nam Phi;

2. Củng cố, tăng cường hợp tác và nghiên cứu các khả năng thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế, th­ương mại, khoa học, kỹ thuật và văn hoá giữa hai Bên;

3. Tạo điều kiện cho việc ký kết các hiệp định cụ thể (d­ưới đây được gọi là "các Hiệp định bổ sung” - các hiệp định này, ngoài các nội dung khác, sẽ xác định ph­ương thức cụ thể liên quan t­ới các chương trình hay dự án hữu quan) nhằm thực hiệp các ch­ương trình hoác dự án theo các quy định của Hiệp định này;

4. Chuẩn bị các kiến nghị nhằm thực hiện thành công những hiệp định nêu trên và đưa ra các đề xuất về cách thức tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực này để các Bên thông qua, cũng như giải quyết các vấn đề khác liên quan đến hợp tác kinh tế, th­ương mại, khoa học, kỹ thuật và văn hóa;

5. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các dự án hợp tác giữa hai Bên;

6. Tăng cường tham khảo ý kiến của nhau về các vấn đề song ph­ương, quốc tế và khu vực cùng quan tâm; và

7. Hoạt động trên bất kỳ lĩnh trực hợp tác nào khác được hai Bên thỏa thuận.

Điều 6. Quy chế hoạt động và ch­ương trình của Diễn đàn Đối tác

1. Phiên họp toàn thể của Diễn đàn Đối tác được đồng chủ tọa bởi Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Nam Phi.

2. Diễn đàn Đối tác bao gồm đại diện các cơ quan liên quan của Chính phủ hai Bên, nhằm đạt được các mục tiêu của Diễn đàn Đối tác.

3. Diễn đàn Đối tác tự thảo ra quy chế hoạt động của mình.

4. Bên đăng cai tổ chức cuộc họp dự thảo Ch­ương trình nghị sự của các cuộc họp của Diễn đàn Đối tác trên cơ sở những đề xuất do mỗi Bên đ­ưa ra.

5. Bên đăng cai tổ chức cuộc họp thông báo Ch­ương trình nghị sự chơ Bên kia qua kênh ngoại giao ít nhất một tháng trước khi cuộc họp dự kiến diễn ra, và phải được thông qua khi cuộc họp bắt đầu.

6. Thông qua tham vấn song ph­ương, hai Bên ấn định lịch trình của các cuộc họp định kỳ và ch­ương trình nghị sự sơ bộ.

7. Các kết quả và quyết định của các cuộc họp Diễn đàn Đối tác được ghi nhận trong biên bản cuộc họp được các đồng chủ tọa của Cuộc họp ký.

8. Để hoàn thành các nhiệm vụ của mình, Diễn đàn Đối tác có thể thành lập những cơ quan thường trực hoặc lâm thời, chẳng hạn như các tiểu ban hoặc nhóm công tác. Diễn đàn Đối tác quyết định nhiệm vụ, phạm vi hoạt động và thành phần của các cơ quan thường trực và tạm thời. Những cơ quan này tiến hành công việc theo chỉ đạo của Diễn đàn Đối tác.

9. Hai Bên thỏa thuận rằng Bộ Ngoại giao nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Ngoại giao nuớc Cộng hòa Nam Phi chịu trách nhiệm điều phối các cuộc họp và công tác của Diễn đàn Đối tác, trong đó có việc chuẩn bị tài liệu cho các Cuộc họp Diễn đàn Đối tác và các vấn đề tổ chức khác liên quan đến các hoạt động của Diễn đàn Đối tác.

Điều 7. Tần suất các cuộc họp

1. Diễn đàn Đối tác tiến hành phiên họp toàn thể hai năm một lần, vào thời gian thỏa thuận và họp toàn thể bất thường theo yêu cầu của một Bên vào bất cứ khi nào cần thiết.

2. Các phiên họp toàn thể của Diễn đàn Đối tác được tiến hành luân phiên tại Thủ đô của Việt Nam và Nam Phi và được đồng chủ toạ bởi Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng Bộ Ngoại giao của Bên đăng cai tổ chức cuộc họp và Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng Bộ Ngoại giao của Bên kia.

3. Mỗi Bên tự quyết định số lượng và thành phần của đoàn đại biểu tham dự Cuộc họp của Diễn đàn Đối tác.

Điều 8. Chịu phí cho các cuộc họp

1. Mọi kinh phí tổ chức các Cuộc họp Diễn đàn Đối tác cũng như công việc của cơ quan thường trực hoặc tạm thời của Diễn đàn Đối tác, do Bên đăng cai tổ chức Cuộc họp chi trả.

2. Bên đăng cai tổ chức cuộc họp chỉ chịu trách nhiệm về chi phí ăn, ở và đi lại trong phạm vi nước đăng cai cho năm (05) thành viên của đoàn của Bên kia, bất kể đoàn có bao nhiêu người.

Điều 9. Bảo mật

Mọi Biên bản thỏa thuận của các Cuộc họp Diễn đàn Đối tác và công tác của các cơ quan thường trực và lâm thời của Diễn đàn Đối tác được giữ bí mật. Tuy nhiên, hai Bên có thể ra Thông cáo Báo chí về Cuộc họp Diễn đàn Đối tác khi thấy thích hợp hoặc cần thiết.

Điều 10. Các Hiệp định bổ sung

1. Hai Bên có thể ký các hiệp định cụ thể (sau đây được gọi là "các Hiệp định bổ sung” ) để triển khai các ch­ương trình hay dự án theo quy định của Hiệp định này.

2. Các Hiệp định bổ sung, ngoài các nội dung khác, sẽ xác định ph­ương thức cụ thể liên quan tới các ch­ương trình hay dự án hữu quan.

Điều 11. Giải quyết tranh chấp

Hai bên nỗ lực giải quyết một cách thiện chí bất cứ vấn đề, tranh chấp hoặc khác biệt nào nảy sinh trong việc giải thích hoặc áp dụng Hiệp định này thông qua tham khảo ý kiến.

Điều 12. Sửa đổi

Hiệp định này có thể được sửa đổi trên cơ sở thỏa thuận của hai Bên bằng cách Trao đổi công hàm qua đường ngoại giao.

Điều 13. Hiệu lực, thời hạn hiệu lực và chấm dứt hiệu lực

1. Hiệp định này có hiệu lực kể từ ngày ký và có giá trị trong thời hạn năm (05) năm.

2. Hiệp định này sẽ được mặc nhiên gia hạn từng năm (05) năm một, trừ khi một trong hai Bên thông báo bằng văn bản về ý định chấm dứt hiệu lực của Hiệp định cho Bên kia sáu tháng trước khi Hiệp định hết hiệu lực.

3. Việc chấm dứt hiệu lực Hiệp định này không ảnh h­ởng đến các ch­ương trình và dự án đang được tiến hành trong khuôn khổ Hiệp định này cho đến khi được hoàn thành, trừ khi hai Bên có thỏa thuận khác.

Để làm bằng, các đại diện được Chính phủ mỗi Bên ủy quyền hợp thức, đã ký và đóng dấu Hiệp định này, thành hai bản, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Anh; các văn bản có giá trị như nhau.

Làm tại Pretoria, ngày 24 tháng 11 năm 2004./.

THAY MẶT CHÍNH PHỦ
NƯỚC CỘNG HÒA NAM PHI
THỨ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO 
 

 
 
Aziz Pahad

THAY MẶT CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
THỨ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO 
 
 

 
Nguyễn Phú Bình

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Hiệp định số 10/2005/LPQT về việc thành lập Diễn đàn đối tác liên Chính phủ về hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học, kỹ thuật và văn hoá giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Nam Phi

  • Số hiệu: 10/2005/LPQT
  • Loại văn bản: Điều ước quốc tế
  • Ngày ban hành: 24/11/2004
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Phú Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 13
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản