Hệ thống pháp luật

HIỆP ĐỊNH

THƯƠNG MẠI GIỮA CHÍNH PHỦ CÔNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ CỘNG HÒA NAM PHI

Chính phủ Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hoà Nam Phi (dưới đây được gọi chung là "các Bên" và riêng là "mỗi Bên"),

Quan tâm tới sự phát triển mới của quan hệ bạn bè giữa hai nước;

Khẳng định mong muốn  thiết lập các mối quan hệ qua lại nhằm hỗ trợ, bổ sung và mở rộng hợp tác giữa hai bên; 

Quyết tâm củng cố, tăng cường và đa dạng hoá quan hệ thương mại giữa hai nước; Tin tưởng rằng sự hợp tác như vậy sẽ  được thực hiện theo các chính sách phát triển của hai nước;

Mong muốn tăng cường các mối quan hệ giữa hai nước và cùng nhau đóng góp vào sự hợp tác mậu dịch quốc tế; 

Thoả thuận như sau : 

Điều 1:  Điều khoản chung

Các Bên sẽ áp dụng mọi biện pháp thích hợp nhằm tạo thuận lợi và xúc tiến các quan hệ thương mại và kinh tế giữa hai nước phù hợp với luật pháp của mỗi nước và tuân theo các nghĩa vụ của các thoả ước, công ước và hiệp định quốc tế mà các Bên có thể là thành viên. 

Điều 2:   Đãi ngộ Tối huệ quốc  

 (1)  Các Bên sẽ dành cho nhau chế độ đãi ngộ tối huệ quốc trong mọi vấn đề liên quan tới : 

  (a) các loại thuế hải quan và mọi loại phí và thuế khác áp dụng với hàng hoá nhập khẩu hoặc xuất khẩu  cũng như là các phương thức thu các loại thuế hải quan, phí và thuế này; 

 (b) các quy định pháp lý liên quan đến thủ tục hải quan, quá cảnh, lưu kho; 

 (c) các loại thuế nội địa và tất cả các khoản thu khác áp dụng trực tiếp hoặc gián tiếp đối với hàng nhập khẩu; 

 (d) các phương thức thực hiện các thanh toán  phát sinh từ việc thực hiện Hiệp định này và việc chuyển các khoản thanh toán đó; 

 (e) các quy định pháp lý liên quan tới việc bán, mua, vận tải,  phân phối  và sử dụng hàng hoá tại thị trường nội địa. 

(2)  Đối với mọi vấn đề liên quan tới giấy phép xuất nhập khẩu được cấp theo luật pháp của  mỗi nước, mỗi Bên sẽ dành cho bên kia sự đãi ngộ không kém ưu đãi hơn sự đãi ngộ ưu đãi nhất được dành cho nước thứ ba. 

Điều 3:  Sản phẩm xuất xứ từ nước thứ ba  

Theo điều 2, mọi lợi thế, ưu đãi, ưu tiên hay miễn trừ mà một Bên dành hoặc có thể dành cho  một nước thứ ba đối với sản phẩm có xuất xứ từ  hoặc được chuyển đến lãnh thổ của nước thứ ba này, sẽ được dành ngay lập tức và không điều kiện cho các sản phẩm tương tự có xuất xứ từ hoặc để nhập khẩu vào lãnh thổ nước Bên kia.  

Điều 4: Miễn trừ từ MFN  

Các quy định tại điều 2 và 3 sẽ không bao gồm: 

 (a) lợi thế mà mỗi Bên đã hoặc có thể dành cho các nước láng giềng nhằm tạo thuận lợi cho biên mậu; 

 (b) lợi thế hoặc ưu đãi do một Bên dành cho nước thứ ba phù hợp với hiệp định ưu đãi thương mại nhiều bên; 

 (c) lợi thế hoặc ưu đãi mà một Bên đã hoặc có thể dành cho các chương trình nhằm mở rộng sự hợp tác kinh tế - thương mại giữa các nước đang phát triển, các chương trình mà một Bên là hoặc sẽ là người tham gia; 

 (d) lợi thế hoặc ưu đãi có được từ  các hoạt động của một Liên minh Quan thuế hay Khu vực mậu dịch tự do mà một Bên đang tham gia hoặc có thể tham gia. 

Điều 5: Khuyến khích việc hướng dẫn các hoạt động kinh tế thương mại và trao đổi thông tin thương mại 

(1) Mỗi Bên sẽ cố gắng thúc đẩy việc hướng dẫn các hoạt động kinh tế thương mại  trên lãnh thổ nước mình một cách phù hợp với các luật lệ của nước mình và các thông lệ chung về thương mại quốc tế  đã  được chấp nhận. 

(2) Trong khuôn khổ việc thực hiện Hiệp định này, các Bên sẽ trao đổi các thông tin có thể góp phần vào  việc mở rộng các hoạt động thương mại  giữa hai nước

Điều 6:  Tạo thuận lợi cho quá cảnh hàng hoá  

Theo luật pháp nước mình, mỗi Bên sẽ cho phép hàng hoá nước Bên kia được quá cảnh tự do qua lãnh thổ nước mình. 

Điều 7:  Tạo thuận lợi và tham dự các hội chợ thương mại  

1) Trong khuôn khổ Hiệp định này và theo luật pháp liên quan của mỗi nước, mỗi Bên sẽ khuyến khích các doanh nghiệp  và công ty của Bên kia tổ chức các hội chợ và triển lãm thương mại tại nước mình và sẽ tích cực tạo thuận lợi  cho việc tiến hành các hội chợ triển lãm này. 

2) Theo luật pháp nước mình, mỗi Bên sẽ cho phép nhập khẩu miễn thuế hải quan và các loại phí khác đối với : 

 (a) hàng hoá dùng cho các hội chợ, triển lãm, trình diễn, hội thảo, hay hội nghị của Bên kia và không có mục đích để bán: 

 (i) các hàng hoá để trưng bày, triển lãm hay trình diễn tại hội chợ, triển lãm;  

 (ii) các hàng hoá cần thiết cho việc trình diễn máy móc nước ngoài hoặc các thiết bị  để trưng bày hay triển lãm; 

 (iii) các vật tư giới thiệu, trình diễn và quảng cáo ( bao gồm áp phích, sách,  tờ rời quảng cáo, thiết bị âm thanh , phim và đèn chiếu ) và các thiết bị để sử dụng các loại vật tư này; 

 (iv) thiết bị bao gồm dụng cụ thuyết trình và thiết bị thu thanh; và  

 (v) vật tư xây dựng, trang trí và đồ điện dùng cho các gian hàng tạm thời hoặc để trưng bày, hoặc để triển lãm các loại hàng hoá tại tiểu mục (i);  

 (b)  hàng hoá đã xuất khẩu được gửi lại để sửa chữa, với điều kiện các hàng hoá này sẽ phải được tái xuất sau khi sửa chữa xong. 

3) Hàng hoá và thiết bị nêu ở điểm 2 sẽ không được bán ở nước mà nó được nhập vào và sẽ phải tái xuất khẩu khỏi nước đó trừ phi được cơ quan có thẩm quyền  của nước đó cho phép và đã thanh toán đầy đủ các loại thuế hải quan và phí theo đúng luật lệ và quy định hiện hành ở nước đó. 

Điều 8: Thoả ước thanh toán  

Mọi việc thanh toán cho hàng hoá và dịch vụ  phát sinh từ việc thực hiện Hiệp định này sẽ được thực hiện bằng các đồng tiền tự do chuyển đổi phù hợp với luật pháp của mỗi nước.

Điều 9: Các biện pháp bảo vệ  

Với yêu  cầu  các biện pháp này không được áp dụng một cách tuỳ tiện hoặc phân biệt đối xử, các quy định của Hiệp định này sẽ không giới hạn các quyền của mỗi Bên thông qua hay thực  hiện các biện pháp : 

 (a) vì lý do sức khoẻ công cộng, đạo đức, trật tự hay an ninh; 

 (b) để bảo vệ thực vật và động vật chống lại các loại bệnh và sâu bọ phá hoại; 

 (c) để bảo vệ khả năng tài chính đối ngoại và cán cân thanh toán; hay  

 (d) bảo vệ các tài sản quốc gia hoặc các giá trị nghệ thuật, lịch sử hay khảo cổ. 

Điều 10:  Thành lập Uỷ ban Thương mại Hỗn hợp  

(1) Nhằm tạo thuận lợi cho việc thực hiện có hiệu quả Hiệp định này, mở rộng các quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai nước và  kiểm điểm việc triển khai Hiệp định, các Bên sẽ thành lập một uỷ ban liên chính phủ, dưới đây gọi là Uỷ ban Hỗn hợp. 

(2) Uỷ ban Hỗn hợp sẽ gồm một Bên là các đại diện của Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và một Bên là các đại diện của Cộng hoà Nam Phi.   

(3) Uỷ ban Hỗn hợp sẽ hoạt động theo sự nhất trí chung. 

(4) Uỷ ban Hỗn hợp sẽ nhóm họp theo yêu cầu và theo sự thỏa thuận của các Bên, nơi tiến hành cuộc họp sẽ lần lượt do các Bên chỉ định. 

Điều 11:   Giải quyết tranh chấp

(1) Mọi tranh chấp đối với việc giải thích và thực hiện Hiệp định này sẽ được giải quyết thông qua  thảo luận tại Uỷ ban Hỗn hợp. 

(2) Mỗi Bên có thể nêu ra tại Uỷ ban Hỗn hợp các vấn đề ngay cả  khi thấy rằng các vấn đề  đó không thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định này. 

(3) Các Bên sẽ cung cấp cho Uỷ ban Hỗn hợp mọi thông tin có liên quan được yêu cầu để xem xét một cách toàn diện mọi tranh chấp nhằm tìm ra giải pháp có thể chấp nhận được đối với cả hai Bên. 

Điều 12:  Kết thúc các hợp đồng  

Những quy định của Hiệp định này sẽ được tiếp tục áp dụng đối với các hợp đồng ký kết trong thời hạn hiệu lực của Hiệp định mà chưa thực hiện xong vào ngày Hiệp định hết hạn cho đến khi các hợp đồng đó được hoàn thành. 

Điều 13:  Cơ quan có thẩm quyền

Các cơ quan có thẩm quyền chịu trách nhiệm đối với việc áp dụng Hiệp định này và các vấn đề có liên quan khác : 

(1) phía Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Bộ Thương mại, và 

(2) phía Cộng hoà Nam Phi là Bộ Thương mại và Công nghiệp.  

Điều 14:  Sửa đổi và Hiệu lực của Hiệp định  

(1) Hiệp định này có thể được sửa đổi vào bất kỳ thời điểm nào với sự thoả thuận bằng văn bản của các Bên, trao đổi qua con đường ngoại giao. 

(2) Việc sửa đổi hay chấm dứt Hiệp định này sẽ không được ảnh hưởng  hoặc, trong mọi trường hợp, không được gây tổn hại tới các quyền hoặc  nghĩa vụ phát sinh từ việc thực thi Hiệp định trước ngày  sửa đổi  hay chấm dứt có hiệu lực. 

(3) Hiệp định này sẽ có hiệu lực vào ngày các Bên thông báo bằng văn bản qua đường ngoại giao cho nhau biết các yêu cầu cần thiết về pháp lý của mỗi bên cho việc thực hiện Hiệp định đã hoàn tất. Ngày có hiệu lực sẽ là ngày của thông báo cuối cùng. 

(4) Hiệp định sẽ có hiệu lực trong thời hạn là ba năm và sau đó sẽ tự động được gia hạn cho một thời hạn tương tự trừ phi, trong thời gian tối thiểu là ba tháng trước khi hết hạn hiệu lực, một Bên trao cho bên kia thông báo bằng văn bản ý định chấm dứt Hiệp định của mình. 

Để làm bằng, những người được uỷ quyền hợp thức của Chính phủ mỗi bên đã ký tên và đóng dấu Hiệp định này thành hai bản bằng tiếng Anh và tiếng Việt, cả hai bản có giá trị như nhau, nhưng trong trường hợp có mâu thuẫn không thể thoả thuận được giữa hai bản thì bản tiếng Anh sẽ có giá trị quyết định.

                                                                                             

THAY MẶT CHÍNH PHỦ
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
THỨ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI
 




Đỗ Như Đính

THAY MẶT CHÍNH PHỦ
CỘNG HÒA NAM PHI
THỨ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG
 



Lindiwe Hendricks

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Hiệp định về Thương mại giữa Chính phủ Công hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Nam Phi

  • Số hiệu: Khôngsố
  • Loại văn bản: Điều ước quốc tế
  • Ngày ban hành: 25/04/2000
  • Nơi ban hành: Chính phủ các nước, Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
  • Người ký: Đỗ Như Đính, Lindiwe Hendricks
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/05/2000
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản