BỘ THƯƠNG MẠI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1251 TM/CP-TNA | Hà Nội, ngày 05 tháng 4 năm 2002 |
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
BÁO CÁO
VỀ KẾT QUẢ CHUYẾN THĂM VÀ LÀM VIỆC TẠI CÁC NƯỚC MIỀN NAM CHÂU PHI (ANGOLA, MOZAMBIQUE, TANZANIA VÀ CỘNG HOÀ NAM PHI) TRONG THÁNG 3/2002 CỦA ĐOÀN KINH TẾ - THƯƠNG MẠI NƯỚC TA
Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 416/VPCP-KTTH ngày 23/1/2002 về việc giao Bộ Thương mại tổ chức Đoàn kinh tế - thương mại của Chính phủ đi khảo sát thị trường Châu Phi, Bộ Thương mại đã xây dựng đề án và tổ chức Đoàn kinh tế - thương mại nước ta do Thứ trưởng Thương mại Lê Danh Vĩnh dẫn đầu đi thăm chính thức các nước Angola, Mozambique, Tanzania và thăm làm việc tại Nam Phi từ ngày 14-28/3/2002. Tham gia Đoàn có đại diện các Bộ Thương mại, Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và một số doanh nghiệp kinh doanh hàng dệt may, vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội ngoại thất và ngân hàng.
Bộ Thương mại xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả cụ thể của chuyến công tác như sau:
I/ VỀ BỐI CẢNH CHUYẾN ĐI
Đoàn kinh tế - thương mại nước ta đi thăm và khảo sát khả năng hợp tác kinh tế và mở rộng thị trường các nước miền Nam Châu Phi nói trên trong bối cảnh chung về chính trị và kinh tế của Châu Phi có những đặc điểm cụ thể sau:
1/ Mặc dù còn phải đối phó với nhiều vấn đề nan giải, tình hình Châu Phi gần đây đã có những chuyển biến tích cực. Các cuộc xung đột đã dịu đi và đang từng bước đi vào giải pháp hoà bình (xung đột biên giới Ethiopia-Eritrea, nội chiến ở CHDC Congo, nội chiến ở Sierra Leone...). Tại Angola, việc thủ lĩnh đảng đối lập cực đoan (UNITA) J.Savimbi bị chết gần đây đã mở ra hy vọng vãn hồi hoà bình sau gần 30 năm nội chiến kéo dài ở nước này.
2/ Trong khi nền kinh tế thế giới nói chung bị suy giảm sau sự kiện ngày 11/9, kinh tế các nước Châu Phi vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng 3%. Các nước Mozambique và Tanzania, nhờ thành công trong cải cách kinh tế, tốc độ tăng trưởng trong những năm gần đây đạt mức 5-8%. Nam Phi với nền kinh tế phát triển nhất Châu Phi, đã và đang đóng vai trò quan trọng về chính trị và kinh tế ở châu lục này.
3/ Quan hệ chính trị giữa Việt Nam với nhiều nước Châu Phi từ trước tới nay phát triển tốt đẹp, nhất là trong thời kỳ ta đấu tranh chống Mỹ cứu nước (bạn coi cuộc đấu tranh chính nghĩa của t là một tấm gương sáng ngời, hình ảnh Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi trong lòng nhân dân và nhiều thế hệ lãnh đạo của Bạn) nhưng quan hệ kinh tế - thương mại phát triển chưa ngang tầm với quan hệ chính trị và tiềm năng của 2 bên. Mấy năm gần đây các nước Châu Phi đánh giá rất cao những thành tựu và kinh nghiệm của Việt Nam trong xây dựng và phát triển kinh tế, nhất là về nông nghiệp. Gần đây nhiều nước (Tanzania, Mozambique, Angola, Sudan, Cote d’Ivoire...) thiết tha phát triển quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại với Việt Nam.
4/ Đây là chuyến thăm đầu tiên của đoàn kinh tế - thương mại Việt Nam gồm đại diện nhiều bộ, ngành quan trọng của nước ta tập trung bàn về các vấn đề hợp tác kinh tế - thương mại của nước ta với các nước miền Nam Châu Phi kể từ sau chuyến thăm của đoàn Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao nước ta Nguyễn Phú Bình vào tháng 10/2001 (chủ yếu tập trung bàn các vấn đề củng cố, tăng cường quan hệ chính trị, ngoại giao với các nước nói trên).
II. KẾT QUẢ LÀM VIỆC VỚI TỪNG NƯỚC
1. Angola:
- Tại Angola, Đoàn đã làm việc với các Bộ Thương mại, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục, Y tế và Ngoại giao của Bạn. Các buổi làm việc đã diễn ra trong không khí cởi mở và hợp tác. Phía Bạn cho biết đây là Đoàn công tác Chính phủ đầu tiên của một nước đến thăm Angola từ sau khi thủ lĩnh J.Savimbi bị chết.
- Hai Bộ Thương mại Việt Nam và Bộ Thương mại Angola đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) về việc hàng năm Việt Nam cung cấp cho Angola từ 500-1000 ngàn tấn gạo, thanh toán bằng L/C at sight với giá cạnh tranh. Hai bên sẽ chỉ định doanh nghiệp thực hiện việc mua bán gạo theo MOU trên. Phía ta cũng đã trao cho Bạn dự thảo Hiệp định Thương mại theo nội dung phù hợp với tình hình mới để thay cho Hiệp định đã ký năm 1978. Phía Angola hứa sẽ khẩn trương nghiên cứu bản dự thảo để hai bên có thể ký sớm trong thời gian sắp tới. Ngoài ra hai Bộ Thương mại cũng nhất trí các biện pháp tăng cường, đẩy mạnh hơn nữa quan hệ thương mại giữa hai nước như: Hỗ trợ cho các cơ quan chức năng của hai Bộ tiếp xúc học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau về nghiệp vụ quản lý; Tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai phía tiếp xúc và hợp tác trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa; Trao đổi thường xuyên các đoàn doanh nghiệp.
- Bộ Nông nghiệp Angola cho biết nền nông nghiệp của Angola ở trong tình trạng hết sức khó khăn do nội chiến kéo dài, hàng năm Angola phải nhập khẩu khoảng 400 ngàn tấn gạo, người dân Angola (đặc biệt ở nông thôn) thường xuyên bị thiếu lương thực và bị bệnh tật đe doạ. Phía Bạn rất mong được sự hỗ trợ, hợp tác và học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam trong các lĩnh vực nông nghiệp, thuỷ sản và xóa đói giảm nghèo. Nhân dịp này, Đoàn Kinh tế - Thương mại nước ta và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Angola đã ký MOU về hợp tác khoa học kỹ thuật trong các lĩnh vực: Nghiên cứu nông nghiệp; Phát triển nông nghiệp (cà phê, gạo, chăn nuôi gia cầm, nuôi lợn và phát triển nông thôn); Lâm nghiệp và thuỷ lợi, nuôi trồng thuỷ sản; Đào tạo cán bộ; Phát triển thương mại hàng nông sản (gạo, cà phê). Hai bên thoả thuận sẽ cùng soạn thảo một Nghị định thư hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hai nước ký vào thời gian thích hợp.
- Trong các cuộc làm việc với các Bộ Giáo dục, Y tế Angola, phía Bạn cho biết hiện nay Angola có nhu cầu lớn về chuyên gia y tế và giáo dục. Các bên nhất trí sẽ kiến nghị Chính phủ hai nước giao cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường hơn nữa về hợp tác chuyên gia trong các lĩnh vực này.
- Bộ Ngoại giao Angola đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam cử đoàn công tác sang thăm nước bạn trong bối cảnh Angola đang cần có sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và đề nghị Chính phủ Việt Nam xem xét sớm cho mở lại Đại sứ quán tại Angola để tăng cường hơn nữa quan hệ chính trị và kinh tế - thương mại giữa hai nước. Phía Angola cũng đề nghị hai bên sớm tổ chức Cuộc họp Uỷ ban liên Chính phủ lần thứ 4.
- Các doanh nghiệp cùng đi với Đoàn cũng đã có các cuộc tiếp xúc trao đổi với Phòng Thương mại và Công nghiệp Angola, làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp nhập khẩu của Bạn. Các doanh nghiệp Angola rất quan tâm tới việc nhập khẩu gạo trực tiếp từ Việt Nam. Nội dung hợp đồng mua bán gạo trực tiếp cũng được các doanh nghiệp hai bên thảo luận.
- Nhân dịp chuyến thăm, Đoàn cũng có buổi làm việc đại diện chuyên gia Việt Nam và cộng đồng người Việt tại Luanda. Mặc dù tình hình Angola còn nhiều khó khăn, nhìn chung, cuộc sống của cộng đồng người Việt ở Angola tương đối ổn định, có thu nhập tích luỹ chủ yếu thông qua việc buôn bán và nghề ảnh. Cộng đồng người Việt đều thiết tha mong muốn Nhà nước ta sớm mở lại Đại sứ quán tại Angola.
2. Mozambique:
- Tại Mozambique, Đoàn đã tiếp xúc và làm việc với Lãnh đạo các Bộ: Thương mại, Ngoại giao, Nông nghiệp, Thủy sản, Cục Xúc tiến đầu tư của Mozambique.
- Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Mozambique, Ngài Carlos Morgalo đã tiếp và làm việc với Đoàn. Hai Bên đã ký Biên bản hợp tác Thương mại và thống nhất về nội dung dự thảo Hiệp định Thương mại do phía ta đề xuất. Phía Mozambique khẳng định sẽ làm sớm các thủ tục cần thiết để ký Hiệp định trên với ta.
- Đoàn kinh tế - thương mại Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ với Bộ Nông nghiệp Mozambique về thoả thuận hợp tác khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp với các nội dung: Đầu tư nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ lợi, công nghiệp chế biến nông sản và phát triển thị trường nông sản. Hai bên ghi nhận đề nghị của ông Giám đốc văn phòng phát triển vùng thung lung Zambezi về việc tiếp nhận các hộ nông dân Việt Nam sang làm nông nghiệp và các hình thức liên doanh khác.
- Các doanh nghiệp ta cũng đã tiếp xúc, làm việc với Cục Xúc tiến đầu tư Mozambique, Phòng Thương mại và Công nghiệp, Hiệp hội các doanh nghiệp ngoài quốc doanh của Mozambique. Phía bạn đặc biệt quan tâm đến việc mời doanh nghiệp ta vào đầu tư trong các lĩnh vực dệt may, trồng lúa nước, chế biến nông sản (gạo, hạt điều) và nuôi trồng thuỷ sản. Đây là các lĩnh vực mà phía bạn có nhiều tiềm năng về tài nguyên và được sự ưu đãi về thuế quan và hạn ngạch khi xuất khẩu vào các nước EU, Hoa Kỳ... nhưng thiếu công nghệ, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh và vốn đầu tư.
3. Tanzania:
- Ngày 22/3/2002, tại Dar es Salaam, Thủ tướng Cộng hoà thống nhất Tanzania Phơre-đơ-rích Xu-ma-i đã tiếp thân mật Đoàn. Đoàn đã có cuộc gặp và làm việc với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và An ninh lương thực Mbawalla, Thứ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Ritta Mlaki và lãnh đạo Bộ Tài nguyên Tanzania.
- Nhân dịp này, Đoàn Kinh tế - Thương mại Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ với Bộ Nông nghiệp và An ninh lương thực Tanzania về việc hợp tác khoa học kỹ thuật nông nghiệp, cụ thể như sau:
+ Các lĩnh vực hợp tác: Trao đổi kinh nghiệm và thông tin về phát triển nông nghiệp và nông thôn; Hợp tác khoa học kỹ thuật trong việc phát triển cây trồng, đặc biệt về tưới tiêu và nông lâm kết hợp; Hợp tác trao đổi các chuyên gia nông nghiệp và kỹ năng đào tạo và nghiên cứu nông nghiệp; Hợp tác trong việc xúc tiến và phát triển các sản phẩm nông nghiệp có giá trị thương mại; Hợp tác phát triển kỹ thuật thông qua việc trao đổi kiến thức và hiểu biết về các loại máy móc và dụng cụ nông nghiệp; chế biến nông sản.
+ Khuôn khổ hợp tác trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật gồm các nội dung: Trồng lúa nước; trồng rừng; Trồng rau quả và hoa; Chăn nuôi hộ gia đình; Hệ thống tưới tiêu quy mô nhỏ. Bước một ưu tiên hợp tác trong các lĩnh vực: Kỹ thuật trồng lúa nước; Kỹ thuật trồng rau quả và cây công nghiệp; Kỹ thuật chăn nuôi hộ gia đình; Quản lý nước và thuỷ lợi quy mô nhỏ; Nông lâm kết hợp; Xúc tiến xây dựng ngành trồng hoa; Chế biến nông sản như hạt điều.
+ Hợp tác về thương mại đối với các sản phẩm nông nghiệp: Hai bên khuyến khích tăng cường hợp tác về thương mại đối với các sản phẩm nông nghiệp, các máy móc thiết bị nông nghiệp thích hợp và về chế biến nông sản như hạt điều; Khuyến khích sự tham gia của tư nhân vào việc xúc tiến các sản phẩm nông nghiệp tại các hội chợ triển lãm quốc gia của hai nước và tạo điều kiện cho nhau trong các hoạt động xúc tiến thương mại.
+ Phía Tanzania đồng ý với phía Việt Nam sẽ cùng phối hợp chuẩn bị soạn thảo và triển khai và chương trình hợp tác chung để kêu gọi vận động và thu hút các tổ chức quốc tế và các tổ chức tài chính khác tài trợ cho các nội dung hợp tác trên.
- Đoàn cũng đã làm việc với Bộ Công nghiệp và Thương mại, Phòng Thương mại và Công nghiệp Dar es Salaam cùng các doanh nghiệp của Tanzania về các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước nói chung và giữa các doanh nghiệp nói riêng.
Nhìn chung đối với 3 nước Angola, Mozambique và Tanzania, việc Đoàn Kinh tế - Thương mại Việt Nam sang thăm có ý nghĩa nhất định và được các nước bạn đánh giá cao. Ngoài việc Đoàn được Thủ tướng Tanzania tiếp thân mật, các buổi làm việc với các Bộ, Ngành... đều được các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin cụ thể.
4. Nam Phi:
- Tại Cộng hoà Nam Phi, Đoàn đã có các buổi tiếp xúc và làm việc với Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp Nam Phi.
- Trong buổi làm việc với Lãnh đạo Bộ Công Thương Nam Phi, hai bên đã cùng nhau kiểm điểm việc thực hiện Hiệp định Thương mại đã ký giữa hai nước vào tháng 4/2000; bàn việc thành lập Uỷ ban hỗn hợp của hai nước đã nêu tại Hiệp định Thương mại. Phía Nam Phi nhất trí với đề nghị của Đoàn Việt Nam trong việc hỗ trợ Việt Nam trong đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và trợ giúp kỹ thuật và kinh nghiệm trong việc điều hành hoạt động của Thị trường Chứng khoán. Bộ Thương mại Việt Nam và Bộ Công Thương Nam Phi cũng đã trao đổi ý kiến, bàn các biện pháp tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước tăng cường tiếp xúc như tham gia hội chợ triển lãm ở mỗi nước, khuyến khích các đoàn doanh nghiệp đi tìm hiểu thị trường và tìm cơ hội đầu tư và buôn bán. Theo phía bạn thông báo, khoảng quý 2 năm 2002, phía Nam Phi sẽ tổ chức một đoàn kỹ thuật sang Việt Nam để khảo sát, tìm kiếm cơ hội thương mại và đầu tư. Phía Việt Nam mong muốn Nam phi động viên các doanh nghiệp cùng đi với đoàn kỹ thuật trên.
- Trong thời gian làm việc ở Nam Phi các doanh nghiệp cùng đi với đoàn cũng đã có các cuộc gặp gỡ với Phòng Thương mại và Công nghiệp Johannesburg (trung tâm thương mại lớn nhất Nam Phi), làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp của Johannesburg và Pretoria. Các doanh nghiệp của hai bên đã thông báo, trao đổi cho nhau về tình hình kinh doanh để tiến tới thiết lập quan hệ hợp tác trực tiếp.
- Ngoài ra, Đoàn cũng đã có cuộc gặp và làm việc với Thị trưởng thành phố Pretoria, Thủ hiến tỉnh Mpumalanga Cộng hòa Nam Phi. Trong cuộc gặp Thị trưởng Pretoria hai bên đã trao đổi thông tin về quá trình chuẩn bị cho việc ký thoả thuận kết nghĩa giữa hai thủ đô Hà Nội và Pretoria. Tại tỉnh Mpumalanga, Lãnh đạo tỉnh này mong muốn nhận được sự hợp tác của phía Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, cụ thể là hợp tác trồng điều và các loại rau hợp thổ nhưỡng. Hai bên trao đổi về việc Việt Nam cung cấp chuyên gia nông nghiệp (5 chuyên gia kinh tế và 8 chuyên gia nông nghiệp). Ngoài ra bạn mong muốn được kết nghĩa với một tỉnh của Việt Nam.
III. MỘT SỐ ĐÁNH GIÁ VÀ KIẾN NGHỊ
Qua chuyến đi khảo sát các nước trên, sau khi thống nhất với đại diện các Bộ tham gia đoàn, Bộ Thương mại xin có một số đánh giá và kiến nghị cụ thể như sau:
1. Nhận xét và đánh giá:
Ngoài Nam Phi là nước còn nền kinh tế phát triển khá và đồng đều, Angola, Mozambique và Tanzania là các nước còn kém phát triển về hầu hết các lĩnh vực từ kinh tế, nông nghiệp đến y tế, giáo dục và đào tạo...
a. Angola:
Là một nước có nhiều lợi thế như có nhiều tài nguyên (dầu mỏ, kim cương, có bờ biển dài) nhưng lại bị nội chiến kéo dài, nên nền kinh tế nước này gặp nhiều khó khăn, dân chúng thiếu lương thực, thuốc men. Nay Angola đang đứng trước thời cơ thiết lập hoà bình, hoà hợp dân tộc trên toàn bộ lãnh thổ. Để tái thiết lại đất nước Bạn cần rất nhiều sự hỗ trợ từ bên ngoài, trong đó có các lĩnh vực mà ta có khả năng và kinh nghiệm như: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giáo dục - đào tạo và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng. Việc xuất khẩu hàng hóa vào Angola có thể được đẩy mạnh thông qua cộng đồng người Việt tại đây. Những hàng hóa mà Việt Nam có thể bán vào nước này là gạo, nông sản chế biến, quần áo và giày dép, dầu ăn, dược phẩm các loại...
b. Mozambique và Tanzania:
Mặc dù trước tới nay hai nước thuộc diện nghèo và kém phát triển nhất trong khu vực nhưng trong thời gian qua nhờ tiến hành Cải cách kinh tế nên đã đạt được tốc độ tăng trưởng khá. Với các lợi thế so sánh về đất đai rộng, màu mỡ, có bờ biển dài lại được sự ưu đãi của các nước nhập khẩu hàng hóa như Hoa Kỳ và EU, Mozambique và Tanzania là hai nước mà ta có thể đầu tư vào các lĩnh vực chế biến nông thuỷ sản và dệt may, từ đó có thể xuất khẩu đi các thị trường khác. Chính phủ các nước này mong muốn được hợp tác lâu dài với Việt Nam trong các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại và đầu tư và hứa sẽ tạo các điều kiện thuận lợi cho các đối tác Việt Nam. Hai nước này đều có nhu cầu nhập khẩu gạo của Việt Nam.
2. Một số kiến nghị:
Để tăng cường quan hệ nhiều mặt với các nước trên, từ đó đẩy mạnh việc xuất khẩu hàng hóa, công nghệ và dịch vụ của ta vào khu vực thị trường Châu Phi, thay mặt đoàn công tác, Bộ Thương mại xin có các kiến nghị cụ thể sau:
1. Về quan hệ chính trị, ngoại giao:
Đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc mở lại Đại sứ quán Việt Nam tại Angola và Tanzania. Xem xét việc viện trợ nhân đạo vào một dịp thích hợp (có thể là vào dịp Đoàn cấp cao của Chính phủ ta sang thăm chính thức Angola): thuốc men, đồ dùng học tập cho Angola sau nhiều thập niên Bạn ở trong tình hình nội chiến.
Để đáp ứng mong muốn của bạn, đề nghị Chính phủ chỉ định một tỉnh kết nghĩa với tỉnh Mpumalanga của Nam Phi, Đoàn xin kiến nghị tỉnh Đồng Nai thiết lập quan hệ kết nghĩa với bạn để tạo điều kiện sau này ta có thể mở rộng quan hệ nhiều mặt với Nam Phi.
2. Về hợp tác trong nông nghiệp:
Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với các đối tác Angola, Mozambique và Tanzania bàn việc triển khai thực hiện sớm các Biên bản ghi nhớ đã ký với các nước trên trong chuyến đi này. Sớm ký Nghị định thư về hợp tác trong nông nghiệp với Angola.
Đối với đề nghị mời nông dân Việt Nam sang định cư lâu dài và sản xuất nông nghiệp tại vùng thung lũng Zambezi-Mozambique, đây là một hướng xuất khẩu lao động nông nghiệp mà nước ta có lợi thế và có thể làm được. Tuy nhiên là vấn đề mới mẻ, đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét về chủ trương và giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan tổ chức đoàn khảo sát thực tế về tính khả thi để trình Thủ tướng Chính phủ. Mặt khác, giao Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi tiếp tục liên hệ với bạn về khả năng có thể làm thử ở một vùng nào đó gần thủ đô Maputo hơn.
Để quan hệ hợp tác về Nông nghiệp với các nước Châu Phi thực sự có hiệu quả, phát huy lợi thế của ta và tạo lợi thế về chính trị, thương mại Chính phủ nên xem xét việc thực hiện các thoả thuận này theo một Chương trình riêng, có sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Nông nghiệp. Đồng thời giao các Bộ Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kế hoạch tranh thủ tốt sự hợp tác quốc tế (kể cả song phương và đa phương) để góp phần thực hiện tốt Chương trình hợp tác này như lâu nay ta đang làm với 1 số nước theo công thức 2+1.
3. Về hợp tác lao động:
Đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các Bộ liên quan nghiên cứu đề xuất các vấn đề về hợp tác trong lĩnh vực chuyên gia để bàn đưa vào thực hiện với Angola, Mozambique; Xây dựng cơ chế chính sách trong việc đưa nông dân Việt Nam sang canh tác lúa tại Tanzania và Mozambique, trước mắt làm thí điểm tại Mozambique.
4. Về quan hệ kinh tế Thương mại:
Bộ Thương mại sớm ký Hiệp định Thương mại với Mozambique sau khi 2 bên làm xong các thủ tục nội bộ; Sớm đàm phán để ký lại Hiệp định Thương mại với Angola theo dự thảo do phía ta đề xuất; Đề xuất các biện pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp vào thị trường Châu Phi. Bộ Thương mại và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp triển khai các biện pháp khuyến khích các doanh nghiệp ta tìm kiếm bạn hàng để trực tiếp xuất khẩu hàng hóa, nhất là gạo vào các thị trường này.
Bộ Thương mại xin kính báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xin ý kiến chỉ đạo./.
| K/T BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI |
- 1Hiệp định số 10/2005/LPQT về việc thành lập Diễn đàn đối tác liên Chính phủ về hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học, kỹ thuật và văn hoá giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Nam Phi
- 2Thông báo số 537/TB-BGTVT về việc kết luận Của Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường tại cuộc họp triển khai kết quả sau chuyến thăm và làm việc tại Pháp của Thủ tướng Chính phủ do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 3Công văn 10006/BGTVT-HTQT năm 2017 về kết quả chuyến thăm và làm việc tại Quảng Tây, Trung Quốc do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 1Hiệp định số 10/2005/LPQT về việc thành lập Diễn đàn đối tác liên Chính phủ về hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học, kỹ thuật và văn hoá giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Nam Phi
- 2Thông báo số 537/TB-BGTVT về việc kết luận Của Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường tại cuộc họp triển khai kết quả sau chuyến thăm và làm việc tại Pháp của Thủ tướng Chính phủ do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 3Công văn 10006/BGTVT-HTQT năm 2017 về kết quả chuyến thăm và làm việc tại Quảng Tây, Trung Quốc do Bộ Giao thông vận tải ban hành
Báo cáo số 1251 TM/CP-TNA ngày 05/04/2002 của Bộ Thương mại về việc Báo cáo kết quả chuyến thăm và làm việc tại các nước Miền Nam Châu Phi (Angola, Mozambique, Tanzania và Cộng hoà Nam Phi) trong/03/2002 của Đoàn Kinh tế - Thương mại nước ta
- Số hiệu: 1251TM/CP-TNA
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 05/04/2002
- Nơi ban hành: Bộ Thương mại
- Người ký: Lê Danh Vĩnh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 05/04/2002
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định