Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:       /2023/NĐ-CP

Hà Nội, ngày       tháng       năm 2023

DỰ THẢO

 

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT LỰC LƯỢNG THAM GIA BẢO VỆ AN NINH, TRẬT TỰ Ở CƠ SỞ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở ngày 28 tháng 11 năm 2023;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; cụ thể: Trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận, phương tiện, thiết bị của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; chế độ, chính sách đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bị ốm đau, bị tai nạn, chết, bị thương khi thực hiện nhiệm vụ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Chương II

CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH, BẢO ĐẢM TRANG BỊ ĐỐI VỚI LỰC LƯỢNG THAM GIA BẢO VỆ AN NINH, TRẬT TỰ Ở CƠ SỞ

Điều 3. Trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

1. Trang phục của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở:

a) Trang phục của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bao gồm: Mũ mềm gắn huy hiệu; mũ bông; mũ bảo hiểm; quần áo xuân hè; quần áo thu đông; áo ấm; áo sơ mi; ca ra vát; dây lưng; giầy da; dép nhựa có quai; bít tất.

Trang phục thu đông gồm mũ bông, quần áo thu đông, áo ấm, áo sơ mi, ca ra vát trang bị cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thuộc các địa phương từ Thừa Thiên Huế trở ra phía Bắc và các tỉnh Tây Nguyên; các địa phương còn lại trang bị quần áo xuân hè.

b) Tiêu chuẩn, số lượng trang bị lần đầu:

STT

TÊN TRANG PHỤC

ĐƠN VỊ TÍNH

SỐ LƯỢNG

1.

Mũ mềm gắn huy hiệu

Cái

01

2.

Mũ bông

Cái

01

3.

Mũ bảo hiểm

Cái

01

4.

Quần áo xuân hè

Bộ

02

5.

Quần áo thu đông

Bộ

01

6.

Áo ấm

Cái

01

7.

Áo sơ mi

Cái

02

8.

Ca ra vát

Cái

01

9.

Dây lưng

Cái

01

10.

Giầy da

Đôi

01

11.

Dép nhựa

Đôi

01

12.

Bít tất

Đôi

02

c) Niên hạn trang bị những năm tiếp theo:

STT

TÊN TRANG PHỤC

ĐƠN VỊ TÍNH

SỐ LƯỢNG

NIÊN HẠN (NĂM)

1.

Mũ mềm gắn huy hiệu

Cái

01

03

2.

Mũ bông

Cái

01

03

3.

Mũ bảo hiểm

Cái

01

05

4.

Quần áo xuân hè

Bộ

01

02

5.

Quần áo thu đông

Bộ

01

02

6.

Áo ấm

Cái

01

03

7.

Áo sơ mi

Cái

01

02

8.

Ca ra vát

Cái

01

03

9.

Dây lưng

Cái

01

03

10.

Giầy da

Đôi

01

03

11.

Dép nhựa có quai

Đôi

01

01

12.

Bít tất

Đôi

01

02

d) Vải may quần áo xuân hè, quần áo thu đông, áo ấm, ca ra vát, mũ mềm sử dụng vải Gabadin màu cỏ úa ánh nâu làm vải chính; tỷ lệ pha 65% Polyester, 35% Visco; kiểu dệt chéo 2/1.

Vải may áo sơ mi sử dụng vải Pôpơlin màu cỏ úa ánh vàng; tỷ lệ pha 65% Polyester, 35% Visco; kiểu dệt vân điểm.

đ) Mũ mềm:

Mũ có màu cỏ úa ánh nâu; mặt mũ làm bằng nhựa cứng, quả mũ gồm bốn mnh, phông mũ có lót, trán mũ có ô lắp sao hiệu; hai bên mang mũ mỗi bên có ba ô dê thoát khí; phía trong chân cầu may bằng vải giả da; phía sau mũ có dây điều chnh.

e) Mũ bông:

Mũ có màu cỏ úa ánh nâu, may kiểu ba múi, ba lớp, lớp ngoài may bằng vải chính, lớp bông may chần hình trám vào vải lót; lưỡi trai may lật lên phía trên tại hai góc được đính vào đường may đỉnh mũ, may che tai và gáy; dây buộc phía dưới cằm; giữa lưỡi trai tán ô dê gắn công an hiệu; mỗi bên mang tai tán ba ô dê để thoát khí.

g) Mũ bảo hiểm:

Mũ có màu cỏ úa; vành mũ ngang tai, có kính che mặt; logo “BVANTT” ở mặt mũ và sau gáy màu vàng, có phản quang; trong lòng mũ đệm xốp màu trắng, lót trong bằng vải nỉ màu đen, đỉnh đầu có lưới thoát khí; giữa quai mũ có đệm cằm, đầu dây quai gắn khóa.

h) Quần áo xuân hè nam:

Quần áo màu cỏ úa ánh nâu. Áo kiểu bludông, cổ đứng; thân trước may hai túi ngực ốp ngoài, nắp túi sòi nhọn cài cúc; ngực áo có một hàng cúc tám chiếc bằng nhựa cùng màu áo; may bật vai, cuối bật vai thêu hai bông lúa chéo cuống màu vàng, trong lòng hai bông lúa thêu ngôi sao vàng năm cánh; thân sau may chắp cầu vai, mỗi bên xếp một ly.

Áo ngắn tay, cửa tay may lật ra ngoài. Áo dài tay may măng séc cài cúc nhựa. Đai áo thân trước và thân sau mỗi bên xếp một ly, mỗi bên sườn đính hai cúc nhựa. Phù hiệu lực lượng gắn trên cánh tay trái áo.

Quần kiểu cạp rời, hai túi sườn chéo; thân trước mỗi bên xếp hai ly lật về phía dọc quần; cửa quần may khóa kéo; cạp quần may sáu đỉa; thân sau mỗi bên may một chiết, bổ hai túi viền.

    

 Bật vai

i) Quần áo xuân hè nữ:

Quần áo màu cỏ úa ánh nâu. Áo may kiểu sơ mi, chiết ly, cổ bẻ; thân trước may hai túi dưới ốp ngoài, miệng túi chéo; ngực áo có một hàng cúc năm chiếc bằng nhựa cùng màu áo; may bật vai, cuối bật vai thêu hai bông lúa chéo cuống màu vàng, trong lòng hai bông lúa thêu ngôi sao vàng năm cánh; thân sau may chắp sống lưng.

Áo ngắn tay may kiểu bán mang, cửa tay may lật ra ngoài. Áo dài tay may măng séc cài cúc nhựa. Phù hiệu lực lượng gắn trên cánh tay trái áo.

Quần kiểu cạp rời, hai túi sườn chéo; thân trước mỗi bên xếp hai ly lật về phía dọc quần; cửa quần may khoá kéo; thân sau mỗi bên may một chiết; cạp quần may sáu đỉa.

  

 Bật vai

k) Quần áo thu đông nam:

Quần áo màu cỏ úa ánh nâu. Áo kiểu veston, cổ bẻ ve; thân trước may bốn túi ốp ngoài, có nắp; ngực áo có một hàng cúc bốn chiếc bằng nhựa cùng màu áo; may bật vai, cuối bật vai thêu hai bông lúa chéo cuống màu vàng, trong lòng hai bông lúa thêu ngôi sao vàng năm cánh; thân sau may chắp sống lưng, xẻ sống; tay kiểu hai mang, bác tay may lật ra ngoài; thân trước may nẹp liền với gia vai, chũi dựng ngực, bên trong có lót; phía trong trên ngực mỗi bên bổ một túi; phù hiệu lực lượng gắn trên cánh tay trái áo.

Quần tương tự quần xuân hè nam.

     

 Bật vai

l) Quần áo thu đông nữ:

Quần áo màu cỏ úa ánh nâu. Áo kiểu veston, cổ bẻ ve; thân trước may hai túi dưới ốp ngoài, có nắp; ngực áo có một hàng cúc bốn chiếc bằng nhựa cùng màu áo; may bật vai, cuối bật vai thêu hai bông lúa chéo cuống màu vàng, trong lòng hai bông lúa thêu ngôi sao vàng năm cánh; thân sau may chắp sống lưng, xẻ sống; tay kiểu hai mang, bác tay may lật ra ngoài; thân trước may nẹp liền với gia vai, chũi dựng ngực, bên trong có lót; phù hiệu lực lượng gắn trên cánh tay trái áo.

Quần tương tự như quần xuân hè nữ.

    

 Bật vai

m) Áo ấm nam:

Áo màu cỏ úa ánh nâu, gồm năm lớp, cổ bẻ, không ve, thắt đai lưng; lớp lót chần bông được gắn với vỏ ngoài bằng khoá kéo; thân trước may hai túi ngực ốp ngoài, nắp túi sòi nhọn cài cúc nhựa cùng màu áo, phía dưới eo bổ hai túi cơi chéo; ngực áo có một hàng cúc năm chiếc bằng nhựa cùng màu áo; may bật vai, cuối bật vai thêu hai bông lúa chéo cuống màu vàng, trong lòng hai bông lúa thêu ngôi sao vàng năm cánh; thân sau may súp cầu vai; tay kiểu hai mang, may cá tay; tay áo lót có đính cúc cài với áo, may chun cửa tay; phù hiệu lực lượng gắn trên cánh tay trái áo.   

 Bật vai

n) Áo ấm nữ:

Áo màu cỏ úa ánh nâu, gồm năm lớp, cổ bẻ, không ve, thắt đai lưng; lớp lót chần bông được gắn với vỏ ngoài bằng khóa kéo; thân trước may súp ngực, phía dưới eo bổ hai túi cơi chéo; ngực áo một hàng cúc năm chiếc bằng nhựa cùng màu áo; may bật vai, cuối bật vai thêu hai bông lúa chéo cuống màu vàng, trong lòng hai bông lúa thêu ngôi sao vàng năm cánh; thân sau may súp cầu vai; tay kiểu hai mang, may cá tay; tay áo lót có đính cúc cài với áo, may chun cửa tay; phù hiệu lực lượng gắn trên cánh tay trái áo.     

 Bật vai

o) Áo sơ mi nam:

Áo màu cỏ úa ánh vàng, kiểu sơ mi, cổ đứng; thân trước bên trái may một túi ốp; nẹp may gập vào trong, cài sáu cúc nhựa cùng màu áo (năm cúc nẹp và một cúc chân cổ); thân sau may cầu vai rời, xếp hai ly; tay dài có măng séc cài cúc, cửa tay xếp bốn ly (mỗi bên xếp hai ly) lật về phía thép tay, thép tay có cài cúc; gấu áo thẳng.

p) Áo sơ mi nữ:

Áo màu cỏ úa ánh vàng, kiểu sơ mi, cổ đứng, nẹp may gập vào trong, thân trước mỗi bên may một chiết eo, một chiết sườn; ngực áo có hàng cúc nhựa sáu chiếc cùng màu áo (năm cúc nẹp và một cúc chân cổ); thân sau may chiết hai ly; tay dài có măng séc cài cúc, cửa tay xếp hai ly (mỗi bên xếp một ly) lật về phía viền cửa tay; gấu áo thẳng.

q) Ca ra vát:

Màu cỏ úa ánh nâu, may bằng vải may quần áo, thân ca ra vát hình mái chéo, củ ấu có cốt nhựa định hình, sử dụng khóa kéo có chốt hãm.

r) Dây lưng:

Dây màu nâu, bằng da bò; mặt khóa màu vàng; cuối dây bo tròn; mặt trong cuối dây có rãnh hãm khóa, có dây giữ đai đỉa phía đầu dây; thân khóa bằng hợp kim đúc liền khối gắn với dây bằng khóa chốt, mặt khóa đúc nổi chữ “ANTT” cách điệu nằm trong hình ô-van.

s) Giầy da:

Giầy da nam màu đen, ngắn cổ, có bốn cặp lỗ ô dê buộc dây cố định; mũ giầy kiểu vân ngang; đế giầy bằng cao su đúc định hình; mặt đế có hoa văn.

Giầy da nữ màu đen, ngắn cổ, có bốn cặp lỗ ô dê buộc dây cố định; hai bên mang trong, ngoài có chun co giãn; mũ giầy kiểu oxford, lắc liền không vân ngang; đế giầy bằng chất liệu TPR (Thermoplastic Rubber), đúc liền gót và diễu, lõi gót dùng nhựa ABS; mặt đế có hoa văn.

 

t) Dép nhựa có quai:

Dép màu nâu ánh đỏ sẫm; dép bằng nhựa, có ba quai ngang, hở mũi, bít gót, có quai cài; quai dép được đúc liền với mặt đế; mặt đế được tạo hoa văn chống trơn trượt.

u) Bít tất:

Bít tất màu cỏ úa ánh nâu; cổ chun dệt Rip 1:1, dài ống và mu bàn chân dệt Rip 2:1, gan bàn chân và gót mũi dệt kiểu single.

2. Huy hiệu của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở:

Huy hiệu bằng đồng vàng tấm liền một khối, có kích thước cao 42mm, rộng 52mm; giữa huy hiệu là biểu tưởng hình lá chắn; phía trên nền huy hiệu ở giữa có hình thanh kiếm và ngôi sao năm cánh màu vàng nổi trên nền đỏ; hai bên màu xanh có hình bông lúa nổi màu vàng; phía dưới nền huy hiệu là hình nửa bánh xe và hình cuốn thư màu vàng, trên nền cuốn thư có chữ “BẢO VỆ ANTT” màu đỏ; bao quanh hai bên biểu tượng có cành tùng kép màu vàng.

3. Phù hiệu của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở:

Phù hiệu có hình lá chắn cao 90 mm, rộng 75 mm; phía trên nền phù hiệu có hàng chữ “BẢO VỆ AN NINH TRẬT TỰ”; phía dưới nền phù hiệu có hình hai bông lúa xếp chéo cuống; nền phù hiệu màu xanh lục; chữ, đường viền phù hiệu và bông lúa màu vàng.

4. Biển hiệu, giấy chứng nhận của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở:

a) Biển hiệu của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở: Hình chữ nhật, kích thước 5cm x 8cm; chất liệu bằng giấy cứng; nền màu vàng nhạt, in một mặt, xung quanh có khung màu đỏ nét 0,1cm và cách mép ngoài của giấy 0,3cm; các chữ trong biển hiệu màu đỏ, phông chữ Times New Roman; chữ “UBND” in hoa, cỡ chữ 11, in đậm, ghi tên Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự; chữ “LỰC LƯỢNG THAM GIA BẢO VỆ AN NINH, TRẬT TỰ Ở CƠ SỞ” in hoa, in đậm, cỡ chữ 12, canh giữa; các chữ “Họ tên”, “Số hiệu”, “Thành viên”, “Địa bàn phụ trách” viết hoa chữ “H”, “S”, “T”, “Đ”, các chữ còn lại viết thường, cỡ chữ 10; số hiệu trùng với số ghi trong giấy chứng nhận lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; thành viên ghi cụ thể là Tổ trưởng, Tổ phó hoặc Tổ viên; địa bàn phụ trách ghi cụ thể tên thôn, tổ dân phố. Ảnh mầu kiểu chân dung, phông trắng, mặc trang phục xuân hè, đội mũ có gắn huy hiệu của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Mẫu cụ thể như sau:

b) Giấy chứng nhận của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở: Hình chữ nhật, kích thước 7cm x 9cm; chất liệu bằng giấy cứng; mặt trước và mặt sau nền màu vàng nhạt, chữ màu đỏ; xung quanh có khung màu đỏ nét 0,1cm và cách mép ngoài của giấy 0,5cm; các chữ trong giấy chứng nhận màu đỏ, phông chữ Times New Roman. Mặt trước là chữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM” in hoa, in đậm, cỡ chữ 10, canh giữa; chữ “Độc lập, Tự do, Hạnh phúc” in đậm, cỡ chữ 11, canh giữa, chữ “Đ”, “T”, “H” viết hoa, các chữ còn lại viết thường; chữ "GIẤY CHỨNG NHẬN LỰC LƯỢNG THAM GIA BẢO VỆ AN NINH, TRẬT TỰ Ở CƠ SỞ” in hoa, in đậm, cỡ chữ 12, canh giữa. Mặt sau là chữ “CHỨNG NHẬN" in hoa, in đậm, cỡ chữ 12; chữ “UBND” in hoa, cỡ chữ 10, in đậm, ghi tên Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự; chữ “Số” viết hoa chữ “S”, cỡ chữ 10, số giấy chứng nhận trùng với số hiệu ghi trên biển hiệu của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; các chữ “Họ tên”, “Thành viên”, “Địa bàn phụ trách” viết hoa chữ “H”, “T”, “Đ”, các chữ còn lại viết thường, cỡ chữ 10; thành viên ghi cụ thể là Tổ trưởng, Tổ phó hoặc Tổ viên; địa bàn phụ trách ghi cụ thể tên thôn, tổ dân phố. Ảnh mầu kiểu chân dung, phông trắng, mặc trang phục xuân hè, đội mũ có gắn huy hiệu của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Mẫu cụ thể như sau:

Mặt trước:

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
____________

 

GIẤY CHỨNG NHẬN

LỰC LƯỢNG THAM GIA BẢO VỆ

AN NINH, TRẬT TỰ Ở CƠ SỞ

 

 

 

Mặt sau:

 

UBND:…….

UBND: …….

Số:………….

 

 

CHỨNG NHẬN

 

Ảnh

3cm x 4cm

 

Họ tên:…………………

Thành viên:…………....

Địa bàn phụ trách:……..

..., ngày … tháng … năm…

Chủ tịch UBND cấp xã

(ký tên, đóng dấu)

c) Mỗi thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự được cấp lần đầu 01 biển hiệu, 01 giấy chứng nhận và có thời hạn 05 năm kể từ ngày cấp. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi biển hiệu, giấy chứng nhận của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức in theo mẫu và quản lý việc cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi biển hiệu, giấy chứng nhận của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Điều 4. Trang bị phương tiện, thiết bị cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

1. Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự được trang bị, sử dụng tủ đựng tài liệu, công cụ hỗ trợ, bảng lịch công tác, văn phòng phẩm và các phương tiện, thiết bị cần thiết để thực hiện nhiệm vụ.

2. Lập kế hoạch trang bị, mua sắm phương tiện, thiết bị cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở:

a) Trường hợp Bộ Công an trang bị phương tiện, thiết bị cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở do ngân sách trung ương bảo đảm theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở: Hằng năm, Công an cấp xã tổng hợp nhu cầu phương tiện, thiết bị cần trang bị cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gửi Công an cấp huyện báo cáo Công an cấp tỉnh tổng hợp, báo cáo về Bộ Công an để có kế hoạch mua sắm, trang bị.

b) Trường hợp trang bị phương tiện, thiết bị cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở do ngân sách địa phương hỗ trợ mua sắm theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 26 Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở: Công an cấp xã tổng hợp nhu cầu phương tiện, thiết bị cần trang bị, báo cáo Ủy ban nhân dân cùng cấp có kế hoạch hoặc trình Ủy ban nhân dân cấp trên kế hoạch hỗ trợ mua sắm, trang bị phương tiện, thiết bị cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở phù hợp với khả năng ngân sách của địa phương.

3. Căn cứ số lượng, loại phương tiện, thiết bị được trang bị, Công an cấp xã đề xuất, báo cáo Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định loại, số lượng phương tiện, thiết bị trang bị cho từng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự và loại phương tiện, thiết bị sử dụng chung của Tổ bảo vệ an ninh, trật tự.

Điều 5. Điều kiện, mức hưởng, trình tự, thủ tục và cơ quan có trách nhiệm bảo đảm kinh phí để chi trả chế độ, chính sách cho người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chưa tham gia bảo hiểm y tế mà bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương khi thực hiện nhiệm vụ

1. Điều kiện được hưởng chế độ theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở: Người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trong thời gian thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công, kế hoạch của cấp có thẩm quyền hoặc khi được điều động, huy động thực hiện nhiệm vụ, nếu bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương thì được khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định.

2. Người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở không được khám bệnh, chữa bệnh nếu bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương trong các trường hợp sau đây: Cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân hoặc tai nạn do mâu thuẫn của chính bản thân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến thực hiện nhiệm vụ hoặc tai nạn do sử dụng rượu, bia, sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy hoặc chất gây nghiện khác theo quy định của pháp luật.

3. Mức hưởng:

Chi phí khám bệnh, chữa bệnh như mức hưởng bảo hiểm y tế cho hạ sĩ quan Công an nhân dân. Trong thời gian điều trị nội trú được hỗ trợ tiền ăn hằng ngày bằng mức tiền ăn cơ bản của chiến sĩ nghĩa vụ Công an nhân dân. Trường hợp đang điều trị nội trú, nhưng hết thời gian làm nhiệm vụ thì được thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh và tiền ăn hằng ngày nhưng tối đa không quá 15 ngày; nếu hết 15 ngày bệnh vẫn chưa ổn định thì điều trị đến khi ổn định và được thanh toán 100% tiền khám, chữa bệnh.

4. Hồ sơ:

a) Đơn đề nghị thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh của người được hưởng chế độ bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương hoặc người đại diện hợp pháp (Mẫu số 01 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này).

b) Phiếu xét nghiệm, đơn thuốc, hóa đơn thu tiền, giấy xuất viện.

c) Xác nhận của cấp có thẩm quyền phân công thực hiện nhiệm vụ hoặc xác nhận, quyết định về việc điều động, huy động, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ của cấp có thẩm quyền.

5. Trình tự giải quyết:

a) Người đề nghị được hưởng chế độ bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương hoặc người đại diện hợp pháp chuẩn bị 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 4 Điều này và nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã.

b) Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ phải có trách nhiệm hướng dẫn để hoàn thiện. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp xã gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện hồ sơ để thẩm định.

c) Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện có trách nhiệm thẩm định hồ sơ trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định chi trả kinh phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương.

Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện giải quyết thì cơ quan thẩm định phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.

d) Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định chi trả kinh phí, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thực hiện chi trả kinh phí khám bệnh, chữa bệnh cho cho người bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương; nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã do Công an cấp huyện thực hiện chi trả; việc chi trả bằng hình thức chuyển khoản hoặc qua đường bưu chính hoặc trực tiếp nhận tại cơ quan chi trả.

6. Ủy ban nhân dân cấp huyện bảo đảm kinh phí để thực hiện chi trả chế độ, chính sách quy định tại Điều này.

Điều 6. Điều kiện, mức hưởng, trình tự, thủ tục và cơ quan có trách nhiệm bảo đảm kinh phí để chi trả chế độ, chính sách cho người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chưa tham gia bảo hiểm xã hội mà bị tai nạn, chết khi thực hiện nhiệm vụ

1. Người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được hưởng chế độ, chính sách theo quy định tại khoản 3 Điều 24 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trong trường hợp sau:

a) Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công, kế hoạch của cấp có thẩm quyền hoặc khi được điều động, huy động thực hiện nhiệm vụ.

b) Trong khoảng thời gian và tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi thực hiện nhiệm vụ.

2. Các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định này bị tai nạn không được hưởng chế độ trợ cấp.

3. Mức hưởng:

a) Trường hợp bị tai nạn: Trong thời gian điều trị tai nạn được hưởng chế độ như quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định này, kể cả trường hợp vết thương tái phát cho đến khi xuất viện.

b) Trường hợp bị tai nạn dẫn đến chết hoặc trường hợp bị ốm đau dẫn đến chết: Thân nhân được hưởng trợ cấp tiền tuất, tiền mai táng phí theo mức do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

4. Hồ sơ:

a) Hồ sơ hưởng trợ cấp tai nạn gồm: Đơn đề nghị trợ cấp tai nạn (Mẫu số 02 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này) kèm theo giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi điều trị tai nạn đối với trường hợp điều trị nội trú hoặc bản sao giấy chứng nhận thương tích do cơ sở y tế nơi đã cấp cứu, điều trị cấp, biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của hội đồng giám định y khoa bệnh viện cấp tỉnh và tương đương trở lên; trường hợp bị tai nạn giao thông thì có thêm biên bản của cơ quan Công an.

b) Hồ sơ hưởng trợ cấp chết gồm: Đơn đề nghị trợ cấp chết (Mẫu số 02 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này) kèm theo giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi điều trị tai nạn đối với trường hợp điều trị nội trú, bản sao giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử; trường hợp bị tai nạn giao thông dẫn đến chết thì có thêm biên bản của cơ quan Công an.

5. Trình tự giải quyết:

a) Người đề nghị được hưởng chế độ hoặc người đại diện hợp pháp chuẩn bị 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 4 Điều này và nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã.

b) Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ phải có trách nhiệm hướng dẫn để hoàn thiện. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp xã gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện hồ sơ để thẩm định.

c) Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện có trách nhiệm thẩm định hồ sơ trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp có công văn kèm theo hồ sơ gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp tỉnh.

Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện giải quyết thì cơ quan thẩm định phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.

d) Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp tỉnh có trách nhiệm thẩm định hồ sơ trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định trợ cấp cho người bị tai nạn, thân nhân người đã chết.

đ) Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định chi trả, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thực hiện chi trả trợ cấp cho người bị tai nạn, thân nhân người đã chết; nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã do Công an cấp huyện thực hiện chi trả; việc chi trả bằng hình thức chuyển khoản hoặc qua đường bưu chính hoặc trực tiếp nhận tại cơ quan chi trả.

6. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bảo đảm kinh phí để thực hiện chi trả chế độ, chính sách quy định tại Điều này.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 7. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.

Điều 8. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan, tổ chức liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, NC (2)

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG





Phạm Minh Chính

 

Phụ lục

(Ban hành kèm theo Nghị định số …../2024/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ)

Mẫu số 01

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

THANH TOÁN CHI PHÍ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH

Kính gửi: Chủ tịch Ủy ban nhân dân …………..(1)…

Họ và tên người đề nghị: ………………………….(2) ……………………..

Địa chỉ cư trú: ………..Số điện thoại:…………. Hộp thư điện tử:…….

Số Chứng minh nhân dân (Căn cước công dân): ……………………………

Số tài khoản: …………………………………………………………………

(Trình bày tóm tắt lý do, thời gian, nơi khám bệnh, chữa bệnh):…………...

……………………………………………………………………………….

Tôi xin đề nghị được thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho ..(3)..

Số tiền đề nghị thanh toán là: ………………………đồng.

Bằng chữ …………………………………………………………………….

Xin gửi kèm theo Đơn này: Phiếu xét nghiệm; đơn thuốc; hóa đơn thu tiền; giấy xuất viện.

Kính đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Tôi xin trân trọng cảm ơn!

 

 

....(4).... ngày .... tháng.... năm…..
NGƯỜI VIẾT ĐƠN (5)
(Ký, ghi rõ họ tên)

___________________

(1) Ghi cụ thể tên Ủy ban nhân dân cấp huyện.

(2) (5) Họ và tên của người đề nghị được hưởng chế độ bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương trực tiếp viết đơn hoặc người đại diện hợp pháp viết đơn phải ghi rõ quan hệ với người đề nghị được hưởng chế độ bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương.

(3) Người được hưởng chế độ.

(4) Địa danh.

 

Mẫu số 02

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

TRỢ CẤP TAI NẠN, TRỢ CẤP CHẾT

Kính gửi: Chủ tịch Ủy ban nhân dân …………..(1)…

Họ và tên người đề nghị: …………………..(2) ………………………..

Địa chỉ cư trú: ……..Số điện thoại………. Hộp thư điện tử:

Số Chứng minh nhân dân (Căn cước công dân): ……………………

Số tài khoản: …………………………………

(Trình bày tóm tắt lý do, thời gian, nơi bị tai nạn hoặc chết)…………….

Tôi xin đề nghị được thanh toán trợ cấp tai nạn (chết) cho........(3).………

Số tiền đề nghị thanh toán là: ……………………………………đồng.

Bằng chữ ………………………………………………………………

Xin gửi kèm theo Đơn này: Giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi điều trị tai nạn đối với trường hợp điều trị nội trú hoặc bản sao giấy chứng nhận thương tích; biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của hội đồng giám định y khoa bệnh viện cấp tỉnh và tương đương trở lên; trường hợp bị tai nạn giao thông thì có thêm biên bản của cơ quan công an; bản sao giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử (nếu chết).

Kính đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Tôi xin trân trọng cảm ơn!

 

 

....(4).... ngày .... tháng.... năm…..
NGƯỜI VIẾT ĐƠN (5)
(Ký, ghi rõ họ tên)

__________________

(1) Ghi cụ thể tên Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

(2) (5) Họ và tên của người đề nghị được hưởng chế độ trợ cấp tai nạn trực tiếp viết đơn hoặc người đại diện hợp pháp viết đơn đối với người đề nghị được hưởng chế độ trợ cấp tai nạn (hoặc đề nghị trợ cấp chết) phải ghi rõ quan hệ với người đề nghị được hưởng chế độ.

(3) Người được hưởng chế độ.

(4) Địa danh.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Dự thảo nghị định hướng dẫn luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

  • Số hiệu: Đang cập nhật
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: Đang cập nhật
  • Nơi ban hành: Đang cập nhật
  • Người ký: Đang cập nhật
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản