Hệ thống pháp luật

BỘI NỘI VỤ
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------

Số: 3300/BNV-VP
V/v trả lời chất vấn ĐBQH

Hà Nội, ngày 16 tháng 11 năm 2007

 

Kính gửi:

- Đoàn Chủ tịch kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XII;
- Các vị Đại biểu Quốc hội;
- Đoàn Thư ký kỳ họp Quốc hội.

 

Theo Báo cáo tổng hợp ý kiến của các vị Đại biểu Quốc hội, kỳ họp thứ 2 khoá XII, Bộ Nội vụ nhận được các nội dung chất vấn tập trung vào các vấn đề: việc triển khai thực hiện thành lập, bãi bỏ một số Bộ theo Nghị quyết của Quốc hội; tình hình sắp xếp các đầu mối và tổ chức bộ máy của các Bộ mới được sáp nhập; việc sắp xếp kiện toàn các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; chính sách tinh giảm biên chế; việc triển khai sửa đổi Nghị định số 121 về chế độ chính sách đối với cán bộ xã, phường; giải pháp sắp xếp cán bộ không đủ tiêu chuẩn trong tình hình hiện nay; vấn đề bảo hiểm xã hội đối với cán bộ, công chức cấp xã.

Về những nội dung này, Bộ Nội vụ xin được báo cáo các vị Đại biểu Quốc hội theo từng nhóm vấn đề như sau:

I. VIỆC THÀNH LẬP, BÃI BỎ MỘT SỐ BỘ THEO NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VÀ SẮP XẾP CÁC CƠ QUAN THUỘC CHÍNH PHỦ CÓ CHỨC NĂNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VÀO BỘ QUẢN LÝ.

Ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 01/2007/QH12 ngày 31/7/2007 về cơ cấu tổ chức của Chính phủ và số Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ khoá XII, Chính phủ đã có Nghị quyết số 45/2007/NQ-CP ngày 07/8/2007 về kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu, tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ khoá XII và Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 1081/TTg-TCCB ngày 07/8/2007 chỉ đạo việc xây dựng dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc việc thành lập, bãi bỏ các Bộ, cơ quan ngang Bộ một cách nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm đạt được mục đích, yêu cầu như tờ trình của Chính phủ và như Nghị quyết của Quốc hội. Tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ khoá XII như sau:

1. Đã triển khai thực hiện cơ cấu tổ chức Chính phủ khoá XII gồm 22 Bộ, cơ quan ngang Bộ (so với cơ cấu tổ chức Chính phủ khoá XI giảm được 4 Bộ, cơ quan ngang Bộ) trên cơ sở hợp nhất, sáp nhập hoặc giải thể một số Bộ, cơ quan ngang Bộ theo đúng Đề án cơ cấu Chính phủ khoá XII và chuyển 4 cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng quản lý nhà nước vào các Bộ quản lý.

1.1. Việc triển khai sắp xếp, kiện toàn lại các Bộ, cơ quan ngang Bộ bảo đảm thực hiện nhất quán theo nguyên tắc:

- Tổ chức Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, tinh gọn, hợp lý.

- Khắc phục sự chồng chéo, trùng dẫm chức năng, nhiệm vụ giữa các Bộ, ngành theo yêu cầu mỗi việc chỉ giao cho một tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm.

- Sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của hệ thống hành chính.

1.2. Đã hoàn thành theo tiến độ việc triển khai hợp nhất, sắp xếp lại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các cơ quan có liên quan theo Đề án cơ cấu tổ chức Chính phủ, gồm:

- Hợp nhất Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại thành Bộ Công thương;

- Hợp nhất Bộ Thuỷ sản và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Thành lập Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch trên cơ sở hợp nhất Uỷ ban Thể dục Thể thao với Bộ Văn hoá - Thông tin (trước đây) và chuyển Tổng cục Du lịch vào Bộ này quản lý (theo Nghị định số 09/2007/NĐ-CP ngày 08/8/2007 của Chính phủ).

- Thành lập Bộ Thông tin và Truyền thông trên cơ sở Bộ Bưu chính, Viễn thông và tiếp nhận chức năng, tổ chức bộ máy, biên chế, công chức, viên chức làm công tác quản lý về báo chí, xuất bản từ Bộ Văn hoá - Thông tin (trước đây) chuyển sang (theo Quyết định số 1001/QĐ-TTg ngày 08/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ).

1.3. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về giải thể Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định về chuyển các chức năng của Uỷ ban này sang các Bộ có liên quan. Việc này đã được thực hiện như sau:

- Chuyển chức năng, tổ chức bộ máy, biên chế, công chức, viên chức làm công tác quản lý về dân số sang Bộ Y tế (theo Quyết định số 1000/QĐ-TTg ngày 08/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ);

- Chuyển chức năng, tổ chức bộ máy biên chế, công chức, viên chức làm công tác quản lý về gia đình sang Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (theo Quyết định số 1000/QĐ- TTg ngày 08/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ);

- Chuyển chức năng, tổ chức bộ máy biên chế, công chức, viên chức làm công tác quản lý về trẻ em sang Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (theo Quyết định số 1000/QĐ-TTg ngày 08/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ).

1.4. Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2007/NĐ-CP ngày 08/8/2007 về việc chuyển Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Cơ yếu Chính phủ vào Bộ Nội vụ quản lý theo Đề án cơ cấu tổ chức Chính phủ khoá XII.

1.5. Các Bộ trưởng mới và các Bộ trưởng cũ nhiệm kỳ khoá XI đã tiến hành bàn giao về tổ chức, biên chế, tài chính, tài sản của các cơ quan, đơn vị được chuyển giao tương đối nhanh chóng, kịp thời, chặt chẽ, đúng quy định, để bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành liên tục các công việc theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Bộ.

Theo đó, các Bộ thành lập mới, có thay đổi tên gọi đã tiến hành nhanh chóng việc cấp con dấu mới, thu hồi con đấu cũ của các cơ quan được sáp nhập, hợp nhất, giải thể để bảo đảm cho hoạt động của các Bộ mới theo cơ cấu tổ chức Chính phủ khoá XII.

2. Về triển khai xây dựng các Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ để tạo cơ sở pháp lý mới cho tổ chức và hoạt động của các Bộ, cơ quan. Cụ thể như sau:

2.1. Chính phủ đã chỉ đạo chỉnh sửa, bổ sung, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định quy định khung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ thay thế Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05/11/2002. Nghị định lần này được bổ sung nhiều vấn đề mới theo tinh thần cải cách hành chính để làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ về quản lý nhà nước đối với các ngành, lĩnh vực. Trong đó, phân cấp mạnh cho Bộ trưởng về thẩm quyền bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý, bao gồm: từ Tổng cục trưởng và tương đương trở xuống.

Dự thảo Nghị định này đã được Bộ Tư pháp thẩm định và Chính phủ đã họp trong tháng 8 để thảo luận và cho ý kiến cụ thể. Theo đó, Bộ Nội vụ đã tiếp thu, hoàn chỉnh và đã lấy ý kiến các Thành viên Chính phủ để Chính phủ ban hành.

2.2. Đã xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ thực hiện sáp nhập, hợp nhất, gồm: Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Y tế. Dự thảo Nghị định đối với các Bộ nêu trên đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến để làm rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của từng Bộ; khắc phục căn bản sự chồng chéo, trùng dẫm hoặc phân công chưa đủ rõ ràng và có sự thống nhất chung về quy định cơ cấu tổ chức của từng Bộ; chuẩn bị làm thủ tục lấy ý kiến Thành viên Chính phủ để ban hành.

2.3. Đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ còn lại, đến nay, về cơ bản đã xây dựng xong dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng Bộ, cơ quan và đã được liên Bộ chức năng tham gia ý kiến, chỉnh sửa và chuẩn bị thẩm định theo tiến độ quy định để trình Chính phủ ban hành.

Việc xây dựng các Nghị định lần này của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã bảo đảm bao quát hết các chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Chính phủ theo pháp luật quy định, để phân công cho các Bộ thực hiện; khắc phục sự chồng chéo, trùng dẫm, không bỏ sót, bỏ trống các chức năng, nhiệm vụ. Từ đó, đã bổ sung và giao chức năng quản lý nhà nước về bình đẳng giới cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; giao chức năng quản lý nhà nước về thanh niên cho Bộ Nội vụ.

2.4. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ khẩn trương xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Tổng cục và tương đương thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ tương ứng.

Thực hiện sự chỉ đạo chung của Chính phủ như đã nêu trên, mặc dù công tác tổ chức sắp xếp lại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã được tiến hành khẩn trương và tích cực xây dựng dự thảo các Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ, nhưng do yêu cầu xử lý căn bản các vấn đề chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các Bộ, trên thực tế có nhiều phức tạp (trong đó có 12 vấn đề chồng chéo liên quan đến các Bộ trong nhiều nhiệm kỳ, nhưng rất khó xử lý) và trước yêu cầu nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật, nên việc triển khai thực hiện kế hoạch trên thực tế vẫn chưa đạt được yêu cầu mong muốn. Hiện nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ đang quyết tâm đẩy nhanh tiến độ để cơ bản hoàn thành việc ban hành các Nghị định nêu trên trong năm 2007.

II. TÌNH HÌNH SẮP XẾP CÁC ĐẦU MỐI, TỔ CHỨC BỘ MÁY, BIÊN CHẾ CỦA CÁC BỘ MỚI VÀ TỔ CHỨC LẠI CÁC CƠ QUAN CHUYÊN MÔN THUỘC UỶ BAN NHÂN DÂN CẤP TỈNH, CẤP HUYỆN.

Cho đến nay về cơ bản các Bộ mới được sắp xếp, hợp nhất, tổ chức lại đã nhanh chóng ổn định tổ chức, bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức của các tổ chức bên trong Bộ, bảo đảm hoạt động bình thường, công việc của các Bộ đó đều thực hiện tốt, không có gián đoạn, ách tắc. Khái quát chung như sau:

1. Về việc sắp xếp các đầu mối và tổ chức bộ máy của các Bộ mới.

Đối với cơ cấu tổ chức của các Bộ mới nêu trên đã được sắp xếp, tổ chức lại cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao. Trong đó, các tổ chức có cùng chức năng và tên gọi giống nhau mà cà 2 Bộ trước đây đều có nay được hợp nhất thành một tổ chức, nên đã giảm bớt được một số đầu mối tổ chức. Cụ thể, khi thành lập Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giảm được các tổ chức mà cả hai Bộ trước đây khi chưa hợp nhất đều có như sau:

- Vụ Tổ chức cán bộ;

- Vụ Pháp chế,

- Vụ Kế hoạch - Đầu tư;

- Vụ Tài chính - Kế toán;

- Vụ Hợp tác quốc tế,

- Thanh tra;

- Văn phòng.

Vấn đề cơ bản nhất là thông qua việc sắp xếp lại tổ chức, nhân sự và xử lý những vấn đề chồng chéo, trùng dẫm hoặc chưa phân công rõ ràng, còn bỏ trống, bỏ sót chức năng, nhiệm vụ giữa các Bộ có liên quan để bảo đảm được những yếu tố cần thiết cho hoạt động của Bộ được tốt hơn, nhất là giải quyết được các vấn đề liên thông phối hợp giữa các Bộ, ngành, bảo đảm hiệu quả hoạt động của các Bộ mới sẽ được nâng lên.

Có thể nhận xét chung, qua việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy đối với các Bộ mới, các Bộ trưởng đã chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện được tất cả các chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ giao một cách thường xuyên, liên tục, đạt được kết quả khả quan; không có tình trạng vì sắp xếp, tổ chức Bộ mới mà ảnh hưởng đến thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Bộ.

2. Về việc sắp xếp, kiện toàn các cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có sự chỉ đạo chặt chẽ, sát sao, bảo đảm thống nhất, thông suất với việc sắp xếp, kiện toàn các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo cơ cấu tổ chức Chính phủ khoá XII. Cụ thể như sau:

2.1. Ngay sau khi có Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức Chính phủ khoá XII, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo tại văn bản số 1076/TTg-TCCB ngày 06/8/2007 yêu cầu các địa phương tiếp tục giữ ổn định tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, cho đến khi Chính phủ ban hành Nghị định mới quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện thay thế Nghị định số 171/2004/NĐ-CP và Nghị định số 172/2004/NĐ-CP của Chính phủ.

2.2. Hiện nay, Chính phủ giao Bộ Nội vụ xây dựng Nghị định mới của Chính phủ quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và đã tổ chức hội thảo, lấy ý kiến bằng văn bản của các Bộ, ngành Trung ương và địa phương.

Việc sắp xếp, kiện toàn các cơ quan chuyên môn ở địa phương bảo đảm tương xứng, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với các ngành, lĩnh vực ở địa phương; trong đó, có việc hợp nhất, sáp nhập, giải thể một số cơ quan chuyên môn cho phù hợp với tổ chức các Bộ, ngành Trung ương .

- Đối với các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hiện nay có từ 21-27 cơ quan. Đu kiến sắp tới còn 18-21 cơ quan. Trong đó có 18 cơ quan được tổ chức thống nhất ở tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 3 cơ quan được tổ chức theo tính chất đặc thù của từng địa phương. So với hiện nay, sẽ giảm được 3 đầu mối (từ 21 còn 18), riêng đối với các tỉnh, thành phố trước đây có Sở Thương mại và Sở Du lịch thì giảm được 5 đầu mối. Đối với các cơ quan chuyên môn được tổ chức theo đặc thù của từng địa phương thì dự kiến sắp tới so với hiện nay giảm được 6 đầu mối (từ 27 còn 21).

- Đối với cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện được sắp xếp tổ chức lại theo 3 loại hình: quận, huyện, hải đảo. Hiện nay, số lượng các cơ quan chuyên môn thục Uỷ ban nhân dân cấp huyện có bình quân 15 cơ quan; sắp tới dự kiến còn 12 cơ quan. So với hiện nay, giảm được 3 đầu mối.

Về cơ bản, các Bộ, ngành và địa phương đều thống nhất với dự thảo Nghị định quy định về số lượng và cơ cấu các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện. Trong đó, có sắp xếp lại cơ quan tôn giáo, dân tộc ở địa phương theo hướng sau:

- Hiện nay, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 36 Ban Tôn giáo, 12 Ban Tôn giáo - Dân tộc, 11 Ban Dân tộc - Tôn giáo thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, 01 phòng Tôn giáo thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh. Dự kiến sắp tới tổ chức lại có 14 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được thành lập riêng Ban Tôn giáo trực thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh; các tỉnh còn lại chuyển Ban Tôn giáo vào trực thuộc Sở Nội vụ.

- Về cơ bản giữ ổn định các Ban Dân tộc đã được thành lập theo tiêu chí do Chính phủ quy định (hiện nay có 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập riêng Ban Dân tộc trực thuộc Uỷ ban nhân dân).

- Về tổ chức bộ máy làm công tác tôn giáo, dân tộc ở cấp huyện dự kiến sắp xếp lại như sau: giao Phòng Nội vụ thực hiện chức năng và có cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo; giao Văn phòng Uỷ ban nhân dân huyện thực hiện chức năng và có cán bộ, công chức làm công tác dân tộc.

Theo kế hoạch, ngay sau khi ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ, ngành Trung ương, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định số 171/2004/NĐ-CP và Nghị định số 172/2004/NĐ-CP của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

2.3. Hiện nay, các Bộ chức năng đang chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, để bảo đảm tính đồng bộ việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức hoạt động của hệ thống hành chính các cấp

3. Về thực hiện chính sách tinh giản biên chế.

Trong những năm qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 16/200/NQ-CP và Nghị quyết số 09/2003/NQ-CP về thực hiện tinh giản biên chế trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp. Kết quả thực hiện như sau:

Tổng số biên chế hành chính và sự nghiệp đã thực hiện tinh giảm được: 50.378 người; trong đó:

- Hành chính 9.748 người;

- Sự nghiệp 37. 1 95 người;

- Đảng, đoàn thể 3.248 người;

- Doanh nghiệp 187 người.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan trong hệ thống chính trị, cải cách các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công, sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước và nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Chính phủ đã ban hành Nghị định 132/2007/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế. Nghị định này đã bao quát hết các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội từ Trung ương đến cấp huyện.

Chính sách tinh giản biên chế lần này được xây dựng trên cơ sở tổng kết đánh giá tình hình triển khai tinh giản biên chế theo Nghị quyết 16/2000/NQ-CP và Nghị quyết 09/2003/NQ-CP. Chính sách này kế thừa những quy định của Nghị quyết 16, 09; nhưng có sửa đổi, bổ sung để khắc phục một số hạn chế trong quá trình triển khai Nghị quyết 16 và 09 bảo đảm phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật mới như Pháp lệnh Cán bộ, Công chức năm 2003, Luật Bảo hiểm Xã hội và các văn bản hướng dẫn thi hành ... Chính sách này được thi hành đến hết 31/12/2011 để phù hợp với lộ trình sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị và thời gian tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.

Theo đó, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính đã khẩn trương ban hành Thông tư liên tịch số 02/2007/TTLT/BNV-BTC ngày 24/9/2007 hướng dẫn thực hiện Nghị định 132/2007/NĐ-CP và đã chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn triển khai thực hiện chính sách tinh giản biên chế cho các Bộ, ngành và các địa phương trong cả nước.

III. VIỆC TRIỂN KHAI SỬA ĐỔI NGHỊ ĐỊNH SỐ 121 VỀ CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI CÁN BỘ XÃ, PHƯỜNG.

Sau 4 năm thực hiện Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 của Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn, những mặt tích cực, cơ bản đã đạt được là:

Đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn từng bước được phát triển cả về số lượng và chất lượng; việc thực hiện tiêu chuẩn hoá cán bộ và chính sách thu hút cán bộ trẻ, sinh viên mới tốt nghiệp về công tác ở cơ sở nên đã từng bước nâng được trình độ và trẻ hoá đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Phong trào học tập nâng cao trình độ của cán bộ, công chức cấp xã được đẩy mạnh hơn.

Việc chuyển từ chế độ sinh hoạt phí sang chế độ tiền lương, từ hưởng trợ cấp hàng tháng khi nghỉ việc sang hưởng chế độ hưu trí, đã tạo sự an tâm phấn khởi hơn trong đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở.

Kỷ cương hành chính, tác phong, lề lối làm việc của cán bộ cơ sở có nhiều chuyển biến tích cực, theo hướng tôn trọng quyền làm chủ tập thể của nhân nhân, được nhân dân đồng tình hơn.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị định số 121/2003/NĐ- CP của Chính phủ, đã phát sinh những vướng mắc, bất cập về định biên, lương, phụ cấp (nhất là bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với cán bộ không chuyên trách) như ý kiến đại biểu Quốc hội đã nêu; cụ thể như sau:1. Về số lượng và cơ cấu cán bộ, công chức cấp xã.

- Tổng hợp chung 64 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tính đến ngày 01/9/2007 toàn quốc có 204.167 cán bộ, công chức cấp xã, gần bằng số lượng công chức hành chính ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện cộng lại (tổng số công chức hành chính ở Trưng ương và địa phương năm 2007, Bộ Nội vụ trình Chính phủ giao là: 239.081. Trong đó, Trung ương: 98.827, địa phương: 140.254). Ngoài các chức danh chuyên môn quy định tại Nghị quyết Trung ương 5 và Nghị định số 121/2003/NĐ-CP, nhiều Bộ, ngành ở Trung ương và địa phương còn đề nghị bổ sung thêm chức danh cán bộ chuyên môn chuyên trách cấp xã của ngành mình. Nếu bổ sung 1 chức danh chuyên môn cấp xã thì số lượng công chức cấp xã sẽ tăng khoảng 11.000 người.

Cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã chưa hợp lý: số lượng cán bộ bầu cử chiếm tỷ lệ trung bình là 56,62% (có nơi trên 60%). Công chức chuyên môn (43,38%) đã yếu lại thiếu nên chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

1. Về độ tuổi, nguồn cán bộ, trình độ văn hoá, chuyên môn nghiệp vụ: còn nhiều bất cập, liên quan đến việc thực hiện chế độ tiền lương.

2. Về chế độ tiền lương.

Chế độ tiền lương của cán bộ, công chức cấp xã hiện đang được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, trong đó quy định: cán bộ chuyên trách cấp xã xếp lương chức vụ theo nhiệm kỳ; công chức cấp xã xếp lương và nâng bậc lương theo ngạch công chức có cùng trình độ đào tạo.

Quy định nêu trên đã dẫn đến có bất hợp lý là sau một số lần nâng bậc công chức cấp xã có hệ số lương cao hơn cán bộ chuyên trách cấp xã (gồm cả Bí thư và Chủ tịnh xã có cùng trình độ đào tạo). Vấn đề này Bộ Nội vụ đã báo cáo Chính phủ và đã trình Bộ chính trị để trình Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X sắp tới xem xét, sửa đổi cho phù hợp trong tiến trình cải cách chính sách tiền lương giai đoạn 2008-2012.

3. Về chế độ hưởng bảo hiểm xã hội và áp dụng chính sách tinh giản biên chế.

- Nhiều ý kiến đề nghị cán bộ xã có đủ 15 năm công tác đóng bảo hiểm xã hội và đủ 50 tuổi (đối với nữ) và 55 tuổi (đối với nam) được hưởng hưu trí. Như vậy, chưa phù hợp với Luật bảo hiểm xã hội và các văn bản pháp luật hiện hành.

Về đề nghị áp dụng chính sách tinh giản biên chế đối với cán bộ xã đã có đủ 20 năm trở lên đóng bảo hiểm xã hội được nghỉ hưu trước tuổi (50 tuổi đối với nữ, 55 tuổi đối với nam). Việc này, tuy Nghị định số 132/2006/NĐ-CP ngày 08/8/2006 chưa quy định áp dụng đối với đối tượng cán bộ, công chức cấp xã (vì chờ sửa đổi bổ sung Nghị định số 121/2003/NĐ-CP về chế độ, chính sách đối với cán bộ xã, phường), nên sắp tới Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu để báo cáo Chính phủ cho ý kiến.

4. Về cán bộ không chuyên trách cấp xã.

Tổng sổ cán bộ không chuyên trách đến ngày 01/9/2007 toàn quốc có 764.733 người. Trong đó bố trí theo quy định của Nghị định số 121/2003/NĐ-CP là: 589.166 người (trong đó ở cấp xã: 178.727 = 30,34%; ở thôn, tổ dân phố: 410.439 = 69,66%).

Có 41/64 tỉnh tự quyết định bố trí thêm chức danh cán bộ không chuyên trách so với quy định tại Nghị định số 121/2003/NĐ-CP, làm cho số lượng tăng thêm là 175.567 người (trong đó ở cấp xã: 18.298 = 10,42%; ở thôn, tổ dân phố: 157.269 = 89,58%).

Hiện nay nhiều địa phương vẫn tiếp tục đề nghị tăng thêm chức danh cán bộ không chuyên trách cấp xã, cán bộ ở thôn, tổ dân phố (đến cả thường vụ đoàn thể cấp xã; trưởng ban mặt trận thôn, tổ dân phố...) để được hưởng phụ cấp; đồng thời đề nghị cho cán bộ không chuyên trách được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Như vậy, ngân sách nhà nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

5. Về Phó chỉ huy quân sự xã.

Ý kiến đại biểu Quốc hội nêu sự bất cập giữa Nghị định số 121/2003/NĐ-CP và Nghị định số 184/2004/ND-CP của Chính phủ, Bộ Nội vụ báo cáo như sau:

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) "về đổi mới và nâng cao chất lượng thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn" và Pháp lệnh Cán bộ, công chức (sửa đổi năm 2003), Chính phủ ban hành Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn, chức danh: Phó chỉ huy trưởng quân sự xã là cán bộ không chuyên trách.

Theo quy định tại Pháp lệnh Dân quân tự vệ sửa đổi, do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 29/4/2004, thì Xã đội phó là cán bộ chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp xã. Theo đó, ngày 02/11/2004 Chính phủ ban hành NĐ số 184/2004/NĐ-CP quy định chi tiết việc thi hành Pháp lệnh Dân quân tự vệ. Khoản 3 Điều 22 của Nghị định này quy định:

"Xã đội phó là cán bộ chuyên trách cấp xã được hưởng chế độ lương ngạch cán sự bằng mức lương hệ số 1,46 mức lương tối thiểu và đóng bảo hiểm xã hội, nếu qua đào tạo chuyên nghiệp quân sự tại trường quân sự tỉnh thì được nâng lương theo ngạch cán sự (mã số 01.004), khi nghỉ việc được hưởng chế độ cán bộ, công chức cấp xã."

Thực hiện Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang thì hệ số 1,46 mức lương tối thiểu được quy đổi thành hệ số 1,86 mức lương tối thiểu (cao hơn lương Chỉ huy trưởng quân sự là thành viên Uỷ ban nhân dân, hưởng hệ số 1,75 mức lương tối thiểu).

Từ bất hợp lý nêu trên, Bộ Nội vụ đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo (tại văn bản số 2304/VPCP-NC) như sau:

"1. Các Bộ, ngành Trưng ương cần thực hiện đúng Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX ngày 18 tháng 3 năm 2002” về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn" về chức danh, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã.

2. Giao Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan có liên quan dự thảo nội dung sửa đổi Nghị định số 184/2004/NĐ- CP ngày 02 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết việc thi hành Pháp lệnh Dân quân tự vệ, để đảm bảo thống nhất về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã".

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn Sở Nội vụ các tỉnh thành phô trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện theo ý kiến chi đạo của Thủ tướng Chính phủ và đưa vào nội dung sửa đổi, bổ sung trong Nghị định 121/2003/NĐ-CP.

6. Về chế độ đối với cán bộ Hợp tác xã nông nghiệp.

Bộ Nội vụ chia sẻ với những trăn trở của Đại biểu Quốc hội. Về vấn đề này, hiện nay còn có những vướng mắc sau:

Thứ nhất, chủ nhiệm HTX nông nghiệp, đồng thời là Phó Bí thư thường trực hoặc Thường vụ đảng uỷ cấp xã, đã được tính hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Thông tư số 13/NV ngày 04/9/1972 của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), và quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23/01/1998 của Chính phủ.

Thứ hai, việc đề nghị Chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp (và Chủ nhiệm hợp tác xã ngư nghiệp, làm muối ở nơi không có nông nghiệp, hoặc Chủ nhiệm hợp tác xã ngành nghề khác) mà không phải là Phó Bí thư thường trực hoặc Thường vụ đảng uỷ cấp xã được tính hưởng bảo hiểm xã hội sẽ tạo ra bất hợp lý đối với hàng vạn cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước có thời gian làm Chủ nhiệm, nhưng đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, nghỉ chế độ một lần mà không được tính thời gian làm Chủ nhiệm hợp tác xã để hưởng bảo hiểm xã hội.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ chức năng giải quyết.các vấn đề nêu trên. Riêng đối với những người trước đây đang hưởng chế độ bảo hiểm xã hội đã được cấp có thẩm quyền quyệt định, điều động làm cán bộ lãnh đạo hợp tác xã quy mô toàn xã, giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất giải quyết chế độ trong nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 của Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn.

Bộ Nội vụ đã tổng hợp trình Chính phủ xem xét cho ý kiến chỉ đạo khi triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khoá X.

IV. GIẢI PHÁP LỰA CHỌN VÀ THAY THẾ CÁN BỘ KHÔNG ĐỦ TIÊU CHUẨN TRONG TÌNH HÌNH HIỆN NAY.

Thực hiện đường lối đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương về cải cách hành chính và luôn xác định cải cách hành chính là một khâu quan trọng trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước. Những kết quả, tiến bộ về cải cách hành chính đã đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước và càng khẳng định hơn nữa cải cách hành chính luôn là một khâu đột phá để đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Trước những yêu cầu mới của quá trình hội nhập quốc tế và công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước hiện nay đòi hỏi cải cách hành chính phải mạnh mẽ có tính cách mạng và hiệu quả cao hơn trước. Vấn đề mấu chốt và mang ý nghĩa quyết định sự thành công hay thất bại của sự nghiệp phát triển đất nước nói chung và công tác cải cách hành chính nói riêng là vấn đề con người, là chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức. Trong Chương trình tổng thể Cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2010, có một nội dung về đổi mới nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong số 4 nội dung cụ thể của chương trình tổng thể.

Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, nhưng nhìn chung năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức vẫn chưa đáp ứng kịp yêu cầu của quá trình phát triển nhanh, bền vững và yêu cầu của kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Chúng tôi nhận thấy việc sắp xếp và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức là hai vấn đề có mối quan hệ mật thiết với nhau, xác định rà soát và lựa chọn là một trong những nhân tố để góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức của các cơ quan nhà nước. Đồng thời tiến hành công tác lựa chọn không gây xáo trộn trong cả bộ máy.

Biện pháp để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ năng lực, trình độ và phẩm chất, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và hội nhập kinh tế quốc tế, là:

- Xác định rõ vị trí, cơ cấu và tiêu chuẩn chức danh, công chức trong từng cơ quan của nhà nước để làm căn cứ tuyển đụng và bố trí sử dụng.

- Làm tốt công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch cán bộ, công chức; thông qua việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, xác định rõ những người đủ và không đủ tiêu chuẩn. Có chính sách thích hợp và kiên quyết thực hiện đối với những người không đủ tiêu chuẩn phải đưa ra khỏi bộ máy.

- Đổi mới chế độ đào tạo, tuyển dụng và quản lý cán bộ, công chức. Tuyển dụng cán bộ, công chức phải căn cứ vào nhu cầu, vị trí, cơ cấu và tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức. Khắc phục tình trạng vào cơ quan nhà nước rồi mới đưa đi đào tạo và chủ yếu là đào tạo tại chức.

- Xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí về đánh giá, phân loại cán bộ, công chức phải căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao.

- Áp dụng việc thực hiện thi tuyển đối với một số chức danh lãnh đạo gắn với chuyên môn nghiệp vụ trong bộ máy hành chính nhà nước và các đơn vị sự nghiệp.

- Đổi mới phương thức và nội dung các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức sát với thực tế, hướng vào các vấn đề thiết thực đặt ra từ quá trình thực thi công vụ, nhất là kỹ năng hành chính.

- Cần có chỉnh sách tiền lương, chế độ đãi ngộ, đủ sức thu hút những người có tài, có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu công việc trong giai đoạn mới, để trên cơ sở đó làm thay đổi cơ cấu, chất lượng đội ngũ cán bộ công chức và tạo cơ chế để thay thế những người không đủ tiêu chuẩn ra khỏi bộ máy Đảng, Nhà nước.

Ngoài ra, vấn đề quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng; khen thưởng, kỷ luật; quản lý sử dụng cán bộ, công chức cấp xã... cần có những quy định cụ thể hơn.

(Ví dụ: về tiêu chuẩn tuổi đời đối với cán bộ cấp xã tuyển dụng lần đầu: chưa phù hợp với luật Lao động (Chủ tịch MTTQ và Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tuổi giữ chức vụ lần đầu không quá 60 và 65) và Pháp lệnh cán bộ, công chức (tuổi tuyển dụng lần đầu công chức xã không quá 35).

Để giải quyết vấn đề này, trong thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ tổng hợp trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến chỉ đạo để thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá X sắp tới.

V. VỀ VẤN ĐỀ BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CẤP XÃ.

Cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố thuộc đối tượng hưởng phụ cấp, không thuộc đối tượng ký kết hợp đồng lao động theo quy định của Bộ Luật lao động. Mặt khác, tại Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành không quy định cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố thuộc đối tượng tham gia bảo hiếm xã hội bắt buộc.

Trên thực tế hiện nay, số cán bộ, công chức cấp xã trong cả nước tương đối lớn. Tổng số có 97 vạn người; trong đó, có trên 20 vạn cán bộ, công chức chuyên trách và 77 vạn cán bộ, công chức không chuyên trách. Nếu mở rộng đối tượng không chuyên trách nêu trên được đóng và hưởng chế độ bảo hiểm như đối với cán bộ, công chức chuyên trách, thì khả năng ngân sách nhà nước hỗ trợ rất khó khăn và liên quan tới các quy định của Luật Bảo hiểm xã hội cần điều chỉnh. Việc này, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất trình Chính phủ để báo cáo Trung ương Đảng và Quốc hội cho ý kiến.

Trên đây là nội dung Bộ Nội vụ trả lời các chất vấn của các Đại biểu Quốc hội theo từng nhóm vấn đề và xin gửi tới Đoàn Chủ tịch kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XII, các Đại biểu Quốc hội và Đoàn thư ký kỳ họp Quốc hội văn bản trả lời này theo quy định.

Xin trân trọng cảm ơn.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Dân nguyện thuộc UBTVQH;
- UBTW Mặt trận tổ quốc VN
- Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội;
- Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP;
- Lưu VT, TCBC

BỘ TRƯỞNG




Trần Văn Tuấn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn số 3300/BNV-VP về việc trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội do Bộ Nội vụ ban hành

  • Số hiệu: 3300/BNV-VP
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 16/11/2007
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
  • Người ký: Trần Văn Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/11/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản