Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 9/1998/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 23 tháng 1 năm 1998

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 09/1998/NĐ-CP NGÀY 23 THÁNG 01 NĂM 1998 SỬA ĐỔI, BỔ SUNG NGHỊ ĐỊNH 50/CP NGÀY 26 THÁNG 7 NĂM 1995 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CHẾ ĐỘ SINH HOẠT PHÍ ĐỐI VỚI CÁN BỘ XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Nghị quyết số 99/CP ngày 15 tháng 9 năm 1997 của Chính phủ;
Căn cứ ý kiến của Thường vụ Bộ Chính trị tại thông báo số 32/CV-VPTW ngày 09 tháng 01 năm 1998 của Văn phòng Trung ương Đảng;
Theo đề nghị của Bộ trưởng, Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Nay quy định số lượng cán bộ làm công tác đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể (Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh, Đoàn thành niên Cộng sản Hồ Chí Minh) xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã) được hưởng sinh hoạt phí như sau:

Xã dưới 10.000 dân: 17 - 19 cán bộ.

Xã từ 10.000 dân đến 20.000 dân: 19 - 21 cán bộ.

Xã có trên 20.000 dân, cứ thêm 3.000 dân thêm 1 cán bộ, tối đa không quá 25 cán bộ.

Điều 2.Theo quy định tại Điều 1 trên đây, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào số dân, diện tích, đặc điểm điều kiện kinh tế - xã hội, vùng lãnh thổ (xã miền núi, biên giới, hải đảo...), nguồn ngân sách của địa phương và hướng dẫn của liên Bộ để quy định số lượng cụ thể cho thích hợp với từng loại xã, trong đó có 4 chức danh chuyên môn : Địa chính, Tư pháp, Tài chính - Kế toán, Văn phòng ủy ban nhân dân xã.

Điều 3. Mức sinh hoạt phí hàng tháng đối với cán bộ làm công tác đảng, công tác chính quyền, mặt trận, đoàn thể như sau :

1. Bí thư đảng ủy xã 270.000 đồng/tháng.

2. Phó Bí thư đảng ủy xã, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã (nơi Bí thư đảng ủy không kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã), Chủ tịch ủy ban nhân dân xã: 260.000 đồng/tháng.

3. Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã, Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân xã, Chủ tịch Mặt trận, Trưởng các đoàn thể (Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh), xã đội trưởng, trưởng công an xã: 240.000 đồng/tháng.

4. ủy viên ủy ban nhân dân xã: 230.000 đồng/tháng.

5. Các chức danh khác thuộc Ủy ban nhân dân: 210.000 đồng/tháng.

Riêng cán bộ đảm nhận 4 chức danh chuyên môn nói trên được hưởng sinh hoạt phí theo ngạch bậc chuyên môn đào tạo, trường hợp chưa có bằng cấp chuyên môn qua đào tạo thì hưởng mức 154.000 đồng/tháng.

6. Các chức danh quy định tại các điểm 1, 2, 3, 4, 5 của Điều 3 trên đây được hưởng phụ cấp thêm 5% mức sinh hoạt phí hàng tháng đang hưởng như sau :

Đối với cán bộ qua bầu cử được tái cử từ nhiệm kỳ thứ 2 sau 5 năm trở đi.

Đối với 4 cán bộ chuyên môn nói trên đã được hưởng mức sinh hoạt phí theo ngạch bậc chuyên môn đào tạo thì không được hưởng phụ cấp thêm 5%.

7. Đối với Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc và Phó các đoàn thể (Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh) hưởng hoạt động phí từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách xã cân đối cho mỗi đoàn thể, mức chi do Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

8. Số cán bộ thuộc biên chế Nhà nước tăng cường cho xã thì hưởng mọi chế độ, chính sách hiện hành như đối với công chức Nhà nước. Số cán bộ tăng cường này được tính vào tổng số cán bộ xã theo quy định tại Điều 1 của Nghị định này.

Điều 4. Cán bộ xã hưởng sinh hoạt phí thuộc các đối tượng quy định tại điểm 1, 2, 3, 4, 5 Điều 3 Nghị định này khi nghỉ việc thì được hưởng chế độ trợ cấp như sau:

a) Nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi, có thời gian công tác liên tục 15 năm trở lên, có đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm trở lên với mức bằng 15% mức sinh hoạt phí hàng tháng (trong đó cán bộ xã đóng 5%, ngân sách Nhà nước đóng 10%) thì được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng.

Mức trợ cấp hàng tháng của 15 năm đầu bằng 45% mức sinh hoạt phí bình quân của 5 năm cuối trước khi nghỉ; sau 15 năm, cứ thêm một năm công tác và có đóng bảo hiểm thì được tính thêm 2%, nhưng mức trợ cấp cao nhất không quá 75% mức sinh hoạt phí bình quân của 5 năm cuối trước khi nghỉ.

b) Trường hợp nghỉ việc chưa đủ 15 năm công tác liên tục và đóng bảo hiểm xã hội, khi nghỉ được hưởng trợ cấp một lần; mỗi năm công tác được hưởng một tháng sinh hoạt phí tính theo bình quân 5 năm cuối trước khi nghỉ việc.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định đối với cán bộ được hưởng các chế độ trợ cấp nói trên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm thực hiện chế độ đối với cán bộ xã theo Nghị định này.

Điều 5. Cán bộ xã, phường, thị trấn được hưởng các chế độ đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, công tác phí, được khen thưởng theo quy định của Nhà nước và chế độ mai táng phí.

Điều 6. Kinh phí để thực hiện chế độ quy định tại Nghị định này thuộc nguồn ngân sách Nhà nước cân đối vào ngân sách xã.

Điều 7. Chế độ sinh hoạt phí quy định trong Nghị định này được thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 1998; các quy định trong Nghị định số 50/CP ngày 26 tháng 7 năm 1995 của Chính phủ về chế độ sinh hoạt phí đối với cán bộ xã, phường, thị trấn trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 8. Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn thực hiện Nghị định này.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Phan Văn Khải

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 09/1998/NĐ-CP năm 1998 sửa đổi Nghị định 50/CP của Chính phủ về chế độ sinh hoạt phí đối với cán bộ xã, phường, thị trấn

  • Số hiệu: 09/1998/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 23/01/1998
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: 10/03/1998
  • Số công báo: Số 7
  • Ngày hiệu lực: 01/01/1998
  • Ngày hết hiệu lực: 10/11/2003
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản