Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BẢO HIỂM XÃ HỘI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 806/BHXH-CĐCS | Hà Nội, ngày 14 tháng 07 năm 1998 |
Kính gửi: Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Căn cứ Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23/01/1998 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 99/1998/TTLT-TCCP-BTC-BLĐTB&XH ngày 19/05/1998 của Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ - Bộ Tài chính - Bộ LĐTB&XH hướng dẫn thi hành Nghị định số 09/1998/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 50/CP ngày 26/07/1995 của Chính phủ về chế độ sinh hoạt phí đối với cán bộ xã, phường, thị trấn (gọi chung là cán bộ xã); Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn thực hiện chế độ Bảo hiểm xã hội đối với cán bộ xã như sau:
I. VIỆC XÁC ĐỊNH ĐỐI TƯỢNG THỰC HIỆN BẢO HIỂM XÃ HỘI
Đối tượng thực hiện chế độ trợ cấp Bảo hiểm xã hội được quy định tại Điều 3 - Nghị định số 09/1998/NĐ-CP và được cụ thể hóa tại điểm 1 mục I Thông tư liên tịch số 99/1998/TTLT, bao gồm:
1. Bí thư Đảng ủy xã (nếu nơi chưa có Đảng ủy xã thì Bí thư chi bộ xã);
2. Phó Bí thư Đảng ủy xã (nếu nơi chưa có Đảng ủy xã thì phó Bí thư chi bộ xã); Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND xã;
3. Phó Chủ tịch HĐND xã, Phó chủ tịch UBND xã, Thường trực Đảng ủy xã (nơi Bí thư hoặc Phó Bí thư kiêm chức danh Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch HĐND và UBND), Chủ tịch Mặt trận tổ quốc, Hội trưởng Hội liên hiệp phụ nữ, Hội trưởng Hội nông dân, Hội trưởng Hội cựu chiến binh, Bí thư Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, xã đội trưởng, trưởng công an xã;
4. Ủy viên UBND xã;
5. Các chức danh khác thuộc UBND xã;
6. Bốn chức danh chuyên môn gồm: Địa chính, Tư pháp - Hộ tịch, Tài chính - Kế toán, Văn phòng UBND - Thống kê tổng hợp.
Những cán bộ xã nói trên tính đến 01/01/1998 còn đang làm việc và được hưởng sinh hoạt phí theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP.
Số lượng cán bộ ở mỗi xã do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định, tối đa không quá 25 người (kể từ cán bộ trong biên chế Nhà nước đang tăng cường cho xã).
Trường hợp những người thuộc biên chế Nhà nước tăng cường cho xã mà giữ các chức danh nêu trên thì hưởng mọi chế độ, chính sách như đối với công chức Nhà nước mà không thuộc đối tượng thực hiện bảo hiểm xã hội như cán bộ xã.
Đối với những người là công nhân viên chức Nhà nước, quân nhân trong các lực lượng vũ trang đã nghỉ việc, đang hưởng lương hưu hoặc trợ cấp mất sức lao động hàng tháng nếu tham gia công tác ở xã thuộc các chức danh nêu trên và hưởng sinh hoạt phí hàng tháng theo quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP cũng không thuộc đối tượng thực hiện bảo hiểm xã hội đối với cán bộ xã.
II. VIỆC ĐĂNG KÝ ĐỐI TƯỢNG THỰC HIỆN BẢO HIỂM XÃ HỘI
1. Tiếp nhận danh sách đối tượng
Cơ quan Bảo hiểm xã hội quận, huyện, thị xã (gọi chung là huyện) tiếp nhận danh sách cán bộ xã do Chủ tịch UBND xã lập, được Phòng Tổ chức - Lao động thương binh - xã hội huyện duyệt, Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh quyết định, để làm căn cứ xác định đối tượng thực hiện bảo hiểm xã hội (theo mẫu số 1 đính kèm). Từ nay về sau nếu có điều chỉnh danh sách đối tượng thì cũng thực hiện theo trình tự này.
2. Cấp, ghi sổ bảo hiểm xã hội và quản lý bảo hiểm xã hội
Sổ bảo hiểm xã hội cấp cho cán bộ xã theo mẫu sổ bảo hiểm xã hội được Bộ LĐTB&XH ban hành kèm theo Quyết định số 1443/LĐTB&XH ngày 09/10/1995. Việc cấp, quản lý sổ và ghi sổ bảo hiểm xã hội thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 09/LĐTBXH-TT ngày 26/04/1996 của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội và Quy định kèm theo Quyết định số 113/BHXH/QĐ ngày 22/06/1996 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Căn cứ vào danh sách đối tượng cán bộ xã do Chủ tịch UBND xã lập theo mẫu số 1 nói trên và tờ khai cấp sổ bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội huyện soát xét và đề nghị Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố xét duyệt, cấp sổ bảo hiểm xã hội cho từng cán bộ xã. Để phù hợp với đặc điểm của cán bộ xã, Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn thêm cách ghi một số tiêu thức ở tờ khai cấp sổ Bảo hiểm xã hội và ở sổ bảo hiểm xã hội như sau:
2.1. Tờ khai cấp sổ bảo hiểm xã hội: Do cán bộ xã kê khai 3 bản:
- Cột 6: Ghi mức sinh hoạt phí của cán bộ xã.
- Phần xét duyệt duyệt của thủ trưởng đơn vị trong mẫu tờ khai cấp sổ bảo hiểm xã hội: Đối với Bí thư Đảng và Phó Bí thư hoặc Thường trực Đảng ủy xã do Bí thư huyện ủy xét duyệt, ký, đóng dấu, các chức danh còn lại của cán bộ xã do Chủ tịch UBND huyện xét duyệt, ký, đóng dấu xác nhận quá trình tham gia công tác tại xã, phường, thị trấn.
2.2. Sổ bảo hiểm xã hội: Trang 4 và 5 ghi quá trình làm việc tại xã trước ngày 01/01/1998, do Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố xét duyệt và ký đóng dấu.
Từ trang 6 và 7 trở đi ghi quá trình nộp bảo hiểm xã hội từ 01/01/1998 trở đi:
- Cột 4: Ghi mức sinh hoạt phí.
- Cột 5: Ghi mức phụ cấp tái cử (nếu có).
- Cột 6: Ghi đóng 10%
- Cột 7: Ghi đóng 5% của cán bộ xã.
- Cột 9: Chủ tịch UBND xã ký, đóng dấu, xác nhận thời gian công tác ở xã có đóng bảo hiểm xã hội bằng 15% mức sinh hoạt phí hàng tháng.
Cơ sở để xét duyệt thời gian công tác ở xã trước ngày 01/01/1998 được tính là thời gian tham gia bảo hiểm xã hội của từng cán bộ xã ghi trong mẫu số 1 và trong tờ khi cấp sổ cũng như ghi trong sổ bảo hiểm xã hội là danh sách do Chủ tịch UBND xã lập, phòng TC-LĐTBXH huyện duyệt, Ban TCCQ tỉnh quyết định về thời gian công tác trước ngày 01/01/1998 để tính hưởng bảo hiểm xã hội.
2.3. Quản lý sổ bảo hiểm xã hội
Sổ bảo hiểm xã hội của cán bộ xã do Chủ tịch UBND xã quản lý.
Từ tháng 01/1998, Chủ tịch xã có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội và ghi sổ bảo hiểm xã hội của từng người; Định kỳ căn cứ vào mức đóng bảo hiểm xã hội của từng cán bộ xã (gồm 5% và 10%), Chủ tịch UBND xã ký xác nhận và công khai việc xác nhận sổ bảo hiểm xã hội để cán bộ xã biết; nếu mất, hỏng hoặc cháy thì Chủ tịch xã phải báo cáo cơ quan Bảo hiểm xã hội huyện làm thủ tục với Bảo hiểm xã hội tỉnh cấp lại sổ mới theo quy định.
3. Xác định thời gian công tác ở xã trước ngày 01/01/1998 được tính là thời gian có tham gia bảo hiểm xã hội
3.1. Với các chức danh cán bộ xã quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP nếu công tác liên tục đến tháng 01/1998 thì thời gian giữ các chức danh trước tháng 01/1998 đó được tính hưởng bảo hiểm xã hội.
3.2. Đối với cán bộ xã thuộc đối tượng nêu tại mục I trên nếu có thời gian liên tục là cán bộ xã trước tháng 01/1998 với các chức danh quy định tại tiết a - điểm 15 - Thông tư số 13/NV ngày 04/9/1972 của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) thì thời gian đó được tính hưởng bảo hiểm xã hội.
3.3. Trường hợp trước tháng 01/1998 vừa có thời gian giữ các chức danh nêu tại mục I, vừa có thời gian liên tục giữ chức vụ chủ chốt ở xã nêu tại tiết a điểm 15 - Thông tư số 13/NV và công tác liên tục đến tháng 01/1998 thì thời gian trước tháng 01/1998 được tính là thời gian có tham gia bảo hiểm xã hội.
Các trường hợp trên, trong quá trình công tác ở xã trước tháng 01/1998 nếu có thời gian được cử đi học chuyên môn, chính trị hoặc nếu bị cách quãng không quá 12 tháng thì cũng được coi là thời gian công tác liên tục.
Đối với cán bộ xã nêu tại mục I trên nếu có thời gian công tác trước 01/1998 là cán bộ công nhân viên chức Nhà nước, lực lượng vũ trang đã hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp bảo hiểm xã hội 1 lần, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng đã hết thời hạn hoặc phụ cấp phục viên thì thời gian là công nhân viên chức hoặc lực lượng vũ trang không được tính để hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội.
III. VIỆC THU BẢO HIỂM XÃ HỘI
1. Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn thu bảo hiểm xã hội đối với cán bộ xã. Mức thu nộp bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 4 - Nghị định số 09/1998/NĐ-CP của Chính phủ và điểm 2 mục IV Thông tư liên tịch số 99/1998/TTLT-BTC-BLĐTBXH.
2. Chủ tịch UBND xã có trách nhiệm mỗi tháng 1 lần đóng bảo hiểm xã hội bằng 15% tổng số sinh hoạt phí của cán bộ xã (trong đó 10% lấy từ nguồn ngân sách Nhà nước cấp và 5% trích từ tiền sinh hoạt phí hàng tháng của cán bộ xã).
Việc đóng bảo hiểm xã hội do Chủ tịch xã thực hiện bằng chuyển khoản vào tài khoản "thu bảo hiểm xã hội" của Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố mở tại kho bạc Nhà nước ở từng huyện.
3. Trường hợp Chủ tịch UBND xã nộp bảo hiểm xã hội chậm, nộp thiếu thì phải truy nộp đủ số tiền phải nộp và số tiền lãi của số tiền nộp chậm, nộp thiếu tính theo thời gian nộp chậm, nộp thiếu với lãi suất tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn của ngân hàng Nhà nước chuyên doanh tại thời điểm truy nộp.
4. Chủ tịch UBND xã thực hiện đầy đủ việc thu nộp bảo hiểm xã hội, chế độ báo cáo, kiểm tra, đối chiếu theo quy định của cơ quan bảo hiểm xã hội.
IV. HỒ SƠ VÀ QUY TRÌNH XÉT THƯỞNG BẢO HIỂM XÃ HỘI
1. Chế độ trợ cấp hàng tháng
Khi cán bộ xã nghỉ việc có thời gian công tác liên tục ở xã từ 15 năm trở lên (thời gian công tác tính theo số năm công tác ở xã hướng dẫn tại điểm 3 - mục II trên và số năm công tác ở xã có đóng bảo hiểm xã hội từ tháng 1 năm 1998 trở đi) và đủ tuổi đời để hưởng trợ cấp hàng tháng về bảo hiểm xã hội theo quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP của Chính phủ thì thực hiện như sau:
a. Chủ tịch UBND xã xác nhận thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội và sổ Bảo hiểm xã hội.
b. Huyện ủy ra Quyết định nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội đối với Bí thư hoặc Phó bí thư Đảng ủy xã; các chức danh còn lại của cán bộ xã do Ủy ban Nhân dân huyện ra quyết định nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội theo mẫu số 3 hoặc số 4 đính kèm. Đồng thời, xác nhận quá trình làm việc ở xã có đóng bảo hiểm xã hội và mức bình quân sinh hoạt phí tháng trong bản khai quá trình tham gia bảo hiểm xã hội.
c. Sau khi lập hồ sơ của cán bộ xã, UBND huyện hoặc huyện ủy nộp cho Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố để xét duyệt trợ cấp. Nếu đủ điều kiện được hưởng trợ cấp hàng tháng thì Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố ra quyết định về việc hưởng trợ cấp hàng tháng cho cán bộ xã theo mẫu số 5 đính kèm. Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố xác nhận chế độ trợ cấp vào sổ bảo hiểm xã hội rồi trả lại đối tượng. Số sổ trợ cấp hàng tháng (số hồ sơ) của cán bộ xã mang mã số 7. Việc sử dụng và quản lý số sổ thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 341/BHXH/CĐCS ngày 28/4/1997 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Ví dụ: Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội giải quyết hồ sơ trợ cấp hàng tháng đầu tiên của cán bộ xã sẽ mang số hồ sơ là 7019800001 (7 là mã số đối tượng, 01 là mã số thành phố Hà Nội, 98 là năm 1998, 00001 là số hồ sơ của đối tượng).
2. Chế độ trợ cấp một lần
a. Khi cán bộ xã nghỉ việc, do hết nhiệm kỳ hoặc miễn nhiệm nếu không đủ điều kiện hưởng trợ cấp hàng tháng về bảo hiểm xã hội thì được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần theo quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP của Chính phủ.
b. Việc xác nhận thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội của cán bộ xã và trình tự lập hồ sơ giải quyết chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thực hiện như quy định tại điểm 1 mục IV nói trên.
3. Chế độ chờ hưởng trợ cấp hàng tháng
Khi cán bộ xã nghỉ việc có đủ 15 năm trở lên tham gia công tác liên tục ở xã trước và sau 01/01/1998 có đóng bảo hiểm xã hội nhưng chưa đủ điều kiện về tuổi đời để hưởng trợ cấp hàng tháng mà không hưởng trợ cấp 1 lần vì có nguyện vọng chờ đủ tuổi đời để hưởng trợ cấp hàng tháng thì làm thủ tục như sau:
a. Cán bộ xã có đơn đề nghị nghỉ việc chờ giải quyết trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng có xác nhận của Ủy ban Nhân dân xã.
b. UBND huyện (nếu là Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy xã thì do huyện ủy) ra quyết định nghỉ việc chờ hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng (theo mẫu quyết định nghỉ việc hưởng trợ cấp hàng tháng nhưng chưa ghi ngày tháng năm hưởng trợ cấp).
c. Chủ tịch UBND xã xác nhận quá trình đóng bảo hiểm xã hội trong sổ bảo hiểm xã hội để UBND huyện (hoặc huyện ủy) lập hồ sơ hưởng Bảo hiểm xã hội chuyển cho Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố giải quyết.
d. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Bảo hiểm xã hội tỉnh xét duyệt và cấp "Giấy chứng nhận chờ hưởng bảo hiểm xã hội hàng tháng" cho cán bộ xã (theo mẫu đính kèm). Khi đã đủ điều kiện hưởng trợ cấp thì Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố ra quyết định cho đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng.
Trong thời gian chờ hưởng bảo hiểm xã hội hàng tháng, nếu cán bộ xã chết do ốm đau, tai nạn rủi ro thì thân nhân của đối tượng được hưởng trợ cấp mai táng phí.
Trường hợp trong thời gian chờ, nếu lại làm việc tiếp trong các cơ quan, đơn vị thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội và đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Nhà nước thì thời gian làm việc có đóng bảo hiểm xã hội sau đó được cộng với thời gian công tác ở xã trước khi nghỉ chờ để tính hưởng bảo hiểm xã hội.
4. Chế độ trợ cấp mai táng phí
a. Cán bộ xã đang công tác được hưởng sinh hoạt phí bị chết thì Chủ tịch UBND xã báo cáo UBND huyện hoặc huyện ủy để có công văn đề nghị Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố giải quyết trợ cấp mai táng phí. Cần gửi kèm theo sổ bảo hiểm xã hội và giấy chứng tử hoặc giấy báo tử.
b. Cán bộ xã đang hưởng bảo hiểm xã hội hàng tháng hoặc đang chờ hưởng bảo hiểm xã hội hàng tháng theo quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP và Thông tư 99/1998/TTLT-TCCP-BTC-BLĐTBXH bị chết cần lập hồ sơ gồm:
- Đơn đề nghị của thân nhân đối tượng có xác nhận của UBND xã và kèm theo giấy chứng tử, hoặc giấy báo tử gửi tới Bảo hiểm xã hội xã hội huyện.
- Bảo hiểm xã hội huyện khi nhận được đơn và giấy báo tử thì ra quyết định dừng chi trả trợ cấp và gửi toàn bộ hồ sơ (đơn, giấy báo tử, giấy thôi trả trợ cấp, sổ lĩnh trợ cấp hoặc giấy chứng nhận chờ hưởng trợ cấp hàng tháng) lên Bảo hiểm xã hội tỉnh. Sau khi nhận đủ hồ sơ, Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố ra quyết định cho thân nhân được hưởng mai táng phí (theo mẫu số 7 đính kèm).
Các Quyết định hưởng chế độ bảo hiểm xã hội của cán bộ xã thống nhất tiêu thức theo mẫu đính kèm, chế bản trên máy vi tính, giấy khổ A4.
5. Về việc di chuyển
Cán bộ xã đang hưởng bảo hiểm xã hội hàng tháng hoặc đang chờ giải quyết trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng nếu di chuyển trong phạm vi tỉnh, thành phố thì do Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố quy định thủ tục di chuyển; Nếu di chuyển đến tỉnh, thành phố khác thì Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố đang quản lý cấp giấy giới thiệu và hồ sơ di chuyển như đối với người hưởng lương hưu quy định tại Công văn số 1318/BHXH ngày 27/12/1996 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố nơi đối tượng chuyển tiếp đến nhận hồ sơ, quản lý đối tượng và chi trả trợ cấp bảo hiểm xã hội.
V. GIẢI QUYẾT CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI ĐÃ NGHỈ VIỆC HOẶC CHẾT TỪ 01/01/1998 ĐẾN NAY
Theo quy định của Chính phủ thì chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội đối với cán bộ xã thực hiện từ 01/01/1998, những cán bộ xã đã nghỉ việc hoặc chết từ 01/01/1998 đế nay thì giải quyết như sau:
a. Chủ tịch UBND xã lập danh sách kê khai thời gian công tác của từng người kèm theo hồ sơ của những người đủ điều kiện hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp 1 lần hoặc chờ hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng hoặc bị chết chuyển UBND huyện hoặc huyện ủy duyệt, sau đó chuyển danh sách, hồ sơ của đối tượng cho Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố xem xét giải quyết.
b. Căn cứ danh sách, hồ sơ do UBND huyện hoặc huyện ủy chuyển đến, Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố làm việc với Ban TCCQ tỉnh, thành phố xác nhận số người, số tiền phải nộp bảo hiểm xã hội cho những người này, tính theo thời gian công tác liên tục ở xã trước 01/01/1998 đến khi nghỉ việc. Sau khi Ban TCCQ xác nhận, Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố xét duyệt chế độ cho đối tượng theo quy định.
c. Đối với những người đã nghỉ việc từ 01/01/1998 chưa giải quyết chế độ nhưng đã chuyển đi cư trú ở nơi khác thì Chủ tịch UBND xã nơi cán bộ đã công tác chịu trách nhiệm giải quyết chế độ cho cán bộ xã theo trình tự nêu ở điểm a, b trên. Nếu cán bộ xã đủ điều kiện hưởng trợ cấp hàng tháng thì sau khi hoàn tất mọi thủ tục hưởng trợ cấp, Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố lập thủ tục di chuyển theo quy định tại điểm 5 mục IV.
VI. CHI BẢO HIỂM XÃ HỘI
1. Căn cứ thông báo kết quả thẩm định hồ sơ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố tổng hợp trong kế hoạch, kinh phí chuyển cho Bảo hiểm xã hội huyện chi trả trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã.
2. Bảo hiểm xã hội huyện tổ chức chi trả trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng cho cán bộ xã hưởng trợ cấp hàng tháng như các đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động. Những người hưởng trợ cấp 1 lần, mai táng phí thực hiện chi trả theo quy định của Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố.
3. Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố lập chứng từ chi, ghi sổ sách kế toán và hoạch toán kế toán việc chi trả trợ cấp Bảo hiểm xã hội hàng tháng, 1 lần, mai táng phí theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính và của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
4. Kinh phí chi trả trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, 1 lần, mai táng phí cho cán bộ xã do quỹ bảo hiểm xã hội đài thọ. Việc cấp phát theo quy định hiện hành của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
VII. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BÊN THAM GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI
1. Trách nhiệm của cán bộ xã
Hàng tháng phải nộp đủ 5% sinh hoạt phí vào quỹ bảo hiểm xã hội do Chủ tịch UBND xã thu. Thực hiện việc kê khai thời gian công tác và các quy định về bảo hiểm xã hội đúng đắn, đầy đủ.
2. Trách nhiệm của Chủ tịch xã
- Đăng ký đầy đủ, kịp thời danh sách cán bộ xã tham gia bảo hiểm xã hội và đăng ký bổ sung khi có biến động.
- Hàng tháng Chủ tịch UBND xã đóng bảo hiểm xã hội 1 lần đủ 15% sinh hoạt phí (10% lấy từ Ngân sách, 5% trích từ sinh hoạt phí của cán bộ xã) cho đối tượng thuộc diện hưởng sinh hoạt phí quy định tại mục I nêu trên và định kỳ ghi sổ bảo hiểm xã hội theo quy định.
- Báo cáo UBND huyện hoặc huyện ủy và lập hồ sơ giải quyết chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội khi cán bộ xã nghỉ việc, chết hoặc lập những giấy tờ theo quy định trong hồ sơ hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội.
- Tiếp nhận và xuất trình những hồ sơ liên quan đến bảo hiểm xã hội của cán bộ xã khi có cán bộ hoặc đoàn kiểm tra, thanh tra của cơ quan chức năng về bảo hiểm xã hội.
3. Trách nhiệm của cơ quan Bảo hiểm xã hội
a. Cấp huyện
- Bảo hiểm xã hội huyện có trách nhiệm tiếp nhận và tổng hợp danh sách cán bộ xã tham gia bảo hiểm xã hội của các xã trong huyện trong đó xác định thời gian tham gia bảo hiểm xã hội trước 01/01/1998 và số tiền về bảo hiểm xã hội mà Ngân sách Nhà nước sẽ chuyển cho quỹ bảo hiểm xã hội, tính theo số thời gian trước 01/01/1998.
- Kiểm tra, đôn đốc, đối chiếu việc nộp bảo hiểm xã hội của các xã trong huyện và định kỳ xác nhận số thu bảo hiểm xã hội cho từng người trong danh sách thu bảo hiểm xã hội và sổ bảo hiểm xã hội.
- Tổ chức chi trả thời trợ cấp hàng tháng, mai táng phí, trợ cấp một lần cho cán bộ xã theo quy định sau khi có Quyết định của Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố.
b. Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố
- Hướng dẫn Bảo hiểm xã hội huyện và cán bộ xã về việc thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội đối với cán bộ xã.
- Kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc Bảo hiểm xã hội huyện thu bảo hiểm xã hội đối với cán bộ xã, xét duyệt các chế độ và tổ chức kiểm tra việc chi trả trợ cấp bảo hiểm xã hội cho cán bộ xã theo quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP của Chính phủ.
- Việc xét duyệt và thẩm định hồ sơ được thực hiện như đối với đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội theo hình thức bắt buộc quy định tại Nghị định số 12/CP và do Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố giải quyết không phân cấp cho Bảo hiểm xã hội huyện; hồ sơ trợ cấp hàng tháng được tổ chức lưu giữ ở hai cấp: Trung ương và cấp tỉnh. Riêng hồ sơ hưởng trợ cấp 1 lần, mai táng phí của đối tượng lưu ở cấp tỉnh, Sổ bảo hiểm xã hội của cán bộ xã hưởng trợ cấp 1 lần thẩm định xong trả lại cho đối tượng quản lý.
VIII. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO
Việc báo cáo thực hiện như sau:
1. Sau khi nhận danh sách theo mẫu số 1 nêu tại điểm 1 mục II trên, Bảo hiểm xã hội huyện có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo về Bảo hiểm xã hội tỉnh theo mẫu số 2 đính kèm và thu bảo hiểm xã hội từ tháng 01/1998.
2. Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố có trách nhiệm tổng hợp các báo cáo của huyện và thống nhất với Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh về số liệu cán bộ xã tham gia bảo hiểm xã hội, số tiền tính theo thời gian được tính là có tham gia bảo hiểm xã hội của cán bộ xã trước tháng 01/1998, báo cáo về Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo mẫu số 2 và định kỳ theo mẫu số 9, 10 và 11 kèm theo công văn này.
Chính sách chế độ đối với cán bộ xã thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước. Vì vậy Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố cần tổ chức triển khai thực hiện đúng đắn, đầy đủ, kịp thời chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội đối với cán bộ xã, phường, thị trấn bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao.
Tuy nhiên, đây là một công việc rất đa dạng, do đó trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc thì phản ánh về Bảo hiểm xã hội Việt Nam để xem xét giải quyết.
| TỔNG GIÁM ĐỐC |
- 1Thông tư 09/LĐTBXH-TT-1996 hướng dẫn cấp và ghi sổ bảo hiểm xã hội do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành
- 2Nghị định 09/1998/NĐ-CP năm 1998 sửa đổi Nghị định 50/CP của Chính phủ về chế độ sinh hoạt phí đối với cán bộ xã, phường, thị trấn
- 3Thông tư 13/NV-1972 hướng dẫn và quy định cụ thể về tính thời gian công tác của công nhân, viên chức nhà nước do Bộ nội vụ ban hành
- 4Thông tư liên tịch 99/1998/TTLT-TCCP-BTC-BLĐTBXH hướng dẫn Nghị định 09/1998/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 50/CP về chế độ sinh hoạt phí đối với cán bộ xã, phường, thị trấn do Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ - Bộ Tài chính - Bộ Lao động,thương binh và Xã hội ban hành
- 5Quyết định 1443-LĐTBXH năm 1995 ban hành mẫu sổ bảo hiểm xã hội do Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành
- 6Công văn 210/BTCCBCP-CQĐP thi hành Nghị định 09/1998/NĐ-CP, 40/1999/NĐ-CP và 46/2000/NĐ-CP do Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ ban hành
Công văn 806/BHXH-CĐCS thực hiện chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội đối với cán bộ xã, phường, thị trấn do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành
- Số hiệu: 806/BHXH-CĐCS
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 14/07/1998
- Nơi ban hành: Bảo hiểm xã hội Việt Nam
- Người ký: Nguyễn Huy Ban
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra