Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 778 /TCLN-SDR
V/v hướng dẫn xây dựng Phương án Quản lý rừng bền vững

Hà Nội, ngày 13 tháng 6 năm 2012

 

Kính gửi: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Ngày 09 tháng 01 năm 2012 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 57/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch bảo vệ và Phát triển rừng giai đoạn 2011-2020. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các chủ rừng phải thực hiện tự chủ kinh doanh rừng theo Phương án Quản lý rừng bền vững được duyệt.

 Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai xây dựng thông tư hướng dẫn, trong khi thông tư chưa ban hành, Tổng cục Lâm nghiệp hướng dẫn tạm thời một số nội dung, phương pháp xây dựng Phương án Quản lý rừng bền vững để thực hiện trong năm 2012 (theo hướng dẫn đăng tải trên Website: http://dof.mard.gov.vn). Hướng dẫn này thay thế hướng dẫn xây dựng phương án quản lý rừng bền vững thí điểm, kèm theo văn bản số 1596/LN-SDR ngày 28/11/ 2008 của Cục Lâm nghiệp trước đây.

Căn cứ hướng dẫn này và điều kiện thực tế của địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai và hướng dẫn các đơn vị chủ rừng có đủ điều kiện xây dựng Phương án Quản lý rừng bền vững của đơn vị mình.

Thủ tục phê duyệt Phương án Quản lý rừng bền vững, thực hiện theo quy định tại Thông tư số 35/2011/TT-BNNPTNT, ngày 20/5/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn thực hiện khai thác tận thu gỗ và lâm sản ngoài gỗ.

Đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- BT Cao Đức Phát ( b/c);
- Lãnh đạo Tổng cục;
- UBND các tỉnh;
- Lưu: VT, SDR.

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Bá Ngãi

 

HƯỚNG DẪN TẠM THỜI

XÂY DỰNG PHƯƠNG ÁN QUẢN LÝ RỪNG BỀN VỮNG
(Ban hành kèm theo văn bản số: 778 / TCLN-SDR ngày 13 tháng 6 năm 2012 của TCLN)

I. ĐỐI TƯỢNG CHỦ RỪNG XÂY DỰNG PHƯƠNG ÁN QUẢN LÝ RỪNG BỀN VỪNG (PHƯƠNG ÁN QLRBV)

Là những Công ty Lâm nghiệp Nhà nước, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lâm nghiệp Một thành viên (gọi tắt là Công ty Lâm nghiệp) được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng tự nhiên, rừng trồng và đất lâm nghiệp để sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau đây:

1. Đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có quyết định giao đất, giao rừng; hợp đồng thuê đất, thuê rừng. Ranh giới lâm phận được giao, được thuê phải xác định rõ trên bản đồ và tại thực địa, được chính quyền địa phương và các chủ rừng có chung ranh giới thừa nhận bằng văn bản.

2. Số liệu tài nguyên rừng, đất đai tại thời điểm xây dựng phương án phải được điều tra đánh giá chính xác theo quy trình hiện hành.

3. Trong thời gian 3 năm trở lại đây không để xẩy ra các vi phạm về khai thác, vận chuyển, mua bán gỗ, lâm sản, săn bắt động vật hoang dã trái phép và tranh chấp đất đai trong lâm phận được giao.

4. Có đối tượng rừng tự nhiên khai thác theo đúng quy định và đảm bảo bền vững lâu dài, liên tục trong suốt luân kỳ. Có khả năng kinh doanh rừng hiệu quả để tự đầu tư trở lại cho công tác bảo vệ và phát triển rừng.

II. NGUYÊN TẮC, YÊU CẦU KHI XÂY DỰNG PHƯƠNG ÁN QLRBV

1. Tuân thủ theo quy định pháp luật của Việt Nam và các Công ư­ớc Quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.

2. Công nhận và tôn trọng quyền lợi hợp pháp của người dân địa phương về quản lý, sử dụng rừng và đất đai của họ. Những hoạt động của đơn vị không tác động xấu đến quyền sử dụng đất và sử dụng tài nguyên rừng của người dân.

3. Những hoạt động quản lý, kinh doanh rừng phải có tác dụng duy trì hoặc nâng cao phúc lợi lâu dài cho người lao động của đơn vị; tạo nhiều việc làm, chia sẻ lợi ích từ hoạt động của đơn vị để tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân địa phương.

4. Những hoạt động xác định trong phương án phải tạo ra kết quả đảm bảo tính bền vững, đáp ứng đồng thời các mục tiêu: kinh tế, môi trường và xã hội.

5. Sản lượng gỗ, lâm sản khai thác từ rừng tự nhiên không được vượt quá mức tăng trưởng của rừng và phải áp dụng phương thức khai thác gỗ tác động thấp để tránh gây tổn hại cho những nguồn tài nguyên khác cũng như môi trường xung quanh.

6. Phải xây dựng kế hoạch chi tiết để bảo vệ những khu vực: bảo tồn giá trị đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn nước, đất đai, những hệ sinh thái và sinh cảnh đặc thù dễ bị tổn thương để duy trì các chức năng sinh thái và toàn vẹn của rừng.

7. Kế hoạch sản xuất hàng năm và kế hoạch dài hạn phải thể hiện đầy đủ các hoạt động về lâm sinh, khai thác, trồng rừng, chế biến, thương mại, dịch vụ và các hoạt động sản xuất khác, với những mục tiêu rõ ràng và biện pháp thực hiện cụ thể.

8. Xác định chi tiết kế hoạch tự giám sát đối với các hoạt động sản xuất của đơn vị cũng như những tác động đến môi trường, xã hội của những hoạt động đó.

III. PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRA, THU THẬP SỐ LIỆU CƠ BẢN

1. Thu thập các tài liệu, số liệu cơ bản

1.1. Văn bản quy phạm pháp luật và tài liệu liên quan:

Luật, Pháp lệnh, Nghị định của chính phủ, Quyết định của Thủ tướng, Thông tư của các Bộ, ngành... ; cơ chế, chính sách của địa phương liên quan đến quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyết định giao, cho thuê đất, rừng và luận chứng kinh tế kỹ thuật (hoặc dự án đầu tư...) của đơn vị được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

1.2. Số liệu về Điều kiện tự nhiên:

Thu thập tài liệu, số liệu về điều kiện tự nhiên như: địa hình, đất đai, khí tượng, thủy văn trong khu vực (theo số liệu của huyện nơi đơn vị đăng ký kinh doanh).

1.3. Số liệu về điều kiện kinh tế xã hội:

Thông tin về dân số, lao động, dân tộc, tôn giáo...; thu nhập bình quân đầu người, diện tích canh tác, trình độ canh tác và đánh giá nhu cầu sử dụng gỗ, lâm sản của người dân sở tại (địa bàn xã, huyện nơi đơn vị đăng ký kinh doanh).

1.4. Các tài liệu liên quan đến hoạt động của đơn vị:

Văn bản pháp lý về việc thành lập, quy định cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ qua từng giai đoạn, hệ thống báo cáo, đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh, tình hình quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng của đơn vị trong 5 năm trở lại.

2. Điều tra, thu thập số liệu về đất đai, tài nguyên rừng (Tổng hợp theo biểu 1 đến biểu 3, phụ lục IV)

Phương pháp điều tra: Theo hướng dẫn của Tổng cục Lâm nghiệp (phụ lục I đính kèm). Thời điểm điều tra trong vòng 1 năm trở lại đây (nếu phù hợp với hướng dẫn) hoặc tại thời điểm xây dựng phương án. Các số liệu được tổng hợp theo đơn vị khoảnh, tiểu khu, cụ thể:

2.1. Số liệu về đất đai, tài nguyên rừng

- Tổng diện tích tự nhiên, trong đó phân ra: diện tích đất lâm nghiệp (có rừng và chưa có rừng), đất nông nghiệp, đất chuyên dùng, đất khác…

- Tổng diện tích có rừng, trong đó phân ra theo trạng thái (rất giàu, giàu, trung bình, nghèo), theo kiểu rừng (lá rộng, lá kim, hỗ giao, tre nứa).

- Tổng trữ lượng rừng tự nhiên, trong đó phân ra: trữ lượng theo kiểu rừng, theo cấp kính và nhóm gỗ hoặc theo loài.

- Số lượng cây tái sinh của các trạng thái rừng.

- Lâm sản ngoài gỗ: số lượng loài, trữ lượng của từng loài (chỉ điều tra những loại chủ yếu có thể khai thác được).

- Tổng diện tích rừng trồng hiện có, trong đó phân ra: rừng phòng hộ, rừng sản xuất.

- Tổng trữ lượng rừng trồng, trong đó phân ra: theo cấp tuổi, loài cây trồng đối với từng loại rừng (phòng hộ, sản xuất).

2.2. Số liệu về đa dạng sinh học

- Thực vật rừng: Danh mục các loài cây chủ yếu, các loài nguy cấp quý hiếm, khu vực phân bố (xác định theo tiểu khu).

- Động vật rừng: Số lượng các loài, các loài nguy cấp quý hiếm, khu vực sinh sống chủ yếu cần được bảo vệ (xác định theo tiểu khu).

3. Điều tra, xác định phân vùng chức năng rừng (Tổng hợp theo biểu 6, phụ lục IV)

Phương pháp: Theo hướng của Tổng cục Lâm nghiệp (phụ lục II đính kèm). Thời điểm điều tra trong vòng 1 năm trở lại đây (nếu phù hợp với hướng dẫn) hoặc tại thời điểm xây dựng phương án. Các số liệu được tổng hợp theo đơn vị khoảnh, tiểu khu, cụ thể:

3.1. Số liệu diện tích, trữ lượng rừng ở những khu vực phòng hộ, bao gồm: Diện tích phòng hộ theo quy hoạch của tỉnh và những khu vực thuộc rừng sản xuất nhưng cần bảo vệ, bao gồm: bảo vệ đất, nước; bảo vệ dọc sông suối; khu rừng có giá trị bảo tồn cao và những khu rừng bảo vệ di tích, lịch sử văn hoá, tín ngưỡng của người dân sở tại.

3.2. Số liệu trong khu vực sản xuất, bao gồm: Diện tích, trữ lượng rừng tại các khu vực khai thác gỗ, lâm sản và diện tích trồng rừng, sản xuất khác.

4. Điều tra, thu thập các số liệu kinh tế xã hội (Tổng hợp theo biểu 4, phụ lục IV)

Căn cứ số liệu của ngành thống kê, lao động thương binh và xã hội tại địa phương và qua công tác phỏng vấn để thu thập bổ sung các thông tin về đặc điểm dân sinh; kinh tế; xã hội trên địa bàn. Thời điểm thu thập số liệu cùng với năm xây dựng phương án. Các số liệu thu thập gồm:

4.1. Số liệu về kinh tế - xã hội

 - Những đặc điểm về dân sinh trên địa bàn: dân tộc, lao động, tổng số người trong độ tuổi lao động, số người có việc làm, số lao động có khả năng làm nghề rừng, trình độ văn hoá, trình độ dân trí ....

- Thu nhập bình quân đầu người; thu nhập từ sản xuất l­ương thực (tổng số lương thực các loại, bình quân đầu người); diện tích canh tác nông, lâm nghiệp bình quân đầu ngư­ời; trình độ canh tác; nhu cầu gỗ, lâm sản và củi của người dân địa phương.

 - Xác định những loại hình về kinh tế trên địa bàn có động lực thúc đẩy, hoặc nguy cơ trong thực hiện phương án quản lý rừng của đơn vị.

4.2. Số liệu về cơ sở hạ tầng (Tổng hợp theo biểu 5, phụ lục IV)

- Đường giao thông: Các tuyến đường, loại đường, chiều dài tuyến đường; chất lượng đường…; khả năng lợi dụng các tuyến đường để phục vụ sản xuất của đơn vị.

- Các công trình hạ tầng khác có liên quan đến hoạt động của đơn vị.

5. Điều tra các hoạt động sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn

Căn cứ số liệu của ngành thống kê, du lịch, công nghiệp tỉnh và điều tra thực tế để thu thập hệ thống số liệu hoạt động lâm nghiệp. Thời điểm thu thập cùng với năm xây dựng phương án. Các số liệu điều tra gồm:

- Hoạt động về chế biến, kinh doanh gỗ: số lượng doanh nghiệp, chủng loại sản phẩm, công suất... Tình hình sản xuất, tiêu thụ gỗ, lâm sản và các sản phẩm gỗ chế biến tại thời điểm xây dựng phương án và của 3 năm trở lại đây.

- Hoạt động về dịch vụ du lịch sinh thái: Địa điểm, quy mô hoạt động du lịch.

- Hoạt động sản xuất nước sạch, nước dùng cho sản xuất công nghiệp: Địa điểm, quy mô sản xuất.

- Hoạt động sản xuất thuỷ điện: Địa điểm, quy mô sản xuất.

- Các hoạt động khác : Địa điểm, quy mô hoạt động

IV. CÁC HOẠT ĐỘNG TRONG PHƯƠNG ÁN QLRBV, PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH

(Tổng hợp theo biểu từ 7 đến biểu 20 của phụ lục IV)

1. Hoạt động khai thác rừng tự nhiên

1.1. Đối tượng rừng khai thác

 Là những khu rừng thuộc khu vực sản xuất gỗ và khu vực sản xuất gỗ hạn chế đã đạt tuổi thành thục có trữ lượng và đường kính tối thiểu của cây khai thác theo quy định tại Thông tư số 35/2011/TT-BNNPTNT ngày 20 tháng 5 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

1.2. Xác định sản lượng, diện tích khai thác.

 Được tính toán theo một trong  hai phương pháp:

a) Phương pháp thứ nhất: Tính theo suất tăng trưởng của rừng:

Sản lượng khai thác hàng năm (L) của đơn vị được tính theo công thức:

L = Mt. Ztb . R .K

Trong đó:

+ Mt: Tổng trữ lượng của các trạng thái rừng đưa vào khai thác.

+ Ztb: Suất tăng trưởng bình quân năm: Được tính bình quân gia quyền theo diện tích của suất tăng trưởng các trạng thái rừng.

Suất tăng trưởng của từng trạng thái rừng được xác định dựa vào các công trình nghiên cứu về suất tăng trưởng rừng tại địa phương. Trong trường hợp chưa có nghiên cứu thì có thể sử dụng suất tăng trưởng bình quân cho các loại rừng theo công bố của Viện Điều tra quy hoạch rừng như sau: rừng gỗ rất giầu và rừng giầu là 2,43%; rừng trung bình là 2,31%; rừng nghèo là 3,39%. Riêng đối với rừng khộp suất tăng trưởng là 1,6%.

+ R: Tỷ lệ lợi dụng gỗ: Theo quy định tại Thông tư số 87/2009/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn thiết kế khai thác chọn gỗ rừng tự nhiên.

K: Hệ số tiếp cận: Tùy theo địa hình mà hệ số này được xác định từ 0,7 ÷ 0,8.

b) Phương pháp thứ 2: Tính theo diện tích khai thác bình quân hàng năm:

Sản lượng khai thác hàng năm (L) của đơn vị được tính theo công thức:

L  =

Skt . Mkt . Ckt . R . K

T

Trong đó:

+ Skt là tổng diện tích rừng đưa vào khai thác trong 1 luân kỳ: Là diện tích rừng rất giàu, rừng giàu và rừng trung bình có trữ lượng đủ tiêu chuẩn khai thác theo quy định.

Những diện tích rừng trung bình chưa đủ tiêu chuẩn khai thác và rừng nghèo phải tính toán cụ thể trước khi bố trí vào diện tích khai thác.

+ Mkt là trữ lượng bình quân khai thác (m3/ha).

+ Ckt Cường độ khai thác bình quân.

+ R là tỷ lệ lợi dụng gỗ: Theo quy định tại Thông tư số 87/2009/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn thiết kế khai thác chọn gỗ rừng tự nhiên.

+ K là hệ số tiếp cận: Tùy theo địa hình mà hệ số này được xác định từ 0,7 ÷ 0,8.

+ T là luân kỳ khai thác: Thông thường khoảng 35 năm.

1.3. Xác định địa danh, trình tự khai thác

Thực hiện theo nguyên tắc ưu tiên: rừng có trữ lượng lớn, những địa danh có khả năng lợi dụng được hệ thống đường vận xuất, vận chuyển hiện có sẽ được bố trí đưa vào khai thác trước.

1.4. Lập kế hoạch khai thác: Sau khi xác định được các chỉ tiêu trên, xây dựng kế hoạch hoạt động cho cả luân kỳ. Trong đó xác định cụ thể  địa danh, diện tích sản lượng khai thác theo khoảnh, tiểu khu cho từng năm và các giai đoạn 5 năm.

2. Hoạt động khoanh nuôi rừng

2.1. Đối tượng: Là các khu rừng ở xa khu dân cư chỉ còn cây bụi xen cây gỗ, nếu để tái sinh tự nhiên hoặc có sự tác động hỗ trợ của con người thì sẽ thành rừng trong thời gian xác định. Đối tượng rừng này cần có ít nhất một trong các điều kiện sau:

+ Cây con tái sinh mục đích, có chiều cao trên 50 cm phải đạt tối thiểu 300cây/ha.

+ Gốc cây mẹ có khả năng tái sinh chồi phải có ít nhất 150 gốc/ha và phân bố tương đối đều.

+ Cây mẹ gieo giống tại chỗ có ít nhất 25 cây/ha phân bố tương đối đều, có nguồn gieo giống và cự ly phát tán giống đạt yêu cầu từ các khu rừng lân cận.

+ Rừng tre nứa có độ che phủ trên 20% diện tích, phân bố đều.

2.2. Lập kế hoạch khoanh nuôi rừng: Căn cứ kết quả điều tra hiện trạng rừng và kế hoạch sử dụng đất để tính toán kế hoạch khoanh nuôi rừng cho cả luân kỳ, cụ thể:

+ Tổng diện tích cần khoanh nuôi. Trong đó xác định cụ thể địa danh, diện tích theo khoảnh, tiểu khu thực hiện hàng năm và trong các giai đoạn 5 năm.

+ Xác định một số nội dung kỹ thuật cơ bản tác động trong quá trình khoanh nuôi rừng, tiêu chuẩn, chất lượng rừng sau khi khoanh nuôi phải đạt được.

3. Hoạt động nuôi dưỡng rừng

- Đối tượng: Là những khu rừng nghèo, rừng sau khai thác chọn.

- Lập kế hoạch nuôi dưỡng: Căn cứ kết quả điều tra hiện trạng rừng, diện tích khai thác hàng năm và đối tượng rừng phù hợp để tính toán kế hoạch cho cả luân kỳ, cụ thể:

+ Tổng diện tích rừng cần nuôi dưỡng. Trong đó xác định cụ thể  địa danh, diện tích theo khoảnh, tiểu khu  thực hiện ở từng năm và trong các giai đoạn 5 năm.

+ Mô tả các biện pháp kỹ thuật cơ bản tác động trong quá trình nuôi dưỡng rừng, loài cây nuôi dưỡng, loài cây chặt loại bỏ; tiêu chuẩn, chất lượng rừng sau khi nuôi dưỡng đạt được.

+ Dự kiến khối lượng gỗ, củi có khả năng tận dụng.

4. Hoạt động làm giàu rừng

- Đối tượng: Là những khu rừng non, rừng nghèo có trữ lượng thấp, số lượng cây mục đích thấp (dưới 150 cây/ha); số cây tái sinh có chiều cao trên 2m chỉ đạt dưới 500 cây/ha.

- Lập kế kế hoạch: Căn cứ kết quả điều tra hiện trạng rừng và đối tượng rừng đủ tiêu chuẩn để tính toán kế hoạch cho cả luân kỳ, cụ thể:

+ Tổng diện tích rừng cần làm giàu. Trong đó xác định địa danh, diện tích theo khoảnh, tiểu khu thực hiện ở từng năm và trong các giai đoạn 5 năm.

+ Các biện pháp kỹ thuật cơ bản tác động trong quá trình nuôi dưỡng, làm giàu rừng, loài cây đưa vào trồng bổ sung trong quá trình làm giàu rừng, tiêu chuẩn, chất lượng rừng sau làm giầu.

+ Dự kiến khối lượng gỗ, củi có khả năng tận dụng.

5. Hoạt động cải tạo rừng

- Đối tượng: là rừng tự nhiên nghèo kiệt đảm bảo các tiêu chí theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Lập kế hoạch: Căn cứ kết quả điều tra hiện trạng rừng và đối tượng rừng đủ tiêu chuẩn để tính toán kế hoạch cho cả luân kỳ, cụ thể:

+ Tổng diện tích rừng cần cải tạo. Trong đó, xác định: địa danh, diện tích theo khoảnh, tiểu khu thực hiện ở từng năm và trong các giai đoạn 5 năm.

+ Mô tả các biện pháp kỹ thuật cơ bản tác động trong quá trình cải tạo rừng, loài cây trồng; tiêu chuẩn rừng trồng sau cải tạo.

+ Dự kiến khối lượng gỗ, củi có khả năng tận dụng.

6. Hoạt động trồng rừng và khai thác rừng trồng

- Xác định loại rừng trồng, cơ cấu cây trồng, phương thức trồng, mật độ cây trồng theo loài cây.

- Lập kế hoạch trồng mới, trồng lại: Tổng diện tích trồng, chăm sóc. Trong đó xác định địa danh, diện tích theo khoảnh, tiểu khu thực hiện ở từng năm và trong các giai đoạn 5 năm.

- Căn cứ kết quả điều tra hiện trạng rừng trồng, kế hoạch trồng rừng hàng năm, loài cây trồng và mục đích khai thác để xây dựng kế hoạch khai thác gỗ cho từng năm, các giai đoạn 5 năm và cả luân kỳ. Trong đó xác định cụ thể diện tích, địa danh, sản lượng gỗ, loài cây khai thác theo khoảnh, tiểu khu.

7.  Hoạt động khai thác lâm sản ngoài gỗ

- Loài lâm sản khai thác: Căn cứ hiện trạng, diện tích rừng trong phân khu quản lý theo vùng chức năng rừng để xác định loài cây, khối lượng và diện tích lâm sản ngoài gỗ được khai thác.

- Hình thức khai thác, có thể xác định như sau:

+ Khai thác tập trung: được thực hiện đối với lâm sản ngoài gỗ phân bố tập trung trong một diện tích đủ lớn (trên 01 ha).

+ Khai thác phân tán: được thực hiện đối với lâm sản ngoài gỗ phân bố rải rác ở những diện tích nhỏ lẻ. Trường hợp này chủ yếu là đưa vào kế hoạch hướng dẫn cho cộng đồng, hộ gia đình và cá nhân thực hiện.

- Lập kế hoạch: Tổng diện tích, địa danh, loài, khối lượng lâm sản khai thác, được tổng hợp theo khoảnh, tiểu khu ở từng năm, trong các giai đoạn 5 năm và cả luân kỳ.

8. Hoạt động sản xuất nông lâm kết hợp

Căn cứ kế hoạch sử dụng đất, điều kiện đất đai, thổ nhưỡng và năng lực sản xuất của đơn vị (tài chính, trình độ kỹ thuật…) để xác định kế hoạch sản xuất nông lâm kết hợp theo loài cây trồng cho từng năm; các giai đoạn 5 năm và cả luân kỳ.

9. Hoạt động chế biến gỗ và lâm sản

Căn cứ khối lượng và chủng loại gỗ nguyên liệu của đơn vị để xây dựng kế hoạch chế biến và tiêu thụ sản phẩm gỗ và lâm sản (khối lượng và chủng loại sản phẩm) cho từng năm; các giai đoạn 5 năm và cả luân kỳ; kế hoạch, tiến độ xây dựng nhà máy, mua sắm thiết bị ( nếu có).

10. Xây dựng cơ sở hạ tầng

- Xây dựng kế hoạch cắm mốc ranh giới:

Lập kế hoạch cắm mốc ranh giới lâm phận của đơn vị (trong đó phải bao gồm cả mốc danh giới các khu rừng thuộc quyền quản lý của cộng đồng địa phương đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nằm xen kẽ trong lâm phận của đơn vị) theo tiến độ từng năm cho đến khi hoàn thành (mốc phân chia tiểu khu khoảnh và lô không đưa vào kế hoạch cắm mốc ranh giới, loại mốc này được thực hiện cùng với thiết kế khai thác hàng năm).

- Xây dựng, nâng cấp và bảo dưỡng đường vận chuyển.

Căn cứ kế hoạch khai thác hàng năm và khả năng lợi dụng đường vận xuất có thể nâng cấp, cải tạo thành đường vận chuyển để xác định khối lượng mở mới, cải tạo, nâng cấp đường theo từng năm, các giai đoạn 5 năm và cả luân kỳ.

- Xây dựng các công trình phúc lợi: nhà trẻ, trường học, trạm xá, câu lạc bộ... (nếu có) trong cả luân kỳ.

11. Cung cấp dịch vụ môi trường rừng

- Dự báo tiềm năng phát triển du lịch tính theo doanh thu (đ) trong từng giai đoạn 5 năm và cả luân kỳ trong lâm phận của đơn vị. 

- Dự báo sản lượng nước sạch và nước dùng để sản xuất công nghiệp (m3) được sản sinh từ môi trường rừng của đơn vị trong từng giai đoạn 5 năm và trong cả luân kỳ .

- Dự báo khả năng cung cấp sản lượng điện thương phẩm (Kw/h) bán ra của các nhà máy thủy điện có sử dụng nguồn nước từ môi trường rừng của đơn vị trong từng giai đoạn 5 năm và cả luân kỳ.

12. Hoạt động bảo vệ rừng

- Xây dựng quy chế và biện pháp quản lý bảo vệ cho từng vùng chức năng, bao gồm: Vùng bảo tồn; phòng hộ; vùng chức năng rừng bảo vệ đất; bảo vệ lưu vực nước; bảo vệ khu rừng có giá trị bảo tồn cao; bảo vệ môi trường sống của động vật hoang dã và các vùng chức năng rừng bảo vệ di tích, văn hoá, tín ngưỡng của người dân sở tại;

- Lập kế hoạch bảo vệ các loài động vật, thực vật rừng quý hiếm: Lập danh mục các loài quý hiếm, xác định khu vực phân bố, phương thức tuyên truyền và xây dựng các hoạt động bảo vệ.

- Lập kế hoạch bảo vệ phòng chống cháy và sâu bệnh hại rừng: xác định thời điểm có nguy cơ cao, xây dựng biện pháp phòng trừ và đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ công tác phòng chống.

- Lập kế hoạch bảo vệ rừng chống chặt phá xâm lấn rừng: Xác định phương thức tổ chức thực hiện, biện pháp phối hợp giữa đơn vị với chính quyền địa phương trong bảo vệ rừng; kế hoạch xây dựng trạm bảo vệ rừng (số lượng, địa điểm)...

13. Hoạt động lâm nghiệp cộng đồng

- Xác định các hoạt động của đơn vị hỗ trợ người dân và cộng đồng; trách nhiệm của người dân, cộng đồng, chính quyền địa phương, và các tổ chức cá nhân khác liên quan trong công tác sản xuất kinh doanh và công tác bảo vệ, phát triển rừng của đơn vị.

- Xác định tổng số lao động có việc làm; mức thu nhập người dân được hưởng lợi khi tham gia nhận khoán quản lý bảo vệ rừng; trồng rừng; chăm sóc rừng trồng và các hoạt động khác của đơn vị.

- Xác định tổng giá trị lâm sản người dân có được (gỗ làm nhà, gỗ làm đồ gia dụng; khai thác lâm sản ngoài gỗ tre nứa theo phương thức phân tán…) và các công trình phúc lợi người dân được hưởng lợi trong quá trình kinh doanh của đơn vị.

14. Hoạt động kiểm kê, thống kê đánh giá tài nguyên rừng

Xây dựng kế hoạch thống kê, kiểm kê, đánh giá tài nguyên hàng năm, 5 năm, trong đó nêu cụ thể phương pháp thực hiện, yêu cầu số liệu, nguồn lực để thực hiện.

15. Hoạt động giám sát đánh giá

Xác định nội dung giám sát đánh giá, thời gian thực hiện cho từng năm và các giai đoạn 5 năm.

V. VIẾT THUYẾT MINH PHƯƠNG ÁN

Viết thuyết minh và xây dựng các bảng biểu của phương án (theo phụ lục III, IV đính kèm).

 

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 778/TCLN-SDR năm 2012 về hướng dẫn xây dựng Phương án Quản lý rừng bền vững do Tổng cục Lâm nghiệp ban hành

  • Số hiệu: 778/TCLN-SDR
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 13/06/2012
  • Nơi ban hành: Tổng cục Lâm nghiệp
  • Người ký: Nguyễn Bá Ngãi
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 13/06/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản