Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 570/BNN-TCLN | Hà Nội, ngày 04 tháng 03 năm 2011 |
Kính gửi: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh
Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng số 29/2004/QH11 ngày 25 tháng 12 năm 2004 của Quốc hội khóa X, Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 3/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng và Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế quản lý rừng;
Căn cứ Luật Đất đai số 13/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003 của Quốc hội khóa X và Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai;
Căn cứ kết quả rà soát quy hoạch 3 loại rừng theo Quyết định 3209/QĐ-UBND ngày 29/12/2006 và số 360/QĐ-UBND ngày 25/12/2008 của UBND tỉnh Hà Tĩnh;
Căn cứ Công văn số 3336/SNN-LN ngày 08 tháng 11 năm 2010 của Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Tĩnh về việc thẩm định phương án quản lý rừng bền vững của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn;
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, về cơ bản thống nhất với phương án quản lý rừng bền vững của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn tỉnh Hà Tĩnh, với những nội dung chính như sau:
1. Tên phương án: Phương án quản lý rừng bền vững Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn.
2. Thời gian thực hiện: Giai đoạn từ năm 2011-2046 (35 năm)
3. Hiện trạng rừng và sử dụng đất lâm nghiệp:
Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn được giao quản lý là 38.448,0 ha (Rừng sản xuất 13.641,0 ha, rừng phòng hộ 24.333,2 ha, đất khác 473,8 ha), nằm trên địa bàn 5 xã: Sơn Hồng, Sơn Tây, Sơn Kim 1, Sơn Kim 2 và Thị trấn Tây Sơn, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, trong đó:
- Rừng tự nhiên: 36.961,9 ha
Trong đó:
+ Rừng giàu: 18.203,3 ha
+ Rừng trung bình: 8.509,5 ha
+ Rừng nghèo: 8.126,5 ha
+ Rừng non: 1.227,0 ha
+ Rừng hỗn giao: 620,6 ha
- Rừng trồng: 275,0 ha
- Đất không có rừng: 1.012,3 ha
- Đất khác: 473,8 ha
4. Nguyên tắc xây dựng phương án
- Tuân thủ pháp luật của Nhà nước và những thỏa thuận quốc tế mà Nhà nước đã ký kết, đồng thời tuân theo những tiêu chuẩn và tiêu chí của FSC.
- Đảm bảo quyền sử dụng lâu dài đất và tài nguyên rừng. Tài nguyên đất và rừng phải được xác lập rõ ràng, tài liệu hóa và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Tôn trọng quyền hợp pháp và theo phong tục của người dân địa phương về quản lý, sử dụng và hưởng lợi từ rừng và đất của họ.
- Thực hiện các hoạt động quản lý kinh doanh rừng, đảm bảo lợi ích kinh tế - xã hội lâu dài của người lao động lâm nghiệp và các cộng đồng địa phương.
- Thực hiện những hoạt động quản lý kinh doanh rừng, khuyến khích sử dụng có hiệu quả các sản phẩm và dịch vụ đa dạng của rừng để đảm bảo tính bền vững kinh tế và tính đa dạng của những lợi ích môi trường và xã hội.
- Chú trọng thực hiện bảo tồn và những giá trị đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn nước, đất đai, hệ sinh thái và sinh cảnh đặc thù dễ bị tổn thương, duy trì các chức năng sinh thái và toàn vẹn của rừng.
- Có kế hoạch quản lý phù hợp trong phạm vi và cường độ hoạt động lâm nghiệp, với những mục tiêu rõ ràng và biện pháp thực thi cụ thể và được thường xuyên cập nhật.
- Thực hiện giám sát và đánh giá định kỳ tương ứng với cường độ sản xuất kinh doanh để nắm được tình hình rừng, sản xuất các sản phẩm, chuỗi hành trình, các hoạt động quản lý rừng và những tác động môi trường và xã hội.
- Luôn luôn duy trì rừng có giá trị bảo tồn.
5. Mục tiêu phương án
Mục tiêu chung: Quản lý, sử dụng rừng bền vững nhằm đảm bảo kinh doanh rừng được liên tục, lâu dài với năng suất, hiệu quả cao; Phát triển thêm diện tích và nâng cao chất lượng rừng, đồng thời duy trì được khả năng phòng hộ môi trường, hạn chế xói mòn đất và nâng cao tính đa dạng sinh học của rừng; Tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân địa phương sống gần và ven rừng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.
Mục tiêu cụ thể:
- Quản lý bảo vệ toàn bộ diện tích rừng hiện có;
- Phát triển rừng:
+ Trồng mới 570,8 ha rừng;
+ Làm giàu 4.463,2 ha rừng tự nhiên;
+ Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh 441,5 ha rừng phòng hộ;
- Sử dụng gỗ: Khai thác hợp lý gỗ và lâm sản theo các quy định hiện hành;
- Nâng độ che phủ của rừng lên 97% khi định hình.
6. Bố trí quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp và kế hoạch bảo vệ phát triển rừng trong 35 năm tới.
Trên cơ sở kết quả điều tra hiện trạng rừng, đất lâm nghiệp của công ty, căn cứ vào quy hoạch 3 loại rừng theo quyết định của UBND tỉnh Hà Tĩnh thì quỹ rừng và đất rừng quy hoạch theo mục đích sử dụng và lập kế hoạch bảo vệ, phát triển, kinh doanh rừng như sau:
Biểu 1: Quy hoạch mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp
Hiện trạng đất và rừng | Quy hoạch mục đích sử dụng và hoạt động | ||
Loại đất và rừng | Diện tích | Mục đích | Diện tích |
Tổng diện tích tự nhiên | 38.448,0 | Tổng diện tích | 38.448,0 |
A. Rừng sản xuất | 13.641,0 | A. Rừng sản xuất | 12.594,9 |
I. Rừng gỗ tự nhiên | 12.326,6 | I. Kinh doanh rừng gỗ tự nhiên | 11.280,5 |
1. Rừng giàu | 2.992,9 |
|
|
2. Rừng trung bình | 6.701,7 |
|
|
3. Rừng nghèo | 2.632,0 |
|
|
Trong đó: Rừng non | 762,4 |
|
|
II. Rừng tự nhiên hỗn giao | 620,6 | II. Kinh doanh lâm sản rừng hỗn giao | 620,6 |
III. Rừng trồng | 235,1 | III. Kinh doanh gỗ rừng trồng | 693,8 |
IV. Đất trống | 458,7 |
|
|
- Trạng thái Ib | 245,6 |
|
|
- Trạng thái Ic | 213,1 |
|
|
B. Rừng phòng hộ | 24.333,2 | B. Rừng phòng hộ | 24.333,2 |
I. Rừng tự nhiên | 23.739,7 | 1. Rừng tự nhiên | 24.181,2 |
1. Rừng giàu | 15.265,5 | 2. Rừng trồng | 152,0 |
2. Rừng trung bình | 4.336,5 |
|
|
3. Rừng nghèo | 3.673,1 |
|
|
Trong đó: Rừng non | 464,6 |
|
|
II. Rừng trồng | 39,9 |
|
|
III. Đất trống | 553,6 | C. Kinh doanh khác | 1.046,1 |
- Trạng thái Ib | 112,1 | Trồng cao su theo quy hoạch | 1.041,1 |
- Trạng thái Ic | 441,5 |
|
|
C. Đất khác | 473,8 | D. Đất khác | 473,8 |
Biểu 2. Kế hoạch bảo vệ, phát triển và kinh doanh rừng của công ty
Các chỉ tiêu nhiệm vụ chủ yếu | Tổng số | Nhiệm vụ 10 năm đầu | T. số từ năm 11-20 | T. số từ năm 21-35 | ||||||
T.số 5 năm đầu | Năm 01 (2011) | Năm 02 (2012) | Năm 03 (2013) | Năm 04 (2014) | Năm 05 (2015) | T.số từ năm 06-10 | ||||
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 |
I. Khai thác gỗ |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1. Khai thác chính rừng SX là rừng tự nhiên |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
a. Diện tích (ha) | 7.245 | 1.035 | 207 | 207 | 207 | 207 | 207 | 1.035 | 2.070 | 3.105 |
b. Sản lượng (m3) | 210.000 | 30.000 | 6.000 | 6.000 | 6.000 | 6.000 | 6.000 | 30.000 | 60.000 | 90.000 |
2. Khai thác gỗ rừng trồng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
a. Diện tích (ha) | 805,9 | Chưa có |
|
|
|
|
| Chưa có | 235,1 | 570,8 |
b. Sản lượng (m3) | 120.885 | Chưa có |
|
|
|
|
| Chưa có | 35.265 | 85.620 |
II. Trồng rừng Trong đó: - Trồng mới + Rừng sản xuất + Rừng phòng hộ - Trồng lại rừng sau khai thác | 1.376,7
570,8 458,7 112,1 805,9 | 570,8
570,8 458,7 112,1 | 112
112 90 22 | 112
112 90 22 | 112
112 90 22 | 112
112 90 22 | 122,8
122,8 98,7 24,1 |
|
|
805,9 |
III. Khoán BVR cho cộng đồng dân cư (ha) | 1.000 | 1.000 | 1.000 | 1.000 | 1.000 | 1.000 | 1.000 | 1.000 | 1.000 | 1.000 |
IV. Xây dựng đường (km) |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
a. Đường vận chuyển | 90 | 30 | 6 | 6 | 6 | 6 | 6 | 10 | 20 | 30 |
b. Đường vận xuất | 350 | 50 | 10 | 10 | 10 | 10 | 10 | 50 | 100 | 150 |
V. Chế biến (m3 gỗ tròn) | 210.000 | 30.000 | 6.000 | 6.000 | 6.000 | 6.000 | 6.000 | 30.000 | 60.000 | 90.000 |
7. Kế hoạch sản xuất kinh doanh đảm bảo tính bền vững
7.1. Khai thác rừng tự nhiên
Trên cơ sở năng lực rừng hiện có, đối tượng rừng đưa vào khai thác phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, cụ thể:
- Khai thác rừng phải gắn với việc thực hiện các biện pháp lâm sinh, nhằm điều chỉnh được cấu trúc của rừng và dẫn dắt rừng phát triển ngày càng tốt hơn, cho năng suất cao hơn ở luân kỳ sau.
- Đối tượng rừng đưa vào khai thác chính là những khu rừng đã đạt tuổi thành thục (rừng giàu), đối với từng cây khai thác chính phải đạt đường kính tối thiểu theo từng nhóm gỗ được khai thác theo quy định (trước mắt là Quyết định 40/2005/QĐ-BNN) cụ thể như sau: Gỗ nhóm I và II: là 50cm, gỗ nhóm III đến VI: 45cm, gỗ nhóm VII và VIII: 40cm. Trong quá trình triển khai thực hiện phương án, công ty có trách nhiệm tổng kết thực tiễn hoặc cập nhật những quy định mới của Bộ Nông nghiệp và PTNT về cấp kính được phép khai thác chính đối với từng loài cây trên những điều kiện lập địa cụ thể.
- Mỗi ha giữ lại ít nhất 4 cây làm giống, có hình dạng tốt, là loài có giá trị (chú ý phân bố khoảng cách đều).
- Ưu tiên bài cây khai thác và bài chừa cho những cây có đường kính lớn trước, khoảng cách giữa hai cây khai thác tối thiểu phải là 10m.
- Về sản lượng khai thác, theo kết quả điều tra của công ty và dự kiến trong luân kỳ đầu, công ty đưa diện tích rừng giàu, rừng trung bình vào khai thác thì tổng diện tích khai thác trong cả luân kỳ là 7.271 ha (Diện tích khai thác = 9.694.6 ha rừng giàu và trung bình * 0.75 hệ số tiếp cận). Như vậy, diện tích dự kiến khai thác bình quân hàng năm là 207 ha/năm.
Tính toán trên cơ sở trữ lượng rừng thành thục đưa vào khai thác (186 m3/ha) và theo các quy định hiện hành thì sản lượng được phép khai thác là 6.738 m3/năm (Sản lượng khai thác = 186 m3/ha (trữ lượng rừng giàu) * 0,25 (cường độ khai thác chính bình quân) * 0,7 (tỷ lệ lợi dụng gỗ gỗ lớn) * 207 (diện tích được phép khai thác một năm).
Như vậy, để không vượt tăng trưởng của rừng và đáp ứng được yêu cầu ổn định trong cả luân kỳ thì sản lượng khai thác bình quân tối đa là 6.700 m3/năm.
- Về tổ chức khai thác: Công ty tự tổ chức khai thác theo quy trình khai thác tác động thấp, các quy định hiện hành về khai thác gỗ và lâm sản và tự tổ chức giám sát thường xuyên.
7.2. Khai thác lâm sản ngoài gỗ
Khai thác tre nứa trên diện tích 620,6 ha rừng hỗn giao gỗ + nứa hiện có, dự kiến sản lượng bình quân khai thác 0,8 ngàn cây/ha. Tổng sản lượng 465,5 ngàn cây/năm.
Khai thác các loại song mây có trong rừng tự nhiên, sản lượng khai thác hàng năm dự kiến là 300.000 sợi mây/năm.
Biện pháp khai thác: Thu hút lực lượng lao động trong cộng đồng để hợp đồng khai thác theo kế hoạch của công ty.
7.3. Chế biến gỗ:
Trước mắt duy trì 2 xưởng chế biến lâm sản và 1 xưởng mộc, với công suất từ 3.000 - 3.500 m3/năm, sản xuất gỗ xẻ phục vụ xây dựng, ván ghép thanh, tinh chế đồ mộc dân dụng, mây tre đan và gia công mỹ nghệ xuất khẩu;
Từ năm 2015 trở đi xây dựng mới 1 xưởng chế biến và mở mang xí nghiệp chế biến lâm sản ngoài gỗ song mây, tre nứa, chế biến tinh bột giấy, ván ép để tận dụng tối đa các lâm sản hiện có, thu mua nguyên liệu từ rừng trồng cho nhân dân trong vùng, nhằm hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi, có điều kiện đầu tư lại rừng, tăng tích lũy và nộp ngân sách Nhà nước;
7.4. Bảo vệ rừng
- Tuyên truyền, phổ biến danh mục những loài động, thực vật nguy cấp quý hiếm, tầm quan trọng của việc bảo tồn các loài động vật này cho đông đảo quần chúng nhân dân, học sinh các trường phổ thông trên địa bàn, để không săn bắn giết hại chúng.
- Tăng cường tuần tra canh gác bảo vệ, lập các biển báo tuyên truyền và tổ chức các trạm gác cửa rừng ở những nơi xung yếu.
- Phối hợp chặt chẽ giữa Công ty với chính quyền địa phương, lực lượng bộ đội biên phòng đóng trên địa bàn để kiểm tra, giám sát phát hiện kịp thời các vụ việc xảy ra.
- Xây dựng phương án phòng, chống cháy rừng và củng cố Ban chỉ đạo và chỉ huy PCCR, thực hiện phương châm 4 tại chỗ, ngăn chặn kịp thời việc lây lan khi xảy ra cháy rừng; kiểm soát, phòng ngừa sâu bệnh hại rừng nhất là rừng trồng theo quy định.
- Ưu tiên khoán bảo vệ đối với những vùng giáp ranh khu vực dân cư, gần đường giao thông với tổng diện tích khoán bảo vệ rừng khoảng 1.000 ha cho các hộ gia đình thuộc 2 xã ven lâm phần.
7.5. Thực hiện các giải pháp lâm sinh
- Nuôi dưỡng rừng sau khai thác: 7.271 ha, bình quân mỗi năm 207 ha;
- Làm giàu rừng: 4.463,2 ha, giai đoạn 5 năm đầu 874,6 ha.
- Trồng rừng: 1.512,1 ha
Trong đó:
+ Trồng rừng mới: 570,8 ha (phòng hộ: 112,1 ha; sản xuất: 458,7 ha)
+ Trồng lại rừng sản xuất sau khai thác: 693,6 ha.
- Khoanh nuôi rừng phòng hộ: 441,5 ha
7.6. Theo dõi đánh giá tài nguyên rừng:
Định kỳ hàng năm và 5 năm tiến hành thống kê, kiểm kê, đánh giá tài nguyên rừng trong lâm phần, tính toán sơ bộ lượng tăng trưởng của rừng so với trữ lượng rừng hiện nay để rà soát điều chỉnh phương án sản xuất kinh doanh cho phù hợp.
Công ty cần xây dựng hệ thống các ô tiêu chuẩn cố định theo tuyến trên các loại rừng, thu thập các số liệu về trữ sản lượng rừng, lượng tăng trưởng, loài cây phân bố, số cây trên cấp kính, mật độ tái sinh … phục vụ cho công việc kinh doanh rừng trong tương lai.
7.7. Xây dựng cơ sở hạ tầng:
- Duy tu sửa chữa các tuyến đường vận chuyển lâm sản với tổng chiều dài khoảng 90km
- Làm mới đường vận xuất 350km;
- Xây dựng nhà xưởng chế biến lâm sản mới với diện tích khoảng 2 ha;
- Xây dựng thêm 2 trạm quản lý bảo vệ rừng.
7.8. Kinh doanh khác: Công ty thực hiện chương trình trồng 1.046,1 ha cao su theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và theo các quy định hiện hành về việc chuyển rừng và đất lâm nghiệp để trồng cao su.
8. Hiệu quả phương án:
a) Về kinh tế
- Giá trị sản phẩm bán được từ các hoạt động khai thác rừng tự nhiên giai đoạn 5 năm đầu là 5.534,6 triệu đồng;
- Giá trị sản phẩm từ chế biến 7.820,0 triệu đồng;
- Giá trị từ lĩnh vực kinh doanh nhà nghỉ, dịch vụ doanh thu bình quân 900 triệu đồng/năm;
- Diện tích có rừng được tăng lên từ: trồng rừng trong giai đoạn 5 năm đầu là 570,8 ha, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng 411,5 ha;
b) Hiệu quả xã hội
- Hàng năm tạo đủ việc làm, đảm bảo thu nhập cho 350 cán bộ công nhân viên của Công ty, 150 lao động hợp đồng có tính thời vụ;
- Hoạt động của Công ty được ổn định, đời sống cán bộ công nhân viên, các hộ dân gần rừng có thêm việc làm đời sống được tăng lên. Góp phần ổn định kinh tế của khu vực.
c) Hiệu quả về môi trường
Bảo vệ được diện tích rừng hiện có, nâng cao độ che phủ của rừng từ 93,9% lên 97% khi định hình. Điều tiết dòng chảy của sông Ngàn Phố, góp phần giảm nhẹ những hiểm họa của thiên tai, hạn chế xói mòn rửa trôi bề mặt. Bảo vệ môi trường sinh thái và tính đa dạng sinh học của khu vực.
9. Những ý kiến khác
9.1. Về cơ sở, căn cứ để xây dựng phương án: Công ty cần xác định những tiêu chuẩn, nguyên tắc nào công ty đã đáp ứng được còn những tiêu chuẩn, nguyên tắc nào chưa đáp ứng để đề ra lộ trình thực hiện, đồng thời nêu rõ những căn cứ xây dựng kế hoạch triển khai và cơ sở đánh giá kết quả của phương án sau này.
9.2. Về sự cần thiết để xây dựng phương án: Trong phương án cần nêu rõ hơn những vấn đề nào về quản lý rừng bền vững còn tồn tại, nguyên nhân dẫn đến các tồn tại đó, trên cơ sở này mới cần thiết xây dựng phương án quản lý rừng bền vững để khắc phục.
9.3. Về chế biến gỗ: Trong phương án cần xác định cụ thể các danh mục, hạng mục đầu tư xây dựng cơ bản, hệ thống thiết bị máy móc cần đầu tư để đạt được yêu cầu nâng cao tỷ lệ lợi dụng gỗ, tạo ra các sản phẩm tinh chế có giá trị kinh tế cao.
9.4. Về xác định sản lượng khai thác
Phương án đưa ra 2 công thức để tính toán sản lượng, tuy nhiên trong điều kiện chưa có nghiên cứu đầy đủ về lượng tăng trưởng của rừng, chưa có số liệu chính xác về hiện trạng rừng, và các chỉ tiêu như: hệ số lệch chuẩn; tỷ lệ cây có chất lượng tốt; trữ lượng bình quân đạt cấp kính khai thác … nên việc tính toán sản lượng khai thác theo 2 công thức là chưa có cơ sở, do đó đã có sự chênh lệch lớn (47%) về sản lượng khai thác hàng năm.
Từ phân tích trên, đề nghị Công ty không tính toán sản lượng theo 2 công thức trong phương án mà áp dụng theo phương pháp tính toán tại điểm 7.1, Mục 7 nêu trên. Đồng thời, căn cứ vào biểu 01 (bố trí quy hoạch đất đai) và phương pháp xác định sản lượng gỗ khai thác đã nêu ở điểm 7.1 mục 7, xây dựng kế hoạch khai thác 01 năm, giai đoạn 5 năm và cả luân kỳ chi tiết đến từng khoảnh, tiểu khu và bổ sung những yêu cầu về kỹ thuật khai thác chính gỗ rừng tự nhiên đảm bảo mục tiêu bền vững. Hàng năm hoặc sau giai đoạn 5 năm cần có đánh giá lại tài nguyên rừng, nếu trữ lượng rừng tăng thì có thể điều chỉnh tăng sản lượng khai thác, nếu trữ lượng rừng giảm thì phải điều chỉnh giảm sản lượng khai thác hàng năm ở những giai đoạn sau.
Về quy trình khai thác gỗ, trong phương án nêu áp dụng theo quy trình khai thác tác động thấp là phù hợp, tuy nhiên đề nghị trước mắt chỉ nên xác định làm mô hình thí điểm, sau đó mới rút kinh nghiệm để triển khai trên diện rộng. Mô hình thí điểm phải được thể hiện trong phương án là bao nhiêu ha và thực hiện trong thời gian là bao lâu.
9.5. Về vốn đầu tư: Cần xây dựng các giải pháp cụ thể để thu hút vốn đầu tư như: xác định cụ thể những lĩnh vực hoạt động cần phải thu hút, hấp dẫn các nhà đầu tư và đề xuất cơ chế bảo đảm cho các thành phần kinh tế trên địa bàn tham gia các hoạt động sản xuất của công ty.
9.6. Về hoạt động hỗ trợ người dân và cộng đồng, trong phương án chưa được đề cập cụ thể, đề nghị bổ sung: Hàng năm người dân và cộng đồng dân cư được chia sẻ lợi ích như thế nào đối với kết quả sản xuất kinh doanh của công ty, phương án để người dân tự khai thác hoặc công ty cung ứng gỗ như thế nào để cho người dân đáp ứng được nhu cầu thiết yếu.
9.7. Về hệ thống giải pháp: Trong phương án đã nêu được khái quát nội dung cần thiết để triển khai các nhiệm vụ, tuy nhiên cần lưu ý một số điểm sau:
- Cần phải xây dựng được cơ chế tự giám sát, đánh giá của Công ty, cần báo cáo giám sát hàng năm với cấp trên, với cộng đồng dân cư, chính quyền địa phương và với cán bộ, công nhân viên công ty. Xây dựng quy chế và biện pháp phối hợp giữa công ty với cộng đồng dân cư và chính quyền địa phương để thực hiện việc giám sát, kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng.
- Dân cư sống trong khu vực lâm phận của Công ty đại đa số là người đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ dân trí thấp, đây cũng là nguy cơ tiềm ẩn đối với tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng trái phép, vì vậy, cần đề ra giải pháp cụ thể để thu hút người dân tham gia hoạt động sản xuất của công ty lâu dài, có thu nhập ổn định để người dân không phá rừng. Hỗ trợ người dân về giống cây trồng, kỹ thuật canh tác nông, lâm nghiệp và làm dịch vụ tiêu thụ sản phẩm của người dân sản xuất ra.
9.8. Về các kiến nghị: Về cơ bản các cơ chế, chính sách nhà nước đều đã được ban hành, tùy theo điều kiện thực tế của địa phương mà công ty kiến nghị với tỉnh thực hiện như thế nào để mang lại hiệu quả cao nhất, ví dụ như: có những biện pháp gì để hạn chế xâm lấn đất rừng; tạo điều kiện như thế nào để công ty tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi để hỗ trợ công ty và người dân trồng rừng sản xuất; điều chỉnh về chính sách thu nộp, sử dụng thuế tài nguyên rừng như thế nào cho hợp lý … Những kiến nghị này cần được Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất và thể hiện trong quyết định phê duyệt phương án mới có cơ sở thực hiện.
9.9. Về hiệu quả phương án: Ngoài nâng cao hiệu quả về môi trường, trong phương án cần phải tính toán cụ thể về hiệu quả sản xuất kinh doanh để đảm bảo phương án thực hiện được ổn định và bền vững, cụ thể cần phải nêu rõ lợi nhuận thu được, các khoản nộp ngân sách và tăng thu nhập cho người lao động được bao nhiêu.
Trên đây là ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với Phương án quản lý rừng bền vững của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn, đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn Công ty chỉnh sửa, bổ sung hoàn chỉnh thêm, sau đó trình UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt phương án để triển khai thực hiện.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1Quyết định 40/2005/QĐ-BNN về Quy chế về khai thác gỗ và lâm sản khác do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2Nghị định 23/2006/NĐ-CP thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng
- 3Quyết định 186/2006/QĐ-TTg ban hành Quy chế quản lý rừng do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Luật Đất đai 2003
- 5Nghị định 181/2004/NĐ-CP thi hành Luật Đất đai
- 6Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004
- 7Công văn 778/TCLN-SDR năm 2012 về hướng dẫn xây dựng Phương án Quản lý rừng bền vững do Tổng cục Lâm nghiệp ban hành
Công văn 570/BNN-TCLN về thẩm định Phương án Quản lý rừng bền vững của Công ty trách nhiệm hữu hạn MTV Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- Số hiệu: 570/BNN-TCLN
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 04/03/2011
- Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Người ký: Hứa Đức Nhị
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 04/03/2011
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra