Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
CỤC QUAN HỆ LAO ĐỘNG
VÀ TIỀN LƯƠNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 618/QHLĐTL-CSLĐ
V/v hướng dẫn tính chế độ đối với người lao động dôi dư khi cổ phần hóa

Hà Nội, ngày 11 tháng 11 năm 2019

 

Kính gửi: Ông Bùi Văn Ngọc, Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn
(18A Đinh Tiên Hoàng, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh)

Trả lời kiến nghị của ông Bùi Văn Ngọc, Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn đề nghị hướng dẫn tính chế độ đối với người lao động dôi dư khi cổ phần hóa do Văn phòng Chính phủ chuyển đến tại công văn số 8032/VPCP-ĐMDN ngày 06 tháng 9 năm 2019, sau khi nghiên cứu, Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau:

1. Khi thực hiện chuyển công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần thì việc xây dựng phương án sử dụng lao động, thực hiện chính sách đối với người lao động được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần và Thông tư số 07/2016/TT-BLĐTBXH ngày 01 tháng 8 năm 2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn xây dựng phương án sử dụng lao động và thực hiện chính sách đối với người lao động khi cổ phần hóa quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP nêu trên.

Trường hợp trong phương án sử dụng lao động có danh sách người lao động, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp cổ phần hóa chuyên trách tại doanh nghiệp khác không thể bố trí được việc làm và phải chấm dứt hợp đồng lao động thì căn cứ quy định tại Nghị định số 63/2015/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định chính sách đối với người lao động dôi dư trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và Thông tư số 44/2015/TT-BLĐTBXH ngày 22 tháng 10 năm 2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 63/2015/NĐ-CP phân loại, rà soát thời gian làm việc, dự kiến thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động, tính toán chế độ và tổng hợp nguồn kinh phí giải quyết chế đối với người lao động dôi dư.

2. Căn cứ quy định tại Nghị định số 63/2015/NĐ-CP, Thông tư số 44/2015/TT-BLĐTBXH và nội dung hỏi của ông Bùi Văn Ngọc kèm theo văn bản số 8032/VPCP-ĐMDN nêu trên thì:

a) Trường hợp ông Trần Văn A sinh ngày 25 tháng 02 năm 1966 được tuyển dụng lần cuối cùng vào Công ty nhà nước Y (nay là Công ty TNHH một thành viên X) ngày 01 tháng 02 năm 1993 (trước ngày 21 tháng 4 năm 1998).

Trước khi được tuyển dụng vào làm việc tại Công ty nhà nước Y, Ông A có thời gian làm việc tại công ty nhà nước M từ ngày 01 tháng 5 năm 1989 đến ngày 31 tháng 01 năm 1993. Khi Công ty TNHH một thành viên X cổ phần hóa và không bố trí được việc làm mà phải cho ông A chấm dứt hợp đồng lao động, khi đó ông A được hưởng chính sách lao động dôi dư quy định tại Khoản 4 Điều 3 Nghị định số 63/2015/NĐ-CP. Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm, khoản tiền hỗ trợ được xác định theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 63/2015/NĐ-CP và Điều 4 Thông tư số 44/2015/TT-BLĐTBXH từ ngày 01 tháng 5 năm 1989 đến thời điểm dự kiến chấm dứt hợp đồng.

b) Trường hợp ông Đỗ Duy C sinh ngày 25 tháng 02 năm 1966 được tuyển dụng lần cuối cùng vào công ty nhà nước Y (nay là Công ty TNHH một thành viên X) ngày 01 tháng 4 năm 1994 (trước ngày 21 tháng 4 năm 1998), khi Công ty TNHH một thành viên X cổ phần hóa và không bố trí được việc làm mà phải cho ông C chấm dứt hợp đồng lao động, khi đó ông C được hưởng chính sách lao động dôi dư quy định tại Khoản 4 Điều 3 Nghị định số 63/2015/NĐ-CP. Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm, khoản tiền hỗ trợ được xác định theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 63/2015/NĐ-CP và Điều 4 Thông tư số 44/2015/TT-BLĐTBXH từ ngày 01 tháng 4 năm 1994 đến thời điểm dự kiến chấm dứt hợp đồng.

3. Thời gian làm việc để chia phần còn lại số dư bằng tiền Quỹ khen thưởng của người lao động, Quỹ phúc lợi và mua cổ phần với giá ưu đãi được xác định theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 19, Khoản 1 Điều 42 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, Điều 4, Điều 5 Thông tư số 07/2018/TT-BLĐTBXH nêu trên và được tính đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa.

Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời để Ông biết và thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- TT Lê Văn Thanh (để b/c);
- Vụ Đổi mới doanh nghiệp, VPCP (để biết);
- Cổng Thông tin điện tử Chính phủ (để biết);
- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (để biết);
- Sở LĐTBXH TP. Hồ Chí Minh (để biết);
- Lưu: VT, CSLĐ.

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Xuân Tường

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 618/QHLĐTL-CSLĐ năm 2019 hướng dẫn tính chế độ đối với người lao động dôi dư khi cổ phần hóa do Cục Quan hệ lao động và Tiền lương ban hành

  • Số hiệu: 618/QHLĐTL-CSLĐ
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 11/11/2019
  • Nơi ban hành: Cục Quan hệ lao động và Tiền lương
  • Người ký: Nguyễn Xuân Tường
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/11/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản