Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5237/BNN-BVTV
V/v trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

Hà Nội, ngày 10 tháng 8 năm 2022

 

Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Long An do Ban Dân nguyện chuyển đến theo công văn số 487/BDN ngày 14 tháng 6 năm 2022, nội dung kiến nghị như sau:

Nội dung kiến nghị (Câu số 21)

Cử tri kiến nghị các nhà máy sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của Việt Nam cần có giải pháp về giá bán, vì thực tế giá phân bón trong nước cao ngang bằng giá phân bón nhập khẩu. Như vậy, người dân chưa được hưởng lợi từ các nhà sản xuất trong nước và cũng như ưu tiên sử dụng các mặt hàng được sản xuất trong nước.

Bộ Nông nghiệp và PTNT xin trả lời như sau:

Từ đầu năm 2021 đến nay, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên thị trường thế giới và trong nước liên tục tăng cao, diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, sức cạnh tranh của hàng nông sản và đời sống người nông dân, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn do tác động của thiên tai, dịch bệnh, xung đột địa chính trị. Giá phân bón, thuốc BVTV trong nước cũng tăng theo biến động tăng của thị trường thế giới, tuy nhiên mức tăng thấp hơn so với giá phân bón, thuốc BVTV nhập khẩu cùng loại.

Hiện tại, tổng công suất của các cơ sở sản xuất phân bón trong nước là 29,25 triệu tấn/năm, trong đó, công suất sản xuất phân bón vô cơ là 25,21 triệu tấn/năm, sản xuất phân bón hữu cơ là 4,04 triệu tấn/năm. Các nhà máy sản xuất phân bón trong nước đã sản xuất được hầu hết các loại phân bón chủ lực như phân Ure, phân lân, phân NPK và hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng; các nhà máy sản xuất DAP đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu; trong khi đó phân Kali và phân SA phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu. Phân bón hữu cơ sản xuất đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu mà không phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu; Tổng công suất của các cơ sở sản xuất thuốc BVTV khoảng hơn 300 nghìn tấn/năm. Các nhà máy sản xuất thuốc BVTV thành phẩm đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước cũng như xuất khẩu. Tuy nhiên, Việt Nam chưa sản xuất được các hoạt chất (nguyên liệu đầu vào sản xuất thuốc BVTV) để sản xuất thuốc BVTV thành phẩm, mà chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài.

Trước tình hình giá phân bón và thuốc BVTV tăng cao, Bộ NN và PTNT đã triển khai các giải pháp bình ổn thị trường phân bón, thuốc BVTV trong nước như:

- Tổ chức Hội nghị trao đổi, làm việc với Hiệp hội phân bón Việt Nam, một số doanh nghiệp sản xuất phân bón chủ lực để đánh giá và tìm giải pháp cho vấn đề này. Những giải pháp mà các doanh nghiệp sản xuất đã cam kết thực hiện đó là: (i) vận hành nhà máy phân bón hoạt động với công suất tối đa trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; (ii) thực hiện cắt giảm các hợp đồng xuất khẩu phân bón để ưu tiên nguồn cung cho thị trường trong nước và (iii) hợp lý hóa các chi phí sản xuất, duy trì giá bán theo chi phí nguyên liệu để phân bón đến tay người nông dân với mức giá hợp lý nhất.

- Phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức hội nghị trực tuyến với 13 tỉnh/thành phố Đồng bằng Sông Cửu Long và một số doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn trong nước để cập nhật thị trường phân bón trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại các tỉnh phía Nam và đề xuất giải pháp góp phần bình ổn thị trường phân bón.

- Phối hợp với Bộ Công Thương, các Bộ, ngành có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về giải pháp bình ổn thị trường phân bón. Theo đó, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính: (i) Tiếp tục nghiên cứu việc sửa đổi Luật Thuế số 71 theo hướng đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT; (ii) Nghiên cứu, đề xuất việc áp dụng thuế xuất khẩu đối với phân bón phù hợp với các cam kết quốc tế.

- Tổ chức Hội nghị trực tuyến “Thực trạng và giải pháp quản lý sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long”. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo sản xuất, tăng cường quản lý chất lượng, thanh tra, kiểm tra; đẩy mạnh chuyển đổi số; tuyên truyền, tập huấn sử dụng phân bón nhằm tăng hiệu suất sử dụng, khuyến khích mạnh mẽ sử dụng phân bón hữu cơ, trên cơ sở đó giảm lượng phân bón để giảm chi phí đầu vào, nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường, duy trì sức sản xuất của đất, thực hiện mục tiêu phát triển một ngành nông nghiệp sinh thái, hiệu quả và bền vững.

- Thường xuyên cập nhật tình hình sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh thuốc BVTV ở các quốc gia sản xuất thuốc BVTV lớn như Trung Quốc và Ấn Độ để tham mưu, phù hợp với thực tiễn.

- Ký kết Biên bản ghi nhớ: “Chương trình hợp tác giữa Cục Bảo vệ thực vật và Hội doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam”. Phối hợp với các tổ chức, các cơ sở sản xuất thuốc BVTV lớn để nắm số lượng thuốc BVTV tồn kho chưa đưa vào lưu thông trên thị trường, đặc biệt là các cơ sở sản xuất thuốc BVTV khu vực phía Nam.

- Hướng dẫn cho các cơ sở duy trì sản xuất trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp qua “Phương án 3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 điểm đến” nhằm tối đa công suất sản xuất vật tư nông nghiệp để phục vụ sản xuất nông nghiệp trong nước.

- Tổ chức triển khai công tác tập huấn, truyền thông để chuyển đổi, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp và cán bộ quản lý địa phương về sử dụng phân bón, thuốc BVTV tiết kiệm, an toàn và hiệu quả. Hướng dẫn nông dân áp dụng các gói giải pháp kỹ thuật trong sản xuất nhằm sử dụng phân bón, thuốc BVTV tiết kiệm, an toàn, hiệu quả như chương trình IPM, IPHI, 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI), gieo sạ né rầy, ứng dụng công nghệ sinh thái, mô hình quản lý dịch hại tổng hợp, mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, mô hình liên kết sản xuất.

Các giải pháp tiếp tục triển khai trong thời gian tới

- Khuyến khích, hỗ trợ sản xuất: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang phối hợp Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, các cơ quan liên quan, các địa phương tập trung chỉ đạo, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất phân bón, thuốc BVTV trong nước tiếp tục duy trì, tối đa hóa công suất, sản xuất và cung ứng kịp thời, ưu tiên tối đa lượng phân bón, thuốc BVTV đáp ứng nhu cầu trong nước.

- Sử dụng phân bón, thuốc BVTV tiết kiệm, hiệu quả: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc tuyên truyền, phổ biến, tập huấn và hướng dẫn sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối, sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, tránh lãng phí vừa đảm bảo hiệu quả sản xuất vừa tiết kiệm vật tư đầu vào trong tình hình giá phân bón, thuốc BVTV tăng cao hiện nay.

- Phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang thực hiện các giải pháp thúc đẩy hơn nữa việc sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học thay thế một phần phân bón vô cơ, thuốc BVTV hóa học. Đồng thời, phối hợp các địa phương khuyến khích, hỗ trợ nông dân tự sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ từ nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước (phụ phẩm trồng trọt, chế biến nông sản, chất thải chăn nuôi, rác thải sinh hoạt, v.v.) vừa cải tạo đất, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng, từ đó giảm dần sự lệ thuộc phân bón vô cơ.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các Bộ, ngành, địa phương tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát thị trường phân bón, thuốc BVTV chống đầu cơ tăng giá, áp dụng các biện pháp hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất, lưu thông để góp phần bình ổn thị trường trong nước, đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu tiêu thụ phân bón, thuốc BVTV phục vụ sản xuất nông nghiệp trong nước với mức giá phù hợp.

Các giải pháp nêu trên đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT báo báo với Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 7504/BNN-BVTV ngày 09/11/2021, hiện nay đang được tiếp tục triển khai thực hiện nhằm góp phần bình ổn giá phân bón, thuốc BVTV.

Trên đây là trả lời của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với kiến nghị cử tri tỉnh Long An; trân trọng cảm ơn cử tri tỉnh Long An đã quan tâm đến sự phát triển của ngành nông nghiệp, nông thôn; xin gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An để trả lời cử tri./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Dân nguyện;
- Văn phòng Chính phủ (Vụ QHĐP);
- Văn phòng Bộ (phòng Tổng hợp);
- Lưu: VT, BVTV.

BỘ TRƯỞNG




Lê Minh Hoan