Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5235/BNN-BVTV
V/v trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

Hà Nội, ngày 10 tháng 8 năm 2022

 

Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Long An do Ban Dân nguyện chuyển đến theo công văn số 487/BDN ngày 14 tháng 6 năm 2022, nội dung kiến nghị như sau:

Nội dung kiến nghị (Câu số 23)

Kiến nghị có chính sách khuyến khích sử dụng phân bón hữu cơ thay thế vô cơ để hạn chế lệ thuộc vào việc nhập khẩu phân bón vô cơ, góp phần phát triển nền nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường.

Bộ Nông nghiệp và PTNT xin trả lời như sau:

Hành lang pháp lý về quản lý phân bón nói chung và phân bón hữu cơ nói riêng đã tương đối hoàn thiện, đồng bộ. Việc khuyến khích, hỗ trợ sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ được quy định trong Luật Trồng trọt, củng cố vững chắc về cơ sở pháp lý để phát triển phân bón hữu cơ bền vững, tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực hơn nữa trong thời gian tới. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Chỉ thị số 117/CT-BNN-BVTV ngày 07/01/2020 về tăng cường phát triển và sử dụng phân bón hữu cơ, Chỉ thị số 653/CT-BNN-BVTV ngày 25/01/2022 về sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả. Nhiều địa phương đã ban hành Kế hoạch hành động/Chương trình hành động để thực hiện các Chỉ thị này.

Từ đó, đã có 5.827 sản phẩm phân bón hữu cơ (chiếm 22,8% tổng số sản phẩm phân bón, tăng hơn 8 lần so với năm 2017), 265 nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ (chiếm 31,5% tổng số nhà máy, tăng 1,7 lần) với công suất thiết kế đạt 4,04 triệu tấn/năm (chiếm 13,8% tổng công suất, tăng 1,4 lần). Sản lượng phân bón hữu cơ sản xuất công nghiệp tăng lên 2,63 triệu tấn năm 2020 (gấp gần 2,5 lần năm 2017) và năm 2021 là 2,896 triệu tấn. Một số cơ sở sản xuất được trang bị dây chuyền công nghệ hiện đại, trong đó sử dụng các thiết bị điều khiển tự động, chính xác để điều chỉnh các thông số môi trường (nhiệt độ, pH, độ ẩm); sử dụng các chủng vi sinh vật chức năng hiệu suất cao cho phép xử lý nhanh, hiệu quả nguyên liệu hữu cơ đầu. Một số mô hình sản xuất hiệu quả của các doanh nghiệp đang được áp dụng và nhân rộng.

Tuy nhiên, tình trạng lạm dụng phân bón vô cơ, sử dụng phân bón lãng phí vẫn còn xảy ra ở một số địa phương làm tăng chi phí sản xuất, giảm sức cạnh tranh của hàng nông sản, ô nhiễm môi trường và gây mất cân bằng hệ sinh thái nông nghiệp.

Bộ Nông nghiệp và PTNT đã và đang thực hiện hàng loạt các giải pháp để thay đổi nhận thức của người dân trong việc sử dụng phân bón tiết kiệm và tăng sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp nhằm thúc đẩy người dân thay đổi phương thức canh tác, sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả, giảm chi phí đầu vào, tích hợp đa giá trị trong nông sản hướng tới một nền nông nghiệp bền vững, trách nhiệm và giá trị gia tăng cao thích ứng với biến đổi khí hậu:

- Tiếp tục triển khai công tác tập huấn hướng dẫn sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả gắn với xây dựng các mô hình thực tế cho từng địa phương.

Bộ NN và PTNT đã ban hành tài liệu tập huấn kiến thức chuyên môn và hướng dẫn sử dụng phân bón để các địa phương và doanh nghiệp sản xuất phân bón triển khai tập huấn cho người nông dân. Ngoài ra, Cục BVTV đã và đang trực tiếp triển khai chương trình tập huấn về cấp, quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói gắn với việc tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả cho từng địa phương. Cục đã hoàn thành tập huấn cho cán bộ kỹ thuật nông nghiệp của các tỉnh như: An Giang, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Lâm Đồng, Đồng Nai,… Sau mỗi lớp tập huấn, Cục phối hợp với Sở NN&PTNT cùng với các nhà khoa học, nhà sản xuất phân bón và hộ nông dân tổ chức triển khai các mô hình trình diễn sử dụng phân bón, theo hướng tiết kiệm, hiệu quả trong điều kiện canh tác thực tế tại mỗi địa phương nơi đã được cấp và quản lý theo mã số vùng trồng. Việc tổ chức tập huấn và triển khai mô hình trình diễn cho từng địa phương có thể nói là một giải pháp hết sức thiết thực, hiệu quả để thay đổi thói quen lạm dụng phân bón vô cơ, gây lãng phí, tăng chi phí đầu vào trong trồng trọt hiện nay.

- Tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền

Bộ NN và PTNT đã và đang triển khai tích cực công tác tuyên truyền phổ biến văn bản quy phạm pháp luật cùng với kiến thức chuyên môn về phân bón theo nguyên tắc “5 đúng” và “cân đối”, giới thiệu các mô hình sử dụng phân bón hữu cơ, sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả, đặc biệt là các mô hình sử dụng phân bón cân đối giữa hữu cơ và vô cơ.

Tăng cường tuyên truyền và hướng dẫn nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI), gieo sạ né rầy, ứng dụng công nghệ sinh thái, mô hình quản lý dịch hại tổng hợp,… mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, mô hình liên kết sản xuất.

Hướng dẫn, khuyến khích nông dân tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương (phụ phẩm trồng trọt, chế biến nông sản, chất thải chăn nuôi, rác thải sinh hoạt, v.v.) để tự sản xuất phân bón hữu cơ và sử dụng trong sản xuất nông nghiệp.

Áp dụng các mô hình sản xuất, sử dụng phân bón cân đối, tiết kiệm, hiệu quả phù hợp với điều kiện sản xuất thực tế tại địa phương.

- Thúc đẩy hợp tác công tư (PPP), xây dựng chuỗi liên kết gắn với trách nhiệm hướng dẫn và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả vật tư đầu vào.

Trong các hoạt động hợp tác công tư để xây dựng chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất cần phải nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phân bón trong việc cung ứng các sản phẩm tốt và hướng dẫn bà con nông dân sử dụng một cách hiệu quả. Cục Bảo vệ thực vật đã xây dựng kế hoạch và ký cam kết với các doanh nghiệp phối hợp triển khai các hoạt động tập huấn, tuyên truyền và hướng dẫn sử dụng phân bón hữu cơ, sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối, hiệu quả, tránh lãng phí vừa đảm bảo hiệu quả sản xuất vừa tiết kiệm vật tư đầu vào trong tình hình giá phân bón tăng cao hiện nay.

Ngoài các giải pháp trên, Cục BVTV cũng đã triển khai các giải pháp lâu dài đó là cùng với các cơ quan nghiên cứu, nhà khoa học, các doanh nghiệp sản xuất phân bón xây dựng và triển khai các nghiên cứu phát triển phân bón mới chuyên dùng và quy trình bón phân hợp lý cho mỗi loại đất và cây trồng đặc thù, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, khuyến cáo sử dụng, thúc đẩy sản xuất phân bón hữu cơ đặc biệt là sản xuất tại quy mô nông hộ, tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế, khuyến khích các doanh nghiệp chuyển giao công nghệ mới sản xuất phân bón tiên tiến từ các nước phát triển, phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường và các cơ quan lực lượng chức năng từ trung ương đến địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra để ngăn chặn tình trạng sản xuất, buôn bán phân bón kém chất lượng.

Trên đây là trả lời của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với kiến nghị cử tri tỉnh Long An; trân trọng cảm ơn cử tri tỉnh Long An đã quan tâm đến sự phát triển của ngành nông nghiệp, nông thôn; xin gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An để trả lời cử tri./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Dân nguyện;
- Văn phòng Chính phủ (Vụ QHĐP);
- Văn phòng Bộ (phòng Tổng hợp);
- Lưu: VT, BVTV.

BỘ TRƯỞNG




Lê Minh Hoan

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 5235/BNN-BVTV năm 2022 về khuyến khích, hỗ trợ sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 5235/BNN-BVTV
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 10/08/2022
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Lê Minh Hoan
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản