Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 4292/BNN-TCLN
V/v thẩm định Quy hoạch bo vệ và phát triển rừng tỉnh Bến Tre giai đoạn 2012 - 2020

Hà Nội, ngày 17 tháng 12 năm 2012

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và PTNT) nhận được Tờ trình số 4742/TTr-UBND ngày 16/10/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre về việc đề nghị thẩm định Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Bến Tre giai đoạn 2012 - 2020, Bộ Nông nghiệp và PTNT có ý kiến như sau:

I. NHẬN XÉT KẾT QUẢ QUY HOẠCH BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG TỈNH BẾN TRE

1. Về cơ sở pháp lý, khoa học, độ tin cậy của các nguồn thông tin, tư liệu sử dụng, phương pháp sử dụng và nội dung được giải quyết trong bản quy hoạch:

- Báo cáo Quy hoạch Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Bến Tre giai đoạn 2012 - 2020 có bố cục, nội dung được xây dựng dựa theo hướng dẫn tại Thông tư số 05/2008/TT-BNN ngày 14/01/2008 của Bộ Nông nghiệp và PTNT và các văn bản hướng dẫn hiện hành về lập quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh.

- Các thông tin dữ liệu, nội dung trong báo cáo đã kế thừa tài liệu, kết hợp điều tra bổ sung số liệu thực địa về tình hình phát triển lâm nghiệp tại địa phương.

2. Về sự phù hợp của quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng với chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bến Tre.

Bản quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh đã quan tâm theo hướng trồng rừng, bảo vệ rừng kết hợp trồng cây phân tán nên bản báo cáo cơ bản phù hợp với chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020 và Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020.

3. Về các mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ phát triển rừng và các giải pháp thực hiện quy hoạch.

Theo báo cáo quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh:

a. Mục tiêu: (i) Thiết lập hệ thống rừng ổn định bảo vệ, phát triển, nâng cao hiệu quả của hệ thống rừng phòng hộ ven biển tỉnh Bến Tre, góp phần bảo vệ hệ thống đê biển, cơ sở hạ tầng, cộng đồng dân cư vùng ven biển; (ii) Quản lý bảo vệ tốt diện tích 4.164 ha rừng hiện có, trồng mới thêm 868,9 ha rừng tập trung và mỗi năm trồng khoảng 60 ngàn cây phân tán. Góp phần nâng độ che phủ của rừng từ 1,76% năm 2011 lên 2,12% diện tích tự nhiên của tỉnh vào năm 2020.

Đề nghị địa phương xem xét, bổ sung làm rõ một số vấn đề sau:

- Mục tiêu quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2012-2020 của tỉnh Bến Tre cần xem xét gắn với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2011­-2015 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2015; đồng thời cần gắn với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2011-2020.

- Báo cáo cần bổ sung các chỉ tiêu định lượng về mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường.

b. Một số nhiệm vụ chủ yếu:

- Về Phát triển rừng:

Báo cáo cần xem xét, làm rõ những quỹ đất trống trên bản đồ và thực địa sẽ đưa vào trồng rừng (đặc biệt là trồng mới rừng giai đoạn 2012-2020); Xây dựng phương án ưu tiên phát triển rừng ở đầu nguồn xung yếu, vùng cửa sông và vùng ven biển.

- Về Bảo vệ rừng:

Đề nghị địa phương xem xét, làm rõ vai trò phòng hộ môi trường của rừng, những tác động của việc bảo vệ và phát triển rừng đến môi trường sinh thái của khu vực, từ đó đề xuất các chương trình/ dự án bảo vệ và phát triển rừng nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.

Xem xét, đối chiếu lại nội dung về việc giao rừng cho các chủ rừng và diện tích giao cho các đơn vị quản lý.

- Về Sử dụng rừng:

Các thông tin dữ liệu về sử dụng rừng trong báo cáo quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh đã được đề cập nhưng chưa cụ thể, chưa đi sâu phân tích về tình hình thực tiễn và đề xuất các giải pháp; đề nghị địa phương xem xét, bổ sung:

(i) Đánh giá kết quả về tình hình khai thác, sử dụng rừng trong thời gian qua và kế hoạch các năm tiếp theo trong kỳ quy hoạch đến năm 2020.

(ii) Xem xét những diện tích rừng có cung cấp dịch vụ môi trường rừng trong phạm vi hành chính của tỉnh; xác định các đối tượng phải chi trả và được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng ứng với mỗi lưu vực và xây dựng các đề án, dự án liên quan tại địa phương nhằm thực hiện có hiệu quả về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010.

- Về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.

Đề nghị địa phương xem xét thêm về hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp; tính pháp lý và thực tiễn để quy hoạch 3 loại rừng trong kỳ quy hoạch giai đoạn 2012­-2020 như kế hoạch sử dụng đất (trong đó có đất lâm nghiệp) 5 năm (2011-2015) và quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 đã được phân giao theo Văn bản số 23/CP-KTN ngày 23/02/2012 của Chính phủ; đặc biệt cần phân tích làm rõ hơn về việc dự kiến sẽ chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang mục đích khác trong thời kỳ 2012-2020 là 371,2 ha.

c. Về các giải pháp thực hiện quy hoạch

Để thực hiện tốt quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020, các nhóm giải pháp sau cần được xem xét cụ thể và bổ sung làm rõ trong báo cáo:

(i) Giải pháp về cơ chế, chính sách và pháp luật; (ii) Giải pháp đổi mới tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển lâm nghiệp; (iii) Giải pháp về quy hoạch, kế hoạch và giám sát; (iv) Giải pháp về huy động vốn đầu tư; (v) Giải pháp về khoa học công nghệ; (vi) Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực; (vii) Giải pháp hợp tác quốc tế.

4. Về khả năng huy động nguồn vốn đầu tư thực hiện quy hoạch.

Theo báo cáo quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh, tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2012-2020 là: 75.583,054 triệu đồng, trong đó: giai đoạn 2012-2015 là 42.454,256 triệu đồng và giai đoạn 2016-2020 là 33.128,799 triệu đồng. Tổng vốn trên dự kiến phân bổ theo các nguồn như sau:

- Vốn Ngân sách: 45.521,454 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 60,23% tổng vốn đầu tư.

- Vốn liên doanh, liên kết: 6.760,160 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 8,94% tổng vốn đầu tư.

- Vốn tài trợ: 2.741,630 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 3,63% tổng vốn đầu tư.

- Vốn tự có: 7.291,570 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 9,65% tổng vốn đầu tư.

- Vốn dân: 13.268,240 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 17,55% tổng vốn đầu tư.

Đề nghị địa phương xem xét lại mục tiêu và các nội dung, chương trình ưu tiên cần thực hiện trong kỳ quy hoạch để làm cơ sở tính toán, đề xuất cơ cấu vốn cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn; đồng thời bổ sung và làm rõ thêm phần giải pháp hợp tác quốc tế, xây dựng danh mục các chương trình, dự án quốc tế ưu tiên nhằm kêu gọi và thu hút đầu tư cho kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng.

II. ĐÁNH GIÁ BẢN BÁO CÁO QUY HOẠCH BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG

Báo cáo quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Bến Tre giai đoạn 2011 - 2020 có bố cục, nội dung được xây dựng dựa theo hướng dẫn tại Thông tư số 05/2008/TT-BNN ngày 14/01/2008 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng. Các nội dung trong báo cáo cơ bản đã được đề cập nhưng chưa đầy đủ và chặt chẽ; báo cáo cần bổ sung thêm một số nội dung, cập nhật các thông tin, dữ liệu và hoàn chỉnh để phê duyệt (chi tiết được nêu tại Báo cáo thẩm định số 1706/BC-TCLN-KHTC ngày 10/12/2012 của Tổng cục Lâm nghiệp kèm theo).

Căn cứ vào các nhận xét, đánh giá nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre tổ chức, chỉ đạo bổ sung, hoàn chỉnh báo cáo quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2012 - 2020 của địa phương trước khi trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua và phê duyệt theo quy định hiện hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Tổng cục Lâm nghiệp;
- Sở NN và PTNT tỉnh Bến Tre;
- Lưu: VT, TCLN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG





Hà Công Tuấn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 4292/BNN-TCLN thẩm định Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Bến Tre giai đoạn 2012 - 2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 4292/BNN-TCLN
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 17/12/2012
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Hà Công Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 17/12/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản