Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ TƯ PHÁP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 412/BTP-TCCB | Hà Nội, ngày 18 tháng 02 năm 2021 |
Kính gửi: Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Ngày 07/10/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2020/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó Điều 5 quy định điều kiện về số lượng người làm việc tối thiểu để thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập như sau: "... d) Đảm bảo số lượng người làm việc tối thiểu là 15 người (trừ các đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu được thành lập theo quy định của pháp luật chuyên ngành). Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, khi thành lập các đơn vị này thì số lượng người làm việc là viên chức tối thiểu được xác định theo Đề án thành lập. ...". Theo đó, các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên có thẩm quyền quyết định về số lượng người làm việc theo quy định1. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ về tài chính, nếu các đơn vị không đáp ứng điều kiện về số lượng người làm việc tối thiểu quy định tại điểm d khoản 1 Điều 5 Nghị định 120/2020/NĐ-CP thì phải tổ chức lại, trừ đơn vị cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu.
Thực hiện quy định nêu trên tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ Tư pháp đang triển khai xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu thuộc ngành Tư pháp để phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, dự kiến trước ngày 31/3/2021. Đồng thời, Bộ Tư pháp đang xây dựng và dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành Tư pháp giai đoạn 2021- 2030 trong Quý II/2021.
Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập quy định: "Đối với các dịch vụ thiết yếu thì Nhà nước bảo đảm kinh phí; đối với các dịch vụ cơ bản thì Nhà nước hỗ trợ kinh phí để thực hiện" và "Đổi mới cơ chế phân bổ nguồn lực, quản lý, cấp phát ngân sách nhà nước. Ngân sách nhà nước bảo đảm đầu tư cho các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu ...và đối với các đơn vị sự nghiệp công lập ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người.". Đồng thời, Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên quy định: "Sản phẩm, dịch vụ công là sản phẩm, dịch vụ thiết yếu đối với đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, cộng đồng dân cư hoặc bảo đảm quốc phòng, an ninh mà Nhà nước phải tổ chức thực hiện trong các lĩnh vực: Giáo dục đào tạo; giáo dục nghề nghiệp; ...tư pháp và các lĩnh vực khác theo quy định của Chính phủ" 2.
Đối chiếu với các quy định trên, các dịch vụ sự nghiệp công thuộc ngành Tư pháp tại địa phương, hiện nay có dịch vụ trợ giúp pháp lý, công chứng, đấu giá tài sản cần được xác định là những dịch vụ công cơ bản, thiết yếu xuất phát từ tính chất đặc thù về pháp luật, tư pháp, bảo vệ quyền con người và định hướng, yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực tư pháp của Đảng, Nhà nước:
1. Đối với dịch vụ trợ giúp pháp lý
Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 đã xác định trợ giúp pháp lý là trách nhiệm của Nhà nước3 và các Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập, có trụ sở, có tư cách pháp nhân để bảo đảm việc thực hiện trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh, thành phố4. Đồng thời, Luật Trợ giúp pháp lý đã quy định Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước có trách nhiệm thực hiện trợ giúp pháp lý và kinh phí để thực hiện Trợ giúp pháp lý do ngân sách nhà nước bảo đảm5.
Như vậy, trợ giúp pháp lý là một dịch vụ công thiết yếu mà Nhà nước bảo đảm nhằm cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật - đây là chính sách ưu đãi mà Nhà nước dành cho người có công, những người yếu thế trong xã hội không có khả năng chi trả cho dịch vụ pháp lý có thu trên thị trường.
Công chứng là dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm thực hiện, dịch vụ cơ bản được ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện đã được đề cập tại các Nghị quyết, văn bản như: Luật Công chứng năm 2014; Thông báo số 85-TB/VPTW ngày 24/10/2018 của Văn phòng Trung ương đảng về kết luận của đồng chí Thường trực Ban Bí thư tại buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp; Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19/11/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng và Quyết định số 19/QĐ-TTg ngày 05/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp.
Trên cơ sở các văn bản nêu trên, đẩy mạnh việc chuyển đổi hoạt động của các Phòng công chứng đủ điều kiện sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trên cơ sở Nhà nước thực hiện lộ trình bảo đảm kinh phí hoạt động có thời hạn theo đúng tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW; duy trì các Phòng công chứng đã tự chủ về tài chính để giữ vai trò chủ đạo trong cung cấp dịch vụ công chứng; chuyển đổi hoặc giải thể các Phòng công chứng hoạt động không hiệu quả tại các địa bàn mà Văn phòng công chứng đã đáp ứng được nhu cầu công chứng; những nơi khó khăn chưa có điều kiện xã hội hóa hoạt động công chứng có thể thành lập Phòng công chứng để đáp ứng yêu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức.
3. Đối với dịch vụ đấu giá tài sản
Theo quy định của Luật Đấu giá tài sản thì Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp là một trong hai loại hình tổ chức đấu giá tài sản. Thông báo số 85-TB/VPTW ngày 24/10/2018 của Văn phòng Trung ương đảng về kết luận của đồng chí Thường trực Ban Bí thư tại buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp và Chỉ thị số 40/CT-TTg ngày 02/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản đã nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng các tổ chức tự chủ làm đầu tàu về chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp và đặt ra yêu cầu chú trọng đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản. Thực tiễn hoạt động của Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tại nhiều địa phương thời gian qua đã thể hiện vai trò nòng cốt của Trung tâm dịch vụ đấu giá trong việc dẫn dắt, định hướng cho hoạt động đấu giá tài sản tại địa phương, nhất là tại các tỉnh miền núi, có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, góp phần đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, Nhà nước, phòng tránh lãng phí, thất thoát tài sản công, đặc biệt trong đấu giá tài sản thi hành án dân sự, tài sản doanh nghiệp đấu giá từ chối thực hiện do lợi nhuận thấp. Các Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản đã và đang từng bước đổi mới mô hình tổ chức, hoạt động, chuyển dần sang cơ chế tự chủ về tài chính, hoạt động theo mô hình doanh nghiệp theo lộ trình.
Đồng thời, tương tự như dịch vụ công chứng, dịch vụ thuộc lĩnh vực đấu giá tài sản cũng là dịch vụ cơ bản và được ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện theo Quyết định số 19/QĐ-TTg ngày 05/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp. Do đó, đề nghị đẩy mạnh đẩy mạnh việc chuyển đổi hoạt động của Trung tâm đấu giá tài sản đủ điều kiện sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính; duy trì các Trung tâm đấu giá tài sản đã tự chủ về tài chính để giữ vai trò chủ đạo trong cung cấp dịch vụ đấu giá; chuyển đổi hoặc giải thể các Trung tâm đấu giá tài sản hoạt động không hiệu quả tại các địa bàn mà doanh nghiệp đấu giá tài sản đã đáp ứng được nhu cầu đấu giá tài sản; những nơi khó khăn chưa có điều kiện xã hội hóa hoạt động đấu giá tài sản có thể thành lập Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản để đáp ứng yêu cầu đấu giá tài sản của cá nhân, tổ chức.
Từ tình hình nêu trên, Bộ Tư pháp đề nghị Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu kỹ để đề xuất phương án kiện toàn, sắp xếp tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bảo đảm phù hợp với quy định của Đảng, Nhà nước và yêu cầu quản lý nhà nước trong các lĩnh vực tư pháp./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
1 Điều 9 Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/09/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập.
2 Điểm a khoản 1 Điều 3 Nghị định số 32/2019/NĐ-CP.
3 Khoản 1 Điều 4 Luật Trợ giúp pháp lý.
4 Các Điều 10, 11 Luật Trợ giúp pháp lý và Điều 10 Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý.
5 Khoản 3 Điều 13 Luật TGPL, Điều 5 Luật Trợ giúp pháp lý.
- 1Quyết định 1292/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Công văn 5805/BNV-TCBC năm 2020 về thực hiện Nghị định 120/2020/NĐ-CP về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập do Bộ Nội vụ ban hành
- 3Quyết định 1067/QĐ-BNV năm 2020 công bố thủ tục hành chính quy định tại Nghị định 120/2020/NĐ-CP về thẩm định thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ
- 1Luật Công chứng 2014
- 2Luật đấu giá tài sản 2016
- 3Luật Trợ giúp pháp lý 2017
- 4Nghị định 106/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập
- 5Nghị định 32/2019/NĐ-CP quy định về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên
- 6Nghị quyết 19-NQ/TW năm 2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 7Nghị định 144/2017/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Trợ giúp pháp lý
- 8Nghị định 120/2020/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập
- 9Quyết định 19/QĐ-TTg năm 2019 về danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 10Quyết định 1292/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 11Chỉ thị 40/CT-TTg năm 2020 về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 12Công văn 5805/BNV-TCBC năm 2020 về thực hiện Nghị định 120/2020/NĐ-CP về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập do Bộ Nội vụ ban hành
- 13Nghị quyết 172/NQ-CP năm 2020 về chính sách phát triển nghề công chứng do Chính phủ ban hành
- 14Quyết định 1067/QĐ-BNV năm 2020 công bố thủ tục hành chính quy định tại Nghị định 120/2020/NĐ-CP về thẩm định thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ
Công văn 412/BTP-TCCB năm 2021 về việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập do Bộ Tư pháp ban hành
- Số hiệu: 412/BTP-TCCB
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 18/02/2021
- Nơi ban hành: Bộ Tư pháp
- Người ký: Phan Chí Hiếu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 18/02/2021
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra