Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 205/LĐTBXH-TCDN
V/v hướng dẫn thực hiện một số nội dung về giáo dục nghề nghiệp

Hà Nội, ngày 18 tháng 01 năm 2017

 

Kính gửi:

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp ngày 27/11/2014, Nghị định số 48/2015/NĐ-CP ngày 15/5/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục nghề nghiệp, Nghị định số 143/2016/NĐ-CP ngày 14/10/2016 của Chính phủ quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 03/9/2016 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2016 và nội dung Biên bản bàn giao chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp đối với các trường cao đẳng, trường trung cấp chuyên nghiệp từ Bộ Giáo dục và Đào tạo sang Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Biên bản bàn giao số 947/BB-BGDĐT-BLĐTBXH ngày 30/12/2016), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn triển khai thực hiện một số nội dung về giáo dục nghề nghiệp kể từ ngày 01/01/2017 như sau:

I. Tổ chức bàn giao chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

Căn cứ Biên bản bàn giao chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp đối với các trường cao đẳng, trường trung cấp chuyên nghiệp từ Bộ Giáo dục và Đào tạo sang Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kể từ ngày 01/01/2017, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo và chủ trì tổ chức bàn giao chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, cụ thể:

1. Nguyên tắc bàn giao

Bàn giao nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ tham mưu giúp Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp các trường do ngành giáo dục thực hiện quản lý nhà nước (trừ các trường/ngành sư phạm) và công chức, số liệu, tài liệu, hồ sơ, chương trình, dự án (nếu có) từ Sở Giáo dục và Đào tạo sang Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý; bảo đảm sớm ổn định công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở địa phương hiệu lực, hiệu quả; đồng thời không làm ảnh hưởng đến việc tổ chức và hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc đối tượng chuyển giao.

2. Nội dung bàn giao

a) Chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và các trường cao đẳng, trường trung cấp chuyên nghiệp (trừ các trường/ngành sư phạm) do Sở Giáo dục và Đào tạo đang quản lý.

b) Về công chức:

- Điều chuyển nguyên trạng chỉ tiêu biên chế được giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo sang Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp;

- Công chức hiện đang trực tiếp làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp của Sở Giáo dục và Đào tạo sang Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

Danh sách cụ thể do hai bên thỏa thuận thống nhất trên cơ sở yêu cầu nhiệm vụ và nguyện vọng của công chức.

c) Số liệu, tài liệu, hồ sơ:

Hồ sơ, tài liệu, số liệu thống kê, ngân sách, chương trình, dự án (nếu có),... Nội dung bàn giao cụ thể do Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thống nhất và phải lập biên bản bàn giao theo quy định.

d) Về xử lý các hồ sơ, thủ tục hành chính liên quan đến các trường trung cấp chuyên nghiệp (bao gồm: các hồ sơ thành lập, cho phép thành lập, chia tách, sáp nhập, giải thể, đổi tên, đình chỉ hoạt động trường trung cấp, thành lập phân hiệu của trường trung cấp; hồ sơ đề nghị cho phép hoạt động đào tạo, mở ngành đào tạo của trường trung cấp chuyên nghiệp và các thủ tục hành chính khác...) do Sở Giáo dục và Đào tạo đã tiếp nhận và đang trong quá trình xử lý thì thực hiện bàn giao sang Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục giải quyết theo quy định của pháp luật trên nguyên tắc kế thừa kết quả Sở Giáo dục và Đào tạo đã giải quyết trước đó.

3. Thời hạn bàn giao

a) Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai thực hiện việc bàn giao, tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp theo nguyên tắc, nội dung tại văn bản này và thực hiện xong trong tháng 02/2017, bảo đảm kể từ ngày 01/03/2017 trở đi, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm là cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.

b) Báo cáo kết quả bàn giao về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trước ngày 15/03/2017 để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

II. Công tác tuyển sinh, xác định chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng năm 2017

Việc tuyển sinh, xác định chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng năm 2017 của các trường trung cấp, trường cao đẳng, trường đại học có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp (sau đây gọi tắt là các trường) được thực hiện như sau:

1. Về ngành, nghề đào tạo

Các trường tuyển sinh đào tạo theo ngành, nghề đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt từ ngày 31/12/2016 trở về trước hiện đang còn hiệu lực; đồng thời thực hiện lộ trình chuyển đổi để cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo hướng dẫn của Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

2. Xác định chỉ tiêu tuyển sinh của từng ngành, nghề

Các trường được áp dụng theo chỉ tiêu tuyển sinh của ngành, nghề tương ứng đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt từ ngày 31/12/2016 trở về trước và đảm bảo không vượt chỉ tiêu đã được cấp.

3. Cách xác định chỉ tiêu tuyển sinh

- Hiệu trưởng các trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm và được phép linh hoạt giữa hai trình độ trong cùng ngành, nghề đào tạo của trường nhưng phải đảm bảo đủ điều kiện, các tiêu chí xác định chỉ tiêu tuyển sinh về tỷ lệ học sinh, sinh viên/giáo viên, giảng viên tối đa; chương trình, giáo trình đào tạo; cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo của từng ngành, nghề và trình độ đào tạo được tính theo quy định tại khoản 2, Điều 14 của Nghị định số 143/2016/NĐ-CP ngày 14/10/2016 của Chính phủ quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

- Trường thực hiện việc đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh với cơ quan chủ quán và gửi báo cáo về Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo mẫu (Phụ lục 01 kèm theo).

4. Về đối tượng, thời gian và hình thức tuyển sinh

a) Đối tượng tuyển sinh:

- Đối với trình độ trung cấp: Học sinh đã tốt nghiệp từ trung học cơ sở hoặc tương đương trở lên;

- Đối với trình độ cao đẳng: Học sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương trở lên;

Các điều kiện khác do Hiệu trưởng tự quyết định và không trái với các quy định hiện hành.

b) Thời gian và hình thức tuyển sinh:

Thời gian tuyển sinh có thể một hoặc nhiều lần trong năm theo chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định; tùy theo năng lực của trường, Hiệu trưởng các trường trung cấp, trường cao đẳng quyết định số lần tuyển sinh trong năm; hình thức tuyển sinh là xét tuyển hoặc thi tuyển hoặc kết hợp giữa xét tuyển và thi tuyển do Hiệu trưởng tự quyết định.

5. Về chương trình đào tạo

Các trường thực hiện chuyển đổi chương trình đào tạo theo từng ngành, nghề tương ứng trình độ (trung cấp, cao đẳng) theo hướng dẫn của Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

6. Về tổ chức và quản lý đào tạo

a) Các trường tự quyết định, tự chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện chương trình đào tạo theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy mô đun hoặc tín chỉ tùy thuộc vào điều kiện của trường nhưng phải đáp ứng yêu cầu bảo đảm chất lượng theo quy định đối với từng chương trình đào tạo;

b) Sổ sách biểu mẫu quản lý học sinh, sinh viên trong quá trình đào tạo, được tạm thời áp dụng theo các biểu mẫu, sổ sách đã sử dụng năm 2016 cho đến khi có Thông tư mới ban hành thay thế.

7. Về chế độ báo cáo

Các trường gửi báo cáo cơ quan chủ quản, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (nơi trường đặt trụ sở chính) về kế hoạch tuyển sinh và kết quả tuyển sinh của trường; hàng quý gửi báo cáo trước ngày 25 của tháng cuối quý (4 lần/năm). Cơ quan chủ quản, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Tổng cục Dạy nghề) trước ngày 30 của tháng cuối quý theo mẫu (Phụ lục 02 kèm theo).

III. Về tuyển sinh và đào tạo trong quá trình chuyển tiếp

1. Về tuyển sinh: Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục xử lý dứt điểm những vấn đề liên quan đến tuyển sinh của các trường cao đẳng, trường trung cấp chuyên nghiệp từ năm 2016 trở về trước. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục xử lý những vấn đề liên quan đến tuyển sinh của các trường cao đẳng nghề trường trung cấp nghề từ năm 2016 trở về trước. Kể từ ngày 01/01/2017 việc tuyển sinh thực hiện theo quy định của Luật giáo dục nghề nghiệp và hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

2. Về đào tạo: Học sinh, sinh viên cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp tuyển sinh từ năm 2016 trở về trước tiếp tục học chương trình hiện hành cho đến khi kết thúc khóa học, được cấp bằng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo Học sinh, sinh viên cao đẳng nghề, trung cấp nghề tuyển sinh từ năm 2016 trở về trước tiếp tục học chương trình hiện hành cho đến khi kết thúc khóa học được cấp bằng theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Các khóa tuyển sinh từ ngày 01/01/2017 trở đi thực hiện đào tạo, cấp bằng theo quy định của Luật giáo dục nghề nghiệp.

3. Về liên thông từ trung cấp chuyên nghiệp - cao đẳng - đại học và từ trung cấp nghề - cao đẳng nghề - đại học: Học sinh, sinh viên trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, cao đẳng nghề, trung cấp nghề tuyển sinh từ năm 2016 trở về trước nếu có nguyện vọng được học liên thông theo quy định hiện hành. Việc đào tạo liên thông đối với học sinh, sinh viên cao đẳng, trung cấp tuyển sinh từ năm 2017 trở đi thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trân trọng đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung nêu trên. Trong quá trình triển khai, nếu có phát sinh vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để xem xét, giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ (để phối hợp);
- Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ;
- Các Sở: LĐTBXH, GD&ĐT, NV các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương;
- Các đ/c Lãnh đạo Bộ;
- Bộ LĐTBXH: Vụ TCCB, Vụ PC, Vụ KHTC, VP Bộ;
- Lưu: VT, TCDN.

BỘ TRƯỞNG




Đào Ngọc Dung

 

quan chủ quản
Trường…….
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

 

Phụ lục 01

ĐĂNG KÝ CHỈ TIÊU TUYỂN SINH NĂM …..

(Kèm theo Công văn số      /LĐTBXH-TCDN ngày    /     /2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

STT

Ngành, nghề đào tạo

Tổng số chỉ tiêu đăng ký
(người)

Trình độ

Cao đẳng

Trung cấp

Sơ cấp

1

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

...

 

 

 

 

 

 

 

……, ngày    tháng    năm……
(Thủ trưởng đơn vị ký tên, đóng dấu)

 

quan chủ quản
Trường…….

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

 

Phụ lục 02

BÁO CÁO KẾT QUẢ TUYỂN SINH NĂM ………….

(Kèm theo Công văn số       /LĐTBXH-TCDN ngày    /     /2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

STT

Ngành, nghề đào tạo

Trình độ

Chỉ tiêu theo đăng ký hoạt động
(người)

Tự xác định chỉ tiêu (người)

Cao đẳng

Trung cấp

Sơ cấp

1

 

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

……, ngày    tháng    năm……
(Thủ trưởng đơn vị ký tên, đóng dấu)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 205/LĐTBXH-TCDN năm 2017 hướng dẫn thực hiện về giáo dục nghề nghiệp do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

  • Số hiệu: 205/LĐTBXH-TCDN
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 18/01/2017
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Đào Ngọc Dung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản