Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1755/BNN-TCLN
V/v trả lời vướng mắc trong thực hiện Tiểu Dự án 1, thuộc Dự án 3, Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ

Hà Nội, ngày 23 tháng 3 năm 2023

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Thực hiện Công điện số 71/CĐ-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Nông nghiệp và PTNT trả lời kiến nghị về khó khăn, vướng mắc của một số địa phương liên quan đến hướng dẫn thực hiện Tiểu Dự án 1: Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân, thuộc Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, như sau:

(Chi tiết theo Phụ lục đính kèm)

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi các địa phương để biết, triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang (để báo cáo);
- Bộ trưởng Lê Minh Hoan (để báo cáo);
- Thứ trưởng Trần Thanh Nam;
- Văn phòng Chính phủ (Vụ QHĐP, NN);
- Các bộ, cơ quan: KHĐT, TC, LĐTBXH, UBDT; Y tế, GD&ĐT, TN&MT, VHTT&DL, XD, TT&TT.
- Văn phòng Bộ;
- Lưu: VT, TCLN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG





Nguyễn Quốc Trị

 

PHỤ LỤC:

TRẢ LỜI KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC TRONG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN TIỂU DỰ ÁN 1: PHÁT TRIỂN KINH TẾ NÔNG, LÂM NGHIỆP BỀN VỮNG GẮN VỚI BẢO VỆ RỪNG VÀ NÂNG CAO THU NHẬP CHO NGƯỜI DÂN, THUỘC DỰ ÁN 3, QUYẾT ĐỊNH SỐ 1719/QĐ-TTG, NGÀY 14/10/2021 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
(Kèm theo Công văn số 1755/BNN-TCLN ngày 23 tháng 3 năm 2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

I. VỀ XÂY DỰNG VĂN BẢN, HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN TIỂU DỰ ÁN 1 THUỘC DỰ ÁN 3, QUYẾT ĐỊNH SỐ 1719/QĐ-TTG

Giai đoạn 2021-2025, ngành Lâm nghiệp triển khai thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 12/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ và Tiểu dự án 1 - Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân, thuộc dự án 3, Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Thực hiện Quyết định số 809/QĐ-TTg, Quyết định số 1719/QĐ-TTg và các văn bản liên quan, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã xây dựng văn bản hướng dẫn tình hình thực hiện, cụ thể:

- Văn bản số 5412/BNN-TCLN, ngày 17/8/2022 về việc triển khai công tác bảo vệ và phát triển rừng năm 2022;

- Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT ngày 20/9/2022 hướng dẫn một số hoạt động về lâm nghiệp thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Năm 2022, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức triển khai tập huấn, hướng dẫn cụ thể các hoạt động về lâm nghiệp tại các đơn vị, địa phương về thực hiện Tiểu Dự án 1, Dự án 3 thuộc Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ tại 3 vùng (Bắc, Trung, Nam).

II. VỀ NỘI DUNG KIẾN NGHỊ VÀ TRẢ LỜI KIẾN NGHỊ

1. Các địa phương có cùng nội dung kiến nghị

Bộ Nông nghiệp và PTNT nhận được kiến nghị của các tỉnh: Tuyên Quang (kiến nghị số 02), Lạng Sơn (kiến nghị số 03), Yên Bái, Sơn La (kiến nghị số 06), Thái Nguyên (kiến nghị số 09), Bắc Kạn (kiến nghị số 10 và 11), Nghệ An (kiến nghị số 31), Quảng Trị (kiến nghị số 36), Quảng Nam (kiến nghị số 40), cụ thể như sau:

a) Tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg và tại khoản 1 Điều 9 Thông tư số 15/2022/TT-BTC quy định “hỗ trợ khoán bảo vệ rừng đối với diện tích rừng Nhà nước giao cho Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ...”. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 17 Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT chỉ quy định “Diện tích rừng được Nhà nước giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ...”, không có diện tích Nhà nước giao cho Ban quản lý rừng đặc dụng. Ngoài ra, quy định về nội dung khoán bảo vệ rừng đối với rừng đặc dụng chưa có sự thống nhất giữa Thông tư 12/2022/TT-BNNPTNT và Thông tư số 15/2022/TT-BTC, trong đó, mức hỗ trợ tại Thông tư 12/2022/TTBNNPTNT áp dụng theo Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg đã cũ hơn mức hỗ trợ tại Thông tư số 15/2022/TT-BTC áp dụng theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP.

b) Đối với nội dung nghiệm thu bảo vệ rừng từ Điều 17 đến Điều 22 của Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT, quy định UBND xã thực hiện nghiệm thu trong khi cơ quan được giao thực hiện là các cơ quan trực thuộc cấp trên.

Dự án 3, Tiểu dự án 1: Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân giao UBND các xã tổ chức thực hiện theo Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT ngày 20/9/2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT hiện nay giao cho xã làm chủ đầu tư thực hiện khó khăn. Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT ngày 20/9/2022 quy định giao UBND cấp xã tổ chức thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 3 không phù hợp do cấp xã không có cán bộ chuyên môn chuyên trách. Bên cạnh đó, tại địa phương Ban quản lý huyện (cơ quan Thường trực Hạt Kiểm lâm) đã tổ chức thực hiện nhiệm vụ này từ rất nhiều năm, quản lý hầu hết các diện tích rừng trên địa bàn huyện.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin trả lời như sau:

(1) Đối với diện tích rừng giao cho Ban quản lý rừng đặc dụng quản lý:

Giai đoạn 2021-2025, ngành Lâm nghiệp triển khai thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 12/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ và Tiểu dự án 1 - Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân, thuộc dự án 3, Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (Quyết định 1719/QĐ-TTg).

Ngày 20/9/2022, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT về hướng dẫn một số hoạt động về lâm nghiệp thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT). Nội dung hướng dẫn tại Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT được quy định trên cơ sở các cơ chế, chính sách hiện hành (Khoản 1, Điều 91, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp); kế thừa các quy định, hướng dẫn của giai đoạn trước và quy định đầy đủ theo các chương trình, dự án giai đoạn 2021-2025, trong đó:

- Theo Quyết định 1719/QĐ-TTg, quy định nội dung thực hiện tại Tiểu dự án 1, Dự án 3: "Hỗ trợ khoán bảo vệ rừng đối với rừng Nhà nước giao cho Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ....";

- Theo Khoản 1 Điều 9 Thông tư 15/2022/TT-BTC ngày 04/3/2022 của Bộ Tài chính, quy định: “1. Hỗ trợ khoán bảo vệ rừng đối với diện tích rừng Nhà nước giao cho Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ,...’’

- Theo Khoản 1 và Khoản 5, Điều 17 Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT, quy định về hỗ trợ khoán bảo vệ rừng:

"1. Đối tượng rừng: Diện tích rừng được Nhà nước giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ;..."

"5. Đối với diện tích rừng giao cho Ban quản lý rừng đặc dụng quản lý sử dụng kinh phí được hỗ trợ theo quy định tại điều 8, Thông tư này, để thực hiện khoán bảo vệ rừng cho các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này, mức khoán bảo vệ rừng thực hiện theo điểm b khoản 4 Điều này”.

- Theo điểm a Khoản 3, Điều 8 Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT, quy định: "a) Kinh phí hỗ trợ quản lý bảo vệ rừng đặc dụng: Theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg ngày 01 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011-2020".

- Theo quy định tại khoản 2, Điều 7 Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg ngày 01/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ quy định: “Ngoài kinh phí sự nghiệp thường xuyên quy định tại Khoản 1 Điều này, Nhà nước cấp kinh phí quản lý bảo vệ rừng ổn định để Ban quản lý rừng đặc dụng chủ động tổ chức thuê, khoán, hợp đồng cộng đồng dân cư tại chỗ, mua sắm trang thiết bị để quản lý bảo vệ rừng; mức trung bình 100.000 đồng/ha/năm tính trên tổng diện tích được giao (mức cụ thể do cơ quan có thẩm quyền quyết định). Nội dung chi khoản này hàng năm do cấp có thẩm quyền phê duyệt”.

Đối với diện tích rừng đặc dụng do Ban Quản lý rừng đặc dụng quản lý được thực hiện theo phạm vi quản lý (phân bố trên cả khu vực I, II, III), không phân biệt khu vực, được sử dụng kinh phí hỗ trợ bảo vệ rừng trong Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 12/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời chủ rừng sử dụng kinh phí này để thực hiện khoán bảo vệ rừng theo định mức, cơ chế, chính sách đối với các khu vực tương ứng (Khoản 3, Điều 2, Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT).

Như vậy, Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT ngày 20/9/2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT đã quy định đầy đủ đối tượng, thống nhất đối tượng hỗ trợ theo Tiểu Dự án 1, Dự án 3 theo Quyết định 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư 15/2022/TT-BTC ngày 04/3/2022 của Bộ Tài chính và các quy định, hướng dẫn liên quan.

(2) Quy định nghiệm thu nội dung bảo vệ rừng

Việc tổ chức triển khai thực hiện Tiểu Dự án 1, Dự án 3 nói riêng và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I; từ năm 2021 đến năm 2025, thực hiện theo quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo quy định tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg, đối tượng hỗ trợ là "Hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo..." có thực hiện một trong các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng.

UBND xã là đối tượng trực tiếp quản lý hộ gia đình trên địa bàn; theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, hàng năm có trách nhiệm phối hợp trong công tác theo dõi diễn biến rừng trên địa bàn.

Việc quy định UBND xã chủ trì, phối hợp nghiệm thu các nội dung nghiệm thu kết quả bảo vệ và phát triển rừng của các hộ gia đình trong Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT: được xây dựng trên cơ sở kế thừa nội dung hướng dẫn quy định tại Thông tư liên tịch số 93/2016/TTLT-BTC-BNNPTNT ngày 27/6/2016 của Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn thực hiện Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ; trong đó quy định: "Được UBND cấp xã nghiệm thu kết quả bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung, trồng rừng" và "Hàng năm, UBND cấp xã cùng với kiểm lâm cơ sở có trách nhiệm nghiệm thu, đánh giá kết quả thực hiện bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung, trồng rừng"

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng, trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp; khi Nghị định chính sách mới được ban hành, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ rà soát, sửa đổi, bổ sung Thông tư theo các cơ chế, chính sách và quy định mới.

2. Nội dung kiến nghị số 15 (tỉnh Bắc Giang):

Tiểu dự án 1, Dự án 3: Kinh phí hỗ trợ khoán bảo vệ rừng hiện nay còn rất thấp. Các chính sách đầu tư trong lâm nghiệp đang được quy định tại nhiều văn bản pháp luật khác nhau, như: Nghị định số 75/2015/NĐ-CP; các Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg, số 38/2016/QĐ-TTg, số 07/2012/QĐ-TTg... và một số văn bản khác, về đối tượng, mức đầu tư, hỗ trợ đầu tư thấp, cần thiết phải được điều chỉnh, bổ sung đảm bảo phù hợp với thực tiễn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin trả lời như sau:

Khoản 1, Điều 91, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp có quy định:

“Các chương trình, dự án và hoạt động bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ đầu tư và ưu đãi đầu tư theo các chính sách hiện hành được tiếp tục thực hiện cho đến khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách mới”.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ghi nhận kiến nghị của tỉnh. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị định về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp trình Chính phủ xem xét, phê duyệt. Dự thảo Nghị đã quy định đầy đủ các chính sách về đầu tư bảo vệ và phát triển rừng nói chung, chính sách cụ thể theo loại rừng và đối tượng, mức hỗ trợ, trong đó có mức hỗ trợ bảo vệ rừng, khoán bảo vệ rừng; đảm bảo hài hòa khả năng cân đối ngân sách nhà nước và yêu cầu thực tiễn hiện nay, tạo động lực kinh tế, khuyến khích người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng, góp phần phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, an ninh, quốc phòng.

3. Nội dung kiến nghị số 19 (tỉnh Sơn La):

Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư công, Dự án cắm mốc ranh giới diện tích rừng là dự án đầu tư công. Tuy nhiên, tại điểm b khoản 1 Điều 15 của Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT ngày 20/9/2022 lại quy định việc sử dụng nguồn vốn sự nghiệp. Điều này gây khó khăn cho địa phương trong tổ chức thực hiện.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin trả lời như sau:

Theo điểm b khoản 1 Điều 15 Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT, quy định về hoạt động, dự án mang tính chất đặc thù thực hiện Chương trình, trong đó có quy định nội dung: "đo đạc, cắm mốc ranh giới diện tích rừng".

Phương thức thực hiện các nội dung theo khoản 2 Điều 15 Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT. Việc triển khai các hoạt động, dự án đảm bảo không trùng lặp các nội dung, kinh phí theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định khác của pháp luật liên quan khác.

Đối với dự án cắm mốc ranh giới diện tích rừng của tỉnh, sử dụng nguồn vốn đầu tư công, thực hiện theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công và các quy định của pháp luật liên quan.

4. Nội dung kiến nghị số 20 và 21 (tỉnh Lai Châu):

Một số nội dung chi hỗ trợ khoán bảo vệ rừng thuộc Tiểu dự án 1 Dự án 3 về hỗ trợ bảo vệ rừng; hỗ trợ khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung đã được địa phương thực hiện từ nguồn dịch vụ môi trường rừng với mức chi trả cao hơn mức chi trả của CTMTQG phát triển KTXH vùng ĐBDTTS&MN giai đoạn 2021-2025. Từ thực tế đó, địa phương sẽ không có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn sự nghiệp thuộc dự án 3 Trung ương giao cho địa phương.

Hỗ trợ khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung: Do nguồn vốn Trung ương giao muộn đến khi triển khai đến các đơn vị đã hết mùa vụ trồng rừng. Do vậy, địa phương không thực hiện được nội dung này.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin trả lời như sau:

Hiện nay, Pháp luật về lâm nghiệp chưa có quy định chủ rừng đã được hưởng nguồn kinh phí từ dịch vụ môi trường rừng thì không được hưởng kinh phí hỗ trợ bảo vệ rừng từ nguồn ngân sách nhà nước theo các cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng hiện hành.

Việc phân bổ, quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện Tiểu Dự án 1, Dự án 3, đề nghị tỉnh thực hiện đảm bảo theo đúng các chỉ tiêu, nhiệm vụ, nội dung hỗ trợ, theo đúng các định mức, cơ chế, chính sách hiện hành, đảm bảo không chồng chéo và trùng lặp với các nguồn kinh phí, thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật có liên quan.

Đề nghị tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát các chỉ tiêu nhiệm vụ, phân bổ, sử dụng kinh phí trên địa bàn tỉnh để thực hiện Tiểu Dự án 1, Dự án 3. Trường hợp không còn chỉ tiêu, nhiệm vụ thực hiện, đề nghị hoàn trả lại ngân sách theo đúng quy định.

5. Nội dung kiến nghị số 37 (tỉnh Thừa Thiên Huế):

Chưa quy định đối tượng được trợ cấp, mức trợ cấp, thời gian trợ cấp gạo bảo vệ và phát triển rừng thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 3 - Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị theo Điều 22 Thông tư 12/2022/TT-BNNPTNT.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin trả lời như sau:

Khoản 1 và khoản 2, Điều 22 Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT ngày 20/9/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đã quy định rõ đối tượng được trợ cấp, mức trợ cấp, thời gian trợ cấp gạo, cụ thể:

“1. Đối tượng được trợ cấp: Hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo có tham gia bảo vệ rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung, trồng rừng phòng hộ, trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ trên diện tích đất lâm nghiệp được giao trong thời gian chưa tự túc được lương thực. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định cụ thể đối tượng hộ gia đình nghèo chưa tự túc được lương thực.

2. Mức trợ cấp: 15 kg gạo/khẩu/tháng hoặc bằng tiền tương ứng với giá trị 15 kg gạo/khẩu/tháng tại thời điểm trợ cấp (theo giá công bố của địa phương), trong thời gian chưa tự túc được lương thực. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đối tượng được trợ cấp, mức trợ cấp cụ thể theo diện tích, số khẩu phù hợp với thực tế của địa phương và thời gian trợ cấp nhưng tối đa không quá 7 năm.”

6. Nội dung kiến nghị số 39 (tỉnh Quảng Nam):

Thông tư 12/2022/TT-BNNPTNT ngày 20/9/2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT chưa có hướng dẫn cụ thể đối với các hồ sơ chuyển tiếp bảo vệ rừng thuộc các chương trình Dự án trước như: khoán bảo vệ rừng theo Nghị định số 75/2015/NĐCP ngày 09/9/2015 của Chính phủ; giao khoán bảo vệ rừng theo Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016 của Thủ tướng chính phủ;…để chuyển sang thực hiện Tiểu dự án 01, Dự án 3; dẫn đến địa phương còn lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin trả lời như sau:

Giai đoạn 2021-2025, nguồn kinh phí hỗ trợ khoán bảo vệ rừng thực hiện theo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 12/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ và Tiểu dự án 1 - Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân, thuộc Dự án 3, Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Mức hỗ trợ khoán bảo vệ rừng thực hiện Tiểu Dự án 1: Theo điểm a khoản 3 Điều 3 Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020. Hạn mức diện tích rừng nhận khoán được hỗ trợ: Thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định số 168/2016/NĐ-CP.

Đối với các hồ sơ khoán bảo vệ rừng được hỗ trợ từ nguồn kinh phí thực hiện các Chương trình, dự án giai đoạn trước, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát các nội dung hồ sơ chuyển tiếp đảm bảo phù hợp với nguồn kinh phí hỗ trợ từ các chương trình, dự án thực hiện giai đoạn 2021-2025.

7. Nội dung kiến nghị số 44 (tỉnh Quảng Ngãi):

Vướng mắc về xác định tiêu chí “Hộ gia đình nghèo chưa tự túc được lương thực” để thực hiện nội dung “Trợ cấp gạo theo quy định tại Điều 22 Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT”. Qua rà soát các văn bản hướng dẫn của Trung ương gồm: Quyết định số 24/2021/QĐ-TTg ngày 16/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy định quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm và quy trình xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022 - 2025 và Thông tư số 07/2021/TT- BLĐTBXH, ngày 18/7/2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn phương pháp rà soát, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo; xác định thu nhập của hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022 - 2025 và mẫu biểu báo cáo. Theo đó, những nội dung quy định của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đều không có nội dung nào hướng dẫn liên quan đến việc xác định “hộ gia đình nghèo chưa tự túc được lương thực”.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin trả lời như sau:

(1) Đối với quy định về trợ cấp gạo cho hộ gia đình trong thời gian chưa tự túc được lương thực:

Giai đoạn 2008-2020, thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo, trong đó quy định đối với hộ nghèo nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, được giao rừng và giao đất để trồng rừng sản xuất được trợ cấp 15 kg gạo/khẩu/tháng trong thời gian chưa tự túc được lương thực (thời gian trợ cấp gạo do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định, nhưng tối đa không quá 7 năm);

Theo quy định tại Điều 7, Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2022 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015- 2020 (Nghị định số 75/2015/NĐ-CP): "Hộ gia đình nghèo tham gia trồng rừng quy định tại Điều 5 và Điều 6 của Nghị định này thì được trợ cấp 15 kg gạo/khẩu/tháng hoặc bằng tiền tương ứng với giá trị 15 kg gạo/khẩu/tháng tại thời điểm trợ cấp trong thời gian chưa tự túc được lương thực. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định mức và thời gian trợ cấp, nhưng tối đa không quá 7 năm".

Theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT ngày 20/9/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số hoạt động về lâm nghiệp thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT): "1. Đối tượng được trợ cấp: Hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo có tham gia bảo vệ rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung, trồng rừng phòng hộ, trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ trên diện tích đất lâm nghiệp được giao trong thời gian chưa tự túc được lương thực. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định cụ thể đối tượng hộ gia đình nghèo chưa tự túc được lương thực."

(2) Về xác định thời gian chưa tự túc được lương thực:

Trên cơ sở các quy định về chính sách đối với đối tượng bảo trợ xã hội; tiêu chí xác định, chỉ tiêu thống kê về hộ nghèo, hộ thiếu đói; các điều kiện thực tế tại địa phương, điều kiện thực tiễn sản xuất nông nghiệp, mùa vụ sản xuất của địa phương; mức độ thiếu hụt lương thực của các hộ gia đình trong thời kỳ giáp hạt, thời gian không chính vụ; tình hình đời sống thực tế của các hộ gia đình tại địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi tham mưu, trình Ủy ban nhân dân tỉnh về thời gian cần phải hỗ trợ gạo cho các hộ gia đình người kinh nghèo, hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh đảm bảo theo quy định tại Nghị định số 75/2015/NĐ- CP, Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT và các quy định hiện hành.

8. Nội dung kiến nghị số 45 (tỉnh Khánh Hòa):

Tiểu dự án 1 Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân. Tại khoản 6 Điều 17 Thông tư 12/2022/TT-BNNPTNT ngày 20/9/2022 quy định việc khoán bảo vệ rừng phải thực hiện thông qua hợp đồng khoán bảo vệ rừng 01 năm và bên giao khoán chỉ thực hiện thanh toán tiền hỗ trợ cho bên nhận khoán sau khi hết hiệu lực hợp đồng. Vì vậy, không thể giải ngân hết nguồn vốn giao thực hiện hỗ trợ khoán bảo vệ rừng tại Tiểu dự án 1 theo kế hoạch năm 2022.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin trả lời như sau:

Giai đoạn 2021-2025, nguồn kinh phí hỗ trợ khoán bảo vệ rừng thực hiện theo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 12/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ và Tiểu dự án 1 - Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân, thuộc dự án 3, Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Tại khoản 6 Điều 17 Thông tư 12/2022/TT-BNNPTNT ngày 20/9/2022, quy định:

“6. Phương thức khoán bảo vệ rừng:

a) Thực hiện thông qua hợp đồng khoán bảo vệ rừng hằng năm theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 168/2016/NĐ-CP;

b) Hằng năm, bên giao khoán có trách nhiệm nghiệm thu, đánh giá kết quả thực hiện hợp đồng đối với bên nhận khoán theo quy định tại Thông tư số 15/2019/TT-BNNPTNT;

c) Kết quả nghiệm thu hàng năm là căn cứ để bên giao khoán thanh toán, quyết toán kinh phí”.

Việc quản lý, sử dụng, kinh phí thực hiện Tiểu dự án 1, dự án 3 đề nghị thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và các quy định của pháp luật có liên quan khác.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1755/BNN-TCLN năm 2023 về trả lời vướng mắc trong thực hiện Tiểu Dự án 1, thuộc Dự án 3, Quyết định 1719/QĐ-TTg do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 1755/BNN-TCLN
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 23/03/2023
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Nguyễn Quốc Trị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/03/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản