Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1634/TCT-CS
V/v chính sách thuế.

Hà Nội, ngày 25 tháng 04 năm 2017

 

Kính gửi: Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa.

Tổng cục Thuế nhận được công văn số 853/CT-KT3 ngày 13/3/2017 của Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa về việc xin ý kiến trước khi xử lý về thuế liên quan đến chứng từ thanh toán đối với mua hàng trả chậm. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

1. Về khấu trừ thuế GTGT trong trường hợp mua hàng hóa trả chậm:

* Khấu trừ thuế GTGT trong trường hợp mua hàng hóa trả chậm giai đoạn từ 1/1/2014 đến trước ngày 15/11/2014:

Tại Khoản 6 Điều 1 Luật thuế GTGT số 31/2013/QH13 quy định:

“2. Điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào được quy định như sau:

b) Có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào, trừ hàng hóa, dịch vụ mua từng lần có giá trị dưới hai mươi triệu đồng;

…”

Tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (có hiệu lực từ ngày 1/1/2014) quy định:

“2. Điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào:

Đối với hàng hóa, dịch vụ mua trả chậm, trả góp có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên, cơ sở kinh doanh căn cứ vào hợp đồng mua hàng hóa, dịch vụ, hóa đơn giá trị gia tăng và chứng từ không dùng tiền mặt của hàng hóa, dịch vụ mua trả chậm, trả góp để kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào. Trường hợp chưa có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt do chưa đến thời điểm thanh toán theo hợp đồng thì cơ sở kinh doanh vẫn được kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào. Đến thời điểm thanh toán theo hợp đồng hoặc đến ngày 31 tháng 12 hàng năm đối vi trường hợp thời điểm thanh toán theo hợp đồng sớm hơn ngày 31 tháng 12, nếu không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì cơ sở kinh doanh không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào và phải kê khai, điều chỉnh lại số thuế giá trị gia tăng đầu vào đã khấu trừ.”

* Khấu trừ thuế GTGT trong trường hợp mua hàng hóa trả chậm từ ngày 15/11/2014:

Tại Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01/10/2014 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 15/11/2014) về việc sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Nghị định; Tại Khoản 8 Điều 3 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/2/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế quy định về việc thanh toán hàng hóa trả chậm như sau:

“Đối với hàng hóa, dịch vụ mua trả chậm, trả góp có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên, cơ sở kinh doanh căn cứ vào hợp đồng mua hàng hóa, dịch vụ, hóa đơn giá trị gia tăng và chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt của hàng hóa dịch vụ mua trả chậm, trả góp để kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào. Trường hợp chưa có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt do chưa đến thời điểm thanh toán theo hợp đồng thì cơ sở kinh doanh vẫn được kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.”

Để cắt giảm thủ tục hành chính giúp người nộp thuế không còn phải điều chỉnh nhiều lần việc tăng, giảm số thuế GTGT được khấu trừ, tại Nghị định số 91/2014/NĐ-CP đã không còn quy định “Đến thời điểm thanh toán theo hợp đồng hoặc đến ngày 31 tháng 12 hàng năm đối với trường hợp thời điểm thanh toán theo hợp đồng sớm hơn ngày 31 tháng 12, nếu không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì cơ sở kinh doanh không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào và phải kê khai, điều chỉnh lại số thuế giá trị gia tăng đầu vào đã khấu trừ” (đã quy định tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 209/2013/NĐ-CP) và tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/2/2015 tiếp tục giữ nguyên nội dung thay thế nêu trên.

Tại Điều 10, Thông tư 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014, sửa đổi, bổ sung điểm c Khoản 3 Điều 15 Thông tư số 219/2013/TT-BTC; Tại điểm c khoản 10 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ Tài chính quy định về việc thanh toán hàng hóa trả chậm như sau:

“c) Đối với hàng hóa, dịch vụ mua trả chậm, trả góp có giá trị hàng hóa, dịch vụ mua từ hai mươi triệu đồng trở lên, cơ sở kinh doanh căn cứ vào hợp đồng mua hàng hóa, dịch vụ bằng văn bản, hóa đơn giá trị gia tăng và chứng từ thanh toán qua ngân hàng của hàng hóa, dịch vụ mua trả chậm, trả góp để kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào. Trường hợp chưa có chứng từ thanh toán qua ngân hàng do chưa đến thời điểm thanh toán theo hợp đồng thì cơ sở kinh doanh vẫn được kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.

Trường hợp khi thanh toán, cơ sở kinh doanh không có chứng từ thanh toán qua ngân hàng thì cơ sở kinh doanh phải kê khai, điều chỉnh giảm số thuế GTGT đã được khấu trừ đối với phần giá trị hàng hóa, dịch vụ không có chứng từ thanh toán qua ngân hàng vào kỳ tính thuế phát sinh việc thanh toán bằng tiền mặt (kể cả trong trường hợp cơ quan thuế và các cơ quan chức năng đã có quyết định thanh tra, kiểm tra kỳ tính thuế có phát sinh thuế GTGT đã kê khai, khấu trừ).”

Căn cứ quy định nêu trên, từ ngày 15/11/2014 khi Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01/10/2014 có hiệu lực thi hành thì trường hợp chưa có chứng từ thanh toán qua ngân hàng do chưa đến thời điểm thanh toán theo hợp đồng cơ sở kinh doanh vẫn được kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.

Đến thời hạn thanh toán ghi trong hợp đồng cơ sở kinh doanh vẫn chưa thanh toán cho khách hàng nên chưa có chứng từ thanh toán qua ngân hàng thì cơ sở kinh doanh chưa phải điều chỉnh giảm số thuế GTGT đã kê khai khấu trừ.

Khi thanh toán thực tế, nếu cơ sở kinh doanh không có chứng từ thanh toán qua ngân hàng (thanh toán bằng tiền mặt hoặc các hình thức số thuế GTGT đã được khấu trừ tương ứng với phần giá trị hàng hóa, dịch vụ không có chứng từ thanh toán qua ngân hàng vào kỳ tính thuế phát sinh việc thanh toán bằng tiền mặt.

2. Về thủ tục giải quyết kiến nghị của KTNN:

Về việc kê khai bổ sung và xử lý vi phạm về thuế đối với doanh nghiệp theo kiến nghị của KTNN, Bộ Tài chính đã có công văn số 13479/BTC-TCT ngày 23/9/2009 gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung Ương:

“4. Trường hợp doanh nghiệp không đồng ý với kiến nghị của KTNN, thì doanh nghiệp phải báo cáo giải trình với KTNN. Sau khi có báo cáo giải trình của doanh nghiệp, KTNN đã có kết luận về giải trình của doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải thực hiện theo kiến nghị của KTNN.”

Đề nghị Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa căn cứ hướng dẫn tại điểm 4 Công văn số 13479/BTC-TCT ngày 23/9/2009 nêu trên để hướng dẫn Chi nhánh Công ty CP xi măng Công Thanh thực hiện.

Tổng cục Thuế có ý kiến Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa được biết/.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Phó TCT: Cao Anh Tuấn (để b/c);
- Vụ PC-BTC;
- Vụ PC-TCT;
- Website TCT;
- Lưu VT, CS(4b).

TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG VỤ CHÍNH SÁCH




Lưu Đức Huy

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1634/TCT-CS năm 2017 về chính sách thuế liên quan đến chứng từ thanh toán đối với mua hàng trả chậm do Tổng cục Thuế ban hành

  • Số hiệu: 1634/TCT-CS
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 25/04/2017
  • Nơi ban hành: Tổng cục Thuế
  • Người ký: Lưu Đức Huy
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản