Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1478/TCHQ-GSQL
V/v vướng mắc mã loại hình

Hà Nội, ngày 26 tháng 4 năm 2022

 

Kính gửi: Cục Hải quan các tỉnh, thành phố

Thời gian qua, Tổng cục Hải quan nhận được vướng mắc của Cục Hải quan các tỉnh, thành phố liên quan đến việc sử dụng mã loại hình theo hướng dẫn tại Quyết định số 1357/QĐ-TCHQ ngày 08/5/2021 của Tổng cục Hải quan. Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:

Liên quan đến vướng mắc về mã loại hình, Tổng cục Hải quan đã ban hành các văn bản 2687/TCHQ-TXNK ngày 01/6/2021, 2802/TCHQ-GSQL ngày 08/6/2021, 3487/TCHQ-TXNK ngày 12/7/2021, 4032/TCHQ-GSQL ngày 16/8/2021, 4341/TCHQ-GSQL ngày 08/9/2021 và giao Cục Giám sát quản lý về Hải quan ban hành các văn bản 1069/GSQL-GQ1, 1067/GSQL-GQ2 ngày 07/6/2021, 1393/GSQL-GQ3 ngày 14/7/2021, 1678/GSQL-GQ2 ngày 27/8/2021 hướng dẫn thực hiện. Ngoài ra, trên cơ sở vướng mắc của Cục Hải quan các tỉnh, thành phố, đối với một số vướng mắc còn tồn tại, Tổng cục Hải quan hướng dẫn các đơn vị thực hiện theo nội dung phụ lục đính kèm.

Tổng cục Hải quan hướng dẫn để các đơn vị biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu: VT, GSQL (3b)

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Mai Xuân Thành

 

PHỤ LỤC

XỬ LÝ VƯỚNG MẮC MÃ LOẠI HÌNH
(Đính kèm công văn số 1478/TCHQ-GSQL ngày 26 tháng 4 năm 2022 của Tổng cục Hải quan)

I. MÃ LOẠI HÌNH XUẤT KHẨU

TT

Mã LH

Vướng mắc

Đơn vị

Hướng dẫn

1.

B11

Xuất bán phế liệu, phế phẩm của doanh nghiệp chế xuất vào thị trường nội địa là xuất khẩu tại chỗ theo hợp đồng mua bán trực tiếp, không qua chỉ định và không phải trường hợp thực hiện quyền kinh doanh xuất khẩu hàng hóa có nguồn gốc mua trong nước của DNCX thực hiện mã loại hình nào B11 hay H21

HQ Cần Thơ, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hồ Chí Minh, Bà Rịa Vũng Tàu, Hà Nội, Quảng Nam, Long An

Theo quy định tại khoản 4 Điều 75 Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 51 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính: Phế liệu, phế phẩm của DNCX được phép bán vào thị trường nội địa hoặc xuất khẩu ra nước ngoài phải thực hiện thủ tục hải quan.

Theo hướng dẫn tại Quyết định số 1357/QĐ-TCHQ ngày 18/05/2021 thì mã loại hình B11- Xuất kinh doanh sử dụng trong trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài hoặc xuất khẩu vào khu phi thuế quan, DNCX hoặc xuất khẩu tại chỗ theo chỉ định của thương nhân nước ngoài theo hợp đồng mua bán.

Căn cứ các quy định nêu trên trường hợp DNCX bán phế liệu, phế phẩm được loại ra trong quá trình sản xuất theo hợp đồng mua bán thì sử dụng mã loại hình B11.

2.

B13

DNCX bán thanh lý nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị vào nội địa sử dụng mã loại hình B13 ?

HQ Hải Phòng, Đà Nẵng

Theo điểm b số thứ tự 3 Quyết định 1357/QĐ-TCHQ: trường hợp DNCX thanh lý hàng hóa đã nhập khẩu vào nội địa sử dụng mã loại hình B13.

3.

B13

Doanh nghiệp mua máy móc, thiết bị, nguyên liệu, vật tư trong nước hoặc nhập khẩu theo loại hình A12 (gồm nhập khẩu từ nước ngoài, khu phi thuế quan, DNCX, nhập khẩu tại chỗ) để phục vụ sản xuất (hàng hóa không còn đảm bảo nguyên trạng) và đã hoàn thành nghĩa vụ thuế, sau đó doanh nghiệp có nhu cầu thanh lý theo hình thức xuất khẩu ra nước ngoài.

Bảng mã loại hình xuất khẩu, nhập khẩu ban hành theo Quyết định số 1357/QĐ-TCHQ ngày 18/05/2021, hiện chưa có quy định mã loại hình xuất khẩu đối với trường hợp nêu trên.

- Đề xuất áp dụng mã loại hình B11 trên cơ sở xác định hàng hóa đã được đưa vào phục vụ sản xuất, không còn đảm bảo nguyên trạng.

HQ Bình Dương

Theo hướng dẫn tại Quyết định 1357/QĐ-TCHQ ngày 18/05/2021 thì:

- Trường hợp hàng hóa đã nhập khẩu để sản xuất, kinh doanh nhưng đã đưa vào sản xuất hàng hóa xuất khẩu thì khi xuất khẩu sử dụng mã loại hình E62- xuất sản phẩm sản xuất xuất khẩu.

- Trường hợp hàng hóa nhập khẩu đã nộp thuế và hàng hóa đã qua quá trình gia công, chế biến không còn nguyên trạng (trừ hàng thanh lý của DNCX hoặc máy móc thiết bị được miễn thuế) và được phép xuất khẩu thì khi xuất khẩu hàng hóa sử dụng mã loại hình B11- xuất kinh doanh.

- Trường hợp hàng hóa thanh lý của DNCX và máy móc thiết bị miễn thuế thanh lý theo hình thức bán ra nước ngoài sử dụng mã loại hình B13.

4.

E54

Theo quyết định số 1357/QĐ-TCHQ ngày 18/05/2021 thì mã loại hình B13 sử dụng trong trường hợp xuất nguyên liệu, vật tư dư thừa của hoạt động gia công.... Mã loại hình E54 xuất nguyên liệu gia công từ hợp đồng gia công này sang hợp đồng khác.

Vậy đề nghị TCHQ hướng dẫn trường hợp doanh nghiệp chuyển nguyên liệu của hợp đồng gia công sang hợp đồng gia công khác của chính doanh nghiệp đó theo chỉ định của bên đặt gia công thì sử dụng mã loại hình gì?

HQ Hà Nam Ninh

Theo hướng dẫn sử dụng mã loại hình tại Quyết định 1357/QĐ-TCHQ ngày 18/5/2021 thì:

Mã loại hình E54-xuất nguyên liệu gia công từ hợp đồng này sang hợp đồng khác sử dụng trong trường hợp chuyển nguyên liệu, vật tư từ hợp đồng này sang hợp đồng khác, không bao gồm việc chuyển thiết bị, máy móc.

Mã loại hình B13-xuất khẩu hàng đã nhập khẩu sử dụng trong trường hợp xuất khẩu nguyên liệu, vật tư dư thừa của hoạt động gia công, SXXK, chế xuất ra nước ngoài hoặc vào khu phi thuế quan, DNCX hoặc xuất khẩu tại chỗ theo chỉ định của thương nhân nước ngoài.

Căn cứ hướng dẫn trên, trường hợp doanh nghiệp chuyển nguyên liệu, vật tư từ hợp đồng gia công này sang hợp đồng gia công khác thì sử dụng mã loại hình E54.

5.

E62

Doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu, vật tư theo loại hình A12/Nhập kinh doanh sản xuất hoặc nhập khẩu hàng hóa theo loại hình A11/Nhập kinh doanh tiêu dùng, sau đó lại sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất sản phẩm thì khi xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài hoặc xuất bán cho DNCX hoặc xuất vào khu phi thuế quan thì có được đăng ký tờ khai theo loại hình E62 hay không? (Điều 36 Nghị định 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định về hoàn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu, tuy nhiên điều kiện hoàn thuế là sản phẩm xuất khẩu được làm thủ tục hải quan theo loại hình sản xuất xuất khẩu).

HQ TP Hải Phòng

Theo hướng dẫn tại Quyết định số 1357/QĐ-TCHQ ngày 18/05/2021 thì mã loại hình E62 sử dụng trong trường hợp xuất sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu nhập khẩu ra nước ngoài hoặc vào khu phi thuế quan (bao gồm trường hợp xuất cho thương nhân nước ngoài và được chỉ định giao hàng tại Việt Nam). Đề nghị Cục Hải quan nghiên cứu kỹ để thực hiện.

II. MÃ LOẠI HÌNH NHẬP KHẨU

Stt

Mã LH

Tên

Vướng mắc

Đơn vị

Hướng dẫn

1.

A12

Nhập kinh doanh sản xuất

Loại hình A12 sử dụng trong trường hợp doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu để sản xuất. Như vậy doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước có sử dụng loại hình A12 không?

Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Luật Đầu tư năm 2020 thì tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam là doanh nghiệp Việt Nam.

Đề xuất: Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất trong nước (không thực hiện quyền nhập khẩu) sử dụng loại hình A12.

HQ TP Hải Phòng, HQ TP Đà Nẵng, HQ Hà Nam Ninh

Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam là doanh nghiệp Việt Nam. Do vậy, trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất trong nước (bao gồm cả hàng hóa nhập khẩu để thực hiện dự án đầu tư) thì sử dụng mã loại hình A12 (Nhập kinh doanh sản xuất).

2.

A11 & A41

 

Theo ghi chú tại mã loại hình A11-Nhập kinh doanh tiêu dùng: Riêng doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nhập khẩu theo giấy chứng nhận đăng ký quyền nhập khẩu sử dụng mã loại hình A41 để làm thủ tục nhập khẩu. Như vậy được hiểu loại hình A41-Nhập kinh doanh của doanh nghiệp thực hiện quyền nhập khẩu áp dụng cho trường hợp:

Trường hợp 1: Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc doanh nghiệp nhập khẩu theo giấy chứng nhận đăng ký quyền nhập khẩu;

Trường hợp 2: Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và nhập khẩu theo giấy chứng nhận đăng ký theo quyền nhập khẩu.

Vậy nếu hiểu theo trường hợp 2 thì doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không phải DNCX; không nhập khẩu theo giấy chứng nhận đăng ký quyền nhập khẩu) nhập hàng tiêu dùng trong doanh nghiệp sẽ áp dụng mã loại hình nào?.

Đề xuất áp dụng mã loại hình A11

HQ tỉnh Tây Ninh

Theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định số 09/2018/NĐ-CP ngày 15/05/2018 của Chính phủ thì quyền nhập khẩu là quyền được nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam để bán cho thương nhân có quyền phân phối hàng hóa đó tại Việt Nam, bao gồm quyền đứng tên trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu để thực hiện và chịu trách nhiệm về các thủ tục liên quan đến nhập khẩu.

Do vậy, trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không phải DNCX) nhập khẩu hàng hóa không nhằm mục đích kinh doanh thương mại mà chỉ sử dụng trong doanh nghiệp thì áp dụng loại hình A11

3.

A11 và A12

 

Việc phân chia loại hình A11 và A12 theo mục đích sử dụng hàng hóa nhập khẩu (A11-nhập khẩu hàng hóa để kinh doanh, tiêu dùng; A12-nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị để phục vụ sản xuất trong nước) phát sinh vướng mắc đối với một số trường hợp doanh nghiệp đặc thù như: nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, hóa chất, thép...với số lượng lớn trong đó một phần hàng hóa phục vụ sản xuất của doanh nghiệp, một phần kinh doanh thương mại thì việc khai báo chia tách một lô hàng nhập khẩu theo hai loại hình khác nhau (hàng chung một tàu hoặc được đóng trong nhiều container) sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp trong xác định lượng hàng của từng loại hình khi khai báo (trọng lượng hàng, số lượng/số hiệu container tại mỗi tờ khai/loại hình). Ngoài ra, khó khăn khi doanh nghiệp thay đổi mục đích sử dụng hàng hóa chuyển từ kinh doanh sang sản xuất hoặc ngược lại theo nhu cầu thực tế (hiện chưa có hướng dẫn về tờ khai thay đổi mục đích sử dụng đối với trường hợp này).

Đề xuất: Đối với các trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu một lô hàng có hai mục đích sử dụng thì chấp nhận cho người khai được lựa chọn và khai báo theo 1 mã loại hình A11 hoặc A12, đồng thời ghi chú trên tờ khai số lượng hàng dự kiến phục vụ sản xuất và thương mại? Trường hợp sau này khi thực tế sử dụng khác so với dự kiến thì thực hiện khai báo bổ sung và không thực hiện xử phạt (do ban đầu chỉ là số dự kiến)

HQ TP Hải Phòng, HQ Long An

Theo hướng dẫn tại Quyết định 1357/QĐ-TCHQ ngày 18/5/2021 thì loại hình A12-Nhập kinh doanh sản xuất: sử dụng trong trường hợp doanh nghiệp Việt Nam nhập nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị trực tiếp đưa vào sản xuất. Theo quy định tại khoản 1 điều 18 TT38/2015/TT-BTC thì hàng hóa nhập khẩu theo các loại hình khác nhau phải khai trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu khác nhau theo từng loại hình tương ứng. Trường hợp thay đổi mục đích sử dụng giữa hai loại hình A11 và A12 nhưng không thay đổi chính sách mặt hàng và chính sách thuế thì không phải thực hiện khai thay đổi mục đích sử dụng.

4.

A21

Chuyển tiêu thụ nội địa từ nguồn tạm nhập

Tại Điều 21 Thông tư số 38/2015/TT-BTC (sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC) quy định về thủ tục hải quan khai thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa. Khi doanh nghiệp thay đổi mục đích sử dụng (không chuyển tiêu thụ nội địa) hàng hóa có nguồn tạm nhập thì chưa có quy định rõ mã loại hình. Đề nghị TCHQ hướng dẫn thực hiện.

HQ TP Đà Nẵng

Hàng hóa tạm nhập chỉ có 2 hình thức xử lý: tái xuất hoặc tiêu thụ nội địa nếu không thực hiện tái xuất. Trường hợp hàng tạm nhập thay đổi mục đích sử dụng (chuyển sang các chế độ quản lý hải quan khác) mà không phải tiêu thụ nội địa thì phải thanh khoản tờ khai tạm nhập bằng việc khai tờ khai tái xuất sau đó khai tờ khai nhập khẩu theo mục đích sử dụng mới để theo dõi quản lý tiếp (vd: nhập gia công hoặc SXXK ...)

5.

A31

Nhập khẩu hàng hóa đã xuất khẩu

Hiện nay chưa có quy định mã loại hình sử dụng trong trường hợp hàng hóa xuất khẩu trị giá thấp gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế, bưu chính quốc tế phải tái nhập (nhóm 1 quy định tại Điều 7 Thông tư 49/2015/TT-BTC và nhóm 2 quy định tại Điều 6 Thông tư 191/2015/TT-BTC đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 56/2019/TT-BTC ngày 23/8/2019).

Đề xuất bổ sung quy định hướng dẫn sử dụng mã loại hình A31 trong trường hợp này

HQ TP Hà Nội

Trường hợp hàng hóa xuất khẩu trị giá thấp gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế nếu phải tái nhập thì khai mã loại hình A31

6.

E13

Nhập hàng hóa khác vào DNCX

- Công văn số 2751/TXNK-CST ngày 05/4/2019 thì DNCX nhập khẩu đồng phục, giầy cho công nhân trước đây sử dụng mã loại hình A12. Tuy nhiên, theo Quyết định 1357/QĐ-TCHQ hướng dẫn mã loại hình A12-Nhập kinh doanh sản xuất. Do đó, hiện nay hoạt động này sẽ áp dụng mã loại hình A11-Nhập kinh doanh tiêu dùng hay mã loại hình E13-Nhập hàng hóa khác chỉ sử dụng trong DNCX thuộc đối tượng không chịu thuế.

Đề xuất: DNCX nhập quần áo đồng phục cho công nhân sử dụng mã loại hình A11-Nhập kinh doanh tiêu dùng.

- DNCX nhập khẩu hàng mẫu, hàng hóa phục vụ nghiên cứu phát triển sản phẩm thuộc đối tượng không chịu thuế thì sử dụng mã loại hình nào?

- Hàng hóa DNCX nhập khẩu để làm quà tặng cho nhân viên (vd: tặng Giầy, dép cho công nhân ...)

HQ Tây Ninh; HQ Bình Dương.

Mã loại hình E13-Nhập khẩu hàng hóa khác vào DNCX sử dụng trong trường hợp hàng hóa khác chỉ sử dụng trong DNCX (thuộc đối tượng không chịu thuế).

- Trường hợp DNCX mua hàng hóa (đồng phục, giầy dép ...) để cung cấp hoặc làm quà tặng cho công nhân viên sử dụng loại hình A11.

- Trường hợp DNCX nhập khẩu hàng mẫu, hàng hóa phục vụ nghiên cứu phát triển sản phẩm không nhằm mục đích kinh doanh nếu chỉ sử dụng trong DNCX, thuộc đối tượng không chịu thuế thì sử dụng mã loại hình E13. Các trường hợp còn lại sử dụng loại hình H11, DNCX nộp đủ các khoản thuế, hoàn thành đầy đủ chính sách quản lý hàng hóa.

- Trường hợp DNCX gửi quà biếu, quà tặng từ nước ngoài cho nhân viên, không nhằm mục đích thương mại, DNCX nộp đủ các khoản thuế, hoàn thành đầy đủ chính sách quản lý hàng hóa thì sử dụng mã loại hình H11.

III. Ý kiến khác

Stt

Vướng mắc, đề xuất

Đơn vị

Hướng dẫn

1.

Mã loại hình hàng hóa xuất khẩu theo quyền xuất khẩu của DNCX khi mua hàng hóa của DNCX khác để xuất khẩu:

Tại Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai phát sinh trường hợp:

- 2 DNCX là Công ty TNHH Tombow Việt Nam (tại Bình Dương), Công ty TNHH Văn phòng phẩm Tombow Việt Nam (tại TP.Hồ Chí Minh) sản xuất và xuất khẩu hàng hóa là Bút xóa cho Công ty TNHH Tombow Manufacturing Asia tại Đồng Nai theo loại hình E42 (Xuất khẩu sản phẩm của DNCX). Hàng hóa phần lớn khai báo “xuất xứ Việt Nam”.

- Công ty TNHH Tombow Manufacturing Asia tại Đồng Nai mở TK hải quan nhập khẩu Bút xóa trên theo loại hình A41 (Nhập kinh doanh theo quyền nhập khẩu của DN đầu tư nước ngoài), kê khai và nộp thuế nhập khẩu, thuế GTGT theo quy định.

- Công ty TNHH Tombow Manufacturing Asia tại Đồng Nai tập trung hàng hóa là Bút xóa đã nhập khẩu theo TK A41 nêu trên và mở tờ khai xuất khẩu để xuất trực tiếp hàng hóa ra nước ngoài cho khách hàng.

Căn cứ điểm c.2 Khoản 3 Điều 77 Thông tư số 38/2015/TT-BTC, sửa đổi tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC, quy định:

3. Thủ tục hải quan thực hiện theo quy định tại Chương II Thông tư này. Ngoài ra, Bộ Tài chính hướng dẫn thêm việc thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu của DNCX như sau:...

c.2) Hàng hóa mua từ DNCX khác để xuất khẩu, khi mua từ DNCX thực hiện thủ tục như doanh nghiệp nội địa mua hàng hóa của DNCX, khi xuất khẩu làm thủ tục như đối với hàng hóa xuất khẩu kinh doanh; thực hiện kê khai, tính thuế (nếu có).

Trường hợp này, Cục HQ tỉnh Đồng Nai có vướng mắc và đã báo cáo TCHQ tại công văn số 2005/HQĐNa-TXNK ngày 12/10/2018 và Tổng cục đã trả lời Cục HQ tỉnh Đồng Nai tại công văn số 6467/TCHQ-TXNK ngày 02/11/2018. Tuy nhiên, công văn số 6467/TCHQ-TXNK trước thời điểm hiệu lực của Nghị định số 18/2021/NĐ-CP ngày 11/03/2021 của Chính phủ và Quyết định số 1357/QĐ-TCHQ ngày 18/05/2021 của Tổng cục Hải quan.

Đề xuất: Trường hợp này, do DNCX khi nhập khẩu sản phẩm từ DNCX khác đã thực hiện quyền nhập khẩu, mở tờ khai nhập khẩu theo loại hình A41 và bản chất của loại hình A41, B11, B13 của Quyết định số 1357 và công văn 2765 là tương tự nhau. Vì vậy, Cục HQ tỉnh Đồng Nai kiến nghị khi xuất khẩu hàng hóa trong trường hợp này, sử dụng mã loại hình B13 để khai báo.

HQ Đồng Nai

Trên cơ sở báo cáo của Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai và hướng dẫn tại quyết định số 1357/QĐ-TCHQ thì trường hợp Công ty TNHH Tombow Manufacturing Asia tại Đồng Nai đã nhập khẩu hàng hóa theo quyền nhập khẩu từ DNCX, nay xuất khẩu hàng hóa này (chưa qua gia công, chế biến) theo quyền xuất khẩu thì sử dụng mã loại hình B13.

2.

Vướng mắc về tờ khai nhập khẩu tại chỗ để sản xuất hàng xuất khẩu:

- Theo hướng dẫn tại Công văn 2687/TCHQ-TXNK ngày 01/6/2021 thì hàng nhập khẩu tại chỗ khai mã loại hình A12 (nhập kinh doanh sản xuất) hoặc A11 (nhập kinh doanh tiêu dùng), kê khai nộp thuế nhập khẩu. Vậy DN nhập SXXK khai báo loại hình A12 nộp thuế nhập khẩu thì DN có kê khai nộp thuế GTGT không hay khai mã VK120 đối với trường hợp nhập sản xuất xuất khẩu tại chỗ? Trường hợp DN nội địa NK tại chỗ từ DNCX và khu phi thuế quan, thì xử lý chính sách thuế như thế nào?

- Theo Quyết định 1357/QĐ-TCHQ Mã loại hình E31 được áp dụng cho cả trường hợp “Nhập tại chtheo chỉ định của thương nhân nước ngoài”. Tuy nhiên, tại Công văn 2687/TCHQ-TXNK hướng dẫn chung: sản phẩm nhập khu tại chỗ đăng ký theo loại hình khác (không phải loại hình GC), người nộp thuế sử dụng mã loại hình A12 hoặc A11.

Như vậy, có sự chưa thống nhất giữa 2 văn bản trên, đề nghị TCHQ hướng dẫn thống nhất loại hình NK tại chỗ và đối với trường hợp DN nhập SXXK từ khu phi thuế quan sẽ thực hiện mã loại hình E31 hay A12 và chính sách thuế áp dụng đối với hàng hóa nhập SXXK từ khu phi thuế quan.

Đề xuất:

Căn cứ Điều 12 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP của Chính phủ, được sửa đổi bổ sung tại Khoản 6 Điều 1 Nghị định số 18/2021/NĐ-CP; Thông tư số 219/2013/TT-BTC và các thông tư hướng dẫn thi hành Luật thuế GTGT thì nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu theo hợp đồng sản xuất, gia công xuất khẩu ký kết với bên nước ngoài thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT mà không phân biệt xuất nhập khẩu tại chỗ hay nước ngoài. Mặt khác, theo quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP thì hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ bao gồm: “Hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam và được thương nhân nước ngoài chỉ định giao, nhận hàng hóa với doanh nghiệp khác tại Việt Nam”.

Trường hợp DN nội địa nhập khẩu hàng hóa tại chỗ các loại hình xuất E52, E42, E62, B11... từ DNCX, khu phi thuế quan do bên nước ngoài chỉ định giao để phục vụ sản xuất hàng XK có thể hướng dẫn doanh nghiệp sử dụng mã loại hình E31 (sử dụng mã miễn giảm XN210 đối với thuế nhập khẩu và mã miễn giảm VK120 đối với thuế GTGT nếu doanh nghiệp đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 134/2016/NĐ-CP) không?

HQ Cần Thơ, HQ Bà Rịa Vũng Tàu, HQ Hà Nam Ninh, HQ Bình Phước, HQ Khánh Hòa, HQ Long An

Căn cứ khoản 7 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 quy định miễn thuế nhập khẩu đối với: “Nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu”.

Căn cứ khoản 20 Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 quy định: “...nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu theo hợp đồng sản xuất, gia công xuất khẩu ký kết với bên nước ngoài” thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.

Căn cứ khoản 5 Điều 30 Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định: “Quan hệ trao đổi hàng hóa giữa các khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất với các khu vực khác trên lãnh thổ Việt Nam, không phải khu phi thuế quan, là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu trừ các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này và các trường hợp không làm thủ tục hải quan do Bộ Tài chính quy định”

Căn cứ điểm h khoản 2 Điều 12 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 1 Nghị định số 18/2021/NĐ-CP quy định: “Sản phẩm nhập khẩu tại chỗ đăng ký tờ khai hải quan theo loại hình nhập gia công được miễn thuế nhập khẩu nếu người nhập khẩu tại chỗ đáp ứng quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều 10 Nghị định này. Sản phẩm nhập khẩu tại chỗ đăng ký tờ khai hải quan theo loại hình khác thì người nhập khẩu tại chỗ kê khai, nộp thuế theo mức thuế suất và trị giá tính thuế của sản phẩm nhập khẩu tại thời điểm đăng ký tờ khai.

Trường hợp người nhập khẩu tại chỗ đã nộp thuế nhập khẩu hàng hóa để sản xuất kinh doanh, đã đưa sản phẩm nhập khẩu tại chỗ vào sản xuất hàng hóa xuất khẩu và thực tế đã xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài hoặc vào khu phi thuế quan thì được hoàn thuế nhập khẩu đã nộp theo quy định tại Điều 36 Nghị định này.”

Căn cứ quy định nêu trên thì trường hợp doanh nghiệp chế xuất bán hàng cho tổ chức, cá nhân nước ngoài nhưng được tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ định giao hàng cho doanh nghiệp nội địa thông qua hợp đồng mua bán giữa doanh nghiệp nội địa với doanh nghiệp nước ngoài thì hàng hóa do doanh nghiệp nội địa nhập khẩu tại chỗ từ doanh nghiệp chế xuất được miễn thuế nhập khẩu nếu đáp ứng các quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 1 Nghị định số 18/2021/NĐ-CP. Tờ khai sử dụng mã loại hình E31 - nhập nguyên liệu sản xuất xuất khẩu, được miễn thuế nhập khẩu, không chịu thuế GTGT.

Nội dung này đã được hướng dẫn tại công văn số 3487/TCHQ-TXNK ngày 12/7/2021.

3.

Thực tế phát sinh loại hình xuất khẩu của các thương nhân (hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh theo quy định của Pháp luật), xuất khẩu chủ yếu mặt hàng hoa quả, nông sản do Việt Nam sản xuất nhằm mục đích kinh doanh thương mại, sử dụng mã loại hình xuất khẩu là B11- Xuất kinh doanh. Tuy nhiên tại Quyết định số 1357/QĐ-TCHQ chưa có hướng dẫn cụ thể đối với mã loại hình hàng hóa xuất khẩu của các thương nhân (hộ kinh doanh) dẫn trên.

Kiến nghị: xem xét, bổ sung mã loại hình đối với hàng hóa xuất khẩu của các thương nhân (hộ kinh doanh) nhằm phục vụ công tác thống kê và quản lý Hải quan thuận lợi.

HQ Lạng Sơn

1. Về đối tượng là Thương nhân biên giới, theo quy định tại Nghị định 14/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 của Chính phủ thì:

- Thương nhân được thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới là thương nhân Việt Nam, bao gồm: Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, cá nhân có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật

- Hàng hóa mua bán, trao đổi qua biên giới của thương nhân phải tuân thủ quy định của Luật Quản lý ngoại thương và các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế

- Thương nhân hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật

2. Theo hướng dẫn mã loại hình B11 tại Quyết định 1357/QĐ-TCHQ ngày 18/5/2021 thì mã loại hình B11-xuất kinh doanh được áp dụng cho Doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài hoặc xuất vào khu phi thuế quan.

Do đó, đối với hàng hóa xuất khẩu là nông sản của thương nhân biên giới sẽ sử dụng loại hình B11

4.

Quyết định số 1357/QĐ-TCHQ không hướng dẫn mã loại hình đối với sản phẩm gia công chuyển tiếp.

Kiến nghị hướng dẫn doanh nghiệp sử dụng mã loại hình E52.

HQ Bà Rịa Vũng Tàu

Gia công chuyển tiếp là việc giao sản phẩm gia công theo chỉ định của bên đặt gia công để làm nguyên liệu cho một quá trình gia công khác. Do đó, trường hợp xuất sản phẩm gia công theo chỉ định của bên đặt gia công để thực hiện hợp đồng gia công khác thì sử dụng mã loại hình E52.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1478/TCHQ-GSQL năm 2022 hướng dẫn vướng mắc mã loại hình do Tổng cục Hải quan ban hành

  • Số hiệu: 1478/TCHQ-GSQL
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 26/04/2022
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Mai Xuân Thành
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/04/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản