Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12560/BTC-TCHQ
V/v triển khai thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg của TTgCP về thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19

Hà Nội, ngày 03 tháng 11 năm 2021

 

Kính gửi: Bộ Công Thương.

Trả lời công văn số 6149/BCT-XNK ngày 05/10/2021 của Bộ Công Thương về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 21/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Tài chính cung cấp thông tin như sau:

1. Đối với nhiệm vụ tại tiết a điểm 6 Chỉ thị số 26/CT-TTg

1.1. Để triển khai giải pháp tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, thông quan nhanh hàng hóa tại cửa khẩu và đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan hải quan triển khai các giải pháp tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, cụ thể:

- Tạo điều kiện và thực hiện thông quan ngay trong ngày đối với hàng hóa xuất khẩu là nông sản đến thời điểm thu hoạch chính vụ nói riêng và nông sản nói chung qua cửa khẩu biên giới; giải quyết ngay các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan xuất khẩu hàng hóa; phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trao đổi thông tin với cơ quan kiểm dịch để thực hiện nhanh chóng thủ tục cho doanh nghiệp;

- Không thực hiện việc chuyển luồng đối với hàng hóa xuất khẩu là nông sản trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật;

- Bố trí cán bộ công chức giải quyết thủ tục thông quan và giám sát hàng hóa xuất khẩu là nông sản qua cửa khẩu ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ, ngày lễ; ưu tiên, bố trí, sắp xếp các xe đã hoàn thành thủ tục thông quan hàng hóa trước được đi qua cửa khẩu sớm;

- Phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi tại cửa khẩu bố trí khu vực, địa điểm tạo điều kiện cho hàng hóa là nông sản đưa vào lưu trữ, bảo quản trong thời gian chờ xuất khẩu;

- Phối hợp với các lực lượng Biên phòng, Công an để điều tiết giao thông cho xe ra vào, không bị ùn tắc, đảm bảo an ninh trật tự, không để xảy ra tình trạng mất ổn định gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp;

- Thường xuyên trao đổi, nắm bắt thông tin về thủ tục hải quan và chính sách hàng hóa của nước nhập khẩu và tuyên truyền phổ biến cho doanh nghiệp;

- Thường xuyên kiểm tra, nắm sát tình hình thực tế, xử lý giải quyết các vướng mắc thực tế phát sinh, xử lý nghiêm khắc các trường hợp gây phiền hà cho doanh nghiệp.

1.2. Về việc phối hợp tạo thuận lợi thương mại trong bối cảnh dịch Covid-19:

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã có công thư gửi Tổng cục trưởng Hải quan Trung Quốc, trong đó thông tin cho phía Trung Quốc về các biện pháp, phối hợp kiểm soát, quản lý chặt chẽ của Việt Nam để ngăn chặn dịch lây lan. Bên cạnh đó, Hải quan Việt Nam cũng đề xuất hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác trao đổi thông tin về các lô hàng, thông tin sớm đối với nhưng thay đổi về chính sách thuế, chính sách mặt hàng, tăng cường hợp tác chống buôn lậu, gian lận thương mại. Hải quan Việt Nam cũng đề nghị phía Hải quan Trung Quốc tạo thuận lợi cho nông sản Việt Nam tiếp cận thị trường Trung Quốc, tạo thuận lợi về thủ tục hải quan, đồng thời đề nghị bạn sớm cho ý kiến đối với việc ký kết Hiệp định hợp tác hỗ trợ hành chính trong lĩnh vực hải quan cấp Chính phủ để thay thế Thỏa thuận hợp tác hải quan giữa Tổng cục Hải quan hai nước đã ký năm 1993.

Cục Hải quan các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh có thư trao đổi trực tiếp với Hải quan Nam Ninh thông báo về các biện pháp quản lý của Chính phủ Việt Nam nói chung và Hải quan Việt Nam nói riêng đảm bảo không để dịch Covid-19 lây lan và đề nghị Hải quan Nam Ninh tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hàng hóa Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc, đặc biệt là hàng nông thủy sản theo tinh thần các văn bản hợp tác đã ký kết giữa hai bên, đề nghị Trung Quốc phối hợp tăng thời gian thông quan hàng hóa, phối hợp giải quyết về thủ tục hải quan để nhanh chóng tháo gỡ giải tỏa ách tắc cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

2. Đối với nhiệm vụ tại tiết b điểm 6 Chỉ thị số 26/CT-TTg

2.1. Các chính sách hỗ trợ giống (cây trồng, vật nuôi, thủy sản) khi gặp khó khăn do dịch bệnh, thiên tai bao gồm hỗ trợ cho hộ sản xuất chịu ảnh hưởng trực tiếp do thiên tai, dịch bệnh; hỗ trợ người tham gia phòng chống dịch bệnh; chi phí tiêu hủy gia súc, gia cầm mắc bệnh hoặc trong vùng dịch phải tiêu hủy; chi phí hóa chất các loại để khử trùng, tiêu độc, vệ sinh chuồng trại, môi trường; kinh phí tuyên truyền, kiểm tra, chỉ đạo,… đã được quy định cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, áp dụng thống nhất trong phạm vi cả nước. Cụ thể:

- Quyết định số 309/2005/QĐ-TTg ngày 26/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch cúm gia cầm; Quyết định số 132/2007/QĐ-TTg ngày 15/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung, sửa đổi một số điều tại Quyết định số 309/2005/QĐ-TTg ngày 26/11/2005;

- Quyết định số 738/QĐ-TTg ngày 18/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch lở mồm long móng ở gia súc;

- Quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 15/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch tai xanh ở lợn;

- Quyết định số 719/QĐ-TTg ngày 05/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch gia súc, gia cầm và Quyết định số 1442/QĐ-TTg ngày 23/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 719/QĐ-TTg ngày 5/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ.

- Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

- Quyết định số 793/QĐ-TTg ngày 27/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống dịch bệnh Dịch tả lợn Châu phi năm 2019; Quyết định số 2254/QĐ-TTg ngày 30/12/2020 về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống dịch bệnh Dịch tả lợn Châu phi năm 2020.

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, trên cơ sở báo cáo kết quả thực hiện chính sách của địa phương, Bộ Tài chính xem xét, hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho các địa phương để thực hiện theo đúng chế độ quy định.

2.2. Đến nay, Bộ Tài chính chưa nhận được đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về chính sách hỗ trợ giống (cây trồng, vật nuôi, thủy sản) cho nông dân để khôi phục sản xuất tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg. Vì vậy, Bộ Tài chính chưa có cơ sở tham gia đối với nội dung này.

Trên đây là ý kiến của Bộ Tài chính, đề nghị Bộ Công Thương tổng hợp./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng Hồ Đức Phớc;
- Vụ NSNN, HCSN;
- Lưu: VT, TCHQ (6b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Vũ Thị Mai

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 12560/BTC-TCHQ năm 2021 triển khai thực hiện Chỉ thị 26/CT-TTg về thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 12560/BTC-TCHQ
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 03/11/2021
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Vũ Thị Mai
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 03/11/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản