Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG THƯƠNG
TỔNG CỤC NĂNG LƯỢNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1053/TCNL-KHCN
V/v kim tra nhà nước về mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và dán nhãn năng ợng

Hà Nội, ngày 26 tháng 04 năm 2016

 

Kính gửi: Tổng cục Hải quan

Trả lời Công văn số 1787/TCHQ-GSQL ngày 11 tháng 3 năm 2016 của Tổng cục Hải quan về việc dán nhãn năng lượng và kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu kèm theo Công văn số 42/KHCN-CNN ngày 06 tháng 01 năm 2016 của Bộ Khoa học và Công nghệ trả lời Công ty HP Châu Á - Thái Bình Dương về thời hạn của phiếu thử nghiệm hiệu suất năng lượng; Sau khi nghiên cứu nội dung, Tổng cục Năng lượng có ý kiến như sau:

1. Về việc kiểm soát các phương tiện, thiết bị phải thực hiện dán nhãn năng lượng

Điều 39 Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các văn bản dưới luật quy định: "Phương tiện, thiết bị thuộc Danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng phải được dán nhãn trước khi đưa ra thị trường"; Khoản 3, Điều 3 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Nghị định 185) quy định: "Hàng hóa lưu thông trên thị trường gồm hàng hóa bày bán, vận chuyển trên đường, để tại kho, bến i, tại cơ sở sản xuất, kinh doanh hoặc địa điểm khác"; Nghị định 185 có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2014.

Thông quan là khâu cuối cùng trước khi hàng hóa được đưa ra lưu thông trên thị trường. Do vậy, các phương tiện, thiết bị thuộc danh mục phương tiện, thiết bị thuộc danh mục dán nhãn năng lượng cần phải được đăng ký dán nhãn năng lượng trước khi thông quan mới đủ điều kiện để nhập khẩu vào Việt Nam.

Vai trò của Bộ Tài chính về việc chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn thủ tục nhập khẩu phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng và áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu cũng đã được quy định tại điểm b, khoản 4, Điều 5 của Quyết định số 51/2011/QĐ-TTg ngày 12 tháng 9 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện.

Để tăng cường hiệu lực của Chương trình dán nhãn năng lượng và kiểm soát hiệu suất năng lượng tối thiểu đối với các chủng loại hàng hóa thuộc danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng và áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu, Tổng cục Năng lượng đề nghị Tổng cục Hải quan phối hợp với Tổng cục Năng lượng trong việc quản lý, giám sát việc tuân thủ quy định dán nhãn năng lượng tại thời điểm doanh nghiệp thực hiện thủ tục nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu hải quan.

2. Về nội dung thời hạn hiệu lực, giá trị sử dụng của phiếu thử nghiệm hiệu suất năng lượng tối thiểu của hàng hóa nhập khẩu theo lô

Căn cứ Quyết định số 51/2011/QĐ-TTg, Bộ Công Thương thực hiện quản lý chuyên ngành theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật cũng như các văn bản hướng dẫn gồm Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12 tháng 12 năm 2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật (Thông tư 28).

Theo đó, việc đánh giá chất lượng sản phẩm dược thực hiện theo một trong 08 phương thức quy định tại Thông tư 28. Nội dung và cách thức kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa được thực hiện qua nhiều bước như lấy mẫu kiểm tra ngẫu nhiên trên thị trường, kiểm tra quy trình sản xuất..., tần suất lấy mẫu, cách thức lấy mẫu và số lượng mẫu kiểm tra do cơ quan chức năng chuyên ngành thực hiện theo quy định tại TCVN 7790:2007/ ISO 2859:1999 Quy trình lấy mẫu kiểm tra định tính (tương tự như hàng hóa của Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường nước ngoài phải kiểm tra chuyên ngành do nước nhập khẩu áp dụng).

Đối với hàng hóa nhập khẩu theo lô, Bộ Công Thương hiện đang áp dụng đánh giá hiệu suất năng lượng cho các thiết bị phải dán nhãn năng lượng và các thiết bị phải kiểm soát mức hiệu suất năng lượng tối thiểu theo Phương thức 7 quy định tại Thông tư 28. Để đảm bảo tính đại diện của chất lượng lô hàng, mẫu kiểm tra phải được lấy theo các quy trình lấy mẫu chuẩn bao gồm phương pháp lấy mẫu, số lượng mẫu và cách thức lấy mẫu theo quy định tại TCVN 7790: 2007/ ISO 2859 : 1999. Việc sử dụng kết quả thử nghiệm để đánh giá chất lượng lô hàng được ghi rõ tại Thông tư 28: “Kết luận về sự phù hợp chỉ có giá trị cho lô sản phẩm, hàng hóa cụ thể” hoặc tại điểm 3.1.15 TCVN 7790: 2007/ ISO 2859 : 1999: định nghĩa Mẫu: là “Tập hợp một hay nhiều cá thể được lấy ra từ một lô và nhằm để cung cấp thông tin về lô đó.".

Trên thực tế, nếu sử dụng kết quả thử nghiệm hiệu suất năng lượng của một sản phẩm để áp dụng cho tất cả các lô hàng hóa nhập khẩu đối với sản phẩm đó sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp có khả năng gian lận thương mại khi chọn các sản phẩm tốt, có hiệu suất cao để đăng ký chứng nhận hiệu suất năng lượng nhưng không đảm bảo chất lượng cho các lô hàng tiếp theo.

Do đó việc sử dụng phiếu thử nghiệm không giới hạn thời gian để áp dụng cho mọi lô hàng là không có cơ sở và không phù hợp với quy định của Thông tư 28 và Tiêu chuẩn TCVN 7790-1:2007/ISO 2859-1: 2009.

Thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, Tổng cục Năng Iượng đề nghị thống nhất trong việc áp dụng thời hạn hiệu lực, giá trị sử dụng của phiếu thử nghiệm hiệu suất năng lượng đối với phương tiện, thiết bị áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu nhập khẩu theo lô là 06 tháng, bằng với thời gian hiệu lực của phiếu thử nghiệm các phương tiện thiết bị dán nhãn năng lượng quy định tại điểm e, khoản 2, Điều 8 Thông tư 07/2012/TT-BCT ngày 04 tháng 4 năm 2012 của Bộ Công Thương quy định dán nhãn năng lượng cho các phương tiện thiết bị sử dụng năng lượng.

Trên cơ sở đó, đề nghị Tổng cục Hải quan cho phép doanh nghiệp thông quan các lô hàng hóa nhập khẩu có cùng chủng loại, nhà sản xuất và cùng xuất xứ khi doanh nghiệp đã có một trong hai giấy tờ sau: (i) Phiếu thử nghiệm hiệu suất năng lượng của sản phẩm, trong đó xác nhận hiệu suất năng lượng của sản phẩm bằng hoặc cao hơn mức hiệu suất năng lượng tối thiểu do Phòng thử nghiệm được Bộ Công Thương chỉ định tiến hành, Phiếu thử nghiệm hợp lệ có giá trị trong vòng 06 tháng; hoặc (ii) Quyết định chứng nhận nhãn năng lượng có thời hạn phù hợp do Bộ Công Thương cấp.

Tổng cục Năng Iượng đề nghị Tổng cục Hải quan hướng dẫn bổ sung Công văn số 1786/TCHQ-GSQL ngày 11 tháng 3 năm 2016 (Công văn 1786) về việc sử dụng Quyết định dán nhãn năng lượng của Bộ Công Thương trong thông quan hàng hóa và kiểm soát mức năng lượng tối thiểu của các sản phẩm hàng hóa do nội dung này không được đề cập trong Công văn số 1786, vì vậy có thể dẫn đến các cách hiểu khác nhau trong quá trình áp dụng thực hiện, gây ra khó khăn cho doanh nghiệp.

3. Về nội dung thông tin trên mẫu phiếu thử nghiệm về mức hiệu suất năng lượng và quy định đánh giá chứng nhận tại nơi sản xuất hàng hóa về việc bổ sung thông tin trên mẫu phiếu thử nghiệm mức hiệu suất năng lượng của sản phẩm hàng hóa, Tổng cục Năng lượng đồng ý với đề nghị của Tổng cục Hải quan và sẽ ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị thử nghiệm hiệu suất năng lượng để ghi rõ hiệu suất năng lượng của sản phẩm hàng hóa được thử nghiệm có đạt mức hiệu suất năng lượng tối thiểu theo tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành hay không. Tuy nhiên, các mức hiệu suất năng lượng sẽ được điều chỉnh theo thời gian cho phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước trong từng thời kỳ, vì vậy đề nghị Tổng cục Hải quan lưu ý vấn đề thời hạn của phiếu thử nghiệm.

Theo quy định của Luật Tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, việc kiểm tra, giám sát chất lượng hàng hóa tại nhà máy sản xuất do cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đối với chủng loại hàng hóa đó thực hiện. Đây không phải chức năng của của đơn vị thử nghiệm. Do đó, đề nghị cơ quan Hải quan căn cứ Quyết định chứng nhận dán nhãn năng lượng của Bộ Công Thương cấp cho doanh nghiệp đã được chứng nhận tại nhà máy sản xuất để thực hiện các thủ tục thông quan hàng hóa.

4. Về việc ban hành Văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hiệu suất năng lượng tối thiểu, Tổng cục Năng lượng sẽ nghiên cứu tiếp thu để đưa vào Văn bản quy phạm pháp luật cao hơn mức Thông tư trong thời gian tới.

Trên đây là ý kiến của Tổng cục Năng lượng về việc phối hợp kiểm soát thực hiện áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và dán nhãn năng lượng, để Tổng cục Hải quan thống nhất hướng dẫn áp dụng tại các Cục Hải quan tỉnh, thành phố./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Thứ trưởng Cao Quốc Hưng (để b/c);
- Tổng cục trưởng (để b/c);
- Bộ Khoa học và Công nghệ;
- Lưu: VT, KHCN.

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Đỗ Đức Quân

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1053/TCNL-KHCN năm 2016 kiểm tra nhà nước về mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và dán nhãn năng lượng do Tổng cục Năng lượng ban hành

  • Số hiệu: 1053/TCNL-KHCN
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 26/04/2016
  • Nơi ban hành: Tổng cục Năng lượng
  • Người ký: Đỗ Đức Quân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản