Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 462-TTg

Hà Nội, ngày 11 tháng 9 năm 1993

 

CHỈ THỊ

VỀ QUẢN LÝ CHẶT CHẼ VIỆC KHAI THÁC, VẬN CHUYỂN VÀ XUẤT KHẨU GỖ 

Để khắc phục những tồn tại sơ hở trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, khai thác, vận chuyển và xuất khẩu gỗ thời gian qua, nhằm tiếp tục thực hiện một cách kiên quyết, triệt để Chỉ thị số 90-CT ngày 19-3-1992 và Chỉ thị số 283-TTg ngày 14-6-1993 của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị thực hiện một số chủ chương biện pháp như sau:

1. Về việc quản lý, bảo vệ rừng và khai thác gỗ.

a) Bộ Lâm nghiệp phải rà soát và hệ thống lại toàn bộ văn bản, các quy định của Nhà nước từ trước đến nay về lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng (kể cả luật, pháp lệnh, nghị định...), nếu thấy các văn bản, quy định đó còn thiếu hoặc có sơ hở thì phải soạn thảo ngay văn bản trình Quốc hội và Chính phủ ban hành. Trước mắt, cần thực hiện ngay những việc sau đây:

- Ra lệnh đóng ngay cửa rừng đối với các loại rừng sau: Rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng trên núi đá, rừng nghèo phải khoanh nuôi để xúc tiến tái sinh. Chỉ đạo các địa phương khẩn trương khoanh định địa điểm, diện tích, phạm vi danh giới cụ thể của từng khu rừng này. Đồng thời phải ban hành ngay quy chế quản lý, bảo vệ đối với từng loại rừng và công bố công khai để mọi người dân đều biết và thực hiện nghiêm túc.

- Đối với rừng sản xuất kinh doanh được phép khai thác, cũng phải quy định chặt chẽ vị trí được khai thác của chủng loại gỗ, sản lượng gỗ, lâm sản lấy ra hàng năm; quy trình, quy phạm khai thác và chế độ thanh tra phục hồi rừng sau khai thác. Mọi trường hợp khai thác trái với quy định, quy trình, quy pháp, phải xử lý nghiêm khắc.

- Cùng với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước rà soát và trình Chính phủ điều chỉnh lại chỉ tiêu khai thác gỗ của năm 1993 và kể từ năm 1994 trở đi, phải quán triệt tinh thần là hạn chế khai thác gỗ, tiết kiệm sử dụng gỗ và bảo vệ được rừng.

- Chỉ đạo và kiểm tra chặt chẽ các địa phương. Đơn vị thực hiện nghiêm túc các quy định về việc công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Từ nay địa phương nào, đơn vị nào để xẩy ra cháy rừng, phá rừng thì trước hết Chủ tịch Uỷ ban nhân dân địa phương hoặc Thủ trưởng đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước về hậu quả xẩy ra. Mọi trường hợp cháy rừng, phá rừng đều phải điều tra, tìm rõ nguyên nhân và thủ phạm để xử lý nghiêm khắc và kịp thời.

b) Uỷ ban Dân tộc và Miền núi có trách nhiệm phối hợp với Bộ Lâm nghiệp và các ngành có liên quan chỉ đạo, kiểm tra chặt chẽ công tác tổ chức và vận động định canh, định cư đối với đồng bào dân tộc thiểu số còn du canh, du cư. Ngay từ những tháng cuối năm 1993 trở đi phải sử dụng tập trung và có hiệu quả nguồn vốn của Nhà nước dành cho công tác này trước hết để trợ cấp cho đồng bào có đủ lương thực sinh sống (bằng tiền hoặc bằng gạo), chỉ đạo chuyển số đồng bào này từ phát nương làm rẫy sang làm nhiệm vụ bảo vệ rừng. Nhà nước bảo đảm có đủ lương thực cho các địa phương để bán hoặc cấp cho đồng bào, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nơi có đồng bào du canh du cư) có trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt việc định cư ổn định lâu dài và có cuộc sống tốt hơn cho đồng bào.

c) Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ra lệnh nghiêm cấm việc chặt cây rừng làm củi hoặc đốt lấy than để bán. Từ nay, coi việc chặt phá cây rừng để buôn bán củi, than củi là phạm pháp; phải kiên quyết tịch thu và xử lý nghiêm theo pháp luật (không kể củi được phép tận thu củi khô, cành ngọn trong rừng tự nhiên hoặc tận thu sau khi khai thác rừng, tỉa thưa rừng trồng và vườn rừng gia đình). Đối với những người không có công ăn việc làm, đời sống khó khăn phải vào rừng chặt cây lấy củi bán hoặc đốt lấy than bán, thì Uỷ ban nhân dân địa phương phải sắp xếp giải quyết việc làm cho họ. Thậm chí trong trường hợp đặc biệt có thể xét trợ cấp để họ sinh sống. Đối với những người có nguồn thu nhập khác hoặc chuyển nghề buôn bán củi và than củi thì kiên quyết cấm. Các cơ quan tuyên truyền giáo dục có trách nhiệm thường xuyên tuyên truyền, giáo dục rộng rãi vấn đề này trên các phương tiện thông tin đại chúng để các tầng lớp nhân dân hiểu và tự giác thực hiện. Bộ Năng lượng và Bộ Xây dựng có trách nhiệm nghiên cứu trình Chính phủ các biện pháp và chính sách khuyến khích mọi người, mọi nơi dùng than đá thay củi và đáp ứng thoả mãn nhu cầu về than đá dủ đun nấu của dân và nhiên liệu để nung gạch, ngói, sành, sứ, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng củi để đun đốt bừa bãi như lâu nay.

2. Về việc vận chuyển gỗ:

Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm:

- Đề ra các chế độ, quy tắc v.v... nghiêm cấm các phương tiện vận tải vận chuyển gỗ quá tải đang phá hại nghiêm trọng các cầu, đường nhất là vào các thành phố; trước mắt là cấm các xe quá khổ, xe có tải trọng vượt quá giới hạn cho phép nhất là xe ben trở gỗ trên các quốc lộ và vào thành phố. Mọi trường hợp vi phạm phải được lập biên bản ngay và xử lý nghiêm khắc (kể cả việc tịch thu toàn bộ phương tiện và hàng hoá). Xác định rõ trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương (tỉnh, thành phố trong việc xử lý các vụ vi phạm.

- Lập sớm các trạm kiểm tra tải trọng và khổ hàng trở trên xe của các loại xe có tải trọng lớn và xe bánh xích hoạt động trên đường bộ và quy chế thực hiện việc này. Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng và các địa phương có liên quan có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải tổ chức ngay các trạm cân xe để ngăn cấm các phương tiện vận chuyển quá tải, quá khổ, nhưng không được ảnh hưởng đến việc tự do lưu thông hàng hoá hợp pháp. Trước mắt, Bộ Giao thông vận tải soạn thảo trình Chính phủ ban hành bổ sung những quy định cần thiết về vận chuyển gỗ và việc thành lập hoặc khôi phục lại các trạm cân xe ở những địa điểm, khu vực cần thiết.

3. Về việc quá cảnh gỗ:

- Chỉ thị số 90-CT ngày 19-3-1992 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định cụ thể về quá cảnh gỗ của các nước bạn, các địa phương, đơn vị phải nghiêm túc thực hiện, cụ thể là: Mọi trường hợp xin quá cảnh gỗ phải do Chính phủ nước bạn chính thức có công hàm đề nghị và được Chính phủ Việt Nam chấp thuận mới được thực hiện. Trong cam kết phải nói rõ xin quá cảnh loại gỗ gì, số lượng bao nhiêu, đi qua cửa khẩu nào và xuất ở cảng nào. Nghiêm cấm các ngành, địa phương, đơn vị tự tiện ký hợp đồng để làm dịch vụ quá cảnh gỗ cho bạn trước khi được Chính phủ chấp thuận.

Các Bộ Lâm nghiệp, Thương mại, Tổng cục Hải quan phải tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc này, tránh mọi sự lợi dụng làm sai.

4. Về việc gỗ nhập khẩu:

Mọi trường hợp nhập khẩu gỗ, kể cả trường hợp phía bạn trả nợ nhất thiết phải theo đúng hiệp định hoặc hợp đồng ký kết giữa hai bên đã được Chính phủ hoặc Bộ chủ quản hai nước chấp thuận. Trong trường hợp không đúng với hiệp định hoặc hợp đồng ký kết, thì Chính phủ nước bạn phải có văn bản chính thức đề nghị Chính phủ Việt Nam cho nhập.

Việc sử dụng gỗ nhập khẩu phải theo đúng quy định như đối với gỗ trong nước.

5. Về xuất khẩu gỗ:

a) Nhà nước tiếp tục nghiêm cấm xuất khẩu các loại gỗ tròn, gỗ xẻ, gỗ ván sàn sơ chế và song nguyên liệu kể cả việc tái xuất các loại gỗ và song nói trên. Ngoài ra, từ nay, Nhà nước còn nghiêm cấm xuất khẩu các loại sản phẩm chế biến từ gỗ (kể cả gỗ thường và gỗ quý, hiếm) mà bên bán ngụy trang dưới các hình thức để xuất khẩu lậu và bên mua có thể lợi dụng để làm nguyên liệu. Chỉ cho phép xuất khẩu các loại sản phẩm gỗ thường và qua tinh chế (kể cả đơn chiếc và đồng bộ) với hình khối, kích thước, v. v... mà bên mua không thể lợi dụng được. Riêng đối với gỗ quý, hiếm thuộc nhóm IIA quy định tại Nghị định số 18-HĐBT ngày 17-3-1992 thì chỉ cho xuất khẩu các sản phẩm là hàng thủ công mỹ nghệ mà tiêu hao ít nguyên liệu và bên mua không thể lợi dụng làm nguyên liệu được, hoặc những sản phẩm có ý nghĩa về văn hoá, nghệ thuật với số lượng hạn chế và có giá trị xuất khẩu cao, nhưng phải được Thủ tướng Chính phủ quyết định và uỷ quyền cho cơ quan chức năng cho phép.

Bộ Lâm nghiệp có trách nhiệm phối hợp với các ngành có liên quan khẩn trương trình Chính phủ ban hành trong tháng 10 năm 1993 danh mục các loại sản phẩm bằng gỗ, song, mây được phép chế biến để xuất khẩu theo tinh thần nói trên kể cả sản phẩm là bao bì hàng hoá xuất khẩu, để thay cho danh mục sản phẩm quy định tại Thông tư số 9-LB ngày 18-5-1992 của liên Bộ Lâm nghiệp, Thương mại và Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước.

b) Giao cho Bộ Lâm nghiệp chủ trì cùng với Bộ Thương mại, Tổng cục Hải quan, Ban chỉ đạo quản lý thị trường Trung ương và các ngành có liên quan thành lập ngay các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, xác định rõ nguồn gốc các loại gỗ còn tồn đọng tại các bến cảng, nhà ga và có kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về biện pháp xử lý sai phạm.

c) Đối với các sản phẩm bằng gỗ đã qua chế biến (kể cả gỗ lạng, gỗ thường và gỗ quý hiếm) mà còn tồn đọng từ trước đến nay, hướng xử lý như sau:

- Đối với các loại sản phẩm bằng gỗ quý, hiếm (kể cả gỗ Pơmu) nếu thực sự đã qua chế biến thuộc nhóm mặt hàng A, B quy định tại Thông tư số 9-LB ngày 18-5-1992; đã có sản phẩm trong kho, đã ký hợp đồng với nước ngoài và được cấp giấy phép từ trước khi có công điện số 69 ngày 18-3-1993 thì Bộ Thương mại phối hợp với Bộ Lâm nghiệp, Tổng cục Hải quan kiểm tra, xác nhận trình Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết từng trường hợp cụ thể như đã quy định tại Chỉ thị số 283-TTg ngày 14-6-1993 của Thủ tướng Chính phủ. Thời hạn giải quyết cho xuất loại sản phẩm này chậm nhất là ngày 31-10-1993 phải chấm dứt.

- Đối với các sản phẩm bằng gỗ quý, hiếm thuộc nhóm mặt hàng C, D và với các sản phẩm bằng gỗ thông thường đã qua chế biến theo quy định tại Thông tư số 9-LB ngày 18-5-1992, nếu thực sự đã có sản phẩm trong kho, đã ký hợp đồng với nước ngoài thì giao cho Bộ Thương mại phối hợp với Bộ Lâm nghiệp xem xét giải quyết cho xuất hết số sản phẩm tồn kho đó; thời hạn giải quyết cho xuất hết số sản phẩm này chậm nhất là ngày 31-12-1993 phải chấm dứt.

Sau các thời hạn quy định nói trên các ngành, địa phương, đơn vị phải huỷ bỏ mọi trường hợp xuất khẩu các sản phẩm gỗ trái với các quy định nói trên.

- Đối với những sản phẩm tuy đã qua chế biến nhưng không đúng với quy định của Thông tư số 9-LB ngày 18-5-1992 thì giữ lại và xử lý nghiêm khắc.

- Đối với gỗ trồng rừng, nói chung là hạn chế xuất khẩu dưới các dạng gỗ tròn, gỗ xẻ và ván sàn sơ chế, trước hết là để bảo đảm nhu cầu trong nước. Đối với gỗ phục vụ cho nguyên liệu giấy (bạch đàn và các loại keo), thì các địa phương, đơn vị trước hết phải bảo đảm cung cấp đủ nguyên liệu cho các nhà máy và các nhu cầu khác của nhân dân địa phương. Trên cơ sở đó, Bộ Lâm nghiệp chủ trì cùng Bộ Công nghiệp nhẹ và các địa phương có gỗ bạch đàn và các loại keo quy định cụ thể về việc cho xuất khẩu gỗ bạch đàn và các loại keo dưới dạng gỗ tròn; khuyến khích xuất khẩu dưới dạng dăm, bột. Các loại gỗ khác không làm nguyên liệu giấy thì được xuất khẩu theo danh mục sản phẩm mới được quy định thay cho Thông tư số 9-LB ngày 18-5-1992.

d) Từ kế hoạch năm 1994 trở đi, Bộ Lâm nghiệp phối hợp với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước xây dựng và trình Chính phủ quyết định hạn mức gỗ dành cho chế biến để xuất khẩu với mức rất hạn chế. Bộ Thương mại chỉ được cấp giấy phép xuất khẩu đối với những sản phẩm đã được quy định trong phạm vi hạn mức cho phép.

e) Bộ Lâm nghiệp có trách nhiệm khẩn trương chỉ đạo chuyển hướng công tác chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu theo chủ trương nói trên.

Riêng đối với các xí nghiệp liên doanh chế biến gỗ với nước ngoài thì Bộ Lâm nghiệp và Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư phải rà soát lại phương án sản phẩm của các xí nghiệp liên doanh, để xử lý cụ thể, như quy định thời hạn chuyển hướng sản phẩm theo chủ trương chung; hoặc huỷ bỏ hợp đồng liên doanh; khuyến khích việc liên doanh trồng rừng. Đối với gỗ lạng (thực chất cũng là nguyên liệu), Bộ Lâm nghiệp phải quy định chặt chẽ vùng khai thác gỗ, xem xét trước hết các nhu cầu trong nước.

6. Về xử lý vi phạm:

Các vụ vi phạm về đốt phá rừng, khai thác gỗ, sử dụng gỗ trái phép và xuất khẩu lậu gỗ, v.v... đều phải được xử lý nghiêm khắc, kể cả về hành chính và truy tố trước pháp luật.

Trước mắt, Bộ Lâm nghiệp có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan pháp luật khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ các vụ vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian qua, trước hết là các vụ vi phạm nghiêm trọng để đưa ra xét xử trong thời gian tới.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 462-TTg năm 1993 về quản lý chặt chẽ việc khai thác, vận chuyển và xuất khẩu gỗ do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 462-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 11/09/1993
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Võ Văn Kiệt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 19
  • Ngày hiệu lực: 26/09/1993
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản