Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 283-TTg

Hà Nội, ngày 14 tháng 6 năm 1993

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP CẤP BÁCH ĐỂ QUẢN LÝ GỖ QUÝ, HIẾM 

Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu Bộ Lâm nghiệp, Uỷ ban nhân dân các cấp và các ngành liên quan có biện pháp đình chỉ ngay việc khai thác các loại gỗ quý, hiếm, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng, mua bán, vận chuyển và xuất khẩu các loại gỗ này. Nhưng hiện nay, tình trạng khai thác, mua bán trái phép gỗ quý, hiếm vẫn diễn ra khá nghiêm trọng và tình hình chặt cây, phá rừng nói chung vẫn chưa được ngăn chặn. Bộ Lâm nghiệp, Uỷ ban nhân dân các cấp và các ngành có liên quan chưa thường xuyên chỉ đạo chặt chẽ và tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị định số 18-HĐBT ngày 17-1-1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) và chỉ thị số 90-CT ngày 19-3-1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ). Một số địa phương, đơn vị vì lợi ích kinh tế cục bộ trước mắt cố tình khai thác gỗ dưới những hình thức trá hình như tận thu, tỉa cây v.v... để tiếp tục mua bán và xuất khẩu trái phép các loại gỗ quý, hiếm, nhất là gỗ pơmu. Nhiều địa phương buông lỏng trách nhiệm quản lý Nhà nước của mình để cho nhân dân tự do đi phát rừng làm rẫy, thậm chí chặt phá cả cây rừng trên núi đá.

Để khắc phục tình hình nói trên và nhanh chóng lập lại kỷ cương trong việc khai thác, mua bán và sử dụng gỗ, đặc biệt là gỗ quý hiếm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Lâm nghiệp, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các ngành có liên quan tiếp tục chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị định số 18-HĐBT ngày 17-1-1992 của Hội đồng Bộ trưởng, Chỉ thị số 90-CT ngày 19-3-1992 và công điện số 69 ngày 18 tháng 3 năm 1993 của Thủ tướng Chính phủ, cần tập trung thực hiện ngay một số biện pháp cấp bách sau đây:

1. Bộ Lâm nghiệp có trách nhiệm:

- Đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, xử lý đối với những tổ chức, cá nhân khai thác, vận chuyển và mua bán trái phép gỗ Pơmu và các loại gỗ quý, hiếm; báo cáo và đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về biện pháp xử lý đối với những cơ quan, địa phương, đơn vị vi phạm các chủ trương, quy định của Nhà nước về lĩnh vực này.

- Chỉ đạo các địa phương quy hoạch, xác định cụ thể phạm vi, diện tích rừng gỗ quý, hiếm tập trung, rừng núi đá để khoanh giữ, bảo vệ, đồng thời ban hành ngay quy chế kiểm soát, quản lý, bảo vệ, nuôi dưỡng đối với các loại rừng này.

- Trong tháng 6 năm 1993, phối hợp với các ngành và địa phương liên quan tiến hành đợt tổng kiểm kê các loại gỗ quý, hiếm (kể cả gỗ Pơmu) còn tồn kho trong cả nước, báo cáo và đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về hướng giải quyết đối với số gỗ tồn kho này (trừ những sản phẩm được chế biến từ gỗ Pơmu, gỗ quý, hiếm đã được cấp giấy phép xuất khẩu trước ngày có công điện số 69 ngày 18 tháng 3 năm 1993 sẽ quy định tại điểm 3 trong Chỉ thị này).

- Trên cơ sở khẩn trương sắp xếp, tổ chức lại và đổi mới trang bị kỹ thuật công nghệ các xí nghiệp chế biến gỗ và với tinh thần hết sức tiết kiệm trong tiêu dùng, tiến hành điều chỉnh kế hoạch khai thác gỗ, lâm sản năm 1993 và dự kiến kế hoạch khai thác gỗ, lâm sản các năm sau cho phù hợp (kể cả gỗ thường, gỗ quý, hiếm).

Từ nay khi có nhu cầu đặc biệt khai thác các loại gỗ quý, hiếm, thuộc nhóm IIA (quy định tại Nghị định số 18-HĐBT ngày 17-1-1992) thì Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp có trách nhiệm xem xét cụ thể và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

- Chủ trì phối hợp với Bộ Thương mại, Uỷ ban kế hoạch Nhà nước, Tổng Cục Hải quan xem xét, bổ sung, hoàn chỉnh bảng danh mục sản phẩm gỗ, song, mây xuất khẩu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 7 năm 1993 thay cho Thông tư số 9/TT/LB ngày 18-5-1992 của Liên Bộ Lâm nghiệp - Thương mại và Uỷ ban kế hoạch nhà nước.

2. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố có rừng phải ra lệnh đình chỉ ngay việc khai thác gỗ Pơmu và các loại gỗ quý hiếm khác (quy định tại Nghị định số 18-HĐBT ngày 17-1-1992 kể cả các trường hợp khai thác tận dụng, khai thác tỉa v.v...; ra lệnh cấm khai thác, chặt phá cây rừng trên núi đá, kể cả những trường hợp đã cho phép. Công bố kịp thời, công khai các lệnh nói trên, trong đó phải thông báo cụ thể địa điểm, khu vực, loài cây cấm khai thác để cho mọi tổ chức và mọi người biết và thực hiện.

Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ra lệnh cho các trạm kiểm soát (kiểm soát liên ngành, kiểm soát lâm sản) và lực lượng quản lý thị trường địa phương kiểm soát chặt chẽ việc mua bán, vận chuyển các loại gỗ quý hiếm. Các trạm kiểm soát phải thực hiện nhiệm vụ của mình một cách kiên quyết, khẩn trương, xử lý đúng pháp luật và tuyệt đối không được gây phiền hà làm ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hoá bình thường. Tất cả các loại gỗ, lâm sản, khai thác hợp pháp và có đủ hoá đơn, chứng từ hợp lệ theo quy định hiện hành được phép vận chuyển lưu thông tự do từ tỉnh này qua tỉnh khác, các địa phương không được tự ý quy định ngăn cấm. Phải tiến hành kiểm tra truy quét, bắt giữ và giải tán ngay tất cả các tụ điểm chuyên chặt phá, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ trái phép gỗ quý hiếm, các vụ vi phạm nhất thiết phải bị xử lý hành chính hoặc đưa truy tố trước pháp luật.

3. Bộ Thương mại ra lệnh đình chỉ ngay việc cấp giấy phép xuất khẩu các sản phẩm tinh chế từ gỗ quý, hiếm (kể cả gỗ Pơmu). Thuộc nhóm mặt hàng A.B quy định tại Thông tư số 9 TT/LB ngày 18-5-1992 của Liên Bộ Lâm nghiệp - Thương mại và Uỷ ban kế hoạch Nhà nước. Trước mắt, chỉ cho phép xuất khẩu các sản phẩm tinh chế từ gỗ Pơmu, gỗ quý, hiếm khác thuộc nhóm mặt hàng C,D quy định tại Thông tư số 9 TT/LB ngày 18-5-1992 của Liên Bộ Lâm nghiệp - Thương mại - Uỷ ban kế hoạch Nhà nước.

- Đối với những sản phẩm được chế biến từ gỗ Pơmu và gỗ quý, hiếm khác được cấp giấy phép xuất khẩu từ trước ngày có công điện số 69 ngày 18 tháng 3 năm 1993 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng chưa xuất khẩu được thì giao trách nhiệm cho Bộ Thương mại phối hợp với Bộ Lâm nghiệp, Tổng cục Hải quan kiểm tra cụ thể và trình ý kiến giải quyết từng trường hợp theo nguyên tắc dưới đây để Thủ tướng Chính phủ xem xét và quyết định:

+ Đã ký hợp đồng với nước ngoài, đã có sản phẩm trong kho thì cho xuất hết số hàng trong kho, sau đó chấm dứt dù chưa xuất đủ số lượng theo hợp đồng.

+ Đã ký kết hợp đồng với người nước ngoài nhưng hiện chưa sản xuất thành mặt hàng thì huỷ bỏ hợp đồng.

+ Thời hạn kết thúc việc cho phép xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ gỗ quý, hiếm quy định tại khoản này là ngày 31 tháng 8 năm 1993.

- Đối với các sản phẩm chế biến từ các loại gỗ khác không thuộc gỗ quý, hiếm quy định tại Nghị định số 18-HĐBT ngày 17-11-1992 của Hội đồng Bộ trưởng được tiếp tục xuất khẩu theo quy định của Thông tư số 9- TT/ LB ngày 18-5-1992 của Liên Bộ Lâm nghiệp - Thương mại - Uỷ ban kế hoạch Nhà nước.

Bộ Lâm nghiệp, Bộ Thương mại, Uỷ ban kế hoạch Nhà nước, Tổng cục Hải quan và các ngành có liên quan hướng dẫn, chỉ đạo và kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này theo chức năng nhiệm vụ của mình; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này trong phạm vi địa phương mình. Giao cho Bộ Lâm nghiệp chịu trách nhiệm tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị này lên Thủ tướng Chính phủ.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 283-TTg về việc thực hiện các biện pháp cấp bách để quản lý gỗ quý, hiếm do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 283-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 14/06/1993
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Võ Văn Kiệt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 16
  • Ngày hiệu lực: 29/06/1993
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản